Truyền thuyết người đàn bà bán muối dạo

Thứ Hai, 21/06/2021 00:42

. LÊ TRÂM

 

1. Cứ chiều xuống hơi sâu là bà bán muối lại đi rảo quanh xóm một vòng. Lâu hay mau tùy sự vui buồn bất chợt. Tiếng rao “Muối đây. Ai m…u…ố…i… khô…ô…n…g” đã trở nên quá quen thuộc với bọn tôi, cái bọn nhóc ranh nơi xóm tạm cư giữa hồi chiến tranh vào đúng thời kì ác liệt. Xóm nằm ven một thị xã nhỏ nhắn hai phía, một giáp sông một giáp biển. Là thị xã tỉnh lị một tỉnh miền trung, hai bên đánh nhau liên hồi kì trận, ca nông bắn ầm canh mấy ngày đêm không dứt, máy bay thả bom dày như rải thảm đã đẩy hầu hết những cư dân vùng “xôi đậu” quanh thị xã về mấy cái “trại định cư” được dựng tạm bợ, vội vàng trên bất kì thửa đất trống nào có được. Thanh Tẩy nơi tôi ở là một trong những cái trại kiểu ấy. Trại do một tổ chức nhân đạo của Phật giáo dựng nên. Những dãy nhà lợp tôn thấp lè tè, mỗi gian bề ngang ba mét, vách bằng cót tre mỏng như lá lúa ngăn cách các “nhà.” Đến cửa cũng dựng bằng tôn, kiểu chống lên sụp xuống, làm vội vàng, cốt cho kín gió và để dễ phân biệt nhà này với nhà khác. Tất cả hợp thành hình chữ U quay mặt vào nhau giống cái dạ dày nằm khiêm tốn phía sau căn biệt thự kiểu nhà vườn của một người ba Tàu giàu có. Bọn trẻ ranh chúng tôi một bữa đi học một bữa không biết làm gì cứ túm tụm lại bày đủ thứ kiểu trò chơi, từ đơn giản đến phức tạp, mặc kệ ba mẹ bươn chải mọi nơi kiếm cái lấp lủm qua ngày. Cho nên gặp được một “ca” cỡ bà bán muối dạo thì quả thiệt như cá gặp nước.

Nghe nói cái kiểu trả lời không giống ai của một người bị tật nói liệu đã đi theo suốt cuộc đời bà lão. Hình như thằng Đổng là đứa trả giá đầu tiên. Bữa ấy, có vẻ chan chán trò bắn bi, nó dừng tay, buông một câu lơ lửng: “Bao nhiêu một lon muối rứa bà?” Bà quay lại, hơi ngần ngừ chút mới trả lời: “Thì hai đ… một…đ.., có lên giá mô mà hỏi… hỏi hoài. Mua mấy…đ… Nhanh lên, người ta còn đi bán chỗ khác.” Bà già bắn một hơi như súng liên thanh, không kịp thở. Chỉ chực có thế, bọn con nít tụi tôi được thể cười ré lên, ùa nhau chạy. Lần khác, quái quỷ hơn, có đứa còn nghịch ngợm giả vờ cà rà hỏi mua mấy lon muối để thêm một lần bà già tội nghiệp lại buộc phải bật lên những cái tiếng quá ư đặc biệt ấy. Chỉ để vui cho thỏa thích. Nghe đâu bà vốn nói năng bình thường như bao người khác nhưng không hiểu sao cứ mỗi khi bị rối lên là bà già lại quy hết những “đồng”, những “lon” thành ra cái tên chẳng hề mĩ miều chút nào. Câu chuyện chìm khuất đâu đó mất tiêu giữa mớ nhớ quên hỗn độn, giữa bìu ríu bao nhiêu công việc của mấy chục năm sau chiến tranh. Sau năm 1975, đám bạn hồi nhỏ dại cũng phiêu dạt một đứa mỗi nơi. Đứa về quê cũ, đứa dạt ra Đà Nẵng, đứa lên Tây Nguyên, đứa Cam Ranh, Ba Ngòi, Bình Thuận, đứa Sài Gòn, có đứa vào tận Cà Mau. Hình như, mỗi đứa đều mang theo hình ảnh một bà bán muối dạo trong trí nhớ mình với tiếng rao kì lạ và tật nói liệu của mình.

Một lần, nhân vắng khách và vắng tụi trẻ ranh, khi bà ngồi nghỉ trước cửa nhà mình, tôi mang cho bà cốc nước và lân la hỏi chuyện. Bà nhìn tôi vẻ cảnh giác: “Lại chuyện chi nữa đây?” “Dạ không, bà ngồi nghỉ chút đi cho khỏe ạ.” Đặt ngang chiếc đòn gánh rồi ngồi lên đấy, cầm cốc nước, bà hớp một ngụm nhỏ rồi móc miếng cau, miếng trầu trong túi áo bà ba đưa lên miệng nhai bỏm bẻm. Có lẽ cảm động trước sự quan tâm của tôi nên bà rất mau chuyện. Bà bảo hồi trước nhà mình ở bên kia sông, chỗ chợ Bàn Thạch. Đó là cái chòi rách đối diện chợ chuyên bán trầu và lá chuối. Cái chợ ấy nằm giữa hai con sông, phía nam là sông Ly Ly, phía bắc là sông Bàn Thạch, hai nhánh tách ra từ sông mẹ Thu Bồn, một cái tách từ phía trên quận lị, một cái cách chợ về phía bắc độ hai, ba cây số. Bà cười rồi hát một khúc lục bát, đúng kiểu bài chòi tân thời. Mênh mông cái nước Thu Bồn/ để cho con gái rửa l. quanh năm. Ờ mà để tau chỉ quê tau cho. Rồi hát: Hội An bán gấm bán điều/ Kim Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán l. Bàn Thạch, Trà Nhiêu cũng gần xịt thôi. Cứ theo câu hát mà tìm ra quê, dễ ợt.

Gương mặt chợt xa xăm, bà bảo mình vốn dòng dõi “con nhà”, chỉ lỡ sơ sẩy một chút mà ra nông nỗi. Đứa con gái đẹp nhất thôn Đông là bà lỡ dại dột đi theo một gã kép hát cải lương bị mần cho có bầu rồi bị bỏ lại cái rạp hát cải lương tuềnh toành dựng vội vã một góc chợ quê nghèo nàn, hiu quạnh hẻo lánh mô đó mà nghĩ mãi, nghĩ gần hết cái đời, bà chẳng thể nhớ ra nổi. “Chỉ nhớ nơi đó rất nhiều sông, cơ man sông là sông, và lắm thứ… đ… , à quên,… cầu, lắc léo gập ghình, đi qua thấy sợ luôn. Mà không đi không được. Ở miết chỗ có mà chết đói à. Mà tau thì bầu bì ngày một to, một nặng nề thêm.” “Ô trời, rứa răng sống cho nổi?” “Thì đó” “Sau đó thì răng. Cái ông kép hát có quay lại không?” “Quay lại cái con khỉ mốc. Quay lại để mà… đ… à? Chắc lại ôm đít con mô khác rồi, bỏ chạy mất xứ tít mú mù khơi.” Đành ôm cái bụng bầu thè lè hỏi đường tìm về quê xứ. Hồi bỏ nhà ra đi thì có mắt như mù, cứ nhắm mắt mà đi theo tiếng gọi của trái tim nên mần răng mà nhớ nổi đường để về. Rồi răng nữa? Thiệt kinh khủng. Mỗi lần qua sông một lần… đ.., ờ quên đò chớ. Đò dọc nhiều hơn đò ngang. Hết đò ni đến đò khác. Xe cũng bắt đi từng chặng. Đò rồi xe, xe rồi đò, bụng mang dạ chửa. Mấy lần mệt đến ngất luôn. May nhờ người giúp lúc đưa vào nhà, khi vào trạm xá. Đi riết, thấy người ta tốt thiệt, nhứt là dân miệt vườn, có đâu như cái thằng kép hát trời đánh thánh đâm kia. Họ hát hay hơn quê mình nhiều. Cái chi là cái chảo rang con tơm càng dựng đứng/ cái phận em nghèo c. nứng nửa con, hà hà. Mả cha nó, hay thiệt chớ. Đau thấy ông cố tổ nghe họ hát cũng phải phì cười, cười đến chảy nước mắt. Bữa mô rảnh rảnh tau hát cho mi nghe, ha. Rồi cũng về tới quê. Ơn trời. Vừa tới nơi là cái thai hành ngất lên ngất xuống mấy bận mà bên cạnh nỏ có ai thân thiết. Hồi ấy cả nhà tau chạy ra Đà Nẵng hết rồi. Mà có ở lại thì cả nhà cũng đã từ mặt tau rồi mi nờ. Cứ tưởng chết rồi chớ. Hồi nớ răng gan tau to rứa không biết. Chết cũng được, dù răng cũng về tới quê tới xứ rồi. Cơn ngất lần cuối… Khi tỉnh dậy chỉ thấy đống máu nhầy nhụa, ngay giữa háng, tù lu, chẳng thấy con đâu. Hay là chó tha đi mất? Câu hỏi như câu trả lời, ráo hoảnh. Mà cũng lạ, ai đó đã trải sẵn cho tau một chiếc chiếu mới dệt, còn thơm nức mùi lác đượm nắng. Thứ chiếu danh tiếng nức một vùng. Thêm mấy lần lên cơn sản hậu suýt chết. Cái tật nói liệu bắt đầu từ đó, thôi nờ, đừng có chọc tau nữa, tội lắm.

- Sau đó thì răng hả bà?

- Không thể ngồi bán trầu bán lá chuối ở chợ được nữa, tau quảy gánh đi bán muối dạo ri đây.

- Mà sao lại lạc qua tận bên này?

- Thì bên nhà có còn chi mô nờ? Chiến tranh, bom đạn ì đùng suốt ngày đêm mi không biết hở. Có sắt đá cũng phải bay đi chỗ khác chứ người mô chịu cho thấu. Thồi, để hồi mô rảnh rảnh tau hát nữa cho nghe, nhiều bài hay dễ sợ. Chừ tau phải đi bán đây, chứ không thì đói dập mỏ chứ chơi mô.

 

2. Cứ như một cơ duyên, mấy chục năm sau, tôi lại là người đi sưu tầm những câu hát “ta bà” kiểu Mênh mông cái nước Thu Bồn/ để cho con gái rửa l. quanh năm xa xưa ấy. Bỗng sực nhớ tới bà, nhưng với lai lịch khá rối của người chuyên đi bán muối dạo năm nào thì biết tìm bà ở đâu đây.

Tôi đến gặp ông V, một nhà nghiên cứu văn học dân gian. Ông tiếp tôi nơi chiếc bàn đá trong một sân vườn khá rộng với một phía là ruộng, phía còn lại giáp sông qua một bờ tre. Tôi bắt đầu câu chuyện với ông về ngôi chợ Bàn Thạch nức tiếng một thời để từ đó dò tung tích bà bán muối. Ông chiêu ngụm trà rồi bảo:

- Chợ ấy đẹp, có một không hai. Là ngôi chợ điển hình của vùng giáp biên giữa phố, biển, sông, đồng và núi.

Tôi ngạc nhiên:

- Tới tận núi luôn à?

- Không phải, là nói tới sự liên kết thành chuỗi. Hồi trước đường sá chưa thuận tiện như bây giờ nên mọi thứ phải dựa vào sông cả. Những chuyến đò dọc là sự kết nối phố với làng, đồng bằng với miền núi.

- Chắc Bàn Thạch hồi ấy sầm uất lắm hả chú?

- Chớ sao. Chợ được xây kiên cố trên nền cao tráng xi măng, lợp ngói; chia làm nhiều khu: chợ chiếu, chợ tôm cá, chợ nông sản, gạo đậu. Tất nhiên chợ tôm cá phải nằm kề bên sông, cái nhánh sông nhỏ tách ra từ sông Thu Bồn, khúc sông này mang luôn tên gọi sông Bàn Thạch. Khoảng xê xế chiều, thuyền đánh cá từ biển về đưa tôm cá tươi rói lên, cân sỉ cho nậu nguồn mua chở về tận Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức. Bà con buôn bán lẻ cũng mua lại để bán ngay tại chợ hoặc vài chợ gần đó. Về mấy chuyến thuyền ni có nhiều chuyện hay lắm.

- Hay sao chú?

- Đây là điều đặc biệt chỉ chợ Bàn Thạch mới có. Tầm khoảng khoảng tháng 6 chậm lắm là tháng 7, nhiều chiếc ghe bầu từ Bình Thuận chở đầy ắp lòng khoang các loại mắm cá lò có, cá mòi, cá nục muối khô về tụ hội, chờ nậu nguồn xuống mua. Cái hay ở chỗ mấy ông lái ghe bầu nhiều người rất lãng mạn, đêm đêm chong đèn, một mình đóng nhiều vai, diễn những tuồng hát bội Địch Thanh ly Thợn, Tiết Nhơn Quý chinh đông. Toàn những vở diễn nổi tiếng cả! Có khi cả gánh hát cải lương cũng về…

Tôi ngồi nhổm dậy:

- Hay vậy chú. Thế… có đông người xem không?

Ông cười khà khà:

- Thiệt nể mấy ổng. Diễn thì chơi chơi vậy nhưng kết quả thì lại quá đạt, có khi còn… nguy hiểm nữa.

- Sao nguy hiểm?

Ông già buông tràng cười sảng khoái:

- Sao không nguy hiểm? Thỉnh thoảng, sau vài mùa cá, người ta lại nghe trong làng có một bà góa nào đó… mất tích. Thậm chí mất cả gái tơ. Té ra, các bà cuốn gói bỏ nhà dông theo mấy ông lái ghe Bình Thuận đào hoa. Tất cả cũng chỉ vì… mấy buổi hát bội vô cùng tài tử ấy. Còn đám cải lương thì khỏi nói rồi.

Ba khu chợ còn lại cũng có những đặc điểm khác mà ít chợ có được. Nhiều nhà quanh đây chuyên nghề dệt chiếu nên chợ chiếu là nơi đông đúc kẻ mua người bán. La liệt nào chiếu trơn, chiếu vẽ phúc lộc thọ, chiếu nhỏ, chiếu lớn ngập tràn lối đi. Nếu người ta qua chợ cá nghe mùi tanh tưởi thì vào chợ chiếu lại nghe cái mùi thơm thơm của cọng lác mới. Chợ gạo đậu bán toàn gạo, nếp và các loại đậu, là khu chợ nằm ở trung tâm. Hấp dẫn nhất vẫn là chợ nông sản, người ta có chi bán nấy. Ông nông dân kia ở Nhơn Bồi hái được một rổ ổi, chị nọ ở Nồi Rang chặt được một mớ mía, bà ấy bên Trà Nhiêu nhổ một rổ hành… tất cả đều ra chợ.

- Hay vậy chú.

- Chợ còn có nhiều nhân vật mang đậm chất văn học, làm nên màu sắc đặc biệt cho khu chợ có một không hai này. Có khi dính dáng tới người cháu đang tìm. Đang kể chuyện cá nên nhắc luôn ông Phó Bảng, là phó tên Bảng chứ không phải đỗ phó bảng mô nghe, người khét tiếng câu cá bậc thầy. Hễ xách cần đi là chắc chắn khi về luôn luôn có một vài con cá, không hồng cũng hanh, toàn thứ bự tổ chảng. Nghe đồn, ông từng câu được bên nhánh sông Thu Bồn một con cá vược nặng mấy chục kí lô. Tuy vậy, ông cũng vẫn cứ sợ… đờn bà. Hễ hôm nào ông vác cần đi câu mà gặp phụ nữ ngồi tè thì ông quay về liền. Theo ông, bữa đó vẫn cứ đi là “xui xẻo rớt mất cần câu”. Đã sát cá còn thêm tật nói dóc. Trình độ nói dóc của ông cũng thuộc loại thượng hạng thua kém Trưởng Nhân một chút thôi.

- Trưởng Nhân? - Tôi giật thột người - Trưởng Nhân hay Trưởng Nhanh?

Ông già có vẻ ngạc nhiên, nhìn tôi nói:

- Trưởng Nhân chớ. Một người chuyên bán đũa hay ngồi giữa chợ với cái ống thổi lửa lên nước óng ánh và chiếc cặp để nhắc nồi. Tất cả đồ nghề của ông gói gọn trong một cái rổ. Nhưng ông ít khi ngồi một chỗ mà cứ rảo quanh khắp chợ để tìm mối. Vừa đi vừa rao. Lối quảng cáo của ông huênh hoang, lối nói dóc thầy chạy, lối nói vè và làm hề rất có duyên và vô cùng phong phú. Kiểu kinh doanh đa cấp bấy giờ. Ông là một nhân vật mà người Bàn Thạch ai nấy đều biết tiếng. Tất cả được ông đúc kết lại thành bài vè hẳn hoi, bài Vè nói láo nhiều người già vẫn còn nhớ.

Không phải ông Trưởng Nhanh mình tìm rồi, tôi nghĩ thầm.

- Còn ai nữa chú?

- Là ông thầy thuốc - lương y đàng hoàng, tên Võ Hữu. Nhà ông ba đời trung thành với cách mạng. Lính Mĩ đưa tàu chiến lên, ủi bay Cồn Chăm ở cuối chợ, mở lấy đường qua sông Ly Ly. Buổi tối, ông huy động hàng xóm, con cái đem cây cắm, đổ đất lấp lại Cồn Chăm. Cứ vậy ban ngày Mĩ phá, ban đêm ông làm lại. Cầm cự đến năm 1968, Mĩ đánh bom tan nát chợ Bàn Thạch, tan nát Cồn Chăm. Ông Ba Hữu vào địa bàn Nha Trang hoạt động.

- Có bà nào dị tướng không chú? - Tôi ngoặt sang câu chuyện của mình.

- Có chớ. Bà Lãnh. Đó là một phụ nữ độc thân, bị ho lao, không có nhà nên phải sống lây lất ở chợ. Người thì ốm nhưng mỗi khi chửi lại lanh lảnh, giọng cao lên như xóc vô óc người nghe. Hễ bà chửi thì ba làng bảy xã đều nghe. Không chửi tầm bậy mà chửi có bài bản hẳn hoi. Kiểu như: “Vùa hương bát nước, tam bát vạn san, mèo mả gà đồng, trôi sông giạt chợ, đi sông chết sông, qua suối chết suối.”

- Bà ta bây giờ còn sống không?

- Bà qua đời một cách bất ngờ: mua nửa xị rượu pha với huyết bò tươi uống nói là trị bệnh lao nhưng uống vào thì đột ngột tắt thở.

- Còn ai nữa không chú? - Tôi cố vời thêm.

Ông già trợn mắt:

- Chừng nớ đã kinh rồi, chú mi còn muốn chi nữa hả?

Tôi giả lả:

- Dạ không, là tại vì cháu thấy toàn chuyện hay không à.

Trong câu chuyện nhà nghiên cứu kể loáng thoáng có bóng dáng người kép hát không chuyên đóng các vai hát tuồng vô cùng tài tử. Loáng thoáng có người ôm gói bỏ nhà bỏ xóm đi theo cái con người tài hoa lẫn đào hoa ấy. Có phải đó là những người tôi đang đi tìm không? Có khi nào nhà nghiên cứu nhầm lẫn tên người này với người khác?

 

3. Nơi ấy tôi đã từng đến.

Đó là khu chợ nằm ở trung tâm vùng đất chuyên trồng lác và dệt chiếu. Quanh năm chợ chiếu luôn đông đúc kẻ mua người bán. Người ta bày quanh chợ đủ thứ chiếu trơn, chiếu vẽ phúc lộc thọ, chiếu nhỏ, chiếu lớn ngập tràn lối đi. Mùi thơm thoảng của cọng lác mới, của chiếu mới át đi bao nhiêu mùi vị phức tạp của chợ. Rồi chợ gạo, nếp và các thứ đậu. Đến chợ nông sản… Bao nhiêu thứ từ vườn nhà, từ ruộng đồng, bờ bãi theo chân người ra chợ. Bàn Thạch hào sảng nhận hết.

Tôi nhớ, bà bán muối có lần bảo bà dân gốc thôn Đông. Vùng hạ lưu sông này có hai thôn: Thôn Đông phía dưới, thôn Tây phía trên. Ở giữa có Đồn Cây Gáo. Đồn đóng từ hồi Tây lại Cửa Hàn/ Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bồng Miêu. Cồn Chăm ở giữa nối hai thôn. Hỏi sao lại gọi là cồn Chăm thì chẳng ai biết. Hay là ngày xưa có người Chăm ở? Mà Mỹ Sơn thì ở tuốt phía tây, xa lắc, người Chăm mô lạc tới nơi này? Hồi trước lính hải thuyền cho nổ mìn phá hẳn cái Cồn Chăm để tàu thuyền dễ bề đi lại, khỏi phải vòng xuống dưới ngã ba sông ở tít đằng xa. Là Cồn Chăm có liên quan đến ông thầy thuốc Võ Hữu trong câu chuyện của nhà nghiên cứu văn học dân gian đây chắc? Thôn Tây là xóm này, nhà bà Hợi chắc hồi trước ở sát bờ sông Ly Ly phía nam, giờ bị lở hết nên phải dời nhà vào ngay con đường nối thôn Đông - Tây của đất Bàn Thạch. Bây giờ chắn giữa hai thôn là… sông. Thôn Đông là xóm Đông Bình. Muốn vào Đông Bình phải qua phía bờ bắc sông Bàn Thạch, qua một cái đập nhỏ mới vào được xóm, kế bên là Trà Nhiêu, cái Kim Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán... mà hồi xưa bà Hợi có nhắc. Mùa lũ, con đập này hay bị lở bất thình lình, cô lập xóm Đông Bình với mọi nơi. Nghĩa là bây giờ đã khác ngày xưa lắm rồi! Chợ Bàn Thạch sau nằm ở sát bờ sông, gần bến đò Hà Tân. Sau đó thì dời lên đầu thôn, nằm sát con đường lớn chạy từ Nam Phước xuống, hay từ Duy Thành chạy qua để về Cẩm Kim, Hội An.

Tôi nhớ, bà từng bảo, chú mi biết ông Trưởng Nhanh chớ. Là thằng cha chuyên bán đũa có mấy câu rao hàng “bá đạo” đó nờ. Nghe lão nói dóc, con nhà giàu có khi bán cả ruộng vườn, đờn bà con gái có khi bán cả l. cho lão. Mà sao? Tôi hỏi. Thì thằng chả mê tau mà, mê chảy nước miếng đó chớ. Nhưng kiểu nói dóc một phát tận trời xanh của lão bọn đờn bà tụi tau sợ lắm. Mà… tránh vỏ dưa, ui trời, lại gặp vỏ dừa. Thứ vỏ dừa tau gặp còn thúi gấp bộn! Vỏ dừa mà còn thúi thì chú mi nghĩ xem còn chỗ mô nữa, chạy đàng trời. Mà, răng chú mi hỏi nhiều rứa?

Nghĩa là phải đi hỏi ông Trưởng Nhanh? Ông Trưởng Nhanh thì có dính dáng gì với ông Trưởng Nhân như lời kể của nhà nghiên cứu kia?

Đi lơ ngơ chẳng nhận ra chút dấu tích nào của thời quá vãng, tôi cố gắng để nhận ra một nền nhà cũ nằm vơ vất đâu đó mà chẳng thể. Ông lão ngồi đan thúng chai gần sát mép sông, ngước lên hỏi vu vơ: “Chớ chú tìm ai?” Một cái tên bỗng rớt vào đúng bộ nhớ. Bà Hợi ạ! Hợi mô? Hợi - lão - Trưởng - Nhanh hử? Tôi ngơ ngác gật đầu. “Hỏi mần chi?” Tôi lúng túng. Mà hỏi để làm chi rứa? Câu chuyện đã qua, lâu rồi. Người thì lưu lạc tứ phương.

Ra ông già là em lão phó Bảng chuyên đi câu nổi tiếng sát cá cùng thời ông Trưởng Nhanh với bà Hợi. “Chú uống nước đi! Chuyện dài lắm.” Tôi nhấp vội li nước. Ông già đang lên vành cho cái thúng chai nên không thể dừng, cứ miệng nói, tay làm. Nhiều câu nói của ông gió thổi bạt đi khiến câu chuyện càng thêm liêu trai. Bà Hợi đẹp nhứt xứ chợ ni. Hát thì hay nức tiếng làng trên xóm dưới. Lão Trưởng Nhanh mê như điếu đổ, cứ bám theo riết. Chỗ nào có mặt bà Hợi thì trước sau chi lão cũng góp mặt. Mà làng ni thằng mô không mê mụ ấy. Nhưng đến đận thằng cha kép chính của gánh cải lương ở đâu tận trong Nam theo ghe bầu ra cập bến Bàn Thạch thì mụ Hợi như bị ai bắt mất hồn. Ngồi bán giữa chợ mà hồn vía con mụ thả đâu trên ngọn thầu đâu. Gã đẹp trai nhức nhối. Gã mà vào vai Tiết Đinh San thì đờn bà con gái chỉ còn nước… tụt dây lưng quần hết! Cho nên mụ Hợi rớt dô tay gã kép cải lương là chuyện đương nhiên rồi. Mà mụ chết một thì đám trai tráng mấy làng quanh ni chết mười. Bọn nó đang tính chuyện hè nhau hốt xác gã thì một bữa gã bỗng dưng biến mất. Bỏ cả gánh cải lương và chiếc ghe bầu ngơ ngác một góc bến sông. Thiên hạ đồn ầm lên rằng mụ Hợi cũng khăn gói bỏ đi đâu mất dạng. “Buồn, bác hì?” Ông già đan thúng chai dừng lại, miệng thở hắt ra. “Buồn chớ! Cả làng cứ như có tang, chú nờ!” “Rồi sao, chú?” Ông già lắc đầu. “Rồi sau đó là chiến tranh. Liên miên. Khi lính hải thuyền lên đánh mìn phá mất cái Cồn Chăm thì dân ở đây bắt đầu phiêu dạt tứ xứ. Đi biệt hết mấy chục năm trường. Có chi chú mi qua bên xóm chợ, chỗ người ta bán chiếu mà hỏi thêm nghe!”…

Người ta bảo chỗ này ngày trước dành cho mấy bà bán trầu, bán muối. Chẳng còn dấu vết gì để lại. Nhà cửa đã san sát nhau. Hỏi thăm bà Hợi ai cũng lắc đầu không biết. Tôi tạt vào một đại lí bán chiếu khá lớn nằm đối diện chợ. Hỏi thăm con bé đang loay hoay sắp lại mấy chiếc chiếu, nó cũng lắc đầu, bảo không biết rồi réo vào nhà trong: “Nội ơi! Nội có biết bà Hợi chi đó không? Bà Hợi hồi xưa bán muối nớ!” Một bà già tóc trắng mướt chống dậy lò dò đi ra. “Ai hỏi chi đó?” Cô bé: “Chú ni hỏi bà Hợi đó nội!” Bà già nhìn tôi từ đầu đến chân ra vẻ ngạc nhiên, rồi đáp: “Hợi mô? Chợ ni từ xưa tới chừ có ai tên Hợi mô nờ! Tui ở cả đời nỏ thấy tị hợi chi mô?” “Dạ, bà Hợi hồi trước bán muối ạ!” “Lạ hè! Chợ ni có ai bán muối đâu?” Tôi rụt rè hỏi vớt vát: “Dạ, bà Hợi hay… nói liệu đó bà!” “Rứa thì không có, chú lộn chợ mô rồi.”

Nói xong, bà lão quày quả chống gậy quay vào nhà trong.

Tôi ngơ ngác giữa khu chợ đang bước vào giữa trưa và bắt đầu vãn người, lòng dạ bần thần: “Chẳng lẽ không tồn tại một bà Hợi bán muối nào cả sao? Thế thì tại sao lại có mấy tiếng… nói liệu kia? Tiếng rao còn vọng lòng thòng qua cả nửa thế kỉ kia mà.”

Mộc Bài 8/ 11/ 2020
L.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)