Khi những mạch nguồn bắt lên câu hát

Thứ Hai, 03/05/2021 00:05

. PHẠM VÂN ANH

 

Hỏi những mạch nguồn chia nước từ đâu/ Nơi địa đầu nước ùa vào cỗi cằn khai mở/ Để cây lúa bén giậu đất núi, con cua quen ruộng bậc thang/ Thành tên suối tên khe, thành tên bản tên mường/ Khoan thai đổ xuôi những dòng lịch sử/ Vượt chín ngàn núi cao, ba trăm ghềnh thác/ Mỗi dòng xanh một huyết mạch ngàn năm… Tôi đã viết những dòng thơ như thế khi đứng trước Đà Giang ngạo nghễ, trước Hồng Hà cuộn đỏ, sục sôi cùng Sông Mã gầm gào và lắng lòng bên Cửu Long Giang mênh mang. Tôi đã liên tưởng đó là lạch nguồn chảy từ miền trầm tích, đưa nước lành và phù sa mát ngọt về bồi đắp nên bao vùng quê trù mật.

Một nhánh sông Mê Kông. Ảnh: Báo Giao thông

Một nhà khoa học đã ví von, nếu Trái Đất là một cơ thể sống thì sông chính là những mạch máu trên cơ thể Mẹ Trái Đất. Hẳn rồi, bởi sông mang nước và phù sa bồi đắp châu thổ, chuyển hoàn dinh dưỡng, làm sống lại các vùng đất khô cằn và hỗ trợ hệ sinh thái của hành tinh. Sông chuyên chở khoáng thạch, hoàng thổ nơi quan san kết nối với trầm tích hải hà biển cả dưới đáy đại dương. Sông mang trong mình triệu triệu mầm sống, tạo nên nguồn lợi thủy sản đa dạng cho con người… Với gần bốn trăm con sông được định tên trên lãnh thổ Việt Nam, các dòng chảy ấy cứ ngạo nghễ bắt nguồn từ biên giới, vượt qua thác ghềnh, qua châu thổ rồi hiền hòa tan chảy vào Biển Đông mặn mòi. Xuôi Bắc ngược Nam, hành trình của những dòng sông luôn đem lại những vần thơ hay nhất, những nốt nhạc đẹp nhất của mỗi vùng quê. Nên sẽ không ngoa khi nói dòng Mê Kông là một kinh mạch lớn với những giá trị kiến tạo không thể thay thế.

Như ý nghĩa tên gọi của nó “Sông Mẹ” trong tiếng Lào và tiếng Thái, Mê Kông là nguồn sống của hơn sáu lăm triệu dân. Phần lớn trong số đó theo Phật giáo: Nam Truyền ở Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia; Bắc Truyền ở Trung Quốc và Việt Nam; và Kim Cương Thừa ở Tây Tạng... nên Mê Kông còn được gọi là “dòng sông Phật giáo”. Trong lưu vực sông Mê Kông, các quốc gia có nhiều điểm tương đồng về đặc điểm tự nhiên cũng như khí hậu nhiệt đới gió mùa và tập quán canh tác nông nghiệp. Văn hóa cũng ảnh hưởng lẫn nhau với sự đồng điệu trong kiến trúc đền chùa, trong văn hóa ẩm thực, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian...

Nhớ đến những nẻo đường biên giới đã từng qua, mới giật mình nhận ra mình đã gặp rất nhiều chi lưu của dòng sông ấy trải dài trên lãnh thổ Việt Nam từ Bắc vào Nam. Ngoài dòng Cửu Long uốn khúc chín đầu rồng, tạo nên Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích bốn triệu héc ta, thì tôi cũng đã từng đến Thượng Sê San, Thượng Sêrêpôk của Tây Nguyên. Hay huyện Hướng Hoá, Quảng Trị có một phần diện tích nằm trong lưu vực sông Mê Kông với dòng Sê Asap đổ vào Sê Kông chảy dọc tỉnh Sê Kông và vùng lòng chảo Điện Biên là con sông Nậm Rốm bắt nguồn từ vùng núi cao Mường Phăng đổ vào sông Nậm Ư của Lào.

Vậy là khoác ba lô, máy ảnh lên đường khám phá dòng Sông Mẹ của hàng trăm dân tộc thuộc con dân của sáu quốc gia Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Để lắng mình trong rực rỡ sắc màu văn hóa nghìn năm được con người kiến tạo trên lưu vực sông, để cúi đầu cảm nhận những trầm luân mà con người nghìn năm qua đã khắc chế thiên nhiên, cùng thiên nhiên làm nên cây lành trái ngọt... Và còn để thấy dòng sông huyền thoại đang dần trở nên nhỏ bé trước sự tham lam tàn phá của con người.

Đáp máy bay đi Vân Nam, chúng tôi không theo tour du lịch thông thường mà tự mình thuê một chiếc ô tô nhỏ để lên đường đến Thanh Hải. Nhà báo Chu Khiết, một cây bút tự do của Thành Đô qua lời giới thiệu của một người bạn là tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã tình nguyện dẫn đường đưa chúng tôi đi. Vượt một chặng đường dài hơn một nghìn ki lô mét, chúng tôi chính thức bước vào địa giới của cao nguyên Tây Tạng, hai bên đường xe chạy thấy được dáng vẻ mềm mại, xanh ngát của những hàng liễu cao, loài cây biểu tượng của Tây Ninh - một tỉnh lị của Thanh Hải.

Trên hành trình, điều chúng tôi cảm thụ rõ nét chính là sự kì vĩ của cảnh quan, sự tráng lệ của văn hóa truyền thống, sự đa dạng của nghệ thuật mà những cư dân thuộc thành phần các dân tộc nơi đây đã sáng tạo và gìn giữ suốt mấy nghìn năm qua. Chu Khiết tranh thủ đưa chúng tôi đi thăm chợ Nhiệt Cống, dịch nghĩa là “Thung lũng Vàng” để có thể mua những món đồ thủ công đặc sắc như tranh tường, đồ thêu tay và đặc biệt nhất là Thang Ka - loại tranh cuộn thêu hình các vị Phật của tôn giáo Tây Tạng trên vải satin nhiều màu sắc.

Cứ di chuyển liên tục như thế, sau ba ngày, chúng tôi đã đến được vùng núi Quốc Trung Mộc Sách thuộc tỉnh Thanh Hải. Chỉ có thể đứng nhìn để hình dung hành trình tìm về với biển của dòng phù sa ấy đã trải qua biết bao khắc chế của địa hình, địa vật chứ không đủ thời gian và sức khỏe để lên tận khe suối nằm khuất tít sau trùng trùng thâm u. Ông chủ quán trọ người Tây Tạng dưới chân Quốc Trung Mộc Sách có cái tên rất khó đọc là Trison Dantsu chỉ khoảng hơi nước mù mịt bốc lên phía xa bảo rằng, con sông này người địa phương đặt tên là Dza Chu, có nghĩa là Trát Khúc. Càng đi về phía thượng nguồn, Mê Kông càng dữ dằn, hoang dã, nước gầm gào, sôi réo quanh năm. Có lẽ bởi vì thế mà trên địa phận Trung Quốc, sông Mê Kông có tên gọi là Lan Thương Giang, mang nghĩa là “con sông cuộn sóng”.

Qua khỏi địa phận Trung Quốc, Mê Kông hạ độ cao từ nghìn mét xuống còn bốn trăm đến năm trăm mét so với mực nước biển ở biên giới Lào với Myanmar và Lào với Thái Lan. Suốt mấy trăm ki lô mét, sông vẫn miệt mài chảy giữa rợn ngợp thành quách đá. Có cảm giác rằng, sông phải khó khăn, nhẫn nại lắm mới vượt qua được qua những trận địa đá để trổ đường ra biển lớn. “Giang hồ vặt” như tôi không đủ can đảm để bám theo dòng sông, chỉ có thể chọn một vài điểm đến để cảm nhận “tình phù sa tuy đục mà trong” của dòng sông đã mang lại sự sống cho con người một dải đất rộng dài Đông Nam Á.

Điểm đến tiếp theo của tôi chính là cố đô Luang Prabang với hoàng cung của các triều đại vua Lào trong quá khứ. Leo 329 bậc đá lên ngọn núi đơn độc Pu Si, toàn cảnh cố đô yên bình và tịnh lệ hiện ra trong tầm mắt, và dòng Mê Kông uốn lụa làm đường phân ranh đất nước Lào với nước bạn Thái Lan. Cô hướng dẫn viên người Lào tên Chăn Thi May dáng vẻ căng mọng như búp hoa Chămpa ngậm sương nói tiếng Việt rất giỏi bởi đã nhiều năm học tiếng Việt tại trụ sở Hội Người Việt Nam ở Luang Prabang. Qua lời kể của cô, chúng tôi biết thêm ở đây có rất nhiều người Việt sinh sống hòa thuận cùng người Lào, còn có một ngôi trường Tiểu học Hùng Vương của học sinh người Việt, mà thầy hiệu trưởng cũng là người Việt. Có Bưu điện Luang Prabang, nơi ra đời của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Chăn Thi May bảo, ở Thái Lan và Lào, các con sông đều được dịch là “mẹ của nước”, biểu thị bằng tiền tố mae, có nghĩa là “mẹ”, còn nam là “nước”.

Trước mắt chúng tôi, “con sông cuộn sóng” đã không còn mà chỉ là một dòng nước lênh loang hắt nắng sáng lên như một mảnh vàng khổng lồ. Dòng nước này đang lừng lững hướng về Viêng Chăn, qua thác Khôn, xuôi Hạ Lào, hòa vào Tonle Sap của Campuchia rồi đổ vào Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Thường Phước, nơi có cột mốc 240. Trên địa phận Lào, Thái Lan, Campuchia cũng như Việt Nam, hầu hết người dân sống bên dòng sông đều là dân nghèo làm nghề nông nghiệp, đánh bắt cá... Gia đình Chăn Thi May cũng vậy. Có lẽ vì thế mà cô tỏ ý lo lắng trước việc những người thân và ngôi làng của cô đang bị bị đe dọa bởi lũ lụt, nạn phá rừng, ô nhiễm cũng như các dự án thủy điện khổng lồ đang được xây dựng phía thượng lưu.

Anh họ của Chăn Thi May, Chăn Thạch Sang đích thị là một ngư dân chính hiệu, chạy chiếc xe ba bánh đưa chúng tôi về ngôi làng cách Luang Prabang gần tám mươi cây số. Trái ngược với cố đô, vùng ngoại ô này chỉ có những ngôi nhà thấp, mái tôn xám xịt, tương phản với bờ bên kia của Thái Lan đã mang dáng dấp của một đô thị mới. Ngay phía bến sông, nơi có hàng trăm chiếc thuyền nhỏ đang đậu, những người đàn ông da đen sạm, tóc hung vàng vì nắng đang tất bật sắp xếp ngư lưới cụ, chuẩn bị cho lần đánh cá mới.

Chăn Thạch Sang khoe lần này họ sẽ xuôi về hạ nguồn tìm dòng cá mới vì những năm gần đây, cá trên thượng du bị ngăn lại tại các hồ thủy điện nên không còn là mấy, các loại cá đặc sản như cá hô, cá lăng, cá ngựa nam cũng cạn kiệt... Lịch trình của ngư dân Lào khá rõ ràng. Vào mùa khô, những tay lưới này sẽ dong thuyền xuống Savannakhet, Khammuane... Còn mùa lũ thì ngược lên Bắc Lào để săn các loài cá quý...

Thật vui là khi thuyền ra đến giữa dòng, chúng tôi gặp một thuyền câu Thái Lan nhập hội. Vông Sa Ly, chủ thuyền câu bảo ngư dân hai nước cùng khai thác cá trên sông rất ít khi xảy ra tranh chấp. Họ cùng thống nhất với nhau sẽ không đánh bắt kiểu tận diệt để bảo tồn nguồn lợi thủy sản chung. Hai chiếc thuyền chào nhau bằng một hồi còi rồi cùng song song chạy. Cứ thế cho đến khi qua gầm cầu Hữu nghị Lào - Thái Lan II, đến ngã ba sông, nơi có hữu ngạn Mê Na Mun thì chiếc thuyền của ngư dân Thái Lan mới bẻ lái chuyển hướng về phía tây.

Thuyền của Vông Sa Ly đưa chúng tôi đến địa phận tỉnh Champasak, miền Nam Lào, giáp biên giới Campuchia. Đó cũng là nơi dòng Mê Kông gom nước đổ vào thác Khôn và trở thành một trong những dòng thác nổi tiếng trên thế giới, được nhiều người ví như thác Niagara của Lào. Vẻ đẹp kì vĩ của thác không chỉ là điểm đến du lịch đầy hứng khởi mà còn là nơi mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân hai nước Lào và Campuchia. Các tay lưới trên thuyền sẽ thử vận may ở khúc sông này ba ngày rồi quay về làng. Không thể vượt thác bằng đường sông, chúng tôi chuyển lên đi đường bộ và đến thẳng Phnôm Pênh, ở đó có sông Tonle Sap nối sông Mê Kông với Biển Hồ ở phía tây bắc. Bắt đầu từ Phnôm Pênh, Mê Kông chia thành hai nhánh: bên phải là sông Ba Thắc, bên trái là Mê Kông, cả hai “nhập cảnh” vào Việt Nam và được gọi với cái tên mới là sông Tiền, sông Hậu.

Từ quảng trường trước hoàng cung Campuchia, Thiếu tá Thusavang, một sĩ quan của lực lượng Hiến binh Hoàng gia Campuchia theo lời ủy thác của những người bạn Biên phòng Tây Ninh đã tận tình thuê một chiếc ca nô đưa tôi theo dòng nước để đến vùng hồ nổi tiếng có trữ lượng nước ngọt lớn nhất vùng Đông Nam Á. Vùng hồ có diện tích 2.700km2 trong những tháng mùa khô và 16.000km2 vào mùa lũ này được khẳng định là đã hình thành từ 5.500 năm trước công nguyên do sự va chạm của lục địa Ấn Độ với châu Á. Và như một sự hậu đãi của thiên nhiên, nhờ có Biển Hồ mà lượng nước sông Cửu Long ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam được điều hòa vào mùa mưa hạn và mùa khô được bổ sung nước.

Đang mùa lũ, nước tràn lên các cánh đồng, mênh mông một sắc đỏ phù sa. Dọc đường đi, tốc độ vừa phải của ca nô cũng khiến cho những ngôi nhà dựng bên sông loang loáng trôi. Thuyền câu thì rất nhiều bởi nơi đây không chỉ là khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng toàn cầu, mà còn là một vựa cá khổng lồ, cung cấp phần lớn nguồn thủy sản cho đất nước Chùa Tháp cũng như người dân Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Chúng tôi không có thời gian đến khu người Việt ở Biển Hồ mà rẽ ngang khu Prếch Toan, một khu làng nổi của người Khmer thuộc tỉnh Battambang. Đó là một khu rừng bán ngập được chính quyền quy hoạch thành khu bảo tồn với hàng trăm loài chim quý.

Kâng Kun, một ngư dân có tiếng sát cá ở khu này nói với vẻ tự hào: “Gia đình tôi có ba đời gắn bó với con thuyền, lênh đênh trên mặt nước. Từ khi mới ba tuổi tôi đã được bố thả xuống nước tập bơi nên không có loài cá nào, không có cách đánh bắt nào ở Biển Hồ xa lạ với tôi. Mỗi khi bắt được cá lớn, tôi thường mang đến khu chợ cá Kampong Chhnang để bán cho được giá. Dòng sông đã nuôi lớn tổ tiên tôi và sau này là con cháu nhiều đời.”

Khi chúng tôi nhắc đến những người Việt ở Biển Hồ, Kâng Kun nhún vai, tỏ ý chia sẻ trước việc cộng đồng người Việt ở đây đã không còn được sống no đủ như trước. Một phần nguyên nhân là do nguồn lợi cạn kiệt, phần khác là do biến động chính trị đã ít nhiều khiến bà con bỏ về nước, sống tạm bợ ở các vùng biên giới Việt Nam: “Trước đây, chúng tôi thường hay gặp nhau ở chợ cá, trao đổi tình hình đánh bắt ở mỗi khu hoặc học hỏi kinh nghiệm, bán ngư cụ cho nhau... Nhưng bây giờ thì ít gặp. Nhiều bạn nghề cá của tôi đã lên bờ đi làm thuê, nhưng không khá hơn là mấy.”

Bữa trưa giữa Biển Hồ trên ngôi nhà cao chẳng có chút khó ăn nào do không hợp khẩu vị. Cá tươi mổ sạch nướng trực tiếp trên bếp lò chấm với mắm bò hóc được chế bằng cách ướp muối và đường từ những con cá tươi nhất rồi để trong tủ đậy kín vài tháng sau mới đem ra ăn. Ăn cá Biển Hồ, lại bâng khuâng nghĩ đến miền Tây mùa nước nổi. Không chỉ tạo nên vựa cá ở Biển Hồ, khi về đến Việt Nam, lượng thủy sản trên sông Mê Kông vẫn rất dồi dào, cung cấp cho người dân khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều loài cá nước ngọt quý báu. Bạc Liêu nước chảy lờ đờ/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu, hay Theo anh về xứ Bạc Liêu/ Ăn cá thay bánh, sò nghêu thay quà - hai câu ca dao ấy đủ nói điều đó.

Miệt mài bồi đắp lên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn trải suốt 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, Mê Kông đã làm nên độ trù phú và màu mỡ hiếm có cho nơi đây. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản thuộc tiểu vùng chỉ chiếm khoảng gần ba mươi phần trăm của cả nước nhưng miền Tây đóng góp hơn năm mươi phần trăm diện tích lúa, bảy mốt phần trăm diện tích nuôi trồng thủy sản, ba mươi phần trăm giá trị sản xuất nông nghiệp và năm tư phần trăm sản lượng thủy sản của cả nước. Lúa, cây lương thực chủ đạo của Đồng bằng sông Cửu Long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Trung bình mỗi năm, “vựa lúa của Việt Nam” cho thu hoạch từ hai mốt đến hai năm triệu tấn, chiếm đến hơn năm mươi phần trăm tổng sản lượng lúa của cả nước, bình quân lương thực trên đầu người ở đây cũng cao gấp hai đến ba lần so với các vùng khác.

Giờ đây, sau hành trình dài gần một tháng xuôi theo dòng Sông Mẹ, chúng tôi lại ngược về phía biên giới Châu Đốc, Tân Châu (An Giang), dù đi trên sông Tiền hay sông Hậu đều thấy xóm làng trù mật với nhiều tòa nhà chọc trời kiêu hãnh đứng khuấy mây, vượt thoát hẳn lên tràm đước. Còn trên mênh mang nước, từng đám lục bình tím ngắt bồng bềnh trôi về hạ lưu, đâu đó tiếng gà trống gáy ban trưa, tất cả gợi cảm giác thanh bình vô hạn độ. Xe chạy giữa những thảm vàng trĩu hạt và bạt ngàn cao su xanh ngắt. Đó là bằng chứng cho thấy đã qua rồi cảnh người dân biên giới nhọc nhằn mưu sinh trên vùng đất khó. Quay đầu nhìn lại, vẫn thấy những ngôi chùa Khmer in bóng giữa ráng chiều và hàng thốt nốt xanh. Để có một miền biên viễn an yên như thế, thật khó để nhắc nhớ hết công lao của cha ông trong quá trình khai phóng biên cương đầy nhọc nhằn một thủa.

Sử cũ còn ghi, trong thời gian đóng quân trấn giữ vùng biên cương Tân Châu - nơi con sông Tiền, một nhánh của Mê Kông chảy vào đất Việt - Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã cho nạo vét kênh mương, nối nhánh với sông Tiền, vừa giúp thông luồng cho thủy quân di chuyển, vừa lấy nước cho dân khai khẩn ruộng đất, để lại nhiều thành quả khai canh khai cơ rõ nét. Từ việc xây dựng nền tảng kinh tế, xã hội vững chắc, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục sứ mệnh hoàn thành cương giới quốc gia Đại Việt ở cả vùng miền Tây Nam Bộ, trong đó có An Giang. Thế mới biết, trên mỗi vùng biên thùy nước Việt, từng tấc đất đều in dấu chân của cha ông đi mở cõi. Và thấy thật thấm thía, khi nghe ai đó nói rằng, cứ lần theo những bước chân ấy, xâu chuỗi những câu chuyện như còn đang rì rầm trong mạch nguồn lịch sử, sẽ thấy tổ tiên ta thông tuệ thế nào.

Và, quả đúng như nhà thơ Bế Kiến Quốc đã từng viết Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông/ Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát trắng mênh mông/ Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng... Trên dòng Cửu Long, đã có rất nhiều anh hùng dân tộc, nhiều danh tướng của lịch sử cách mạng được sinh ra, như Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, hay Phan Ngọc Hiển... Thật khó để có thể liệt kê hết những người con ưu tú của miền Tây, lớn lên từ mặn mòi phù sa để rồi tận hiến tài lực của mình cho đất nước. Chỉ biết rằng, ở vùng đất này “hào kiệt đời nào cũng có”.

Giọng đọc của anh lính biên phòng còn rất trẻ người gốc An Giang bất chợt vang lên khiến tôi bừng tỉnh niềm suy tưởng: ... Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh/ Nguồn tự Trung Hoa có Vạn Lý Trường Thành/ Có Hy Mã Lạp Sơn, Động Đình Hồ, Tây Du, Thủy Hử/ Mê Kông chảy/ Cây lao đá đổ/ Ngẫm nghĩ voi đi/ Thác Khôn cười trắng xóa/ Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương/ Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn/ Rừng Lào - Miên rộng quá/ Dân Lào - Miên mến yêu/... Ta cởi áo lội dòng sông ta hát/ Mê Kông chảy Mê Kông cũng hát... Đó là những câu thơ biết mấy hào sảng trong bài (Cửu Long Giang ta ơi) của nhà văn Nguyên Hồng.

Phải rồi, dù còn đó những thác ghềnh hiểm địa, còn đó mối lo đập thủy điện và sự cạn kiệt của nguồn lợi thủy sản, của biến đổi khí hậu khi nước biển xâm thực mỗi ngày, nhưng dường như Mê Kông vẫn đang hát. Bài hát của tình người, tình phù sa bền chặt ngàn năm. Dòng Sông Mẹ sẽ mãi bao dung cho những đứa con của mình và tạo nên bao điều kì diệu trên sóng nước phù sa.

P.V.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)