. DƯƠNG ĐỨC KHÁNH
Minh họa: Công Quốc Hà
Anh cao to lừng lững, mắt nâu nâu dài dại, tóc tàn tro pha những sợi bạch kim, gợn bồng bềnh như mây đầu núi, bộ râu ông Ốp ông Ép đúng chuẩn “men” người phương Tây. Vì cái chuẩn men ấy nên anh thường vận áo kẻ, quần bò, giày “khủng bố”, cưỡi cái mô tô to đùng, mốt bụi bặm hầm hố thường ngày. Vậy mà hôm đó bất ngờ, lần đầu tiên tôi thấy anh đóng quân phục kiểu cựu binh: Áo bay Nga, quần ga rêu đậm, giày đen trung úy láng bóng. Đó là hôm anh chuẩn bị ra sân bay đi Hà Nội. Nhìn bộ dạng râu tóc phấp phới trong bộ quân phục nó… quai quái thế nào, tức cười chết được. Biết anh gốc lính, nhưng trước giờ tôi chỉ thấy một lần qua bức ảnh trắng đen trên một bài báo hay trang mạng nào đó - một anh bộ đội trẻ măng ốm tong, cao lêu khêu, mang ba lô ôm mũ cối, đầu cổ nhẵn nhụi, ngơ ngác giữa quang cảnh đường phố Sài Gòn ngày mới giải phóng. Tôi kém anh chục tuổi. Về quá khứ, tôi chỉ biết lơ mơ anh là lính pháo cao xạ miền Đông Nam Bộ, đóng ở R gì đó. Rồi anh viết văn và được chuyển về báo Văn nghệ Giải phóng. Quen biết anh dăm năm, rồi về làm thằng lính lác phụ tá với anh cũng hơn năm, ngoài những cuốn sách đã đọc của anh, về anh, tôi cũng không biết gì nhiều hơn thế.
Tôi mê văn anh từ giữa những năm chín mươi. Hồi đọc được cái truyện ngắn của anh vẻn vẹn nửa trang báo, sướng đê mê cả tháng trời. Tên anh găm luôn với tôi từ đó. Ngày đó tôi sống tuốt vùng quê miền Tây, cũng tập tò viết lách, rồi có vài chùm thơ được in tạp chí trung ương, mừng lắm nhưng chỉ giấu nhẹm sướng một mình, chẳng dám khoe ai. Lí do là tôi có thằng bạn hơn vài tuổi, dân làm ruộng, ngày trước cũng học tới trung học đệ nhất cấp. Thấy nó cũng hay đọc tờ báo tỉnh, mấy trang về nghề nông, có lần tôi đưa nó đọc chơi mấy tờ báo, tạp chí văn chương. Mấy hôm sau đem trả, nó buông một câu tỉnh bơ: “Ở ngoài Hà Nội bây giờ nhà dzăng nhà thơ còn sống nhiều quá hé mầy, chắc già khằn khú đế hết rồi”. Có nghĩa theo nó biết từ hồi đi học, nhà văn nhà thơ là những con người thời cu ki cụ kị, chết mất đất tám kiếp rồi, hồi xưa họ viết ra văn chương thơ phú rồi để lại tới đời nay. Chớ bây giờ không còn ai làm cái việc ấy nữa! Tới hồi tôi chuẩn bị xuất bản tập thơ đầu tay, nghe anh giờ về làm quản lí cái địa chỉ mình đang cần tới, tôi càng nôn nao được gặp mặt anh, nhưng cũng chỉ dám gửi bản thảo qua đường bưu điện. Hơn tuần sau có cú a lô: “Thơ cậu đọc khá đấy. Hôm nào ghé lên chơi. Nhớ mang theo mấy cái báo, tạp chí ngoài kia đã in thơ của cậu luôn nhé.”
Hôm tôi ló mặt lên vừa tự giới thiệu, anh nhướng mắt vểnh râu cười khoái trá, bỗ bã như anh em gặp nhau lâu rồi: “Mày hả. Ô, tao mới đọc cái truyện của mày, viết sướng, văn viết được.” Tôi hỏi anh đọc ở đâu. Anh giơ cái đài PANASONIC cũ mèm chắc từ thời bộ đội đặt gần kệ sách nói đây đây, rồi vào máy tính gõ gõ nhấp nhấp. Bỗng từ loa máy phát ra: “Trong chương trình đọc truyện đêm khuya của Đài tiếng nói Việt Nam hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu truyện ngắn...” Tôi quá bất ngờ, sướng tới mây. Anh cũng rung đùi gục gật cười hơ hơ: “Được được, văn viết được.” Sau này gần gũi hơn tôi mới biết, dân viết lách từ già tới trẻ cả thành phố này anh chưa khen ai lấy nửa câu.
Ít lâu sau đó nghe tin tôi được giải truyện ngắn, anh a lô chúc mừng. “Cái giải của mày là tầm quốc gia rồi. Công việc mày hiện tại ổn định không, tao mời mày về làm việc với tao, được không?” Được mất gì nhưng cứ được đi là sướng cái đã. Vậy là tôi mang ba lô về thành.
Sáng đầu tiên tới cơ quan nhận việc, có mấy ông tóc dài râu ria, mặc áo chim cò khoác gi-lê xồng xộc vô, tự giới thiệu là nhà nhạc nhà thơ ở câu lạc bộ gì đó đến bàn về việc xuất bản tập sách hai trăm tác giả, rồi rập rập lên phòng anh. Thấy chị tạp vụ chưa tới, tôi lui hui pha ấm trà. Một ông ngồi sô-pha thấy tôi nhỏ nhắn, mặt mũi non choẹt liền móc tiền vẫy vẫy giọng rất hách: “Xuống dưới gọi giúp chú mấy li cà phê với gói Con mèo.” Trở lên vừa đưa gói thuốc, anh nhìn mấy ông nọ và đưa tay về phía tôi: “Xin giới thiệu với các ông: Quán quân truyện ngắn báo Tuổi Trẻ nhá. Tôi mời về làm biên tập ở đây. Phòng nó bên kia, nó sẽ tiếp nhận bản thảo và làm việc trực tiếp với các ông.” Anh cười vểnh râu: “Mấy ông phải biết, dân đã về đây là thứ thiệt, các ông đừng có mà đùa nhé.” Ông nhà thơ nọ râu ria xuôi xị, nắm tay tôi: “Thông cảm thông cảm nhe. Mình gặp “trạng nguyên” mà chẳng biết.”
Anh nói công việc đây chẳng có gì nhiều, tranh thủ mà viết, mày viết tiểu thuyết đi. Ra trận là phải chơi xe tăng đại pháo, truyện ngắn chỉ là anh bắn tiểu liên lẹt phẹt thôi. Mẹ, tao hồi về đây tới giờ chẳng viết được gì.
Anh đến cơ quan tùy hứng, không giờ giấc nào hết. Thường 8 giờ trở đi là có khách, có người chờ hơi lâu hỏi, thủ trưởng tới mấy giờ, tôi trả lời có hôm khoảng 5 giờ sáng, hôm chín mười giờ, hôm không đến không chừng. Ông khách dòm thò lõ, nghĩ dân mấy ông này là chúa ưa cà rỡn. Anh lao vào công việc cũng không kể giờ giấc. Sáng đến tay thường cầm cái bánh ú, bánh giò như kiểu cơm nắm hồi bộ đội, hoặc củ khoai lang to tướng như con chuột cống, thêm bi đông nước chè xanh xách toòng teng nữa. Vậy là đóng cửa chiến đấu tới chiều, có khi tám chín giờ tối là chuyện thường.
Minh họa: Công Quốc Hà
Phòng anh có tấm bảng, không phải để ghi lịch công tác mà để anh tự học tiếng Nhật và chữ Hán. Bạc đầu còn học vậy mà có lần anh bị mắc một vố liên quan tới chữ Hán Nôm cười chết được. Thường gần đến cuối năm, rất nhiều nơi đến xin giấy phép in lịch. Ngành nào in lịch theo nội dung, hình ảnh tượng trưng của ngành đó. Một trường đại học dân lập nọ mang tên của kinh đô xưa sưu tầm được tấm ảnh có bức tranh ý nghĩa tiêu biểu cho cái tên trường. Nguồn gốc bức tranh là do người Pháp thuê một thợ An Nam vẽ cảnh sinh hoạt của kinh kì hồi cuối thế kỉ mười chín. Có phố xá mái ngói đơn sơ, có lò thợ rèn, có người buôn thúng bán mẹt, có người kéo xe v.v... Anh xem qua bức ảnh thấy quá hợp lí và kí duyệt cái rẹt. Tới lúc in lên tờ lịch, bức tranh lớn lên cả chục lần, nhìn thấy bên vách của một ngôi nhà đầu phố trong bức tranh có mấy dòng chữ Hán chữ Nôm chi đó viết nguệch ngoạc, người bình thường xem qua thấy cũng như mấy bức thư pháp tranh Tầu ấy. Nhưng xui khiến lịch vừa phát hành lại lọt vô mắt một ông nhà nghiên cứu Hán Nôm, ông này dịch ra mấy dòng chữ ấy có nghĩa là “Đéo mẹ cha thằng nào ở trong cái ngôi nhà này!” Chết chưa! Một kiểu viết vẽ bậy như bây giờ ấy mà. Theo cách suy đoán thì chủ nhà trong bức tranh là một anh trọc phú đáng ghét, người viết chữ là anh học trò mất nết đổ đốn nào đó. Còn anh thợ vẽ thì phải vẽ sao y như chụp ảnh mới ra nông nỗi bây giờ. Một vài tờ báo bắt đầu rùm beng. Tờ lịch lập tức bị thu hồi. Anh bị ngoài Cục dũa te tua, phạt gần chục triệu, suy vi hơn cả tháng. Ấy là tháng nào vào ngày mười sáu hoặc mùng hai âm lịch, anh cũng bảo chị kế toán kiêm thủ quỹ mua đủ thứ, có cả heo quay vịt quay bày cúng cô hồn, đốt giấy vàng mã, đốt muối nổ lốp bốp trước cửa cơ quan. Vậy mà chuyện xui rủi cứ tới liên tục.
Tôi cũng có lần gặp xui, suýt đứng tim mất mật. Cứ tưởng đêm hôm đó bị bọn cướp lấy mạng mười mươi rồi. Tòa nhà có bốn tầng cũ kĩ, tường vôi vàng ố tróc lở, bụi bám nhện giăng. Cơ ngơi này ngày trước nghe đâu là của một nhà giàu thời chế độ cũ đi vượt biên bỏ lại, mấy chục năm nay chưa được tu bổ. Văn phòng của cơ quan chỉ chiếm chưa hết lầu một. Ba tầng còn lại tranh thủ cho người ngoài thuê làm trạm làm kho chứa hàng. Anh nói mày cứ ở lại đây cho tự do thoải mái mà sáng tác, rồi anh giao tôi cái Dream “lùn” của anh nói muốn đi đâu thì đi, cuối tuần về nhà. Tôi cũng biết, với mức lương ba tờ bạc xanh mỗi tháng, lúc đó chưa đủ thuê nửa cái phòng trọ hạng bét ở cái quận trung tâm thành phố này. Đêm đầu tiên lo tôi sợ ma, anh nói: “Chẳng có gì đâu, ba con chuột hay phá phách thế thôi.” Chiều trước khi về anh giao tôi cái chìa khóa cổng. Cửa trước tầng trệt đóng thường xuyên, phía sau lối lên lầu không cửa. Anh nói: “Mày cứ vào phòng tao mà ngủ tự do. Đài đây, nghe truyện đêm khuya nhá. Rượu đây, Tây, Tàu đều có nhá. Chè Thái Nguyên tao mang ngoài quê vào nhá...” Thiệt tình là mấy đêm đầu tôi hình như thức trắng. Một lúc lại ngồi dậy, rót liền tù tì mấy cốc rượu Tây rất mạnh vẫn không thể chợp mắt được với những tiếng động từ tầng trên, nghe như có người đang làm gì suốt đêm trên đó. Tới đêm thứ tư thứ năm gì đó, tới tầm quá nửa đêm đuối quá tôi thiếp đi. Khoảng ba giờ tôi giật mình bởi có tiếng người rồi tiếng chân của nhiều người rầm rập lên cầu thang. Chân tay bủn rủn, tôi định hô lên nhưng cổ họng cứng ngắt. Cướp đột nhập rồi, hô lên là chết uổng mạng! Đứng lên không nổi, tôi nín thở vớ cái điện thoại rồi trườn tới cánh cửa vô kho sách tìm chỗ núp. Lách vô một khe hở giữa các thùng sách, thu mình bó gối nghe trống ngực đánh loạn xạ. Tôi định bấm máy gọi cho ai đó kêu cứu, nhưng gọi ai bây giờ, gọi cho anh, cho 113 à. Không được, đang trốn mà lên tiếng là chết ngay lập tức. Tôi tưởng tượng nó xộc vô, dí mũi súng lạnh ngắt hay mũi dao nhọn hoắt xỉa thẳng vào cổ vào ngực mình, mồ hôi cứ tuôn ra như tắm. Chúng nó đi đứng mạnh bạo thế chắc đúng là bọn cướp rồi, trộm thì không thế. Mà lâu nay có vụ cướp nào không có án mạng giết người dã man, trừ những vụ cướp giật lẻ tẻ ngoài đường phố. Nó lên mấy tầng trên vơ vét rồi sẽ xuống đây. Nó sẽ lục lạo. Toàn sách là sách chắc nó điên tiết lên, phát hiện người là khử gọn ngay. Khoảng gần một giờ sau, nghe tiếng nói, tiếng chân rầm rập đi xuống. Cái chết đang đến với tôi từng tích tắc. Hồi nhỏ lớn lên giữa bom đạn, tôi từng hụt chết mấy lần, nhưng cái khủng khiếp thường tới bất ngờ. Còn bây giờ, tim sẽ ngưng mật sẽ vỡ trước khi chết. Chết oan nghiệt, chết không thấy mặt vợ con, chết đau đớn phải đề hai chữ “hưởng dương” trên dòng cáo phó. Những bước chân ập xuống. Nó không quẹo vào tầng tôi mà lao luôn xuống trệt, ra sân. Chờ dứt tiếng bước chân, tôi ôm ngực nín thở, lồm cồm vừa bò vừa lết qua phòng anh, đứng dậy nhìn qua kính cửa sổ. Ngoài trời cũng lờ mờ sáng. Tôi thấy bốn bóng đen đội mũ sùm sụp, mang ba lô, hình như có nai nịt gì đó bên hông. Một thằng rọi đèn pin loang loáng, rồi nghe tiếng nó khóa cổng xủng xoảng, cả bọn bước ra đường, vù đi. Ồ, cướp mà còn khóa cổng, bọn này bản lĩnh, cao tay. Tôi hoàn hồn thoát chết, vuốt ngực thở phào. Việc đầu tiên là phải a lô báo liền cho anh. Tôi bấm điện thoại bàn đến lần thứ hai anh mới nhấc máy giọng ngái ngủ. Tôi lập cập tường trình sự việc, anh nghe xong liền “Ồ... ô. Không sao đâu. Cái bọn bên Viễn thông FPT đấy. Tao quên bảo với mày, chúng nó thuê trên tầng bốn để đặt trạm gì gì đấy. Bọn nó thường đến làm việc sửa chữa vào giờ ấy. Nó có chìa khóa cổng riêng, cứ để nó vào không việc gì đâu.” Tôi buông máy thở cái phào. Thấy trời sắp sáng, tôi liền nhào lên mấy tầng trên xem thử, hôm giờ cũng chưa bước lên đó lần nào. Đúng là cái phòng máy móc điện đài nằm tầng bốn. Một đống dây nhợ cáp cung to đùng từ cái buồng “tổng đài” chạy thẳng ra ngoài qua cửa chính mở toang. Vậy có nghĩa là trộm cướp thứ thiệt cũng có thể đột nhập tòa nhà qua cửa này dễ ợt. Tôi lại tiếp những đêm hồi hộp mất ngủ. Có chập chờn thì cũng gặp toàn cơn mơ kinh khủng. Cũng may liền mấy ngày sau đó, có người đến hỏi thuê mặt tiền tầng trệt để mở công ti cửa hiệu gì đó với một phần của tầng hai để làm kho chứa hàng. Hợp đồng vừa kí xong là bên thuê cho bảo vệ chuyên nghiệp của công ti vệ sĩ đến ngay. Con bé xưng giám đốc mặt mũi non choẹt chừng hăm bảy hăm tám, cực kì chảnh. Hợp đồng thuê nhà anh ra điều kiện không thời hạn, nó cũng OK luôn. Hợp đồng ghi chỉ cho phép nâng cấp, trang trí không được động thổ (điều anh tối kị, tin sái cổ), vậy mà nó cho thợ đào xây bức vách ngăn dọc, rồi ào ào thiết kế, trang trí sang trọng hoàn toàn, dòm lạ hoắc. Hôm nó tưng bừng khai trương tôi mới giật mình biết đó là phòng trưng bày sản phẩm giày cao gót, bóp đầm hàng hiệu với những thứ trang sức cao cấp dành cho giới chân dài người mẫu nổi tiếng. Bỗng tôi nghĩ thầm một ý ngồ ngộ: “Cơ quan ra đời của sản phẩm tim óc giờ bước vô nhìn toàn giày dép.” Bóp đầm, giày cao gót nghe đâu giá mỗi đôi từ vài trăm triệu trở lên. Hèn gì toàn mấy tay vệ sĩ cao to kềnh càng như hộ pháp thay ca liên tục trên hai bốn, như tiệm bán hột xoàn kim cương không bằng. Kiểu này tới lúc mấy cái thằng FPT đột nhập như hôm nọ có mà bị ăn đòn, gô cổ như chơi.
Mấy bữa sau nó mời một đội ngũ toàn giới chân dài, người mẫu siêu hạng, tổ chức show biểu diễn thời trang bóp đầm giày cao gót tại chỗ để quay clip quảng cáo. Buổi sáng tôi thường ngồi cà phê cóc đối diện. Phải nói thiệt, từ hồi nào tới giờ ngoài xem màn ảnh tivi, tôi chưa từng thấy bằng xương bằng thịt những vẻ đẹp hết hồn tới như thế. Từ những con xế hộp nhiều tỉ, những đôi chân dài váy xẻ tới eo bước xuống ẻo lả trước ống kính máy quay, cứ như đang làm phim tiên sa xuống trần.
Một lát sau anh cưỡi mô tô tới như mọi khi, quẹo cái ào vô cổng. Một tay vệ sĩ vừa mới đổi ca nhào ra vịn đầu xe giằng lại. Anh lúng ta lúng túng chưa biết phản ứng thế nào. Tôi liền chạy tới khoát lia lịa “Ôi anh ơi, sếp tôi sếp tôi. Chủ nhà này đấy!” Tay vệ sĩ liền vuốt vai cầm tay anh xin lỗi. Anh lột mũ bảo hiểm cười cười: “Không sao không sao. Tôi phải xin lỗi ông mới đúng. Đáng lẽ lúc này vào nhà mình tôi phải trình.” Anh đảo cặp mắt chữ o miệng chữ ô phía dàn người đẹp rồi đi lên. Tay vệ sĩ nhìn theo hỏi tôi: “Bộ sếp anh nghệ sĩ à? Nhìn râu tóc biết ngay. Bộ dạng thấy “ngầu” vậy mà hiền, đúng là nghệ sĩ.” Lát sau tôi đi lên lại gặp anh trở xuống, anh nói tao xuống mua gói thuốc, hết thuốc hút rồi. Sáng giờ mày ở dưới này à? Sướng nhể. Hề.
Mấy bữa sau nữa, tôi bỗng thấy một em chân dài mơn mởn, đẹp sững sờ đi vào cửa hiệu. Cô nàng lựa chọn gì đó một lúc rồi ung dung đi lên lầu. Đúng là dáng điệu uyển chuyển thướt tha của người mẫu chính hiệu. Áo váy mỏng tang thoảng mùi nước hoa chết người. Gương mặt và ánh mắt có vẻ rất tự tin, không cần hỏi han dè dặt, cô nàng thả từng bước lắc mông như đang đi trên sàn diễn đến thẳng phòng anh, gõ cửa bước vào. Quái lạ. Quá khó hiểu. Cứ như trong phim ấy. Tôi vừa làm việc vừa nhìn đồng hồ, một tiếng, rồi tiếng rưỡi. Vẫn im ỉm. Mà cái phòng của anh thì ôi thôi, đàn ông còn chịu nổi nhưng mấy lần tôi thấy mấy bà mấy cô bước vào là cứ nhào ra ngay, bưng mồm bưng mũi bởi cái mùi thuốc lá với mùi rượu nồng nặc lưu cữu. Cái máy lạnh cũ mèm thì cứ chạy khò khè như lão già lao phổi. Vậy thì động cơ nào khiến một nhan sắc ngọc ngà tầm cỡ ấy bị hút vào. Nếu vì cái mã đẹp trai cao to phong trần thì các nam ca sĩ, nghệ sĩ, đại gia vây quanh nàng có thừa. Tôi cứ ngồi đoán già đoán non, nếu do quen biết tình cờ lúc xuống lên thì anh tán tỉnh vào lúc nào, tôi sẽ biết ngay, không qua mắt tôi được. Tới xế chiều, cô nàng bước ra cũng ung dung như lúc vào. Trên tay có cầm thêm cuốn sách với tập giấy gì đó dày dày. Anh vẫn ngồi riệt chỗ bàn làm việc, không thấy bước ra tiễn chân người đẹp. Vậy là sao?
Mấy hôm sau lại thấy bóng hồng ấy tiếp tục xuất hiện. Cũng đi một mình. Gõ cửa, vô. Mất tiêu mấy tiếng đồng hồ. Không hiểu nổi. Lúc này trên báo chí thường nghe cụm từ “Đường dây chân dài người mẫu” gì đó, nhưng dạng này là dành cho mấy đại gia được tính bằng xe hơi nhà lầu, biệt thự. Loại bắn bỏ nghe nói cũng vài ba nghìn đô một chuyến bay tốc hành. Còn anh, bề ngoài trông hào hoa là vậy nhưng gần anh lâu nay tôi biết, vẫn sinh hoạt như một anh bộ đội gốc nhà quê ngày nào. Cơm rau tương cà là thứ anh thích nhất. Mấy lần có khách tới quan hệ rồi kéo cả hai anh em ra nhà hàng, lần nào anh cũng gọi đúng hai món: Cá rô ron chiên giòn với đậu hủ lướt ván, thêm đĩa rau luộc chấm tương là phần anh xong tiệc. Cũng một lần có người mời, phòng anh còn lưng chai Chivas, anh bảo tôi xách theo, ra đấy loại này đắt lắm. Đến lúc đưa phiếu tính tiền, thấy có thêm khoản phụ thu hai trăm nghìn do các anh mang rượu nhà vào, nhà hàng phải phục vụ... bốn cái li con. Đó là “luật” lâu nay rồi, nhưng thấy anh cứ xuôi râu ngơ ngác, nên tôi chắc chắn, anh không thể chơi như kiểu đại gia được.
Rốt cũng vỡ ra, hơn tuần sau, mấy tờ báo nổ đùng về một người mẫu vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Dây Xiềng”, viết về tình dục quá trớn. Tiếp theo là cuộc rượt đuổi chí mạng với búa rìu và gạch đá đối với nội dung cuốn... dâm thư. Có cả gạch đá đúng nghĩa của cư dân mạng. Lúc đó chưa có phây-búc, toàn chơi blog. Có thằng không biết đã đọc trang sách nào chưa, hùa vô bình luận trên một blog: “Mấy ông mấy bà nào cho phép in cuốn sách này ở đâu, tìm mà liệng cho nó mấy cục đá bể đầu chết mẹ!”
Tôi có cảm giác ngôi nhà bốn tầng đang xuống cấp như chao đảo. Anh đột ngột đóng blog. Mấy ngày này, anh đến vào lúc năm giờ sáng như một bóng ma và ở riệt trong phòng, cắt đứt mọi liên lạc. Tới gần chín giờ tối thấy bóng anh đội sẵn mũ bảo hiểm loại trùm gáy trùm ót từ trong phòng bước ra, phóng lên xe cái vù mất hút. Tôi cũng chết khiếp, sợ run hơn vụ “bọn cướp” hôm nọ bởi cuộc tấn công sẽ bất ngờ nhưng đã có báo trước. Mỗi ngày tôi nhận hơn chục cuộc gọi hỏi, sếp ông sao rồi, máy lão không gọi được. Tôi nói chắc đang đi Tây Nguyên, trên đó sóng không phủ. Anh nhà thơ kiêm luật sư, bạn chí cốt của anh, chiều nào cũng tới rủ đi nhậu hà rầm, nay gọi hỏi, tình hình căng lắm phải không? Tôi nói căng thẳng vô cùng. Hình như đang bị bao vây phong tỏa, bất xuất bất nhập, mấy ngày này nhờ bà con khu phố tiếp tế bánh mì nước khoáng. Tình hình rất nguy hiểm, anh khoan hãy tới nhe. Ô kê mình không dám tới đâu.
Cái shop của “Công ti giày cao gót” đang tưng bừng tuần trước nay cũng tự nhiên vắng hoe. Bảo vệ còn một, nhân viên bán hàng loe ngoe một hai đứa. Thấy con bé giám đốc từ xe con bước xuống, sắc mặt bợt bạt. Tôi bước ra ngồi chỗ bà bán bột chiên trước cổng thấy hai ba bà hàng xóm đang dòm vô cửa hiệu xầm xì: “Nó vừa bị sụp vụ làm ăn gì đó lớn lắm, kiểu này chắc phá sản. Thằng chồng nó nghe nói buôn bán hàng quốc cấm mới bị công an hốt rồi. Tui nói có sai không, cái nhà này linh lắm. Dzậy mà nó dám đập, dám đào không thèm cúng kiếng thổ thần đất đai. Thấy chưa.” Bà kia nói mắt lấm lét: “Chủ cũ nhà này vượt biên, có về xin ghé thăm mấy lần, không biết có thuê ếm bùa ếm ngải chi không. Hổm nay nghe hết chuyện này tới chuyện kia.”
Vậy là cái rủi ro xui xẻo của anh cũng do chính cái “Công ti giày cao gót” mà ra. Do cái cô người mẫu đổ đốn ra, viết sách bậy bạ. Rồi nhân tiện đi sắm giày cao gót gặp cái biển của “nhà cấp phép” in sách, mới ra tội vạ. Lúc nghe mấy bà hàng xóm xầm xì, tôi giật mình liên tưởng tới cái kho chứa hàng nó thuê trên tầng hai. Trong đó chứa hàng gì? Có phải giày dép hay cái thứ chết người nào khác? Tại sao nó không thuê nhà tư nhân ngoài mặt tiền mà phải thuê trong ngõ, cơ sở của một tổ chức? Tại sao nó phải thuê vệ sĩ chuyên nghiệp trên hai bốn? Tại sao tay vệ sĩ có hành động hơi quá trớn với anh? Càng suy nghĩ tôi càng lo ngại cho anh.
*
* *
Một thời gian sau anh lật đật làm thủ tục xin về hưu, thấy vậy tôi cũng xin anh nghỉ việc luôn. Anh nói mày về trước đi, rồi tao cũng về gần mày đấy. Hóa ra anh có người anh em rể ở cùng xã với tôi, cách chừng vài cây số. Ba bốn năm trước, anh nhờ người này mua giúp lô đất để dành chuẩn bị về vườn. Anh có mua sẵn một ngôi nhà gỗ cũ loại nhỏ từ ngoài Bình Thuận đưa về xếp để đó. Với ý tưởng là sẽ dựng lên cho thật giống ngôi nhà, mảnh vườn ngoài quê nơi anh sinh ra, để bắt đầu một cuộc sống tuổi xế chiều. Buổi sáng nọ anh a lô cho tôi nói hôm nay tao xuống vườn, mày rỗi chạy xuống chơi.
Thêm một lần nữa tôi thấy anh mặc áo cựu binh với quần bò cũ, đội mũ cối, tay cầm cái xẻng đang đứng trên một đống đất đỏ cao ngất vừa mới đổ nâng nền. Tôi bật kêu: “Giống lính pháo cao xạ miền Đông nhệ.” Anh cười hô hô, nói ở nhà mày có cuốc không? Có cây rựa cây búa gì không? Chạy về lấy xuống tao mượn. Mẹ, đụng thứ gì cũng thiếu.
Hôm sau tôi mang xuống cho anh mấy con gà bằng nắm tay để anh làm giống nuôi đỡ buồn. Mấy bữa sau anh đọc cho tôi mấy câu thơ anh vừa làm: Anh đang chơi với một bầy gà/ Bới nhặt mà ăn rỉa nhau mà sống sót/ Cất tiếng gáy tự mình thảng thốt/ Ngẩn ngơ nhìn hoa lá biết gì đâu... Rồi anh nói lúc này tao đi chơi thôi. Không viết nữa. Hôm gặp anh trên phây, đứng đâu đó bên một bờ sông với câu Chiều chiều lại nhớ chiều chiều... Vẫn râu tóc ấy, phong trần và kiêu bạc. Mấy người còm Nhớ nồi cơm nguội... Rồi Nhớ về quê mẹ... Tôi còm Nhớ người quân tử khăn rằn vắt vai...
Đầu tháng 11/2020
D.Đ.K
VNQD