. NGUYỄN THU PHƯƠNG
Kể từ sau chuyến công tác Đan Mạch trở về, Trần nung nấu trong đầu cái ý tưởng đó. Anh thích thú kế hoạch của mình tới nỗi tranh thủ phần lớn thời gian rảnh rỗi ở nhà để cặm cụi suốt trong phòng thí nghiệm. “Lại tới cái mùa anh cắm đầu vào nghiên nghiên cứu cứu” - Hoài âu yếm cằn nhằn, nói vậy nhưng cô vẫn cố thu xếp sao cho Trần được thoải mái, để tập trung cho công việc tốt nhất. Tuy vậy vẫn có những cái khó. Nhà của Trần được mua lại từ ông giáo già bảo thủ, là kiểu nhà cũ, thoáng đãng mở ra không gian bên ngoài. Từ lúc vợ chồng anh về ở cũng có sửa sang thêm nhưng vẫn chưa tu bổ được phần cách âm, do đó căn phòng Trần dùng để làm việc ở tầng một có ô cửa sổ rộng lớn trông ra con hẻm nhánh cứ hệt như “cái phễu” thu thập đủ thứ tiếng ồn từ khắp bốn phương tám hướng vang vọng về.
Trần từng nhớ có ai đó nói nếu “nghe hoài sẽ quen tai”, nhưng anh thấy không phải vậy. Hoài có tật nói nhiều, anh nghe mãi cả chục năm hôn nhân, thương thì vẫn thương nhưng có thấy quen đâu. Nhà hàng xóm đối diện xéo với nhà Trần, hai vợ chồng thường xuyên bất hòa, gây gổ cãi cọ, ồn ào quanh năm, lần nào nghe anh cũng cảm thấy rất phiền, riết vẫn không quen được. Con hẻm này còn nhiều thứ âm thanh ồn ã khác mà Trần nghĩ đôi tai anh vĩnh viễn sẽ chẳng bao giờ muốn quen, ví dụ như cái món “loa kẹo kéo” rất nhiều nhà sắm về để hát karaoke, tiếng các ông bố bà mẹ rầy la mấy đứa con nít, tiếng các thiết bị điện tử như tivi, dàn nhạc, tiếng đập gõ công trường đang xây sửa vang dội những mảng tường, tiếng các cuộc nhậu rổn rảng mấy câu chửi thề, nói tục, tám xuyên lục địa, rồi cả tiếng tụi nhỏ khóc lóc, la hét… Làm một cuộc công du tới xứ sở bình yên, hơn hai tuần anh ở đảo Assens, quê hương của Andersen, những âm thanh xung quanh anh nơi ấy luôn chỉ là tiếng chim, tiếng gió, tiếng biển rì rào, tiếng văng vẳng líu kíu của bầy thiên nga thong thả trên hồ... Về lại thành phố thân yêu, Trần bỗng thấy đôi tai mình bị sốc với khối lượng khổng lồ đủ thứ tạp âm kinh hoàng, hỗn độn. Cùng với chứng dị ứng môi trường, da dẻ nổi mẩn, Trần đến Viện Pasteur để khám, làm đủ loại xét nghiệm nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân, các giác quan của Trần căng lên chịu đựng thử thách. Nói vui thì như Hoài hay nheo mắt đùa: “Ai bảo anh tự nhiên bị sướng làm chi, rồi bây giờ khổ không quen nữa”. Mà rồi vẫn phải cố chịu đựng thôi, chịu theo kiểu chấp nhận.
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
Buổi sáng của gia đình bốn người bắt đầu với món bánh ướt hành khô phi thơm, chả chiên xắt lát và nước tương pha ngọt. Hoài kể hai đứa con một trai một gái của bà bán bánh ướt đều đã học xong đại học ra đi làm, tụi nó thu nhập tốt nên nói mẹ nghỉ bán ở nhà, nhưng bà cứ đi bán hoài không chịu nghỉ. Hoài gật gù vẻ tâm đắc:
- Bà ấy nói mấy chục năm chạy xe đạp với cái cần xé nhỏ đựng bánh ướt sau lưng, đi bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, đã quá quen rồi. Giờ mà bỏ, ở nhà buồn chết luôn, không chịu nổi.
Trần ậm ừ chiếu lệ, hỏi cho qua chuyện:
- Nói vậy bà ấy đã bán từ trước khi nhà mình dọn về đây ở luôn à…
Hoài dạ, đầy hứng thú muốn bàn tán tiếp. Trần hiểu rõ vợ anh biết rất nhiều câu chuyện của các nhà hàng xóm dù gần dù xa, và cả chuyện của mấy ông bà bán hàng rong; đó như loại khả năng thiên phú của những người thích thu thập thông tin, dù là thứ thông tin dễ dãi, đời thường, không chắt lọc. Hỏi chuyện để Hoài được nói, được kể, và chăm chú lắng nghe, sẽ khiến vợ anh thấy vui.
- Lâu rồi chứ, anh. Bà ấy bán ở hẻm này từ hồi ông giáo còn dạy học, chưa nghỉ hưu cơ. À. Trông ông ấy khô khan vậy mà hồi đó cũng hai lần hủy hôn nha anh. Là ổng từ chối người ta chớ không phải người ta hủy…
Trần bật cười vì cách nói của Hoài, nghe như chuyện hủy hôn hai lần là phẩm chất gì đó thật lãng mạn và ấn tượng của ông giáo bảo thủ, chủ cũ căn nhà này.
Như vậy Hoài mua bánh ướt không chỉ vì tiện, hay ngon, hay rẻ... Là vì Hoài cũng quan tâm tới cuộc sống riêng của bà ta nữa, sự quan tâm đủ để với thời gian ít ỏi trong lúc mua, người kia bán, người này trả tiền cũng đủ hỏi han và tâm tình, trao nhau chút cảm thông. Còn Trần thì chỉ nghĩ, cái kiểu rao rất đặc biệt của bà ta “Ai bánh… ướt ho...o...ng”, kéo dài như hát là do từ đâu mà có? Bà có thừa hưởng của ai không? Trong thời đại mọi thứ hàng rong đều dùng loa, lời rao được thu âm sẵn phát đi phát lại, bà vẫn kiên quyết chỉ rao bằng giọng thật. Và dù tuổi tác, giọng rao của bà nghe vẫn du dương, trong trẻo…
Bữa sáng kết thúc lẽ ra êm đềm, vui vẻ. Nhưng trong lúc Hoài tíu tít lo cho hai đứa nhỏ đi học thì một tràng tiếng nổ ầm ầm từ sân nhà hàng xóm phía bên phải vọng tới. Trần đã bao nhiêu lần tự hỏi: tại sao những thanh niên trẻ lại thích cưa ống pô xe để tạo ra thứ tiếng nổ của động cơ nghe kinh hoàng đến mức như âm thanh bom đạn thời chiến? Tuổi trẻ của Trần, anh chưa bao giờ muốn gây sự chú ý bằng cách tạo ra những ầm ĩ. Đã vậy, chiếc xe máy chưa chịu đi ngay, chủ nhân của nó còn cố tình kéo tay ga “ủn ủn” thêm vài bận nữa rồi mới ầm ầm lao ra giữa dòng đời. Sẽ có nhiều ánh mắt dõi theo anh chàng, bao nhiêu thán phục, bao nhiêu lãnh đạm, bao nhiêu khó chịu, bao nhiêu bẳn gắt giống như tâm trạng Trần?
Chỉ số tiếng ồn luôn cán mức đỏ trên tất cả các bảng điện tử quan trắc nhấp nháy treo khắp các con đường lớn, thật ra cũng không phản ánh hết mức độ ô nhiễm âm thanh của thành phố. Trần nhìn thấy những bạn trẻ ra đường với dây phone nghe nhạc trên tai, như một cách để họ trốn tránh tiếng ồn thực tại. Tiếng kèn xe chát chúa, tiếng động cơ rầm rĩ, tiếng những người lưu thông trên đường, tiếng các công trình xây dựng, tiếng nhạc mở lớn quá độ vọng ra từ các cửa tiệm… Ở ngã tư dừng đèn đỏ, một người nghe điện thoại tranh thủ quát tháo ầm ĩ người ở đầu dây bên kia, như thể muốn văng cơn bực tức và một mớ dao búa chửi thề lúc đầu ngày ra cho cả thế giới cùng đinh tai nhức óc. Trần nhớ có đọc trong một cuốn sách khoa học viễn tưởng, câu chuyện về một người ở hành tinh khác “đi lạc” xuống trái đất. Ngay lập tức anh ta bị một cơn choáng xây xẩm tím tái mặt mày, dòng thác âm thanh ồn ã từ hành tinh xanh đập thẳng vào thính giác không hề quen nghe những thứ tạp âm có cường độ quá cao… Và Trần cùng bao nhiêu tỉ con người sống ở đây, vẫn đang ngày ngày phải hòa mình sống trong dòng thác lũ những âm thanh điên cuồng đó.
Cũng may, cơ quan nghiên cứu nơi Trần làm việc là một không gian khá tĩnh lặng. Tất nhiên chỉ tính từ lúc bước vào “cái hộp” kín bưng và cách âm hoàn hảo, nếu ai lỡ vô tình gây nên những tiếng động quá mức sẽ trở thành lố bịch. Trần đã coi điều này là sự an ủi, vì môi trường làm việc của anh thuận lợi cho công việc anh đang làm. Đề tài nghiên cứu mà nhóm của Trần đang thực hiện tập trung vào vấn đề “chất lượng cuộc sống của con người nơi các đô thị lớn của đất nước”, cụ thể là thành phố này. Trong đó có vấn đề áp lực gây ra từ sự ô nhiễm, bao gồm cả ô nhiễm âm thanh… Giải thích theo cách đời thường, dễ hiểu nhất thì con người khi sống ở đô thị phải gánh chịu khá nhiều vấn nạn, và muốn thoát khỏi các thứ vấn nạn đó, ngoài việc giáo dục ý thức cho người dân, giúp họ trang bị kiến thức và nắm bắt những phương thức ứng xử đúng đắn nhằm tạo ra một môi trường sống trong lành, thân thiện, còn biện pháp khắc phục tức thời là sẽ phải tạo ra những “màng lọc âm thanh”… Trần đang ấp ủ chế tạo ra “máy lọc âm thanh” dựa trên nguyên tắc đó, một thiết bị ưu việt sẽ giúp con người loại bỏ được những thứ âm thanh ồn ào mà bản thân hoàn toàn không muốn và không cần “bị” tiếp nhận. Máy lọc âm thanh, có thể sẽ là phát minh được ứng dụng đại trà không chỉ trong phạm vi thành phố, hay cả nước...
Ngày làm việc êm đềm trôi qua nhanh. Rời hộp kín cơ quan, Trần lại trở về với thực tế nghiệt ngã: những con đường đầy ắp người xe và vô kể các loại tiếng ồn. Hẻm nhà Trần hôm nay có đám tang, chưa chi đã hứa hẹn một bầu không khí náo nhiệt, ồn ã vì dàn nhạc lễ kéo tới rình rang, xôm tụ. Ngay trước nhà anh tụ họp một đám đông, thì ra quảng cáo loại thức uống mới, có phát tặng những li giấy nhỏ hàng uống thử. Cậu rao hàng dùng chiếc loa pin nói liên tục không ngưng nghỉ. Trần tỏ ý không bằng lòng, nhắc nhở các bạn trẻ: đây là khoảng sân nhà anh, chưa kể các li giấy do người ta uống xong quăng ra, các bạn không thu gom cho gọn là không ổn… Thái độ của Trần ôn hòa nên đám tiếp thị vội xin lỗi và nhanh tay dọn rác, tuy nhiên cách khắc phục là cả nhóm dời qua ngay sân nhà kế bên. Cho nên những chộn rộn ồn ào cũng không giảm được bao nhiêu.
Trần uể oải đi vào nhà, anh chưa kịp than thở thì đã bị rơi ngay vào tình thế phải làm trọng tài phân xử cho cu Bin và Hoài. Là câu chuyện đầu tóc. Cu Bin chín tuổi đã biết kén chọn, vì cậu nhỏ có cô bạn gái thân ở lớp biết góp ý, nhận xét, biết “nói này nói kia”, do đó Bin thích được cắt tóc ở tiệm Hùng Cool, nhưng vừa nãy khi ông Tiến hớt tóc dạo tới hỏi, mẹ Hoài đã thuyết phục Bin giao đầu tóc cho ông ấy cắt, và kết quả là… vẫn y như mọi lần, ông Tiến không làm ra đúng kiểu tóc Bin yêu cầu. Bin ấm ức. Mẹ Hoài đã thay mặt ông Tiến xin lỗi Bin, là do ông lớn tuổi nên không thể “chạy theo mốt”. Bin đồng ý không giận, nhưng khi ông đi khỏi vẫn khóc lúc soi cái đầu tóc “xấu quá mẹ ạ” vào gương… Lẽ tất nhiên Trần phải đứng về phía Hoài để phân tích cho con trai hiểu, dù trong lòng anh cũng xót, vì nếu anh là cu Bin nhất định sẽ thích có cái đầu tóc đẹp đúng ý cắt ở tiệm tóc mà mình ưng. Chứ không phải vì có bà mẹ tiết kiệm, tiếc chút tiền nên không được cool…
Nhưng Hoài nói lí do của cô không phải vì tiết kiệm. Cô xót ông Tiến dù lớn tuổi vẫn phải lầm lụi đi hớt tóc dạo kiếm sống qua ngày. Ông Tiến có ba người con, đều đã lập gia đình, đâu đó đề huề, nhưng chẳng đứa nào bận tâm tới cuộc sống của người cha cô độc. Dù vậy ông vẫn sống lạc quan, chưa bao giờ trách móc các con mà vẫn nói về từng đứa với sự quan tâm, bằng tấm lòng của người cha ăm ắp niềm yêu thương, độ lượng. Hoài nói cô thích nghe tiếng lóc xóc vui tai của cây kéo lúc ông Tiến cắt tóc, sự yêu nghề của ông khiến Hoài luôn nghĩ đầu tóc cu Bin hay của bất cứ ai hễ giao vào tay ông đều sẽ được chăm chút bằng rất nhiều tình cảm. Đó là thứ mà người ta cần cho nhau trong cuộc đời… Trần nghe vợ giải thích dông dài xong thì thấy hoàn toàn nhất trí, nhưng cái khó là anh không biết làm sao để thuyết phục cu Bin cũng thật sự hiểu và thông suốt, giống như anh. Bởi Bin dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ, một cậu nhóc sống trong thời đại 4.0.
Trần thủ thỉ với Bin, ai rồi cũng sẽ già. Con sau này sẽ thành như ba, còn ba sẽ già như ông Tiến. Chúng ta chịu thiệt một chút vì những người xung quanh, mình thương người già nhiều hơn, như thương ông bà nội ông bà ngoại ở quê… sẽ thấy cuộc đời vui hơn và cũng thật ý nghĩa nữa, phải không con? Cu Bin dạ nhưng vẫn có vẻ không thông. Vậy tại sao các nhà hàng xóm của chúng ta không bao giờ chịu thiệt? Họ vẫn làm ồn như họ thích. Có lúc con chỉ cần được yên lặng một chút để làm bài tập về nhà cho xong, nhưng không được. Trần đồng ý, ba hiểu, nên về “vấn đề yên lặng” ba xin nghiêm chỉnh hứa rồi ta sẽ sớm được yên, con ráng đợi ba thêm... Hoài nhìn anh, mắt cô đong đầy nỗi hoài nghi. Như thể cô muốn nhắc: anh chỉ nên hứa với trẻ con những gì làm được. Trẻ con thật tình lắm, đừng có nói rồi không thực hiện, sau này hối không kịp. Nó sẽ không thèm tin ta nữa…
Sẽ làm được chứ, Trần quả quyết. Hình dung đại khái cỗ máy có hình dạng một thùng loa, khi gắn ở độ cao khoảng giữa chừng cây cột điện thì sẽ phát ra một thứ sóng có khả năng triệt tiêu các loại sóng âm gây ồn, quy định từ mức nào trở lên là do ta ấn định, trong vùng không gian có bán kính rộng theo mức độ ta tính toán… Giải thích khoa học hơn sẽ rất phức tạp, mà có nói thì Hoài cũng đâu muốn hiểu, phụ nữ kiểu của cô chỉ cần thấy kết quả chứ không bận tâm nhiều lắm quá trình. Trần đã đi được nửa đường, và anh tin mình sẽ hoàn thành tốt.
*
* *
Hoài đi đám tang về khá muộn, vì một công hai việc. Viếng tang nhà đầu hẻm xong, Hoài theo tổ hòa giải tới nhà hàng xóm có cặp vợ chồng hay cãi nhau, hôm nay tình hình đã căng tới mức có thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
- Em không ngờ mình nói hay như vậy, em thuyết phục được họ thôi không nộp đơn li dị đó anh - Hoài tự hào khoe.
- Lỡ đâu li dị là tốt hơn với họ thì sao? Em nên tìm hiểu kĩ rồi hẵng đưa ra lời khuyên… - Trần cau mày.
- Em tìm hiểu kĩ rồi chứ anh, toàn cãi nhau những chuyện vụn vặt thôi. Cơ bản là cả hai đều bị ức chế ở chỗ khác, rồi mang bực bội về trút lên đầu người ở nhà. Chứ đâu phải họ không muốn chung sống cùng nhau nữa.
- Lẽ ra phải biết tìm chỗ xả ra cho đúng. Stress nhiều người bị, nhưng đâu phải ai cũng gây gổ, cãi nhau, làm ồn, gây phiền hàng xóm như cặp đôi đó.
- Anh nói xả ở đâu là đúng? Anh chỉ chỗ cho em đi.
- Tùy theo từng người, như anh thì có cái viện “nghiên nghiên cứu cứu” của anh để xả. Như em thì… ủa mà anh thấy em luôn rất ổn đó chứ, em cũng bị stress, cũng cần xả sao? Như cu Bin, chắc nó xả những lúc chơi games. Còn bé Bông… à mà thôi nó mới ba tuổi nhỏ xíu, chưa bị stress đâu.
- Anh nghĩ em không bao giờ bị stress, em luôn ổn sao? - Hoài tư lự - Làm gì có ai không bao giờ bị stress, khi sống ở cái thành phố này…
Ngoài đường đêm vang lên tiếng rao “Ai bánh chưng bánh giò đê… ê… ê…”, Hoài vội quay người đi ra, vừa đi vừa giải thích.
- Em chạy ra mua cái bánh giò nóng cho Bông. Nãy nó ăn cơm ít quá.
Đều đặn, đúng những giờ khắc ấy trong một ngày, những người bán hàng rong có được một vị khách ân cần, vừa mua hàng vừa vui vẻ hỏi han. Hoài có lúc cũng đi công tác vắng, trước khi đi cô luôn dặn các mối mang quen thuộc ấy để họ đừng ngóng trông. Vậy mà cũng có lần bị sót, cậu bán sữa đậu nành nóng cứ quanh đi quẩn lại, rao tới rao lui, cuối cùng đánh bạo bấm chuông và giao chai sữa cho anh, dù Hoài không quy ước cậu ta phải làm như vậy, và nói cứ để đến khi chị về rồi gửi tiền sau cũng được. Trần biết vợ anh gốc miền quê, ở nơi cô sinh ra và lớn lên, những người dân quây quần sống trong một vùng thường rất quan tâm tới nhau. Hoài đã mang theo điều hay ho tốt đẹp đó về đây và cố giữ vẹn nguyên như thế…
Thỉnh thoảng lại có một vụ scandal, như cái lần Hoài bị lừa vì con bé bán hàng đa cấp. Chiêu thức khá quen mà con bé đó dùng là đánh động vào lòng từ bi của Hoài. Nó kể nghèo kể khổ rất hay, rất điêu luyện, sụt sùi khóc lóc bi thảm y như thật, nên Hoài mới tin. Trần cũng không cố gạn hỏi lần ấy Hoài bị lừa mất bao nhiêu, nhưng anh biết là cô đau. Sứt mẻ niềm tin vào sự chân thành của con người, đó là điều khiến cô buồn bã nhiều hơn mất tiền. Nhưng may Hoài cũng nhanh quên, chỉ ít lâu thôi cô lại tiếp tục quan tâm tới người nọ người kia, lại ân cần hỏi han, lại nhiệt tình mua ủng hộ, lại đặt niềm tin dễ dàng vào tất cả…
*
* *
Trần quyết định thử nghiệm chiếc máy lọc tiếng ồn của anh một cách âm thầm lặng lẽ khi nó hoàn thành. Buổi sáng hôm đó Trần dậy rất sớm và len lén mang máy ra gắn ở phía trước nhà, lúc vợ con anh lẫn cả khu xóm hẻm đang còn chìm trong giấc ngủ. Ban đêm tĩnh mịch nên không thể nhận ra ngay tác dụng của chiếc máy, Trần tỉnh bơ quay vào ngủ tiếp.
Ngày tuyệt đối bình yên khởi đầu bằng tiếng la thất thanh của Hoài đánh thức cả nhà dậy. Quá trễ rồi! Quá trễ rồi! Tại sao bê bối, ngủ say như chết vậy nè! Không một thứ âm thanh nào đánh thức em dậy. Im lặng như tờ, im tới mức quái đản…
Đó là ngày Hoài cho rằng kì cục nhất trong mười mấy năm cô trở thành công dân của thành phố này. Bà bán bánh ướt hình như nghỉ bán, nếu không thì sao cô chẳng hề nghe tiếng bà ta rao. Cậu trai nhà bên sáng nay lúc ngồi vào chiếc mô tô kềnh càng có cái ống pô bị cắt, quen tật vặn tay kéo ga để rồ lên chuỗi tiếng nổ ầm ầm đinh tai nhức óc các nhà xung quanh trước lúc vọt ra đường lớn như thường khi, nhưng xe bị kẹt côn sao đó đã tung lên như con ngựa bất kham hất cậu ta té rất mạnh, rồi chân vướng càng số nên cậu bị kéo đi thêm một khúc. Cậu gào lên cực lớn, hốt hoảng kêu cứu nhưng không có một ai chạy ra giúp, kể cả người thân trong nhà cậu. Trưa vắng, khúc hẻm kế bên hông nhà có bà lớn tuổi bán vé số bị đám thanh niên lêu lổng chặn cướp cả tiền và vé số, bà khóc lóc, van xin quá chừng, phòng ăn nhà Trần ở ngay đó, Hoài đang cùng hai đứa nhỏ ăn trưa, vậy mà không lọt tới tai mấy mẹ con một chút âm thanh nào, để tới lúc biết ra thì quá trễ… Buổi chiều muộn, nhà đối diện có vụ gây gổ lớn, cô vợ bị chồng bạo hành. Anh ta cầm dao rượt đuổi đòi đâm cô, nhưng tiếng cô la hét ầm ĩ gọi hàng xóm tiếp ứng, chẳng ai nghe. Sẩm tối, ông Tiến hớt tóc dạo tới gọi cửa, tính chào Hoài để về quê, nhưng gọi riết không được. Ông đành biên mảnh giấy nguệch ngoạc ghim lên chốt cổng. Đêm, cậu bán sữa đậu nành nóng đảo xe vòng tới vòng lui, rao hoài trong nỗi thất vọng, y như trường hợp chị bán bánh giò, mối quen của Hoài…
Chiếc máy lọc âm thanh đã hoạt động rất hiệu quả, nó hạn chế hết tất cả những ầm ĩ trong cái “khung” mà Trần quy định. Nhưng nó không thể phân biệt đâu là các “tiếng ồn” mà người ta vẫn muốn nghe, và đâu là những thứ cần loại bỏ. Nó không bao giờ biết như thế nào là những âm thanh chứa đầy cảm xúc và mang tải những câu chuyện ân tình phía sau mà Hoài và những kiểu công dân thành phố có cùng cách nghĩ như cô thấy tha thiết mong sẽ luôn phải có cho đời sống của mình.
Trần vẫn đang cặm cụi chỉnh sửa để hoàn thiện chiếc máy. Trần mở rộng phạm vi nghiên cứu chế tạo, kết nối thêm hai cộng sự nữa: một người là kĩ sư lập trình máy tính, người còn lại là chuyên gia tâm lí đời sống đô thị. Nhưng Hoài có vẻ vẫn không tin bộ ba ấy sẽ “dạy” được cái máy cách nhận ra thứ tiếng ồn nào mới đúng là “rác âm thanh” cần dọn sạch, thay vì xóa hết theo kiểu “đại trà”. Cuộc sống ơi, ta mến yêu người, đó là tên một bài hát mà Hoài rất thích, và cô cũng coi đó là phương châm sống. Cô yêu đời, yêu người, yêu những âm thanh làm nên cả thế giới tinh thần phong phú sôi nổi những giai điệu rộn rã xung quanh mình.
Tôi biết câu chuyện này do Trần mới hẹn gặp tôi, mời tôi tham gia vào nhóm của anh. Trần nghĩ tôi là nhà văn, có thể định nghĩa như thế nào là “âm thanh của cuộc sống”, nên tôi sẽ đưa ra gợi ý đúng, giúp anh lập “công thức” để chọn lọc.
Còn tôi thật sự không chắc lắm, liệu một chiếc máy có thể làm thay loại công việc đầy cảm tính chỉ con người mới có thể phân định rõ hay không?
N.T.P
VNQD