Đồi hoang

Thứ Tư, 01/07/2020 07:47

Truyện ngắn. BÙI THANH THÙY

1.

Bản Muông nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa thung lũng, bốn bề bao quanh bởi những dải đồi núi xanh thẫm, quanh năm heo hút gió ngàn. Muốn vào bản phải đi qua một con dốc dài, đổ thoai thoải, hai bên đường cỏ lau trắng muốt như những cụm mây xốp bị xé tan, vương vãi trong gió.

Nhà của thằng câm ở ngay giữa bản. Đó là một cái nhà sàn rộng ba gian, cột làm bằng gỗ lim nhưng đã cũ kĩ lắm rồi. Cây nêu trước nhà buộc một dải lụa đỏ tươi, giờ đã ngả sang màu trắng bệch, rách tả tơi, bay lất phất trong mưa bụi. Vách tường gỗ nâu mốc lên vì mưa qua gió lại, ô cửa sổ đan bằng nứa bị mối gặm xiêu vẹo như sắp rời ra.

Người ta bảo, nhà thằng câm vốn dòng dõi nhà lang. Nhà nó vốn hiếm con, hiếm cháu. Nghe đâu ngày đẻ được nó, bà mệ già gần tám mươi tuổi mừng chảy nước mắt, mổ con lợn hơn tạ khao cả bản. Mệ đặt cho nó cái tên đẹp lắm, tên Vương. Nhưng ba tuổi, rồi năm tuổi, nó vẫn không biết nói, gặp ai cũng ngơ ngơ ngác ngác. Người ta quên cái tên của nó, chỉ gọi thằng câm. Rồi mẹ nó chết trong một lần đi lấy củi, sẩy chân ngã xuống vách núi, không tìm thấy xác. Cha nó suy sụp hẳn, lại ngao ngán thằng con câm, bỏ lên núi hái lá thuốc, ủ rượu cần, không còn muốn xuống bản nữa. Nhà thằng câm từ ấy lụn bại dần.

Từ ngày ấy, vào những buổi chiều tà, người ta thường thấy thằng câm ra ngồi trên bậu cửa nhà sàn, đung đưa đôi chân lấm đất, mắt trông mãi về hướng núi xanh tít tắp. Ánh mắt của nó lẫn trong hoàng hôn đầy sương mù, như mắt của một con chim non đói, nhẫn nại đợi chim mẹ trở về. Người ta đi qua, động lòng thương, mang cho nó một khúc sắn luộc hay củ khoai nướng. Nó mải mốt ăn, muội than dính cả lên hai má căng ra vì nứt nẻ. Nó chỉ đăm đăm nhìn về phía núi, mắt không vui không buồn. Mãi đến khi bóng tối phủ xuống từng bậc cầu thang mòn lõm, nó mới chịu đứng lên đi vào nhà. Căn nhà lúc nào cũng tối như đêm. Để rồi hôm sau, thằng câm lại ra đúng bậu cửa ấy ngồi, lặng lẽ như một cái bóng.

Nhiều năm sau này, người ta không còn thấy đứa bé mòn mỏi ngồi đợi bố ở bậc cửa nữa. Như một thân cọ dẻo dai, thằng câm vụt lớn lên từ bao giờ. Nó nhỏ người nhưng chắc nịch, da đen, cặp mắt nhỏ dài, thăm thẳm sâu như hai kẽ đá vỡ, nói chuyện lúc nào cũng đăm đăm nhìn xuống đất, chưa bao giờ nhìn thẳng vào mắt ai. Thằng câm không có chút gì dáng vẻ của cụ nó, một ông lang dũng mãnh có tiếng, đã từng săn được cả lợn lòi, hươu đực, có bắp chân to như cây chuối và giọng nói sang sảng như tiếng chuông đồng. Bù lại, thằng câm rất chăm làm, chưa bao giờ người ta thấy nó ngồi chơi hay la cà nhà này nhà nọ. Dường như lúc nào nó cũng âm thầm lảng tránh người trong bản. Những khi vào núi chặt măng tre, măng trúc, lúc cuốc đồi trồng sắn hay xuống suối đặt nơm cá, nó luôn lẳng lặng làm một mình.

Vào những đêm trăng sáng, đám con trai con gái trong bản thường rủ nhau ra khoảng đất trống cạnh hồ Voi. Người ta đốt lửa, mang ra một bình rượu lớn, rồi trai ra trai, gái ra gái, chia thành hai phe, cầm tay nhau hát đối, hát xường. Bên nào hát thua, không đối lại được thì phải uống hết lượt rượu ấy. Khi rượu gần cạn thì bên nào mặt cũng đỏ bừng, mắt sáng long lanh, nhiều người đã nên vợ nên chồng từ những đêm trăng ấy. Nửa đêm cuộc hát mới tàn, người ta kéo nhau về nhà để lại đống lửa trơ lại tàn than hồng hồng và bãi cỏ đầm đìa sương đêm.

Đêm nào thằng câm cũng mò ra hồ Voi, nấp sau một tán cọ già ướt đẫm ánh trăng, nhìn đám thanh niên đang vô tư hát múa bằng cặp mắt khao khát. Nó chưa một lần dám bước ra, cùng uống rượu, cười đùa. Nó như con thú lẻ bầy, sống cô độc đã quá lâu. Nó thậm chí còn chẳng nhớ mình đã bao nhiêu tuổi, dân bản cũng không ai còn nhớ. Người ta chỉ biết rằng ở bản Muông có thằng câm còn chưa dựng vợ gả chồng. Gặp nó ngoài đường, người ta hay trêu:

- Mày có muốn lấy vợ không?

Nó lắc đầu, mồm ú ớ những thanh âm méo mó. Chẳng ai hiểu nó muốn nói gì. Nó không biết nói, không thể hát đối cùng bọn con gái, lại nhà nghèo, nhất là không có cha mẹ. Không có cha mẹ, đấy là việc gay go nhất. Người Mường coi trọng lễ nghi. Không có người lớn đến nhà đặt câu chuyện, mang theo đôi gà, buồng cau, việc lớn khó thành.

Ngày ngày, đợi khi trời muộn, thằng câm mới ra suối gỡ nơm. Giờ ấy, người đi làm đã về hết cả, không còn lo chạm mặt ai. Nhưng hôm ấy, bờ suối có người. Một đứa con gái đang khom lưng, cắm cúi rửa những trái mơ vàng. Quần xắn ngang khuỷu chân, mái tóc đổ dài xuống một bên vai, chạm cả vào dòng nước trong văn vắt. Thằng câm núp sau mô đất, nhìn trân trân vào đôi bắp chân trắng mơ màng. Đứa con gái khe khẽ hát. Nó nhận ra giọng của Nhạn, đứa hát hay nhất bản. Nhạn không quá đẹp, nhưng có giọng hát thanh thanh và cặp mắt buồn buồn, nhìn ai là khiến lòng người ấy mềm hơn cả nước hồ Voi.

Nghe tiếng động, tiếng hát ngừng bặt. Đứa con gái quay lại, bê theo cả rổ mơ đang rỏ nước tong tỏng. Thằng câm đang đứng dưới tán cây, mặt như hóa đá. Nhạn nhìn vẻ mặt sững sờ của thằng câm, bỗng thấy thương hại liền với tay vào rổ, lấy ra một vốc mơ, đưa đến trước mặt:

- Có muốn ăn không?

Thằng câm rụt rè đưa tay ra. Nhạn trút mơ vào lòng bàn tay khum khum đang rung lên khe khẽ kia, và bảo:

- Đêm nay Vương ra hồ mà chơi. Không ai chê đâu, không hát được thì uống rượu. Biết đâu lại tìm được vợ đấy.

Nhạn đi rồi, thằng câm đứng ngẩn người bên bờ suối, tay nắm chặt những quả mơ lạnh ướt. Từ lâu lắm rồi, nó mới được nghe người ta gọi mình bằng cái tên Vương ấy…

Những đêm trăng sau này, thằng câm đứng hàng giờ trong bóng tối, câm lặng như bức tượng đồng im phăng phắc sau búi cọ già. Nó chỉ nhìn mỗi Nhạn.

Cuối năm ấy, Nhạn về nhà chồng, của hồi môn là một dải bảy sợi dây xà tích bạc mà bà mệ bọc kín đáo trong bốn lần vải cũ, dúi vào tay trước lễ xin dâu. Từ ngày dạm ngõ, trước ngày cưới cả tháng, người ta đã bảo nhau “Con Nhạn may thật, được làm dâu nhà bá Chiển. Nhà ấy giàu thế, con dâu không phải chịu khổ đâu”.

Ngày cưới, Nhạn mặc váy mới, đeo xà tích bạc, hai má đỏ bừng, bẽn lẽn để Chiển dắt tay đi. Nhà trai nhà gái chỉ cách nhau vài trăm bước chân. Cả bản kéo nhau đi ăn cỗ cưới. Chỉ có thằng câm là ngồi một mình bên bờ suối Bạc, tay ném lia lia những hòn sỏi trắng vào xoáy nước ngầu bọt, làm xoay tít những chiếc lá vàng. Khi ngọn đèn trong gian buồng của đôi vợ chồng mới cưới tắt phụt, cũng là lúc thằng câm thất thểu đi về.

Ngày Nhạn sinh đứa con đầu lòng, trời mưa như trút, Chiển đi ăn cỗ từ sáng chưa về. Mẹ chồng đốt một đống lửa to, trải nệm cho con dâu nằm ngay bên cạnh bếp. Lửa bùng bùng cháy, hắt lên đỏ rực cả bức vách, soi rõ nét mặt lạnh như đá. Từ ngày về làm dâu, vẻ mặt trơ lạnh của mẹ chồng luôn làm Nhạn thấp thỏm sợ hãi. Khi cơn đau quằn bụng dưới mỗi lúc một dày, mẹ chồng liền thốc tuột váy Nhạn lên quá ngực, gập hai đầu gối con dâu lên ngang vai, bảo “Cố rặn đi”. Nhạn đau chới với, một dòng máu ngoằn ngoèo bò giữa hai đùi run rẩy, co rút. Những sợi gân xanh hằn trên đùi cũng run rẩy, thân dưới như có mảnh nứa cùn đang cứa mãi, cứa mãi cho đến khi thịt đứt, máu đổ, người xẻ làm đôi. Mẹ chồng ấn vào bụng Nhạn, ấn đến lần thứ năm thì đứa bé tháo ra. Một đứa con gái đỏ hỏn, trơn tuột, bé như một con mèo rừng. Không một tiếng khóc, không một cái đạp chân vùng vẫy quẫy gào, mẹ chồng lắc đầu bảo: “Thôi, đứa này hỏng rồi”. Nhạn vừa nghe đến thế đã ngất đi.

Tối đến, mẹ chồng bưng cho Nhạn một bát cơm đầy với mấy con cá kho nhưng không liếc qua cái mặt tái mét của con dâu lấy một lần. Lúc sau, bỏ thêm vài gộc củi to vào bếp, dặn: “Đêm nay mày ngủ ở đây. Đàn bà vừa đẻ xong, phải ngủ gần bếp vài hôm mới mau có sức”. Chiển đi uống rượu về, đứng khuỳnh tay ở ngưỡng cửa, biết đứa con đã hỏng, hầm hừ đá con mèo một cái, bỏ đi, sang nhà thằng Đắc uống rượu tiếp. Ngày mai, nhà bên ấy rước dâu…

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

Nhạn quỳ cạnh bếp lửa, khóc không ra tiếng. Nước mắt chảy qua kẽ tay, mằn mặn, dấp dính, nước mắt người đàn bà vừa qua cơn đau sinh nở như còn dính máu, lửa cũng không hong khô đi được. Thằng câm vẫn đứng dưới gầm sàn, hai chân tê cứng. Nó đã rình Nhạn nhiều đêm rồi. Nó nuốt lấy những tiếng thét đau xé của người đàn bà, thấy cả hơi ấm đôi chân Nhạn quỳ chơ vơ trên sàn. Nước mắt Nhạn chảy qua kẽ hở của ván gỗ sàn nhà, rỏ vào hai má nó bỏng rát. Những vệt sáng của ánh lửa le lói hắt dọc khuôn mặt đen sạm trông cũng giống như những vệt nước mắt dài. Lửa đã lụi nhưng than vẫn đỏ rừng rực, than từ gộc củi của cây xoan già, cháy đượm rất lâu. Nhạn khóc quá, ngất lịm đi, ngả trọn khuôn mặt vào vũng than đỏ lừ. Mớ tóc bắt lửa rất nhanh, cháy bùng bùng như bó đuốc, cả căn bếp bốc lên mùi cháy khét của thịt sống. Thằng câm di di mũi chân trên đất, óc lạnh buốt kinh hoàng. Rồi, nhanh như một con sóc, nó nhảy ba bậc một lên cầu thang nhà sàn, đạp tung phên cửa. Không nhìn, cũng chẳng kịp nghĩ, nó bế xốc Nhạn lên, chạy ra phía hồ Voi. Trong lúc bấn loạn, thằng câm vùi cả nửa thân người trên tay mình vào hồ nước. Mặt nước xộc lên tiếng xèo xèo ghê tai, như tiếng người ta thả cái bánh bột mì vào chảo mỡ quá già. Khi được thằng câm nhấc cả thân người đẫm nước lên khỏi mặt hồ, Nhạn vẫn chưa tỉnh. Mẹ chồng Nhạn chạy theo sau, rú lên hãi hùng khi thấy mặt con dâu, rồi gập người xuống nôn thốc nôn tháo…

Lửa đã hủy hoại hoàn toàn khuôn mặt của Nhạn, cũng hủy hoại luôn cả giọng nói. Nhạn trốn trong buồng tối cả mấy tháng trời, không còn muốn ra gặp ai. Bữa cơm, Chiển nhìn khuôn mặt sưng đỏ vì sẹo bỏng của vợ, miếng cơm và vào miệng tắc lại, chua gắt, hầm hầm mang bát cơm đổ vào máng lợn…

Một hôm, giữa bữa cơm trưa, mẹ chồng bảo:

- Mày lên đồi Mô, tao dựng nhà cho mà ở. Đời mày thế là hết, nhưng đời thằng Chiển còn dài, mày không đẻ được con thì đừng làm khổ nó mãi.

 

2.

Bản Muông dần dần trở thành điểm du lịch sinh thái mới.

Điều ấy đến quá đột ngột, như luồng gió lạ từ đâu bất chợt quét qua cái bản nhỏ bé êm đềm, thổi tan bầu không khí u buồn như đã phảng phất suốt trăm năm. Những ngày đầu tiên, người ta chưa kịp quen với những tốp khách bất ngờ, ồn ã, và vẫn còn bị giật mình bởi tiếng xe máy nổ giòn giã từ con dốc đầu bản. Nhưng dân bản luôn sẵn lòng để khách vào thăm nhà, vui vẻ mời khách ăn một ống cơm lam, uống với chủ nhà một ngụm rượu cần. Gò má bọn con gái đỏ bừng lên mỗi lần thấy các cậu trai thành phố cầm máy toan chụp ảnh. Đâu đó đã mọc lên vài cái nhà sàn làm chỗ nghỉ chân dành cho khách. Đêm đêm, hơi rượu nồng tỏa và tiếng người cười nói vang lộng cả sóng nước hồ Voi. Mùa hạ, trời đêm êm như nhung, khoảng đất trống bên hồ lúc nào cũng dập dìu người qua lại, tiếng hát mời trầu trong vắt và tiếng chiêng ngân sáng ấm cả mặt hồ rồi tan loãng vào sương đêm.

Hồi đầu, Nhạn còn hay xuống bản, rụt rè và lẩn lút, khi thì để mua một mảnh vải mới, một cái khăn thắt lên cạp váy, hoặc đổi mớ măng lấy ít thịt, trứng gà. Không nói được nữa, Nhạn chỉ biết nhìn và giơ tay ra hiệu. Người ta không dám nhìn vào con mắt đã trụi lủi cả lông mi, lông mày, nhấp nhánh dưới vành nón cọ. Nhạn đầu cúi gằm, gần như giấu mặt trong mảnh khăn xanh. Từ ngày bản Muông có thêm những người khách lạ, Nhạn càng ít xuống hơn trước. Lối đi trên đồi lâu ngày bị lá rụng phủ dầy và cỏ dại mọc lên, tốt bời bời. Rồi mệ đẻ Nhạn chết, Nhạn hầu như không xuống bản nữa, nhà Chiển và dân bản cũng gần như quên hẳn người đàn bà sống cô độc.

Đồi Mô cảnh sắc âm u và có những bụi lau sậy trắng xơ xác cao ngút đầu người, dân bản ít bước lên đó nữa. Nhưng điều ấy không thể ngăn cản sự liều lĩnh của đám thanh niên, nhất là bọn trẻ choai choai. Những đứa con trai, con gái chỉ vừa lớp tám, lớp chín đã bỏ học, làm người dẫn đường cho khách du lịch. Chúng đưa khách sục sạo khắp các hẻm núi, xó đồi sâu hút. Những đọt măng tre mập mạp vừa đội đất nhô lên đã bị mảnh nứa cắt bén ngọt, rỉ ra dòng nước đặc sệt, vàng óng, lóng lánh dưới đốm nắng trưa. Chúng còn lăn lóc trong rừng để tìm cây huyết đằng, chuối hột, nếu may mắn còn có thể tìm thấy cả tổ ong mật. Đã có đứa vô tình đánh động tổ ong đất, không chạy kịp, bị ong đốt đến chết. Khi bố mẹ vật vã tìm thấy con thì người đứa trẻ đã tím bầm lại, mặt hằn nguyên nét kinh hoàng.

Càng về chiều, khí núi càng âm u. Từ trên đồi Mô trông xuống chỉ thấy vài bóng áo trăng trắng thấp thoáng trong lao xao lá cọ. Sương mù cuồn cuộn tuôn lên từ những kẽ đá nứt, từ lòng hồ và các hẻm núi nhỏ. Thỉnh thoảng, một đợt mây lạnh từ đỉnh núi tràn xuống lòng thung, vây phủ không gian trong màn sương xám mịt mù. Nhìn lên phía đồi Mô, đôi khi người ta thấy một bóng đen nhợt nhạt thoáng hiện giữa bồng bềnh sương trắng rồi biến mất, vụt qua như chớp mắt. Cùng lúc ấy, ánh lửa từ phía căn nhà của người đàn bà cô độc bị chồng bỏ bỗng bùng lên, đỏ lập lòe như ma trơi...

Dải nắng cuối ngày nhạt đi, sáng nhẹ và mỏng manh, những hạt bụi vàng rơi xuống suối Bạc... Nhạn hụp người, vốc nước khỏa khắp thân mình, để nước mơn man những vết thương mà lửa đã nung đỏ. Và khi trồi lên, cả tấm thân mềm ấm cũng hiện lên giữa dòng nước chảy, mịn màng rờ rỡ, xé tan tấm thảm óng ánh gợn vàng. Hai bầu vú nhô cao khỏi mặt nước, trắng mềm như sữa đọng. Nắng còn đủ sáng trên hai cánh tay để trần loáng nước, bờ hông nảy nở, len lỏi vào khoảng êm tối giữa đôi chân trắng... Nhạn không xấu hổ cũng chẳng sợ hãi, thản nhiên lồ lộ thân mình dưới khoảng trời vàng thẫm ánh chiều.

Bỗng có tiếng động sột soạt trong lùm cây dưới chân đồi, Nhạn quay lại, một con chim sẻ hoảng hốt bay vụt lên. Lùm cây rung rung, thấp thoáng mái đầu một thằng con trai. Thằng câm đang đứng ngắm Nhạn. Nhạn cứ thế lội nước, trần truồng đi thẳng đến không chút e dè, tư thế của một người đàn bà chẳng còn sợ hãi, chẳng còn điều gì có thể làm cho thất vọng hay ngạc nhiên. Tấm thân đàn bà ướt át, từ gót chân tới cổ đẹp lồ lộ, hứa hẹn niềm yêu nhưng khuôn mặt thì thật dễ sợ với vô số vết bỏng ngang dọc, đỏ lựng như những dấu ấn độc địa.

Thằng câm mặt đỏ bừng nhưng không giấu được vẻ kinh ngạc trong đáy mắt. Cái nhìn của nó trong suốt, dán lên da thịt Nhạn. Nó ngắm nhìn bằng cặp mắt đăm đăm trìu mến, giống như bao lần không dám vào ngôi nhà trên đồi, chỉ nhìn qua khe cửa. Đến lượt Nhạn lúng túng trước cái nhìn quá tha thiết ấy nhưng cảm thấy giận dữ vì thằng câm hèn quá…

Nhạn vơ đống quần áo chạy lên đồi, thằng câm đứng nhìn rồi cũng chạy theo...

 

3.

Một đêm bão về, không một dấu hiệu báo trước. Quãng gần nửa đêm, chớp rạch ngang, bổ dọc, sáng lóe, sấm dậy ì ùng, rồi cơn mưa rừng đột ngột ào đến. Rừng cọ oằn oại dưới những hạt mưa như roi quất, lá cọ rách toang, nát nhừ, quăng quật khắp nơi. Mảnh mái nhà bị gió thổi bung, thốc lên đến tận lưng chừng trời, mưa hắt vào mặt lạnh rát. Thằng câm đang nằm cạnh Nhạn giật mình, chạy ra ngoài leo lên mái nhà, cố ghì lấy những mảnh mái cọ đang bị gió thốc bần bật. Đúng lúc ấy một tia sét lóe lên trắng lóa, rạch toang trời, thằng câm trắng bệch và ướt sũng, tay nắm chặt mối lạt đã bung, rơi xuống đất. Nhạn ào tới, xiết chặt, cố đưa vào nhà…

Thằng Chiển lại lấy vợ, người ta bảo thế. Đứa con gái ấy mới mười tám tuổi, con của một ông thợ xẻ, không biết têm trầu đẹp, không hát hay như người vợ cũ nhưng sắc sảo hơn, nhà lại có của ăn của để. Trên mảnh đồi nhà mình, Chiển đã tính dựng lên vài cái nhà sàn to rộng, làm chỗ ăn uống, ngủ nghỉ cho khách du lịch. Sẽ trồng đủ loại hoa, đặt cả hòn non bộ và cây cảnh, đẹp không khác gì các khách sạn dưới thành phố.

Đồi quê chang chang nắng. Chiển dọn mặt bằng bằng một can dầu. Rừng cháy nghi ngút. Thân cọ cao lớn, quằn quại trong lửa rừng rực. Hàng trăm chùm quả bị nung chín, chảy ra thứ nước sền sệt, đen thẫm như máu bầm sôi xèo xèo trên những thân cây đã ngã. Vô vàn tán cọ héo quắt mang theo lửa đỏ, huơ huơ lên trời. Lửa lém lên cả đồi Mô nhưng Chiển không để ý. Chiển đang mơ đến cơ ngơi đồ sộ sau này, bản Muông thành khu du lịch có tiếng, khách đổ về đây mỗi ngày một đông, nhà sàn nào cũng chật kín người và hàng xấp tiền nặng trĩu…

Khi lửa đã nguội hẳn trên đồi Mô, có một toán người được thuê đi dọn những thân cây chưa cháy hết. Quả đồi giờ trơ trọi, im lìm như đã chết dưới lớp vụn than xám lạnh. Thỉnh thoảng người ta lại nhặt được xác của một con chim hoặc một con mèo rừng, khô cứng và phủ đầy tro. Dọn thêm một quãng nữa, người ta tìm thấy hai cái xác người vùi dưới lớp muội tro đen bẩn, bị một gốc cọ cháy dở đổ đè ngang thân người. Dù hình dáng không còn rõ nhưng người ta vẫn cho rằng đấy là một người đàn ông và một người đàn bà. Người ta chú ý nhiều nhất đến bàn tay của người đàn ông đã chết. Bàn tay co quắp, đôi chỗ lộ ra khớp xương trăng trắng, trông như chùm rễ cây bủa ra ôm lấy người đàn bà từ phía sau, ôm rất chặt không cách gì gỡ nổi. Cách đó không xa, bốn cột nhà đã ngún khói từ lâu, đen sẫm và cô độc in lên khoảng trời bồng bềnh mây trắng. Miệng người đàn ông hơi cong lên một nét mơ hồ, tựa như một nửa nụ cười mãn nguyện vẫn còn chưa kịp tắt...

 

B.T.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)