.NGUYỄN VŨ ĐIỀN
(Kính tặng hương hồn Liệt sĩ Ngô Xuân Sào)
Tôi lặng người trước mộ anh.
Đã hơn 40 năm kể từ sau trận đánh tại hồ Ampil, tôi mới gặp lại anh. Nhưng không phải bằng da, bằng thịt, không phải bằng cái giọng nói rổn rảng ấm áp của anh, mà là tấm bia trên ngôi mộ mang tên Liệt sĩ Ngô Xuân Sào.
Mộ anh đó. Ngôi mộ nhỏ, khiêm nhường, xinh xinh, màu xanh biển được đặt ngay ngắn tại vườn nhà, trên chính mảnh đất cha mẹ dành cho anh, chờ đón anh trở về, lấy vợ, sinh con và vui vầy hạnh phúc với ông bà.
Ước mong của mẹ cha, của đại gia đình anh đã lỡ dở.
Tôi khóc gọi tên anh và đặt ngay ngắn lên mâm lễ một chiếc bàn chải đánh răng mà khấn:
- Anh Sào ơi, em đã về đây. Em xin lỗi anh, em đã mượn anh chiếc bàn chải mà hơn 40 năm rồi, nay mới trả anh được. Anh nhận cho em nhé...
Và kí ức về anh, về trận đánh tại hồ Ampil lại hiện lên vẹn nguyên trong tôi.
Minh họa: Lê Anh Vân
Ngày 16/3/1980, Tiểu đoàn tôi nhận lệnh hành quân chiến đấu.
Theo đường rừng, cả đơn vị lầm lũi đi về hướng tây bắc, hướng hồ Ampil, một căn cứ hết sức quan trọng của địch giáp biên giới Campuchia - Thái Lan mà trước đó 3 ngày, Tiểu đoàn 4 đã tiến công giành được nhưng sau đó, với sự giúp sức của quân đội Hoàng gia Thái Lan, địch đã phản kích chiếm lại khiến anh Đặng Duy Riềng - Đại đội trưởng Đại đội 1 và hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn hi sinh.
Là những người lính, chúng tôi hiểu trận này có ý nghĩa sinh tử đối với sự tồn tại của đơn vị trên hướng phòng ngự trọng yếu phía bắc Battamboong và cũng là cuộc trả thù cho những đồng đội đã hi sinh. Tôi được phân công “đi máy” (bảo đảm thông tin) cho Đại đội 11 do anh Ngô Xuân Sào là Đại đội trưởng.
Anh Sào sinh năm 1957, quê Nông Cống, Thanh Hóa. Anh là lớp cán bộ đàn anh của đơn vị, nhập ngũ năm 1975 và đã từng tham gia rất nhiều trận đánh với Pol Pot khi chúng tràn qua biên giới cũng như trong chiến dịch giải phóng Campuchia, vì vậy, anh rất có kinh nghiệm chỉ huy bộ đội. Bên cạnh sự thông minh, gan dạ, anh là người rất dễ mến vì đẹp trai, trắng trẻo và có tài văn nghệ. Anh thổi sáo, đánh đàn bầu rất hay. Cho đến tận hôm nay, những đồng đội đã một thời sống cùng anh vẫn nhớ rất rõ những âm thanh cao vút khi anh hát bài Tiếng đàn Ta lư ngay trên chiến hào sau những trận đánh phản kích địch tại Sanual hồi đầu chiến dịch. Mỗi khi anh cười, hàm răng trắng lóa, trông thật duyên và rất đàn ông. Với tôi, anh Sào là người chỉ huy mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, nên khi nhận lệnh đi với Đại đội 11 tôi vô cùng phấn khích.
Suốt một ngày hành quân trong cái nắng như thiêu như đốt của miền Tây Campuchia nên ai cũng rất mệt mỏi. Chiều muộn ngày 16/3, khi còn cách tiền duyên phòng ngự của địch khoảng 1km, đơn vị nhận lệnh dừng lại và bố trí đội hình chiến đấu giữa một cánh rừng khộp ken dày le dại. Trong lúc anh Sào và ban chỉ huy đại đội xuống các trung đội đôn đốc bộ đội đào hầm thì tôi tìm vị trí, đặt chế độ trực canh rồi mắc võng thiếp đi.
Đang say giấc, chợt nghe cậu Tuấn, liên lạc đại đội gọi:
- Anh Điền ơi, đưa bình tông em đi lấy nước.
Mùa khô ở xứ sở này thật khắc nghiệt, nóng như đổ lửa mà chẳng có mưa nên nước là thứ quý như vàng. Để đảm bảo hậu cần phục vụ chiến đấu trong điều kiện di chuyển đội hình, trung đoàn phải cho xe ô tô đưa nước lên cho bộ đội. Tuy nhiên, để giữ bí mật nên xe chở nước không đến tận từng tiểu đoàn mà dừng cách vị trí đóng quân khoảng 2km. Các đơn vị cử người đến lấy nước về cho bộ đội sử dụng. Mỗi người lính được phát một bình tông nước để uống trong ngày.
Lúc đưa bình tông cho Tuấn, lắc lắc thấy vẫn còn một ít nước, tôi rót ra cái bát sắt tráng men định uống nhưng nhớ là đã gần chục ngày rồi chưa được tắm, lại hành quân liên tục trong những cánh rừng le, rừng khộp bị địch đốt cháy nham nhở, ngứa ngáy khắp người, nên tôi liền cởi quần áo, định xem chỗ nào bẩn thì lau cho bớt ngứa. Nhìn cơ thể mình, tôi chợt phát hoảng. Từ cạp quần trở xuống, chỗ nào cũng đen kịt. Lúc hành quân, than tro và bụi đường cứ theo hai ống quần mà chui ngược lên thắt lưng, vì thế nên nửa cơ thể phía dưới không khác gì lính đặc công hóa trang trong đất. Nửa người phía trên trông có vẻ khá hơn.
Tôi dùng dao găm, xé đôi cái áo may ô đang mặc, một nửa nhúng vào bát nước thấm lên người, nửa còn lại, tôi để lau khô. Vì nước ít quá, nên khi xong để lại trên cơ thể vệt lau nham nhở giống như hình biếm họa của một họa sĩ tồi trên một gốc cây già... Lúc ấy, ai đó nhìn thấy cái thân hình gầy guộc và lọ lem lọ thỉu của tôi thì cũng không thể nhịn được cười...
Sau bữa cơm tối, nhìn anh Sào loay hoay lấy thuốc đánh răng, tôi nói đùa:
- Anh đánh răng làm gì, nước đang thiếu. Mai chiếm hồ của chúng nó, tha hồ mà tắm, mà uống, mà đánh răng anh ạ.
Anh bảo:
- Tao vừa ăn mắm tôm, giờ không đánh răng không chịu được. Với lại, phải giữ răng lợi cho đẹp để sau này về còn lấy vợ chứ, lỡ ế thì sao.
Nói rồi, anh cười phơ phớ…
*
* *
5 giờ sáng ngày 17/3, cậu Tuấn liên lạc lay võng, đánh thức mọi người dậy để chuẩn bị chiến đấu.
Tôi bật máy sang chế độ làm việc rồi cuốn võng, nhét vào ba lô, tìm giày để đi. Khi lấy đèn pin soi dưới gầm võng, soi mãi vẫn chỉ thấy hai chiếc giày cùng chân trái. Sợ lẫn giày của người khác, tôi hỏi nhưng chẳng có ai nhận. Giờ nổ súng đã đến, biết làm thế nào đây, đành mở hết dây giày, mắm môi mắm lợi cố nhét chân vào chiếc giày trái. Nó khiến tôi vô cùng khó chịu.
Đúng 5 giờ sáng, tiểu đoàn phát lệnh nổ súng. Tôi đeo ba lô lên lưng, bắt đầu phiên liên lạc. Đã tham gia rất nhiều trận đánh, nhưng trước giờ nổ súng, hầu như rất tự nhiên, lần nào răng lợi tôi cũng va vào nhau cầm cập, tim đập loạn xạ và một cảm giác lạnh mơ hồ xâm chiếm cơ thể mà không thể định nghĩa được đó là cảm giác gì.
Mở màn, pháo 130 li, 105 li của sư đoàn từ Svay Chek, Th’mo Phuok bắn cấp tập vào cứ điểm địch. Ngồi nép mình sau một gốc khộp, nghe tiếng đạn bay qua đầu, rít trong không trung và những tiếng uỳnh, oàng chát chúa ngay trước hướng tiến của đơn vị mà thấy ấm lòng. Những cây khộp rung lên rào rào theo từng nhịp bắn và mùi thuốc súng xộc thẳng vào mũi khiến cảm giác ớn lạnh dần tan biến.
Rồi tiếng pháo thưa dần. Thay vào đó, hỏa lực của tiểu đoàn bắt đầu lên tiếng. Các loại cối 82 li, DKZ75 và súng máy 12 li 7 được phân công đi theo hướng các phân đội liên tục bắn vào trận địa phòng ngự của địch. Tiếng đạn các loại nổ vang, tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp mà chỉ có những người lính đã từng qua trận mạc mới phân biệt được.
Từ các hướng tiến công, bộ đội lợi dụng địa hình địa vật, vừa tiến vừa bắn. Khắp nơi rền vang tiếng súng. Dù đã tang tảng sáng, nhưng đường bay của những viên đạn vạch đường, những vệt sáng xanh lét của những viên B40, B41 đan chéo vào nhau, tiếng nổ chát chúa các loại vũ khí náo loạn cả một vùng cảm giác như giữa đêm pháo hoa chào đón giao thừa.
Những tiếng điểm xạ “tạch tạch” của AK47 nổ ran các phía nghe thật giòn giã, xen vào đó là tiếng RPD, đại liên RPK, tiếng “cóc, oành” của cối cá nhân M79, tiếng “bùng” “uỳnh” của B40, B41 và những tiếng nổ đầu nòng “toóc, toóc” của cối 82, cối 60 khiến không gian như bị cô đặc lại.
Trộn trong các loại đạn của ta là những loạt bắn trả của địch. Đạn nổ toang toác vào cây. Có cảm giác trận đánh giống như một trận bắn thi của các loại hỏa lực. Mùi thuốc súng và khói bụi đắng nghẹt trong khoang miệng.
Ai đã từng tham gia chiến đấu mới hiểu, giữa trận mạc không có chỗ cho người nhát gan, mà chỉ là may rủi mới giúp ta sống sót. Lao lên phía trước thì “ăn” đạn bắn thẳng. Lui lại phía sau, chạy chậm hơn anh em thì ăn đạn pháo, cối và M79. Những loại đạn này khi nổ, mảnh bắn ra khắp nơi, giống như ta cầm một hòn đá lớn ném xuống một vũng bùn khiến nó bắn lên tứ phía chẳng biết đâu mà tránh. Vì vậy, bám sát đội hình tiến công, chạy theo anh em là cách tốt nhất để hạn chế thương vong.
Tôi chạy theo anh Sào giữa đội hình đại đội. Vì hai chiếc giày cùng chân nên rất khó cơ động. Bàn chân nọ cứ đập vào ống chân kia khiến tôi ngã oành oạch. Có những lúc bị ngã, tổ hợp máy rơi lông lốc, bám đầy đất cát, phải vừa chạy vừa thổi phù phù rồi lấy vạt áo lau đi mới có thể nghe được.
Vừa chạy, anh Sào vừa huơ khẩu K54 lên động viên bộ đội:
- Tiến lên đi các em, địch nó chạy hết rồi.
Rồi anh bảo tôi:
- Anh em mình chạy lên ụ mối kia nhé.
Nói xong, anh lao lên phía trước, tôi khom lưng chạy theo anh, chiếc cần ăng ten cứ lật phật phía sau lưng.
Tiếng súng của cả ta và địch vẫn vang lên khắp bốn phía tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp, khói bụi mù mịt. Đội hình tiến công của đại đội vẫn dâng đều giữa hai cánh. Những chàng lính trẻ, tuổi đời mới 20, 21 nhưng đã trở thành những cựu binh rất giàu kinh nghiệm trận mạc, giỏi vận động tiến công và lợi dụng địa hình địa vật. Họ bình tĩnh nổ súng và cơ động rất linh hoạt để hạn chế hiệu lực sát thương của hỏa lực đối phương.
Khi thấy đạn địch bắn đỡ rát, anh Sào lại bảo tôi:
- Mình chạy lên gốc cây kia em nhé.
Anh chạy trước, tôi lại lao theo anh.
Hai anh em nép vào một gốc cây khộp có đường kính chừng 30cm, kẻ trước người sau. Gốc cây nơi hai anh em tôi đứng lúc đó chỉ còn cách tiền duyên phòng ngự địch khoảng hơn 100m. Từ chỗ đứng, tôi nhìn rất rõ những tia lửa đầu nòng của khẩu đại liên địch đang bắn tới. Chúng bắn xối xả về hướng tiến của đại đội.
Phía sau chỗ hai anh em tôi đứng, chiến sĩ khẩu đội cối 60 bị thương do bị đạn bắn trúng má. Viên đạn bay ngang làm vỡ xương hàm, máu ở miệng trào ra ướt đẫm cổ và ngực áo. Anh em lôi anh vào bụi cây gần đó để băng bó, anh chỉ ra hiệu chứ không nói được câu nào.
Bên cánh trái, một chiến sĩ khẩu đội đại liên bị đạn địch bắn gãy một chân. Anh em trong khẩu đội đang khom người băng bó rồi gọi vận tải lên đưa về phía sau. Bên cánh phải, một chiến sĩ vấp mìn, bị thương vùng bụng, máu trào ra ướt đẫm chiếc áo rách te tua.
Bộ phận vận tải phải liên tục cơ động trong làn đạn địch để đưa thương binh về phía sau. Tình thế hết sức khẩn trương, đội hình tiến công của đại đội khựng lại, không thể tiến lên được.
Lúc ấy, gương mặt anh Sào bỗng nhiên đanh lại, hết sức căng thẳng. Rất nhanh, từ gốc cây nơi anh em tôi đứng, anh nhún người lấy đà lao nhanh sang một ụ mối lớn, chếch sang trái so với hướng tiến của đại đội khoảng 20m.
Tôi rướn người định chạy theo, nhưng thấy lúc anh chạy, đạn địch bắn “cạch, cạch” bụi mù ngay phía trước gốc cây, nên chợt nghĩ, nếu mình chạy tiếp, chắc chắn chúng sẽ không bắn trượt, nên đành dừng lại chờ cơ hội.
Từ ụ mối đang nấp, phát hiện thấy hỏa lực địch, anh Sào quát to:
- Thiện, Thiện, cho khẩu B41 bắn vào khẩu đại liên một phát.
Không có câu trả lời, chỉ tiếng “tách” khô khốc, sau đó là vệt lửa xanh lét bay ra từ phía khẩu B41 lao về phía địch. Một tiếng nổ “bùng, oàng” vang lên, khẩu đại liên của địch câm bặt.
Đúng khoảnh khắc ấy, tôi nhìn thấy anh Sào ngã ngửa người về phía sau và đổ xuống như một cây rừng bị đốn hạ.
Cậu Tuấn liên lạc từ phía sau lao đến, gọi với sang tôi giọng lạc đi:
- Anh Điền ơi, báo về tiểu đoàn, anh Sào bị thương rồi.
Tôi dùng mật danh báo với tiểu đoàn:
- Báo cáo tiểu đoàn, đồng chí Sào, Đại đội trưởng Đại đội 11 bị thương.
Ngay sau đó, vẫn giọng Tuấn lại thét to:
- Anh Điền ơi, anh Sào chết rồi.
Nó khóc hu hu, trông thật tội nghiệp.
Tôi ào đến.
Anh Sào đã chết. Khi anh ngã xuống, nghĩ rằng anh chỉ bị thương, Tuấn lấy chiếc khăn krama để trong ba lô định quấn lên đầu anh, nhưng lúc đỡ anh dậy mới phát hiện anh đã chết.
Viên đạn đại liên của địch bắn trúng đầu anh, tạo thành một lỗ nhỏ ngay giữa trán. Một dòng máu đỏ tươi chảy loang xuống mắt, xuống má. Phía sau gáy, cả hộp sọ toác ra, máu và óc trào đầy lòng bàn tay Tuấn.
Người anh mềm nhũn trong vòng tay đồng đội, đôi mắt nhắm nghiền, bình thản như đang ngủ. Chúng tôi gào lên, gọi tên anh… Có lẽ anh rất hài lòng khi hỏa điểm của địch đã bị tiêu diệt. Anh ra đi khi chiến thắng đã rất gần.
Tôi sững sờ. Mới trước đây mấy phút thôi, anh bên cạnh tôi, vừa chạy vừa chỉ huy bộ đội, giọng anh ấm áp truyền cho anh em dũng khí để xông lên tiêu diệt quân thù. Ở anh, vừa toát lên sự dũng mãnh, quyết tâm của một vị chỉ huy, vừa chan chứa tình yêu thương của người anh với đàn em thơ dại. Giữa trận mạc, giữa chốn bom rơi, đạn nổ, anh vẫn truyền đến chiến sĩ của mình những tình cảm thân thương như nói với những đứa em trong gia đình “Tiến lên đi các em, địch nó chạy hết rồi”...
Vậy mà giờ đây, anh nằm bất động, không nói năng gì. Thương xót quá mà biết làm sao được.
Khoảng 5 phút sau khi anh Sào hi sinh, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Chúng tôi ào lên mặt chiến hào. Một cảnh tượng tan hoang đến ghê rợn, máu me bê bết loang đỏ trên mặt đất. Những chiếc lều xiêu vẹo treo đầy những bộ quần áo rằn ri còn bê bết máu. Những vệt kéo xác chết hằn thành những đường ngoằn ngoèo trên mặt bùn ven hồ. Những dải băng trắng loang lổ máu vương vãi. Mùi máu trộn lẫn mùi thuốc súng tạo thành một thứ hợp chất tanh nồng rất khủng khiếp cứ váng vất trong không gian.
Ngay trên mặt chiến hào, những xác địch chết bị bỏ lại nằm với những tư thế khác nhau. Đạn dược, tăng võng và cả những hộp thịt, hộp cá của Thái Lan vứt lăn lóc khắp nơi.
*
* *
Bình minh vừa lên, mặt trời đỏ rực soi rõ những thân cây cháy nham nhở dọc chiến hào. Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Ta đã chiếm và hoàn toàn làm chủ Ampil.
Phía sau những chiếc lều bạt rách loang lổ và đầy mùi máu, mùi chết chóc tanh nồng là một hồ nước trong vắt, rộng mênh mông, với những khóm lục bình đang nở hoa tím biếc. Mấy con chim bói cá thấy bộ đội ta nhào xuống tắm, vội chao cánh bay lên... Không gian thanh bình, êm ả như trước đó chẳng hề có trận đánh nào xảy ra.
Sau khi bố trí xong đội hình chiến đấu, sẵn sàng đánh địch phản kích, bộ đội thay nhau xuống hồ tắm táp và giặt giũ, bù lại những ngày bẩn thỉu, khổ cực đã qua. Tôi cũng tranh thủ tắm gội, giặt tăng, võng và bộ quần áo nhàu nát trong đáy ba lô.
Lúc tìm bàn chải đánh răng, lục tất cả mọi ngóc ngách ba lô vẫn chẳng thấy đâu. Cậu Tuấn liên lạc thấy thế liền đưa cho tôi chiếc bàn chải đánh răng Thái Lan màu xanh rất đẹp và còn khá mới.
- Của anh Sào… Anh lấy mà dùng.
Giọng Tuấn nghèn nghẹn, mắt ầng ậc chực khóc. Nhìn ánh mắt Tuấn, tôi hiểu. Anh Sào ơi! Anh là người hết mực yêu thương lính mình, nhắc anh em chuẩn bị từ cái nhỏ nhất để làm sao bảo đảm được sức khỏe trong chiến đấu, tránh thương vong… chia sớt cho anh em cả sinh tử của mình thì anh tiếc gì cái bàn chải đánh răng. Thậm chí, em không dùng chiếc bàn chải này, anh còn buồn, còn bị anh trách móc... Mới tối hôm qua thôi, cũng chiếc bàn chải này anh vẫn còn dùng nó, mà nay anh không còn nữa. Mắt tôi rưng rưng lệ…
Sau này, khi về học tại Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp, tôi vẫn dùng cái bàn chải của anh suốt 3 năm. Mà kì lạ, chẳng hiểu tại sao nó lại bền thế chứ. Tôi cứ dùng mãi, như một kỉ vật thân yêu của chính mình. Mãi tới học kì cuối cùng, trong đợt diễn tập tại trường bắn Cam Lâm, chiếc bàn chải bị rơi đâu mất. Đến lúc ấy, tôi mới mua chiếc khác thay thế.
Hôm nay, sau hơn 40 năm kể từ ngày anh hi sinh, tôi mới về được quê anh, xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Được đến ngôi nhà nơi anh từ đó lên đường ra trận, được thắp nén nhang lên phần mộ của cha mẹ anh, được quỳ xuống phần mộ của anh và xin trả lại anh chiếc bàn chải đánh răng mà tôi đã mượn anh suốt mấy chục năm qua.
Anh vẫn như đang còn sống, như vẫn đang cười với tôi khi thấy tôi trở về.
Còn tôi, nước mắt giàn giụa. Tôi đã khóc khi thấy anh ngã xuống nơi chiến trận và hôm nay, nước mắt lại nhạt nhòa ngay trước phần mộ của anh.
N.V.Đ
VNQD