Cách một quãng đồng

Chủ Nhật, 25/07/2021 00:10

. TỐNG PHƯỚC BẢO

 

1.

Má thẩy giỏ đệm xuống góc hiên rồi ngồi đong đưa trên cái võng đặt ngay phía hông, tay cầm nón lá quạt lia lịa. Trời thần nay hỏi nước ngọt, bây biết nhiêu hông, trăm hai một khối. Nghe mà muốn chết giấc. Vậy thì dân bỏ đồng là phải rồi. Nãy tao ngang qua ruộng cha Tám Tình, chả đốt trơ trọi. Thảo nào dân xóm dưới tản mát đi Sài Gòn. Còn bám cái xứ này nữa thì có ngày cũng chỉ cạp đất mà thôi. Má buông gọn lỏn câu nói rồi nằm ngả lưng lên cánh võng. Mấy con sẻ dao dác bay đầy trời. Nắng tháng tư đổ đồng, nóng hừng hực, bứt rứt cả xứ bưng biền.

Xuôi từ bắc An Hòa, cập mé sông Nha Mân, ngay sát cái vàm là bắt đầu vào xóm Tứ Thời. Xóm có cái tên của đám hoa dại bốn mùa vàng rực. Nắng mưa gì cây cũng ưa, cứ hết mùa bông này, lại thấy lá biếc xanh để đón một mùa mới tiếp nối. Thiên hạ khắp vùng hay bĩu môi khi gặp dân Tứ Thời. Xứ gì trời ưng, nên thuận đường phù sa bồi đắp, cây cối quanh năm mướt rượt, đồng ruộng xanh tốt bốn mùa. Năm nào cũng trúng vụ, lúa lúc lỉu, hạt chắc nịch. Xoài thơm trái to, bòn bon trĩu cành, cam sành ngọt nước, ngay cả đám ô dước bời lời cũng chịu đất mà tốt tươi để dân xứ này làm thuốc trứ danh.

Minh họa: Tào Linh

Thiên hạ phán một câu chắc mẳm, dân Tứ Thời đúng nghĩa quanh năm ăn chơi, mọi chuyện trời lo, nhà nào cũng vàng xâu. Con cái mà gả vào xóm đó, thì coi như một bước đổi đời. Mà thiên hạ nói là nói vậy, chứ gặp ngay dân Tứ Thời gộc, kiểu điển hình là má, thì y như rằng, đi đàng xa cũng ráng ngoái lại mà chêm vài câu. Ủa bây, nơi nào cũng làm cực thí mồ, dân Tứ Thời trong bưng hiu hắt, xuôi một con đò, qua được cái bắc mới ló đầu ra thị tứ chứ có phải chốn xanh đỏ đèn màu, xập xình sáng chiều mà giàu. Cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hừng đông cắm sào, tối trời còn đãi gạo. Sướng như dân thị tứ hồi nào mà bây ham. Ủa bây, bữa nào quỡn bây vào Tứ Thời sống thử năm bảy ngày bây hiểu. Xa phố thị nên nhiều cái nó thiếu thốn, cắc ca cắc củm quanh năm, sợ nước đổ phèn, sợ nước xâm mặn, sợ luôn cái giá nước ngọt từ thị tứ kéo về đồng bưng lên gấp đôi gấp ba. Giàu gì mà giàu kiểu đó, thất đức thí mồ. Má nói vậy, rồi quay gót cái rột, bỏ lại sau lưng mấy tiếng xì xào rân trời mà đi.

Bận má kể vậy cho Bế Hai nghe, Bế Hai cười ngặt nghẽo. Ai hổng biết, chứ cả cái xóm Tứ Thời luôn phải dặn nhau, chuyện gì mà tới tai má, y rằng nắng chưa lên ngọn sào, trăng chưa nhú lên cao, cả xóm biết hết. Mà ngộ kì đời là biết tánh má vậy, nhưng ai cũng thủ thỉ cho ma mấy cái chuyện từ riêng tư đến tào lao của mình. Tui nói chị Bảy nghe mà chị Bảy đừng nói ai nghe. Thiên hạ biết, chắc tui chết quá chị Bảy. Tui khổ quá chừng… Đó, sau cái câu tui khổ quá chừng thể nào cũng là một câu chuyện mà người trong cuộc thủ thỉ dặn nhau đừng để ai biết. Vậy mà, lát nữa đã nghe râm ran từ đầu xóm đến cuối xóm. Người ta hỏi má sao kì vậy, tui nói chị Bảy nghe, chị Bảy đồn rân trời, giờ gặp tui ai cũng kéo lại xì xầm hỏi to nhỏ.

Trời thần, con Sáu hổng biết, dì Bảy nói là nói để cho mấy con nhỏ bán bia ngoài chợ Giữa nó hổng có lôi kéo dụ dỗ thằng chồng bây nhậu nhẹt nữa. Dì Bảy khuyên nó rồi, phận đàn bà con gái mà, thương nhau thì đừng có thòm thèm của nhau. Cái gì của mình trời sinh sẵn là của mình. Cái gì mà hổng phải của mình, có đi cướp giựt thì cũng bị lấy lại mà thôi. Chẳng ai muốn kiếp chồng chung. Mà phàm đó hen, mình rù quến chồng người ta, thì cũng có ngày chồng mình bị người khác dụ dỗ mà thôi. Ông trời ổng có mắt lắm bây.

Mà hổng biết phải tại má nói hay sao, mấy bận sau đó, đám bán bia ngay chợ Giữa hổng còn lôi kéo chồng con Sáu. Cái căn nhà cuối xóm ngay sát vườn xoài sai trái nhất, chiều hôm lại ấm chái bếp. Con Sáu gặp má ngoài cổng rào hí hửng, hai tháng rồi nghen Bảy, thằng chả mê chết đi được, giờ biểu gì cũng làm, cứ ra đồng là chui rúc về nhà, hổng dám đi đâu. Nay thằng chả biểu cuối tuần ra thị xã vô cái siêu thị mới mở mua đồ con nít. Vui hết biết Bảy ơi. Chừng má nghe vậy má cũng cười te tét. Bữa cơm chiều kể Bế Hai nghe mà tưởng như má mừng Bế Hai có bầu vậy đó.

 

2.

Sớm chưa tỏ trời, ghe bẹo đuôi tôm lạch bạch cập bến, đã nghe má rón rén ngoài chái bếp sau. Đám cúm núm thôi không còn gọi bầy, mùa nước cạn lại mặn, tiếng con cúm núm cũng rát rạt đêm hôm. Cúm núm quen nước đồng bưng, giọng gọi bầy cũng ngọt sớt như phù sa châu thổ. Nay chắc khát cổ họng nên tiếng gọi nghe thê lương hơn mọi bận. Má nói hồi hôm, hễ cúm núm gọi bầy, là cái ghe tò te của thằng Tà Lọt xuôi dòng Nha Mân. Nó về giỗ tía nó. Thằng Tà Lọt, cái tên là thấy khổ đời, cái tên ai đặt để hổng biết, chỉ biết nó cùng mọn đến độ bỏ xứ lênh đênh chín nhánh sông miệt này.

Ờ thì cũng có về, mỗi lần về, nó hay gọi trước cho má, nó biểu tại dì Bảy đó, tía tui thương dì quá chừng, thương từ hồi cà na chưa trồng, đến khi cà na ra bông thì nghiệt cái dì Bảy đi lấy chồng. Mà yêu đương chi cắc cớ hén dì Bảy, ổng thương ổng lặng thinh, cách một quãng đồng à, để sáo sổ lồng sáo bay, tiếc đứt ruột vậy đó. Nhưng bận sáo về bên hiên sau quãng đời sải cánh miên di, con sáo trơ trụi lông lá, con sáo nỉ non bên dòng Nha Mân thì tía tui cũng xuôi theo phù sa xứ này mà bồi đắp đất quê. Tía đi mà ổng dặn tui trong cái lon sữa ghi-gô có đôi bông tai mù u, là hồi đó tía gọt tặng dì Bảy. Đến cả má tui mà ổng còn hổng làm nữa đó nghen. Bị sao dì Bảy biết hông, vì má tui con nhà giàu mà, vòng vàng cưới má tui đem qua hết, tía tui chỉ vác cái thân đàn ông về nhà vợ.

Chuyện đời hay lắm nghen dì Bảy, sáo hay người gì thì cũng phải đi qua khoảng đời dâu bể, gieo neo với thác ghềnh phận mình, chừng đã nếm trải đủ đầy chua cay mặn đắng thì lại lủi thủi tìm về xứ quê. Bởi cái xứ gì mà ác nhơn, đi năm bảy vòng đời rồi cũng thèm về. Xứ gì mà vì tình người ta bỏ đi, rồi cũng vì tình mà người ta tìm về.

Bận đó, Tà Lọt ngồi chái bếp sau uống cái ót li rượu gạo Nha Mân ấm cổ, thở ra cái khà, rồi nói tuốt luốt mấy chuyện xưa cũ. Má cũng nhấp li rượu nghe lòng mình ai giần ai giã buốt nhói gì đâu.

Tà Lọt năm đó hai mươi, cao to vạm vỡ như tía nó. Tà Lọt da ngâm vàng màu phèn, bóng nhẫy như nắng đồng. Gương mặt nó dạn dày nết phong trần của đứa con sớm dầu dãi. Nhìn Tà Lọt mấy ai biết nó con nhà giàu. Cháu ngoại của chủ tiệm vàng nức tiếng trên thị tứ. Nhưng mà chuyện đó là chuyện hồi xưa, chứ hồi nó theo tía quay về lại Tứ Thời, thì đúng là nghèo đến độ cái mồng tơi cũng chẳng có mà rớt.

Hồi Bế Hai gặp Tà Lọt, cũng là những ngày mới theo má quy cố hương sau chục năm bám đất Long Xuyên. Hồi Bế Hai gặp Tà Lọt, cách một quãng đồng, mà mưa đuổi bóng với tiếng cười trăng rằm nắc nẻ trên ruộng mùa nước nổi. Hồi đó cúm núm kêu ngọt lừ, ngọt như đường cát. Hồi đó xứ này mát như đường phèn. Hồi đó nhớ thương rưng rức…

 

Minh họa: Tào Linh

3.

Thằng Tà Lọt về đâu có được mấy hôm đã rổn rảng khắp xứ. Bữa trưa nắng nứt toạc đất thành những vết dọc ngang, Tà Lọt đứng chống nạnh ngay nhà Tám Tình chửi rân trời. Ông ăn gì mà ác nhơn, bộ ông nghe dân thị tứ nói miệt này giàu có là ông tin à. Trời thần năm chục ngàn một khối nước ngọt, ông đem về đây bán hai trăm. Bán gì mà bán cắt cổ vậy cha. Xà lan kéo về cũng có lấy bao nhiêu, bán tám chục là lời chết rồi. Đằng này ông đâu có thương bà con. Sống vậy rồi sống với ai. Rồi ai chơi với ông. Dân xóm mình chưa đủ khổ sao trời. Không bán không mua thứ gì hết. Mai tui ra thị tứ tui gom nước. Tui thuê xà lan kéo về. Tui không tính đồng lời nào luôn. Cha nội lạng quạng là tui chém nát thây. Thứ gì đâu mà hổng biết thương người.

Xóm rần rần, Tám Tình cũng tung rào nhà lao ra. Mụ nội cha mầy thằng mồ côi, mầy bỏ xứ biền biệt, năm về một lần biết cái khỉ gió gì mà la làng. Bộ mầy tưởng dễ có nước ngọt lắm à, rồi mầy kéo về đi mầy mới thấy nó cực cỡ nào. Tao bán là bán vậy, có bắt ai mua, ai cần thì tới bơm. Nè tui đâu có ép ai, tui bán vậy là thương bà con mà làm. Chứ mấy ai ra thị tứ nói chuyện được với đám nước máy để nó nhường cho. Khắp cả cái Cửu Long này khát nước, riêng gì Tứ Thời mà la. Mầy không bơm thì thôi. Ai nghe nó thì từ mai khỏi qua nhà tui bơm nước nữa. Đúng là làm ơn mắc oán. Cái thứ y hệt như thằng cha mầy, thứ bỏ xứ mà đòi thương quê. Nghe mà thấy nhục gì đâu.

Bụi tung mù trời, tiếng la ỏm tỏi, tiếng gà tao tác, thêm đám heo chuồng nhà Tám Tình được thể eng éc. Trời thần vụ gì vậy bây, má chạy tới ngay chỗ đám đông hiếu kì bu đen bu đỏ. Thôi bây ơi, chòm xóm mà, phải quấy thì nói cho đặng, bây đánh vậy sứt gọng gãy càng cũng thiệt cho thân mình. Người lao vào, kẻ kéo ra. Tiếng chửi thề vang động xóm quê. Gió vẫn hừng hực nóng. Đất vẫn nứt nẻ như vết chim di in hằn lên đuôi mắt mấy người già Tứ Thời. Dòng Nha Mân hụt nước, đồng vẫn trơ trọi. Thượng nguồn người ta ngăn đập, chặn dòng, cái khốn cùng bần khổ nó len lỏi tận mấy bờ kinh, mấy khúc lóng, mấy con rạch…

Ờ, len tận lòng người xứ Tứ Thời.

Má nói vậy khi lôi Tà Lọt về tới hiên nhà. Đám sẻ theo mây trời tím thẫm cuối ngày mà quay về tổ.

 

4.

Má lấy tía, rẽ sóng nước Nha Mân về miệt đồng tứ giác Long Xuyên. Mà nói cho chính xác thì má theo sắp xếp của ngoại về với tía, chỉ biết mặt nhau bữa dạm hỏi, cho tới lễ rước, chứ nào có tình cảm trước gì đâu. Chỗ bạn bè thâm giao, hôn phối được người lớn sắp đặt, những năm đồng bưng còn lay lắt cơ cầu. Hôm má lấy chồng, mùa cà na bông rợp đường đê. Má mặc áo hồng nhìn về phía đồng, cách có một quãng mà sao diệu vợi.

Cơm bưng nước hầu đâu chừng hai năm thì nhà nội giục chạc. Lâu quá hổng có thấy gì, cái bụng phẳng lì, nhà nội chỉ có một mình ba nối dõi tông đường. Má liệu mà tính. Cũng đâu có cần má tính chi cho mòn mỏi thanh xuân đời con gái. Bữa xỉn ba khệ nệ nói với nội, người ta có bầu với tui, giờ tính sao. Ủa thì sao nữa, thì rước về chứ sao trăng gì thằng ông trời. Má lấp ló dưới nhà sau, nghe lòng mình rạn vỡ.

Người ta của ba vốn là con gái nhà gia giáo, dân thị tứ hẳn hoi, vóc dáng yêu kiều, tay chân thon trắng. Người ta của ba về làm lẽ nhưng mà là chính. Má cũng học được bài buồng ai nấy ở, phận ai nấy giữ. Trầu cau chánh thất thì đã là chuyện của năm trước rồi. Nghĩa tình bạn bè sui gia thì cũng đã là chuyện xưa xa. Giờ ba chỉ quẩn quanh ở cái buồng đỏ nhà ngoài. Má lủi thủi cơm nước nhà sau. Bữa người ta đẻ, nghe đâu nhà trên chén bát khua rổn rẻng, má nín lặng thon thót ở buồng dưới. Ba từ độ đó cứ sớm hôm làm bạn với rượu. Ông bà nội vào ra chì chiết. Má nghe tiếng khóc con nít thì lại quặn lòng. Ờ thôi, để chị phụ em, phận đàn bà mà cưng, mình hổng thương nhau, thì ở cái nhà này ai thương mình. Đứa con nít lạ quơ, tóc xoăn tít, da đen xì lì, ngó bộ đích thị cái nòi của “chà ma ní”.

Nhưng người ta của ba cũng đâu chịu nổi lời đe nạt của nội. Những cái bạt tai như trời giáng của ba càng làm cho buồng đỏ thêm nặng nề. Một đêm nội rú lên thống thiết, má bổ nhào chạy đến buồng đỏ, trên cây xà gỗ bắt ngang treo lủng lẳng một thân thể cứng đơ. Đám tang diễn ra lặng lẽ chóng vánh chỉ đúng một ngày. Nội bảo nó chết ngày mồng hai, là vong báo oán thế thôi. Nội cho thầy tới tụng, đúng mười hai giờ đêm đem ra đất gò mà chôn. Má lén bồng Bế Hai khi đó mới hơn tháng tuổi, đứng nép mình vào mấy tàu lá chuối, là cho Bế Hai nhìn mặt mẹ mình lần cuối.

Bận đó, má thấy nội đi quanh huyệt, rắc những con bài của bộ tứ sắc xuống mộ. Sau này, trong một lần nép mình bên mâm cơm, má nghe nội thủ thỉ với ba, tao dằn rồi, nó hổng có tung mồ mà quậy gì đâu. Nó là oán, chết ngay cung Ly, trời thần không ếm nó, để nó trồi lên phá nát nhà mình. Có đâu con nhà gia giáo lại bày cái trò đê hèn, không dưng ai ăn ốc sao bắt mầy đổ vỏ. Ba chẳng nói gì, chỉ rót li rượu ừng ực như thay nước uống. Bên tai văng vẳng mấy lời hát “cha cha cha, ma ní lấy chồng chà và” của thiên hạ rân trời ngoài thị tứ.

Mà chẳng biết có phải là báo oán như nội nói hay không, chỉ biết nhà nội năm đó lại càng thêm rủi vận. Của nả tứ tán theo những chuyến đi hàng lậu từ đường Nam Vang bị bắt bớ. Đất đai cứ bán tống bán tháo để chuộc người. Ba trở về hốc hác gầy trơ. Ba nghiện rượu. Nội kêu trời. Đi ba chuyến thì bắt hết ba. Đi năm chuyến thì mất luôn ghe hàng. Đêm đêm tiếng Bế Hai khóc dạ đề cũng làm nội dằng dặc. Cái của nợ này phải đi, đi thiệt xa, ở đây nó càng quấy phá mình. Đi theo con mẹ nó càng tốt. Không thì nhà này chẳng yên ngày nào. Nội nói vậy, một đêm khi nghe tin ghe hàng bị lật. Ba nằm lại đâu đó bên dòng Tri Tôn.

Má thẫn thờ nhìn dòng đêm đen kịt luềnh loáng. Má ôm Bế Hai tất tả trong màn mưa qua bắc Vàm Cống xuôi dòng về lại Nha Mân.

 

5.

Cháy cháy cháy rồi…

Giữa thâm u của trăng hạ tuần mênh mang sóng nước, tiếng hô hoán vang dậy miệt thứ. Nhà cha Tám Tình cháy ngùn ngụt. Gió thốc khô khốc. Đám cháy bắt gió lan nhanh bao trùm căn nhà. Người múc nước sông, người tháo nước bơm. Lửa tách từng dậu lá, từng cột cây ngã rầm rập xuống đất. Cách một quãng đồng, Tà Lọt cũng chạy hụt hơi theo phía ngọn lửa. Con vợ Tám Tình ở đây, rồi chồng mầy đâu. Má nắm lấy tay vợ Tám Tình, trong cơn bấn loạn đầu bù tóc rối, con vợ Tám Tình chỉ biết gào rống, mắt hướng về phía bên trong đám lửa.

Có tiếng hô hoán xông vào. Có tiếng can ngăn. Gió táp quá chừng, cậy ngã chắn lối. Nước ven sông rút xa bãi, dân xóm phải chuyền tay nhau từng thùng. Tà Lọt chạy tới cái trạm bơm nước ngọt của Tám Tình tháo nước, còn bao nhiêu tát bấy nhiêu, tát thẳng vào mái nhen bà con. Tà Lọt dứt lời thì lột cái áo nó ra, nhúng nước rồi căng ngang đầu xông vào đám lửa. Bế Hai thót lòng quặn dạ, nước mắt không dưng rơi khóe môi.

Lửa phả hơi nóng hừng hực. Thiên hạ cứ vậy mà bu đông bu đỏ, tay tưới, miệng la, phải khoanh vùng nhà nó lại, không để cháy lan, nắng mấy độ giòn khốc cây cối vườn tược chung quanh, hễ cháy lan là chết cả xóm nghen bây. Bế Hai chấp tay, tiếng nam mô lầm thầm trong miệng. Sao chưa thấy thằng Tà Lọt ra vậy trời. Hay là nó xông vào cứu Tám Tình rồi cũng gục ngã đâu đó trong đám cháy. Bế Hai chỉ biết ngó lên trời. Xóm Tứ Thời vang động. Ai đó la làng nước bơm hết sạch. Thiên hạ lại thấp thỏm nhìn đường truyền nước từ sông vào. Nước hổng về đồng, mùa khô cạn cả khúc lóng, quãng đường từ bãi đến đám cháy xa xăm quá đỗi.

Bế Hai trân trân nhìn vào đám cháy, thình lình từ trong lửa băng ra một ảnh hình. Chết thằng nhỏ rồi trời ơi! Cái cây xà ngang ngay cửa trước đang độ lửa bốc mạnh rớt lẹm xuống người thằng Tà Lọt. Nó cố nhoài ra phía ngoài rồi ngã gục. Tám Tình văng từ trên lưng xuống đất, mặt vẫn trùm chiếc áo ướt nhẹp của Tà Lọt. Cái hộp ghi-gô đựng tiền bán nước ngọt của Tám Tình cũng rớt mạnh xuống đất. Tiền văng tung tóe…

 

6.

Bữa chiều hôm ông trời nấu cơm kéo màu lửa ấm, má ngồi nhậu sớm, Bế Hai tay vắt lai cái quần, miệng nhì nhằn. Nay má cũng tập tành nhậu chi dữ thần. Cái đám ngò dạo này ai phá vườn hay sao mà cứ sáng ra là thấy trụi lủi. Má còn hổng lo. Rồi thằng Tà Lọt cũng bày đặt xáp kèo. Mần ăn thì hổng chịu. Từ bữa nó về tới giờ hổng thấy đi nữa. Thằng thiệt cà tửng. Bế Hai thở dài, tiếng thở chừng cũng ran rát như tiếng bầy cúm núm.

Thằng Tà Lọt theo tía về Tứ Thời khi má nó bỏ nhà đi đâu. Mà suy cho cùng thì nó cũng đâu gốc gác máu mủ với tía nó. Hồi má nó lỡ cỡ cái bụng lum lúp, má nó vồ ngay thằng con trai đóng mộc cho nhà mình, đẩy đưa ỉ ôi rồi tiện thể một đêm sấm chớp ì đùng, thân trai thắt thẻo mối tình câm sang sông, đêm đói lòng thì thuận ý cô chủ nhỏ của gia đình bán vàng giàu nứt vách của thị tứ Nha Mân.

Tưởng chỉ là chuyện đàn ông đàn bà phút giây khát khao cái bản năng thế thôi, ai dè đâu ngót tháng sau má nó tìm về miệt thứ bảo trễ kì kinh, hình như có sinh linh hoài thai đang cựa quậy trong người. Tía nó ngẩn ngơ, thì thôi phải tội cam phận lái phải theo thuyền cho đặng lòng ông bà chủ lớn. Nhưng so lại ngày tháng sanh nở thì tía nó cứ nghi ngờ trong lòng. Má nó sanh đâu chừng hai tháng đã dứt sữa ra tiệm bán vàng. Tía nó cứ quẩn quanh bên bàn mạ xi. Thỉnh thoảng thấy vợ mình đẩy đưa với khách hàng thì cũng ngậm miệng mà im re. Hó hé chi được khi mình phận ở rể. Cá nằm trên thớt, nhúc nhích là lại bảo ăn no ấm cật dậm dật kiếm chuyện. Anh đó, phải phước ba đời mới lấy được con gái tôi. Nó mê cái gì hổng biết. Có cái mã mà muốn hưởng cả gia tài tôi thì phải biết ngoan.

Tía thằng Tà Lọt thì ngoan, ngoan hổng phải bởi gia tài, ngoan bởi vì cạn cùng trong suy nghĩ, dẫu gì cũng còn thằng Tà Lọt, nhẩm tính ngày tháng thì cũng chỉ là nhẩm tính, chứ từ lúc nó lọt lòng tới giờ, nó như thể nguồn sống duy nhất khiến tía nó có thêm động lực mà đi qua nỗi buồn. Đời tía nó cơ cầu, đời nó hằng mong sẽ hanh thông muôn phương vạn lối.

Nhưng phàm ở đời, ông trời ổng sanh người ta ra thì cũng trao sẵn cho người ta một số phận, đâu ai có thể lựa chọn. Một hôm tinh mơ còn chưa cạn giọt sương đọng trên tán lá, má thằng Tà Lọt đi biền biệt cùng mớ vàng trong tiệm. Ông bà ngoại té đụi ngay cái tủ ngoài tiệm. Con đĩ. Hình như đó là lời cuối cùng ông ngoại nói được. Cơn nhồi máu cùng lúc khiến ông nằm liệt chẳng còn biết trời trăng gì ráo. Bà ngoại dắm dúi vào tay tía mớ tiền rồi phủi tay cái rột. Bây thương nó thì lo, không thì tao đem lên chùa. Cái của nợ này thiệt tình hổng phải con bây. Mà tao cũng hổng biết con ai giữa đám trai làng này. Thiệt tình tao hết biết sống làm sao. Bây đi đi, từ đâu đến, thì về nơi đó. Tía ôm mớ đồ cho vào cái túi bạc thếch rồi bồng Tà Lọt xuôi về cố xứ. Năm đó Tà Lọt đâu chừng hơn một tuổi. Năm đó Bế Hai cũng chỉ tròn lên sáu.

Bế Hai chẳng biết thằng Tà Lọt tên gì, chỉ biết năm chín mười tuổi gì đó đã thấy nó băng đồng về chợ Giữa phụ chạy vặt cho mấy cái sạp hàng. Hỏi nó sao hổng đi học nó cười tỉnh rụi, chèn ơi mấy con chữ nó hổng có biết tui chị Bế Hai ơi. Cứ vậy mà Tà Lọt sống lăn long lóc ngoài chợ đời. Cái nghề đóng mộc dần lụi tàn theo sự phát triển ngoài thị tứ, thời này ai thèm ba cái bàn ghế đóng kiểu thô sơ rồi đánh vẹc-ni bóng sáng hăng hắc mùi khó chịu thí mồ. Đặt cái bàn, chờ cũng hai ba ngày, đặt cái tủ chắc cả tuần, đặt cái giường thì biết đâu ngủ một giấc bảnh mắt ra lớn ròng năm ba bận nước mới xong. Cầm cục tiền xuôi ghe ra thị tứ, là có liền, đẹp mà tân thời hơn. Cứ vậy mà tía thằng Tà Lọt ít mối hàng hơn, bữa cơm cũng bắt đầu quen dần mớ cá cắm câu hay đám rau tập tàng sau vườn nhà. Bận lũ về thì thôi rồi, mì tôm dăm ba bữa, gạo mốc cũng cạn đáy khạp. Vậy nên, mạnh tía bươn bả, mạnh con lăng xăng. Được cái thằng Tà Lọt lanh lợi, kêu gì cũng làm, chỉ một cái là nó hiểu ngay. Dân chợ Giữa cần mấy thằng chạy phụ việc như vậy, rẻ rề, mấy ngàn đồng một buổi. Được bữa nhiều sạp kêu, vậy là kiếm cũng hai chục ngàn, đủ cơm nước cho hai người.

Vậy nên, cái quơ quào lạng lách của thằng nhỏ đen thùi lùi, trên mình mỗi cái áo rách tươm với quần cụt ngủn cách đầu gối một gang tay khiến bà con đặt chết danh Tà Lọt. Sớm nghe dì hai bán cá quắc Tà Lọt ơi, xế trưa lại nghe cô ba bán thịt Tà Lọt à. Thằng nhỏ chạy loanh quanh. Loanh quanh cho đến tận một hôm nhổ giò, bể giọng, cặp ngực săn nở ra ôm lấy cái áo thun cháo lòng vá víu bởi mũi kim đàn ông nhìn thảm sầu quá đỗi. Bế Hai tần ngần đứng ngoài chợ giữa quắc Tà Lọt rồi dúi vào tay nó bộ đồ. Nè chị may cho em nghen, bận mà đi làm, lớn rồi, đồ cũ hổng có vừa đâu nghen! Nay Tà Lọt lớn rồi đứng cao ngấp nghé Bế Hai, vai u ra, trái cổ lộ dần chạy lên chạy xuống, ngước cặp mắt với đôi lông mày rậm rạp nhìn Bế Hai. Lừng khừng rồi nó cầm lấy. Mà khoan, còn cái bao đen này trong đó có mấy cái quần con, em tập mặc đi là vừa. Mặc nó vào rồi, hãy mặc cái quần cụt bên ngoài. Về nhà mới mở ra coi nhen! Bế Hai tất tả quay đi, bỏ mặc thằng Tà Lọt xiết mớ quần áo vào lồng ngực đang thình thịch đập.

Má cười khùng khục nghe Bế Hai nhì nhằn, bây khéo lo, Tà Lọt nó nói nó hổng đi ghe bẹo nữa, cả đời sóng nước thương hồ, cái ghe bẹo xuôi chín nhánh sông rồi cũng quay về xứ này mà thôi. Bận giỗ tía nó, nghe nó rì rầm khấn mà tao xót lòng. Nó nói nó hổng có tìm gặp được má nó, nó xuôi theo vơi đầy con nước mà về tứ giác Long Xuyên. Dò la ròng rã cả năm, người ta nói má nó lên Sài Gòn, rồi bị tình nhơn ruồng rẫy, lừa sạch tiền, còn bắt phải làm gái bán bar đến phát điên, tự tử chết. Cũng có người nói thấy má nó đâu miệt Xà No, con bồng con bế, mà nghèo tứ bề nên hổng thể về cố hương. Bận nó cũng cho ghe về Xà No, nhưng mười bốn sườn kinh, biết đâu mà lần. Tha hương xa xứ cũng bảy năm trời, giờ nó về đây, gom góp mớ vốn để cưới vợ. Trời thần nghe nó đòi cưới vợ tao muốn sặc bây ơi! Tiếng cười má như tiếng sóng nước, cứ luềnh loáng mải miết trên khúc sông quê. Mấy cây cà na đương mùa bông trĩu cành.

 

7.

Cũng vào một mùa cà na say trái nhất của xứ Nha Mân, Bế Hai lắc đầu khi có người dạm ngõ. Má lặng lẽ đẩy tráp lễ về phía bà mai. Bế Hai chỉ muốn cả đời ở cạnh má. Xứ xa đỉa lềnh muỗi kêu đó biết có còn đường về với má hay không. Với lại người ta cũng chỉ biết qua mối mai, qua lời ngon ngọt con Bế Hai nó đậm đà nhất xứ này, siêng năng tháo vát, cứ nhìn cái mông cong cong, tròn đầy lẳng lơ thế nào cũng sai cành trĩu quả, chớ kì thực đâu có biết mặt mày nhau đâu. Lần dạm này, đối diện với người lạ xa, Bế Hai ngỡ ngàng quá đỗi, tựa hồ như có gì đó vụn vỡ trong lòng. Hai mươi lăm tuổi, xứ mình lấy chồng hết rồi đó con. Má mình ên cũng được, nhưng mà, con ơi má đâu có sống đời với bây, ngộ lỡ má nằm xuống, bây trơ trọi má hổng đành. Nhưng Bế Hai vẫn lắc đầu, chạy ra triền sông, cách một quãng đồng, mùi khói chiều ngai ngái lan xa.

Con cúm núm gọi bầy khắc khoải bến sông quê, Tà Lọt giọng ngà ngà say, băng đồng giữa chừng thì gặp Bế Hai đang ngồi thu lu giữa bạt ngàn mạ non. Chị Bế Hai đi lấy chồng đi, chờ gì ở xứ này? Tía mất cũng ngót ba năm, mãn tang rồi, tui sắm cái ghe bẹo, tui xuôi theo con nước mà lênh đênh thương hồ.

Chiều vỡ ra trăm ngàn mảnh tím. Tà Lọt đưa Bế Hai về chái bếp rồi lủi thủi băng đồng. Bế Hai đứng ngó theo.

Đời ghe bẹo vậy mà ngót nghét bảy năm. Mỗi bận Tà Lọt về, nó ghé qua nhà gọi má qua mần giỗ tía nó. Nó nhìn Bế Hai rồi cười cái khì. Chị Bế Hai còn ở đây là tui mừng quá chừng. Lần nào nó cũng lén má thẩy vào lòng Bế Hai cục tiền, chị cất cho tui nghen, tiền của tui cất nhà lấy vợ đó. Nói rồi nó nhìn Bế Hai một đỗi. Mà chừng tui về, nếu… ờ nếu chị Bế Hai chưa có chồng, thì để tui lo. Rồi nó đi. Má nói dân ghe bẹo gặp ai cũng ghẹo. Bận đó Bế Hai cứ thắt thẻo câu nói của Tà Lọt, rồi mông lung câu dạy của má. Xứ mình, đám ghe bẹo năm thê bảy thiếp cũng nhiều quá rồi. Nhìn qua nhìn lại, Bế Hai đi qua hàng ba hồi nào hổng hay.

Vậy nên chiều nghe má nói Tà Lọt đòi lấy vợ, Bế hai mở cái lon ghi-gô ra ngồi đếm tiền thằng Tà Lọt gởi. Nhiều quá chừng, đủ cho nó lấy vợ rồi. Chắc là đi ghe bẹo, cặp bến nào đó rồi ưng con gái người ta. Chắc là tính nhờ má đi làm mai tráp lễ. Chắc là tính nhờ Bế Hai may bộ đồ vía để đi nói vợ. Nhiều cái chắc là cộng dồn lại khiến lòng Bế Hai như ai giần ai giã. Hay tại đám cúm núm gọi bầy ngoài triền sông nghe não nuột. Bế Hai hổng biết chỉ thấy lòng nó như hồi lắc đầu cái tráp lễ người ta dạm ngõ năm xưa. Giống như bữa chiều vỡ nhiều mảnh tím bận đó. Không dưng nước mắt nó rơi. Ngộ quá chừng!

 

8.

Bế Hai dừng đạp cái chân vịt khi nghe tiếng cót két phía ngoài hiên. Má đi chợ về. Nắng soi dòng Nha Mân, sao má về sớm vậy chèn. Bộ nay chợ hổng có gì vui hả má. Má lại thẩy cái giỏ đệm xuống góc hiên nhà, thở dài thườn thượt, lôi từ trong giỏ ra cái xấp vải áo dài nhung màu đỏ mận. Nè bây, thằng Tà Lọt nó kêu má đem về cho bây may để má bận đi ngồi sui cho nó. Kì này nó lấy vợ thiệt bây ơi. Nó nói vợ nó nhà đơn chiếc lắm, một mẹ một con, chắc nó xin ở rể đặng tiện bề báo hiếu. Đời nó hổng có mẹ, nên mẹ vợ nó thì nó coi như mẹ ruột. Nó hỏi má chớ nó tính vậy được hông. Má nghe mà thấy thương thằng nhỏ hết sức. Đồng bưng mới sáng mà sao sóng nước hắt lên cái bứt rứt sớm quá chừng.

Chiều, Bế Hai dẹp bàn máy may sớm, lững thững đi dọc triền sông ra gốc cà na hồi xưa hay ngồi. Cứ vậy mà để sóng nước vỗ lòng mình luềnh loáng. Thằng Tà Lọt từ đâu hổn hển chạy tới. Chèn ơi tui tìm gần chết luôn. Bảy nói chị đi dọc triền sông thì tui mới biết. Nãy tui ghé nhà tui nghe Bảy chửi rân trời. Bảy chửi đứa nào phá cái đám ngò của tao. Tui sợ muốn chết nè. Bảy dữ quá chừng. Mà tui nói cái này chị Bế Hai đừng có la nghen. Tui bứt đám ngò đó. Tại… ờ tại… Mà thôi cái xấp vải áo dài màu hồng này, chị Bế Hai đem về may cho vợ sắp cưới của tui nghen! Đâu để coi, chèn, hay cái là vợ sắp cưới của tui cái dáng nó y rang chị Bế Hai luôn đó. Cứ vậy chị Bế Hai may đi.

Bế Hai quay qua lừng khừng nhìn Tà Lọt. Vậy thôi đi về nhà, chị gom tiền chị đưa em đi cưới vợ. Bế Hai nói xong là đứng lên đi tuốt luốt một mạch. Phía sau thằng Tà Lọt í ới vang cả chiều sóng nước Nha Mân. Chèn ơi tui đâu có đòi tiền mần chi chị Bế Hai ơi…

Chái bếp má đang vắt chân ngồi lùa cơm đã nghe tiếng rào rạo xối nước, rồi tiếng Bế Hai thậm thịch đi vào. Thằng Tà Lọt lót tót theo sau ỉ ôi luôn miệng. Chèn ơi tui đâu có đòi tiền chị Bế Hai. Sau này chị muốn giữ gì thì giữ. Tui đưa cho chị giữ cả đời luôn đó. Nhìn gì Bảy? Ừa tui là tui bứt ngò nhà Bảy đó. Bảy khỏi chửi ai hết trơn. Tui đó, tui lén sáng sớm canh Bảy đi chợ tui băng đồng qua bứt.

Mồ tổ cha mầy nghe thằng Tà Lọt, cách một quãng đồng khi không qua đây bứt ngò. Bứt về tế ông nội mầy hả?

Thằng Tà Lọt nghe má chửi mà miệng cứ trơ trơ cười. Ủa Bảy mắc cười hông, thì tại tui thương người ta quá chừng mà hổng dám nói, tui biết mần sao đâu, tui thập thò cái tui bứt cọng ngò tính lấy bình tĩnh thì Bảy về tới nơi. Sợ thí mồ bỏ chạy mất tiêu. Nên… nên… vậy đó, ủa Bảy hứa Bảy đi nói vợ cho tui mà. Nè đó vợ tui muốn nói đứng đây nè. Bảy mần mai đi.

Bốn con mắt nhìn thằng Tà Lọt chưng hửng. Ủa gì nhìn, tui nói với tía rồi, duyên tía hổng trọn thì tía phải độ cho con. Hồi xưa cách một quãng đồng à, mà tía hổng kịp, thành ra lỡ cả một đời. Nay con băng đồng qua đây luôn. Giờ gật hay lắc thì con cũng ở trong nhà này rồi nghen má. Tiếng “má” thằng Tà Lọt cố tình kéo dài, nhấn nhá to rền cả tiếng sóng nước Nha Mân.

Trời thần, ủa mầy tính ăn vạ hả, mồ tổ cha mầy nhen Tà Lọt. Má chưa chửi dứt câu, đã thấy Bế Hai cầm xấp vải màu hồng đi vào buồng mình. Quay qua nhìn thằng Tà Lọt đã thấy nó ngồi lùa cơm cười tủm tỉm. Mời má ăn cơm. Mai con đem hình tía con qua biểu ổng nói chuyện mần sui với má nghen. Trời thần, tao lạy mầy Tà Lọt ơi, mầy để người thương tao yên đi nghen. Thằng Tà Lọt vỗ đùi cái đét, vậy thì má cũng để người thương con yên nhen, nãy giờ người ta còn đang mắc cỡ, trốn trong buồng kìa. Má gõ đầu thằng Tà Lọt cái cốc, giọng hạ xuống thủ thỉ, mầy còn ở ngoài đây làm gì?

Tà Lọt như chợt tỉnh, lúi húi xỏ dép chạy tới gõ cửa buồng Bế Hai. Thượng nguồn người ta xả dòng, nước về đồng xăm xắp. Mấy con cúm núm gọi bầy đã ngọt giọng hơn…

T.P.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)