Lũ ngựa trong công viên

Thứ Ba, 16/06/2020 13:29

.Truyện ngắn. NGUYÊN NGUYÊN

Chiều chủ nhật tuần này, tôi sẽ dẫn vợ và con gái đi chơi công viên gần trung tâm thành phố. Khi đó, chắc tôi lại tự hỏi mình rằng, đã bao lâu rồi tôi không dẫn họ đi chơi. Câu trả lời duy nhất, để có thể giải thích mà không mang một chút áy náy nào trong người, đó là do công việc. Chính xác. Cái thứ công việc tư vấn, lắp đặt sử dụng điện lạnh đáng nguyền rủa kia đã không cho tôi hở một chút thời gian nào để dành cho gia đình, vợ và đặc biệt là con gái của tôi. Ôi, tôi đã yêu đứa con gái của mình đến nhường nào, ngay khi nó chào đời. Tôi đã nghĩ rằng, bất cứ thứ gì trên đời không thể sánh bằng nó. Hơn hết, nó là tất cả của tôi. Tôi đã từng nghĩ như thế, cho tới bây giờ tôi vẫn thường nghĩ như thế.

Ngay sau khi vợ tôi sinh con gái, cô ấy không đi làm nữa. Trước đó, cô ấy có một công việc khá ổn định và thu nhập cao là đằng khác. Cô ấy là biên tập viên cho một tạp chí chuyên về nấu ăn khá tiếng tăm trong thành phố. Người ta luôn đọc và học theo những gì đã chỉ dẫn trong đó.

Trước đó nữa, vợ tôi thường mang vài cuốn tạp chí về nhà. Thi thoảng tôi có lật giở ra vài trang xem những bức ảnh chụp những món ăn từ quen thuộc tới xa lạ. Trông chúng thật bắt mắt. Tôi đã từng nói, vợ tôi có một công việc lí tưởng nhất trần đời. Nhưng rồi, ngay sau khi con gái tôi ra đời, theo quy định quái quỷ của tòa soạn thì họ không chấp nhập một người nghỉ trong một thời gian quá ba tháng, thế là vợ tôi phải bỏ công việc lí tưởng của mình. Cô ấy có buồn phiền vì điều đó? Cô ấy có cảm thấy hối tiếc khi mình đã mang thai và sinh con? Không. Không. Ít ra, kể từ lúc đó tôi cũng chưa thấy vợ mình phàn nàn về bất cứ một điều gì cả. Cô ấy vẫn vậy. Vẫn tươi cười hôn lên hai má tôi mỗi khi tôi đi làm về. Vẫn niềm nở khoe với tôi về chuyện con gái tôi bắt đầu tập tễnh bước đi, biết gọi một tiếng mẹ, hai tiếng ba. Rồi cả khi con gái tôi bắt đầu đi học mẫu giáo. Hơn cả, vợ tôi vẫn tỏ ra mình là một người vợ, một người mẹ mẫu mực.

Cô ấy cũng không còn nhắc nhiều tới tạp chí nấu ăn mà mình từng làm trong bộ phận biên tập nữa. Thi thoảng, tôi thấy cô ấy ngó qua vài cuốn tạp chí ở ngoài quầy, lật giở vài trang, rồi ra chiều lắc đầu “Chậc chậc, giờ này mà họ vẫn giữ cái công thức cũ rích này sao”. Từ đó, tôi không thấy vợ mình ngó nghiêng qua quầy bán tạp chí. Nhà tôi cũng không xuất hiện thêm bất cứ cuốn tạp chí nào khác nữa.

Tôi có thể lí giải sự vắng mặt các cuốn tạp chí chủ yếu vì tiết kiệm. Khi mà năm sau con gái tôi vào lớp một. Từ ngày vợ không đi làm nữa, tôi một mình cáng đáng hết mọi chi tiêu trong nhà…

 

*

* *

Về việc đi công viên của gia đình tôi…

Trước khi lấy nhau, tôi và vợ thường xuyên đi công viên. Đó có thể là nơi hẹn hò lí tưởng của chúng tôi. Dẫu nó đơn điệu và thậm chí với một số người thì nó chán ngắt tới mức phát ói. Họ có thể chọn những nơi lãng mạn hơn, một tòa nhà cao tầng với bít tết và rượu vang, trên đó có thể ngắm nhìn thành phố từ trên cao, với ánh đèn trải dài lung linh, huyền ảo. Nhưng rốt cuộc, tôi và vợ mình đã chọn công viên. Đó cũng là nơi chúng tôi xây đắp những viên gạch đầu tiên cho tình yêu của mình. Đôi khi, những thứ phù phiếm ấy chẳng có nghĩa lí gì với vợ tôi, cô ấy thường nói, “Ồ! Em yêu anh chứ không phải yêu những ánh đèn đó”. Cô ấy đã từng nói thế và tôi hạnh phúc đến nhường nào.

Sau khi lấy nhau, chúng tôi vẫn thường đi công viên vào những ngày cuối tuần. Bất kể là mùa nào trong năm, cứ thấy thích là chúng tôi lại trèo lên một chuyến xe buýt dẫn thẳng tới công viên hoặc chúng tôi có thể đi bộ cùng nhau, dù hơi xa một chút. Tôi nhớ, khi đó chúng tôi sẽ ngồi trên một cái cầu trượt cỡ lớn. Chúng tôi không hề trượt. Chúng tôi cứ ngồi thế và ngẩng đầu lên những vì sao đang trải rộng khắp bầu trời trên đầu mình.

Từ lúc vợ tôi sinh con, cho tới khi con gái tôi sắp vào lớp một thì chúng tôi chẳng còn nhắc tới cái công viên đó nữa. Giờ đi tới chắc nó sẽ khác nhiều. Như thời gian tự cào xước hay bồi đắp, sửa sang mọi thứ. Rất có thể, khi tới đây vào ngày con gái tôi sắp sửa vào lớp một thì chúng tôi sẽ không còn nhìn thấy cái cầu trượt đã từng yêu thích nữa.

Con gái chúng tôi háo hức tới mức nhảy cẫng lên, ôm lấy cổ, rồi hôn chụt lên má tôi và miệng không thôi nói hai từ “công viên”. Khi đó, vợ tôi đang bận túi bụi với những thứ trên bếp. Và tôi tin chắc rằng, cô ấy cũng sẽ rất vui. Hay nói cách khác tôi muốn vợ mình vui. Bởi tuần trước, tôi bắt đầu phát hiện ra cô ấy lén uống rượu và hút thuốc lá trong nhà vệ sinh. Khi đó, tôi đã rất bực mình. Cô ấy cũng không tranh cãi gì trong chuyện này. Cô ấy nhận mọi lỗi lầm về mình và hứa sẽ không lén hút thuốc và uống rượu nữa. Tôi cũng cảm thấy hối hận khi đã quát thẳng vào mặt cô ấy. Sau đó, tôi xin lỗi vợ. Và chúng tôi hứa sẽ không bao giờ nhắc tới chuyện đó. Vợ tôi đã quá căng thẳng trong thời gian qua. Và điều cần thiết nhất lúc này là tôi phải cảm thông cho cô ấy.

 

*

* *

Vì là chiều chủ nhật nên khi gia đình tôi đến công viên đã khá đông người. Tôi nhớ, lúc còn nhỏ đã thấy nó được dựng lên để kỉ niệm ngày giải phóng thành phố. Khi ấy, cũng chưa có nhiều người, hay người ta chẳng thèm để ý tới nó có phải là một cái công viên, hoặc giả vai trò của công viên ngày đó không phải chỗ để vui chơi như bây giờ. Nhưng giờ đây, dĩ nhiên mọi thứ phải khác chứ. Khác rất nhiều, đôi khi chỉ trong một cái nháy mắt và mọi thứ đều đổi thay.

Còn nói về lũ ngựa, tôi nhớ ngày trước, trong chính công viên này, chúng đã từng xuất hiện thì phải. Lần gần nhất đi ngang công viên, tôi ngó qua thì chẳng thấy lũ ngựa đâu, những chiếc chuồng của chúng đã được dọn dẹp sạch sẽ thay vào đó là những con công sặc sỡ sắc màu, trông chúng thật kiêu ngạo vô cùng. Nhưng tôi vẫn thích lũ ngựa hơn, ở chúng, tôi thấy được vẻ đẹp của sự dũng mãnh và dẻo dai. Lúc đó, tôi thấy có đôi chút hụt hẫng thật. Dự định về tới nhà, tôi sẽ hỏi vợ tôi, xem cô ấy có biết người ta đã đưa lũ ngựa đi đâu không. Nhưng rồi, tôi cũng quên khuấy đi mất. Và sau thời gian đó, tôi quên bẵng đi lũ ngựa, chúng không hề xuất hiện một dấu vết nào trong tâm trí của tôi nữa.

Cho tới hôm nay, cùng với gia đình mình đi công viên, thì bất chợt những hình ảnh của chúng lại lóe lên sáng trong tâm trí. Tôi nhớ những thân hình hoàn mĩ cùng các bộ lông óng ả ấy, sẽ hay ho biết bao nếu như chúng sải từng bước dài trên thảo nguyên rộng lớn, giống như ở Mông Cổ chẳng hạn.

“Anh có thấy lũ ngựa ở đâu không?”.

Vợ tôi quay sang hỏi khiến tôi hơi ngạc nhiên. Cô ấy vẫn nhớ những con ngựa đó. Tôi không ngờ. Tôi chưa vội trả lời mà nhìn về phía con gái. Nó đang ngồi trên lưng con ngựa đồ chơi màu vàng với vẻ mặt vô cùng phấn khích.

“Anh cũng không thấy chúng ở đây nữa. Anh nhớ là nó nằm ở ngay tại vị trí của mấy con công sặc sỡ đó thì phải, nếu không nhầm”.

Rồi tôi chỉ tay về chuồng của mấy con công đang thong thả bước từng bước trên mặt đất. Những cái chân nhỏ xíu và dài nhẳng. Chúng vẫn kiêu hãnh như thế đấy. Kiêu hãnh trong bộ lông sặc sỡ sắc màu đó. Thi thoảng con công đực xòe cái đuôi kiêu hãnh của mình ra thành hình dẻ quạt, như thể tán tỉnh ve vãn những con công cái với bộ lông trắng muốt.

“Thật tiếc khi không còn thấy những con ngựa đó, dù em không thể nào hình dung chính xác những con ngựa đó trông chúng như thế nào, nhưng sự thật là em vẫn thích ngắm chúng. Em cứ tưởng chúng vẫn còn ở trong này chứ”.

“Đã lâu rồi chúng ta không qua đây, mọi thứ phải thay đổi chứ. Em nhìn quanh đây mà xem, mọi thứ giờ trở nên khác xa rồi đúng không nào. Ngay chỗ chúng ta hay ngồi ngắm sao hay ngắm những con ngựa thôi cũng đã đổi khác rồi. Làm gì có cái cầu trượt bằng bê tông nào như ngày xưa nữa”.

Vợ tôi thở dài rồi im lặng.

Minh họa: Bùi Trọng Dư

Con gái chúng tôi đã chuyển sang chơi cầu trượt nhựa xanh đỏ cùng mấy đứa con nít bằng tuổi.

“Anh có tin rằng, lũ ngựa đã từng xuất hiện trong thành phố không? Ý em là không phải giống như kiểu người ta nuôi nhốt chúng trong những công viên như này. Khi ấy, thành phố còn là những cánh đồng, anh có tin lũ ngựa đã từng sống tự do, vui vẻ trên đó không? Không phải chỉ là ba, bốn, năm con đâu nhé, mà là cả một đàn ngựa lớn. Một đàn ngựa thực sự. Em nghĩ phải có tới vài trăm con ấy chứ. Một khi chúng chuyển động thì dường như kéo tuột cả cánh đồng về một phía”.

Tôi chống tay lên cằm, mắt đăm đăm nhìn xuống phía dưới chân mình, nơi có một vỏ kem li ai vô ý không vứt vào thùng rác. Nếu như ngày bình thường hay không phải bây giờ tôi sẽ đem chúng vứt vào trong thùng rác, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay tôi không cảm thấy khó chịu vì chuyện đó.

Rồi tôi bỗng hơi choáng váng. Vợ đưa tôi một chai nước lạnh. Tôi tu một hơi thật dài. Tôi tin điều vợ tôi nói. Rất có thể người ta đã từng nói điều này trên truyền hình, nhưng chúng tôi chẳng mấy quan tâm tới những chương trình kiểu đó. Chúng tôi không có thời gian, mà cho dù không quan sát thì cũng đâu ảnh hưởng gì tới cuộc sống đang diễn ra. Nhưng tôi tin trước đây khi chưa là thành phố, chưa có những công viên, chưa có những trung tâm thương mại, chưa có những chung cư cao tầng, thì ắt hẳn thành phố phải là những cánh đồng. Những cánh đồng rất rộng lớn, giống như những cánh đồng trên thảo nguyên Mông Cổ ấy. Và biết đâu lũ ngựa đã từng tồn tại trên đó, chúng ăn cỏ vào bình minh, thong thả lượn trên những triền cỏ xanh mướt và êm ái vô cùng. Có nằm mơ chúng tôi cũng không tưởng tượng được những điều đó tuyệt vời như thế nào.

Ở đây, lúc này khi nói chuyện, nghĩ ngợi về những con ngựa đã từng có nơi mảnh đất này tôi bỗng cảm thấy mình trở nên bứt rứt hơn. Con gái chúng tôi thì vẫn chơi với mấy cái cầu trượt màu đỏ chói, bóng láng. Và nếu tôi không nhầm thì bầy ngựa trong công viên từng có khoảng bốn, năm con gì đó. Khi làm chuồng cho những con công, người ta đã làm chúng nhỏ lại. Vì lũ công không cần nhiều diện tích như lũ ngựa. Còn ăn, thì chắc là cỏ khô, ngô và đậu tương. Hầu hết trong những công viên người ta đều cho chúng ăn những thứ đó. Nhưng sao người ta không cho chúng ăn cỏ tươi cơ chứ. Tôi nghĩ chắc chắn rằng chúng sẽ thích cỏ tươi mềm, ngon ngọt hơn đậu tương phơi khô ngàn lần.

“Em nghe nói rằng, đó là những con ngựa hoang”.

Tôi quay sang nhìn vợ với vẻ mặt ngạc nhiên. Ngựa hoang…

“Chính xác. Em đã từng nghe nói chúng là những con ngựa hoang nhưng sinh ra trong công viên, không phải sinh ra trong môi trường hoang dã, chúng lớn lên với cỏ khô, đậu tương chứ không phải cỏ tươi. Và em sợ nếu thả những con ngựa hoang đó ra thiên nhiên, nơi đã từng là ngôi nhà của tổ tiên thì chúng sẽ chết khi không kịp thích nghi với những thứ lạ lẫm ngoài đó. Ngay cả cách gặm cỏ, chúng cũng không biết. Rồi chúng sẽ chết cả thôi”.

Tôi vội vã lắc đầu. Vợ tôi nói tiếp.

“Vậy những con ngựa đó, những con ngựa mà chúng ta đã từng thấy đó, ở chỗ mấy con công. Có phải chúng đã được thả ra ngoài thiên nhiên không? Và chúng đã chết trước khi kịp thích nghi?”.

Âm cuối trong câu vợ tôi nói, thích nghi… thích nghi... văng vẳng bên tai mãi không tan đi. Tôi cảm thấy không khí đột nhiên trở nên ngột ngạt tới lạ thường, dẫu cho thời tiết hôm nay có vẻ mát mẻ hơn bình thường. Trời nhiều mây, rất có thể nó sẽ mưa vào buổi chiều muộn. Tôi không thể nói gì thêm nữa. Vợ tôi lại đưa tôi chai nước, tôi tu nốt chỗ nước còn lại trong chai. Tôi đứng dậy và bỏ nó vào thùng rác gần đó.

Xa xa, con gái chúng tôi giờ này không chơi cầu trượt nữa. Nó đang chăm chú nhìn những đứa trẻ khác tô tượng. Tôi ngỏ ý muốn cho con gái tô tượng. Vợ tôi đồng ý. Chúng tôi đi về phía khu vực tô tượng, nơi con gái chúng tôi đang chăm chú ngắm nhìn những đứa trẻ khác, với những thứ màu vẽ xanh đỏ bám đầy trên tay, chân thậm chí cả trên mặt. Dù thế nhưng chúng vẫn cười tươi. Nghiễm nhiên sau đó chúng tôi không nhắc gì thêm về chuyện những con ngựa nữa. Tôi nghĩ, những lần sau trong cuộc trò chuyện bất chợt giữa hai vợ chồng sẽ không bao giờ nhắc về lũ ngựa đó nữa. Tôi sợ những móng guốc của chúng sẽ len lỏi vào cuộc sống đang diễn ra đều đều của chúng tôi. Sẽ biến những chất vấn về thích nghi, tự do đâu đâu thành ám ảnh thường trực ngày qua ngày. Phải quên hết đi, rũ sạch mọi thứ về ngựa ra khỏi đầu. Ngựa trong công viên, ngựa hoang, ngựa đồ chơi, móc chìa khóa hình ngựa… bất cứ thứ gì dính dáng đến ngựa đều không được phép hiện diện nữa.

Và thật may trong các bức tượng để tô không có tượng ngựa. Chúng tôi ngồi chăm chú xem con gái lựa màu tô chuột Mickey. Từng màu, từng màu một, từ cái áo màu đỏ, tới cái quần màu xanh lá cây, đôi tai màu đen lần lượt xuất hiện trên nền trắng.

Lúc lâu sau chúng tôi trả tiền. Người bán khéo léo cho bức tượng vào trong một cái túi nilon con con màu xanh da trời. Lúc ra về vợ tôi còn mua cho con gái một thứ kẹo dẻo dinh dính ngòn ngọt trên một cái que gỗ, đó là loại kẹo mà ngày xưa tôi đã từng rất thích, nhưng giờ đây, tôi cũng đã quên khuấy đi mất hương vị của nó như thế nào rồi.

 

*

* *

Chúng tôi lên xe ở điểm đợi xe buýt cổng công viên. Con gái ngồi trong lòng tôi, nó dùng tay chỉ trỏ những thứ bên vệ đường mà không hề để ý tới chiếc kẹo trên tay đã bắt đầu chảy xuống. Bên cạnh, vợ tôi ngủ gục lên vai tôi. Có lẽ cô ấy mệt. Những con ngựa luôn làm người ta mệt. Một nỗi lo sợ ngấm ngầm chẳng rõ rệt từ đâu bủa đến, bao vây. Chiếc xe cứ lướt đi không ngừng, qua các hàng quán, cây cối quen thuộc. Tôi sợ nó sẽ đưa thẳng tôi tới chỗ những con ngựa từng ở trong công viên chưa biết chừng.

Cũng may nỗi sợ đó không thành sự thật, chúng tôi dừng xuống ở điểm buýt cách nhà hơn trăm mét. Cả nhà đi về trên con đường lát gạch rêu phong cũ kĩ. Tôi đặc biệt thích những bức tường của những tòa nhà ven đường đó, chúng được quét ve màu trắng cùng với lối kiến trúc Tây phương cổ kính. Có vài gốc cây bị bật ngược lên khỏi mặt đất, sau cơn giông khủng khiếp vào tuần trước. Cơn giông lớn nhất từ trước tới nay. Có rất nhiều cây bị bật gốc như thế này trong thành phố khi cơn giông đột ngột quét qua. Những cây nhỏ thì người ta đã chặt bỏ đem đi đâu đó, những cây to vẫn nằm chình ình, ngáng trên vỉa hè. Ngay đoạn đường chúng tôi đang đi có một cây khá to vẫn nằm hiên ngang. Tại sao cả tuần nay người ta vẫn chưa dọn nó đi chứ?

Vợ tôi vừa đi vừa xem xét cái cây bị đổ đó. Cô ấy dừng lại ngắm nghía một hồi rồi nói.

“Tại sao người ta vẫn chưa dọn nó đi nhỉ? Chậc chậc”.

“Rồi người ta sẽ dọn nó đi thôi mà. Em an tâm. Nào mình đi tiếp thôi!”.

Tôi nói với giọng điệu nửa như an ủi, nửa như sự phiền hà.

Chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Vợ tôi xách theo chiếc túi xách bên trong đựng bức tượng của con gái chúng tôi đã tô. Còn tôi bế con gái trên tay. Nó vẫn cầm chiếc kẹo dẻo dinh dính đó, thi thoảng nó khẽ hát lên một giai điệu vui tươi được dạy ở trường mẫu giáo.

“Anh này, anh có nghĩ mình sẽ lo được cho con gái vào ngôi trường tư bên quận X không?”.

Tôi mải nghe con gái hát mà quên đi những gì vợ tôi nói, bèn hỏi lại:

“Em nói gì cơ? Chúng ta sẽ lo được mà, dù học phí… hơi cao một chút”.

Vợ tôi im lặng.

“Em có cần qua chợ không?”.

“Em có. Anh đưa con về nhà trước nhé!”.

Tới ngã tư, vợ tôi rẽ phải hướng vào khu chợ thực phẩm. Tôi bế con gái đi vào trong ngõ nhà chúng tôi ở phía đối diện. Khi tới gần ngõ, tôi ngoái nhìn lại phía sau, thấy vợ đã mất hút sau bức tường quét ve màu vàng, cũ kĩ bong tróc từ lúc nào. Nỗi bất an dấy lên, tôi nhìn xung quanh, từng tảng mây đen kịt, nặng chình chịch bủa vây lấy không gian từ lúc nào.

Trời sắp mưa rồi!

Tôi nghĩ, lẽ ra cần đưa cho vợ mình một cái ô. À không, có lẽ một bộ quần áo mưa thì tốt hơn. Để tránh những con ngựa hoang trong công viên sầm sập lao tới. Bởi tôi đã nghe thấy tiếng chúng hí ran, tiếng móng guốc gõ cồm cộp trên nền bê tông dội lại gần lắm. Chúng đang tìm về với thiên nhiên, nhưng bị lạc, loanh quanh mãi trong thành phố buồn bã này.

Năm này qua năm khác…

N.N

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)