Đồng xa khắc gợi

Thứ Hai, 01/03/2021 08:56

. PHAN NGỌC CHÍNH

 

Từ lũy tre làng tôi qua cây đa cụt cành ngả rạp xuống mặt mương cái, vượt thêm dãy ruộng bậc thang mấp mô, mỗi năm một vụ lúa xen ngô là khoảng không gian bằng phẳng trải rộng ngút tầm mắt. Bóng xóm làng phía bên kia mờ xa ngỡ tận cuối chân mây. Con đường đất gần như độc đạo, ngoằn ngoèo chạy xuyên vào cái biển nhấp nhô một màu xanh lục của cỏ năn, cỏ lác cao ngang đầu người lẫn đám rong rêu sẫm màu giữa trập trùng sóng lá. Để rồi cuối tháng bảy, đầu tháng tám ta, khi những cơn mưa sầm sập đổ xuống là nước từ sông Tích, sông Bùi tràn lên, lũ sông Đà đổ về nhấn khoảng không mênh mang ấy vào biển nước trắng xóa. Vùng tôi gọi cánh đồng rộng lớn đó là đồng Xa, cánh đồng nối ba huyện của tỉnh Hà Sơn Bình cũ, ngày đó gần như phải bỏ hoang vì lũ ngập và sức người chưa đủ để chinh phục, khai hóa…

 

Minh họa: Phạm Minh Hải

Vào mùa cạn, đồng Xa thực sự dẫn dụ, mê hoặc đám trẻ nhít chúng tôi bởi bao điều thú vị, được cất giấu trong từng bờ đầm, lạch nước. Đó là những buổi trời quang, được thả hồn trong tiếng sáo diều vi vu từ các làng xung quanh khiến không gian chìm trong muôn khúc nhạc của đồng quê ngân nga. Đó là ước mơ bay bổng theo đàn chim di cư, sải cánh qua đồng về hướng Miếu Môn, Lương Sơn vẽ hình chữ V trên nền trời cao xanh lồng lộng. Mỗi lần theo các anh lớn ra đồng, đứa trẻ nào trong chúng tôi cũng khao khát một ngày nào đó mình được đi hết chiều dài chiều rộng của cánh đồng quê tưởng như bất tận kia. Đi để khám phá vùng Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa có dải đê bao mượt mà ôm ấp bao làng mạc. Đi để được leo lên dãy hang động vùng “Thập lục đại danh sơn”, nghe kể về các trang huyền sử của một miền cổ tích...

Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng!

Một lần, chỉ về núi Sài Sơn phía tây bắc đồng Xa, quê tôi quen gọi là núi Thầy, ngọn núi trùng trùng lớp lớp những phiến đá xám trầm mặc, anh Thương đọc một khổ thơ của thi sĩ tài danh Quang Dũng, rồi khẳng định đó là điểm đầu của xứ Đoài mây trắng. Chúng tôi ao ước một ngày lớn hơn sẽ theo chân các anh…

Ở làng, anh Thương thuộc lứa nhầng nhầng, hơn bọn tôi dăm tuổi. Anh được coi là thủ lĩnh cầm đầu đám trẻ trai lên chín, lên mười đang vào độ tò mò, thích nghịch ngợm, khám phá. Anh là con út ông Phó Đường, một thầy cúng, từng có sáng kiến cải tạo đất đồng Xa thành ruộng. Người làng kể, thời trẻ, ông Phó Đường là một nông dân nhờ sức vóc, kiên trì pha chút liều lĩnh mà trở nên khấm khá. Chẳng biết nghe lời ai xui, vợ chồng ông dám chống lại sức nước, dành cả năm trời nhổ cỏ năn, tôn nền, cải tạo một vạt ruộng đồng Xa giáp với đìa làng vào mùa cạn. Ruộng được xới xáo kĩ, be bờ tạm gọi là thành công nhưng nước vẫn ngập ùng ũng. Người làng bĩu môi, thứ đó, chắc chỉ để cấy lúa giời. Vậy mà tất cả tròn mắt ngạc nhiên khi chẳng biết ông Phó Đường tha từ đâu về gieo cấy cái giống lúa thân dài ngoằng, bông lả lướt trên nước. Ai tò mò hỏi, ông chỉ lặng cười trừ và sau này, đó vẫn là một điều bí mật. Bởi đúng lúc một số hộ trong làng định học bí kíp do ông Phó Đường truyền thì đội cải cách ruộng đất về thôn. Ban đầu, đội ngần ngừ xếp ông thuộc hạng phú nông, nhưng sau một hồi họp hành, ông bị đôn lên địa chủ. Vạt ruộng cải tạo vỡ hoang vừa ăn được hai vụ, đội xung vào đất hợp tác, cha chung không ai khóc, qua năm sau đã bị lũ về xóa sạch chẳng để lại dấu tích. Bị nhốt cùng với các thành phần hương lí của thôn, ông Phó Đường nghĩ ra một mẹo nhằm tránh màn đấu tố. Sớm nọ, tỉnh dậy ở cái chuồng trâu giờ biến thành nhà giam, ông vật vã, nói lảm nhảm khiến người làng sợ hãi đồn thổi ông mới bị ma nhập. Mấy thầy đội trẻ thất kinh, rỉ tai nhau lén mở cửa tha cho ông về nhà. Làng bảo sở dĩ vụ đó trót lọt còn nhờ vị đội trưởng cải cách, xuất thân là một nông dân siêng làm, ngầm thương tình mà bỏ qua cho ông, cũng còn lí do thực tế ông chưa bóc lột ai. Dựa hơi thánh để tránh bị nhục mạ, nhưng ông Phó Đường phải gánh lấy cái nghiệp. Hồi tỉnh lại cũng là lúc cái nghề cúng tự nhiên vận vào thân. Nhiều lần, ông bị xã gọi lên yêu cầu viết cam kết cấm hành nghề mê tín, dị đoan và với chính quyền, ông luôn là cái gai trong mắt...

Thừa hưởng cái gien ưa mạo hiểm của bố, anh Thương còn nổi tiếng bởi sự hài hước, hóm hỉnh. Vì vậy, hễ anh ở đâu, làm gì là lũ trẻ trai bọn tôi luôn lẵng nhẵng bám theo. Anh giỏi mọi việc ngoài đồng từ giăng lưới, thả lờ, bẫy chim, hun chuột... nên đám chúng tôi tha hồ mà học theo, hưởng sái. Thường đi cùng anh còn có anh Kha, dáng người thấp đậm cũng không kém anh Thương bất cứ ngón nghề nào. Thảng hoặc theo hai anh đi câu ếch, thả chũm lươn, lấy rau lợn còn có anh Lộc, con ông Xảo chủ nhiệm. Anh Lộc là con cầu tự, ngày trước đẻ thiếu tháng, tướng ẻo lả, được bà Xảo cấm riệt ra đồng, nhưng tính ham vui nên cũng hay trốn theo chúng bạn, nhập vào nhóm bọn tôi. Những hôm lấy rau lợn về, anh hay phải tụt lại, hổn hển thở khi tha bó vảy ốc, rau vạy, rong xanh dù chỉ bằng non nửa hai anh nhớn. Để đỡ bạn, anh Thương và anh Kha thường chia đôi phần đó ra gùi, vác hộ luôn về làng. Với đám trẻ ranh chúng tôi, hai anh bảo, cái nắm rau lòng thòng như mớ giải rút của chúng mày cứ chất cả lên đây, chúng tao tha luôn thể. Để bù lại, thi thoảng anh Lộc lấy trộm của nhà một tảng mật mía cho cả bọn nhấm nháp. Tôi và thằng Thi, đứa đem theo chiếc chai sáu nhăm, thằng tha lủng lẳng cái bi đông cũ, lần nào ra đồng cũng đổ đầy nước vối, chè xanh, mời các anh dùng khi khát.

Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi ngầm suy tôn anh Thương là đầu lĩnh, anh Kha là phó đầu lĩnh của đám trẻ trai ở làng. Bởi làng còn có đám trẻ gái cũng lốc nhốc ra đồng làm đủ việc, đủ trò, thủ lĩnh bao giờ cũng thuộc về chị Huệ. Chị Huệ là con ông Giáo Gàn, một thày đồ xưa trong thôn. Ông bà đến với nhau muộn nên khi sinh được chị thì tuổi đã cao, thành ra trong làng chị là diện hiếm hoi không có anh chị em. Là nữ nhưng chị nghịch, hiếu động, thạo việc đồng không kém gì cánh con trai khiến chúng tôi nể phục. Dáng người gầy gò, rắn rỏi, chị bước đi thoăn thoắt, khuôn mặt góc cạnh, mái tóc loe hoe vàng khác hẳn đám yểu điệu thục nữ. Chúng mày bảo nhóm con trai hôm nào ném thia lia thi với tao xem ai hơn. Một lần đi bẻ khoai nước về, chị gửi lời thách đố anh Thương, anh Kha qua tôi với thằng Thi. Con này máu nhỉ. Chơi luôn chứ ngại gì. Anh Thương chốt lại. Vậy là cuộc thi tổ chức ngay chiều hôm sau khi nhóm nữ chuẩn bị sang phía Đầm Bung, hướng rẽ phải của đồng Xa, nhặt ốc đang vào vụ.

Tôi với thằng Thi được anh Thương, anh Kha giao đi tìm những mảnh chum vại sành vỡ bỏ vào một cái giỏ. Những mảnh đó ném thia lia tuyệt vời, nhảy tưng tưng trên mặt nước, có khi ăn năm sáu chạm.

“Tôi không đồng ý các ông dùng loại mảnh này, tại sao biết không? Năm kia, tát đầm Bung, có người trong thôn chẳng giẵm phải mảnh sành tóe máu chân ra đấy. Con giai các ông là chúa có nghịch dại...”

Chị Huệ vênh mặt, lên giọng. Anh Kha lè lưỡi lảng tránh, anh Thương cự lại. Theo bà, giờ lấy gì để thi thố đây hả? Đám con Lài, con Lúa dốc ra một giỏ gạch vỡ. Cuộc thi đành phải tiến hành theo lí của chị Huệ do đám nữ cầm trịch. Một mình chị Huệ địch với anh Thương, anh Kha, còn anh Lộc chỉ dám đứng quanh hò hét, đếm chạm thia lia như lũ trẻ ranh chúng tôi. Hai bên giao hẹn, mỗi người ném ba lượt, ai có lượt ném chạm nước nhiều nhất, người đó dĩ nhiên thắng. Chẳng hiểu sao hôm đó anh Kha và anh Thương ném kém đến lạ. Chị Huệ ném gạch vỡ mà chạm ba cái thia lia dễ dàng, trong khi hai anh ném mãi mới chạm hai. Anh Thương trề miệng, bà này ăn gian, dùng gạch vỡ ném thia lia thì bố tôi cũng chịu. Tôi và thằng Thi mặt ngắn tũn trong tiếng reo hò chiến thắng của phe nữ. Cuộc thi kết thúc trong sự hậm hực của một bên và đắc thắng của bên kia...

*

*         *

Lớn thêm một tuổi, chúng tôi được anh Thương, anh Kha cho đi theo xa hơn. Giờ đây, cái đầm lắm trai to đã trở nên quá gần. Anh Kha bảo, phía vùng giữa đồng Xa, cách làng tôi phải tới bốn năm cây số, nơi ít người đặt chân vào mùa cạn là thế giới của các loài chim. Từ cuốc, sít, cò bợ đến những con giang to, cánh rộng bằng sải tay thi thoảng về làm tổ. Rồi chim ngói về đồng đổ lên các gò, béo nung núc. Chúng tôi theo các anh đi bẫy chim ngói, hè nhau đuổi theo đám sít con, bắt mấy con non bấy bót như vịt ra ràng, nhốt vào cái lồng tre, đem về chia nhau nuôi. Nhiều hôm, mải theo bóng lũ chim, đồng Xa như dẫn dụ chúng tôi, khi ngửa mặt, đã thấy bóng núi Thầy rõ từng lớp đá xám xanh, dáng uy nghi, lừng lững.

Anh ơi, anh bảo rồi sẽ có ngày dẫn bọn em lên đỉnh núi Thầy, khám phá “Thập lục đại danh sơn”, thăm các đền, chùa, hang động, anh có chuyện gì hay về núi Thầy kể cho bọn em nghe đi. Một lần, thằng Thi nói với anh Thương khi chúng tôi vừa phụ anh thả mồi, dùng lá ngụy trang chờ lừa bầy chim ngói. Ngồi trong lùm bụi lúc chờ đợi, anh ngửa mặt, nở nụ cười đắc chí thường thấy, cặp mắt híp lại, mơ màng. Chúng mày biết không, ở trên lưng núi Thầy có hang Cắc Cớ, đường lên cheo leo như vào một động ma. Rồi từ cửa hang ở lưng trời, phải đốt đuốc dò lần mới chui được xuống chín tầng địa ngục. Đến tầng thứ chín là nơi có cái bể xương người to ngâm trong nước suối. Đó là hài cốt của quân tướng cụ Lữ Gia, một tộc của Bách Việt xưa chống quân Hán xâm lược. Tướng Lữ Gia và quân lính bị giặc vây trong núi Thầy nhiều ngày, quyết không chịu hàng, phải bỏ mình vì bị giặc dữ lấy đá lấp cửa hang. Dân làng sau xây bể gom hài cốt những người xả thân vì bờ cõi, giang sơn, lập ban thờ, đến giờ là danh thắng… Tao lên đấy, xuống hang, cầm đuốc soi còn thấy rõ cả những đầu lâu, xương chéo trắng nhờ… Có cái sọ người nhe răng như thể trêu ngươi, sợ rủn chúng mày ạ!

Chúng tôi nghe tròn mắt, kinh ngạc, tò mò và sợ hãi vô cùng. Hồi lâu sau, thằng Thi mới mạnh bạo cất lời, nhất định anh phải cho bọn em lên núi Thầy, xuống hang Cắc Cớ xem như anh kể nhé. Tôi nén tiếng thở mạnh, nó nói sao đúng ý tôi đến vậy. Anh Thương cười ranh mãnh, chúng mày cứ ngoan, nghe lời, thế nào có ngày tao cũng cho theo. Hôm sau, lúc chỉ có anh Kha, chúng tôi đem chuyện hỏi, anh Kha bảo thằng Thương bịa chứ nó đã được đi chùa Thầy, xuống hang Cắc Cớ khi nào. Chắc chắn nó nghe thầy nó đi cúng trên đó về kể rồi đem ra tán phét với chúng mày như thế. Tao cũng chưa được đi. Còn chuyện cái bể xương người trong hang Cắc Cớ, người lớn vùng mình ai cũng từng nghe. Bố tao bảo đó là hài cốt của mấy ngàn nghĩa quân chống giặc Minh cách đây sáu trăm năm, bị giặc nhiều ngày bao vây mà chết đói trong hang. Xương của nghĩa quân Lữ Gia mấy ngàn năm trước đến giờ có mà mục thành đá, thành mùn rồi. Lớn lên, nhất định mấy anh em mình rủ nhau lên núi Thầy dịp hội.

Một lần khác, khi chúng tôi mang đuốc theo các anh đi soi ếch trên đồng, nhìn về phía núi Thầy, thi thoảng có những vệt sáng mờ bay lên trong đêm, anh Thương lại thao thao. Ma trơi đấy chúng mày biết không. Đó là những linh hồn nghĩa quân từ trên trời cao bay về núi Thầy chui xuống hang sâu, hửng sáng lại bay đi. Như khu gò mả làng mình thi thoảng cũng có ma trơi bay lên trong đêm. Hôm rồi, thầy tao lên núi Thầy mang về cái lồng nhốt ba con dơi lớn màu vàng hươm, cánh rộng, giữa ức có nhúm lông rất lạ. Lạ hơn là lũ dơi này không ăn muỗi mà ăn hoa quả của đất Phủ Quốc, Sài Sơn nên thịt rất thơm ngon. Thầy tao bảo, đây là loài dơi thiêng, dơi tứ quý, xưa dùng tiến vua, thịt ăn vào như một loài thuốc trường thọ… Nghe nói, chúng uống những giọt sương của núi Thầy, nơi có linh khí đất trời tụ lại. Tôi nghe rùng mình nhưng thích thú. Lần này thì anh Kha xác nhận đúng. Chẳng là hôm đó, anh Kha ghé qua nhà anh Thương vừa lúc cả nhà mới thưởng thức xong bữa thịt dơi lạ kia. Anh Thương mang ra một bộ ức dơi phần bạn mà anh Kha bảo ăn thơm và bùi không thể tả. Nó có giống với thịt chim ngói hôm anh em mình bẫy được không anh? Thằng Thi nhìn anh Kha, nuốt nước bọt. Chim ngói sao mà bì được. Anh Kha bĩu môi. Hai thằng tôi nhìn nhau thèm rỏ rãi. Câu chuyện của các anh thú vị, lôi cuốn, hấp dẫn quá chừng…

*

*         *

Bước vào tuổi mười sáu, mười bảy, anh Thương, anh Kha trổ mã lớn nhanh, còn anh Lộc vẫn dáng ẻo lả tựa bị thiếu chất vậy. Đám trẻ trai chúng tôi giờ đây hình thể bị tụt lại so với đám con Lúa, con Lài. Tuy nhiên, gây ngạc nhiên nhất với cả làng phải kể đến chị Huệ. Tuổi dậy thì tới, chị Huệ thay đổi hẳn khiến người làng ai cũng phải xuýt xoa. Thay cho cái tướng manh mảnh như cây sậy ngày nào là suốt lưng mềm, sải chân cao, rất ra dáng thiếu nữ. Gương mặt góc cạnh của chị bỗng trở nên bầu bĩnh, hồng rực, mái tóc đuổi, đen mượt, thay cho cái màu vàng loe hoe xưa kia. Chị đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai, giọng dịu dàng, không còn vẻ lanh lảnh đầy thách thức thủa trước. Chị Huệ vẫn ra đồng cùng đám cái Lúa, cái Lài nhưng đã ý tứ ăn mặc quần áo kín đáo, thi thoảng còn mang theo một mảnh gương.

Vào tuổi mười bảy, mười tám của các anh, chẳng ngạc nhiên khi chúng tôi nghe người lớn đồn trong đám trai quý mến chị Huệ ở làng có cả anh Kha, anh Lộc. Lần nọ, khi nghe thằng Thi nhắc vậy, tôi liền hỏi nó, trong đám trai làng theo đuổi chị Huệ có anh Thương không? Thằng Thi bảo, chắc không có đâu. Anh Thương nghe chừng vẫn chưa quên “mối thù” phái nữ xưa mà chị Huệ luôn là đầu têu chiến thắng. Nó bảo có lần ra đồng cùng anh Thương, giờ đã ra ráng thanh niên mới lớn, thấy bóng thiếu nữ dậy thì mềm mại của chị Huệ thấp thoáng trong lũ trẻ gái phía trước, nó nhích lên trêu anh. Anh ơi, anh có thấy chị Huệ giờ xinh nhất làng không, ngày xưa anh bảo sẽ phải “cưa đổ con này”, sao giờ anh không tán? Anh Thương trề miệng, bĩu môi, tao vẫn thấy nó xấu òm mày ạ!

Rồi cũng chính thằng Thi một buổi kéo tôi ra đầu hồi nhà rỉ tai một chuyện mà với chúng tôi là bí mật chấn động. Anh Thương với chị Huệ yêu nhau. Tôi tròn mắt hỏi lại nó. Thì chính tao nhìn thấy, nghe lén hai người đối đáp với nhau ven gốc đa rìa thôn. Tình tứ lắm. Thi khẳng định. Mỗi anh chị ngồi trên một rễ đa, nhìn miên man ra đồng hồi lâu rồi thẹn thùng theo chân nhau về làng. Chẳng còn gọi nhau tôi, bà hay mày tao như xưa mà toàn gọi tên, xưng đằng ấy với mình nữa nhá.

Thi dặn tôi phải tuyệt đối giữ kín nhằm bảo vệ chuyện tình chớm nở của anh Thương, chị Huệ. Nhưng chỉ vài hôm sau, người làng biết cả. Có người bảo, thấy chúng nó còn đèo nhau xe đạp đi lên huyện chụp ảnh. Nhiều người luận bàn, trông chúng nó đẹp đôi nhất đám thanh niên mới xấc nhớn trong thôn. Anh Kha vẫn gắn bó với anh Thương, đi đâu luôn có nhau, dù mặt có nét buồn rõ rệt. Chỉ anh Lộc tách ra, không còn chơi với anh Thương, anh Kha, đồng thời tối nào cũng đến nhà ông bà Giáo Gàn “trồng cây si” chị Huệ. Thấy trước sau chị không thay đổi, anh ngày càng xa lánh đám bạn cũ và nhóm trẻ trai chúng tôi từng một thời thân thiết, gắn bó. Vài nhà họ hàng của anh Lộc thì ra sức bỉ bôi, con Huệ dại thật, yêu con giai ông chủ nhiệm hợp tác xã chẳng yêu, lại phải lòng con lão già thầy cúng.

*

*        *

Năm đó, mới tháng bảy mà quê tôi đã đón sáu cơn bão, mưa như trút, lũ thượng nguồn đổ về ngập dềnh sát chân lũy tre xanh. Không chỉ đồng Xa mà dãy ruộng bậc thang đồng làng nước cũng dâng ngập vẳng. Mấy cái ao hợp tác vỡ bờ, cá chuồi ra sông hết. Chính sách khoán một trăm nhà nước mới ban hành, dân no hơn và tươi được hai vụ thì ruộng đồng bị lũ về phủ trắng. Làng đói sều sào. Đói xanh mặt. Bố tôi trên tỉnh về chở một tải bo bo. Đến bữa, chỉ có tôi và cái Hân, em gái là được ăn hai thưng cơm, còn người lớn, mỗi người chia nhau một bát rưỡi bo bo ủ trấu. Nhà chị Huệ thật kém may mắn. Đúng thời điểm đó, ông Đồ Gàn lại đổ bệnh, phải bán lúa để lấy tiền chạy chữa. Ngày bà Đồ với chị Huệ đưa ông từ viện về quê, thóc nhà chị chỉ còn đủ để quấy cháo trừ bữa. Mặt chị Huệ xanh xao, cùng cái Hân em tôi đi mót khoai mầm trên những vạt ruộng cao. Anh Thương bảo lũ chúng tôi, tao có một cách này rất hay. Anh em mình làm món chả nhái băm với lá lốt, ăn cùng rau lang ngon tuyệt. Chúng tôi lôi lại bộ cần câu nhái, lấy vải ni lông rách khâu vợt rồi tỏa ra các bờ nước. Anh Thương đào một cái hầm nhốt nhái trong vườn. Mỗi hôm câu về chọn chừng vài chục con to nhốt xuống dưới hầm, nuôi thịt dần làm chả, lần nào anh cũng gói một gói chả nhái nóng, thơm, giòn nhờ tôi gửi sang chị Huệ. Nhưng cách đó cũng chỉ là thêm nếm, chẳng bõ bèn gì vì sau nhái cũng hết. Cả làng đói, riêng nhà ông Xảo, chủ nhiệm vẫn ngày ba bữa cơm no. Bà Xảo bảo, trong làng nhiều người đánh tiếng vay thóc lúa non, vay một tạ, mùa trả tạ rưỡi. Ông Xảo trầm ngâm, tôi là cán bộ, làm vậy không hay, nhưng để lỡ cơ hội này thật phí. Hay mình dồn thóc cho cậu Lẫm đứng ra cho làng vay, vừa đỡ mang tiếng mà đâu cũng vào đấy cả. Thế là ông Lẫm, em bà Xảo đứng ra cho làng vay lúa non. Mấy ngày đầu dân đến cân, gánh kìn kìn. Ngày bà Đồ Gàn sang cân một tạ thóc vay, ra đến ngõ, bà Xảo rướn theo thì thầm. Thằng Lộc nhà tôi thích cái Huệ, bà về bảo nó ưng làm con dâu tôi thì mình tính một tạ ăn một tạ ba thôi. Bà Đồ Gàn lặng yên, chẳng biết nói gì, mắt ầng ậng nước.

Sau đận đói kéo dài, qua năm, trên có đợt thông báo tuyển nghĩa vụ quân sự. Từ khi nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, năm nào, trai làng tôi cũng hai đợt tòng quân. Trước sự kiện này, mọi trai làng đủ mười tám tuổi đều phải đăng kí rồi lên xã khám tuyển. Anh Thương, anh Kha, anh Lộc đều có tên, nhưng đến ngày khám, anh Lộc bất ngờ bị một cơn bệnh lạ, được loại ra vì lí do sức khỏe.

Anh Kha và anh Thương nhập ngũ cùng ngày, cùng về một tiểu đội. Gần một năm sau, đơn vị hai anh tham gia chuỗi trận đánh quyết lấy lại dãy điểm cao giặc chiếm tại mặt trận Vị Xuyên. Tiểu đội có mười hai người, mười một người hi sinh, mình anh Kha sống sót trở về cùng chiếc xe lăn, một bên chân cụt đến quá đầu gối. Anh Kha kể, tiểu đội tao vừa xung phong lên Cao điểm 1030 thì pháo giặc chụp xuống, lớp trước trùm lớp sau. Đạn pháo giã nhừ ngọn cỏ, gốc cây. Tao bị mảnh pháo tiện mất một bên chân, thằng Thương kịp cõng tao chui vào một hốc đá. Băng bó cầm máu cho tao xong, nó vừa trở ra thì dính phải đạn chùm. Chính mắt tao nhìn thấy nó và anh em tiểu đội hi sinh. Chúng nó chết không toàn thây, bị pháo giặc quật lên, dập xuống nhiều ngày, thịt xương vụn ra lẫn vào đất đồi, đá núi. Chỗ tao nằm may mắn được một tảng đá lớn đổ sập, tạo thành khe rãnh chắn nên mới sống sót. Hai hôm sau, đơn vị cử người lên tìm kiếm thương binh, tử sĩ, tao ngất lịm mê man, được đồng đội cõng xuống còn chúng nó đã tan lẫn cả vào đồi núi Vị Xuyên rồi.

*

*        *

Tôi với thằng Thi lớn lên khi đất nước đã hết chiến tranh. Chúng tôi được học hành rồi thoát li làng, đi làm nơi thành phố. Thi thoảng về quê, lần nào chúng tôi cũng ra thăm anh Kha. Anh xin trại về sống một mình trong căn nhà nhỏ cuối thôn, tự chăm sóc bản thân, tìm niềm vui qua việc lập một trang mạng kết nối thân nhân những đồng đội hi sinh ở biên giới phía Bắc. Năm trước, nhân ba lăm năm ngày hi sinh của những người lính tại mặt trận Vị Xuyên, anh được các đồng đội đón lên Hà Giang. Anh kể, lúc cắm nhang trên những ngôi mộ gió ở nghĩa trang Vị Xuyên, nhìn về phía dãy núi đá không xa, nơi có anh Thương và bao đồng đội ngã xuống, không để lại một kỉ vật, một mẩu xương, nước mắt những đồng đội cũ cứ tuôn rơi trong nỗi xa xót khôn nguôi.

Tôi nghe người làng kể lại, đúng hôm anh ở Hà Giang về thì quê tôi diễn ra phiên tòa xử nhóm cán bộ tham nhũng, cắt bán trái phép một góc đồng Xa cho doanh nghiệp san nền, xây đô thị kiếm lợi. Bị cáo chủ mưu vụ việc là chủ tịch xã Hoàng Đức Lộc, người bạn của anh Thương, anh Kha thủa xưa. Từ bến xe thị trấn, anh Kha bon nhanh trên chiếc xe lăn về phòng xử án của huyện, khuôn mặt lúc đỏ văng, khi xám lại, hàm bạnh ra ngùn ngụt sự giận dữ. Anh muốn lao nhanh tới để phang vào mặt những kẻ phạm tội, để rít lên với Hoàng Đức Lộc nỗi căm giận khôn tả. “Chúng mày bán nữa đi, ăn bẫm nữa đi! Hãy bán cả thịt xương những thằng đồng đội tao nằm lại nơi rừng sâu, biên giới trên kia!” Đúng lúc cái ba toong trong tay anh Kha chuẩn bị bổ xuống thì có một sức mạnh vô hình giữ anh lại. Nhìn gương mặt đớn đau của chị Huệ ở góc ngồi thân nhân bị cáo, tự nhiên nỗi thù hận trong anh dịu xuống.

Sau khi anh Thương hi sinh vài năm, chị Huệ kết hôn với anh Lộc. Gia đình ông chủ nhiệm Xảo thời khốn khó còn có của để, bát ăn thì thời bình chỉ ngày càng thêm sung túc, khấm khá. Anh Lộc sau một khóa học thủy nông ngắn hạn, được bố gửi về làm nhân viên trạm thủy nông đồng Xa. Anh tham gia một vụ bớt vật tư xây dựng trạm bơm nhưng may mắn được ông bố đứng ra lo lót ổn thỏa rồi đưa về xã bồi dưỡng, kèm cặp. Con hơn cha là nhà có phúc. Đời bố chủ nhiệm, đời con chủ tịch là phúc lớn còn gì.

Kết hôn với anh Lộc, vật chất dư dả nhưng chị Huệ chẳng sướng. Xóm làng kể, thi thoảng lại thấy chị khóc sưng mắt về nhà tâm sự với bà Giáo Gàn việc bị chồng đánh, chồng ghen. Người mà chồng chị ghen là anh Thương, người bạn cũ và người yêu đầu tiên của chị. Từ bận anh Lộc tìm thấy trong tư trang chị Huệ tấm ảnh đen trắng duy nhất của anh Thương chụp trước ngày nhập ngũ, tần xuất cơn ghen càng dày hơn. “Con với Thương ngày đó có gì đâu, vừa chớm yêu nhau tuổi mười bảy, mười tám trong veo, đến cái hôn môi cũng chưa thì Thương lên đường nhập ngũ rồi đi mãi. Vậy mà chẳng hiểu sao đêm tân hôn với chồng, con lại không có cái dấu hiệu của người con gái còn trinh. Từ đó, thi thoảng Lộc lại rít lên, cô là loại hư thân, mất nết, thất tiết với nó, tôi chỉ là thằng hưởng sái.” Bà Giáo Gàn đã già, chỉ còn biết ôm con gái nức nở, chỉ vì mấy chục cân thóc nợ năm đó mà mẹ ép uổng để rồi làm khổ con một đời…

Mỗi lần nghe chuyện chị Huệ bị chồng đánh, chồng ghen, anh Kha lại rít lên. Cái thằng tồi, tồi đến thế là cùng. Ngày xưa nó đã làm bệnh án giả để trốn đi bộ đội, giờ lại đi ghen với một thằng bạn đã chết, thật không đáng mặt đàn ông. Mà chuyện thằng Thương cái Huệ đã có gì đâu. Tiểu đội tao mười hai thằng như anh em chí thân, trong những ngày ăn chung mâm, ngủ chung hầm, đã tỉ tê hỏi nhau đủ chuyện. Trước cái sống và cái chết, không chỉ Thương mà anh em tiểu đội tao không giấu nhau điều gì, kể cả chuyện tế nhị nhất. Lần nào đồng đội hỏi, Thương cũng chỉ cười, chúng tao đúng là tình yêu của lũ trẻ mới lớn. Nhà ông Giáo Gàn khắt khe, nền nếp nên mấy tháng yêu nhau, hai đứa chỉ dừng lại ở cái nắm tay. Tình yêu của chúng nó đẹp như hoa súng đồng Xa quê mình. Tao tin thằng bạn mười tám tuổi của tao, như tin chính tao vậy.

*

*       *

Từ ngày lũ sông Đà được khắc chế nhờ đập thủy điện thượng nguồn, đồng Xa dần hết cảnh ngập ngụa. Dân quê tôi và các vùng xung quanh đắp đê ngăn, dọn cỏ, thau chua, khử phèn, cải tạo đất, dần khai hóa để đất đai đồng Xa canh tác được lúa hai vụ. Cũng phải trải qua nhiều năm, công cuộc trị thủy, khai hóa đồng Xa mới được dân mấy huyện hoàn thành. Đồng Xa giờ là vựa lúa, khu trang trại chăn nuôi gia súc và gia cầm quy mô lớn nổi tiếng của ngoại thành Thủ đô. Chắn trước mặt cánh đồng bát ngát xanh, vẫn là núi Sài Sơn, quê tôi gọi là núi Thầy, ngọn núi lớn nhất của “Thập lục đại danh sơn” uy nghi miền Phủ Quốc, chứa bao điều linh thiêng, bí ẩn.

Vào dịp mồng bảy tháng ba hằng năm, chùa Thầy tưng bừng khai hội. Thi thoảng, tôi đi lễ hội chùa Thầy, xuống hang Cắc Cớ giờ đây không còn phải soi đuốc như xưa. Mỗi lần đứng lặng nhìn chiếc bể dưới lòng hang, soi đèn thấy những mẩu xương trắng nhờ trong làn nước trong lạnh lẽo, nhìn rõ hai câu thơ chữ nho nơi thành bể: Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/ Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi, tôi lại rưng rưng nhớ đến anh Thương. Tôi tin, rồi đến một ngày, những trang sử bị vùi lấp bởi bao cuộc chiến chống xâm lăng, bởi lớp lớp người ngã xuống vì giang sơn, gấm vóc nằm trong các bể xương kia nhất định sẽ được hậu thế “giải mã”, dù họ là bất cứ ai. Cũng như anh Thương và các đồng đội đang nằm lại một góc rừng nào đó nơi biên cương Vị Xuyên, dù thân thể có tan vào gốc cây, hẻm núi của đất mẹ Việt Nam thì Tổ quốc và hậu thế sẽ không bao giờ nguôi quên các anh. Bởi chính họ đã đem máu xương làm nên những mùa vàng bội thu trên cánh đồng Xa quê tôi, làm nên mỗi dáng núi, hình sông của dải đất nhiều giặc giã, bão giông, nhưng rất đỗi thân thương này…

P.N.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)