. TRƯƠNG HỒNG MẪN
1. Vừa bước ra khỏi ga tàu lửa đã thấy xe taxi nối đuôi nhau đợi sẵn. Đến đoạn quốc lộ rẽ về làng, tài xế chỉ tay bên phải giới thiệu, đây là chợ Cung. Tôi ngơ ngác không hiểu. Chợ Cung hồi đó nằm ở dốc Cung cạnh quốc lộ sao giờ ở đây? Hóa ra, chợ đã dời đi để tránh tai nạn giao thông cho những người họp tại cái dốc cong cong đó. Mọi thứ khác nhiều quá so với những gì tôi còn nhớ. Đường vắng, trong tôi là cảm giác bình yên đến bất ngờ. Phía trước làng, cánh đồng lúa bao la với những mảnh ruộng nhỏ hình hài bất định: vuông, chữ nhật rồi cong quẹo, ngăn cách nhau bởi những bờ cỏ xanh tươi. Những mảng xanh đậm, nhạt xen kẽ tạo bức tranh nhiều sắc màu trải rộng đến tận đầm Lâm Bình.
Gió nhẹ khẽ gợn sóng lúa khiến tuổi thơ của kẻ tha hương nay trở về chợt thức.
Kí họa từ trang Paint Corner.
2. Ngày trước, ở cái xóm nhỏ thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi nghèo này, thứ mà những đứa trẻ chúng tôi nhìn thấy là ba bề núi non trùng điệp. Phía còn lại là những động cát dài ngút ngàn với những hàng dương xanh cao vút vi vu lúc gió nhẹ, rít lạnh người mỗi khi bão lốc và những bụi cây xanh lá, cây móc, chùm chày, múi dẻ, xen kẽ bụi gai lưỡi hùm, dứa gai, hoặc xương rồng như nơi hoang mạc.
Làng có khoảng ba chục nóc nhà, hầu hết nằm gọn trong những khu vườn nhỏ trồng mía ngăn cách bởi những hàng rào keo gai, keo chát, bồ lời, cây duối, cây mắm, sầu đâu và tre. Hồi đó, đường sá chưa thuận lợi như bây giờ, người dân trồng mía tự kéo đường rồi thồ bằng xe đạp vào tận Bình Định bán hoặc đôi khi đổ cho lái buôn. Mùa mía đường, chim tu hú gọi nhau lanh lảnh khiến ai vui sẽ thấy vui hơn mà người buồn thì càng nôn nao buồn. Mía được chặt bằng rựa, dùng lạt tre bó lại để thanh niên vác về lò, nơi những ông che ép chúng thành nước và bã. Ông che là những thân gỗ to, tròn, nhẵn bóng chắc nịch, đỏ tím, một người ôm không hết, được đặt cố định sát nhau trên sàn che. Trên đầu mỗi ông có các khớp truyền động bằng gỗ liên kết nhau chắc chắn. Che cồ ở giữa, cao nhất vì đầu ống nối với thân gỗ dẫn động từ cái ách để mắc hai con bò. Lũ bò sẽ phải đi vòng quanh để tạo ra lực đẩy cho che quay. Trên đường đi, chúng đái ỉa và đạp lên khiến phân trộn lẫn vào rác mía thành thứ hỗn hợp màu vàng hút những con lèn xanh bay đến kêu vu vu. Những cây mía được các cô, các bà ngồi cho che ăn, đẩy vào rãnh tiếp xúc giữa hai ông che. Mía bị ép, nước chảy xuống quanh che trên sàn gỗ, theo máng về vò chứa đặt sâu dưới đất rồi được múc vào thùng. Che ép mía hở nên cảm giác rất sợ nó kẹp bàn tay mình kéo vào. Lò nấu đường được đào âm dưới mặt đất cách đường chân bò vài chục bước, có lẽ được xây bằng đất sét đỏ lấy ở bìa núi hoặc gạch vì khi nấu nhìn nó sáng lên đỏ rực. Hai hay ba cái chảo cỡ năm mươi hay sáu mươi lít bằng gang hoặc thép đặt gần nhau ngang hàng cao hơn mặt đất một chút. Nước mía được cho vào đó, chụm lò ở cửa chính bằng bã mía khô, cành lá… lấy từ bờ vườn, bìa núi đem phơi khô bó lại gọi là bổi hoặc đôi khi là cành gai tre khô cột thành từng bó, dùng mỏ cán tre dài xốc lấy đặt ở cửa lò rồi đẩy vào. Khi đường sôi, hơi nước còn lại thoát ra tạo nên những đốm nho nhỏ vàng vàng như đầu ti thiếu nữ trải đều trên bề mặt chảo, nhô lên rồi chùn xuống liên hồi tạo nên tiếng lục sục vui tai. Mùi đường thơm ngọt hòa lẫn mùi bổi cháy, mùi khói thoát ra ở lỗ phụ và mùi nước mía tươi từ che quyện lại ngọt thanh. Lúc nấu, thợ thường dùng gàu cán dài múc qua lại giữa các chảo và cho thêm ít vôi bột. Khi nước mía sền sệt, thợ sẽ múc vào các thùng thiếc để nguội, gánh về đổ vào lu sành, ảng xi măng cho kết tinh thành đường hạ đem bán. Cũng có người cho vào các muỗng (phễu) bằng sành có lỗ nhỏ ở đáy để rút mật làm thành đường cát trắng ngà đóng cục. Trẻ con vào mùa mía đường háo hức được xin mía ăn hoặc đợi để ăn đường cầu - thứ mà chúng chờ sau khi thợ múc xong, sẽ dùng cật vỏ mía uốn cong cạo thứ bột nóng vàng vàng dẻo quánh như mạch nha rơi rớt trên cái cầu được đan bằng nang cật tre và đặt ở giữa chỗ miệng chảo và thùng chứa.
Không ai có quyền được chọn nơi mình sinh ra và lớn lên. Núi non che khuất tầm nhìn khiến tôi lúc nào cũng cảm thấy giống như cá đang trong chậu. Đã nhiều lần tôi tự hỏi, bên kia những dãy núi là thứ gì? Học lớp thấp thì ở trường làng, lên lớp ba, lớp nhì, lớp nhất được đi xa hơn một chút nhưng cũng không vượt qua những dãy núi ấy. Niềm vui của đám nhóc chúng tôi chỉ quanh quẩn ở việc bắt cá bừa, thả lưới bắt cá diếc, thác lác, cá tràu, cá rô, hay thỉnh thoảng lượm được mấy quả trứng vịt đẻ rơi trên bờ ruộng, chơi đá dây thun ăn thua vào ngày tết, chơi đi ô, đánh nẻ, đánh cù hay bắn ống thụt hạt bồ lời, đánh trổng, u tù, bắn chim bằng ná dây cao su tự làm… Về khoản bắn chim, trong đám bạn của tôi, T luôn là giỏi nhất. Trưa nó cầm ná đi lòng vòng qua truông, ra mương, vậy mà đã được một xâu năm bảy con nào chốc miều, chó quạch, se sẻ, dồng dộc, trau trảu, có khi cả cu cườm, cu đất… Đám chim đó đem trụng nước sôi, nhổ lông, thui sơ qua lửa ngọn, mổ ruột, làm sạch rồi băm với sả, ớt, tí muối, đem gói lá chanh và xiên que nướng lửa than. Không ai biết bảo vệ chim là gì, chỉ nhớ cái mùi của lá chanh, sả, pha mùi thịt nướng thơm ngào ngạt... T còn dạy tôi làm bẫy bắt kì nhông dưới hang. Loại kì nhông này rất đẹp, cỡ nửa cổ tay người lớn, dài khoảng hai mươi phân, lưng phẳng không có gai, cũng không nhiều màu sắc sặc sỡ như tắc kè mà vàng nhạt, trên lưng có hai vạch sẫm chạy dọc. Da nó không xù xì như tắc kè, cũng không bóng loáng như rắn mối. Kì nhông rất lanh lợi, thấy người nó quay lưng đứng ngóc đầu nhìn một thoáng rồi nhanh chóng chạy vụt chui vào hang. Bị nó cắn chắc đau lắm, cắn rồi sẽ không nhả, người lớn nói chỉ khi nghe trời có giông nó mới nhả. Bẫy làm bằng mo cau rộng khoảng bảy phân, dài đủ uốn cong bằng miệng hang, thanh cật tre một đầu chẻ giữa đủ để kẹp vào phần giáp mối mo cau, cột chặt bằng chỉ hoặc cước, đầu còn lại được vót mỏng để có thể kéo cong xuống khi cài bẫy và nẩy ngược lên khi con mồi bị sập. Sợi cước một đầu cột vào cuối cần tre, đầu còn lại luồn qua lỗ nhỏ ở giữa mo cau rồi làm thòng lọng ôm sát mặt trong, nối liền với chốt nhỏ bằng tre ở giữa dây. Khi đặt bẫy, dây kéo cần cong xuống, chốt cài vào miệng mo cau, đuôi chốt nằm giữa sao cho khi con kì nhông chui ra, đầu sẽ vướng vào làm bật chốt, cần nẩy lên thắt thòng lọng ngay bụng khiến nó hết chạy. Sau này, một lần nói chuyện với người làng, tôi hỏi thăm T thì được biết, T giờ không còn nữa, nghe đâu chết vì vướng phải mìn hay lựu đạn cài ở bìa núi… Vui nhất là trò u tù. Chỉ cần một khoảng đất trống, vẽ một đường thẳng ranh giới ở giữa, nhóm người chơi tự thỏa thuận chia làm hai phe ở hai bên giới tuyến. Thay phiên nhau, bên chơi trước cử một người hít đầy hơi, vừa xâm nhập lãnh thổ đối phương miệng phải vừa “u” thành tiếng liên tục như tiếng ong bay, dùng tay đánh vào vai đối phương rồi vừa “u” vừa chạy về. Đối phương sẽ tập trung đuổi bắt, nếu chạy qua được giới tuyến mà vẫn “u”, người bị đánh sẽ bị loại và ngược lại, sẽ loại người “u” nếu người đó bị đối phương bắt, tiếng “u” bị đứt khi chưa kịp qua giới tuyến. Hai bên thay nhau cử người “u” đến khi bên nào hết người trước thì sẽ thua và bị “lêu lêu”. Hầu hết các trò, người chơi đều tự giác tuân theo luật mà không cần trọng tài phân xử. Có lẽ vì vậy mà trẻ con ở đây lớn lên yêu chuộng sự trung thực và rất ghét sự giả dối. Thứ văn minh duy nhất được nhìn thấy lúc bấy giờ là những chiếc xe hơi chạy qua quốc lộ lúc khuất, lúc hiện. Nhưng chỉ nhìn được chúng từ xa tít, mấy khi được đến gần.
Đó là thời kì làng bình yên, sau này thì đâu còn nữa... Thôn có năm xóm, ba xóm nằm trong vùng giải phóng, nhưng không có xóm nào chịu nhiều tan nát như xóm tôi.
3. Khi lính Mĩ xuất hiện cũng là lúc chiến tranh trở nên khốc liệt. Do địa hình của làng, du kích đặt mìn (loại đạn pháo, đạn cối bị lép được cưa và đặt kíp nổ vào), cài lựu đạn ở bờ vườn gần núi, xây lô cốt ở bờ làng phía nam đối mặt với trục đường chính, đào giao thông hào chạy xung quanh làng, cắm chông tre quanh làng và đào hầm chông ngụy trang ở những ngã tư, đặt lên đó những bó gai tre để trâu bò và người không đạp phải, khi nghe có lính đi càn thì lấy bó gai đi, những thứ này không được nhìn thấy nhiều ở các làng khác trong thôn.
Mỗi lần nghe lính Mĩ ra, những người đi chợ nhìn thấy truyền miệng nối nhau, trẻ em sẽ lùa trâu bò dọc theo đồng ruộng sát bờ đầm vào đồng bể, nơi đất hoang không được canh tác, toàn cỏ cú mọc, để lánh nạn còn du kích tổ chức chống càn. Từ xa nhìn về làng, hễ thấy lính Mĩ ném quả mù cho trực thăng hạ cánh là biết có thương vong. Mấy chiếc trực thăng HU-1A chúi đầu bắn rốc két, khói phụt ra hai bên phía sau, đạn lao vút đằng trước xuống làng nổ tung tứ phía, hoặc có khi máy bay phản lực (nghe mọi người nói là F5), liệng vòng gào thét vẻ rất thị uy rồi lao xuống. Bom rơi, máy bay nhanh chóng ngóc đầu phóng lên, vài đám lửa lẫn khói đen bùng lên từ dưới đất kèm những tiếng nổ vang rền. Vào được làng, chúng đốt nhà, lúa khô để dành trong thùng gỗ, bồ, ảng xi măng cũng bị đốt. Lúa bị đốt khi dân làng trở về, chỗ cháy thành than bỏ đi, phần ở dưới ngả màu xay ra gạo có màu nâu ủ mùi khét của khói khó ngửi, nấu sôi rồi chắt nước bỏ đi, đổ nước vào nấu lại mấy lần mà vẫn còn mùi, hạt rời rạc nhưng vẫn phải ăn vì đói. Du kích cũng chết, trong số họ có người là học sinh vừa rời ghế nhà trường. Có lần du kích chạy theo giao thông hào dùng súng trường bắn trực thăng, thế là chúng gọi máy bay phản lực đến dội bom vào làng, một quả na-pan giết chết nhiều người trong một hầm trú ẩn. Bữa nào không kịp đi tản cư, ngồi dưới hầm, sợ nhất là lúc nghe tiếng động cơ máy bay phản lực gầm rú như muốn xé cả bầu trời, cảm giác hãi hùng như đang cúi đầu chờ đao phủ xuống tay. Chỉ đến khi vài tiếng nổ nghe không to lắm nhưng làm rung lắc hầm dữ dội, lúc ấy mới biết mình còn sống. Nó dội vài ba đợt, hết bom rồi mới rời đi. Lính Mĩ càn quét vùng giải phóng đi từ quốc lộ theo trục đường chính, có khi chúng vào làng, nhưng đôi lúc lại đi tắt ra các làng ven biển rẽ vào các khu vườn gần bờ núi, ở đó hoàn toàn không có lối mòn. Làm sao biết được chúng sẽ đi qua chỗ này mà du kích bố trí mìn, đó là điều bí ẩn mà một đứa trẻ như tôi hồi ấy không thể nào biết được. Để săn du kích, chúng dùng máy bay HU-1A, tàu rọ bay lượn trên bầu trời thỉnh thoảng dừng lại, đứng ngay trên đỉnh đầu mình quan sát. Lâu lâu lại nghe kể nó rượt và bắn chết ai đó. Có khi nó đuổi đến bước đường cùng rồi thả thang dây xuống buộc người ta phải leo lên máy bay. Vì vậy, tôi thấy anh ba tôi hễ đi đâu là đeo một quả lựu đạn ở nách, bên trong áo. Nếu bị bắt sống lên máy bay thì cho lựu đạn nổ cảm tử. Một lần anh đang đứng ở chỗ giếng nước nhà ông P, tôi và đứa em đứng trong bụi tre gần đó, tre mọc hai bên rậm rạp, ở giữa có lối nhỏ. Một chiếc trực thăng bay thấp từ đồn trên núi ra, khi anh vừa phát hiện thì nó cũng thấy anh. Anh chạy vội lại bụi tre, quan sát nó quầng lên phía trên, anh lẻn xuống phía dưới và ra hiệu cho bọn tôi nhanh chóng rời đi. Khi bọn tôi rời khỏi, chiếc trực thăng bỏ đi. Có lẽ nó nghĩ chỉ có trẻ em. Anh tôi may mắn thoát chết lần đó, một thời gian sau anh đi bộ đội.
Một dạo, có chuyện mà tôi nghe lỏm được, rằng một cán bộ cấp cao lâu lâu ở trên núi về kiểm tra tình hình, nào là công việc chuẩn bị chỗ ẩn náu cho bộ đội về làng, nào là cách du kích bố trí chống càn. Người này có tài vượt qua quốc lộ để lên núi Trường Sơn ngay giữa ban ngày mà không bị lính bắt. Ở làng ai nghe cũng ngầm thán phục. Cán bộ ở đây toàn nông dân chân chất, cấp trên về là quý lắm, nói gì cũng tin, bảo gì cũng nghe. Sau khi vị cán bộ kia đi, một đợt càn của lính Mĩ với xe tăng cày ủi nát vùng mương, tôi nghe đồn là có bộ đội về mà không rõ thiệt hại thế nào, nhưng biết chắc đợt đó một cán bộ là y sĩ của du kích sống ở làng bị mất tích. Nhiều năm sau, khi tôi bỏ làng vào Sài Gòn đi học, tại một lớp trung học dạy ban đêm, thầy giáo dạy tôi môn tiếng Anh nói rằng thầy đã từng qua lại nhiều lần làng tôi, hỏi tên cha tôi là gì có vẻ như đã từng gặp, thầy nói trước đó mấy năm thầy từng làm thám báo hay quân báo gì đó cho quân đội Mĩ. Tôi cứ tiếc không hỏi thầy về chuyện vị cán bộ có tài vượt lộ lên Trường Sơn kia, có phải là một trong những cách do thám của quân Mĩ không.
Tôi nhớ có một ngày, máy bay Mĩ, phản lực có, trực thăng có, quầng thảo bầu trời suốt ngày (ở quê tôi, người ta gọi là “quầng”, không phải “quần”), chúng bay cao hơn mọi khi. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết ra sân nhìn lên quan sát. Tối đó, chúng liên tục thả trái sáng trên bầu trời. Khoảng tám đến chín giờ tối, tôi còn thức, ở quê trẻ em mấy khi đi ngủ trễ, một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên, vọng vào từ phía biển, cách xa phải đến ba cây số, sóng truyền làm ngọn đèn dầu hột vịt trên bàn vụt tắt. Ở làng, chiến tranh, bom, đạn pháo, cối nổ thường xuyên, nhưng đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi nghe tiếng nổ to như vậy. Trái sáng rực chiếu trên bầu trời. Sáng hôm sau, trời trong, tôi lên động tìm dù. Khi lượm được cái dù màu trắng, không lớn lắm, từ khu vườn bên kia động, trở ra, tôi gặp một số người đàn ông lạ mặt đang đi trên động, hướng từ Quy Thiện vào, họ mặc quần áo có màu như màu cà phê sữa hoặc đậm hơn một chút. Họ đi, không thấy mang theo hành lí gì, một người tay cầm khẩu súng ngắn đi sau, cảnh này rất đặc biệt làm tôi nhớ mãi. Tại sao họ dám đi dưới trời sáng, không có gì che chắn cả, chỉ vài cây dương xanh thưa thớt và những bờ gai lưỡi hùm? Họ tự đi không có ai dẫn đường, không đi theo đường mòn mà băng qua giữa động. Trong số họ, tôi không thấy ai bị thương, nếu có thì vết thương không nặng, họ tự đi được. Tôi nghĩ họ là những người có liên quan đến tiếng nổ tối qua, cũng như máy bay và trái sáng. Tự nhiên tôi đoán họ từ biển vào, có lẽ câu chuyện tàu chở vũ khí và thuốc men từ miền Bắc vào tôi đã từng nghe qua khiến tôi có ý nghĩ ấy. Họ hỏi tôi ở đây có lính, hay có đồn lính không, tôi trả lời đây là vùng giải phóng. Sau đó, tôi rẽ ra đường cái, xuống đường truông về nhà, còn họ tiếp tục đi thẳng đến khu vườn chỗ nhà ông P bây giờ. Tại đây có con đường nhỏ, đất cát trắng lẫn với lá khô, lưa thưa cỏ chỉ dại mọc èo uột vì nắng nóng, hai bên có trồng gai lưỡi hùm, cây gai kim đàn, dây tơ hồng len lỏi, cây xương rồng và những bụi cây khác cao quá đầu, dẫn đến vườn Du gần bìa núi (chỗ này, người lớn kể truyền miệng có một con yêu thường hay xuất hiện vào buổi trưa, mặc đồ trắng, tóc dài phủ cả mặt, hễ thấy người là nó cắm đầu chạy vào núi, có lẽ để dọa không cho bọn trẻ nhỏ lên đây vào trưa nắng). Tôi không nhìn thấy họ đi tiếp theo hướng nào. Bụng thấy không yên, nếu trực thăng bay qua sẽ phát hiện và bắn chết, tôi muốn chạy theo gọi họ đi lối có cây cối che chắn nhưng không dám. Chiều hôm đó, tôi nhìn qua cửa sổ thấy ở nhà ông P, phía dưới khu vườn nhà tôi, có một phần chiếc võng vải màu xanh lá. Nhà ông P ở ngay bìa làng, mặt hướng ra đồng ruộng, đầm Lâm Bình, xa xa là dãy núi Trường Sơn, trước nhà có một khoảng sân nhỏ rồi đến hàng rào hoa dâm bụt, bên trái có một cái giếng xi măng, ngay góc vườn gần giếng là bụi tre rậm có một căn hầm trú ẩn. Ông đi đâu đã mấy năm, nhà để trống, không ai ở. Tôi đoán những người mình đã gặp trên động đang ở đó. Anh năm tôi thì bảo không phải, cha có thể đã giấu họ trong địa đạo ở bìa cấm, nơi triền núi được trồng cây to cao để giữ nước cho làng, cấm đốn phá. Cái địa đạo ấy được xây đâu từ thời chống Pháp nhưng những người biết chuyện đã hi sinh hết nên ít người rõ. Anh năm kể, giống tôi, sáng sớm anh lên vườn Du tìm dù, có cả thằng T nữa, anh cũng tìm được một cái dù, bất ngờ mấy người lạ ở dưới hào bước lên hỏi “Ở đây có đồn lính không?” Họ hỏi bằng giọng miền Nam, dò thông tin ở mình nhưng không để mình nhận biết họ là người cách mạng hay quốc gia. Anh tôi trả lời đây là vùng giải phóng, đồn lính ở xa trong kia. Họ hỏi thăm về du kích và xin gặp. Anh năm chạy về nhà báo cha tôi, thằng T ở lại, cha tôi qua gọi anh K, chỉ huy du kích ở xã này, cùng đi lên vườn Du, không cho anh tôi đi theo, có lẽ nhằm bảo mật nơi cất giấu. Tôi cũng như anh năm không biết chắc họ có tất cả mấy người, đi làm mấy nhóm, nhóm tôi gặp lúc sáng có phải cũng chính là nhóm anh gặp ở vườn Du. Từ biển mà đi theo đường hố, đường nước chảy, đến vườn Hồ rồi đến vườn Du là lựa chọn an toàn và khôn ngoan, tại sao có nhóm người tôi gặp đi ngang qua động cát? Sau này, khi chiến tranh qua đi, qua các thông tin, tôi đoán nó liên quan đến vụ tàu không số cho nổ tàu tại biển Quy Thiện và những người chúng tôi gặp chính là thủy thủ tàu.
Những ngày đó, đêm đêm đại bác từ núi Vàng, núi Dâu, từ tàu ngoài biển bắn vào làng, lính Mĩ càn quét liên miên. Nhiều năm tối đến phải ngủ dưới hầm trú ẩn, khô thì gió Lào nóng bức, nếu mưa thì ẩm ướt, nước đọng phía dưới các ống tre trên đặt ván để nằm đầy mùi nấm mốc, có khi rắn bò cả qua chân người, phải đặt vài chén hạt nén để nó sợ mùi bỏ đi. Thỉnh thoảng lại nghe có người trong làng, ngoài làng chết. Nhà bị đốt cháy, dựng lại rồi lại bị đốt nhiều lần, trâu bò chết, giếng nước bị đầu độc, đồng bào bỏ làng tản cư vào vùng quốc gia kiểm soát, số khác vào Sài Gòn và các nơi kiếm sống. Cha tôi cũng cho anh năm đi Sài Gòn làm thuê, nơi chị tôi đã vào trước đó lánh nạn. Làng chỉ số ít còn bám trụ lại. Ruộng đất bỏ hoang, làng trở nên tiêu điều hoang vắng, cỏ cây xơ xác, những bụi tre còn bám đầy loại nhựa dẻo vàng nhạt đã khô cứng của bom na-pan, đất thì chứa nhiều những mảnh nhỏ màu đỏ như chất dẻo, không biết từ đâu, hễ châm lửa than vào là nó phụt cháy rất mạnh, phủ đất lên nó vẫn cháy, chỉ tắt khi ném vào nước, có người nói nó từ rốc két của trực thăng.
Một ngày, có tin về, anh ba tôi đã hi sinh ở tận xã Phổ An. Thời gian ấy, bàn thờ nhà tôi lúc nào cũng thắp nhang, cái đèn dầu hột vịt leo lắt sáng. Tôi thấy cha buồn rũ rượi, hay rót rượu uống một mình. Cha thương anh lắm. Thời đó, ở làng này mấy ai được cho ra tận thị trấn học, cha ráng lo cho anh đi học mấy năm đến đệ tam. Cách mạng về tận trường mít tinh tuyên truyền, anh nghỉ ở nhà đi dạy học trường giải phóng, đi du kích rồi đi bộ đội.
Cha tôi mất ở một nơi mà tôi chưa lần nào nghe bị pháo bắn, đó là Đồng Tràm. Chỗ ấy là những gò cát cao ở giữa đồng trống cuối thôn về phía Lâm Bình với lác đác những cây dương, những giàn mướp hay ụ rơm, nhà toàn làm tạm mái lợp bằng rạ, vách rạ. Tối đến, những người bám trụ thường qua đây để ở cùng với dân của xóm bên kia mương. Một tối, tôi nghe lén câu chuyện cha nói với mấy người ở đây, giọng lo lắng, hoang mang rằng khi cha đang đóng cổng chuồng gà, bất ngờ nghe tiếng ai kêu và tiếng súng phát ra từ bụi tre phía sau nhà. Cha vác cuốc chạy xuống đường trước làng, thấy nhà ông P cây sầu đâu gãy nhánh rơi xuống đất dù lúc ấy trời không có gió. Cha nghĩ anh ba về kêu đi. Tôi không hiểu kêu đi là đi khỏi làng hay đi đâu. Nửa tháng sau, cha ra đồng, lính bất ngờ xuất hiện, chúng đuổi theo cha đến Đồng Tràm, cha không dám vào nhà dân sợ làm liên lụy, chúng bắn cha chết tại ụ rơm trên đồng.
Sau khi cha chết, tôi cũng bỏ làng vào Sài Gòn.
4. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, nhiều người dần quay trở về. Tuy nhiên, cũng chỉ khoảng hai phần ba số đã bỏ đi, nhiều người định cư hẳn ở những nơi khác, nhiều người đã chết, làng không còn đông đúc như xưa nhưng không khí náo nhiệt, phấn khởi được sống trong hòa bình hiện hữu khắp nơi. Làng có đầy đủ các thành phần, thiếu nhi, thanh niên, người lớn và người già. Thanh niên, thiếu nhi cùng nhau dọn cỏ, làm vệ sinh đường sá. Đường truông lại trở thành nơi để bọn trẻ lang thang nghe tiếng ve kêu mỗi trưa hè. Người người hối hả phục hồi công việc đồng áng, đào lại giếng, làm lại nhà.
Về việc làm lại nhà, ngày đó, từ gà gáy, đoàn cả chục người hẹn nhau thức dậy, mang theo cơm vắt, muối mè, nước uống, đi bộ hàng chục cây số, qua khe, vượt dốc, lội suối, lên tận Trường Sơn chặt cây, vác bộ đến chiều tối mới về đến làng. Phá rừng mà rất vô tư không hề biết, cũng không ai la, chẳng ai mắng. Tuy nhiên, không ai dám chặt cây ở rừng cấm bìa núi bởi cây ở đó bao đời làm nhiệm vụ giữ nước cho làng và còn đầy rẫy những mìn, lựu đạn. Làm nhà, trước hết phải làm nền cao cho sạch sẽ và tránh nước ngập bằng cách gánh đất sét đỏ từ bờ núi về ban ra cho đều, đổ nước ngâm, người và trâu bò cùng nhau giẫm cho chặt, để ráo nước rồi đầm bề mặt cho cứng. Thợ mộc đo tính, đục, đẽo, cưa cây, gỗ thành cột, đà ngang, đà dọc, dựng lên lắp ráp thành bộ khung chắc chắn, chân cột phải tựa trên mặt hòn đá lớn để chống lún, dựng kèo, đặt đòn dông, làm rui mè, lợp mái. Sau đó đến công đoạn làm tường. Mầm là những cây lấy từ rừng cỡ cổ tay, dựng từ sàn đến mái, đứng thành hàng canh theo các cột phụ đỡ đầu kèo, cách nhau khoảng ba tấc; trỉ là các thanh tre dài được chẻ ra từ thân cây tre được cột vào các cây mầm và các cột phụ bằng lạt tre theo chiều ngang cách nhau khoảng tấc rưỡi làm thành một bộ xương dạng lưới ô chữ nhật rất chắc. Tiếp theo là làm hồ. Đất sét đỏ ngâm nước, dùng cuốc, xẻng trộn cho nhão đều, bỏ rơm lên bề mặt, người và bò cùng giẫm cho rơm dính đều đất sét rồi đem nhét vào các ô chữ nhật trên tường lưới như phơi quần áo trên dây, từ dưới lên trên, vuốt hai mặt sao cho chúng có độ dày như nhau và phủ kín hết bề mặt lưới. Gắn khung cửa vào tường, đóng thanh cố định, tô tường cũng bằng đất sét nhão như tô xi măng. Hoàn thiện nữa là có chỗ ở rồi.
Đối với đào giếng, đầu tiên là chọn vài ba vị trí. Chiều tối, cuốc vài lát đất ở mấy chỗ đó rồi úp lên mỗi chỗ một cái tô, sáng ngửa ra xem, hễ tô nào có nhiều nước đọng, bên dưới sẽ có mạch nước ngầm. Bộng giếng là những tấm sành hình chữ nhật được làm cong để khi ghép hai hay ba tấm lại với nhau được một vòng tròn khép kín. Thợ sẽ đào phía dưới chân bộng, đất trống đến đâu thì trọng lực kéo bộng xuống tới đó, người ở bên trên chồng lớp bộng kế tiếp lên lớp trước, đặt so le như đặt gạch xây tường. Đất đào được chuyển lên trên ra khỏi giếng, kéo bằng xô chắc chắn. Đến khi gặp nước, đào thêm vài bộng nữa là đủ độ sâu. Bộng trên cùng thường có miệng xòe rộng và đủ cao để tránh té xuống và không bị bể khi va chạm. Nghe không có gì nguy hiểm, nhưng khi đào giếng sâu, không khí không đủ, thợ đào có thể bị chết ngạt.
Cuộc sống dần trở lại bình thường. Thanh niên kẻ lập gia đình sinh con, người ra tỉnh lị lập nghiệp và định cư, người theo con đường học tập rồi chọn làm việc ở các thành phố, người vào thành phố bán mì gõ. Người già một số về với ông bà, số khác rời làng ra thành thị theo con cháu. Đời sống ở nông thôn không nghèo đói, nhưng muốn có thu nhập cao hơn, muốn đổi đời phải tìm đến các thành phố. Làng cứ thế vắng dần…
5. Làng bây giờ chỉ còn khoảng hai mươi nóc nhà, nhưng một nửa trong số đó đã là vườn không, nhà trống. Dân làng hầu hết là người cao tuổi. Những nhà có người sinh sống đều là nhà ngói, có điện, có quạt máy, truyền hình. Nhiều nhà có tủ lạnh, bếp ga, nhà vệ sinh cũng làm theo kiểu thành phố. Internet được phủ sóng khắp mọi nơi. Con đường phía trước làng cũng đã được bê tông hóa. Nhưng đường truông xưa giờ chỉ còn một nửa lối, nửa còn lại không người đi, cỏ chỉ, cỏ may mọc bít kín… Sau hơn bốn mươi năm tôi trở lại, tự nhiên nghĩ, một ngày nào đó, làng mình cũng sẽ giống như làng Na-gô-rô của nước Nhật, nơi mọi người rời bỏ để đi đến những chốn có cuộc sống tốt đẹp hơn, khiến những người già ở lại cảm thấy quá cô đơn phải làm những hình nhân bằng cỡ người thật đặt ở khắp nơi trong làng để đỡ trống vắng.
6. Viễn cảnh nào cho làng sau ba mươi năm nữa? Ở đâu có đất, có nước, có không khí và ánh sáng mặt trời thì chắc chắn ở đó có sự sống sinh sôi. Nhưng muốn sự sống phát triển lên một tầm cao mới, ở đó cần phải có thêm tiền, con người với ý chí và tri thức. Tiền ở đâu ra, chính là ở trong dân cư các vùng lân cận hoặc có thể xa hơn nữa đến tận thành phố Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Khi thu nhập dân cư ngày càng được nâng cao thì tiêu dùng sẽ được thúc đẩy, và đó sẽ là cơ hội cho những ai biết nắm lấy thời cơ. Tiền còn nằm ở ngân hàng, có dự án khả thi thì có thể vay, rồi tìm kiếm ở các nhà tài trợ. Đến lượt nó, dự án có thành công chính là nhờ thu nhập của dân cư. Tri thức có thể tìm kiếm từ internet, ở các trường đại học, các chuyến đi khảo sát thực địa học hỏi ở những nơi khác.
Làng được nhiều nơi biết đến nhờ được quảng bá trên internet. Lúc đó, du khách đến đây có thể nhìn thấy một tượng Phật cao được xây trên núi, dưới chân núi một ngôi chùa khang trang với cái chuông đồng lớn mà mỗi khi nó vang lên thì khắp huyện đều nghe thấy. Đối diện nhà thờ họ Trương là một khu phức hợp thể thao, một bãi đỗ xe rộng lớn, nơi tổ chức các sự kiện thể thao trong xã, các làng ven biển, và có khi là của huyện. Khách ở xa có thể đặt lịch qua internet để đến chơi bóng đá mini, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, tennis, hoặc tập luyện thể hình.
Làng được yêu thích vì đến đây khách được phục vụ những món ăn ngon bổ rẻ và an toàn của chính địa phương: giống gà, vịt có thịt ngon được chọn lựa và nuôi tại chỗ, nấu với thuốc bắc và những lá, rễ cây thảo dược quý được trồng ở những khu vườn bên chân núi, và các thứ nấm có giá trị cao được nuôi trồng ở làng. Người dân biết đi thu mua rơm ở các nơi về tích trữ, trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò lấy thịt và làm du lịch, lấy phân để cải tạo đất. Khách du lịch đến đây dự sự kiện thể thao hoặc lễ chùa có thể ở qua đêm ở các nhà nghỉ của xóm, vừa thưởng thức món ăn ngon, đi xe bò ra Quy Thiện vãng cảnh, thăm di tích cập tàu không số, tắm biển và ăn hải sản rồi quay về.
Địa đạo trên bờ núi được truy tìm và phục dựng để thu hút du khách và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, gần đó vài đoạn giao thông hào và lô cốt cũng được tái hiện để du khách trải nghiệm, học và bắn vài phát súng trường, rồi chia phe chơi trò u tù đầy vui nhộn.
Lò mía đường thủ công được phục dựng để thu hút khách du lịch đến xem, và làm ra loại đường gừng đặc biệt không sử dụng hóa chất, kết tinh trong những khuôn inox nho nhỏ cong cong sắp trong phễu, mang nhãn hiệu Thủy Thạch Xóm B, khách mua làm quà, món chè nếp nấu với nước mía và gừng để tủ lạnh trở thành món tráng miệng đặc sản.
Nhiều sản phẩm của làng được biết đến như bún tươi đóng gói, bún sấy khô, bánh tráng sấy khô, bánh tráng nướng sẵn, khoai lang giống ngọt sấy khô, bánh khô, bánh nổ, thảo dược sấy khô, nấm tươi các loại… được bày bán ở siêu thị huyện và vượt ra ngoài phạm vi của tỉnh. Rồi trồng những cây thảo dược, người dân biết hạn chế sử dụng nước ngầm, xây hồ thu gom và dự trữ nước mùa mưa để bơm tưới nhỏ giọt mùa nắng hạn.
Cho dù kịch bản nào thì hiện giờ cũng chỉ là sản phẩm của mơ mộng, nhưng có những giấc mơ có thể trở thành hiện thực, nó phụ thuộc vào ý chí của con người.
Thành phố Hồ Chí Minh
T.H.M
VNQD