Chợ hoa tết Hà Nội cũ

Thứ Năm, 05/03/2020 09:46

.TRUNG SỸ

Đã qua tiết hanh hao đầu đông, đồng đất ngoại thành xác khô gốc rạ im lặng nghỉ ngơi, hắt hiu thở nhẹ dưới nắng hanh nứt nẻ. Một ngày cuối năm gió về lạnh giá, đất đai trở mình, xốp mềm lại dưới những cơn mưa bụi. Từ những đường rạn chân chim của đất, lấm tấm nhoi lên một loài thân thảo lá nhỏ màu xanh phấn với hương hắc nhẹ. Cây rau khúc đã mọc, và tiếng rao sớm còn ướt hơi sương ngoài phố: “Ai bánh khúc đơi...!” báo hiệu tháng chạp đã cận kề.

Những nắm rau khúc lá mịn màu tơ bạc bán kèm nằm cạnh các mớ cải bắp, su hào, rau cải tươi rói ngoài chợ Bắc Qua là những tín hiệu xanh báo xuân sớm nhất cho nội thành Hà Nội. Bà nội trợ về qua đầu ô Yên Phụ, đã thấy bán các nhánh đào nhỏ chúm chím vài nụ hồng tươi. “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”, thấy lại càng thêm sốt ruột. Thứ đào tỉa bán theo bó này chỉ dành để cắm trên lọ nhỏ ban thờ. Mùa xuân khởi đầu từ mùa vụ ngoại thành, mỗi ngày một chút tiếp thêm vào thành phố cái không khí tết lúc đủng đỉnh, khi vội vã, khiến người ta như âu lo tất bật hơn những ngày thường.

Bao giờ cũng vậy, đúng ngày mười lăm tháng chạp, người ta ngăn ba-ri-e đầu các phố Hàng Khoai, Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Chai... quây lại khu ngã năm Cống Chéo, tạo thành một khu chợ hoa tết cho đất kinh thành. Khu phố này vốn là chợ hoa tết của Hà Nội từ xưa. Sở Văn hóa - Thông tin dựng vội các gian hàng tạm bằng tre nứa, cót quây trên vỉa hè hàng phố, bán tranh tết, câu đối, lịch năm mới đủ màu. Công nhân điện lực bắt đầu chăng các dây bóng điện rực rỡ lên cành những cây bàng trụi, cây xà cừ trên phố. Tối thử đèn, phố cũ nhà mình trông quen ngày dưng bỗng sáng bừng lên như một con phố lạ thường trong cổ tích.

Những loại hoa đến góp mặt trong chợ sớm nhất là các loại hoa cúc, được đánh nguyên cả bầu đất nuôi rễ để trồng trong chậu. Cúc đại đóa vàng tươi, mỗi bông lớn hơn miệng bát sứ Hải Dương với các cánh dày mập. Cúc móng rồng trắng một màu tinh khiết, mấy cánh hoa bao ngoài thưa và dài, vút cong yểu điệu như những ngón tay tiểu thư khuê các. Cúc bách nhật hoa dày, tán trùm đầy đặn như một chiếc mâm vàng. Cúc vạn thọ khiêm nhường nhưng thơm dịu, với các tai hoa xòe quăn màu huyết dụ.

Cùng họ cúc có thêm hoa marguerite trắng, tía, tím, hồng... các màu mới du nhập những năm sáu mươi thế kỉ trước. Lại có cả loài cây cúc mốc, nhưng thực ra chẳng liên quan gì đến cúc mà là một loài cây với tán lá tựa như cổ thụ, mốc bạc lên màu vẻ phong trần.

Đến chợ sau một chút là phong lan. Các giò phong lan đủ loại treo tầng lớp trên gốc xà cừ cổ thụ, với đủ tên gọi mĩ miều: quế lan hương, uẩn khúc, vảy rồng, đai châu, vũ nữ, phi điệp, đuôi én, kiếm lan... Có lẽ do kĩ thuật trồng phong lan hồi đó chưa có các loại thuốc kích thích tăng trưởng nên thảng hoặc mới có một vài giò đâm nụ. Người đi chợ hoa ngắm, bình phong lan chủ yếu đã vào tuổi trung niên, lứa tuổi đã biết kiên nhẫn, khiêm cung mà bền bỉ tỏa hương kín đáo, như tính chất của các loại hoa này.

Có một suối hoa đào chảy dọc phố Hàng Lược, từ trung tâm Cống Chéo đến cầu xe lửa Hàng Cót. Đào hoa dựng lớp lớp dọc tường “chùa Tây đen”, tên bình dân người phố cũ gọi thánh đường Hồi giáo duy nhất tại Hà Nội do người Pháp xây dựng, phục vụ các tín đồ của đức Ala trong quân đội thực dân.

Không hiểu sao chỉ thấy chủ yếu khách đàn ông đi chọn đào, ngắm đào mà không phải là phụ nữ. Bích đào đỏ thắm nhiệt huyết, đào phai phớt hồng thanh lịch, đào bạch thưa hoa mà tinh tế. Cuối phố có một hàng bán đào hoa năm cánh mới chuyển về từ Sa Pa. Trên những cành sương kính còn ngái mùi rừng nơi rẻo cao, lác đác một vài bông nở sớm. Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh trong ca khúc tuyệt vời của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao là nói về chính loại đào này.

Đây là nơi tập trung của mấy cụ già. Người già không phù phiếm lụy hoa mà yêu cành, trọng gốc, là nơi nâng đỡ cho hoa trái bừng nở khoe hồn. Người già không chơi hoa chơi nụ mà chơi thế cành dáng mộc, càng tiêu sái phong sương càng dung dị trần gian. Đào hoa báo tiệp của Quang Trung ngày chiến thắng đang âm thầm dồn nụ, kẻ chiến chinh quên mình là hoàng đế, phủi khói bụi thuốc súng trên áo bào trận mạc, gởi vội cành đào thắm đất Thăng Long về đế đô cho người vợ đang mong chờ. Thiết tưởng đấy chính là cành đào đẹp nhất trong mọi mùa xuân oanh liệt, vẫn thắm tươi lãng mạn cho đến tận hôm nay.

Cơn mưa bụi mịt mờ kéo qua, ướt nhòe loang hồng một màu đào hoa phố cũ. Tiếng lao xao phiên chợ tết như cũng nhòe đi dưới một trời mưa ấm. Một dòng đào hoa khác, từ mạn Nhật Tân, Nghi Tàm chảy về phố chợ, tiếp thêm cho phố hoa đào một màu hồng phơi phới đầy hi vọng, chỉ có khi tết đến xuân về.

Nếu ví thời gian như vó câu qua cửa, hay hiện đại hơn, như đoàn tàu tốc hành lao vùn vụt qua một ga xép vắng vẻ, thì tết chính là chiếc khung cửa trạm ngựa, là nhà ga xép không tên mà thời gian vừa lướt qua. Đó là các mốc dấu để những hành khách trên chuyến tàu đời có cơ hội biết mình đang ở đâu, đang sống ra sao. Có niềm hi vọng tân niên nào quện lẫn cả nỗi niềm ngậm ngùi nhớ thương ngày năm cũ. Cuối năm thời gian như bị nén lại, mau đến mau đi. Câu thơ thánh Quát cúi đầu trước cành nhất chi mai trắng, để đến ra giêng vẫn e dè thẹn nở một bông tinh khiết trước tuệ nhãn thiền sư.

Đôi chậu thủy tiên gọt khéo trên bàn đã tua tủa rễ, trắng tinh như bộ râu bạc của Thái Thượng Lão Quân. Đài nụ thủy tiên đã dâng lên, tỏa ra xanh biếc trên nhánh mới chờ đợi phút giao thừa. Còn đôi hôm nữa thôi là ngày ba mươi tết. Đây là thời điểm các loại hoa tươi ồ ạt đổ bộ về chợ. Các loài hoa thân thảo yếu đuối mau héo, dễ dập nhưng đầy màu sắc luôn chọn đúng thời điểm để xuất hiện, khoe vẻ rực rỡ của mình. Riêng dòng thược dược đã góp đủ sắc độ cho màu đỏ. Thược dược đỏ thắm màu cờ, đỏ son môi thiếu nữ, đỏ yên chi sang trọng và sâu trầm. Tiếp theo màu thược dược đỏ nghệ là một dải màu ấm vắt từ cam sang vàng nhạt. Lại có thứ thược dược màu cánh pháo, lai tạp giữa màu đỏ và màu trắng trên cùng một cánh hoa trông thật vui mắt.

Như một phân công tự nhiên, hoa đào thường do đàn ông chọn mua và tỉa cắm, còn bình hoa tươi tổng hợp thường dành chỗ cho các cô gái khoe tài. Có hẳn một trường nữ công Trăm Hoa trên phố Bà Triệu để dạy các cô gái Hà thành về các kĩ năng cắm hoa này.

Thược dược là điểm nhấn nóng trong bình hoa truyền thống cắm hỗn hợp trên bàn khách ngày tết. Cùng với thược dược, các cô cắm kèm tím viôlet, hoa bướm hồng tía, vài nhánh layơn vàng mập nụ, điểm trắng vài nhánh cúc họa mi... Bảng màu bình hoa biến ảo theo gu, theo tay người giỏi nữ công gia chánh. Thời nay đã có thêm nhiều giống hoa mới nhập tuyệt đẹp cho người yêu hoa lựa chọn, có thể cắm riêng một bình hồng nhung đỏ son, một bình hoa ly thơm ngát. Khi cắm hoa ly (huệ tây), người kĩ tính sẽ cắt đi các nhụy hoa đực, để phấn không rơi bám vào các cánh hoa.

Cứ thế, các loài hoa mang phong vị tết đến với từng phố nhỏ, riêng đến trong mỗi gia đình. Có người lính nơi chiến trường xa, xa lắm ở bên ngoài Tổ quốc, dạt dào trên cánh võng bỗng nhớ đến nao lòng từng cánh hoa nhỏ, từng viên gạch lát trên vỉa hè hàng phố quê hương. Trong mùa khô khát cháy vẫn hiển hiện một không gian đằm thắm mưa phùn, vẫn nghe đâu đây giữa rừng khộp xác xơ có đậm đà mùi khói pháo, có hương ngát thơm nồi nước mùi già phiên tắm gội tất niên sớm một cô gái nhà bên.

Mùa xuân hòa bình, anh lính trận trở về trên phố hoa ngày cũ, dạo quanh chợ hoa mà chẳng mua gì, để mặc sức cho không khí tết quê hương cùng làn mưa bụi mịt mờ thấm đẫm vào hồn. Có bao nhiêu người bạn lính ra đi không trở về nữa. Họ đã dâng hiến vô tư cuộc đời tuổi trẻ, nào ai trông chờ gì một vòng hoa trắng hay ngọn lửa vĩnh cửu trên đài liệt sĩ vô danh.

Cơn bấc lạnh lùa dựng cổ áo sẽ nhắc nhở một thời gian khó. Nỗi nhớ thương bạn bè sẽ gọi thêm niềm trăn trở đêm sâu. Tết có cả ngậm ngùi quá khứ lẫn hi vọng tương lai mới là tết thật. Giữa trăm hồng nghìn tía, bạt ngàn hoa sắc Thăng Long, vẫn có một cành mai nhỏ hoang dại miền xa nháy nhỏm nở khẽ trong hồn

T.S

 

------

Tranh minh họa của họa sĩ Công Quốc Hà

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)