Giếng làng

Thứ Sáu, 01/01/2021 08:13

. NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG

Giữa đêm hè, đứng chỗ ngã tư đầu phố đưa tay hứng ánh trăng tan chảy, tôi lại nôn nao nhớ quê ngoại. Nhớ một thứ ánh trăng sóng sánh trong giếng làng. Hầu như tôi chưa từng gặp lại ở đâu trên đời này cái ánh sáng hấp dẫn, bí ẩn và liêu trai như vậy. Mỗi lần đọc một cuốn sách nào đó tả về trăng, tôi thường nghĩ đến nó. Và tôi tin rằng, hình như, ánh sáng ấy, ngôi làng ấy, những câu chuyện của các dì kể trong đêm hè đã liên tiếp tái sinh, rồi vượt thoát ra ngoài trí tưởng tượng của tôi. Nhiều khi, ngồi buồn trong bóng tối, hay im lặng bất lực trước một hiện thực nào đấy, tôi lại nhớ rằng, cái khuôn giếng có hạn, sâu và thiếu sáng ấy đâu có làm giới hạn sự lan tỏa của ánh trăng.

Minh họa: Lê Huy Quang

Nhà ông bà ngoại tôi ở trên đỉnh quả đồi thấp, phía trước mặt là cánh đồng chiêm bát ngát cò bay. Hồi nhỏ, hầu như mỗi tuần đều có đến mấy ngày tôi ở đấy. Các cậu các dì đưa đi theo khắp làng trên xóm dưới, lần sờ khắp các xó xỉnh ruộng nông sâu mò cua, bẫy cá. Nhưng có lẽ, tôi nhớ nhất là cảnh theo dì đi gánh nước ở giếng làng. Ở quê, hồi đó chưa có điện, ngoài quầng sáng đèn bão trong nhà thì tất cả tối thui. Khắp nơi là tiếng côn trùng. Tôi hay ngồi trên bậu cửa nhà bà, dỏng tai nghe tiếng con tắc kè kêu trên mái ngói. Bà ngoại đi rút rơm cho trâu ăn, còn ông, ngồi trên tràng kỉ kể về cụ cố làm quan tri huyện, đi lọng tám người khiêng, rồi cải cách ruộng đất, nhà cửa điền sản bay vù… Tôi chẳng hình dung ra, chỉ thấy những điều ấy sao xa vời đến thế. Các dì đốt đèn lên khâu vó tôm. Còn cậu út, nằm dài trên cái chiếu giữa sân đùa nhau với lũ chó. Vào những đêm trăng, sau bữa cơm tối, các cô gái làng thường rủ nhau ra giếng gánh nước, chải đầu và nói đủ thứ chuyện. Dì cũng tha đôi quang thùng đi xuống dốc. Dưới chân dốc là giếng làng. Sân giếng rộng, lát gạch. Xung quanh giếng là mấy bụi tre bị cây bạc thau leo kín tận ngọn. Lá bạc thau có một mặt xanh, một mặt sáng như bạc. Giếng to như một cái ao nhỏ, xây bậc gạch từ miệng giếng dẫn xuống tận mặt nước. Mọi người gánh nước từ giếng lên, đặt xô chậu trên sân rồi ngả đòn gánh ra ngồi tán gẫu với nhau. Tôi ngồi giữa các dì, ngửi thấy mùi bồ kết, hương nhu từ những mái tóc dài. Ban ngày mọi người phải đi làm ngoài đồng, chỉ đến tối mới có thời gian nghỉ ngơi, các cô gái mới xổ mái tóc búi tó cả ngày ra chải. Hầu như vào lúc trưa và chập tối là mọi người đổ ra giếng đông nhất, vừa gánh nước về ăn, vừa tranh thủ tắm giặt. Lạ rằng nước giếng trong vắt và đầy quanh năm. Nhà bà ngoại tôi không đào được giếng trong vườn nhà, cứ đào dở chừng là bị sụt lở nên bỏ đấy. Vì thế mà quanh năm phải đi gánh nước về dùng. Cậu út toàn trốn đi chơi để phần gánh nước cho dì. Có hôm, ra giếng sớm, dì để quang thùng đó rồi dắt tay tôi chạy một mạch ra bờ đầm Đõm. Lúa nếp vừa chắc hạt phả mùi thơm ngào ngạt. Dì dặn tôi đứng im cạnh bụi cây hoa bươm bướm đợi dì. Tôi thấy dì lội ra giữa ruộng nếp lút đầu người. Còn tôi, vừa sợ vừa thích thú nhìn trăng trải dài trên cánh đồng, quanh tôi lũ đom đóm chao liệng như sao sa. Một lúc sau dì quay lại với một ôm bông lúa trĩu trên tay. Quay về giếng, dì gánh nước, tôi ôm lúa. Hai dì cháu thức tận khuya làm cốm. Mẻ cốm đầu tiên ăn thơm ngọt nhớ suốt đời. Hạt cốm màu xanh như những hạt ngọc trên tay tôi.

Thường khi cả nhà đi làm, tôi và em gái lên chơi sẽ được bà cho ở nhà trông vườn tược. Hai chị em leo ổi, búng mít chán thì kéo nhau xuống sân giếng làng chơi ô ăn quan. Bọn tôi nhanh chóng làm quen được với các anh chị hàng xóm, như anh Xuân, chị Thắm, chị em Khánh, Hòa. Mấy chị em lau sạch những tảng đá xanh ở ngõ để bày trò chơi. Mỗi người phải đi tìm một loại lá cây hay quả dại có thể ăn được để bày lên phiến đá. Đến lượt tôi đi tìm, tôi vào vườn nhà ông Trường - anh ruột ông ngoại tôi, định sẽ hái quả của cây gạo rừng ông trồng gần bể nước. Tôi nhìn thấy nhà ông treo rất nhiều tranh nên đã vào xem. Tranh dân gian bằng giấy điệp vẽ chú bé cưỡi gà, chú bé bế tôm, đám cưới chuột… đủ loại màu sắc dán trên tường. Mãi sau này tôi mới biết đó là tranh Đông Hồ. Có nhiều bức ghi tên họa sĩ Tạ Thúc Bình. Tôi ngắm, rồi sờ tay lên tranh, nghĩ theo những câu chuyện trên bức tranh quên cả hái quả. Nghe tiếng mọi người nháo nhác gọi tôi ngoài ngõ, tôi mới đi ra. Ôi trời, thì ra tôi đã nhãng đi hàng tiếng đồng hồ, các chị em chơi cùng không thấy tôi về đã đi tìm, tưởng tôi rơi xuống giếng hay bị kẹt trong xó xỉnh nào đó. Tôi bị cả lũ giận, mắng cho tơi bời. Nhưng chỉ đến chiều tối, sau khi tôi đi bế ẵm lũ thỏ trắng nhà anh Xuân về, tôi ngồi kể chuyện ma, bọn nó sợ xanh le mắt, vậy là lại đâu vào đó.

Có buổi trưa canh mít chín, cả bọn thay nhau, lúc lúc lại chạy đến bên bờ giếng, nhòm xuống soi gương. Khuôn mặt mình hiện trong lòng giếng dường như xinh đẹp hơn. Một hòn sỏi ném xuống, bức chân dung tan đi theo những vòng sóng. Và trong thẳm sâu nội tâm, bọn con gái vui hơn một chút. Có gì đó xao động rất nhẹ nhàng. Bọn tôi lớn lên từ những rung cảm rất trong trẻo ấy.

Bây giờ, nông thôn đã khác, từ Bắc chí Nam làng xóm đã đổi thay nhiều, bê tông hóa khắp nơi, đâu đâu cũng có phố làng sầm uất. Nhưng tôi tiếc nuối khi thấy cây xanh cứ ít dần đi, giếng làng cũng dần vắng mặt. Có nơi đã có nước sạch về, nơi dùng nước giếng khoan tiện dụng, giếng làng nhiều nơi bị lấp đi, có nơi hoang phế, có nơi được xây lại làm kỉ niệm. Giếng làng trên quê ngoại tôi sau bao năm cỏ mọc giờ cũng được xây lại cho con cháu ngắm nghía. Nhưng nhìn cái giếng mới, tôi lại có cảm giác mình vừa đánh rơi thứ gì quý giá, hẫng hụt, chơi vơi… Tôi vẫn thương nhớ không nguôi cái giếng làng trong kí ức mình. Trăng từ giếng tràn ra các con ngõ nhỏ khắp làng, theo vào giấc ngủ và chiếu sáng tâm hồn tôi. Một lần nữa, tôi muốn gặp lại tuổi thơ, gặp lại cái giếng đầy trăng thuở ấy. Không biết bây giờ ánh trăng liêu trai ấy ở đâu?

N.T.M.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)