. LƯU THỊ MƯỜI
Minh họa: Tô Chiêm
Tôi ghé vào góc hành lang bên trái dãy điều trị sau khi uể oải nuốt vài muỗng cơm từ nhà hàng gần bệnh viện. Thật ra cũng không biết làm gì cho hết buổi trưa lê thê. Chỗ này, mấy lần đến xét nghiệm, lấy kết quả, tôi đi ngang, nhưng không có ý định tham dự. Nhóm thiện nguyện hỗ trợ tư vấn tâm lí, giúp đỡ vật chất vực tinh thần cho nhiều đàn bà đang chống chọi với K. Tôi cho rằng mình không cần những dựa dẫm thế. Tiền bạc dư thừa. Mạnh mẽ thì... Bao nhiêu năm nay, tôi vừa là đàn bà, vừa là đàn ông, trụ cột gia đình, trụ cột ở công ti mấy trăm nhân viên. Thì giờ, cũng sẽ tự mình gồng. Nhưng trưa nay dài quá, và tôi lại muốn mở mắt một chút, nhìn ngoài kia cơ cực nhường nào để lạc quan hóa trị, nghĩ vậy và quyết định ghé lại. Những câu chuyện nhuốm đầy nước mắt, đủ để mấy trăm đàn bà vỡ òa, đồng cảm, và vin vào cho ấm lòng, vững tâm hơn trong triền miên những ngày đau đớn phía trước. Rất nhiều người trụ được, lẽ nào tôi buông xuôi?
Micro được chuyển cho một người đàn bà tầm tuổi tôi hoặc lớn hơn một chút. Tôi ngồi góc cuối nên không nhìn rõ mặt. Giọng người đó ấm áp, dịu dàng, chân tình. Cô gái trẻ đứng bên cạnh ôm tay người đàn bà đầy thương yêu. Cô bé làm tôi nhớ đứa con gái đang du học ở Mĩ, con bé chưa biết tôi dính K, tôi sợ nó sốc và bận lòng. Đây là con gái tôi. Con bé hai mươi bốn tuổi, đang năm cuối đại học thì biết mình ung thư vú cách đây vài tháng, y hệt tuổi tôi khi mắc bệnh này. Chị ta nói rất khẽ, vẫn đều giọng mà đám đông rơi lệ. Mắt chị chắc đã ngân ngấn nước khi quay sang ôm con bé. Cả không gian lặng im, nghe rõ những tiếng thở dài nhè nhẹ. Mắc bệnh K mà trụ được ngần ấy năm và giờ là con gái... Tôi tiến gần một chút. Người đàn bà hơi gầy nhưng nền nã, có duyên. Còn cô bé... Nó giống con gái tôi như đúc. Mắt, mũi, miệng, vầng trán cao ương bướng, thông minh. Cả cái cách mím môi, nuốt khan khi xúc động... Tôi lau kính, nhìn lại người mẹ, lách đám đông gần hơn tí nữa...
Lẽ nào?
Con bé mỉm cười rất nhẹ và sẻ chia gì đó. Tôi không nghe nổi. Dù hai mươi năm, dù cố tình vùi chôn. Tôi khựng người, nghẹn tức nơi lồng ngực, chậm chạp bước ra. Sao lại chạm nhau giờ này khi cả đời tôi chủ động né? Và chạm nơi đây, những ngày bệnh tật, tôi còn gì để kiêu hãnh với cuộc đời?
*
* *
Anh ngồi rít thuốc, hết điếu nọ đến điếu kia, mắt ngấn lệ, rồi nuốt khan, gục đầu trên đôi vai gầy. Tôi không khóc, khô khốc và căm giận. Giận gì tôi không rõ. Không hẳn giận người đàn ông đang đau khổ rất thật kia. Không thể giận người đàn bà và đứa con bé bỏng đang mong anh bên quê nhà, dù biết vì thế mà anh bỏ rơi tôi. Tôi đủ lí trí để hiểu sự căm hận trút lên gia đình anh là vô lí. Nhưng rõ ràng tôi đang rất hận những phũ phàng này. Tôi trút hận lên mái tóc dài óng ả, lấy kéo cắt phăng không thương tiếc. Vừa cắt vừa mím môi dằn dỗi. Anh nhào đến ôm cản nhưng không kịp. Linh à, Linh, đừng thế được không! Cản làm gì? Ừ, mái tóc dài suôn mượt đã luôn là báu vật với anh. Tôi cắt phăng như muốn chặt đứt tất cả, mai này mốt nọ sẽ không vin vào đó mà nhớ thương, tơ tưởng mặn nồng... Những hít hà mùi tóc. Đắm say! Giữa lung linh mờ ảo nến. Cả hơi thở nồng sâu, giãn nở khoan khoái trên cơ mặt anh khi mân mê suối tóc tôi. Hai tay anh se sẽ luồn dưới gáy, đặt đầu tôi ngay ngắn lên cái gối trắng thơm tho, rồi lùa vào bồng bềnh tóc và rẽ đôi. Giữa thoang thoảng oải hương từ sáp nến, tóc trải dài, trải dài, mượt mà, quyến rũ quyện vào đam mê bất tận đêm khuya. Tóc che phủ, vờn nhẹ trên da thịt, rồi khe khẽ đánh thức từng tế bào, thẽ thọt từng sợi ham thích trong tôi bằng những dịu dàng, vùi tôi vào rên xiết, ngất lịm. Tóc chảy tràn... Ừ, tôi cắt hết. Cắt hết. Và bật khóc. Lúc này thì bật khóc. Anh có lừa gạt tôi đâu. Ngay từ đầu. Ngay cả những ngày li bì sốt nơi xứ người, tôi ngã vào anh tìm chút ấm áp giữa đơn độc, quạnh hiu, anh cũng đã rụt rè ôm tôi thú nhận. Anh có vợ bên nhà rồi Linh à, và một đứa con gái bốn tuổi. Không phải tôi đã mặc kệ hết và lôi anh vào cuộc tình này sao. Những gấp gáp hơi thở anh phả vào mặt tôi luôn rất thật. Những nồng nàn ba năm nay cũng rất thật. Nhìn sâu vào đôi mắt anh, tôi đọc được sự hối lỗi, với tôi, với vợ con bên quê nhà. Tôi đã tự nguyện và mặc kệ. Thì giờ hận gì?
Anh vẫn rít thuốc. Một năm nữa cũng không được sao. Anh bảo là bốn năm mà. Sao giờ đòi về sớm trước thời hạn? Tôi điên dại lay anh rất mạnh. Điên dại bứt hết quần áo anh ném tung trên sàn trọ. Điên dại giẫm đạp những lọn tóc dưới chân mình. Rồi điên dại lao vào anh. Dữ dội, hung hãn, căm hận, giải tỏa bức bí, dồn nén, khổ đau. Trút hết vào cuộc làm tình. Tôi như con thú hoang không còn lí trí. Anh cắn chặt môi, đau đớn nhìn tôi vùng vẫy, rồi ghì tôi thật chặt, không thể kìm nén. Cũng đầy đam mê điên loạn. Nồng nàn, mãn nguyện như chưa bao giờ thế. Hơi thở này, vòng tay này, ngất ngây này... Không có cái gì lừa gạt tôi hết. Chỉ là mai này mốt nọ vĩnh viễn chẳng còn bên tôi nữa. Chấp nhận được không? Anh bật khóc khi cao trào dâng lên đỉnh điểm. Tái tê và nghẹn thở. Anh sẽ chẳng thể quên, chẳng thể quên, Linh ơi! Cặp mắt anh nói thế. Tôi nấc giữa hổn hển... Mím chặt môi vật anh xuống dưới. Níu kéo, sở hữu cho riêng mình. Hối hả. Uất ức. Ừ, lần cuối. Lần cuối. Ba năm bên nhau nơi xứ người. Ba năm cả hai cố lấp liếm, lảng tránh khi nghĩ về cái kết... Ừ, lần cuối. Rồi anh đi đi, biến khỏi cuộc đời của tôi. Vùi chôn hơn một ngàn ngày mặn nồng. Hơn một ngàn đêm đầu kề má ấp, quên tiếng sét ái tình những ngày đầu nơi đất khách. Tôi kéo anh dậy, vẫn giữ yên trong nhau, hai bàn tay ấp vào má anh. Giàn giụa nước mắt. Anh khóc và tôi khóc. Một năm nữa bên nhau không được sao, rồi anh hãy về, em hứa không ràng buộc, em hứa sẽ buông tay mà. Không được sao? Không được sao anh?
Tiếng nấc tủi hờn...
Minh họa:: Tô Chiêm
Tôi bó gối một góc thật xa dưới gốc xà cừ vắng vẻ. Chuyện nọ chồng chuyện kia. Rồi thần người, không nghĩ được gì nữa. Nửa muốn lảng tránh, quên cuộc chạm này, nửa muốn quay lại nghe họ nói chuyện, hoặc nhìn ngắm mẹ con người đàn bà ấy từ xa. Một chút thôi! Dù rõ ràng, người tôi đau đáu là anh, chứ không hẳn họ. Hai mươi năm trước còn qua được, thì giờ, những ngày cuối trên hành trình nặng nề này, có gì mà không chấp nhận nổi. Có gì để đau hơn?
Con bé lớn hơn con gái tôi bốn tuổi. Đúng rồi. Hai mươi năm. Anh đã có vợ và đứa con gái bốn tuổi... Con bé vẫn còn đứng nơi ấy. Nó hít một hơi sâu, rồi mỉm cười tự tin lắm. Tuần sau, con sẽ lạc quan vào cuộc ạ! Nó còn quá trẻ để phải chững chạc, mạnh mẽ thế! Quá trẻ để gánh lấy sự hủy hoại từ K. Có ai đem cuộc đời mình rêu rao, có ai phí sức bằm đi bằm lại nỗi đau bản thân và người thân bằng những câu chuyện, trừ khi họ dám đạp lên mọi nỗi vì một nhân văn khác, trọn vẹn cho những ngày ở lại...
Tôi còn gì mà căm hận? Tôi có gì để kiêu hãnh? Tiền bạc, địa vị, ưỡn mặt với cuộc đời rằng đang là một bà mẹ đơn thân thành công, đĩnh đạc, tự tin ư? Thì cũng sắp hom hem, tàn tạ, trọc đầu, không biết bỏ lại mọi thứ khi nào. Hãnh diện gì đây? Chẳng phải giờ đều đắng đót như nhau?
Linh à, anh phải về nước. Linh à, anh phải về nước.
Câu nói ấy xoáy vào tôi triệu triệu lần sau đó, giữa những trống trải trong căn nhà trọ, giữa những ngày đông rét buốt đơn côi nơi xứ người. Nhìn chỗ nào cũng có bóng dáng anh, làm sao xóa? Đêm đêm tôi mơ hồ những chạm khẽ thương yêu đầy mộng mị. Rồi tỉnh giấc chỉ thấy ánh sáng nhức nhối của bóng điện năm mươi oát phả vào mắt tàn nhẫn. Chẳng còn suối tóc dài. Chẳng còn ai bên cạnh mân mê, say đắm nó. Chẳng ái ân nào trên giường. Một mình tôi giữa quạnh hiu. Giữa những xô lệch nhàu nhò. Tôi bật dậy đập tan cây đàn treo trên vách. Nát vụn rồi mà bập bùng giai điệu và tiếng hát của anh vẫn len lỏi từng ngóc ngách nơi đây. Vài bận đã định vùi mình. Mầm sống đang khẽ cựa, kết quả của cuộc căm phẫn ngoài dự tính, không kế hoạch đêm đó là thứ duy nhất níu kéo tôi với cuộc đời này. Anh không biết, chắc chắn thế. Tôi chuyển đến trọ cùng bạn để xóa sạch mọi thứ, cũng chẳng thể quên. Lao đầu vào một cuộc hôn nhân vội vàng tìm cha cho những nhịp đập mỏng mảnh quẫy cựa trong người. Kết hôn. Li hôn trong vòng hai năm. Rồi bỏ dở ước mơ định cư xứ người quay về nước. Ngoại trừ con bé và công việc, tôi cay nghiệt với mọi thứ, với cả bản thân mình. Nhất nhất xóa hết, cắt đứt hết, không muốn một kết nối, thăm hỏi, liên hệ nào từ anh.
*
* *
Tôi không để tóc dài từ dạo đó. Uốn xoăn sành điệu như bao phụ nữ thành đạt tân thời. Nay thì mái tóc tân thời ấy bắt đầu rụng sau tuần hóa trị thứ hai.
Hai giờ sáng ngày thứ mười một. Tôi ngồi trước gương, nhìn cái lược trên tay mình. Cả nùi tóc dính bết vào đó. Nhiều sợi gãy rụng, xác xơ bám víu bờ vai gầy. Tóc rơi trên bàn. Rơi trên nền nhà. Cả mảng da đầu hơ hoác. Lưa thưa tóc. Tôi đưa lược lên. Tay kia vuốt nhẹ phần mái trên như thường ngày vẫn nâng niu. Tôi chải. Tựa thể lần cuối, rồi ngồi xuống sàn vo tròn những nùi tóc rối trong tay. Tôi nhớ đến mái tóc dài bị ném tung hai mươi năm trước. Nhớ cảnh anh đau đớn lượm lại từng lọn tóc, cất vào túi áo, và lủi thủi ra khỏi căn trọ... Những sợi tóc đã thua cuộc thảm hại. Và buông. Rơi tự do. Tóc khi đã rời khỏi đầu thì còn ý nghĩa gì? Từng sợi. Từng sợi. Rồi cả nhúm. Xác xơ. Vụn nát. Như cơ thể tôi những ngày này. Sắp không trụ nổi bởi sự hành hạ khốc liệt từ hóa chất.
Hay là buông, như những cọng tóc kia?
Không thể buông cô ơi! Phải chiến đấu chứ. Con cũng đang gồng đấy ạ! Cô đã bảo con lần trước còn gì! Qua mấy đợt hóa trị cô sẽ quen dần thôi.
Na, con gái của anh và người đàn bà đó cầm tay tôi ấm áp. Dĩ nhiên, ban đầu là gặp gỡ nửa tình cờ nửa chủ động từ tôi. Tôi gặp lại con bé trong nhà vệ sinh bệnh viện, nó đứng trước gương, mắt thất thần, kéo áo lên và nhìn một bên ngực trống hoác, phẳng lì. Cặp mắt Na lúc ấy nói thế nào cho đúng? Không hẳn đớn đau. Chỉ là... Rất rỗng. Con bé như không thấy tôi vào, vẫn y tư thế nhìn đó. Mắt nó khô. Và dài dại. Giá nó khóc! Tôi đã định bỏ đi, rồi khẽ cầm tay Na, bóp thật chặt. Con bé trẻ đẹp quá! Dù vững vàng thế nào trước diễn đàn đông đúc thì cũng không tránh khỏi những phút một mình đau đáu với bệnh tật. Huống chi nó chỉ mới hai mươi bốn tuổi! Sao đã mắc phải bệnh như tôi, mẹ nó và bao đàn bà lớn tuổi xung quanh? Na bật hỏi rất khẽ, hỏi tôi hay hỏi hư vô, tôi không rõ, vì Na chẳng nhìn, chẳng cần câu trả lời của tôi, một người chưa từng quen biết. Lúc con bớt bệnh, ngực sẽ mọc lên dần dần chứ ạ? Như tóc í... Rồi cũng mọc! Hay là bị khoét nốt bên còn lại hả cô? Đến mạng sống, chưa chắc giữ nổi, thì đẹp xấu, ngực còn hay mất quan trọng gì cô nhỉ? Mà, anh ấy nói vẫn yêu con nguyên vẹn. Còn bao nhiêu năm để yêu nhau? Rồi Na khóc. Như thể đã trấn an mình xong. Thì giờ mới khóc. Tôi ôm Na, thở dài, hiểu cảm giác mất mát tột độ của nó. Đàn bà đến chết cũng còn muốn đẹp Na ơi! Có thể con bé đã không dám khóc trước ba mẹ. Có thể nó đã nhiều lần che đậy yếu đuối vì không muốn người mẹ cũng đang gánh bệnh tật như mình nặng lòng. Cũng có thể, người đàn bà đó biết hết, nhưng những giọt nước mắt là hiển nhiên, để rồi Na mạnh mẽ, lạc quan hơn mà trị liệu.
Tôi quý Na, như thể thấy con gái mình bên cạnh. Con bé và tôi rủ rỉ đủ thứ chuyện trên đời. Tôi tuyệt đối vẫn cố chấp không một lần mở miệng hỏi về anh dù biết rõ mình đang dối lòng, đang che đậy, vờn với chính bản thân. Và cả vì hèn nhát, sợ đối mặt. Na hay kể về mẹ, và những ngày đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để làm từ thiện. Như là nguồn vui, nguồn sống, sau khi đã qua được một chặng dài. Nó thần tượng và yêu mẹ vô cùng, và đang những ngày tập gồng, cố gồng để được như mẹ. Con bé đôi lần khiến tôi phải nhìn lại, xấu hổ với sự thờ ơ cuộc sống của mình. Đời có nhiều chuyện còn đáng buồn hơn là bệnh tật mà cô. Mẹ con luôn bảo thế. Thì nên chấp nhận song hành thôi ạ. Cô không biết đâu, con cũng đã từng nghĩ về cái chết. Na gục đầu nức nở. Mảnh bằng đại học con còn chưa kịp lấy. Bao nhiêu là dự định cho cuộc đời, gia đình và bản thân.
Tôi cũng đã nghĩ về cái chết. Nghĩ về nó giữa một rối mù tâm trí. Sẽ bắt đầu từ đâu? Cái chết thật ra là gì? Có đáng sợ bằng những ngày vật vã chống chọi này? Rồi, tôi nghĩ đến những giọt nước mắt và sự đau khổ của con gái tôi nơi xa xôi kia. Cả cuộc đời tôi có gì ngoài con và nụ cười của con. Giữa tột cùng rã rời, mất hết niềm tin, thì cái chết, chắc là không có gì đáng để hãi hùng. Nhưng tôi đã vin vào nụ cười của con bé mà đứng dậy trị liệu. Na cũng thế, và ngàn vạn đàn bà khác ở đây cũng đang thế.
Ừ, thì khóc, vật vã. Chúng ta được quyền đau khổ, suy sụp, chạm đến tận cùng rồi dậy, Na ơi! Cô và con ai cũng hiểu, mình không yêu bản thân thì còn ai yêu nổi. Hiểu cả giây phút muốn được vùi mình chạy trốn những ngày này, như một tất yếu. Cô cũng cảm nhận như cả một thành trì đổ sụp trong cơ thể mình Na à. Khi thuốc ngấm vào, những nhịp đập nơi trái tim ồ ạt cuồng nộ, đau buốt, vẫy vùng nát bét mọi cơ quan nội tạng. Nhức nhối tận cùng xương tủy.
Ừ, Na. Rũ rục một quãng nào đó thôi! Chúng ta đã trải, và qua được những đau đớn. Dạ dày quằn quại. Và ói. Lộn hết cả ruột gan phèo phổi. Thốc tháo đến mật xanh mật vàng nhiều ngày. Giấc ngủ ngon là điều xa xỉ. Ngày ngày như thế. Tuần tuần như thế. Chập chờn hoảng loạn. Cô nhìn thấy những ống tiêm giữa mê sảng. Cả đống hóa chất tởm lợm nhảy múa trước mặt như trêu tức, chế giễu cô. Mặc kệ kháng cự cỡ nào, bọn chúng nhảy câng lên, vọt ra khỏi nắp chai, đổ ào vào mắt, mũi, miệng, những lỗ chân lông. Mọi tế bào trong cô cắn xé. Đến giấc mơ cũng banh nát cô bởi triền miên ác mộng...
Cái đầu trọc của Na đổ xuống vai tôi, run rẩy. Rồi ngồi dậy, vòng tay ôm tôi từ phía sau đầy sẻ chia. Nó thoi thóp như con chim non giữa cuồng nộ bão giông. Tôi chông chênh giữa mờ mịt bệnh tật dày vò.
Đã có những ngày như thế. Nhiều ngày như thế.
*
* *
Có những chiều cuối tuần, tôi đến ngồi vào góc ghế đá nơi xa, nghe chị và những người trong nhóm nói chuyện. Tôi nửa muốn ngăn mình, nửa lại muốn lặng lẽ tìm hiểu. Và rồi, sự mềm yếu rất đàn bà những ngày bệnh tật đã thắng. Tôi đọc được hạnh phúc đủ đầy yêu thương trong giọng nói con bé. Dù Na chưa một lần nhắc đến bố, ngoại trừ câu nói, con giống bố cô ạ! Con gái tôi không có những tròn trĩnh này. Ngay cả quyền được biết cha mình là ai, nó còn bị tôi tước đoạt. Luôn nghĩ rằng bố đã mất, và mẹ cũng li hôn bố từ khi nó lên hai.
Có những khoảnh khắc, tôi lặng lẽ nhìn người đàn bà ấy, nhìn Na và nghĩ đến mẹ con tôi. Thật ra, tôi và anh mang lỗi với họ. Nhưng món nợ này tự tôi cũng đã chuốc lấy quá nhiều, và cũng chẳng ai đòi trả. Tôi có lỗi với cả con gái tôi, và với cả bản thân vì đã cay nghiệt cuộc đời mình.
Tôi lấy tư cách gì chối từ quyền được có một người cha của con mình? Tôi có quyền gì mà cản ngăn và lờ đi tình phụ tử của cha con họ hai mươi năm nay? Nếu nói anh chẳng có một vai trò gì cũng tại tôi đã che đậy và tàn nhẫn chôn kín? Bào chữa thế nào thì cũng bởi tại sự ích kỉ, cố chấp bên ngoài vỏ bọc đổ lỗi cho tình yêu và tủi nhục đã gánh. Nhưng đến những tháng ngày này, liệu tôi còn bao lâu để né tránh với cuộc đời? Liệu có vẹn toàn? Con bé đã đủ trưởng thành để nghe và chấp nhận. Nó có cả quyền giận tôi về những phớt lờ.
Và tôi quyết định sắp xếp một chuyến sang Mĩ, giữa những ngày trị liệu, vừa để thăm con bé, cho nó biết về bệnh tật mình vì cũng đã đến đợt trị liệu cuối, và cũng muốn nó sắp xếp một cuộc quay về...
Na cũng chỉ còn một đợt trị liệu cuối này, có vẻ cơ địa con bé thích ứng rất ổn với phương pháp hóa trị. Tóc cũng đã lún phún mọc. Nó kéo tôi đi ăn kem và rủ rỉ. Con sắp quay lại trường học để hoàn thành mấy chứng chỉ cuối và nhận bằng tốt nghiệp cô à. Rồi nó hạ giọng, nhưng mẹ con lại rất không ổn ạ. Dạo này mẹ yếu, không đi từ thiện nổi. Na vừa nói vừa lau nước mắt. Tôi ôm con bé thở dài. Thảo nào gần đây rất ít gặp Na và chị. Cô sang Mĩ khi nào về ạ? Thế thì kịp sinh nhật con rồi. Cô đến nhé! Chỉ có con và mẹ. Con mong đấy ạ! Sinh nhật lần thứ hai bốn của con.
Trên chuyến bay, tôi nghĩ miết về Na, về anh, về người đàn bà bên cạnh. Sinh nhật con chỉ có con và mẹ. Cô đến nhé! Rất muốn gọi hỏi con bé về…, nhưng lại nén lòng bận nữa. Ừ, thì chờ sinh nhật Na, mấy tuần nữa thôi...
Na gửi mail giữa những ngày tôi ở Mĩ. Con đã bắt đầu việc học cô à! Nhớ cô và nhớ cả cái góc cô và con hay ngồi nữa ạ. (Lại đi nhớ cái nơi không nên nhớ cô nhỉ!) Con vừa tái khám chiều nay, kết quả rất tốt ạ. Nhưng sức khỏe mẹ con không khá hơn. Dù mẹ vẫn rất tỉnh táo và mạnh mẽ, như thể đón nhận mọi thứ. Con lo sợ điều u ám nhất. Bọn con sẽ cưới sớm, anh ấy muốn san sẻ gánh nặng bệnh tật cùng con, mẹ cũng mong thế. Nhưng cứ nghĩ đến căn nhà này rồi không còn mẹ nữa là con không thở nổi. Con sợ lắm cô ơi! Tôi rơi nước mắt vì thương Na. Con bé chắc đã nức nở gõ những dòng này. À, có một điều rất lạ là hôm qua mẹ hỏi con về cô. Mẹ coi hình chúng ta chụp chung trong quán kem, và nhờ con liên lạc cho mẹ gặp cô. Con bảo cô sẽ về dự sinh nhật con, mẹ vui lắm! Cô nhớ nha, địa chỉ đây ạ... Tôi thần người, không nghĩ được gì mạch lạc. Về người đàn bà ấy, anh, Na, và cả con gái tôi. Sao Na chưa bao giờ nhắc đến anh? Sao chị ấy muốn gặp tôi? Hay là chị ấy biết?
Đến khi tôi về nước thì mẹ Na yếu lắm rồi. Chị cố gượng dậy và cười rất tươi khi tôi tìm đến nhà. Cái nắm tay của chị thật gần gũi, ấm áp khi dắt tôi lên gác gặp anh, thì tôi cũng thấy mình không thể thăng bằng. Cảm giác rất khó tả. Không hẳn vui. Không hẳn buồn. Không hẳn hi vọng. Không hẳn nhẹ nhõm. Những gì đang chờ đợi tôi liệu có tốt hơn cái cách tôi lảng tránh hai mươi năm nay?
Người đàn ông của tôi đó, người đã khiến tôi chẳng thể mở lòng với một ai khác trong cuộc đời này hai mươi năm nay. Người đã bỏ dở việc nghiên cứu vội vã quay về vì vợ ung thư. Người đã tìm mọi cách để liên lạc đều bị tôi ngăn chặn và cứ ngỡ tôi đã an yên một gia đình... Giờ thì nhìn tôi bằng cách đó. Ấm áp, yêu thương, bao dung những cố chấp của tôi - từ bức ảnh trên bàn thờ. Tôi quỵ thụp trong vòng tay chị và Na. Tôi khóc, nức nở. Vỡ òa. Đau đớn. Sao lại tàn nhẫn với tôi thế chứ?
Chị rủ rỉ, chỉ ba năm em à. Chỉ ba năm bên chị sau khi anh về nước. Cũng nhờ có anh, chị mới vượt qua được chặng ấy. Con bé khi đó mới bốn tuổi. Mà sao chẳng phải chị, bệnh tật thế thì ra đi cũng dễ chấp nhận, lại là anh, trong một tai nạn khi chở chị đến viện tái khám... Chị ôm tôi khóc. Rồi lau những giọt nước mắt trên mặt tôi. Ừ, chị biết chuyện, anh kể rất nhiều về em những ngày cuối đời. Anh khóc, xin lỗi chị, bảo cuộc đời này đã mang đau khổ cho hai người đàn bà. Đến lúc ra đi cũng chẳng an lòng.
Tôi gục đầu trên vai chị. Sao cuộc đời có thể tàn nhẫn với tôi thế? Thà anh cứ an nhiên, hạnh phúc với chị và con, bù cho cả hạnh phúc mà tôi không bao giờ có được hai mươi năm nay? Sao anh tàn nhẫn thế, đau khổ của tôi đánh đổi được gì? Sự né tránh, tự trọng của tôi đem lại được gì? Sao anh tàn nhẫn thế? Con gái tôi còn chưa kịp nhìn cha? Nó mong chờ Tết này sau những ngày chấp nhận được câu chuyện mẹ kể. Liệu tôi đủ can đảm dắt con đến đây, nhìn lên tấm ảnh kia, và bảo, ba con kìa, con ơi!
Cái này, chị kéo bức ảnh anh ra, đưa cho tôi gói giấy đỏ vuông vắn, anh bảo giữ lại, đừng đốt theo anh. Giờ thì chị đưa cho em. Tôi run rẩy, nước mắt nhòe nhoẹt khuôn giấy đã bạc màu. Từng lọn tóc đen nhánh suôn mượt cuộn tròn anh vẫn giữ. Vợ anh vẫn giữ. Mắt tôi nhòa dần đi, tôi như thấy anh đang ngồi dưới sàn cặm cụi nhặt tóc cho tôi. Tóc đã rời khỏi đầu thì còn ý nghĩa gì đâu anh. Tiếc gì một mái tóc dài! Đời dài hơn thế. Anh à, chầm chậm lại. Chạy nhanh quá, em theo kịp sao. Ánh mắt ấm áp của anh nhìn tôi che chở. Anh dắt tôi sang thăm lại căn trọ bên xứ người xa xôi. Rồi anh lại chạy, tôi đuổi sắp hụt hơi, chạy đến góc hành lang bệnh viện. Chị và Na đang mỉm cười nơi đó, vẫy tôi lên, bảo tôi nói một vài điều. Anh lại chạy, leo ngược lên một triền dốc rất cao làm tôi chới với. Con dốc ngược khiến tôi chần chừ. Rồi, anh gọi tên tôi thật to, từ trên đỉnh dốc kia, khích lệ. Tôi mỉm cười chạy tiếp. Na mặc váy cưới thật đẹp, con gái tôi cũng đang cầm tay Na, chạy phía trước ngoái đầu lại nhìn tôi cổ vũ. Nhanh nào mẹ ơi, nhanh nào cô ơi! Tôi rướn người lội ngược dốc. Thăm thẳm. Chị ơi đợi em, nắm lấy tay em. Anh à, đừng đi nhanh quá thế. Anh ơi! Na ơi! Con gái ơi!
Cô, cô ơi, tỉnh dậy cô ơi!
Tôi nghe tiếng bé Na thảng thốt bên mình.
L.T.M
VNQD