. ĐINH PHƯƠNG
Mạng xã hội gần đây lan truyền rần rần hình ảnh hai chú trâu mắc kẹt trên mái nhà sau lũ lụt ở Quảng Bình. Chủ trâu khi nước rút, phải thuê xe cẩu chúng xuống đất. Câu chuyện thoáng nghe như hài hước ấy, hóa ra tôi đã từng đọc ở bút kí Trong cơn đại hồng thủy của nhà văn Sương Nguyệt Minh về lũ lụt miền Trung năm 1999 in trên phụ san Văn nghệ Quân đội. Khi ấy tôi cho rằng, ông tiện bút phịa thêm cho sinh động. Nhưng giờ mới thấy sự thật còn ghê gớm hơn nhiều lần. Điều đó thôi thúc tôi phải đi. Đi để thấy những điều mình tưởng tượng trong căn phòng sàn gỗ “an toàn không mưa gió” ở đầu “Phố nhà binh” còn hạn hẹp lắm.
Con thuyền cứu nạn
Tôi gọi điện cho Thượng tá, nhà báo Trần Hoài, Trưởng đại diện Báo Quân đội nhân dân ở Quân khu 4 về ý định của mình. Anh bảo: “Hay quá, cậu vào ngay, đi Hà Tĩnh với tớ, dưới ấy có nhân vật hay lắm.”
Nhân vật được nói đến là Lê Văn Thành ở thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên. Trong hai ngày 18 và 19 tháng 10, khi nước lũ từ hồ Kẻ Gỗ cuồn cuộn theo con sông Ngàn Mọ (tên gọi khác là Rào Cái) đổ về, anh Thành đã cùng ba người nữa lái thuyền cứu được hơn ba trăm người.
Nhà anh Thành nằm cạnh bờ sông Ngàn Mọ đã sạt lở một nửa, có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Cây cầu đang làm dở đã bị nước lũ cuốn trôi. Những đống rơm sũng nước xám xịt nằm uể oải đây đó trong các sân nhà. Tường bao trường THCS Mỹ Duệ đổ chưa kịp dọn sạch nhưng đã đón học sinh trở lại. Khu vườn trồng keo, tre, cây ăn quả của gia đình anh Thành bị cát và bùn ngập cả mét. Lúc chúng tôi đến, anh Thành đang sửa lưới đánh cá ngoài sân. Trong nhà, bàn ghế, tủ tường, xoong nồi, quần áo… lộn xộn. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Tịnh đang chăm con là cháu Lê Văn Lợi, học lớp 9, trường THCS Cẩm Duệ bị sốt mấy hôm nay. Cháu Lợi theo bố đi đánh cá nhiều nên lái thuyền rất giỏi. Trong những ngày lũ vừa qua cháu xin đi cứu người cùng nhưng anh Thành không cho, bảo ở nhà giúp mẹ cùng ba em.
Lực lượng công binh chuẩn bị rọ đá để nắn dòng chảy của suối, phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn tại Rào Trăng 3. Ảnh: Trọng Hưng.
Anh Thành kể, chiều 18 tháng 10, khi đang thả lưới trên sông, thấy nước lên nhanh, anh vội về nhà cùng vợ con kê đồ đạc, chuẩn bị thuyền dự phòng. Vừa xong, cũng là lúc nước lên trắng xóa bốn bề. Tiếng người kêu cứu, khóc than dội vang khắp phía. Người dân ở xã Cẩm Duệ chưa kịp chuẩn bị gì bởi chủ quan nghĩ cơn lũ được coi là to năm 2010 nước cũng chỉ dâng từ từ, ngập một mét đến mét hai là dừng. Nay nước vào nhanh, cao đến hai mét rưỡi, có điểm ba mét. Biết một mình không thể cứu được nhiều người, anh gọi thêm ba anh em thân thiết và phân công. Anh Hoàng từng là chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh có nhiệm vụ quan sát, phát hiện người dân đang lâm nạn. Anh Đồng từng là chiến sĩ hải quân, thủy thủ tàu 359, Hải đội 131, Lữ đoàn 172 ngồi ở mũi xuồng làm hoa tiêu (hai người hiện là dân quân xã Cẩm Duệ). Anh Công cùng anh Thành thay nhau cầm lái. Chiếc thuyền có sẵn bốn người, thường mỗi chuyến chỉ chở được thêm năm - sáu người nữa nên phải ưu tiên cứu trẻ nhỏ, người già yếu, nhà ở khu ngập sâu trước. Vì thế, có lúc người dân cuống quá chửi mắng các anh thậm tệ, sao không cho họ lên thuyền. Những lúc ấy, dù mưa, mệt, mấy anh em vẫn cố gắng động viên họ yên tâm chờ chuyến sau.
Hôm đầu tiên bốn anh em chạy gần trắng đêm, với hàng chục chuyến đưa người ra chỗ cao, chuyển lương khô, mì tôm, nước uống vào tiếp tế cho người còn mắc trong lũ. Các anh chạy dựa theo các mốc khi đánh cá anh Thành đã quen, cộng với kinh nghiệm đi biển của anh Đồng, kinh nghiệm luồn rừng trinh sát của anh Hoàng. Đến chỗ nào nghi cạn, chạy chậm lại. Thấy chướng ngại vật như cây đổ, cột điện nghiêng, dây điện chằng chịt... thì tìm đường khác. Nhiều khi thuyền vượt qua cả nóc nhà, thấy lờ mờ mái ngói, mái tôn; có khi đi qua ngọn cây rơm, chân vịt quay sùng sục, thấy cả rơm lẫn gà vịt chết nổi lên. Vật bảo hộ là bốn chiếc áo phao trẻ con được nới ra hết cỡ quàng quanh người mà xã đội phó Hoàng Đình Bình, từng là chiến sĩ Trung đoàn 176, Sư đoàn 968 bắt mặc với lời nhắc “càng biết bơi càng dễ chủ quan, mặc vào cho an toàn”. Nhóm chỉ có một chiếc đèn, nhưng để tiết kiệm pin, thỉnh thoảng mới bật lên xác định mốc và vị trí người mắc kẹt. Nhiều nhà, anh em phải dỡ ngói đưa người ra. Lạnh, ướt, môi tím tái, quần áo dính bệt vào da thịt nhưng anh em động viên nhau “còn người còn đi”. Mì tôm bẻ chia nhau ăn ngay trên thuyền. Điện thoại đổ chuông liên tục, mỗi cuộc gọi là mỗi lần họp bàn xác định phương hướng cho thuyền tiếp cận nhanh nhất.
Chị Tịnh góp chuyện: “Gần một ngày hai mẹ con tui ngồi im trong thuyền ở nhà để đợi. Lòng nóng như lửa đốt, gọi điện thoại không được, chỉ sợ nhỡ anh và các chú nó có làm sao. Đến lúc anh về, giận, định mắng, nhưng nhìn anh bóp mì tôm ăn sống thì lại thương. Anh đưa vội mấy mẹ con ra chỗ cao rồi lại đi cứu người tiếp. Anh ấy còn giấu tôi chuyện lật thuyền…”
Chuyện lật thuyền của anh Thành li kì chẳng kém phim ảnh. Khi nghe tin trong thôn Phú Thượng có người cần đi bệnh viện gấp, bốn anh vội vã lao đi. Còn cách hơn cây số thì bị một dòng nước xoáy cuộn lật úp thuyền. Anh Thành hô anh em bình tĩnh, lấy dây thừng buộc thuyền vào mấy thân tre. Lê Văn Công lặn xuống dòng nước xiết vớt động cơ lên. Sau đó bốn anh em đẩy thuyền lên bờ, mang động cơ tới anh Nguyễn Văn Thao, thợ sửa xe máy trong xã. Sau nửa tiếng sửa chữa, động cơ được lắp lại. Anh Thao không lấy tiền công, giục anh em đi tiếp. Anh Thành bảo: “Giữa cơn hoạn nạn, ai lại lấy tiền. Nếu lấy thì sau này còn mặt mũi nào nhìn mọi người nữa. Cứu một người hơn xây bảy tòa tháp, cũng là để phúc đức cho con. Ngay bọn tôi cũng vậy. Nhiều người họ cuống, sợ mình không cứu, cứ dúi tiền vào tay, mình trả không được bèn dọa, nếu còn đưa tiền sẽ không chở nữa, họ mới cất đi.”
Chúng tôi đến gặp một số hộ dân ở thôn Trần Phú. Đầu tiên là nhà chị Nguyễn Thị Cúc và anh Nguyễn Văn Sơn. Anh Sơn bệnh tật nhiều năm nay, người ngơ ngẩn chẳng biết gì, từ sáng đến chiều cứ ngồi cửa nhìn ra. Mọi việc trong gia đình dựa cả vào chị Cúc và cháu Nguyễn Viết Tùng con trai. Chị Cúc vừa kể vừa chùi nước mắt: “Nước về nhanh quá, nhà chẳng kịp chuẩn bị gì, bếp đun, xoong nồi trôi cả, gà mấy chục con cuốn đi đâu chẳng rõ, chó trèo lên chạn ngồi. Nhà ba người đóng cửa đứng bên trong thon thót nhìn ra. Nước vào sân, tràn lên hiên, dâng ngang nhà, cửa gỗ kẹt không mở được. Đói, rét, sợ hãi hoảng loạn, chỉ còn ít lạc sống đành nhấm nháp cầm hơi. Cũng may có anh Thành và mấy anh nữa đến kịp cứu ra, không thì chết rồi.” Tôi đứng dưới sân đo dấu nước để lại trên tường, thấy ngập đầu người cả mấy chục phân mà lắc đầu sợ hãi.
Tới nhà ông bà Lê Văn Nậy, Nguyễn Thị Thông, nhìn cặp vợ chồng ngoài bảy mươi tuổi và căn nhà mái ngói chênh vênh, tường bao nứt nẻ tôi thầm ái ngại. Đây là gia đình mấy anh em anh Thành vất vả vận động năm lần bảy lượt mà ông bà không chịu đi. Ông Nậy bảo: “Vì có mấy tạ lúa, sợ trôi hết thì lấy gì ăn cho đến mùa sau. Thế nên nước dân đến đâu thì vợ chồng tôi leo lên đấy đấy. Ban đầu thì kê ghế ngồi, sau thì đứng lên giường, và cuối cùng thì.. trèo lên xà nhà.” Khi nhóm của anh Thành tấp thuyền tới giục đi, ông bà vẫn cương quyết ở lại. Nói mãi chẳng lại cái lí của những người xóm giềng, anh em dỡ ngói đưa sáu gói mì tôm vào. Ngày thứ nhất qua đi, sang đến chiều ngày 19 tháng 10, khi nước trên sông Ngàn Mọ tiếp tục dâng cao, Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên cùng cán bộ xã quyết định cưỡng chế những gia đình còn lại trong vùng nguy hiểm, ông bà mới lóp ngóp chui qua mái, lên thuyền. Chỉ chậm mấy tiếng nữa nước dâng thêm vài chục phân là ông bà chết chắc.
Sau khi thăm một lượt những gia đình có người được cứu, nhà nào chúng tôi cũng được nghe câu “May mà có nhóm anh Thành cùng cấy thuyền nớ, không thì tụi tôi chết hết”, tôi bỗng muốn được tận mắt thấy nó. Anh Thành dẫn chúng tôi ra vườn. Chiếc thuyền được làm bằng nhôm từ xác máy bay Mĩ dài chừng năm mét, rộng không phẩy tám mét, máy đuôi tôm hiệu Honda, công suất mười lăm mã lực được vợ chồng anh Thành mua cách đây sáu, bảy năm từ trong Nam. Đây là phương tiện dùng đánh cá của gia đình. Mỗi ngày vợ chồng anh kiếm được chừng hai trăm nghìn đồng, ngày may mắn hơn bắt được con cá chình thì được bảy tám trăm. Trong đợt lũ vừa qua, nhà anh mất hơn hai trăm vàng lưới tôm, sáu tạ thóc mọc mầm… Và động cơ của thuyền bị hỏng. Cảm động về hành động cứu người của anh Thành, một doanh nghiệp đã hỗ trợ gia đình anh năm triệu để mua động cơ mới cho thuyền. Nhưng anh bảo máy cũ sửa lại vẫn dùng được, vợ chồng anh muốn dùng số tiền đó hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn.
Những người lính ở Rào Trăng
Tôi bắt xe đi Huế. Quốc lộ 1A qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị nước ngập mênh mông. Vài chiếc thuyền nan mỏng mảnh dạt trôi. Chỉ có thể đoán hướng đường nhờ vào những hàng cột điện bê tông ngập một phần thân trong nước. Trên chuyến xe khách vừa dò đường vừa đi, mọi người đều nói về lũ lụt, về số người tử nạn ở Nam Trà My, về Thủy Tiên đi làm từ thiện, về cơn bão số 10 đổ bộ hai ngày nữa, bão số 11 tiếp gót…
Vào tới Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đóng ở đồn Mang Cá ngày xưa, tôi chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu trong bài Lượm viết năm 1949: Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à/ Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà. Nhưng đồn Mang Cá bây giờ đang rộn lên những âu lo vì công tác cứu nạn ở Rào Trăng.
Đón tôi trong cái nhập nhoạng là Thiếu tá Lê Văn Sáu, nhân viên Ban tuyên huấn, Phòng Chính trị. Anh đang chuẩn bị hành trang để ngày mai vào lại Rào Trăng.
Anh Sáu đã theo đoàn cứu hộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy vào ngày 14 tháng 10, mang theo thuốc men, nhu yếu phẩm, máy móc phục vụ quá trình tìm kiếm. Đoàn đi từ xã Hương Bình, thị xã Hương Trà vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Bình đến đập Thủy điện Rào Trăng 4, từ đó vượt dòng nước xiết để vào chân Thủy điện Rào Trăng 3. Lí do phải đi đường thủy vì con đường 71, từ đoạn Trạm Quản lí, bảo vệ rừng sông Bồ (thuộc Tiểu khu 67) vào Rào Trăng 4 và 3 còn nhiều điểm sạt lở nguy hiểm, xe cộ, máy móc không đi tiếp được. Anh Sáu kể, khi đến nơi không còn thấy dấu vết gì của nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3, chỉ có một màu đỏ bầm bi ai của đất lở. Mười bảy công nhân bặt vô âm tín. Hàng triệu mét khối đất đá tràn xuống bao vây toàn khu vực rộng hơn bốn mươi nghìn mét vuông. Tình trạng sạt lở ở đây so với ngoài Tiểu khu 67 còn lớn hơn rất nhiều. Mưa gió sụt sùi, máy quay trong tay anh run run, nhìn mọi vật cứ nhòa đi. Không biết ai nằm ở đâu dưới tầng tầng đất nhão. Hàng trăm người với phương tiện máy móc đã mải miết ngày đêm tìm kiếm trong hi vọng.
Cả đêm tôi mất ngủ. Không phải vì lạ nhà lạ giường, mà vì câu chuyện của anh Sáu, vì những bài báo, những bức ảnh, những ánh mắt thân nhân người mất tích đã khiến tôi ám ảnh.
Chỉ huy chuyến vào Rào Trăng lần này là Đại tá Nguyễn Đình Khoa, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Quần áo rằn ri, ánh mắt cương nghị, mái tóc muối tiêu cắt ngắn, dáng người dong dỏng cao nhanh nhẹn, anh Khoa nửa đùa nửa thật bảo: “Nếu các nhà báo nhà văn sợ thì có thể ở nhà. Vì hơn ba mươi cây số đường cheo leo bám núi, đất đá có thể sạt xuống bất cứ lúc nào; mấy cái ngầm cứ mưa to là nước lên, xe chịu, không qua được.” Tôi trả lời thành thật: “Quả là khi nghe kể thì có sợ. Nhưng bây giờ thì không. Mọi người đi được tôi cũng đi được.” Anh Sáu thấy tôi hơi căng thẳng thì cười phá lên: “Nhà văn muốn tả cho đúng thế nào là núi sạt, đường lở, anh em bộ đội ăn uống ngủ nghỉ ra sao thì phải đi tận nơi chứ, lo gì, hỉ!”
Tài xế chở chúng tôi là Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Bé, một trong những tay lái cứng của Đội quy tập 192. Anh đã lái trên nhiều cung đường khó ở vùng đồi núi, vùng giáp biên giữa ta và nước bạn Lào. Đường đoạn nào cần đi nhanh đi chậm, ngầm xe qua được không, tình trạng sạt lở ra sao... anh đều nắm được nên chúng tôi rất yên tâm. Nhưng quang cảnh ở những đoạn đường đi qua khiến tôi dợm buồn. Những ngọn đồi, dãy núi xung quanh con đường 71 trồng chỉ một loại cây keo lá tràm. Những thân cây nham nhở cụt ngọn sau mưa bão đứng chờ chết. Núi đồi không có cây che chắn đã bị nước mưa xẻ thành các rãnh ngoằn ngoèo sâu hoắm. Rừng nguyên sinh đâu rồi? Tôi nhìn mỏi mắt chỉ thấy đồi núi xác xơ hằn lên nền trời ung ủng xám. Bất giác tôi nhớ tới câu chuyện của nhà văn Nguyên Ngọc kể về Anh hùng Núp. Số là sau hiệp định Genève 1954 Anh hùng Núp cùng đơn vị tập kết ra Bắc. Anh được bố trí ở Gia Lâm, Hà Nội. Xa rừng, xa đại ngàn và muông thú, mắt anh chẳng hiểu sao nhìn gì cũng mờ mờ, đi viện khám tới khám lui, chữa đủ kiểu không khỏi. Đến khi lên Hòa Bình gặp màu xanh bạt ngàn rừng, mắt anh tự nhiên sáng ra...
Càng vào sâu, mưa càng đan dày. Xe dừng ở Trạm Quản lí, bảo vệ rừng sông Bồ, cả đoàn xuống thắp hương cho mười ba liệt sĩ hi sinh trên đường cứu nạn. Miếu nhỏ dựng ven đường lúc nào cũng nhiều hương hoa. Một cậu lính trẻ măng, quần áo chạt bùn đất mang đến bó hoa dại màu tím đặt lên miếu. Tôi thấy mắt cay xè.
Chúng tôi đến nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 4 vào quãng gần chín giờ, đã thấy hai chú chó nghiệp vụ được huấn luyện viên rọ mõm dắt ra sân, anh em chiến sĩ đã mặc áo phao khẩn trương và điểm danh quân số. Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng trao đổi vội với Đại tá Nguyễn Đình Khoa: Bên kiểm lâm vừa báo sang có người dân đánh cá trên hồ phát hiện bãi bồi có mùi hôi, đề nghị anh em đang cho thuyền sang đó tìm kiếm ngay, kẻo mưa to, thủy điện xả nước là mất dấu.
Mưa ngơi đôi chút, dù vậy mọi người vẫn mặc sẵn áo mưa. Con thuyền đang nằm úp buộc dây cố định ven hồ được hò dô lật lên, dùng xô múc cạn nước bên trong ra, khiêng động cơ từ nhà kiểm lâm xuống lắp vào, nổ máy lên đường. Flycam bay rè rè bờ sông bên phải, khi về sẽ rà bên bờ trái, không bỏ sót bất cứ điểm khả nghi nào. Hơn mười người ngơm ngớp ngóng chờ dấu hiệu. Lòng sông Rào Trăng xanh nhờ nhờ nước hến, đây đó bập bềnh những thân cây do núi sạt xô xuống. Qua hơn ba ki lô mét, đến ngã ba cầu Tam Dần, thuyền tắt máy. Mọi người tập trung quan sát nhưng chẳng thấy đống đất và mùi hôi nào cả vì nước lên nhanh quá. Thuyền đành ngược về. Ở bờ bên này có nhiều mảnh tôn, quần áo, cả màn quấn trên ngọn cây. Anh Kiên chỉ và giảng giải cho tôi: “Tôn xanh là của lán trại, còn tôn xốp trắng là của nhà điều hành. Khi đất sạt, cả nhà điều hành và lán trại bị đẩy xuống suối, rồi nước lớn đẩy vào lòng sông.” Rồi anh thở dài não nề: “Lại không tìm thấy các em rồi.” Anh Kiên kể, lần trước, chiều ngày 26 tháng 10, ba chó nghiệp vụ xác định được hai vị trí có nguồn hơi, huấn luyện viên lập tức cắm cờ đánh dấu. Tối ấy mọi người ai cũng nao nao, nghĩ chắc sẽ tìm được những người mất tích. Sáng ngày 27 mọi người dậy sớm hơn thường lệ, ăn sáng xong hành quân vào Rào Trăng 3 ngay. Nhưng rồi máy xúc múc đất từ hai vị trí có nguồn hơi lên thì chỉ thấy ba xe máy, quần áo cùng chăn màn...
Việc tìm kiếm mười hai công nhân mất tích ở Rào Trăng 3 đang được tiến hành bằng nhiều cách. Phương án thứ nhất là đào bới trực tiếp nơi sạt lở. Phương án thứ hai dùng chó nghiệp vụ đánh hơi tìm dấu vết. Cả hai phương án này đã tiến hành xong, tìm được tổng cộng năm người. Phương án thứ ba là dùng rọ đá nắn dòng chảy của suối vào sông Rào Trăng, duy trì mực nước ở quãng 40 cm trước mặt nhà điều hành để cho máy xúc làm việc.
Bộ đội đã chia làm ba cánh: cánh lấy rọ ngoài Phong Xuân vào, cánh tìm kiếm trên sông, cánh tiếp tục đào bới nốt những khoảng nghi ngờ tại hiện trường. Khó khăn lúc này là thời tiết thoắt nắng thoắt mưa. Như sáng ấy, tưởng tạnh ráo anh em hành quân gần mười ki lô mét từ Rào Trăng 4 sang Rào Trăng 3, mất gần tiếng đồng hồ. Đến nơi mưa to như trút đành phải rút ra để bảo đảm an toàn. Ngày hôm sau bão số 10 đổ bộ vào đất liền, dự báo thời tiết có mưa lớn, chắc chắn việc tìm kiếm sẽ phải ngưng lại.
Mưa lại bủa dầy, ào ạt. Flycam không thể bay. Hai chú chó tiu nghỉu nằm ép sát lòng thuyền. Không ai nói ra nhưng tôi biết tất cả đều buồn vì chuyến tìm kiếm không thu được kết quả như mong muốn. Vậy là phải kéo dài thêm những ngày ngóng đợi. Thượng tá Nguyễn Trung Kiên cho biết, để mọi người yên tâm, tin tưởng ở lực lượng tìm kiếm, tuần trước thân nhân của mười hai nạn nhân đã được đưa vào hiện trường trực. Sau khi trực tiếp thấy bộ đội ngày ngày chạy đua với thời tiết, đối diện với hiểm nguy, chăm chú, tỉ mẩn tìm kiếm trên từng vuông đất, thì họ không còn tin vào những luồng dư luận xấu, xuyên tạc bộ đội chỉ tìm người của bộ đội nữa.
Từ Rào Trăng 3 chúng tôi về Rào Trăng 4 để ăn trưa. Bạt trải ra sân nhà điều hành, bữa cơm có thịt kho, rau muống xào đẫm tỏi, cà muối đựng chung trong khay to. Món rau được anh em “ưu ái chăm sóc kĩ lưỡng nhất”. Tôi để ý khu vực bếp còn đủ các loại củ quả như bắp cải, su hào, cà rốt, bí xanh, bí đỏ, su su, hành tây… xếp gọn gàng trên giá. Ở Huế sau tháng lụt, rau đắt hơn thịt. Bạn tôi, nhà văn Lê Vũ Trường Giang làm ở Tạp chí Sông Hương tuần trước gọi điện ra bảo gần chục ngày nhà mới được ăn bữa rau cải luộc, gắp lên tay cứ run run. Còn những ngày lụt chẳng đi đâu được đành ở nhà ôm con chờ thuyền nan chở thực phẩm từ chợ Thần Phù qua cổng để mua. Gạo, mì, thịt lợn thịt bò có, cá ê hề rẻ, chỉ thiếu rau. Anh Sáu thấy tôi ngẩn ra, nói: “Ăn thế này ngon quá rồi, những nhóm đầu tiên vào còn phải ăn lương khô cả tuần.” Rồi anh giục tôi ăn nhanh về nghỉ, chiều thời tiết thuận lợi sẽ tiếp tục hành quân. Kinh nghiệm cho thấy trước mỗi cơn bão bao giờ cũng có khoảng lặng im.
Quá trưa sang chiều, mưa gió lặng thật. Trời hửng chút nắng. Tất cả các xe ô tô có trong sân được huy động chở lực lượng vào hiện trường. Tôi đứng sau thùng xe với Trung tá Hồ Văn Chức, Phó đội trưởng Đội quy tập 192, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh yêu cầu tôi: “Sẵn sàng áo mưa để che người và máy ảnh vì ở đây thoắt mưa thoắt nắng chẳng biết thế nào. Thứ nữa, đề phòng đá trên núi lăn xuống nên phải cài quai mũ cối lại cho an toàn bộ chỉ huy. Cuối cùng là bám chắc vào thành xe vì quãng đường này rất xấu.”
Nhìn bắp tay chắc lẳn, gương mặt đen sạm, đôi mắt sáng sau cặp kính trắng mỏng của người Đội trưởng, tôi hỏi: “Anh vào đây từ khi nào?” Trung tá Hồ Văn Chức cho biết, Đội vào từ ngày 13 tháng 10 đến nay, ngay khi sự việc ở Trạm Quản lí, bảo vệ rừng sông Bồ xảy ra.
Bằng giọng xúc động, anh Chức kể: Từng bốc cất nhiều hài cốt liệt sĩ, làm nhiệm vụ ở ta và nước bạn Lào nhưng chưa khi nào anh xúc động như khi tìm kiếm 13 đồng đội ở Trạm kiểm lâm sông Bồ. Vì sợ đồng đội của mình nằm dưới lớp đất bùn đau thêm lần nữa nên các anh đã bới bằng tay. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội anh vào Rào Trăng 3 ngay với mong muốn sớm tìm được mười hai em đưa về với gia đình cho đỡ tội. Hôm đoàn người thân lên đây, anh em chẳng biết chia sẻ, an ủi thế nào cho đủ, chỉ nén lòng dặn nhau cố gắng…
Mất gần tiếng xe vào tới điểm tập kết. Đoàn đi bộ hơn trăm mét lên điểm máy múc đang tìm kiếm. Anh Khoa, anh Kiên, anh Chức liên tục dặn mọi người cẩn thận, không được đi trên các đống đất cao vì dễ sụt lún mà đi theo đường máy xúc. Mỗi người vác thêm thùng nước lọc, chanh muối cho anh em công nhân trên lán uống. Mấy người đi sau cầm thêm vàng mã, hương hoa thân nhân mười hai người mất tích gửi lên nhờ thắp. Bàn thờ xếp bằng đá nằm chênh vênh nhìn xuống dòng suối, phía sau là ba tầng đất lở, mỗi tầng cách nhau từ ba đến bốn mét. Bánh kẹo, hoa quả ướt sũng nước. Bát nhang không có cây hương nào cháy được quá một phần ba. Bình hoa cúc vàng xen trắng rũ rượi. Trời lại lác đác mưa, hương mang lên ba bốn người chụm lại che mà châm mãi mới ngún. Tất cả lặng đi trước vòng khói trắng uốn lượn hòa vào trời đất ướt.
Trong lán trại dựng tạm, anh em bàn công việc. Máy xúc đã hoàn thành việc múc một rãnh nhân tạo rộng chừng hai mét, sâu hơn mét để khi thả rọ đá xuống sẽ uốn dòng nước chảy dần về bên này. Theo khảo sát, sau khi vụ sạt lở xảy ra, lòng suối bị bồi thêm khoảng hai mét so với trước đây. Nếu không mưa, công binh đặt mìn phá bê tông, múc lòng suối quãng ba trăm mét chỉ vài ngày là xong. Còn bão vào, mưa to thì chịu, chẳng làm gì được, rãnh nhân tạo có khi phải múc lại. Toàn bộ rọ đá chuyển vào giờ nằm điểm tập kết dưới kia. Người, phương tiện máy múc máy ủi đã sẵn sàng, chỉ còn chờ thời tiết thuận lợi. Nhưng mai bão số 10 vào, nó sẽ gây mưa 100 - 200 mm.
Tối ấy tôi được bố trí ngủ với anh em trong Đội quy tập 192 trong căn phòng quãng hai chục mét vuông, dưới lót vải bạt trên trải chiếu. Nay đến phiên Đội cắt gác, chia mỗi người một ca hai tiếng. Đêm âm u, thỉnh thoảng, lại có tiếng gì hú như còi tàu hỏa dập dồn. Tôi hỏi, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Lý cho biết đó là tín hiệu bên đập thủy điện báo nước đầy phải tiến hành xả nước. Lúc mới đầu đến đây anh cũng không sao quen được tiếng ấy, nó khoan thẳng vào tai, cảnh báo sự không an toàn. Với anh, công việc quy tập mấy chục năm nay thường làm ở những vùng rừng núi. Âm thanh ở đó là tiếng chim hót, lá rừng xào xạc, tiếng suối reo… chứ chẳng phải còi hú ghê người thế này. Nhưng ở ba tuần rồi, ngày làm mệt, đêm về cũng quên đi mà ngủ. Nhiệm vụ của anh ở Rào Trăng 3 những ngày gần đây là ngồi cùng với người lái máy múc, quan sát từng gầu đất, thấy nghi ngờ thì báo ngừng lại. Nhà anh Lý ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà. Anh có hai con, một trai một gái, bé gái học lớp tám, bé trai học lớp một. Vào mùa khô hay còn gọi là mùa quy tập, anh đi cả tháng mới đảo về nhà một lần. Mùa mưa thì hiếm khi anh đi lâu thế này. Cũng may ở Rào Trăng 4 có sóng điện thoại nên vẫn gọi điện về dặn dò, trò chuyện cùng hai con được.
Mười giờ đêm, đến ca gác của Lê Văn Lý. Tôi mặc áo mưa đi cùng anh quanh nhà điều hành. Việc chính của người gác là nghe ngóng, phát hiện nguy cơ mất an toàn từ đập thủy điện và mấy ngọn núi phía sau. Mưa như trút, cái lạnh ngấm vào da thịt, đèn trong tay anh Lý loang loáng chiếu vào những khoảng nghi ngờ. Và còi vẫn hụ nửa tiếng một lần. Hết ca, tôi vào lán nằm giữa chăn gối ấm rồi mà đầu tôi vẫn lởn vởn câu hỏi: Nếu công nhân vận hành quên xả nước trong vài ba tiếng đồng hồ thì điều gì sẽ xảy ra? Bỗng nhiên tôi thấy người rờn rợn...
Và những ánh nhìn…
Ăn vội bữa sáng với thịt kho dưa, chia tay những người lính ở lại Rào Trăng, tôi đi nhờ xe chở dầu về lại thành phố Huế. Tôi tìm đến đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân nơi có ngôi nhà của Liệt sĩ Trương Anh Quốc. Dấu vết trận lụt lịch sử vẫn còn mới nguyên nơi đây với chi chít trứng ốc bươu vàng đậu lưng trên những mảng tường nhà đỏ ối; những thân tre xơ xác, lá rụng hai phần, phần còn lại nửa vàng nửa xanh. Ngôi nhà hai tầng xây dở của anh Quốc và chị Ngô Thị Thanh Nhàn ngổn ngang gạch đá cát thép...
Chị Nhàn vẫn đi dạy dưới huyện Phong Điền, cách nhà hơn ba mươi cây số. Hai cháu Trương Thanh Ngọc (ba tuổi) và Trương Minh Châu (một tuổi) ở nhà ông bà ngoại. Tôi gặp ông Ngô Thanh Bình, bố vợ của Liệt sĩ Trương Anh Quốc. Ông vẫn tha thẩn hết đi lên lại đi xuống cầu thang, nhìn góc này một chút, góc kia một thoáng. Dường như ông vẫn không tin người con rể ở cùng mình năm năm nay đã đi mãi không về. Ông kể: “Năm năm qua vợ chồng chúng đã tích góp, nhờ bà con nội ngoại, vay mượn anh em bạn bè, ngân hàng mua được miếng đất xây nhà. Thằng Quốc đã tự tay thiết kế, tự đào móng, mua gạch… với ý định xây ngôi nhà thô để có chỗ ở, sau đó hoàn thiện dần. Trước ngày lên Phong Xuân cứu nạn, nó còn gọi điện về nhà hỏi thăm bố mẹ, vợ con. Rồi mấy ngày không liên lạc được…” Lòng tôi se lại khi nhìn ánh mắt sâu thẳm buồn rầu của ông. Ánh mắt đau đớn, chấp nhận sự thật mất mát quá lớn.
Tôi tìm đến nhà của anh Lê Văn Phú, một trong mười hai công nhân hiện còn mất tích ở Rào Trăng 3 tại phường Xuân Phú. Trên bàn thờ mới lập cho anh là những bông cúc vàng nhức nhối. Anh sinh năm 1995, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Khoa Điện - Điện tử, mới đi làm ở thủy điện Rào Trăng 3 được gần hai tháng. Ánh mắt anh nhìn tôi qua tấm ảnh và khói hương sao mà bình yên, tĩnh lặng đến thế. Nó khác với ánh mắt mẹ anh, bà Lê Thị Danh, lúc thẫn thờ, khi đau đáu, day dứt nỗi niềm nào đó không diễn tả được bằng lời. Căn nhà phủ chìm bởi sự im lặng đến đáng sợ. Bố anh ngồi trên ghế nhựa ngoài hiên dõi ra đường, ai vào ai ra chẳng quan tâm. Mẹ anh lấy hợp đồng làm việc của anh trong tủ gỗ cạnh bàn uống nước ra đọc, xong lại cất vào, lúc lúc lại cầm ra. Anh đang trong quá trình thử việc, chưa được đóng bảo hiểm...
Tại gia đình anh Thanh, ở đường Hoàng Quốc Việt, phường An Đông đang dội lên những tiếng hờ thê thiết, những tiếng nấc nghẹn. Bố anh, ông Phan Hữu Thắng vừa xem lại những tin nhắn zalo con nhắn về nhà trước khi mất tích, vừa tự trách mình. Biết thế ông không cho con đi làm trong thủy điện, biết thế gọi con về ngay khi anh báo những linh cảm nguy hiểm. Mẹ anh, bà Phạm Thị Hương lấy chiếc quần vải của Thanh ra cho tôi xem, bảo em nó đi làm gầy mất mấy cân, quần cũ mặc rộng quá nên mang về bảo mẹ bóp bớt bụng lại. Rồi bà lấy ra những đôi giày của anh trong tủ, đai lưng khi ở nhà anh vẫn đeo khi đi tập tạ. Bà bảo anh chỉ thích đi tập tạ thôi, chẳng thấy yêu đương gì. Nhà anh Thanh cũng giống nhà anh Phú, ba mẹ cũng sinh được một trai một gái. Tôi để ý thấy em gái anh Thanh đang ngồi khóc nơi góc cầu thang. Trên bàn thờ anh Thanh là những bông hoa li trắng muốt...
*
* *
Tôi ngược ra Nghệ An gặp Thiếu tá Nguyễn Đức Cương, Phó Tổng biên tập Báo Quân khu 4, một trong tám người may mắn thoát nạn trong đêm mười ba tháng mười ở Trạm Quản lí, bảo vệ rừng sông Bồ. Anh Cương bảo dạo gần đây mình cố gắng đọc những sách có nội dung nhẹ nhàng và tập trung vào công việc cơ quan để cố quên khoảnh khắc kinh hoàng ấy, nhưng không sao làm được. Có lúc vừa thiu thiu ngủ, thấy mình bắc nồi cơm lên, củi ướt nhèm, may tìm được hai hộp bìa các tông đựng mì tôm và mẩu lốp xe máy... Giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra như tắm, sợ chẳng dám ngủ lại. Gần sáng mệt quá thiếp đi, lại vang lên tiếng gọi thảng thốt tìm người. Gọi lạc cả giọng không ai đáp lời, chỉ có tiếng đất đá chực đổ, tiếng vỡ răng rắc của các bức tường hòa cùng mưa. Rồi núi lở. Anh một mình chạy trong đêm đen thẫm chẳng biết đâu là vực, đâu là đường. Rồi mùi mắm chưng trong bữa ăn định mệnh thi thoảng lại xộc lên dù đang ngồi giữa phòng làm việc cách xa nhà bếp.
Có lẽ cả đời này, những xót đau đã hằn vết trong anh, và cả tôi nữa, sau những gì chứng kiến trong đợt bão lũ này sẽ chẳng có gì xóa được.
Tháng 11/2020
Đ.P
VNQD