.Truyện ngắn. PHẠM GIAI QUỲNH
Nhân viên soát vé mời mi lên tàu với nụ cười đông cứng, một nụ cười được lập trình qua công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tuồng như bất động và đanh rắn. Mi nhìn đồng hồ, còn hai mươi phút nữa mới đến giờ khởi hành, vẫn kịp hút một điếu thuốc. Mi lần vào túi áo, nhưng chỉ thấy trống không. Mi đành thở dài một hơi, rồi xốc ba lô, bước lên tàu. Bậc lên xuống dằn ken két sau mỗi bước chân, thứ hơi sắt lạnh lẽo xộc lên xuyên vào buồng phổi làm mi gần như phải bật ra tiếng ho khan, nhưng mi chỉ có thể nén nó lại, mi đã quen nén lại mọi thứ kể cả tiếng ho của mình.
Tìm tới chỗ ngồi ghi trên vé, mi thấy phía đối diện đã có một người ở sẵn đó rồi, trong một sát na, mi tưởng như gã đã ngồi đó được vài giờ, thậm chí vài năm, vài trăm năm, gã ngồi đó - như một điều hiển nhiên đã thế.
Khoang tàu vắng, vẫn chưa có mấy khách lên hoặc giả trong chuyến đi này chỉ có mi và gã. Tựa lưng vào chiếc ghế mềm phảng phất mùi ẩm mốc lẫn với mùi điều hòa, mi ho hắng để loại bỏ bầu không khí lúng túng, người nọ chỉ hơi nhìn mi rồi lại tiếp tục quan sát quang cảnh ngoài cửa sổ. Nó bỗng biến thời gian chờ tàu chuyển bánh thành đoạn khoảnh khắc nhàm chán và dai dẳng, nếu mi mang theo một cuốn sách thì có lẽ sẽ đỡ hơn, nhưng vì sợ nhỡ tàu nên chỉ kịp xách ba lô đựng quần áo và đồ dùng cá nhân mà thôi.
Rút một cuốn sổ tay nhỏ bọc bìa thổ cẩm từ trong túi áo khoác, mi bần thần nhìn những ghi chép của mình trong đó, không biết phải viết gì tiếp theo, tìm đề tài nào tiếp theo. Sau cuốn sách đầu tay, mi dường như bị khóa kín trong một chiếc hộp gỗ, đó chẳng phải hộp pandora ẩn chứa bí mật gì, chỉ là một chiếc hộp trống rỗng, chứa đầy bóng tối và sương mù. Mi cứ đi mãi trong không gian đó, mà chẳng tìm được ánh sáng để thoát ra.
Gã lại quay đầu nhìn mi, bây giờ mi mới để ý thấy người đối diện có một gương mặt khác lạ: mắt một mí dài mảnh nhưng đuôi mắt hất lên kiểu mắt phượng, tóc cắt gọn gàng chải ép vào da đầu, mũi cao, miệng nhỏ như miệng con gái. Nhìn xuống, chỉ thấy gã bận một bộ quần áo đi rừng, chất liệu thô và đôi chỗ nơi áo khoác đã sờn cũ, còn thấy cả vết xước to chẳng rõ là bị thú hay cây cối cào vào. Bánh tàu nghiến ken két rồi chầm chậm chuyển bánh, thân hình gã hơi lắc lư như một nhánh cây nhỏ giữa rừng khi có gió, không biết vì sao mà mi cảm thấy vô cùng ấn tượng với hình ảnh này, song lại là một kiểu ấn tượng xưa cũ, cơ hồ đã bắt gặp ở đâu đó trong giấc mơ hoặc giả trong một chuyến đi. Đôi khi gương mặt của nhiều người trở nên vô cùng giống nhau ở từng thời đoạn trong đời, như thể tạo hóa sinh ra và thiết lập sẵn dáng dấp hình hài của họ tại một “độ” nào đó.
Mi vẩn vơ suy nghĩ, không biết rằng mình đã đánh rơi ánh mắt trên người gã quá lâu. Mi vẫn giấu đôi mắt mình sau lớp kính dày, dựa vào kết cấu vật lí của nó, hiếm ai biết được hình dạng con ngươi của mi ra sao.
- Công việc khởi thủy - Bỗng nhiên gã nói.
Mi “hả” một tiếng, hoàn hồn trở lại sau khi nhận ra bản thân dường như thất thố. Rồi nhìn xuống cuốn sổ tay, mi nhếch môi nở một nụ cười mà mi biết rằng nó chua chát, còn gì chua chát bằng kẻ mang danh cầm bút nhưng lại chẳng viết nổi một chữ nên hồn trong thời gian dài kia chứ. Mi chép miệng, cất sổ tay đi.
Khi một lời nói đã cất lên giữa hai con người xa lạ, sau đó họ sẽ chẳng thể ngừng lời được nữa. Không biết từ khi nào, mi và gã bắt đầu nói chuyện với nhau. Gã nói mình sinh ra và cất thời thơ ấu trong một căn tứ hợp viện, nơi ấy giờ đã không còn nữa, cha gã bỏ đi từ khi gã lên ba tuổi, nghe nói ông đã sang Việt Nam sinh sống và làm ăn, sau này gã và mẹ cũng theo gót đi tìm ông. Gã bảo giờ đây căn nhà cũ đó chỉ xuất hiện trong giấc mơ một cách thảng hoặc, xuất hiện thông qua hình ảnh của những căn nhà cổ ở đất khách này, dần dà gã cũng chẳng biết mình là người của đất nước nào nữa.
- Có rất nhiều người như tôi - Gã nói bằng chất giọng đặc sệt tiếng Bắc - Rất nhiều người bị bứt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, lênh đênh không lối về, nó không còn phụ thuộc vào việc anh ở lãnh thổ nào, mang theo quốc tịch nào, nó chỉ thuộc về thân phận thằng người của anh, thuộc về quyết định của anh.
Mi gọi một cốc cà phê từ chỗ xe đẩy, đó là cà phê hòa tan được pha vào trong li nhựa dùng một lần, mùi nhựa thôi ra do nhiệt độ át hết mùi cà phê tạo thành thứ hương nhờ nhợ, mi nhấp một ngụm, lợm giọng, lại phải đặt xuống. Các nhánh cây khô khốc vụt qua tầm mắt, mi bỗng muốn vươn tay với lấy chúng, ngón tay in trên ô kính để lại vân tròn mờ mờ.
Gã lại nói tiếp, như trong cơn mê:
- Tôi biết đích đến của mình, nó không phải ở đây, ở kia hay bất kì đâu khác.
Mi giữ chặt lấy cốc cà phê cho khỏi sánh mỗi khi tàu rung lắc, lặng im lắng nghe gã nói, ánh mắt nhìn ra ngoài cửa sổ ra chiều mông lung. Người thầy chăm sóc cho mi đã từng bảo, rằng bất kì thứ gì trôi qua đều là lịch sử, vậy bóng cây mới vụt ngang tầm mắt, bóng mi và gã in trên kính, ánh mắt thoáng qua đó phải chăng đều đã hòa nhập vào dòng chảy miên viễn đó? Gã vẫn lầm rầm:
- Đích đến của tôi là ở ngoài vũ trụ kia, khi thế gian quy về tro bụi.
*
* *
Tàu dừng lại ở ga B. mười lăm phút, gã đột ngột đứng dậy, mi hỏi:
- Anh xuống ga này à?
Gã gật đầu rồi kéo hành lí xuống, đó chỉ là một chiếc túi nhỏ trông như tay nải, mi bần thần, liệu trong tay nải đó có gì, thời gian hay không gian? Rồi mi lại bật cười vì suy nghĩ của chính mình, thầy từng bảo mi là kẻ cả nghĩ.
Cơn mưa lạnh lại đổ lất phất, không biết vì lẽ gì, mi cũng lấy ba lô xuống, rời khỏi tàu. Gã trú trong hiên ga nhỏ, hút một điếu thuốc nhỏ, đó là loại thuốc lá cuốn có mùi hương xưa cũ, có lẽ đã lâu không hút. Chẳng ngạc nhiên khi nhìn thấy mi, gã chìa hộp thuốc và giấy cuốn ra, mi lắc đầu bảo mình không biết cách làm loại thuốc này. Vòng khói nhả ra bay lên dần tiêu tan, mi lờ mờ trông thấy khói kết thành hình cánh én hướng nam.
Gã lại kể:
- Sân tứ hợp viện xưa có một bộ bàn ghế bằng đá, tôi thường ngồi trên ghế ngửa cổ nhìn bầu trời xuyên qua tán lá, ánh mặt trời đổ xuống như lọc qua một tấm màng, để lại các tia sáng trong vắt, sưởi ấm chóp mũi và yết hầu. Mỗi lần thấy tôi bần thần ở đó, mẹ lại lên tiếng quát to, bà nói tôi sẽ giống bố mình, sẽ bỏ căn nhà này mà đi. Vậy mà cuối cùng, bà lại là người chuyển đi trước, để đề phòng, bà phải chạy trốn căn tứ hợp viện cổ xưa với mùi ẩm mốc cũ kĩ, phải mang con trai đào thoát theo mình. Vậy là chúng tôi đến Việt Nam, đầu tiên mẹ tôi vào miền trong, nơi có nhiều người Hoa nhất, song cuối cùng, bà chọn sống lẫn vào đám đông, ở một tòa nhà tập thể cũ, hàng xóm là một ông lão hay mở các bài hát thời chiến. Tôi học và làm việc ở đây, dần dần những thứ mang tên quốc tịch đã bị bóc sạch từ trong sâu thẳm, tôi chỉ đơn giản là một thằng người mà thôi.
Minh họa: Đặng Tiến
Mi nhận thấy gã luôn nhấn mạnh thân phận con người của bản thân mình, cơ hồ gã không sinh ra với thân phận đó mà chỉ đang đội lốt mà thôi.
- Tôi muốn rũ bỏ hình hài này, vô tướng vô hình tức là không phải chịu sự gò bó của vũ trụ - Gã lại tiếp.
Và hút, gã cuốn điếu thuốc thứ hai. Mi bật cười, song lại chẳng nói gì. Đúng hơn, mi không biết phải nói gì, mi chỉ là một người lắng nghe. Mi bảo, rằng hình hài đa mang, anh đã nghe câu “tâm sinh tướng” chưa? Sao, anh nghe rồi đúng không, nếu vậy hẳn tôi là kẻ bạc ác. Mi gỡ kính xuống, chỉ thấy đôi mắt bị choán cứ bởi lòng trắng, giữa con ngươi nâu nhạt có một vệt khắc hình lưỡi liềm nom như mắt mèo.
*
* *
Mi và gã quyết định cắm trại, vì trời đã tối và cả hai cũng chưa có quyết định phải đi đâu. Sau này mi nhận ra đó là mối gắn kết vô hình của đôi bên đã tự động kéo xích họ lại, mi hối hận vì không kịp bỏ đi vào lúc đó. Những chuyện nhiêu khê tần phiền không chỉ tới trong bất ngờ mà còn đến vì các chi tiết nhỏ nhặt, ngay cả việc mi cảm thấy đói.
Dường như gã đã quen với nơi này, dẫn mi lên trên đỉnh của một ngọn đồi thấp, đường đi là đường mòn thành quen của đám mục đồng, mi thích gọi như thế, cảm giác gợi lại khoảnh khắc xa xăm. Ngôn ngữ sẽ là vô nghĩa nếu chúng không tạo được cảm giác về không gian và thời gian, mi nghĩ. Nơi đến là một bãi đất trống, có lẽ cỏ sẽ trổ nảy vào mùa xuân, nhưng hiện chỉ thấy các mảng úa vàng nẫu rục. Mi phóng tầm mắt về phía xa, đường tàu uốn lượn vắng tanh, thảng hoặc có tiếng chim kêu nẫu lòng vang lên từ phía bên kia đồi, chói và lạnh. Gió cuộn thổi hất về chỗ mi đang đứng, hơi ẩm thốc vào da, mi biết tối nay sẽ có mưa.
- Bố mẹ của anh được táng ở đâu? - Bỗng nhiên gã hỏi.
Mi kinh ngạc quay đầu lại nhìn người kia. Như nhận ra lời mi toan nói, gã đã cười chặn lại:
- Tôi đoán được.
Nét kinh ngạc của mi dần hé chuyển thành nụ cười khẽ, mi không đáp lời gã.
Dựng xong lều, mi đi loanh quanh để kiếm củi còn gã đang giở trong tay nải ra một cái bọc khác, bên trong là một gói cơm nắm chặt và một chút muối vừng. Mi ghẹo:
- Tàu mắm tôm đấy à?
Gã nhướng mắt nhìn mi, bỗng nhiên phì cười, đoạn hỏi:
- Hồi mới chuyển sang đây, ở ngoài ngõ hay có một bà cụ đi rao bán món này, mẹ tôi mua luôn, vì bấy giờ cũng chẳng có tiền. Cơm nắm thật chặt, cắt thành lát, ăn suông cũng thấy ngon.
Cả mi và gã đều nói chuyện với nhau một cách khách sáo và kiểu cách, gã hiểu lí do vì mình không mấy tiếp xúc với người khác, song còn mi thì sao? Gã biết mi là một người thường ruổi rong đây đó, tiếp xúc với đủ loại người, đủ loại phong cảnh trên thế gian… Cái cách mà mi nói chuyện khiến mi như bước ra từ một cuốn tiểu thuyết yêng hùng, với sáo ngữ, kính ngữ và muôn vàn cử chỉ chuẩn mực. Gã bỗng nói một câu dớ dẩn:
- Con người cũng đáng yêu nhỉ.
Mi ăn nốt mảnh cơm nắm đã nhau nháu mùi thiu, nhoẻn miệng cười chẳng đáp. Mi kể rằng mấy năm trước cũng đã từng đi cắm trại dở dang thế này, mi đi với Quyên - bạn gái và cũng là tri kỉ, họ đã nhóm lửa, nàng ngồi hát còn mi thì viết lên sổ tay với một cây bút chì dưới ánh lửa cam đỏ. Lửa làm hồng đôi má người con gái, mất hút trong mái tóc đen huyền của nàng. Sau đó họ nằm trong lều, chỉ ôm nhau ngủ mà thôi. Bên ngoài, tiếng sóng biển từ miền xa thẳm nào dội về, hoặc có lẽ là mi tưởng tượng ra như thế. Người con gái ấy giờ chỉ còn là một điểm sáng hồng trong kí ức, mi lại một mình.
- Cô ấy đã đi đâu?
- Cô ấy bị tai nạn, ngay trước mắt tôi - Mi nhìn gã bằng một nét cười buồn - Tôi tặng Quyên chiếc cặp tóc làm bằng vải nhuộm chàm, đó là vật kỉ niệm trong lần đi tìm hiểu phong tục Tây Bắc… Sáng hôm sau nhổ trại, tôi và Quyên xuống đường cái để bắt xe về thành phố, cô vô ý đánh rơi nó ở giữa đường, vội quay lại nhặt. Và rồi…
- Đừng kể nữa - Gã đặt bàn tay lên vai mi, đó là bàn tay đẹp, mảnh và nhỏ, trên mu bàn tay có dấu lông tơ lấm tấm.
Nhưng mi không ngừng nói được:
- Cơ thể mảnh mai của Quyên giật lên giữa không trung, máu chảy lênh láng, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, cô ấy vẫn còn ý thức mỉm cười với tôi. Tôi đã quên kể với anh, rằng nụ cười của Quyên rất đẹp, như thể một nét phết trong tranh thủy mặc, mong manh và nhanh chóng tan thấm vào lần giấy xuyến.
Bóng đêm lan xuống, như làn mực đổ hòa vào ánh hoàng hôn. Gương mặt của mi ẩn dần vào tấm màn đen đó, hồ như lẩn tránh ánh nhìn của gã. Sự im lặng chen vào giữa họ, một lần nữa. Gã thoạt tiên khẽ thở ra một hơi, không an ủi cũng chẳng gượng gạo, chỉ nói:
- Anh có biết về Giọt tiên không?
- Đấy là tựa đề cuốn sách anh đã đọc trên tàu - Mi đáp.
Gã cười khẽ thay cho cái gật đầu:
- Cuốn sách đó do bố tôi viết, trong đó kể lại hành trình đi tìm Giọt tiên, loại hoa có tác dụng làm cho các loài thú có được hình dạng con người, động vật có linh tính cao thường tìm ăn nó sau đó sống lẫn với xã hội, thế nhưng bất cứ thứ gì cũng có hạn kì, nếu sau ba năm không còn ăn Giọt tiên thì anh sẽ trở về với bản dạng thật, anh có chấp nhận sống tiếp vòng đời không lạc thú chăng?
Mi thấy sống lưng gai gai, gã cười, chẳng nói chẳng rằng, chỉ lẳng lặng nằm xuống thảm cỏ cứng quèo. Mưa phùn bắt đầu lất phất, buông lên mi mắt gã, lấm tấm tựa sương mai đọng ngọn cỏ. Mi lờ mờ nhận thấy cơ thể gã được bao bọc bởi một vầng sáng mỏng, song quan sát kĩ, nó lại là đám lông tơ mà thôi. Mi lẩn thẩn nghĩ, con người dị dạng này làm sao có thể hòa mình vào xã hội mà giấu được sự nổi bật đây? Sự cô độc tỏa ra từ nội tâm gã khiến mi hiếu kì, thế nên mi mới nói chuyện với gã nhiều đến thế, cũng chính bởi sự cô độc đó khiến mi như thể tìm được đồng minh, mi muốn chu du với gã.
*
* *
Gã bảo mình muốn đi tìm Giọt tiên. Sáng sớm, trời đang mưa, và gã muốn đi tìm loài hoa kì lạ chẳng biết có còn tồn tại hay không, vả chăng, biết đâu bố của gã chỉ viết một cuốn sách phiêu lưu? Mi trở mình, cảm thấy hơi bực bội trong lòng. Nhưng rồi mi vẫn đứng ở đây, ngoài cổng rừng, người ướt như chuột lột.
Hơi núi ẩm, buốt, mi rang hoa tiêu cho vào túi áo, cơn ấm dấy lên lan khắp khu vực mi đứng. Gã dừng chân trước một gốc cây lớn đã bị đẵn ngã, chỉ còn trơ ra phần thớ gỗ với mùi hương hơi ẩm và thanh thanh. Mi hít sâu một hơi, để cho nét thơm đó tràn đầy trong lồng ngực, bỗng thấy trống trải. Gã đập đôi lòng bàn tay, đứng cúi đầu nhắm mắt lầm rầm gì đó giống một người tiều phu phải cúi xin thần rừng trước lúc vào rừng đẵn gỗ. Mi nhìn gã, vô thức làm theo.
Gã vẫn vậy, độc bộ quần áo sờn rách, chừng như không biết khí lạnh là gì, xăm xắm xuyên bước vào rừng. Mặt trời nghiêng cướp bóng mi đi mất, mi vội rảo chân theo gã. Các nhánh cây khô và lá chít sắc cạnh đâm ra, cứa vào tay và chân rớm máu, mi không thấy đau cũng chẳng thấy mệt. Từ gã cơ hồ tỏa ra một sức mạnh vô hình, tuồng như ma dẫn đường rừng trong tiểu thuyết. Mi ngờ ngẫn, tưởng mình không phải người thật, chỉ là một nhân vật được tạo tác dưới ngòi bút của kẻ khác.
- Tôi kính trọng những cái cây hơn là con người, theo một cách nào đó, chúng nói, và cũng theo một cách nào đó, chúng im lặng. Sự im lặng đẹp đẽ nhưng lại ẩn tàng trăm nghìn lời muốn nói, khiến cho người ta phải kính sợ - Gã nói.
Gã cứ lao đi, như thể biết được tung tích và ngóc ngách mà bố mình tới, nhưng mi biết gã chỉ đi theo quán tính mà thôi, xiên dọc, xẻ ngang, mặt mày tứa máu song vẫn nhất quyết không chịu ngừng lại. Mi không hiểu tình cảm và tâm tư của gã, mi không hiểu như thế nào là mất đi người thân, không hiểu thế nào là tình yêu thương cha mẹ, nhưng nếu đổi lại đó là thầy, thì hẳn mi cũng sẽ như gã mà thôi. Mi là người lạ trong câu chuyện của gã, và ngược lại.
Cuối cùng thì gã cũng gục xuống vì kiệt sức, trước sự lo lắng là tiếng thở phào nhẹ nhõm, mi vội vàng đỡ gã dậy. Khuôn mặt vốn nhỏ và trắng của gã nay bệch ra, thành một thứ màu như vôi nung, gã thở dốc, hơi kéo lên như hơi của người bị suyễn. Chân tay gã lạnh ngắt, mi chấm máu trên khóe mắt và môi gã, dùng bật lửa hơ nóng con vắt no máu dưới chân mình.
Trong cơn mưa xối thẳng qua những tán cây, dưới ánh sáng nhờ đục của rừng sâu hiếm bóng chân người, mi thấy cơ thể gã như nhòe mờ, hơi sáng lên sau đó lại nhạt đi. Không nên ở trong rừng quá lâu, thầy từng nói với mi như vậy, nếu không sẽ chẳng tìm được đường về. Gã đã lịm đi, mi đành xốc gã lên lưng và cõng về. Gã rất nhẹ, như một con hoàng yến.
Mi đã quên mất lí do mình lên tàu hôm ấy là gì, như thể định mệnh đã kéo mi lên để cho mi gặp gã. Mi không rõ đi mất bao lâu, cẳng chân rã rời vẫn chẳng tìm được đường ra. Cây cối bày sắp như ma trận, ken chặt vào nhau, tay và vai mi tê cứng mất đi cảm giác, đó dường như chẳng phải vai của mi nữa rồi. Mi bỏ cuộc.
Mi ngã nơi gốc cây dẻ, gã lăn ra bên cạnh và vẫn thiếp ngủ, gã ngủ với gương mặt bình yên như trẻ con, tóc ướt đẫm. Cũng may rằng lá cây ở đây đan dày hơn nên nước mưa chỉ để lại trên má mi vài vệt lấm tấm. Mày mệt rồi nhỉ, mi tự nhủ với chính mình sau đó khép mắt, hơi thở dần trở nên sâu và đều hơn.
Bố mẹ mi qua đời từ lâu, mi được nhặt về từ năm ba tuổi, là một nơi cạnh bãi rác và cái cống đen ngòm hôi thối, là một nơi hiếm bóng người qua lại, và nếu chẳng may, có thể mi sẽ bị đám chó hoang xé xác. Mi không biết lí do mình bị quăng ra đó, cũng chưa bao giờ hỏi, quá khứ vĩnh viễn trôi tuột qua kẽ tay, mi là kẻ chẳng có quá khứ. Người đón mi về là một người đàn ông trung niên mà sau này mi gọi là thầy. Thầy chứ không phải bố, ông ấy luôn muốn mi độc lập bằng xuất thân của mình, bảo bố mẹ mi đã mất và ông chẳng bao giờ thay thế được vị trí của họ.
Từ nhỏ tới lớn, mi đã cùng thầy rong ruổi trên nhiều cung đường, từ quốc gia này sang quốc gia khác, vì vậy mà mi không sống ở đâu quá lâu, không thể gắn bó với nơi nào quá lâu. Mỗi mảnh đất mang tới cho mi những dấu bụi trên trang phục, mờ nhạt và dễ rũ bỏ. Vừa du hành vừa học tập, mi có thể nói được nhiều thứ tiếng, nhưng chẳng bao giờ có cảm giác được an lòng. Thầy là người có tài năng kiệt xuất song chẳng rõ vì sao mà ông lại chấp nhận sống một cuộc đời bấp bênh đến thế.
- Tôi đã hỏi ông - Mi bảo.
- Và? - Gã nghiêng đầu nhìn mi, ngừng tay vuốt phẳng mặt lều.
- Ông đáp rằng, nếu như tôi chăm chú vào bầu trời đầy sao ngoài kia thì sẽ hiểu được. Chúng ta chỉ là một sát na, phải chăng? - Mi tiếp lời.
- Ngoài bầu trời, ngoài con người, ngoài những gì chúng ta đang trải qua còn có các thế giới khác tồn tại song song, xen kẽ lẫn nhau, một ngày kia anh sẽ hiểu được rằng tầm nhìn của mình còn hạn hẹp lắm. Tầm nhìn của loài người vốn vậy.
- Đôi khi tôi thấy anh rất giống một con chim sẻ.
- Tôi là yến, không phải sẻ - Gã đáp bằng một cái cười đùa.
Mi hé mở mắt thì phát hiện hóa ra mình đang mơ, rốt cuộc mi cũng chỉ có thể trả lời gã ở trong giấc mơ mà thôi. Mi không muốn nhắc lại cái quá khứ bị ruồng bỏ ấy. Mi lờ mờ thấy nụ cười của Quyên ở tán cây, nơi ánh nắng đang phản sắc sáng lên chỗ nước mưa đọng lại. Cơ thể mi đau như dần, các ngón tay mỏi nhức, mi quay sang muốn gọi gã, bên cạnh đã không còn ai nữa. Lại một giấc mơ khác chăng, mi nghĩ, mộng chồng lên mộng, mộng kéo dài suốt cuộc đời mi, phải chăng mi không phải là một mi ở thực tại?
Không thể chống mình lên bằng khuỷu tay, mi ép hai lòng bàn chân xuống và cố nâng người lên, chật vật mất chừng mười lăm hai mươi phút, mi mới có thể ngồi dậy được, đất dưới thân lõm xuống như thể mi đã nằm ở đó lâu lắm, và mi đồ rằng nếu mi còn nằm thêm, chắc chắn cơ thể sẽ tan vào với đất.
Có lẽ gã đã trở về lều. Mi về nhưng không thấy. Có lẽ gã đã bỏ đi. Mi đứng trên mỏm đồi nhìn xuống đường ray, chỉ thấy đoàn tàu ăn than nhả khói cuộn xích mới chạy qua. Đâu có lạ nếu như gã bỏ đi một mình, mi cười giễu, mi đã quen với điều này rồi.
Dọn dẹp những gì còn sót lại, mi cuộn gọn đồ đạc, chợt nhìn thấy cuốn sách mà gã mang theo. Thuận tay lật mấy trang đầu, trên một góc tiêu đề có mấy dòng nguệch ngoạc: “Chung cư DNT, phòng 408, phố S, đường D”, tác giả lấy tên Điểu Nhân, câu đầu sách nói rằng: “Kẻ viết ra cuốn sách này không phải con người.” Mi nheo mắt, lờ mờ đoán được điều gì đó. Và vụt chạy, mi sượt dọc theo con đường cũ để xuống ga.
*
* *
Phòng số 408, 408… mi lẩm nhẩm, cuốn sách mỏng trong ba lô trở nên nặng trịch. Mi dừng chân, khu chung cư đó đối diện với một trường tiểu học, mi chưa bao giờ đi học ở đó, mi đã từng học ở trường mẫu giáo cạnh bên. Đó là chuyện chiêm bao của nhiều năm về trước. Mi nhớ ở rìa tường của chung cư có một cây si nhỏ, chẳng ai biết vì sao nó mọc ở đó, cũng chẳng ai biết nó sống sót bằng cách nào. Bước chân của mi nặng như đeo đá, tiếng xe ô tô gây tai nạn đâm vào xe của bố mẹ vang lên bên tai, các mảnh kính vỡ văng tung lên như bọt nước, nhoáng nắng, mùi xăng chảy khét lẹt, cuối cùng là tiếng nổ dội thẳng vào ngực và bụng. Mi nằm suốt mấy tháng trong viện, bố mẹ không qua khỏi, chỉ có mi còn sống.
Mi nhớ vào những đêm trăng, mẹ bắc ghế mây ra ngoài hành lang, ôm một cốc trà nóng. Mi nhớ bố tìm được chậu hoa quế, mỗi khi hoa nở, hương thơm nhẹ như mơ tỏa khắp nhà và ngoài ban công, thấm vào cả ánh nắng. Mi nhớ mình đã dùng màu sáp vẽ lên tường một vườn hướng dương. Mi nhớ thầy mi đã mất khi cứu mi thoát khỏi đáy cát lúc băng qua sa mạc, ông vĩnh viễn nằm lại nơi đó, mi biết dưới đáy vực và đáy biển sâu có gì, chỉ trừ các hố cát - nơi mà mọi thứ chật cứng, không gian lẫn thời gian hầu như chẳng còn tồn tại.
Chầm chậm bước lên cầu thang, mi tưởng mình là Van Gogh đang tiến vào vườn hoa ngày cũ, trời vẫn nắng nhưng mi lại cảm thấy toàn thân lạnh lẽo. Người ta sợ hãi khi nhớ lại những gì mình quên, khi kí ức - theo một cách nào đó - ngoặt bước trở lại và nện vào mình một cú đánh đau điếng.
Mi nhón chân lên, nhòm vào gian phòng qua khe cửa, bụi lọt theo ánh nắng chiếu vào bộ trường kỉ, mi thấy xác một con chim yến nằm trên bàn, cứng đờ và dường như đang rữa nát. Từng lời, từng lời của gã được liên kết lại với nhau, hòa với vẻ bề ngoài làm mi ngẩn ra. Cuốn sách do bố gã viết lại như nặng hơn bao giờ hết.
Mi lại đang đứng ở đây, tại ngọn đồi thấp và ẩm ướt đầu xuân, nơi bìa rừng cũ. Ba lô trên vai, Giọt tiên trên tay, mi lần theo con đường mòn trở vào tìm loài hoa có khả năng biến động vật trở thành người, tìm lại bóng dáng gã. Mi muốn báo với gã, rằng mi đã chôn cất mẹ gã tử tế rồi, với một nhánh hoa cúc chi nhỏ nhắn, bằng nghi lễ của con người
P.G.Q
VNQD