.SƠN CA
Tí tách, tí tách... cái âm thanh cứ đều đều như đếm, nghe giống tiếng con thạch sùng ném lưỡi vào đêm khuya vắng. Nằm một mình, càng khiến không gian ngày thêm lắng lại, nỗi buồn cứ sâu thêm, sâu thêm mãi, xoáy vào lòng dạ con người.
Mưa đấy. Mong mãi mới có mưa, nhưng mưa lại buồn. Dường như đấy là cái nghịch lý muôn đời của con người. Thiếu một cái gì thì mong ngày, mong đêm cho kì được. Nhưng có rồi nếu không sợ chí ít cũng làm cho con người cảm thấy man mác buồn. Thế đấy. Cả ngày mất điện làm cho không khí nóng nực oi bức. Cơn mưa chiều cũng chỉ dịu đi phần nào nóng nực. Hết mưa đâu lại vào đấy.
Bên ngoài trời tối đen, thi thoảng lại rực lên những tia chớp ngoằn ngoèo như muốn xé toang màn đêm đen đặc. Tiếp sau là tiếng sấm nổ inh tai, buốt óc. Có lúc phải hai tay ôm đầu, hai bàn úp chặt tai để không phải nghe thứ âm thanh quái đản. Bất chợt cô lại nhớ về cái ngày tuổi trẻ của mình cách đây đã hai mươi năm có lẻ. Ngày ấy gian khổ mà sao cô và các bạn đồng nghiệp vẫn hồn nhiên, vui vẻ không gợn chút u buồn.
Khi ấy cô còn trẻ lắm. Cô giáo trẻ mới ra trường vừa qua tuổi đôi mươi. Lúc nào cũng nhí nhảnh, líu lo như chú chim non mới ra ràng. Thấy cái gì cũng ngơ ngác, nhìn ngắm thật lâu. Cầm quyết định phân công lên vùng cao, cô cũng chẳng lấy làm buồn, mà đúng hơn chả biết buồn là gì nữa. Bạn bè mấy đứa cùng học được ở lại phố huyện, miền xuôi giảng dạy. Trong nhóm ấy chỉ riêng mình cô phải đi xa, cô cũng chẳng bận tâm, mà có vẻ như còn thích thú vì được bay nhảy nữa là khác. Cô háo hức muốn được cống hiến những gì cô mới lĩnh hội dưới mái trường chuyên nghiệp trong quãng thời gian ba năm học tập miệt mài. Cô muốn truyền lại cho học trò của mình tất cả những gì mà cô học được. Cô chẳng hề nghĩ gì tới những khó khăn vất vả đang chờ ở phía trước. Một đứa con gái chỉ quen được yêu chiều sống trong sung sướng từ bé như một nàng công chúa dưới sự bao bọc yêu thương của bố mẹ và người thân trong gia đình…
Ngày lên trường mới nhận công tác, bố cùng anh chị em đưa đi. Vừa đặt chân đến nơi cô thực sự ngỡ ngàng. Thì ra mọi thứ không như mình nghĩ hay tưởng tượng. Trường học thì đóng trên đồi cao xa dân xa bản. Ba bề bốn bên chỉ có đồng ruộng núi đồi. Cô đưa mắt cố gắng tìm kiếm xem những ngôi nhà của dân bản ngụ ở đâu. Nhưng những quả đồi xa gần đã cản tầm mắt cô. Ngôi trường mà cô lần đầu đến dạy có bốn phòng học là những gian nhà cấp bốn mái lợp bằng ngói cũ. Cửa giả chẳng còn, các bức tường bong tróc nham nhở. Có chỗ còn thủng cả một mảng gạch đủ để cho một đứa trẻ mười tuổi chui qua. Các thầy lấy vỏ bao tải đựng thóc rách che vào lỗ hổng ấy vừa để cho học sinh đỡ nhìn ra ngoài, vừa để chắn gió.
Dãy nhà văn phòng và khu tập thể giáo viên thì vừa tội nghiệp, vừa buồn cười. Cả hai khu làm bằng lá tạm bợ, được dựng lên bên hông phòng học của các con. Dù vậy chúng không thể nào thoát ra khỏi cảnh đơn độc vì quá nhỏ bé và xập xệ. Buổi trưa hôm ấy bố ở lại ăn cơm cùng cô và các thầy cô giáo trong trường để giúp cô làm quen với mọi người, tránh cho con gái cảm giác hụt hẫng của ngày đầu tiên xa nhà. Xong bữa cơm trưa, bố cùng anh ra về để cô lại giữa những người xa lạ mà từ nay đến những ngày tới đây họ sẽ là gia đình mới. Lạ nỗi, cô chẳng lấy đó làm buồn. Trái lại, cô vui vẻ hồn nhiên và luôn miệng tươi cười.
Thầy hiệu trưởng nhẹ nhàng hóm hỉnh trêu cô gái: Nào, giờ thầy đưa cô công chúa nhỏ đi nhận phòng của mình nhé.
Cô gái theo chân thầy đi nhận phòng. Ưu tiên phụ nữ nên thầy cho cô ở phòng giữa. Thầy bảo con gái hay sợ ma, ở phòng giữa thì cũng đỡ sợ hơn phòng đầu chái. Bước vào phòng cô gái trố mắt nhìn. Tự dưng thấy thầy hiệu trưởng và các anh chị giáo viên cười ồ lên. Cô không biết chuyện gì đã xảy ra mà chỉ đoán già đoán non là trông bộ dạng cô lúc ấy buồn cười lắm nên mọi người mới cười. Nhưng kệ. Cô chẳng bận tâm, khi thấy mọi người cười, cô cũng cười theo, cứ như không phải cười mình về cái bộ dạng ấy. Phòng ở gì mà bé như cái chuồng chim bồ câu của nhà bà ngoại. Bốn vách được thưng lên bằng những tấm ván mỏng bị bong đinh, ván cứ phù phật thế nào. Buồn cười lắm. Vì trên thì không tới trần nhà mà dưới lại không chạm đất. Cứ lửng lửng lơ lơ ở giữa, y như người cởi trần mặc váy cộc.
Hết buổi trưa hôm ấy, mỗi người một tay giúp đỡ, cô cũng dọn dẹp cái chuồng chim bồ câu bé nhỏ cho gọn gàng, tươm tất ra trò. Rồi cô hí hoáy trang trí, dán dán cắt cắt và bày ra khắp phòng những em gấu bông, tranh ảnh hoa lá, biển trời,… mà cô yêu thích. Nhìn lại trông cũng xinh xắn đáng yêu.
Ngày mai là ngày đầu tiên lên lớp nên cô có cảm giác hồi hộp, chờ đợi. Cả đêm gần như không ngủ được. Hết lăn ra lại lăn vào, xoay phải rồi xoay trái, lại nằm ngửa mặt nhìn lên trần mái. Cô đếm được có dễ đến cả nghìn tiếng tặc lưỡi của con thạch sùng cùng bầy muỗi đói vo ve ném vào màn đêm thanh vắng rõ mồn một mà trời vẫn chưa sáng cho. Thế rồi, theo quy luật tự nhiên của trời đất, cái gì đến ắt phải đến. Trời sang dần, cô giáo trẻ dậy sớm để xem lại bài vở một lần nữa và chuẩn bị quần áo thật chỉn chu lịch sự. Vì cô nghĩ, buổi lên lớp đầu tiên mà, phải làm sao cho thật ấn tượng với học sinh về quần áo, cách ăn mặc, đầu tóc, dáng bộ đi lại nói năng,... Tóm lại tất tần tật phải thật ổn. Bỗng dưng cô tự nhận thấy mình hôm nay sao khác lạ. Có vẻ người lớn và chững chạc hẳn ra. Cái cảm giác mà trước nay cô chưa từng bắt gặp bao giờ. Chuyện. Không gì cũng là người nhà nước rồi. Nghĩ đến đó cô thấy cay cay nơi sống mũi, cảm giác trào dâng thật khó tả.
Giờ lên lớp đầu tiên là tiết Ngữ văn ở lớp 6A. Bước chân vào lớp cô thấy hơi hồi hộp. Chính xác hơn là cô đang run. Cô hít một hơi thật sâu rồi thở ra thật nhẹ để lấy lại bình tĩnh. 45 phút của tiết học trôi qua, giờ học thành công hơn cả mong đợi của cô. Mọi người nhìn cô cười âu yếm, làm cho cô có chút ngượng ngùng, khiến hai má ửng hồng. Lúc này cô mới có thời gian quan sát học trò của mình. Chúng nhỏ bé cùng với những khuôn mặt lem luốc, áo quần cáu bẩn cũ kĩ. Duy nhất chỉ có đôi mắt đứa nào cũng hồn nhiên trong trẻo. Lần đầu tiên cô tận mắt chứng kiến sự vất vả, thiếu thốn và nghèo đói của các em học sinh vùng cao. Điều mà trước đây cô chỉ mới được nghe kể qua lời của bố qua những chuyến đi công tác vùng cao hay qua đài báo. Càng như vậy càng làm cho lòng cô se thắt lại.
Những cô bé cậu bé học trò của cô thì nhìn ngắm cô giáo một cách say mê, lạ lẫm và thích thú, cứ như cô giáo của chúng mới từ trên trời rơi xuống vậy. Những tiết học đầu, chúng chỉ dám đứng từ xa nhìn lại. Có đứa còn nhòm qua lỗ vách thủng hay thập thò nấp sau cánh cửa phòng học để ngắm nhìn và quan sát xem cô đang làm gì, nói gì hay thái độ cô đối với chúng nó ra sao. Khi cô đưa tay vẫy vẫy ra hiệu chúng lại gần thì chúng cứ ngượng nghịu nhìn nhau, đứa này đun đẩy đứa kia. Các cậu trai đẩy bạn gái lên trước. Các em gái thì xấu hổ lại chạy đi. Một lúc đun đẩy rồi chúng co cụm lại bên nhau như đám rơm khô, khó bề mà tách bạch chúng rời nhau ra được.
Sau buổi lên lớp đầu tiên, cô cảm nhận rõ sự khác biệt giữa trẻ em miền xuôi và trẻ em miền núi. Sự thiệt thòi trong cuộc sống và giao tiếp làm cho các em trở nên e dè, sợ sệt, luôn giữ khoảng cách nhất định, dù đấy là cô giáo, thầy giáo dạy các em hàng ngày. Nhưng với cô những hạn chế ấy chẳng làm khó cô được. Với nụ cười tươi như hoa luôn thường trực trên môi, sự gần gũi thân thương đã xóa dần khoảng cách giữa cô và lũ học trò nhỏ. Chẳng mất quá nhiều thời gian để làm quen, chúng tự cảm nhận được cô giáo là vô cùng dễ mến, dễ gần. Vậy là trong cái phòng chờ của giáo viên bé tí tẹo của nhà trường, cứ sau mỗi tiết học, giờ ra chơi là lũ trò nhỏ lại rủ nhau chúng vào chơi với cô, để được đến lại gần cô. Cô đọc được trong ánh mắt chúng, dường như đứa nào cũng muốn xí phần cô giáo cho riêng mình. Chỉ vì một điều thật giản đơn và hồn nhiên như đá của núi, cây của rừng. Đứa nào cũng muốn được cô đưa tay lên vuốt tóc, được cô ôm vai hay ngồi gần bên cô. Và còn điều này nữa mới tự nhiên và con người biết bao khi chúng kháo nhau: Cô giáo... thơm ơi là thơm!
Nghĩ đến đây cô mỉm cười một mình. Cái ngày ấy mới đó mà đã hơn hai mươi năm gắn bó cùng với học trò vùng cao. Biết bao thế hệ các em đã ra trường và thành đạt. Rồi có bao nhiêu em không vượt qua được hủ tục lạc hậu mà dở dang sự học. Tất cả như một thước phim quay chậm cứ hiển hiện trong tâm trí cô. Một chút buồn man mác chợt dâng trào, xâm nhập, gặm nhấm tâm can cô. Tuổi trẻ đã đi qua mà ngỡ như mới hôm qua. Đến cả mùi thơm con gái tuổi mới lớn mà cũng trở thành nỗi khát khao dường như không cưỡng lại được của biết bao người, trong đấy có đám học trò là con em các dân tộc sinh sống trên vùng núi cao. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
S.C
VNQD