. ĐINH PHƯƠNG
1.
Tháng tư, đợt lạnh cuối cùng không dấu hiệu báo trước xô vào thị trấn.
Mi vẫn ngồi trước hiên nhà, trên chiếc ghế nhựa đỏ cóc cáy nhìn ra ngoài. Thao giờ chắc đang chơi với con hoặc vội vã nấu cơm chờ chồng về ăn. Chồng Thao tên Duy, cao trên mét bảy, tóc xoăn, mắt một mí, răng vổ, mũi tèn tẹt, khi nói chuyện hàm răng lúc nào cũng chực phóng tóe ra xung quanh, mi gặp một lần ở cổng trường đại học V.H nhiều năm về trước.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Hôm đó, Thao cùng chồng lên khám bệnh ở viện 108 phải ở lại qua đêm. Thao nhắn tin cho mi lúc chợp tám giờ kém mười: “Tớ qua Nam chơi nhé” và mi đã đồng ý. Khốn thế, mi đã đồng ý khi mi biết Thao đi cùng chồng mới cưới của mình. Ngày cưới Thao mẹ mi điện lên, “tao nghe cái Thao bảo điện lên mời nhưng mày không về, thế là sao”. “Mẹ đóng phong bì cho con năm trăm”. Mi lạnh lùng nói thế, chốt lại, khi mẹ mi đã nói rất nhiều về sự tưởng tượng giữa mi và Thao. Rốt cuộc, mẹ mi đã mừng Thao hai trăm chứ không phải năm trăm theo ý mi. Ngày cưới Thao mi không về, mi không muốn về, mi nói với Thao là còn phải thi lại thể dục, nếu không thì cuối năm tư mới được thi, ảnh hưởng đến việc lấy bằng ra trường. Thao ừ hữ đồng ý, trong điện thoại tuồng như nghe tiếng nghẹn lại từng chặp. Thao khóc? Mi hả hê vì Thao khóc. Ngày cưới Thao mi bỏ tiết văn học phương Tây nằm ườn trong kí túc xá vờ ngủ nhưng không ngủ được, hình ảnh Thao chập chờn, người căng tức bức bối.
Mi - Thao đã ở hai bên bờ vực của lá nếu lá có vực rơi…
2.
Mi về thị trấn tính đến nay đã hơn hai năm.
Thời gian trước hai năm đó nữa mi có đầy đủ vợ con, vợ mi tên Lan, con mi tên Tân. Khi về thị trấn mi không còn gì nữa cả. Mi và Lan đã li dị, nếu có thương thì chỉ thương cho thằng Tân, đứa con gần ba tuổi đã biết gọi bố Nam, bố Nam mỗi lúc ở cơ quan về, bố Nam lúc đòi mở phim hoạt hình... Mi chưa thể nói cho nó lí do mi và Lan chia tay, “không hợp nhau”, cụm từ về căn bản chung chung chẳng dẫn đến đâu cả. “Bố li dị vì mẹ con ngoại tình”, cụm từ này cũng vậy. Nên rốt cuộc mi chẳng nói gì, một đứa trẻ ba tuổi có đủ hiểu tiếng lòng ngắc ngứ, trúc trắc của người lớn không. Chắc chắn là không, nên tốt nhất để nó ở với mẹ không tranh giành, đều đều hàng tháng mi gửi vào tài khoản vợ cũ năm triệu. Lương của mi chỉ có bốn triệu rưỡi cả ăn, vậy mà mi vẫn gửi năm triệu, vì mi muốn mình là một ông bố xứng đáng.
Mi cắt gọt dần những khoản chi tiêu coi là vô bổ, bỏ thuốc lá, bỏ các cuộc tụ bạ bia hơi vào buổi chiều, trả căn phòng nho nhỏ khi còn đủ ba người ở phố M, dọn đến cơ quan ở. Đồng thời mi bán, vứt bỏ đồ không cần thiết, chỉ giữ lại vài bộ quần áo, nồi cơm điện, ít đồ dùng cá nhân, cùng đồ chơi, tã, quần áo cũ, mấy quyển sách tranh, cùng tấm ảnh chụp Tân khi nó hơn hai tuổi. Quần áo, xoong nồi mi cho vào bao tải vứt gầm cầu thang, ngày lấy lên một lần vào bữa tối khi mọi người đã tắt đèn về hết, cắm ba nắm gạo, trong đặt quả trứng hay miếng thịt, rau được thay bằng cà chua hoặc dưa chuột. Bữa sáng là cơm của bữa tối thừa lại, rưới tí xì dầu. Còn đồ của Tân mi cho vào tủ đựng giấy tờ công văn khóa trái lại. Mỗi khi làm việc mi thường nhìn vào đó như con đang ở gần, cười mủm mỉm với mi nữa. Đêm ngủ mi cũng lót dưới gối chiếc tã mềm, cái mùi hoi hoi, nồng nồng như còn vương vít. Nhiều đêm chập chờn tuồng như còn nghe thấy tiếng thở đều đều của con bên cạnh, ngỡ có thể quờ tay qua là ôm được.
Đến khi người bảo vệ già xin nghỉ việc vì lí do sức khỏe kém, trong cuộc họp cơ quan mi đứng dậy xin làm bảo vệ. Mọi người ớ ra nhìn, nhiều tiếng xì xồ nho nhỏ, âm âm vang lên từ trên xuống dưới, dọc hai dãy ghế. Mi biết chứ, mặt, tai mi đỏ ửng lên, hơn ba chục đôi mắt dõi vào mi như người từ hành tinh khác xuống. Mi đóng đinh ánh mắt mình vào cốc nước trước mặt, nếu không có năm triệu gửi vào tài khoản vợ hàng tháng mi chỉ là thằng bố đẻ tồi, không bằng thằng bố dượng làm công ti bất động sản. Mi phải có gì hơn gã bố dượng từng là bồ vợ cũ mi chứ. Mi đã nghĩ rất nhiều, nếu hơn, mi chỉ có sự cố gắng cùng năm tháng đằng đẵng phía trước, “anh không cần phải gửi tiền cho con nữa đâu, tôi lo được”, vợ cũ nhắn thế, thật khốn nạn. Nó muốn chấm dứt tình cảm bố con của mi, không đời nào chịu thế. Mi chỉ có con thôi, hình bóng con mi tràn đầy cốc uống nước trong cuộc họp mi xin làm bảo vệ cơ quan. Mi nhớ láng máng mình đã khóc nữa. Rồi vì thương xót hay khinh bỉ người ta cho mi làm bảo vệ. “Bà quét dọn cơ quan cũng đang xin nghỉ đấy”, “đúng, anh Nam làm đi, tập thể dục luôn thể”, “nhẹ nhàng ấy mà”, “cứ tưởng nhà văn nhà viếc thế nào”, “đăng được cái truyện báo Văn nghệ trung ương tưởng oai oách lắm cơ”. Người ta còn mỉa mai nhiều nữa nhưng mi không còn nghe thấy, trong đầu chỉ còn tiếng “bố Nam, bố Nam” vang vọng của thằng Tân. Mi bỗng nhớ ngày vợ mang về tờ đơn li dị đã được đánh máy, chữ kí Trần Thị Lan ở góc dưới cùng bên phải - song song với chỗ dành cho mi là một khoảng nhỏ đợi sẵn bên trái. Trong cuộc đời ưa đọc, viết lách làng nhàng, mi đã tưởng tượng ra một lá đơn li hôn phải có gì đó khác hơn những dòng chữ đánh máy khô khan xếp đặt cạnh nhau. Nào là tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, địa chỉ nơi làm việc, nội dung li hôn được ghi văn tắt “mâu thuẫn trong sinh hoạt vợ chồng”, rồi con chung, tài sản chung. Nếu vợ mi không tải sẵn mẫu đơn trên mạng xuống, điền tất cả vào in ra, mà chịu khó viết tay từng dòng lên xuống nhấp nhô xê dịch khéo mi sẽ ngọt nhạt níu kéo, gợi kỉ niệm cũ, rồi con cái, thậm chí van xin; có thể mi sẽ bình tĩnh hơn mà không nghiến răng: “cô ngủ với thằng chó dái đầu bổ luống ấy bao nhiêu lần… nó cho cô những gì để giờ về ruồng rẫy chồng con… cô thích kí chứ gì… tôi kí cho cô xem… đừng tưởng thằng này sợ… đồ con đĩ…”. Mi cầm bút lên, nghĩ sẽ đâm ngòi thật mạnh, thủng giấy để chọc tức. “In cả xấp kia kìa…”. Mi thở dài, kí loằng ngoằng xong vứt tạch bút xuống bàn, sự tức giận, nỗi ham muốn dày vò vừa bùng lên đã tắt ngúm. Thằng Tân sợ hãi khóc òa nhìn người bố hiền lành, nhút nhát mọi hôm vừa biến thành quỷ dữ. Mi đã nói tất cả mọi điều cần nói ngay lúc ấy, chỉ một lần, và không hối hận.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
3.
Nắng bò trên người mi từ đầu năm đến cuối năm, bò giữa các kí ức cũ lộn xộn về vợ con, bò qua cả sự khinh miệt coi thường của đồng nghiệp làm cùng trung tâm chuyên về giống cây trồng. Ở nơi công việc chính của mi là tổng hợp, thống kê xem số lượng cây giống được đưa về các huyện thị là bao nhiêu, sống, chết bao nhiêu, tỉ lệ phủ xanh đất trống đồi trọc, rồi rừng ngập mặn mất đi, tăng lên bao nhiêu phần trăm so với năm trước. Nó khác hoàn toàn với ngành thư viện mà mi đã học trong trường đại học. Cả hai đều có các thống kê, nhưng mi quen tên sách hơn là tên cây - thế đâm chán, ngán. Mi viết mỗi lúc rảnh rỗi, cái truyện đăng báo Văn nghệ cũng nảy sinh từ nhiều ngày rảnh thế. Mi viết về nắng, nắng hiện lên sau những ngày đông u ám ở phòng giáo dục đào tạo huyện nọ, với những khuôn mặt xám xịt không biết do thời tiết hay do sự đấu đá tranh nhau chức trưởng phòng giữa hai phó phòng nữ. Phó A chồng chết. Phó B chồng bỏ. Dưới hai phó, nhân viên cũng chia làm ba phần: A, B, và chờ đợi nghiêng khi đã rõ kết quả. Mặt ai cũng xám ngoét phấp phỏng chờ đợi A hoặc B lên nắm quyền. Nắng không đủ xua đi vẻ u ám trước cuộc họp, dù ai cũng cười nói thân thiết, hỏi han mặn nồng dạo này thế nào, con cái học hành tốt không, chuẩn bị xây nhà ra sao, chồng chuyển chỗ làm mới ổn chứ… Nắng không dễ bị đánh lừa, nhưng nắng cũng không nghĩ con người cần đến nhiều mặt nạ thế. Truyện ngắn của mi khi gửi đi tên Nắng mặt nạ, nhưng khi in biên tập viên tự ý sửa thành Nắng đông - một cái tên nhợt nhạt, chẳng gợi ngẫm gì. Kết thúc truyện là khi nắng ùa từ cửa sổ cửa chính vây chặt lấy các khuôn mặt, một thoáng ngượng ngùng trồi lên nhưng nhanh chóng bị dìm xuống bởi lãnh đạo cấp trên bệ vệ xách ca táp bước vào.
4.
Người trong cơ quan nghi ngờ cái truyện Nắng đông viết về chính trung tâm giống cây trồng nơi mi làm việc. Tất cả các ám chỉ, ám tả được chỉ ra, phân tích rất kĩ, điểm một, điểm hai, điểm ba đàng hoàng. Giống chỗ nào, giống ai, chỗ nào na ná, dùng hình thức vay mượn, cắt dán các chi tiết đời thực đưa vào truyện ở dòng bao nhiêu, khổ mấy, đâu nhân hóa, đâu nói quá và suy diễn. Trong cuộc họp đảng viên cuối năm người ta đứng dậy chỉ thẳng mặt mi nói mi có ý đồ phá hoại mối đoàn kết cơ quan. Viết truyện bôi nhọ cán bộ, nhân viên trung tâm. Tờ phân tích được đọc to cho hơn ba mươi đôi tai cùng nghe, mi gục đầu xuống nhìn chằm chằm vào cốc nước uống, giống lần mi đã nhìn khi đứng lên xin làm bảo vệ. Nhưng mi biết hôm nay cuộc họp sẽ diễn ra lâu hơn bởi lần lượt từng người đứng dậy nói về lề lối sinh hoạt cẩu thả, lối sống vô tổ chức vô kỉ luật, thích nghỉ là nghỉ không xin phép, về việc ăn cắp thời gian vàng ngọc của nhà nước để làm việc riêng, về hai nhiệm vụ không hoàn thành: bảo vệ và chuyên môn thống kê số liệu, về thất vọng trước một người nằm trong đối tượng cảm tình mà thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, mượn văn chương để bới móc giải quyết hằn thù cá nhân…
Tai lùng bùng nghe, mắt vẫn nhìn chằm chằm cốc nước, nhưng hình bóng con mi không còn đó nữa. Thằng Tân con trai mi chết rồi, chết vào thứ ba tuần trước do hóc thạch rau câu. Khi nhận được điện thoại của vợ cũ vào bảy giờ tối, vội vã mi lên ngay bệnh viện chẳng kịp khóa cổng cơ quan. Con mi mặc áo trắng, bệnh viện trắng, chiếc áo che lùm lùm bụng bầu vợ mi mặc cũng trắng. Chồng mới của vợ đứng bên cạnh, tay đặt lên vai vỗ về an ủi cũng nhòa trắng. Mi khóc trắng, tuổi trắng cho con mi. Tuổi mi giờ cũng trắng. Như không tin vào sự thật trắng, con mi nằm trắng trên giường bệnh, mắt ngắm nghiền, mi lao ra phố. Đường phố nửa đêm không đen mà trắng, mi chạy đến đâu cũng gặp những khuôn mặt trắng, những quán xá trắng, cây hai bên đường trắng, dòng xe cộ nườm nượp trên đường cũng trắng nốt. Mi đi tìm một màu sắc của ngày hôm qua nhưng không được, giờ này trong mắt, trong tim, trong con người mi chỉ có màu trắng mà thôi. Mi đi trắng đêm như chẳng còn gì có thể trắng hơn được nữa. Mi tìm về nhà trọ cũ ở phố M nhưng người ta đuổi mi ra. Mi còn nơi nào hơn để đi trong thành phố trắng. Mi đã nghĩ đến cái chết, một cái chết trắng ngay tại đêm trắng này để gặp được con. Con mi trắng, nằm trong quan tài trắng nhỏ nhoi một mình. Mi thực lòng muốn chết, nhưng chết lúc này ai lo cho bố mẹ mi đoạn cuối đời nơi thị trấn. Tóc bố mẹ mi trắng như cước, họ chờ trắng tháng ngày mi không về. Mi vẫn còn nhiều mối ràng buộc chưa thể nói cắt trắng là cắt được.
Mệt mỏi, bã bời, quay lại bệnh viện lúc tảng sáng bác sĩ trực nói con mi được đưa về nhà ngay đêm qua rồi. Rút điện thoại xem, có năm cuộc gọi nhỡ và hai tin nhắn từ cùng một số nhưng không phải số vợ mi...
5.
Khi mi tìm được đến nhà tang lễ V ghi trong tin nhắn thì con mi chỉ còn là một nhúm tro nằm trong hũ trắng. Tất cả thủ tục đã xong, vợ cũ cùng chồng mới bảo không đợi được mi, hôm nay người đăng kí thiêu đông, nói khó, thêm tiền mới được chen vào làm sớm. “Vợ tôi sắp đến ngày sinh, mệt nhiều. Biết là không đúng, nhưng thôi cố gắng làm càng giản tiện càng tốt. Đằng nào con cũng đi rồi. Kéo dài chỉ khổ thêm cho người sống mà thôi”. Không có lễ lạt, kèn trống, phúng điếu, cũng không có ông bà nội ngoại, cô dì chú bác hai bên đến đưa con mi một quãng đường từ lìa cõi sống. Tất cả đều vội vàng. Cái vội vàng của mi thua hai cái vội vàng khác. Mi loáng thoáng nghe người ta còn nói nhiều câu xin lỗi, chia buồn. Vợ cũ lạnh lùng nhìn mi, tay đặt lên bụng, ì ạch, ì ạch thở. Tro cốt con mi lửng lơ giữa ba người lớn. Mi biết làm gì lúc này. Mi biết nói sao với bố mẹ về đứa cháu nội ông bà rất thương đã bỏ đi cõi khác. Chẳng ai được nhìn cháu lấy lần cuối cùng. Nói với cháu câu cuối cùng dù biết cháu chẳng còn nghe thấy.
Cuối cùng… Cuối cùng…
Cuối cùng…
Cái âm cuối cùng vang vọng, mi là một người bố chẳng ra gì. Mi chỉ có một đứa con duy nhất mà không lo được cho nó, để nó chết tức tưởi. Mi chưa làm hết trách nhiệm làm bố của mình. Ở lần cuối cùng thăm con cách đây hơn tháng con đòi ăn kem sô cô la mi đã không mua cho nó. Mi sợ nó ăn lạnh đêm lại ho, họng nó vốn yếu. Con mi còn ngồi vào lòng, hỏi mi, nếu mẹ đẻ em bé con có được về ở với bố không. Mi đã lảng đi không trả lời nó câu hỏi ấy. Nó còn hỏi về căn phòng cũ ở phố M, đám mây Ngơ Ngác có còn đi chơi ngang qua cửa sổ. Nhà nó đang ở giờ cũng nhìn thấy mây, nhưng mây là mây thôi, mẹ lẫn bố Vĩ bảo thế. “Mẹ bảo con đừng nghe bố, làm gì có mây nào là mây Ngơ Ngác, mây chỉ là mây thôi. Mẹ chẳng biết gì bố nhỉ. Mây cũng có nhà, cũng ăn cháo, ngồi bô đi ị chứ”. À, hóa ra nó vẫn nhớ câu chuyện về đám mây Ngơ Ngác mi bịa để dỗ nó ăn vào đợt Lan đi công tác miền Nam nửa tháng. Mây cũng ngơ ngác như mi. Mi có thể làm gì? Ừ, mi có thể làm gì.
Vĩ, Vị, Vì, Ví, Vi.
Mi sợ bị lột truồng trước đứa bé trong trắng.
Mi luôn luôn đứng ở phía yếu thế, hèn kém, tủi nhục.
Mi có thể nói dối thằng bé, hứa sẽ đưa nó về chơi lại phòng cũ phố M nhưng mi không dám làm. Mi luôn luôn sống trong cảm giác bị đôi mắt Lan rọi chiếu. Mi không còn quyết đoán, không dám đàng hoàng xin nghỉ phép để đưa con về ông bà nội chơi. Vì còn bận làm bảo vệ, bận chạy thêm vài ba chuyến xe ôm vào giờ nghỉ trưa và chiều muộn, viết tản văn nhì nhằng gửi đồng loạt cùng lúc hơn hai chục báo văn nghệ địa phương. Cái số tiền năm triệu đè mi bẹp nhép như chuột chết. Dù mi nhớ rất rõ, kể từ ngày li dị hai bố con không lên chuyến xe buýt màu xanh về lại thị trấn. Thị trấn đang mùa thay lá, đáng ra mi phải để con vun lá đốt cùng mình. Những lọn khói trắng lơ lửng bay bủa vây các tán cây, các mái ngói xếp xô lệch, xỉn màu vì mưa nắng. Từ thành phố về thị trấn có gì xa xôi mà mi không đưa con về được. Và từ thị trấn lên thành phố có gì khó khăn đâu mà vợ mi không nỡ báo một tiếng cho bố mẹ mi, ông bà nội thằng Tân, con mi…
6.
Thao qua chơi, hỏi mi định về hẳn thị trấn hay thời gian nữa lại lên thành phố, hỏi tiếp về công việc ngon lành đã bỏ nhờ người bạn lính của bố chật vật xin cho. Mi ừ hữ chẳng biết trả lời sao. Đi hay ở? Ở hay đi? Từ khi biết tin cháu mất mẹ mi đi lại vật vờ trong nhà từ sáng đến tối như cái bóng. Thi thoảng, lại nghe thấy tiếng sụt sùi, nức nở len lén từ trong buồng vọng ra. Cơm nấu bữa quên ấn nút bật, bữa quên đổ nước. Mi tránh không nói chuyện với mẹ, sợ thấy ánh mắt tao tác đỏ quạch của mẹ nhìn xoáy lấy, không ra trách cứ, không ra tha thứ, bỏng rẫy bứt dứt khó tả. Còn bố, từ khi mi về thì chủ yếu ở ngoài nhà văn hóa khu. Nơi ông làm thủ thư không công, tủ sách là sách của mi tích mấy năm đại học mang ra, cộng thêm tiền lương thương binh đặt thêm vài đầu báo, tạp chí. Người mượn quanh đi quẩn lại chỉ có mấy ông bà già. Đọc chán pha chè uống, bàn chuyện chính trị, chính trị chán chuyển chơi cờ tướng, mệt đầu kéo ra bóng sấu góc sân tập dưỡng sinh. Nhiều khi đến giờ cơm cũng chẳng buồn về. Mi ra gọi, thấy ông tắt điện, khép cửa nằm dài trên ghế, một tay duỗi thẳng, tay còn lại vắt ngang trán, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà. Ánh sáng cửa sổ le lói hắt vào gương mặt đọng chạt vết nhăn xám ngoét, bất động.
Trên bàn thờ gia đình mi giờ có thêm ảnh thằng Tân cùng hộp tro cốt màu trắng đựng trong hộp gỗ đen. Thao đợi mãi không thấy nói gì thì tự động ra thắp hương, vái vái, xong xuống bếp nói chuyện với mẹ mi. Lúc lâu ra lấy xe phóng đi, quay lại lỉnh kỉnh cá thịt, cà chua, rau sống. Mi biết trưa nay Thao sẽ ở lại ăn cơm. Mi nghe mẹ kể lúc mi ở thành phố Thao qua luôn, có hôm cả nhà cùng qua, lúc mua gà, khi mua tôm, mực. Mẹ xuýt xoa bảo cái Thao tốt số lấy được anh chồng hiền lành, yêu chiều vợ con, cùng tuổi với nhau mà sao số phận chẳng giống nhau… Mi chẳng nhớ Duy chồng Thao có hiền lành hay không. Lần gặp ở cổng trường đại học V.H năm nào bị xóa trắng phớ bởi các kí ức chồng lấp mỗi ngày một dày thêm. Ngày mi mang tro cốt con về thị trấn, vợ chồng Thao biết tin cũng kéo qua chia buồn. Mi ngồi cho phải phép, mắt cứ nhìn đăm đắm ra đường…
Hộp tro cốt bố mẹ bàn đưa lên chùa hoặc mang ra nghĩa địa thị trấn chôn, làm bia mộ cẩn thận. Mi không phản đối, cũng không đồng ý, chỉ bảo từ từ con tính.
Mi tính qua mấy mùa cây đổi sắc lá mà hộp tro cốt của thằng Tân vẫn nằm trong nhà, khói hương cuồn cuộn. Ba bóng người chậm chạp di chuyển như sợ chạm phải nhau. Có khi cả tuần chẳng ai nói với ai lời nào. Chỉ khi Thao ghé qua, không khí cõi âm mới giãn đôi chút rồi co ngay lại. Nay ăn cơm xong Thao bảo khoảng đất trống sau vườn sao không làm sạch cỏ, gieo rau ăn đỡ phải mua, lại mát mắt. Mẹ mi đồng ý ngay, bố bảo thế cũng tốt, còn mi, mi vẫn ngồi im. Mi đang nghe - rõ ràng, đồng thời mi cũng không nghe gì cả. Mi nhớ, khi ôm hộp tro cốt của con từ thành phố về không xe nào chịu chở. Mi đi bộ dọc đường quốc lộ, mi đi theo hướng mi còn nhớ về nơi đã sinh ra, đầu tóc rồi bù, mắt trũng sâu, râu ria mọc lởm chởm. Mi đi như trong một cơn mơ, cơn này vắt vẻo sang cơn khác, nỗi đau này vắt ngang sang nỗi đau khác. Lúc ở nhà tang lễ V về, mi đưa con trở lại phòng cũ phố M. Cửa không khóa, đập cửa mãi mới có gã choai choai, gầy nhẳng cởi trần, xăm vằn vện rồng phượng xanh đỏ, đầu lâu ra mở cửa. Mi nói rất nhiều, lời lẽ lộn xộn, về cái chết của con, về vợ cũ sắp đến ngày sinh, về hóc thạch, về thị trấn, ông bà nội, về Thao. Gã kia sốt ruột đẩy ra, mi dốc hết túi lấy tiền đưa gã. Gã ngớ ra, có lẽ trong đời chưa bao giờ gặp phải tình huống điên rồ đến thế. “Đ… mẹ, thế ông muốn gì?” Sợ chưa đủ gã không cho vào nhà, mi tháo cả sợi dây chuyền bạc trên cổ ra đưa. Mi phải cố diễn tả lắm mới rõ được ý định, cho vào trong nhà một lúc, để có thể ngắm mây từ cửa sổ. Gã à lên, cửa mở rộng, máy tính xách tay đặt trên bàn gấp đang mở ở một trang web về kết quả sổ xố. Mùi mì tôm lẫn mùi ga, mùi thuốc lá lưu cữu lởn vởn, mi cố hồi tưởng các vị trí ngày xưa, tủ lạnh, bếp ga, tủ đựng quần áo, xoong nồi... Và mi không nhận ra căn phòng cả nhà mi đã ở gần bốn năm về trước. Bốn năm chớp mắt mở mắt cũng xong xuôi hết một kiếp người. Mi đưa con ra cửa sổ nhìn mây, mây bay la đà từng cụm mông mốc xám thảy qua trước mắt, mây theo gió dồn lại, thứ mây kéo mưa chứ không phải mây ngơ ngác của ngày nắng ấm. Rồi không dấu hiệu báo trước, mưa đổ lộp độp, lộp độp trên mái tôn, mây phút trước, phút sau hóa mưa, mưa ngoảnh đi ngoảnh lại hóa mù. Mi không còn cớ gì ở lại căn phòng cũ đã thành của người lạ nữa, mi hồ hởi bảo con chào chú để về. Nhưng con mi chết rồi, con mi không nói được, gã chủ phòng ớ ra. Mi chào thay nó, gã chửi thề giúi lại tiền, dây chuyền vào túi quần. Gã nhe hàm răng rin rít ố vàng cười, đầu lâu trên ngực cũng cười. Mây bay ngang cửa sổ hôm đó cũng có vị đắng nghẹt của nụ cười.
Nước mắt chảy mà mi không biết, nước mắt rơi xuống nắp đựng bình tro trắng...
7.
Người trong thị trấn bảo Nam dở hơi.
Nam là ai?
Nam là mi, suy ra mi cũng dở hơi.
Bố mẹ lần lượt qua đời năm trước năm sau, bao nhiêu năm kể từ ngày về thị trấn mi cũng không nhớ nữa. Có rất nhiều mùa gió và mùa lá đã ngang qua trước cửa. Khoảng vườn sau nhà gieo được vài vụ rau chẳng ai chăm bẵm lại bỏ hoang. Lan, vợ cũ của mi đã kịp lấy thêm chồng thứ ba, nghe đâu là Việt kiều Mĩ, tuổi hơn gần hai giáp. Trước ngày ra đi có về thị trấn thắp hương cho con. Thấy lúi húi đặt mấy gói bánh kẹo nguệch ngoạc chữ Tây chữ Tàu lên bàn thờ, nhìn thế nào lại ra toàn thạch là thạch, tức giận, mi ùa vào cầm ném hết ra đường. “Đ... mẹ mày con đĩ, mày định giết con thêm lần nữa hả”. Mi chửi, ào xuống bếp vác dao xô lên định chém, bố mẹ, hàng xóm đổ ùa vào can. Chiếc xe con màu đen vội vàng nổ máy, loang loáng lao vụt về phía cuối đường.
Còn mi, vẫn ngồi im lìm chỗ của mình, trước cửa nhà nhìn ra.
Năm qua năm, năm nối năm, năm gối năm...
Ghế cũng đã mấy lần thay, lần nào cũng là ghế nhựa màu đỏ. Chếch về phía bức tường bên phải, bóng mi in hằn làm thành một mi khác. Mi khác còn trẻ, còn nhiều sinh khí, ngày ngày, nó nói chuyện với mi về thành phố, quá khứ và đả động đôi chút đến tương lai. Mi vẫn chưa biết tương lai là gì, từ ngày về thị trấn đến giờ mi vẫn sống thế. Nếu vậy mi đã sống ở tương lai mấy chục năm rồi cũng nên. Vậy thì cần quái gì cứ loay hoay mệt mỏi với tương lai. Người đời thật lạ, sướng không thích cứ thích đâm đầu sân si vào cõi khổ.
Riêng tro cốt con mi đã được đưa lên nghĩa địa thị trấn, nằm cạnh ông bà nội. Thỉnh thoảng mi lại đi bộ lên, dặn đi dặn lại ông bà đừng cho thằng Tân ăn thạch kẻo nó hóc. “Người chết rồi thì hóc làm sao được”. Thao bảo khi nửa đêm làm ca gặp mi thất thểu, ướt rượt sương từ nghĩa địa về. Mi chẳng nghe, chẳng lên xe Thao đèo, cứ lầm lũi đi. Thị trấn đêm phủ loang lổ, vàng vọt ánh đèn từ những gầm cây xà cừ cao hắt vọng xuống. Thi thoảng gặp cơn gió lùa, sương đọng trên lá đổ xuống lả lướt, lả lướt. “Mỗi giọt sương là một linh hồn con người về thăm lại người thân”. Mi lẩm nhẩm nói, tỉ mẩn tìm giọt sương của bố mẹ, của thằng Tân.
Mi tìm gần hết đời người vẫn còn mải miết tìm nữa.
Phía sau, Thao lầm lũi dắt xe theo…
Đ.P
VNQD