Tiếng lục lạc trong ngân

Thứ Sáu, 22/01/2021 06:20

Năm 2005 tôi về vùng đồi Tích Tường ở Quảng Trị thăm người thân, dọc triền đê ngút ngàn loài hoa cỏ xước, như những vết xước trên dòng thời gian trắng xóa. Buổi trưa tôi nằm võng sau nhà hóng gió Lào, chợt mớ âm thanh nhộn nhạo vang vang, chập chờn trong giấc ngủ. Tôi giật mình tỉnh, tiếng gì thế nhỉ? Hỏi mới hay là lục lạc treo ở cổ trâu. Anh Năm trước nay vẫn thường gò vỏ đạn làm lục lạc, như lưu dấu kỉ niệm một thời quân ngũ, một thời anh là thợ rà mảnh đạn, ơn trời vẫn còn sống sót…

Tôi bị ám ảnh bởi thứ âm thanh sót lại của cuộc chiến ngân lên hồ như vết thương hãy còn nơi tận đáy tâm thức.

Đã mười lăm năm rồi, giờ tôi vẫn muốn viết lại truyện ngắn này với một văn phong và nội dung phiêu phóng hơn, nhưng chợt nghĩ nó là kỉ niệm mộc mạc thuở ấy, cái lần đầu tiên Nhụy đưa tôi đến. Cũng như tôi vẫn về ngồi trong ngôi nhà này uống chè xanh mỗi bận gió Lào, rồi quanh quẩn trong khu vườn, ngọn đồi thênh thang, và đâu đó dưới sâu kia những đạn bom còn nín thở với trời xanh.

Nhà văn NHỤY NGUYÊN

*

*      *

Nu kể: “Mùa mưa mưa như trút, không làm được gì và không có ý nghĩa gì cả. Còn mùa nắng là mùa của gió Lào. Mọi người làm ăn giữa cái khô - hanh - nồng của gió Lào, hừng hực như bị lửa táp vào mặt…”

- Anh sẽ đưa em đi khỏi vùng đất ấy! - Hân cả quyết.

- Không!

Nu bỗng thốt lên, khiến Hân ngạc nhiên đến hoang mang.

“…Bom đạn ném xuống khắp các miền quê. Nhưng chỉ quê em là bom mìn chưa nổ sót lại trong lòng đất nhiều nhất. Người dân quê em thuộc hạng gan dạ nhất thế giới khi đào bới thứ đó để mưu sinh. Nhưng làm sao mà hết được anh. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau, không bao giờ con người có thể nhặt hết bom mìn trong lòng đất quê em. Ba em bỏ dạy đi tìm kiếm bom mìn. Ba hi vọng nhặt hết được bom mìn ở vùng đồi nơi em và mọi người đang sinh sống. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng...”

Giọng Nu bỗng lạc đi. Hình ảnh buồn đau quá vãng dội về, dựng nguyên hình: những vùng đất phọt lên, tan tành, tơi tả, mù mịt giữa bụi máu ngòm ngòm… Hình ảnh dễ thương hơn: ba Nu cắm phập những nhát cuốc chắc nịch xuống lớp cỏ xanh rì. Rồi cúi nhặt mảnh đạn tung vào cái giỏ mang sau lưng, không cần nhìn ngó. Một trăm cái mảnh, Nu chưa hề thấy mảnh nào ba tung chệch khỏi miệng giỏ. Ba Nu từng chạy băng băng dưới làn bom đạn năm bảy hai giữa mùa hè đỏ lửa. Một trăm quả bom đuổi theo ba Nu đều không kịp. Nhưng nó sẽ phục thù. Nó giả câm nằm trong đất chờ tới ngày được thét lên giữa trời đất bao la để trút bỏ mọi nỗi ấm ức cùng sự hận thù mà chủ nhân của nó đã gắn vào như một nghiệp chướng khôi hài...

“Hàng trăm nghìn tấn bom dội xuống quê em, trong đó có đám ruộng của nhà em. Đám ruộng mà sau này mẹ em…”

Chỉ chừng đó đã đủ chứng minh Nu có một nỗi buồn để cưu mang suốt cuộc đời. Còn nếu muốn biết nhiều hơn, Hân phải thân chinh tới dãy đồi đặc quánh gió Lào ấy.

*

*        *

Làm việc nhà mà tâm trí Nu cứ chao đảo về vô vàn hình ảnh quá khứ với Hân trong những thời khắc bị xáo trộn, cắt tỉa, chồng chéo như cơn mê sảng...

Tiếng nước rơi từ cái gàu Nu đang kéo xuống đáy giếng hun hút đen bừng dậy trong Nu ước mơ về một cuộc sống bình an ngay chính nơi mẹ từng đau đớn. Nơi ấy người vẫn lục tục kéo về rà phế liệu. Không ai dựng nhà nhưng đất đã được cày xới phần lớn. Có thể cụm rễ lúa nào đó đã bám trên bom để đâm lên những hạt ngọc trời ban. Rồi mai mốt lưỡi cày hậu thế sẽ lật quả bom ấy lên như tội đồ đã hết kì giấu mặt. Còn những quả nằm sâu hơn… Tay Nu chợt ngưng lại. Mắt Nu dán xuống chiếc quần đùi của Anh loang lổ vệt trắng. Nu giơ lên soi xét. Là những giọt nước hiếm hoi của đàn ông. Bặm môi, mắt Nu sáng lên. Phải, vô thức đi chăng nữa, đây vẫn là dấu hiệu tốt cho sự phát triển trí não vốn luễnh loãng của Anh. Nu vội giặt sạch bộ đồ của Anh, phơi phóng rồi đi tìm.

Anh sau hồi nhà, trên đống sỏi sạn ba gom trong giai đoạn khai khẩn đất đồi. Nu ngồi xuống trực diện, mặt gần mặt Anh. Nu nhìn rất kĩ. Bây giờ mới nhận ra: Anh không hề giống một ai trong gia đình. Đôi mắt có cái gì đó rất hoang dã, căm thù. Trán sạm đen. Thực tế từ lúc sinh ra cho tới nay Anh chỉ biết có ăn. Ăn khỏe và cũng thích ăn ngon. Tối qua trong bữa cơm, Anh lấy tay bốc thịt, đưa vào miệng cắn phần nạc, còn phần mỡ bỏ vào chén rồi dùng thìa xúc cơm ăn cùng, miếng nào cũng tuần tự như thế. Khi bắt gặp ánh mắt tọc mạch của Nu, Anh lè lưỡi dúm dúm, khinh miệt… Gió Lào thốc tới, thổi bạt mái tóc Nu ra phía trước, che cả đầu Anh. Nu phải ngồi như Anh, đối mặt với gió Lào.

- Anh là anh trai của Nu. - Nu chỉ ngón trỏ vào mình, tiếp - Nu là em gái của Anh.

- Nu là… Anh? - Anh mở miệng khó nhọc.

Nu mừng rỡ nhổm người lên ngồi chò hỏ:

- Đúng rồi! Nu là em gái của Anh. Mẹ là vợ của ba Chương, đẻ một lần ra Nu và Anh.

Mặt Anh săn lại, từ từ đứng dậy, vừa bước vừa ngơ ngẩn:

- Mẹ.. vợ.. ba.. Chương... Nu.. vợ.. Anh…

Tim Nu thắt lại:

- Không phải! Anh con ai?

Anh lại lè lưỡi, dúm môi “day day”. Thi thoảng Anh vẫn nói được, tuy giọng thanh, nhỏ và đặc biệt là rất nhanh, thành ra khó nghe.

- Anh biết Nu không? Nu là em gái Anh. Mẹ là vợ của ba Chương. Ba Chương và mẹ đẻ một lần ra Anh và Nu.

- Vợ vợ. Hà ha… vợ vợ vợ vợ. Nu vợ Anh... Anh vợ Nu…

Nu cúi lặng lắc đầu. Nỗi hãi hùng chạy qua cơ thể Nu. Nu phải chấm dứt ngay cái trò chơi này. Nu có nên tiếp tục đánh động tâm thức Anh? Nu không biết. Nu phải hỏi Hân…

*

*        *

Ông Chương vẫn liệng nốt những mảnh bom cuối cùng thu lượm được trong ngày vào gian nhà ngổn ngang phế liệu. Chắc không lâu nữa ông phải nới rộng gian nhà, nó đã quá chật chội từ mấy tháng trước.

Một cái máy rà loại tốt, một chiếc xẻng bộ đội, một xà beng dài nửa thước, chỉ to hơn song sắt cửa sổ chút ít, đó là toàn bộ đồ nghề làm việc hàng ngày của ông Chương. Bàn tay ông đã xăm soi khắp nơi, trừ sườn đồi nơi người dân đã ở và phía sau dãy đồi là bãi hoang thoai thoải, nơi đấy đã trở thành một nghĩa địa vô chủ kể từ ngày những thây người không nguyên vẹn được chôn cất một lần vĩnh cửu.

Lâu lâu ghé xem gian phế liệu, Nu tưởng như ba sắp hoàn thành một sứ mệnh cao cả của đời người. Những quả đạn còn nguyên ba Nu sắp dựng đứng vào góc được ngăn bằng thân cây bạch đàn. Nu không rõ ba có tính đến khoảng cách an toàn với nhà lỡ khi nó nổ. Nu cũng đã quen với tiếng nổ nên không sợ. Nhưng rồi Nu sẽ phải lấy chồng. Bệnh tình Anh như thế, Nu không thể theo về quê chồng. Nu muốn Hân về ở nhà mình. Hân yêu Nu và sẵn lòng như thế. Nhưng cha mẹ Hân khó có thể cho Hân sống suốt đời ở nơi bom đạn rập rình…

*

*        *

Vậy là Hân đã đặt chân xuống vùng đồi đặc quánh gió Lào. Nơi có dãy đồi mới hiện ra nhấp nhô dưới nắng. Cái nắng còn rất trong. Cứ ít giây lại có đợt gió ồ ạt, bờ tre hiếm hoi che chắn ngôi nhà đầu tiên của dãy đồi còng mình như một người đau thắt bất chợt. Áo quần Hân bay lật phật, dáng anh liêu xiêu theo chiều gió bạt ngang, tóc rối bù, rít rát không vuốt được. Chừng như trong gió Lào có vị hăng của hơi thở đồn cửa khẩu Lao Bảo, có tiếng rú gọi của dãy Hi Mã Lạp Sơn kì bí và có lời than oán của tám mươi mốt ngày đêm hùng thiêng vọng lại. Vậy là Nu đã lớn lên trong sự khe khắt của gió Lào. Chặng đường đó đã uốn nắn một dòng đời biết chấp nhận đi trong khổ ải. Chính gió Lào đã vực dậy tinh thần của Nu bước trên đất cằn bởi tính hủy diệt từ thuốc nổ, chất độc…

Dãy đồi theo lời kể của Nu hiện diện trước tầm mắt Hân hoang vu đến lạ. Bom đạn đã giày xéo nơi đây thành một vết thương khổng lồ trên lưng dải đất hình chữ S. Và bao con người nhiễm chất độc màu da cam là chừng ấy cuộc quằn quại dai dẳng móc vào năm tháng. Hân phải tự hiểu lấy đằng sau bức chân dung Nu phác họa về vùng đất của gió lào muôn thủa… Một, hai, rồi ba người từ dãy đồi sưa sớt những ngôi nhà bước cách Hân không xa mấy, vai vác vật gì như cái quạt điện mất đầu, kèm theo cuốc xẻng. Khi Hân hỏi thăm nhà Nu, một người đàn ông trạc sáu mươi hỏi lại “Con Nu?” rồi chỉ tay về ngôi nhà nằm tương đối cao so với chỗ Hân đang đứng.

Nằm trong ranh giới của vĩ tuyến 17, quê Nu trở thành “cánh đồng xương trắng”. Bom B2, B4, bom khoan, bom lân tinh ngủ la liệt dưới đất. Nơi đây, hầu như tiếng nổ nào cũng cướp đi ít nhất một sinh mạng. Một tiếng nổ, quen rồi, rất nhiều người không hề giật mình, họ đứng lặng khá lâu - thay cho phút mặc niệm. Sau một tiếng nổ, cha mẹ khuyên con, vợ khuyên chồng thôi đi đào bới… Sau một tiếng nổ, người ta co mình lại trong vài tháng, rồi lại dắt díu nhau đi... đông hơn và… liều lĩnh hơn. Nhưng làm sao người dân quê Nu tránh được bom mìn dẫu họ không đào bới. Trên cánh đồng ấy, mẹ của Nu đã… bay lên!… Ba Nu đã cùng mọi người bạt núi bạt đồi làm cuộc khôi phục kiên cường và ngoạn mục.

“Dãy đồi gia đình em đang sống vẫn còn bom mìn chưa nổ, chỉ là không đáng kể - ba từng nói với em thế. Dải đất mênh mông dưới chân đồi mới lắm, kể cả nghĩa địa nối liền với nó. Em nghĩ chắc vì thế mà bỏ hoang từ mấy chục năm nay.”

Ngay từ buổi đầu tới dãy đồi này lập nghiệp, ông Chương đã cùng vợ chồng chị của Nu trồng tiêu ở khắp các khoảnh đất ông khai khẩn. Cây mớc mọc cao khoảng mét là ông đã cho tiêu leo. Ông sống rày chết mai không thể lường, vườn tiêu sẽ là vốn cho Nu thay ông vun vén gia đình, hương khói.

Ôi! Sao mà vắng thế này? Không người. Không tiếng chó sủa, không tiếng lợn kêu. Hai cha con đã đi đâu? Hân không biết Nu đi đâu, song cha Nu thì Hân cho là đi rà phế liệu. Ờ nhỉ, chẳng hay trong ba người hồi nãy Hân gặp liệu có ba Nu? Con người tuổi chừng sáu mươi vác cái máy rà Hân gặp ngoài kia là ba Nu? Ba Nu sao ông ta không hỏi Hân? Chắc không biết. Chắc không phải. Mà phải cũng nên. Người ở đây hẳn đều ít nói như Nu. Người ở đây quanh năm trực diện với tử thần, đã trở nên khó hiểu.

Hân ngồi bệt xuống bậc thềm chạy dọc theo chiều dài ngôi nhà của Nu, cúi gục một chặp. Gió Lào rì rạt quần thảo quanh con đồi phía trước như sắp có bão. Cây cau lạ chưa: mới cao hơn mét đã trổ buồng ư? Hân nhổm dậy bước tới. À không, thân nó dài có đến chục thước mọc từ dưới kia, ngang sân nhà Nu chỉ còn đoạn trên ngắn ngủi.

Có con đường dẫn Hân ra gian nhà cách sân chừng ba chục bước chân, xung quanh được thưng bởi ván và thân cây ghép khít đơ, cửa cũng bằng gỗ, lù lù ổ khoá to tướng. Hân nhoi vào trong. Ối trời ơi! Hân thụt lại. Là bom mìn… Hân đã được nghe Nu kể sơ qua đến đống phế liệu này, không ngờ nó nhiều đến nhường ấy, lắm quả còn nguyên đến nhường ấy. Tự dưng Hân cảm thấy bực bội. “Sao ba Nu không bán tống khứ nó đi?…” Chợt nghe tiếng lạo sạo ở sau hồi. Có người. Nu về. Hân vòng ra. Không phải! Hân không gặp được Nu mà gặp một người không rõ tuổi với câu nói ngớ ngẩn: “Nu là vợ…”

Sự im lặng kéo dài tới lúc người không rõ tuổi ấy đứng dậy bước đi. Hân chợt nhớ tới ngôi nhà chị gái Nu qua sự miêu tả đơn sơ của Nu nằm vảng vất đâu đó trong trí nhớ...

Căn nhà của chị gái Nu nằm mé đồi, cách chỗ hai cha con Nu một lối mòn băng qua đồi nhỏ. Vợ chồng chị cưới nhau được hơn một năm thì ra dựng nhà riêng ở đấy.

Một bầy chó chạy xổ ra. Nhưng khi nghe chủ nạt, con nào con nấy im thít. Chị gái Nu bước ra mừng quýnh. “Chú!” - Cái Bẹp con chị từ đâu chạy ào ra níu lấy tay Hân ngước lên nhe hàng răng sún cười tít mắt. Hân lấy quà dúi vào ngực nó. Cái Bẹp “dạ” tiếng rõ dài, ôm mớ quà đưa lại mẹ.

Hân nhìn cái Bẹp. Tóc nó vàng hoe, lơ thơ và ngắn cũn cỡn. Một ngày nó tắm có chục lần ở con kênh trước cửa. Có khi lông nhông giữa nắng suốt ngày chẳng áo quần. Cứ lên bờ, vào nhà không bị mẹ sai gì lại chạy ra nhảy ùm xuống ngâm mình trong nước.

Chị gái Nu cho Hân biết, hôm nay Nu dậy sớm nhưng không biết đi đâu. Nu vẫn thường trở dậy trước tiếng gà từ làng xa thi thoảng vọng tới. Nu nấu cơm cho cả nhà nhưng Nu không ăn. Nu lên nghĩa địa với đôi chân trần như bao lần khác Nu vào thắp hương cho mẹ, cho anh rể… Nghĩa địa của đa số người chết vì bom mìn sau chiến tranh nơi đây không hề trơ trọi trên cát trắng sa mạc. Rất ít cây cao quá đầu người. Gốc cây lúp xúp chen nhau mọc trên một diện tích có lượng sỏi sạn chiếm phần lớn trong đất, và với cái khô ráp và cuồng nộ của gió lào. Những ngôi mộ trắng cứ lấp ló dưới màu xanh của cây cối xéo nhau chằng chịt. Gió ồ ồ lùa qua chi chít mộ…

*

*        *

Hân ngồi một mình ở nhà trên, bên ấm chè om. Nơi đây chè đồi trước đồi sau bạt ngàn xanh ngắt trong gió núi. Một cuộc sống như vầy tuy cực nhọc nhưng là niềm mơ ước của Hân. Nhưng thật không dễ đủ sức để có khu đất như thế này. Hân đắm trong dòng suy nghĩ về tương lai với Nu.

Nắng gay hơn, không phải vì nóng bức nhưng Hân trở dậy, lòng vòng quanh hồ cá, rồi phía sau đồi. Toàn cây là cây, vươn cành trên những mô đất khô ran. Chim chóc vô số, nhiều loài Hân chưa hề được biết. Chúng dạn vì không bị ai phương hại đến cuộc sống. Nơi đây còn rơi rớt dấu ấn của bàn tay hái lượm. Hân mường tượng đến một ngày, dòng người lúc nhúc tràn tới. Tiếng rựa chém chát chúa vang động vào núi rừng thơm thảo…

Hân chợt để ý đến một thứ âm thanh vọng đến ở đâu đó. Đúng là sự hỗn tạp của những chiếc chuông rung lên cùng lúc dai dẳng, nghe buồn da diết. May thay là Hân gặp được cái Bẹp. Nó như nắm rõ tâm trạng của Hân:

- Dì Nu chắc đi đón ông rồi.

- Đón ở đâu?

- Ngái lắm. Ông đi rà mảnh bên kia núi Nạy tề.

Hân muốn nhổm dậy bước đi. Đi tìm Nu... Vẫn những âm thanh “leng keng” hỗn loạn khiến đầu óc Hân phân tán, quanh quất nhìn xa. Chỉ có núi đồi và những thảm lúa chạy dài tít tắp. Còn nữa, đàn trâu sít sịt bên nhau đang nhẫn nại hì hụi gặm cỏ.

Cái Bẹp đeo lục lạc vào cổ trâu. Hân trố mắt nhìn.

- Đây a. Cái tiếng kêu ngoài đồng là đây?

Hân đỡ cái lục lạc vào lòng tay xem. Rất thô trong từng nhát búa, nhưng cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo của người gò; bởi nó không ra đời từ những khuôn đúc đơn thuần, mà qua bàn tay từng kinh qua chiến tranh của chồng chị gái Nu.

Chị gái Nu từ trong nhà nói với ra phía Hân:

- Chú làm như đồ cổ không bằng.

- Đồ cổ thật đấy…

Cái Bẹp, chẳng hay nó nghĩ gì? Cha nó cũng đã bay lên cùng bụi đất và máu, như mẹ Nu. Chính cha nó đã gò vỏ đạn thành lục lạc đeo cổ trâu. Nơi đây lục lạc được làm không gì khác ngoài vỏ đạn.

Bẹp lùa trâu đi thả. Nghĩ một mình ở nhà buồn, nhất là thấp thỏm đợi tin Nu, nên Hân tính theo trâu. Cái Bẹp vắt sợi dây thừng ngang lưng con trâu, hót lên cưỡi, rồi lại tụt xuống, chẳng biết thương cái bụng no cơm với dưa cải.

- Chú có biết cợi tru không?

Hân dúm cằm, tay sờ đám râu đã dài hơn sau đêm qua trằn trọc, lắc đầu:

- Thôi, chú đi bộ thôi!

Tiếng leng keng của lục lạc nhộn dần lên, vang, đôi khi long cả óc. Hân ghi nhớ tiếng lục lạc ấy. Giữa mớ âm thanh dưới cổ hàng chục con trâu khác, tiếng lục lạc ấy vẫn trong nhất. Dường như nó đã được đeo vào não Hân tự bao giờ...

Tới bãi, con Bẹp thả trâu rồi mải mê chơi giữa những lùm hoa dại. Hân ngồi mông lung nhìn những sóng lúa xanh rập rờn dưới nắng vàng mà cảm thấy rờn rợn. Còn biết bao ẩn họa nằm dưới màu xanh ấy…

- Chú ơi, cháu tìm được mấy cái vỏ đạn nì! - Cái Bẹp từ xa hớt hải chạy tới.

Hân quắc mắt nhìn nó đang thở dốc:

- Nhặt vỏ đạn để làm gì, hả?!

- Về cho ông cháu gò lục lạc.

Hân đứng phắt dậy. Choáng. Hân cảm thấy như đang đứng giữa một chiến trường chưa im tiếng nổ, khói chưa tan hết. Hân nhớ tới lời Nu kể: Nơi đây thi thoảng lại có ai đó nhờ ba Nu mang máy dò tới “rà” khoảnh đất chọn làm nơi đặt mộ người thân...

Cái Bẹp giật vạt áo Hân hỏi: “Chú nghĩ gì mà thần người rứa?”. Đôi mắt trong veo của nó mở to nhìn bãi cỏ hoang mênh mông nắng vàng. Gió Lào vẫn bỏng. Cánh đồng vẫn tiếng lục lạc trong ngân...

N.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)