. TRẦN QUỲNH NGA
Tôi thích tháng ba mỗi khi đứng trước biển. Thời gian như chững lại, trong một khoảnh khắc nào đó, tôi cảm nhận nó ngừng trôi như khi mình ở trong bóng tối vừa bước qua một vùng ánh sáng. Ánh sáng chói lòa làm tôi không thể nhận ra thời khắc nào trong ngày. Có lẽ cũng giống như tôi, chú Phục cũng từng cảm nhận được cái vô lí trong một khoảnh khắc nhất định của đời người. Tôi và chú hiểu nhau hơn bất kì một ai khác. Vậy nên khi nghe điện thoại của chú cứ vòng vo hỏi tôi rằng có thể ra với chú ít bữa không, và giọng mợ tôi ké bên dằn dỗi “Cô liệu mà lên với chú cô, ông ấy chỉ nhắc mỗi cô thôi đấy” là tôi không cầm lòng được.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Thu xếp mãi, tôi mới dứt được mớ công việc không đầu không cuối của mình để đi. Chuyến xe đêm nhọc nhằn đưa tôi đến với chú. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi xa một mình thế này, thấy cũng lạ. Một mình. Cái cảm giác tự do đột nhiên dội đến không báo trước, nó vừa mang đến một cảm giác sợ hãi lẫn thích thú. Tôi ngỡ ngàng, nửa muốn dấn bước lên phía trước, lại vừa khựng lại phía sau. Cảm giác này tôi quen. Hình như tôi đã gặp nó khi đứng trước bậc cửa của một ngôi đền thờ thần Shiva năm nào. Lúc đó trong tôi nửa muốn vào vì tò mò, nửa muốn đứng ngoài nhìn xa mà chiêm nghiệm nhưng không thể đoán định nổi trong ấy có những gì. Cửa vào đền hẹp và nhỏ, lạnh toát mờ ảo trong khói sương buổi sáng. Tôi cứ thơ thẩn nhìn quanh những bức phù điêu đen đúa, đi quanh khu để các đồ tế lễ và múa hát nghi thức hành lễ. Trong thời khắc tự do đó, tôi nghĩ đến những tháng ngày đã qua, nghĩ về cuộc sống yên ổn đến tẻ nhạt của mình. Cuộc đời tôi không có lấy một biến động nào, không có lấy một sự dịch chuyển nào đáng kể để mà nhung nhớ. Đôi khi cuộc đời bình thản quá cũng gây ra thật nhiều phiền não. Tôi đã không học được cách bằng lòng với cuộc sống thực tại an nhàn nhưng cũng không đủ can đảm để mà ruồng rẫy nó. Cuối cùng, tôi chọn một cách lãng nhách là để thời gian trôi đi một cách trì trệ và vô nghĩa. Nếu không có chú Phục, tôi cũng không có lấy một sự dịch chuyển nào cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tôi đẩy cửa, đằng hắng giọng. Chú Phục ngồi ngủ gật, đầu ngoẹo sang một bên ngay dưới giàn hoa lí trĩu sương đêm nằng nặng. Khuôn mặt chú thoáng chút buồn trên vầng trán đã đầy những nếp nhăn. Thấy động, chú mở tròn mắt một lúc rồi dang hai cánh tay ôm chầm lấy tôi cười xòa: “Cha trời, cháu tôi. Răng chừ mi mới đến?”. Tôi hếch mũi cười trước cái giọng miền Trung nặng nề không hề trộn lẫn dẫu đã xa quê ngót nghét nửa đời người, cũng chợt nhớ ra, cái điệu hếch mũi đó của tôi đã cười với chú hai mươi năm về trước.
Ngày đó, chú Phục còn trẻ, mới vào ngành công an, tôi hãy còn bé lắm nên được chú cưng chiều. Chú công tác cách nhà 30km. Cứ mỗi tuần chú về nhà là thể nào tối đó tôi cũng được chú cho ngồi trên gác-ba-ga xe đạp chở đi khắp làng trên xóm dưới. Mỗi lúc như thế mẹ tôi lại thở dài lắc đầu: “Đi tán gái mà đeo cả trẻ con, không biết chú mày đến bao giờ mới lấy được vợ”. Mẹ nói vậy nhưng cả nhà đều biết chú Phục yêu cô Mai ở làng bên từ lâu rất lâu rồi. Cô Mai cũng là công an, cùng làm công tác điều tra dân số với chú ở tận miền núi. Bố mẹ tôi mừng lắm, tưởng đã có được cô em dâu đến nơi rồi.
Làng tôi ở ven biển. Cái biển bãi ngang nông choèn cạnh cửa sông. Con đường đất đỏ chạy vòng vèo qua từng trảng cát trắng đến lóa mắt dài chừng hai chục cây số thì hết. Làng biển bãi ngang bó gọn, nằm lọt thỏm trong rừng phi lao xanh ngút ngàn tầm mắt trông xa như một ốc đảo. Ai đi qua làng đều có cái cảm giác rợn ngợp tĩnh lặng đến lạ thường. Sáng sáng, sương mù phủ một lớp dày không nhìn rõ mặt, chỉ nghe trong gió tiếng lao xao ngoài bãi cá khi thuyền về. Rồi mặt trời lên, tròn lựng đỏ, nước biển lúc ấy trông như màu gạch non quấn quện.
Làng tôi đẹp và thơ. Tôi còn nhớ những đêm trăng bàng bạc, gió vi vút đánh đu trên những rặng cây lao xao, biển nhỏ lại, tối thẫm. Tôi cảm giác như bị ai lấy chăn trùm kín đầu, chỉ nghe sóng vỗ bục bục vào gộp Đá Mũi, tiếng vọng vừa diệu vợi, vừa gần gũi. Làng tôi có lời nguyền, hễ đôi nào dắt nhau ra ngồi ở Đá Mũi vào ngày trăng tròn thể nào cũng cưới được nhau. Lúc đầu tôi không hiểu, nhưng lớn lên mới biết, chỗ mũi đá đó, đêm trăng tròn nếu hai người chụm đầu vào nhau nhìn ra biển thì bóng của họ đổ xuống có hình trái tim in rõ trên đá.
Chú Phục và cô Mai đã ngồi ở đó, tựa lưng bên nhau không biết bao nhiêu lần. Ấy vậy mà cuối cùng vẫn không cưới được nhau. Âu cũng là do số trời. Chuyện khởi đầu khi bố cô Mai bắt cô lấy một người đàn ông hơn cô cả chục tuổi làm địa chính trên xã. Cô Mai mẹ mất sớm, ở với bố và năm đứa em gái nhỏ, bị bố bắt cưới, dẫu không bằng lòng cô cũng không thể kháng cự. Cô phải làm gương, đầu xuôi đuôi lọt cho đám em gái đang sàn sàn tuổi lớn.
Ngày cưới cô Mai đúng vào mùa phi lao rụng lá. Hôm ấy, đám rước dâu rình rang đi trên con đường đất cát ra biển. Chỉ một đêm thôi, lá phi lao đã rụng dày che kín lối đi. Tôi không biết có phải cây cũng mang nặng nỗi niềm hay không mà ủ rũ buồn đến thế. Những cành phi lao xương xẩu trơ cành buồn tẻ và cô đơn vẽ trên nền trời những kí tự khó hiểu.
Từ ngày cô Mai lấy chồng chú Phục ít nói, cũng ít về hơn. Mỗi lần về lại lủi thủi một mình ra ngồi mãi nơi gộp đá đến khi trăng non váng sữa mới lầm lụi về. Bóng chú chìm trong cát, ngập ứ.
Tôi không hiểu được cớ làm sao cô Mai thay lòng đổi dạ mau đến thế. Nói xong là xong, như không có việc gì xẩy ra, chỉ chú Phục hình như không chịu nổi cú sốc đó. Chú nghỉ phép, gần một tuần liền không ra khỏi nhà, cứ chong mặt ra cửa nhìn trời rồi lại lếch thếch đi ra biển. Chú nằm dài trên cát. Trên khoảng cát rộng mênh mông và lặng yên ấy, chú không cần phải gồng người để nén giữ những cảm xúc của mình nữa, nước mắt cứ thế tuôn chảy, lẩn sâu trong đám cát trắng lóa. Sau lần đó, chú trở về đơn vị và xin chuyển công tác vào Tây Nguyên, mặc cho bố tôi lên tận đơn vị khuyên răn chú vẫn không thay đổi ý định.
Phải rất lâu sau đó, nhân dịp giỗ ông nội, chú Phục mới lại về. Chú về để thông báo chú sắp lấy vợ, và chú sẽ tổ chức tiệc cưới ở đơn vị chứ không phải ở quê. Đêm đó, tôi nằm nghe bố thở dài; còn mẹ, giọng nói như có một điều gì đó nửa như bứt rứt, nửa như đồng tình với quyết định của chú “Miễn sao chú nó thấy thoải mái là được bố nó ạ”.
Đêm đó biển không có gió. Sóng ì oạp vỗ gợn gợn đầu mép cát. Trăng đứng bóng. Đám xương rồng trước nhà sừng sững như một khối tượng tối tỏa hương ngòn ngọt. Tôi định cất tiếng gọi khi vừa thoáng trông thấy chú Phục bước vội trên con đường đất cát đi ra biển. Nhưng đột nhiên tôi khững lại, như bị ai giữ chân. Ngay từ mỏm Đá Mũi tôi đã nhìn thấy cô Mai. Không phải cô Mai đã bỏ chú Phục rồi sao? Nhưng... không thể nhầm được. Tôi nghe rõ tiếng cô Mai khóc rưng rức. Tiếng chú Phục vỗ về...
Tôi ngồi thu người trong bóng tối của đám cây sơn cao quá đầu người lặng im nhìn hai người. Chú Phục ngồi thẳng, châm thuốc hút, đoạn quay sang khi cô Mai đang day day đám hoa muống biển bò lan bên cạnh:
- Hắn có yêu em không?
- Em không biết nữa - Cô Mai lại nấc lên - Em sống không thiếu thốn.
- Ừ - Giọng chú Phục lành lạnh - Thế là ổn rồi, đời người chỉ cần không thiếu thốn là đủ.
- Nhưng em không thể quên được anh. Đã sáu năm qua rồi em vẫn không thể quên được anh thì làm sao em sống tốt được.
- Em đừng nghĩ đến anh nữa, rốt cuộc anh cũng chỉ là thằng người bất đắc chí trong cuộc đời hỗn độn này thôi.
- Anh à, đừng thế nữa...
Tôi thấy cô Mai bỏ lửng câu nói và úp mặt vào hai đầu gối, vai rung lên nhè nhẹ. Chú Phục ngồi bất động. Cô Mai càng cố nghiêng đầu lên vai chú, chú càng ngồi thẳng hơn. Tủi thân, cô Mai khóc thổn thức. Đêm dần khuya, biển đã bắt đầu có gió, ràn rạt thổi trên đám phi lao. Giọng chú Phục trầm xuống, khản đặc như có chút gì quằn lên, bỏng rát trong tim chú:
- Thôi em về đi. Mai ơi, về đi.
Cô Mai lại khóc. Đôi vai gầy cứ thế run lên bần bật. Đã bao năm qua rồi, cô Mai vẫn đi đi về về trên bến như chiếc bóng. Nhất là những ngày biển động, người ta thường thấy cô đứng tựa lưng vào gốc phi lao nhìn ra xa xôi ngoài gộp Đá Mũi. Ông trời đã không cho cô Mai có con. Tôi biết, nếu có con chắc cô đã khác, đã không đau đáu nghĩ đến chú tôi nhiều đến thế. Trời đã về khuya, biền mờ đi không còn nhìn rõ. Hai người vẫn ngồi yên. Đột nhiên trong ánh chớp vừa lóe, tôi thấy cô Mai trở người một cách vội vàng rồi ôm chặt lấy chú Phục khóc nấc lên.
Trăng vằng vặc sáng rọi luênh loang trên mặt chú Phục. Lần này, không phải cô Mai mà chính chú Phục khóc, khóc rưng rức. Chú dang rộng vòng tay ôm chặt cô Mai vào lòng. Cô Mai cũng khóc. Trong bụi sơn tràng, tôi cũng khóc. Có chút gì vỡ vụn trong ngực tôi đắng đót.
Sau ngày chú Phục đi, bố tôi được lệnh điều chuyển công tác về tỉnh rồi chuyển cả nhà vào thành phố sống. Ngôi nhà cũ giao lại cho anh con trai bác cả làm nơi thờ tự, chỉ một năm vào ngày rằm hay lễ tết chúng tôi mới lại về quê.
Tôi học trường tỉnh rồi đi học xa, càng ngày những bận rộn thi cử, học hành, tìm việc ngốn hết quỹ thời gian của tôi. Chỉ thi thoảng ngồi buồn tôi mới nhớ biển quê như một nỗi mơ hồ không gọi tên được. Tôi vốn sống khép kín lại càng ít bạn bè, nhất là sau mối quan hệ đổ vỡ với Hưng tôi thấy mình trở nên lãnh cảm trước những lời tán tỉnh. Vậy mà, ngay lần đầu nhìn thấy Khải tại trung tâm tư vấn du học tôi đã cảm tình.
Không hiểu sao tôi lại ấn tượng với ảnh nền facebook của Khải đến nỗi khi Khải vừa mời kết bạn là tôi lập tức đồng ý. Kết bạn với nhau rồi tôi vẫn ngắm đi ngắm lại bức hình chụp dãy đá ăn lan ra biển trong ánh hoàng hôn màu cỏ úa ấy, mỗi lần ngắm tôi lại chùng lòng. Khải cũng hay nhìn tôi, kiểu nhìn không giống một đồng nghiệp đàn em.
Nhiều đêm, tôi bó gối ngồi nghĩ mãi, cố gắng phân tích một cách rõ ràng rằng giữa tôi và Khải không thể có một mối quan hệ nào khác ngoài tình đồng nghiệp; và càng không thể có chuyện chúng tôi đã quen nhau từ trước. Nhưng đôi mắt ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Nó khoét vào tôi một sự hoài nghi đến cực độ đến nỗi tôi không thể quay lưng dù rằng lí trí buộc tôi phải tỏ vẻ lạnh lùng.
Trung tâm tổ chức tiệc đêm ở biển. Đêm đó, Khải ngồi ôm đàn và hát. Tôi lặng yên nghe, thấy lòng mình xao động đến run rẩy. Hồ như tôi nghe rõ cả những ấm ức chạy âm âm dưới những lớp sóng đang liếm sâu vào bãi cát dưới chân tôi âm ẩm. Đống lửa đã lịm dần, riu riu những tàn than mỏi mệt, đám bạn đã tản đi hết. Khải ngồi cạnh tôi, chỉ tay vào mặt biển tối thẫm:
- Nhi biết không, quê tôi có một bãi đá ăn ra biển. Ban đêm sóng vỗ vào gộp đá vang lên những âm thanh bục bục, khác lạ lắm.
- Chị nghĩ là sóng đánh quẩn vào hốc đá đó thôi. Miền Trung mình đâu đâu cũng có.
Tôi nhấn mạnh ngôi xưng chị, ngầm cho Khải hiểu được vị trí của hai người. Nhưng hình như Khải không màng đến điều đó.
- Nhưng quê Nhi chắc không giống quê tôi. Quê tôi có lệ hễ đôi trai gái nào ngồi tựa lưng vào nhau trên gộp đá ấy đều sẽ cưới được nhau.
- Thôi đừng trẻ con thế nữa - Tôi cố thốt lên lời rồi nhìn ra biển đêm tối thẫm - Chị hơn em gần mười tuổi cơ đấy!
- Chuyện nhỏ - Khải nắm chặt tay tôi như muốn kéo sát lại - Khải sẽ đưa Nhi về Đá Mũi.
- Đá Mũi?
Tôi không tin vào tai mình nữa, bần thần. Phải rồi, cái ảnh đại diện trên tường trang cá nhân của Khải chính là Đá Mũi. Là quê tôi. Là cả một khoảng kí ức đẹp đẽ tươi vui và hồn nhiên mà tôi đã bỏ quên sau những năm tháng bôn ba đất khách. May mà có Khải, Khải đã làm sống dậy quá khứ ngủ quên trong tôi một cách tình cờ. Tôi nhìn sâu vào mắt Khải bằng tất cả sự hoài nghi lẫn hi vọng, rằng Đá Mũi trong câu nói vừa thốt ra của Khải thật ra chỉ là ảo giác nằm sâu trong tâm thức mà tôi chợt nhớ đến. Nhưng không, ánh mắt chân thực và vòng tay của Khải đã khiến tôi chới với…
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Chú Phục bị đột quỵ, may mà kịp tới bệnh viện cấp cứu.
Bây giờ chú ngồi lặng trước mặt tôi, hai tay run run. Tôi cầm tay chú. Chú nắm chặt tay tôi như cố truyền một tín hiệu mù mờ nào đó. Tôi gật đầu với chú rồi quay sang an ủi mợ tôi.
Mợ xót xa:
- Đấy, tưởng là vâm váp khỏe mạnh nên chủ quan. Bệnh tình không ai nói trước được…
- Tai biến nhẹ chỉ cần một thời gian ngắn là sẽ phục hồi thôi mợ. Quan trọnng nhất bây giờ là nghỉ ngơi mợ ạ.
- Nghỉ ngơi đâu được, thành phố đang làm đường như đại công trình, ầm ĩ suốt ngày.
- Hay chú cháu mình về quê, chú ha? - Tôi buột hỏi.
Chú Phục không nói gì, chỉ lặng lẽ nắm tay tôi, mắt rưng rưng nước.
*
* *
Tôi đẩy chú Phục đi hết một vòng bãi biển. Quê tôi giờ khác xưa rồi, không còn là vùng bãi ngang quạnh quẽ và cô đơn mỗi chiều biển động. Người ta đã cho xây dựng ở đó những khu nhà nghỉ cao cấp. Đêm đêm đèn điện rực rỡ, sáng choán hết một trảng cát rộng. Ấy vậy mà biển đêm không hề thay đổi. Nơi khúc quanh bị khuất lấp bởi từng trảng cây sơn tràng trăng vẫn vằng vặc, bãi cát hắt lên muôn chấm sáng li ti.
Tôi đã đưa chú về với kỉ niệm xa xăm của một đời người, với cái đau đáu được giấu nhẹm bởi thời gian và năm tháng nhưng không thể biến mất trong trái tim đã sắp chín nẫu của chú. Bao nhiêu năm rồi chú vẫn chờ đợi điều đó như một phép màu, mà chú biết, chỉ tôi, tôi mới có thể giúp chú và im lặng vĩnh viễn.
Biển ầm ào. Gộp đá nhấp nhô giữa sóng biển. Cô Mai đã ngồi đó tự bao giờ. Gió lồng lộng thổi xổ tung búi tóc dài tối sẫm...
*
* *
Sau chuyến về quê, chú Phục gần như trở lại bình thường. Mợ tôi bảo không ai có những kiểu làm cho người khác bất ngờ như ông ấy. Khỏe như không.
Ấy vậy mà một buổi sáng, khi trời vừa chớm nắng tôi bỗng thấy lòng dạ bồn chồn. Rồi có tiếng chuông điện thoại, tiếng mợ tôi nấc lên ở đầu dây bên kia: “Nhi ơi, chú Phục...”.
Đất dưới chân chung chiêng chao đảo, tôi khóc không thành tiếng, mắt nhòa đi. Khuôn mặt chú Phục hiện ra, cười cười. Cái con bé con là tôi ngồi sau sau xe đạp chú chở nói líu lo, rồi cười răng rắc khi được chú bế thốc lên hiên nhà chao chao nắng...
Chú Phục ra đi một cách nhẹ nhàng trong giấc ngủ mà không hề trăng trối. Tôi cứ tự hỏi, nếu có thể nói, chú sẽ nói gì? Tôi đã thử đoán, nhưng chịu. Dù sao thì tôi cũng đã thực hiện được ước mơ cùng chú trở về một cách tình cờ nhưng đầy ý nghĩa. Cả tôi và chú, chúng tôi đã từng nghiệm ra rằng, người ta chỉ cần một giây để dứt áo ra đi mà không bao giờ ngờ được rằng mình sẽ phải mất gần nửa đời người để được trở về chốn cũ.
Chuyến xe ròng rã trong đêm đưa chú Phục về đến quê nhà khi trời vừa hửng sáng. Tôi ngồi bệt trên mô đất thẫn thờ nhìn huyệt mộ đang dần bị lấp đầy những cát. Vậy là qua hết một đời người. Con người ta, dẫu đi trăm hướng nghìn phương cuối cùng cũng lại thiết tha muốn được ngủ yên trên mảnh đất nguồn cội.
Mợ tôi cho người đưa đồ dùng của chú ra một khoảng đất rộng, bảo tôi đốt cho chú xuống đó có cái mà dùng.
- Có bao điều chú giấu nhưng mợ biết cả.
Mợ tôi nói thế rồi rưng rức khóc. Mợ đã làm một việc cuối cùng nên làm, cũng xem như để thoát khỏi những day dứt trong lòng bao lâu nay
Tôi lặng lẽ mở đống đồ của chú. Nào quần, nào áo, nào giày dép bén lửa bốc lên ngùn ngụt làm tôi cay xè mắt. Tôi toan đứng dậy lấy nước chợt điếng người khi nhìn lên phía hàng phi lao. Tôi không tin vào mắt mình. Là Khải, đúng là Khải, trước mặt tôi là Khải. Tại sao Khải lại ở đây? Tại sao Khải đuổi theo tôi trong tình huống như thế này? Tôi định hét lên nhưng rồi nghẹn lại, chới với khi thấy Khải chạy vụt qua, ngã nhào lên nấm mộ vừa mới đắp...
Tôi đi dọc con đường rợp hàng phi lao dẫn lối ra biển. Tôi chờ đến ngày mai. Chỉ ngày mai thôi tôi sẽ rời xa nơi này với những kí ức xen kẽ lẫn lộn vừa đẹp đẽ vừa buồn bã, vừa muốn níu giữ vừa muốn dứt bỏ. Nó làm cho đầu tôi như một khối thuốc sắp nổ tung. Trong phút chênh chao, tôi thấy Khải đang ngồi hút thuốc một mình ngoài gộp đá cô đơn và lạnh lẽo. Hình như Khải đã ngồi từ rất lâu rồi. Tôi khững lại rồi quay lưng bước đi. Tôi không thể ra biển lúc này. Tiếng gió u u quất vào khoảng không từng vạt, từng vạt. Lá phi lao vàng úa rơi bám đầy cả tóc tôi...
T.Q.N
VNQD