.Ghi chép. PHÙNG VĂN KHAI
(Nhân kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Cục Chính trị - Tổng cục chính trị, 31/10/1949 - 31/10/2019)
Hồ Tây một chiều gió nổi, những con sóng bạc đầu gối nhau miên man xô vào bờ hoa lộc vừng, điệp vàng, ban trắng càng thêm phong vị se sắt của mùa thu. Những bước chân thong thả dường như lơ đễnh, mái tóc dài bồng bềnh gió bờ vai thon vạt áo khép tà thoảng hương sen cuối vụ góc đầm hoang hoải nắng hanh hao. Thu Hà Nội đến tự nhiên thẫm xanh nước Hồ Tây. Ngoài xa kia, sông Hồng đang vừa ngẫm nghĩ vừa thao thiết ôm chứa ấp iu những số phận mưu sinh. Trong dòng chảy mùa thu ấy, chúng tôi đi dọc hết Hồ Tây rẽ vào làng cổ Xuân La, nay cũng đã nhộn nhịp phố phường. Trong căn nhà bình dị, vị Đại tá nguyên Cục trưởng đầu tiên của Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị đã bước sang tuổi chín hai vẫn còn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Đứng nghiêm chào ông theo quân lệnh, vị Đại tá tươi cười chìa bàn tay ấm nóng ra phía trước. Câu đầu tiên của ông khiến ai cũng bật cười: “Tớ bị nặng tai, cần trao đổi điều gì các cậu hãy nói to lên nhé!”.
Đại tá Lương Tư sinh năm 1928 tại xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Từ một cán bộ hoạt động ở địa phương, năm 1949, ông được Tỉnh ủy điều vào Trung đoàn 64, Đại đoàn Đồng Bằng. Cũng như những người lính khác, việc gạt chuyện riêng tư sang một bên để đi đánh giặc là bình thường, khi ấy, ông đã từ biệt người vợ mới cưới mười sáu tuổi vừa bén hơi chồng để cùng đồng đội cầm chắc tay súng. Vừa đánh địch vừa trưởng thành, ông cùng những người lính Trung đoàn 64 kiên gan bám trụ các tỉnh đồng bằng sông Hồng, cầm chân thực dân Pháp để bộ đội ta siết chặt trùng vây ở Điện Biên. Những năm tháng đó, cả nước lên đường, hậu phương cũng là tiền tuyến. Những chiến công của người lính Đại đoàn Đồng Bằng đã góp vào chiến thắng lớn lao đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc như ý nguyện của nhân dân, của Đảng, của Bác Hồ.
Thấm thoắt đã tròn bảy mươi năm.
Bảy mươi năm, đúng bằng thời gian của cơ quan Chính trị - Tổng cục Chính trị, nơi ông từng đảm đương cương vị Trưởng phòng, rồi Cục trưởng đầu tiên. Về công tác tại đây từ năm 1975, lần lượt dưới quyền của bốn Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Thượng tướng Song Hào, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Lê Khả Phiêu - nhiều cung bậc thăng trầm của công tác chính trị trong nội bộ cơ quan Tổng cục đã cho ông không chỉ cái nhìn toàn diện và sâu sắc, một bản lĩnh chính trị vững vàng mà cả cơ hội được làm những việc nhân văn, nghĩa tình, thủy chung, son sắt, vượt qua những sự ì ạch của thói quan liêu bao cấp một thời. Ai đời phải bình xét, họp lên họp xuống, cân nhắc tranh luận mất mặn mất nhạt để chi li từng cân sắt, xi măng, vôi xây nhà, than đóng gạch cho từng trường hợp cán bộ đã vào sinh ra tử ở chiến trường nay trở về mong muốn vá lành mái tranh vách đất của gia đình mình. Có những lúc nước mắt lặn vào trong khi thấy anh em quá thiếu thốn. Những năm của thập niên tám mươi, cả nước thiếu đói. Bộ đội còn đói hơn nhân dân thì việc cán bộ chiến sĩ Phòng Chính trị sau này là Cục Chính trị thiếu thốn là lẽ đương nhiên. Bây giờ cái gì cũng có thì lại chẳng ăn tiêu gì được mà người cứ đẫy ra chứ ngày trước anh nào cũng gầy nhỏ, chỉ rặt xương và mắt. Gay go nhất là việc anh chị em các đơn vị trong Tổng cục ở đâu cũng đòi xin than, sắt, xi măng, vật liệu để xây nhà. Rõ ràng họ có tiêu chuẩn hẳn hoi, nhưng quả tình trong kho đã cạn kiệt, chỉ có thể cấp phát cầm chừng, chắt chiu lắm. Thế là các đồng chí ấy, nhất là chị em văn công cứ rình sẵn các nơi, hễ thấy thủ trưởng là ào ra nắm chặt lấy vạt áo đòi tiêu chuẩn. Có anh chị em còn lên thẳng thủ trưởng Tổng cục xin cái này cái khác. Đúng là túng quá hóa liều. Bây giờ nghĩ chỉ thấy thương, thấy tội quá. May mà những ngày tháng quan liêu bao cấp cơ cực ấy nay đã xa rồi.
Vậy thì hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ngày ấy như thế nào? Khó dễ ra sao? Mấy chục đơn vị, cơ quan trong Tổng cục toàn những nơi thành tích đầy mình, tập thể cũng vậy mà cá nhân càng như vậy. Không ít cá tính. Càng lắm đặc thù. Nhiều đơn vị với vai trò, nhiệm vụ chỉ đạo toàn quân khiến những người làm công tác chính trị trong nội bộ cơ quan Tổng cục không khỏi đau đầu, nếu không khéo có thể bế tắc. Đại tá Lương Tư cười rung mái đầu trắng như cước thong thả nói: “Phải có phép tắc của chính mình chứ. Vị thế Phòng Chính trị, sau này là Cục Chính trị có được phải do từ chính mình, từ mỗi cán bộ chiến sĩ ở đây. Mình càng nghiêm, họ càng sợ. Không phải ra oai nhưng phải nắm vững nguyên tắc. Thủ trưởng Nguyễn Nam Khánh phụ trách nội bộ cũng rất “rắn”. Đơn vị nào, cá nhân nào có ý kiến hoặc biểu hiện vượt cấp, vượt thẩm quyền, “cụ Khánh” tuýt còi ngay. Có một chuyện thật khôi hài. Một hôm, “cụ Khánh” gọi tôi: “Này Lương Tư! Có cậu cán bộ quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, vợ nó đang bế con đi ăn xin ở cửa ga Hà Nội kia kìa. Các cậu làm ăn như thế à?”. Tôi hoảng quá, nhưng cũng rất thận trọng, cho anh em vào tận Quảng Xương kiểm tra binh tình. Gia đình người cán bộ đó khá sung túc. Trong nhà có đàn lợn sáu bảy con đang chuẩn bị bán để xây nhà. Gạch, vôi, cát, gỗ đã được tích trữ sẵn từ trước. Nhưng biết làm sao đây? Ngày đó, một số vùng ở nước ta có phong trào “đóng cửa đi ăn mày”, nhất là nhiều hộ dân ở miền hay có bão lũ. Tôi đành lặng lẽ gọi cậu cán bộ kia lên bảo: “Thôi thì cậu giúp chúng tôi, giúp đơn vị, động viên thím ấy bế con về quê đi. Chúng tôi khi vào trong đó, bà cụ đã dắt tay chỉ vào lợn gà, gạch gỗ cũng hòm hòm rồi”. Đấy, phải làm công tác chính trị nội bộ với nhau như thế đấy”.
*
* *
Rời nhà Đại tá Lương Tư, chúng tôi lên đường vượt qua cầu Nhật Tân, rẽ sang cầu Đông Trù, qua cầu Chui, đến số nhà 18 phố Hoa Lâm, quận Long Biên đã thấy Đại tá Nguyễn Đức Thuần, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị tươi cười chờ sẵn. Mới thấy được các cụ, các bác làm công tác chính trị trong cơ quan Tổng cục Chính trị không chỉ khỏe mạnh minh mẫn mà luôn biết khơi gợi câu chuyện với người đối thoại. Từ tiếng cười, khóe mắt lấp lánh như sẵn sàng lắng nghe từng câu hỏi, sẵn sàng bộc bạch đến tận cùng cho thế hệ đi sau biết khó khăn thử thách, cả những điều làm được và những điều còn dở dang, càng thấy rõ vẻ đẹp nhuần nhụy của những bậc lão thành. Đại tá Nguyễn Đức Thuần năm nay đã bước sang tuổi tám mươi, ông là người con quê xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhập ngũ năm 1960. Cũng năm đó, ông được kết nạp Đảng và bây giờ đang chuẩn bị đón nhận Huy hiệu Sáu mươi năm tuổi Đảng. Như những ngọn gió đi dưới trời, lứa cán bộ các ông, từ thành thị tới các miền quê xa xôi, theo tiếng gọi của non sông vào chiến trường cầm súng và miệt mài sách bút, vừa đánh giặc vừa kiến thiết cuộc đời mình, không quản gì gian khổ hi sinh. Những người lính kiên cường ấy, ở đâu khó khăn nhất đều có mặt. Chiến tranh đã như vậy, hòa bình càng như vậy. Nguyễn Đức Thuần cao ráo, học rất giỏi, từng là thầy giáo dạy bình dân học vụ từ năm mười bảy tuổi, sớm được tuyển chọn đi học lái máy bay ở Liên Xô. Là một phi công trực thăng giỏi, theo sự phân công của tổ chức, ông học chuyển loại chính trị và trở về Đoàn 919 máy bay vận tải quân sự phục vụ chiến trường. Thế mới biết, con người luôn đặt yêu cầu của tổ chức lên hàng đầu này đã luôn biết hi sinh, kể cả khát vọng của riêng mình để phục vụ tổ chức, phục tùng mệnh lệnh. Như là số phận, sau này ông về Cục Tổ chức công tác, đảm nhiệm lần lượt các chức vụ. Đến khi ở cương vị Cục phó, ông được lựa chọn bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Chính trị năm 1996, công tác đến năm 2003 nhận quyết định nghỉ hưu.
Đoàn cán bộ Cục Chính trị tặng quà cho gia đình chính sách và hộ nghèo nhân kỉ niệm 42 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ảnh: Phan Thanh Mạnh
Ông giữ cương vị Cục trưởng nhiều năm, lại đúng dịp đất nước chuyển mình, quân đội chuyển mình sang giai đoạn mới. Những rung lắc, va đập mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường tác động không nhỏ vào môi trường quân đội. Người lính trước hết cũng là con người, cũng có cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái. Họ phải tổ chức cuộc sống thật ổn mới mong xây dựng tốt đơn vị, xây dựng tốt quân đội. Suy nghĩ tâm tư thì như thế, nhưng hành động ra sao để có được tổ chức mạnh là một vấn đề không dễ dàng. Cục Chính trị giai đoạn này bộn bề công việc, luôn được coi là hậu phương của Tổng cục, là hình ảnh phản chiếu trung thực nhất. Nơi hậu phương ấy phải thực sự mạnh, thực sự kết đoàn, thực sự sâu sắc nhân văn Tổng cục mới có sức mạnh toàn diện để chỉ đạo toàn quân được tốt nhất. Bởi vậy, bản lĩnh và niềm tin, nguyên tắc và sự linh hoạt, tính gương mẫu và sự sâu sát luôn phải đạt đến tận cùng.
Cũng không ít việc thời điểm này đã được đặt ra và giải quyết thấu đáo. Như việc khẳng định ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị chẳng hạn. Sẽ lấy ngày nào? Tại sao? Sẽ xin ý kiến đóng góp ở cấp nào? Có xin ý kiến các cá nhân lão thành cách mạng hay không? Cơ quan nào sẽ làm tờ trình và bám sát đến cùng công việc? Mọi người họp bàn rất căng, cuối cùng quyết định giao Cục Chính trị thực hiện. Nhất định phải xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu tiên. Đại tướng rưng rưng mái đầu bạc trắng cho ý kiến phải lấy ngày 22 tháng 12 năm 1944 làm ngày truyền thống. Bác Hồ đã dạy quân đội ta là đội quân chính trị trọng hơn quân sự. Chính Đại tướng cũng chưa bao giờ quên lời dạy của Người.
Công việc giai đoạn này rất sôi nổi. Đơn vị nào cũng muốn có những danh hiệu, nhưng để đạt được phải lần lượt theo các tiêu chí đã thành văn bản quy phạm. Anh em làm tốt tại sao ta không làm rõ được thành tích cho anh em, đơn vị? Từ suy nghĩ đó, cán bộ của Cục đã trăn trở, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, cùng với đơn vị làm sáng tỏ những thành tích, những hành động anh hùng để rồi làm thủ tục hồ sơ. Những đơn vị như Điện ảnh Quân đội nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có những liệt sĩ xứng đáng anh hùng thì tập thể phải là anh hùng. Chúng ta làm vì cái chung, vì nghĩa lớn, vì máu xương của người đã khuất.
Có những việc Cục Chính trị đã phải thuyết trình cấp trên, thuyết trình ngang cấp thậm chí phải làm công tác tư tưởng ngay trong nội bộ anh em. Ai đời các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ múa, hát, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc… cống hiến rất lớn từ chiến trường, sau này nhiều người đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, thậm chí có người được đặt tên phố, tên đường mà xét phong quân hàm lên đại tá thì bị vướng trần khiến thiệt thòi, mệt mỏi. Lại chụm đầu chia sẻ cùng nhau, tìm mọi cách tháo gỡ cho anh em. Ngày trước khoác ba lô vào chiến trường bom đạn, ai nghĩ đến một ngày trở thành sĩ quan cao cấp mang quân hàm thượng tá, đại tá. Chỉ mong muốn đất nước sớm hòa bình trở về với cha mẹ, vợ con, cầm tiếp cây bút, cây đàn, sáng tác về người chiến sĩ. Nào dám mơ, có khi cũng chẳng muốn làm quản lí để có trần quân hàm theo luật. Nhưng những người như Doãn Tần, Lê Thi, Chu Lai, Vương Trọng, Trung Trung Đỉnh… việc phong quân hàm cho các văn nghệ sĩ này xứng đáng với thành tích, công trạng, còn là sự tri ân với cả một thế hệ. Và lẽ phải, lẽ công bằng đã đến cũng rất tự nhiên. Những công việc thấu lí đạt tình như vậy luôn là vẻ đẹp nhân văn mang đến nhiều cảm xúc cho những người làm công tác chính trị nội bộ. Đó còn như những ngọn gió mùa thu tươi mát mãi thổi xạc xào suốt hành trình bảy mươi năm của đội ngũ những người làm công tác chính trị đã và đang kề vai sát cánh bên nhau.
*
* *
Cô gái nhỏ nhắn có đôi mắt luôn nhìn thẳng vừa dịu dàng vừa quả quyết chân thành bộc bạch mọi chuyện với chúng tôi. Cái chất lính tỏa ra từ lời nói mạch lạc nhưng cũng đầy gan ruột của Trung úy chuyên nghiệp Vũ Thị Hồng Vân, hai mươi tám tuổi, quê ở thành phố Nam Định. Khi tốt nghiệp Trung cấp Tài chính, Vân đã lựa chọn mang màu áo lính trở thành nhân viên hành chính đã gần mười năm. Vân nói về sự mất mát thiếu thốn của mình khiến người đối diện không khỏi chạnh lòng. Bố mẹ đều mất sớm, chị gái Trần Thị Thúy Hồng cùng mẹ khác cha bị bệnh tim bẩm sinh, hàng tháng vợ chồng Vân vẫn phải gửi chút tiền về hỗ trợ. Vợ chồng Vân nào có khấm khá gì. Đồng lương hai trung úy gộp lại mới được mười ba triệu luôn phải chia năm xẻ bảy. Nào phần nuôi con ăn học. Nào phần hỗ trợ gia đình hai bên nội ngoại. Mọi sinh hoạt, gạo nước, sách vở, ốm đau đều trông cả vào đồng lương. Được cái các cô chú, anh chị trong đơn vị đều chia sẻ, cảm thông với vợ chồng Vân. Cục Chính trị đã đề nghị Thường vụ Đảng ủy, thủ trưởng Tổng cục xét duyệt cho hai vợ chồng Vân được ở căn hộ 56m2 với cái giá chỉ sáu trăm nghìn đồng một tháng, bằng một phần mười thuê ngoài, lại vô cùng yên ổn. Con cái có chỗ học hành, tối lửa tắt đèn, khi ốm khi đau có gia đình đồng đội bên cạnh cũng vững tin hơn trong cuộc sống vốn còn vô vàn khó khăn thử thách. Vân lấy chồng cũng là cái duyên công tác. Hôm ấy, khi điện sang Đoàn 871 báo việc hiếu của cơ quan, đợi mãi đầu dây bên kia mới nhấc máy. Đang bực mình, lại thấy người nghe là anh chàng nhân viên sửa chữa xe máy bèn gắt nhau một chặp. Thế rồi thành quen, thành yêu lúc nào chả biết. Rồi lấy nhau. Rồi sinh con đẻ cái, mặc cái khó khăn thiếu thốn vây bủa tứ bề. Đơn vị ai cũng chia sẻ với hoàn cảnh của vợ chồng Vân. Chính nghĩa tình đồng đội đã dìu dắt cặp vợ chồng trẻ này vững bước trên con đường hạnh phúc do chính đôi tay khối óc của mình mang lại.
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Chính trị tâm sự nhiều về những cán bộ, nhân viên thuộc quyền. Đó là Đại úy chuyên nghiệp Phan Thanh Mạnh quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, nhân viên Phòng Tuyên huấn, gia đình rất khó khăn nhưng vô cùng say mê công việc. Anh chị em thương nhau luôn biết động viên và chia sẻ. Càng khó khăn, con người dường như càng gắn bó bền chặt với nhau hơn. Ngay như Phòng Cán bộ, chúng tôi đã chứng kiến tuần nào các anh cũng làm thêm giờ, ngày nghỉ, để kịp tiến độ công việc. Có những việc rất đặc thù ở cơ quan vốn phong phú, đa dạng loại hình công tác, lại là nắm bắt, tham mưu cho cấp trên những hoạt động như văn học nghệ thuật, báo chí, in ấn, xuất bản, giáo dục… đòi hỏi người cán bộ phải có chuyên môn sâu với từng ngành. Điều này là rất khó. Các anh cũng rất muốn đi cùng, hiểu biết rõ các ngành khác, để từ đó khăng khít với nhau hơn trong xây dựng Tổng cục để chỉ đạo toàn quân được tốt. Nhưng cái khó nhất là thời gian, là con người. Thời gian chỉ có vậy, con người chỉ có vậy, phải làm sao đây khi công việc đòi hỏi ngày một nhiều hơn, tốc độ hơn, chất lượng hơn như cuộc sống sôi động đang đặt ra với người chiến sĩ.
Những trăn trở của Đại tá Lê Văn Dũng cũng là những suy nghĩ của chúng tôi. Càng công tác ở Tổng cục lâu, càng thấy những câu chuyện nhân văn luôn có ở xung quanh mình. Cục Chính trị cũng vậy. Từ những đám hiếu trời mưa trời nắng anh em đều có mặt từ rất sớm. Nhiều sớm mùa đông lạnh buốt đã phải nhẹ nhàng rời tổ ấm dắt xe ra khỏi nhà đến trước mọi người xem công việc ra sao. Ai ốm đau bệnh tật, ai còn phải thuê nhà ở bên ngoài, lại những trường hợp gia đình bố mẹ neo đơn, con em thương binh liệt sĩ cần phải ưu tiên, săn sóc, các anh đều có mặt kịp thời. Vật chất chẳng đáng là bao nhưng sự tin cậy, yêu thương chính là liều thuốc tốt nhất để mỗi con người vượt qua được chính mình trong khoảnh khắc rất cần được san sẻ ấy.
Các mảng công tác tuyên huấn, công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác chính sách, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác dân vận, công tác quần chúng của Cục Chính trị luôn được bắt đầu từ những việc làm cụ thể, những con người cụ thể. Người lính ngày trước ở chiến trường, người lính hôm nay ở thao trường, có mặt ở mọi nơi, góp phần làm nên vẻ đẹp cuộc sống đã và đang hiểu sâu sắc rằng, mỗi người đều phải làm tròn vai của mình, sống hết trách nhiệm của mình, là một mắt xích hữu ích, là một thanh âm trong trẻo mới khiến cuộc đời và xã hội tốt đẹp lên hơn. Mơ ước chính đáng ấy luôn là tâm nguyện chung của người lính Cụ Hồ trong đó có người lính Cục Chính trị.
*
* *
Tôi nắm bàn tay anh, bàn tay dày ấm, ánh mắt cười tin cậy. Thiếu tướng Trần Văn Vương - Cục trưởng Cục Chính trị là một người rất dễ gần. Chúng tôi, những nhà văn nhà báo quen cách ăn nói bỗ bã thẳng thắn luôn tìm được ở anh sự đồng điệu chân thành. Điều gì cũng có thể nói thẳng được với nhau, tin cậy nhau, mong muốn cho nhau tiến bộ, trưởng thành trong mái nhà chung Tổng cục Chính trị. Hôm anh dẫn đoàn cán bộ chiến sĩ tiêu biểu xuất sắc của cơ quan Tổng cục Chính trị lên K9 - Đá Chông báo công với Bác Hồ, tôi thấy anh rất xúc động. Mồ hôi ướt đẫm bộ quân phục lấp lánh quân hàm trong cái nắng gần bốn mươi độ mà nụ cười vị tướng vẫn tươi tắn lắm. Nhỏ nhẹ nhưng khúc chiết. Giản dị nhưng thâm trầm, vị tướng rất hiểu trọng trách đang dồn xuống từng đôi vai trong mái nhà mà anh đang đảm đương cương vị người đứng đầu. Bảy mươi năm, quãng thời gian đủ dài để mỗi chúng ta tự chiêm nghiệm và tìm lấy những bài học quý giá cho riêng mình từ máu xương, trí tuệ của lớp lớp người đi trước. Không ít cán bộ, chiến sĩ của cơ quan đã về với thế giới của người hiền. Họ cũng giống như ngọn gió mùa thu luôn thổi mát lành, luôn làm dịu bớt những nỗi đau, tạo niềm tin vững bền trong cuộc sống. Hôm nay, chúng ta đang bước tiếp, đang gánh trên vai trọng trách của thế hệ được chuyển giao. Phía trước là bầu trời luôn rộng mở và vẫy gọi.
Đồng hành với chúng ta, với các chị các anh Cục Chính trị hôm nay, luôn là những ngọn gió mùa thu an lành thổi mãi
P.V.K
VNQD