.Bút kí. LÊ TRUNG CƯỜNG
Mưa xuân như phương thuốc cải lão hoàn đồng cho cỏ cây muôn loài.
Sáng nay, tôi ra sân sờ tay lên giậu phi lao thấy có nhiều lá mới, biết mùa xuân đã về. Năm nay mưa xuân đến sớm, tuần học cuối cùng trước khi về nghỉ tết mưa xuân đã dầm dề. Tan học rồi mà Tâm vẫn nán lại phòng vi tính. Biết em có chuyện muốn chia sẻ tôi kéo ghế mời Tâm ngồi. Cùng là người khiếm thị nên các em có phần cởi mở với tôi hơn. Những em đi về trước để quên cánh cửa không khép, gió lạnh lùa vào phòng lấy đi nốt chút hơi ấm của đám học trò còn sót lại. Tôi để mặc gió vào phòng, Tâm đứng lên tự khép cửa, em bước đi rất chậm khi trở lại chỗ của mình:
- Mùa xuân sắp đến rồi thầy giáo ơi! Sáng nay em đã ngửi thấy mùi bánh chưng theo gió vào phòng. Cây cúc phía sau khu nội trú hôm nay cũng nở hoa rồi! Hoa cúc mùa xuân cũng có hương thơm khác với mùa thu. Nó bị lẫn với mùi lá non và nhiều loài hoa khác. Mùi hương ẩm hơi nước không khô xác như mùa thu. Ngày tết thầy giáo có đi chơi đâu không? Tết với gia đình em là những ngày buồn…
Tâm thành người lớn rồi! Thời gian sao đi nhanh quá vậy? Những em khiếm thị sinh ra từ những người cha, người mẹ bình thường, gia đình yêu thương nhau các em phát triển cũng tốt hơn. Những em sinh ra từ những người cha, người mẹ khiếm khuyết phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Nhưng ở đời ai chọn được gia đình mình sẽ làm con! Nắm được tâm lí bọn trẻ, tôi gợi chuyện, hỏi năm nay được nghỉ sớm hơn năm ngoái hai ngày Tâm có vui. Như đoán được ý tôi, Tâm tự đẩy chiếc ghế sát vào cái máy tính, tay gõ gõ lên bàn phím, giọng buồn buồn, nói không mong nghỉ tết thế mà nó vẫn đến. Tại sao nhà trường không tạo điều kiện cho các em được ăn tết ở đây? Như trung tâm của anh Quân, anh Tứ mọi người được ở đó quanh năm.
Nghe vậy tôi chỉ biết thở dài, học trò của tôi vẫn chưa hiểu, trung tâm bảo trợ xã hội và trường học có chức năng khác nhau. Điều này tôi đã được nghe từ miệng Quản anh trai của Tâm khi Quản còn học ở trường này. Những gia đình không lành lặn thường mang lại cảm giác buồn cho trẻ thơ trong những ngày đoàn viên khi tết đến xuân về. Nhưng Tâm cũng đâu còn là đứa trẻ. Mùa xuân này em đã mười sáu tuổi rồi! Nhận thức của các em khiếm thị tốt bao nhiêu thì mặc cảm lại tỉ lệ thuận bấy nhiêu. Các em dù muốn hay không thì mùa xuân vẫn cứ trở về. Mưa xuân vẫn gọi cỏ cây tỉnh giấc. Mùa xuân kéo con người xích lại gần nhau hơn. Mưa xuân là quà tặng của bầu trời ban cho mặt đất. Mưa xuân rơi xuống như mang sức sống đến cho vạn vật và cả con người. Dù khiếm khuyết vẫn cảm nhận được sức sống của mùa xuân. Cây cỏ, hoa cành tắm mình trong những hạt mưa, như được tiếp thêm bao sức sống. Cỏ cây đâm chồi nảy lộc, sinh sôi, ngàn hoa đua nhau khoe sắc, khoe hương. Để những người hỏng mắt cũng nhận ra được bông hoa đang nở qua mùi hương ngạt ngào nồng ấm.
Tâm gõ cây gậy vào chân ghế tôi đang ngồi xem người nghe là tôi còn ở đó hay không. Khiếm khuyết là thiệt thòi, thiếu ánh sáng là đêm đen bao phủ. Biết tôi vẫn chú ý vào câu chuyện của mình, Tâm kể tiếp, bố em năm nay vẫn uống rượu. Nghỉ tết em không biết về đâu. Sang bên nội thì bố say em rất sợ. Về bên ngoại thì nhớ bố. Bố như thế nào thì cũng là người sinh ra mình phải không thầy. Giận bố em nên từ khi về bên ngoại mẹ em rất ít khi sang nhà nội. Em cũng thương mẹ rất nhiều. Đêm giao thừa nào mẹ cũng khóc. Bố em là người hỏng mắt, mẹ em là người bình thường thế mà mẹ lấy bố, chắc ngày xưa mẹ yêu bố rất nhiều. Bà nội bảo bố nghiện rượu từ khi mẹ sinh em. Thầy ơi có phải vì em là người hỏng mắt nên bố em mới thế không?
Tôi nhiều lần nghe các em tâm sự gia đình cơm không lành canh không ngọt khi có thêm đứa trẻ khuyết tật ra đời. Nhiều em khiếm thị đã viết trong bài tập làm văn: “Em mong bố mẹ đừng cãi nhau vì em nữa! Hỏng mắt không phải lỗi của em!”.
*
* *
Gia đình Tâm rất đặc biệt. Ông nội em là người khiếm thị, sinh ra hai người con đều bị khiếm thị. Người cô của em (tên Thơm) năm nay ngoài bốn mươi tuổi vẫn chưa có gia đình. Như nhiều người phụ nữ khác, Thơm cũng mong muốn có một đứa con nuôi nhưng chẳng có ai thương. Hơn mười năm trước, khi tôi mới về trường, biết thầy giáo chưa có vợ, Quản anh trai Tâm đã rủ tôi về nhà chơi. Muốn hiểu thêm về gia đình học sinh tôi đi ngay. Hôm đó cũng là những ngày đầu xuân, có mưa bụi giăng khắp xóm thôn. Mưa sờ lên làn da nhột nhột. Bác xe ôm nhiệt tình bỏ cả chơi xuân chở tôi thăm nhà học trò. Tới nơi tôi mới biết Quản muốn mai mối thầy cho người cô của mình. Cả gia đình em đón tôi vui như người thân lâu ngày gặp lại. Bà nội Quản nhắc rất nhiều lần lời mời tôi hôm nào lại đến chơi nữa. Cơm trưa xong một lát là mẹ của Tâm đi làm đồng. Tôi chưa nói hết câu chuyện thì bác xe ôm cũng tới. Có ai ngờ, mẹ của Tâm chờ tôi trên cây cầu bắc qua con kênh về làng. Cơn mưa mùa xuân đến xóa tan cái rét buốt, chỉ còn hơi se lạnh. Bác xe ôm vội về xem chừng khó chịu khi tôi nán lại. Giọng mẹ Tâm đượm buồn:
- Chị cảm ơn em rất nhiều vì đã tới thăm gia đình! Em hiểu ý của Quản rồi chứ? Nó còn nhỏ chưa hiểu việc người lớn. Chị muốn em phải giữ khoảng cách với Thơm, đừng để sinh ra thêm đứa trẻ khuyết tật mà khổ. Không tìm được người lành lấy người cùng cảnh thì cũng phải lựa chọn xem nguồn gốc sinh ra căn bệnh từ đâu. Cả nhà bảy người chỉ có chị và bà nội các cháu là người sáng mắt nên khổ rất nhiều.
Giọng chị nấc nghẹn. Nước mắt hòa với những hạt mưa. Hai đứa trẻ sinh ra là người khiếm thị không phải lỗi của người mẹ. Đúng ra chị phải được chồng yêu thương chia sẻ, dù chỉ là tinh thần thôi cũng đủ xóa đi mệt nhọc đời thường. Thế mà chẳng được, bao năm nay người mẹ phải sống trong tủi hờn. Mưa xuân với mẹ của Tâm trở thành dòng nước mắt buồn thương. Trên đường về nhà, mưa xuân nhỏ nhẹ, bay lất phất giữa bầu trời, nó không khiến cho tôi ướt sũng mà chỉ vương trên tóc, áo quần những giọt nhỏ li ti.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Từ mẹ Tâm lẩn vẩn sao tôi lại nghĩ đến cô Tâm: Thơm. Thơm cũng là một người phụ nữ rất đáng thương. Em cũng như cái cây mùa xuân khát khao đẻ nhánh nẩy chồi. Bản năng làm vợ làm mẹ có người phụ nữ nào nằm ngoài quy luật. Lúc ra về bà nội Tâm cầm tay tôi nói nhỏ: Em nó số phận hẩm hiu bác cũng không muốn nó lấy chồng! Chỉ mong sao có người thương cho em nó một đứa con để sau này có nơi nương tựa tuổi già…
Sau hôm đó nhiều lần Thơm gọi điện khéo léo gợi ý nhưng tôi tế nhị từ chối dù cũng thương Thơm rất nhiều. Thế mới thấy già cả không nơi nương tựa là nỗi kinh hoàng của rất nhiều người. Tôi đã gặp những người già hỏng mắt cô đơn cực khổ không có bút nào tả được. Nhiều người phụ nữ khiếm thị kiếm đứa con lại sinh ra đứa trẻ như mình. Khó khăn chồng lên khó khăn. Cực khổ nhân lên bằng phép lũy thừa. Nhưng cũng có rất nhiều người chưa từng thấy nắng vẫn sinh ra đứa con khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc yên vui. Họ là nguồn động viên cho rất nhiều người đủ can đảm vượt qua khuyến cáo của bác sĩ...
Mưa xuân mang đến bao cảm xúc yêu thương cho con người cũng như vạn vật. Ếch nhái gọi bạn tình cả khi mặt trời chưa ngủ. Trung tâm dạy nghề của Hội Người mù vào ngày này năm trước, trước nữa cũng có mưa bay, khi mà mùa đông khô hanh đã được gột rửa bằng những cơn mưa ẩm ướt mịn màng của mùa xuân. Hôm đó từ sớm mẹ Tâm đã đưa anh trai Tâm là Quản tới trung tâm, xin học nghề xoa bóp, trước khi ra về, như chẳng đặng đừng chị khẩn khoản nhờ tôi mà cũng như nói với chính mình:
- Cùng là người hỏng mắt thầy động viên và khuyên bảo cháu giúp chị. Ba đời hỏng mắt rồi lấy vợ khiếm thị làm gì nữa. Để từ từ xem có người phụ nữ nào có đứa con rồi, kết duyên với người ta, nương tựa nhau, nuôi con riêng của vợ cũng được. Lấy rồi đẻ ra một đứa con khiếm khuyết nữa thì khổ.
Sau tôi được biết anh Quang bố của Quản ủng hộ cho con trai mình lấy một người đồng tật mặc dù người bạn đó hơn Quản tới sáu tuổi lại có một đứa con gái. Nếu gia đình Quản như nhiều gia đình người khiếm thị khác thì chuyện cũng không có gì đáng nói. Có lần gặp tôi, bố của Quản cầm tay rủ rỉ, phụ nữ họ không hiểu đàn ông chúng mình đâu thầy giáo ạ! Con trai đang ở độ tuổi sung sức không có vợ nó chịu sao được. Thiếu tình cảm nó đi ra ngoài mang bệnh vào thân còn khổ hơn rất nhiều. Có nghề tự nuôi sống được bản thân rồi thì cũng nên có vợ phải không thầy. Hỏng mắt mình sống được thì nếu không may con chúng nó cũng hỏng mắt thì các cháu cũng sống được. Tôi chỉ có trợ cấp của nhà nước và mấy cây trong vườn cũng đủ cơm ăn rượu uống.
Năm đó tôi nghe kể lại cả Quản và Tâm không về ăn tết với mẹ. Chúng về nhà nội với bố. Cùng là người hỏng mắt các em dễ đồng cảm hơn với cha mình. Các em đâu biết người mẹ cũng rất mong con. Trải qua một mùa đông rét buốt, ai cũng mong muốn một chút hơi ấm của mùa xuân. Người mẹ của Tâm và Quản đã trải qua nhiều mùa xuân là những ngày buồn…
*
* *
Trước khi ra về, có vẻ lưỡng lự, Tâm kể cho tôi nghe, vợ Quản đã có thai ba tháng. Ba lần trước không phải sảy mà đi phá. Gần đây Quản mới biết nên anh, kiên quyết giữ lại. Vì như thế nào đó cũng là con mình, có đứa trẻ vẫn hơn. Thêm nữa, tiệm tẩm quất của Quản giờ đông khách, đủ để nuôi thêm đứa trẻ. Quản bảo em, từ nay đến khi sinh không cho vợ về bên ngoại. Về đấy chị ấy lại đi phá thai...
Tôi không tin vào tai mình nữa. Tôi mệt mỏi mò mẫm bước ra sân, trời vẫn đang mưa. Hạt mưa mùa xuân đặc biệt lắm, nó khác hẳn với những cơn mưa nặng hạt vào mùa hè, hay cái lạnh cắt da cắt thịt vào mùa đông. Mưa xuân là chất xúc tác cho muôn loài đẻ nhánh đâm chồi. Khu đất bỏ hoang phía sau trường vang lên tiếng chim gọi bạn tình. Trước khi lấy Quản, hẳn vợ anh cũng đã hiểu rõ về gia đình bên nội rồi. Thế tại sao lại đang tâm phá thai tới ba lần; sợ gien di truyền thì lấy nhau làm gì? Phá thai nhiều làm tổn hại tinh thần cho Quản và ảnh hưởng sức khỏe của chính mình. Ai thì cũng khát khao hạnh phúc lứa đôi. Đứa trẻ là sợi dây nối giữa hai người, lỏng hay chặt có sợi dây gia đình cũng đầm ấm hơn.
Đi hết vòng sân quen tôi tìm đến phòng Tâm ở, để Tâm chia sẻ tiếp cho nhẹ bớt những phiền muộn trong lòng. Những lúc gặp bế tắc hay có chuyện khổ tâm tôi cũng có nhu cầu chia sẻ. Mặc dù biết người nghe cũng không giúp gì được mình. Đón tôi, chẳng bất ngờ, Tâm lại nói tiếp, với chính mình, em không hiểu tại sao bố mẹ lại sinh thêm em? Anh Quản hỏng mắt rồi, không có em nữa thì mẹ cũng đỡ khổ hơn. Tại sao bố em lại phải lấy rượu giải sầu? Nhiều người hỏng mắt bằng tuổi bố em nhưng họ vẫn đi làm tẩm quất để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình.
Không ai muốn mình là một người khuyết tật và cũng không ai muốn con mình là người khuyết tật nhưng các em đã sinh ra rồi thì phải được yêu thương chăm sóc. Tôi có hai người bạn khiếm thị yêu nhau say đắm, nhưng chàng trai sợ sinh ra đứa trẻ khuyết tật đã cùng người yêu đến bệnh viện tư vấn bác sĩ. Chàng trai quyết định không sinh con khi bác sĩ kết luận khả năng sinh con khuyết tật của người yêu là năm mươi phần trăm. Nhưng người bạn gái không chấp nhận kết quả đó đi thêm nhiều bệnh viện khác nữa. Bất đồng quan điểm họ đã không đi tới được hôn nhân.
Không khí nặng nề ngột ngạt quá, tôi đứng dậy tìm mở cửa sổ thấy lòng buồn rười rượi, mưa phả vào cửa kính ươn ướt. Như thế nào thì tôi cũng phải nghe hết câu chuyện của Tâm. Tết này, em muốn đến tiệm tẩm quất của anh Quản nhưng mẹ không cho. Vì tiệm ấy có hai anh ở Lạng Sơn xuống mới hai mươi tuổi. Nghỉ tết dương lịch em về đó chơi, khi biết chuyện tối khuya lắm rồi mẹ em vẫn đạp xe đến bắt em phải về nhà. Em ngủ với vợ anh Quản, sao mẹ em lại phải làm vậy?
Việc làm của mẹ, Tâm là đứa thật thà nên em chưa hiểu được đấy thôi. Năm nào cũng gặp nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu hết giá trị của mưa xuân. Người mẹ của Tâm cũng là một hạt mưa độ lượng và bao dung. Những ngày làng quê còn con đường đất đỏ với lũy tre xanh, mưa xuân lâu cũng trở nên lầy lội, nhưng cơn mưa vẫn khiến tâm hồn con người nhẹ nhàng, sảng khoái và dường như nhịp sống cũng trở nên chậm rãi hơn. Hỏng mắt không phải là đóng cửa với mùa xuân. Nhiều người vẫn ra sân ngửa mặt lên trời đón những hạt mưa để tận hưởng cho hết vẻ đẹp của mùa xuân, thông qua tác động của môi trường lên những giác quan còn lại. Tâm vẫn kể chuyện đều đều, em không khua cây gậy xem người nghe còn ngồi đó hay không nữa.
- Nhà ngoại em ông bà yêu quý em lắm nhưng cậu mợ thì không muốn có em ở đó. Hình như họ sợ đầu năm mới em sẽ mang những điều không tốt đến với gia đình. Có phải năm mới khuyết tật đến nhà ai là họ không được điềm lành không ạ? Về nhà bà nội thiếu thốn nhưng đó là nhà mình.
Tự nhiên tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Những năm gần đây nhiều người không muốn có sự hiện diện của những người khiếm khuyết trong ngày hỉ và đầu năm mới. Nhiều người thân trong gia đình tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Nên những ngày đầu năm, những ngày xuân tết tôi chỉ đến các điểm văn hóa tâm linh. Tôi thường đi bộ một mình trên đường, người người đi chơi xuân, ngập tràn niềm vui đón năm mới, giọt mưa xuân cũng hòa mình vào trong niềm vui của mọi người. Nhiều người bắt tay tôi thân thiện. Họ là ai tôi không biết nhưng bàn tay người nào cũng ấm nóng như những tia nắng mùa xuân. Tôi xòe tay đón những giọt mưa như đón một điều mới cho một năm an lành.
Tâm đứng lên đi chầm chậm trong phòng. Tôi biết, hết năm nay em không đi học hòa nhập nữa. Em sẽ sang trung tâm dạy nghề của Hội Người mù học nghề xoa bóp rồi về làm với cô Lan. Nếu vợ Quản sinh ra đứa trẻ bình thường thì năm mới cả nhà Tâm sẽ rất vui. Tâm và cả tôi nữa luôn tin con Quản mắt sẽ sáng. Mẹ Tâm sẽ không còn giận Quảng. Bố Tâm sẽ không còn uống rượu. Ngày xuân cả gia đình em sẽ được vui vầy dưới một mái nhà.
Và khó khăn nhất của vợ chồng Quản bây giờ là thuê một người giúp việc để chăm sóc thời kì mang thai và làm giúp giấy tờ khai sinh. Tâm đã đăng tin lên facebook rồi nhưng không có ai trả lời. Nếu vậy vợ chồng Quản dắt nhau về xin lỗi mẹ đi, chắc chắn bà sẽ giúp thôi, tôi tin là thế. Bởi người mẹ nào thì cũng như hạt mưa xuân kia, trang trải tình thương cho chồi non, lộc biếc...
L.T.C
VNQD