Người kí ức

Thứ Ba, 21/01/2020 09:29

.Truyện ngắn dự thi. PHẠM THU HÀ

Hai đứa ngồi uống bia cạnh nhau trên sân thượng khu tập thể vẫn còn lõng bõng nước vì trận mưa ban chiều. Ánh sáng ngày muộn thấm vào từng vết nứt nẻ trên những bức tường vàng phủ rêu bong tróc, thấm sâu và nhuộm đôi đồng tử nàng thành màu hổ phách. Mắt nàng tròn trong veo, tôi ngắm nhìn suốt mười mấy năm, dẫu giờ đã đổi khác, trong khoảnh khắc ấy lại trở về thuở đầu tiên, nàng theo chân tôi và anh Nghi bày đủ trò con nít chơi trong sân khu nhà.

Bần thần, tôi buột miệng hỏi nàng: “Chúng ta là cái gì nhỉ?”. “Cái gì là cái gì? Ý mày là sao?”. Tôi bấm môi không biết phải đáp thế nào. Nàng bảo tôi sến. Chắc tại bia làm tôi sến. Nhưng lúc ánh mắt gặp nhau, tôi biết nàng hiểu…

“Chúng ta là cái gì hả Oanh?”.

Lần đầu tiên hỏi nàng câu ấy, tôi hai mươi, nàng mười chín, hai đứa mới làm tình nơi góc cầu thang tối. Ánh sáng duy nhất lọt vào được nơi chúng tôi trần truồng ngồi cạnh nhau là ánh trăng một đêm khuyết. Da nàng sáng mờ, lạnh. Mùi mồ hôi lấp đầy không khí. Một đêm thu chẳng có lí do gì đặc biệt, nàng mới bỏ học dở chừng và tôi thì đích thị là một thằng lông bông vô tích sự. Buổi đó hai đứa ngồi tập tành hút thuốc bên cầu thang như vẫn thường làm, nói đủ chuyện nhảm nhí. Thật buồn cười vì khi còn nhỏ trong nhà tôi không bao giờ có một điếu thuốc hay một giọt rượu, mỗi lần tôi đến gần những thứ ấy, mẹ lại hoảng sợ, trừng phạt tôi rất nặng nề. Có lần tìm được một đầu mẩu thuốc cháy dở trong góc nhà, mẹ nọc tôi ra đánh đến bầm tím hai chân. Có lẽ cũng bởi vậy, nên khi không còn bị kìm kẹp, tôi quyết sa ngã đến tận cùng. Im lìm lạc trong suy nghĩ riêng mình, nàng đột ngột hỏi:

“Mày có muốn ngủ với tao không?”.

Tôi sốc, chưa kịp hiểu rõ câu hỏi, chưa nghĩ được câu trả lời thỏa đáng thì nàng hỏi lại: “Mày đã ngủ với gái bao giờ chưa Phúc?”. Tôi hít một hơi thật sâu, cố tỏ ra bình thản nhưng tim đập thình thịch: “Chưa”. “Hôm nọ có bố này gạ mua trinh tao hai chục củ đấy”. Ngừng một lúc nàng tiếp lời: “Thằng cha trông cũng có tiền, nhưng xấu bỏ mẹ, đầu thì hói, mặt đầy thịt, già hơn cả ông bô tao, tao đã đồng ý rồi chứ, ít ra xong còn được một đống tiền. Nhưng thế quái nào lúc đấy tao khóc lắm quá, thằng cha mất hứng thôi không làm nữa. Nghĩ lại vẫn tiếc”.

Nàng còn kể thêm mấy chuyện vớ vẩn, tôi không còn nhớ, chỉ nhớ ánh sáng nhợt nhạt hắt lên nửa gương mặt nghiêng của nàng khi hai đứa háo hức, tò mò sờ soạng nhau trong bóng tối và mùi ẩm mốc nơi góc cầu thang nắng không bao giờ chạm tới. Xong xuôi, hai đứa đứng ôm nhau một lúc, tôi muốn hỏi nàng cảm thấy thế nào, nhưng mấy lần mở lời mà không biết xưng hô ra sao, cuối cùng chỉ gọi: “Oanh ơi…”.

Khi hai đứa mặc quần áo lại, nàng ngồi xổm nhả khói như không có gì xảy ra: “Tưởng thế nào, mấy ông bà già cứ vống chuyện chịch choạc làm như to tát lắm”. Tôi không biết phải vui hay buồn vì lời nhận xét ấy. Nhưng tôi nghĩ nàng đúng và tự dưng nỗi buồn sến rện chợt quặn lên.

Chưa lúc nào tôi nghĩ mình lại nhớ anh Nghi đến thế. Hơi thở anh phả lên tôi phảng phất mùi rượu. Anh lại lén đi uống rượu. Những đêm ấy tôi vẫn vờ như không biết. Tỉnh dậy vào giữa đêm, phía bên kia giường lạnh toát, tôi trông ra khung cửa thấy sương đêm mịt mờ. Tôi không thể trở lại với giấc ngủ. Tôi nhớ thứ mùi hăng hắc như mùi thuốc vì nhiều năm ra vào bệnh viện lan tỏa từ da thịt anh. Làm sao tôi có thể ngủ khi biết anh đâu đó ngoài kia, tự trút vào mình thuốc độc và chết dần chết mòn. Tôi giở mình trằn trọc. Đêm dài như năm. Chờ đợi thật lâu trong cơn mơ màng để được nghe tiếng cánh cửa rón rén mở ra lần nữa. Tôi giữ hơi thở đều để anh không biết là tôi biết.

Về sau, khi cũng ròng rã uống đến bất tỉnh, tôi mới biết anh Nghi muốn chết nhanh hơn. Mỗi khi rượu lấp đầy những hố trống trong cuộc đời, anh chếnh choáng và ngỡ thời gian trôi nhanh hơn.

Nghi biết không đợi được tôi nên anh chết trước. Chúng tôi chôn cất anh ở rất xa phía bên kia thành phố. Khi nhà cửa thành ruộng đồi và rừng cây bỏ lại phía sau, mộ anh Nghi nằm hướng về phía tây…

 

*

* *

Nàng là người đầu tiên biết chuyện tôi hiến thận.

Dạo ấy nàng đã làm việc ở một quán bar Tây và đi khách được hơn năm. Không phải là tôi cố ý để tâm chuyện riêng của nàng, chỉ là hai căn hộ gần như đối diện. Bố mẹ bỏ nhau, đường ai nấy đi khi nàng mười tuổi, nàng sống với bà ngoại, bà ngoại mất vài năm trước... Mỗi lần nghe tiếng cửa sắt bên ấy kẽo kẹt mở ra, vô tình ngoảnh sang lại thấy nàng ôm hôn một gã trai lạ. Mà nàng cũng chẳng buồn giấu giếm gì việc ấy, cứ có dịp trò chuyện là nàng lại kể mấy chuyện hài hước lúc đi khách.

Tôi chở nàng đi ăn gà tần đêm, qua một con phố sầm uất, đến trước một căn nhà mặt tiền rất to, tôi bảo: “Suýt nữa thì cái nhà này là của nhà tao đấy!”.

Nàng cười khẩy: “Đừng có phét!”.

Tôi kể cho nàng nghe chuyện mẹ từng kể cho tôi về bà ngoại. Ngày xửa ngày xưa bà ngoại tôi lấy người chồng đầu, sinh ra một đứa trẻ nhưng bị chết non, lại thêm gia đình chồng đánh đập nên bà bỏ lên thành phố ở vú cho nhà giàu. Hồi Mĩ đánh bom thành phố, gia đình kia sợ quá di tản, trước lúc đi nắm lấy tay bà tôi bảo: “Chị ở lại, trông nhà cho tôi, bao giờ hoà bình chúng tôi sẽ trở lại!”. Và dĩ nhiên, làm gì có chuyện họ trở lại, bà tôi một mình ở trong căn nhà ấy, nhìn mưa rửa sạch máu trên đường phố, gánh phở đi bán rong được mấy năm thì buồn quá, lại bỏ tất thảy về quê. Hồi đó mẹ tôi vẫn hay nghĩ tiếc, giá mà bà ngoại ở lại, thì có phải mẹ tôi đã là gái phố.

Tôi cũng kể nàng nghe số tiền người ta sẵn lòng trả cho quả thận, nàng tròn mắt: “Khiếp, nhiều thế!”. Nói xong, nàng lại vục đầu thản nhiên ăn gà tần. Tôi hụt hẫng. Có lẽ tôi đã thầm ước nàng nói gì đó ngăn tôi lại, nhưng không… Thấy vẻ lấn cấn của tôi, nàng bảo: “Quyết làm rồi thì làm đi, đàn ông phải quyết đoán lên”. Nàng không phán xét, cũng không khuyên nhủ tôi. Nàng thật lạnh lùng, thực dụng. Nhưng chính bởi vì vậy mà chúng tôi mới bên nhau được lâu đến thế.

Về sau, người chăm sóc tôi cũng có cái tên giống nàng. Nhưng cô ấy lại là kiểu người khác. Còn rất trẻ và nhạy cảm. Tôi mới hỏi: “Em làm công việc này bao lâu rồi?”. Cô bẽn lẽn: “Mới hai tháng”. Thấy hai hàng mày tôi cau lại, cô vội thêm vào: “Nhưng anh yên tâm, em có đủ chuyên môn để chăm sóc anh”. Tôi cười để xoa dịu cô. Tôi không lo cho sức khỏe của tôi, tôi lo cho cô mà thôi. Dù sao công việc này cũng quá tàn nhẫn. Tôi có thể thấy rõ cô cảm tình với tôi hơn gã cùng phòng, một gã lãng nhách, đen gầy, chắc như da thuộc. Thi thoảng tôi và gã trai cũng trò chuyện. Mấy câu vô thưởng vô phạt thôi, chẳng tránh được khi chúng tôi cứ phải nhàn rỗi ở cạnh nhau mãi. Phần còn lại thời gian tôi chọn im lặng.

Minh họa: Bùi Tiến Tuấn

Gã cùng phòng ghét chốn này và chốn này cũng ghét gã. Hẳn là vì giữa không gian hữu hạn của bốn bức tường, gã ý thức được rõ hơn lúc nào hết rằng gã đang ăn thịt chính mình để sống cho qua phần đời lãng nhách còn lại. Không như nhiều người, tôi không ngại phải ở những cơ sở y tế. Vì tôi và anh Nghi đã cùng nhau lớn lên trong sắc trắng của tường ốp gạch bệnh viện. Ánh đèn trắng, đồng phục trắng, đến mùi thuốc khử trùng cũng dường như mang màu trắng toát. Có phải vì vậy mà tôi và anh hồn nhiên đến cùng, hùa nhau chơi đuổi bắt giữa những hành lang vắng lặng. Tôi thường là người tìm còn anh là người trốn. Tôi bước mạnh để đế dép gõ lên sàn và lặng im để ngửi. Mùi hương của anh vang lên như tiếng chuông giữa thinh lặng, nhỏ giọt, kéo giật tôi về phía ấy. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng giữa phố xá nghẹt ứ, có lúc tôi thấy mùi hương gõ nhẹ lên vai, mảnh và nhạt như một sợi tơ nhện. Tôi cuống cuồng hoảng hốt quay đầu tìm, phóng xe thật nhanh lần theo sợi tơ để tìm về. Sợi tơ ngẫu hứng gõ nhịp giữa đám đông, luôn đứt đoạn ở nơi tôi dường như sắp tìm thấy đích. Tôi đứng lạc lối hoang mang giữa đường, những người phía sau tức giận bấm còi inh ỏi, nhưng nào quan trọng, tôi cần phải ở đó chờ mùi hương của anh chạm vào mình thêm một lần nữa, nhưng mãi mà chẳng thấy…

Người y tá mang kết quả xét nghiệm đến, đúng như dự đoán, các chỉ số đều tương thích. Mấy lần gia đình Lâm tới xin gặp mặt tôi đều từ chối. Những lời van lơn cảm kích của họ đặt lên tôi một hòn đá nặng không sao thở nổi.

Trước ngày phẫu thuật không lâu nàng vào thăm tôi với một cuốn tiểu thuyết dở rồi vội vã rời đi. Trong lúc cố đọc nốt những trang cuối của cuốn sách, nhân vật chính đã chết, chỉ còn vài nhân vật phụ sống như những cái bóng ủ dột, đột nhiên tâm trí tôi trở lại cuối buổi tối nói với nàng chuyện bán thận. Tôi chút nữa thì van lơn nàng nói gì đó ngăn tôi, để tôi biết xác thịt này vẫn còn người trân quý. Nét mặt cay đắng đến lạ, nàng rít một hơi dài thuốc lá, nhả khói ra, rít thêm một hơi nữa rồi đưa nó sang cho tôi, nàng cười giễu tôi và cũng là giễu chính bản thân mình: “Trên đời này những người như bọn mình chỉ là hàng hóa cho bọn có tiền mà thôi. Tao phá thai hai lần rồi. Bác sĩ bảo tao chỉ cần phá thai thêm một lần nữa là tịt đẻ. Chẳng phải tao muốn đẻ đái gì giờ này, nhưng sau này biết đâu đấy. Tranh thủ làm vài năm nữa kiếm đủ tiền mua một cái nhà. Rồi thôi, tính làm việc khác”.

Và nàng im lặng.

Tôi tự hỏi mình có cần tiền đến vậy không, thú thật là tôi cũng chẳng biết. Nhưng lần đầu gặp Lâm, ngón tay tôi run rẩy.

Hôm đó, người ta gọi tôi, bảo: “Phúc ơi, cậu làm ơn làm phước cứu mạng con tôi”.

Tôi biết ngay người ta muốn gì.

Đã biết bao nhiêu lần như thế. Tôi thường cúp máy, chặn số. Tôi ngỡ mình quyền năng như Đức Phật, ngồi uy nghi trên đài sen, mắt nhắm hờ, khói nhang nghi ngút. Ngày anh Nghi vừa mất tôi thường cùng mẹ đi chùa, xem mẹ đặt lễ, dâng hương, vái lạy. Lúc về nhà lén xem cuốn sách đầy rẫy những câu chuyện màu nhiệm về vị thái tử Ấn Độ, cố hiểu cuộc trò chuyện riêng tư của mẹ với đấng nhiệm màu. Nhưng ngày ấy tôi quá nhỏ để hiểu, và khi đủ lớn để chắp vá những mảnh ghép lại với nhau thì đã quá mỏi mệt, kiệt sức.

Cũng ngày hôm đó, bố uống say đến bất tỉnh ở một quán rượu, chủ quán gọi tôi đến đón. Trên đường về bố hơi tỉnh lại, tôi bảo: “Lần sau, bố đừng uống nữa”. “Ừ”. Bố lè nhè đáp. Đặt bố nằm trong phòng, tôi trượt ngồi xuống phía bên kia, tựa người vào tường. Đợi bố ngủ say, tôi rời đi. Mỗi lần lái xe giữa đêm khuya thu trong lòng thành phố, nhìn những ngọn đèn đường không bao giờ tắt, tôi lại thấy bớt ghét thành phố đi một chút. Tôi chợt nghĩ muốn đâm đầu vào một nơi nào đó chết quách đi cho xong. Nhưng tôi nào có can đảm ấy, tôi vẫn luôn đớn hèn và yếu đuối, còn quá nhiều uẩn dấp dính với cuộc đời. Dừng xe bên hồ, ngồi xuống mặt ghế đá lạnh, tôi ngắm nhìn thứ ánh sáng đô thị đêm tràn vào đáy mắt hồi lâu. Cảm giác mất phương hướng, chán ngán đến tận cùng dội lên khiến tôi chỉ muốn được chết. Mở điện thoại ra, tôi lại thấy số máy ban chiều gọi nhỡ.

Và tôi đã bấm gọi lại.

Tôi nhận lời.

Chúng tôi sắp xếp để hẹn gặp nhau một chiều cuối tuần thành phố trắng mờ vì mưa bụi. Người đàn bà ăn vận quý phái, nét mặt sầu muộn, kể với tôi về Lâm. Đôi lúc phải ngừng lại vì nước mắt lăn dọc gò má. Mấy lần tôi suýt đưa tay ra lau vì nhớ tới mẹ.

Người đàn bà ngập ngừng: “Cậu biết đấy, tiền không phải là vấn đề”.

Tự dưng tôi thấy lòng lạnh lẽo.

Nhưng đã đến đây rồi, tôi vẫn lịch sự để bà dẫn tôi đi gặp Lâm.

Không hiểu sao bệnh viện nào cũng giống nhau, và không hiểu sao bệnh viện nào cũng phải trắng. Tôi bước mà như trôi đi qua những hành lang im lặng. Người đàn bà dừng lại, ngập ngừng nhìn tôi rồi khẽ khàng xoay mở cánh cửa gỗ. Đèn phòng thì tắt, mưa gió lại vẫn rơi bên ngoài khung cửa để ánh sáng lọt vào mông lung như một bức tranh đen trắng. Tôi chết lặng nhìn cậu thiếu niên say ngủ trên giường.

Tôi biết đó không phải anh Nghi, nhưng tôi đã quên mất điều đó. Có phải vì bệnh hoạn mà Lâm giống Nghi đến lạ lùng? Thân hình gầy guộc tái xanh, thấy rõ được những đường gân chạy dưới da. Và chẳng quan trọng nữa chuyện ai đang nằm đó. Nhìn Lâm, khung cảnh chợt chuyển rời về kí ức sớm nhất của tôi, anh Nghi chìm trong màu trắng. Anh sáu tuổi, mười tuổi, mười bốn, rồi mười tám, hai mốt nằm lọc thận bên những cái máy cồng kềnh kêu bíp bíp, bíp bíp…

“Bíp bíp!”. Bé Phúc mới ba bốn tuổi bắt chước kêu rồi cười khanh khách, tiếng cười giòn tan xáo trộn không gian đặc quánh sự im lặng. Mẹ vội vàng chặn môi. Nhưng quá muộn, người bệnh - một cậu bé khác đã bị tỉnh giấc. “Anh ơi, dậy chơi với em, dậy chơi trốn tìm thôi!”. Bé tụt xuống khỏi mẹ và chạy đến giường bệnh”. “Con lại đây, để anh nghỉ”. Mẹ nói. “Không sao đâu mẹ ơi, bế em lên nằm với con một lúc”. Và bé Phúc sẽ thiếp ngủ trong lòng anh Nghi, máy lọc thận vẫn kêu bíp bíp, bíp bíp…

Sau này tôi nghĩ giá mà cứ được nằm đó ngủ mãi. Nhưng rồi năm tháng qua đi, anh Nghi thì mãi cứ gầy yếu còn tôi lại lớn dần lên, cao hơn một mét tám, với cơ thể thật khoẻ mạnh, chiếc giường trở nên chật hẹp không đủ chỗ cho cả hai.

 

*

* *

Mẹ tôi rời một miền quê có những cánh đồng xanh bạt ngàn những dòng sông mát lịm lên thành phố với ước mơ trở thành một diễn viên hay ca sĩ nổi tiếng đầu những năm chín mươi. Nhưng ước mơ ấy đã dang dở trong một căn nhà trọ tập thể tồi tàn phía tây thành phố nơi anh Nghi uống khói trăng tràn ứa để thành hình, nơi bố mẹ khi ấy còn là những người trẻ tuổi háo hức, bồng bột, nông nổi yêu nhau, nơi bố ôm mẹ vào lòng giữa cơn nức nở: “Đừng khóc, có thai rồi anh sẽ lấy em mà”.

Cũng căn phòng ấy, ôm anh Nghi trong tay, làn da tái nhợt, thân thể nhỏ xíu, tất cả những gì cha mẹ mong muốn - từ bao giờ mộng ca hát đóng phim của mẹ và mộng trở thành phi công của bố đã tàn lụi - chỉ là bé con mới sinh của họ được lớn lên mạnh khoẻ.

Tôi thấy thẫn thờ khi nghĩ lại tất cả những gì đã xảy ra, cuộc sống của những con người bị bệnh tật làm cho tan nát. Mẹ đã khóc trong lúc tụng kinh mỗi khi thân thể anh sụp đổ, nước mắt rơi ố những trang giấy vàng. Tôi sờ vào cạnh cuốn kinh và ngây ngô băn khoăn có phải Phật làm mẹ khóc. Phật quay lưng đi, Phật làm ngơ với những lời khấn cầu, Phật mang anh Nghi rời khỏi chốn hồng trần để đến với miền cực lạc. Phật bảo nơi đó có những dãy nhà ngói lưu li ánh đủ bảy sắc, trăm vạn loài hoa luôn đua nở. Phật bảo anh Nghi là con trời và sẽ chỉ ở với chúng tôi một thời gian ngắn ngủi. Phật giận vì mẹ đã làm tất cả để níu giữ anh. Những đêm thành phố phủ sương, tôi với anh nằm cạnh nhau. Nghi hơn tôi bốn tuổi, nhưng anh ngây ngô vì được nuôi lớn bằng sắc trắng tinh khôi.

Tôi đã được sinh ra và được nuôi dưỡng bởi ý nghĩ rằng mình sẽ có ngày là một phần của anh. Nghi với tôi sẽ chia nhau mỗi đứa nửa phần sinh mệnh. Như mưa... Mẹ bảo, mưa là những hạt mồ hôi đọng từ thân thể Phật, phước lành theo hoa mưa nở trên nền đất như ngọc ngà châu báu. Tiếng mưa là tiếng phúc cầu cho thế gian yên lành.

Phúc.

Tôi đã ghét cái tên ấy cả đời mình, một cái tên xa xỉ, lạc quẻ, đỏm dáng. Ghét mỗi lần giáo viên gọi lên bảng trả bài và tôi đứng đó ngớ ngẩn, ngu ngốc, lúng túng, mỗi lần đám con trai lôi nó ra giễu nhại bằng tiếng Anh tục tĩu.

Khi ấy tôi chưa biết băn khoăn về những bức tường bong tróc, mái ngói tồi tàn, sân bê tông nứt nẻ, ngổn ngang đủ thứ. Tôi hồn nhiên sống qua những mùa phúc cầu xóa trắng thành phố. Thành phố này đâu đâu cũng trắng, chẳng cứ mỗi khi mưa rơi. Ngẩng đầu là bầu trời, cúi đầu là bê tông, đường nhựa, đến không khí cũng phủ bụi mờ như sương, tất cả ngột ngạt, mông lung.

Tôi sinh ra là để tưới phúc lên thân thể anh Nghi, để chia cho anh một quả thận khi bệnh suy thận bẩm sinh không còn cách cứu chữa. Nhưng anh không chịu đợi. Khi bệnh tật đã rút kiệt sức lực của tất cả mọi người và tiền bạc thì trôi đi, anh đã chọn buông tay. Giờ tôi vẫn hận vì anh đã chọn bỏ cuộc bằng cách lén uống rượu và từ chối điều trị. Anh Nghi đã bỏ tôi đi khi vừa đúng tuổi Lâm lúc này. Một đêm, anh bảo tôi kéo rèm cửa ra để ngẩng đầu tìm sao, Nghi nào nhớ thành phố không bao giờ có sao vì đèn cao áp luôn sáng. Có lẽ anh đã trở về với ngày còn nhỏ một lần mẹ đưa chúng tôi về quê, hai đứa ngồi tựa người vào nhau ngoài hiên, ngẩng đầu nhìn sao trời. Tôi nghe anh kể chuyện thần thoại Hi Lạp về vị thần Hades vì quá yêu nên đã bắt cóc Persephone xuống địa ngục.

“Ai lại muốn kéo người mình yêu thương xuống địa ngục cùng? Thật ích kỉ quá đi mất”.

Tôi ngây ngô nhận xét mà không biết nét mặt anh sầu tư.

Giờ tôi vẫn tự hỏi có phải vì vậy mà anh chọn bỏ lại tôi? Anh đâu biết là nơi anh bỏ tôi lại, với một nửa thân xác - tôi soi bóng mình trên bức tường khu tập thể chỉ thấy trống hoác dị dạng - mới là địa ngục. Sau tất cả những gì chúng tôi đã có và mất, mọi thứ nơi này lại thành quá đỗi nhỏ nhen.

Ngày anh Nghi đi, thế giới quanh tôi bị hủy diệt. Những gì còn lại vụn ra như đụn cát gặp sóng. Tôi đã đứng bên lề như cái bóng của anh, khi anh mất đi, gia đình tôi tan vỡ và tôi thì không hiểu mục đích tồn tại của mình là gì. Tôi phải lần bám vào bức tường cũ, lạc lối giữa mê cung những toà nhà cao tầng nơi đô thị không lối thoát, ngột ngạt, bức bối. Nhiều lần tôi buột miệng bảo mẹ: “Mẹ ơi, mình đi nơi khác sống”. Mẹ tôi thẫn thờ, ngơ ngẩn: “Đi, đi đâu?”. Tôi không biết. Cả đời này tôi đã sống ở bên lề thành phố, thành phố là trung tâm hút tất thảy vào lòng, tôi rơi vào hố trũng, không thể tiến sâu hơn, cũng không thể rời đi.

Từ ngày anh mất, mẹ thành điên dại, suốt ngày khoá mình trong căn phòng chật tụng kinh. Chợt có một buổi tối, tôi ra ngoài về thấy mẹ đứng trong bếp, khói cơm tám thơm nức. “Nghi vào ăn cơm đi con!”. Mẹ nói với di ảnh anh sầu muộn trên tường. Tôi điên cuồng đóng sập cánh cửa, quay lưng bước đi vì không thể chứng kiến thêm nữa.

Bố tôi từng bảo: “Đàn ông không khóc!”. Nhưng bố đã khóc lúc uống say. Vì tất cả những điều bố từng cố níu giữ trong đời giờ thành thất bại, vụn vỡ.

Chúng tôi đã không thể thành chỗ dựa cho nhau. Và lần đầu tiên trong đời tôi hiểu có những nỗi đau không cách nào hồi cứu, không cách nào qua đi, phủ bóng lên phần còn lại của cuộc đời như rêu phủ. Và trước mắt tôi lúc ấy, anh Nghi đã trở lại, nằm lặng lẽ trên giường bệnh để chờ cho sinh mệnh được san sẻ. Sức nặng của năm tháng và kí ức đổ ụp về, tôi vốn sinh ra để giữ chân anh Nghi lại với cuộc sống.

Tất cả mọi người tán dương cho rằng tôi nhân hậu, vì một người xa lạ mà cắt đi xác thịt của mình, nhưng họ không hiểu. Đối với tôi, đó không phải là lòng đại lượng, sự hi sinh, mà đó là cơ hội, là sự cứu rỗi. Vậy đấy, tôi chẳng phải tốt lành hay nông nổi như người ta vẫn nghĩ, tôi chỉ đơn giản là ích kỉ mà thôi. Tôi không thể để mất anh trai mình thêm lần nữa. Và hóa ra trong câu chuyện thần thoại Hi Lạp khi xưa, anh Nghi trong sáng cứ ngỡ mình ích kỉ và mang tới đớn đau, mà đâu biết rằng, tôi mới là vị thần địa ngục Hades.

 

*

* *

Tôi và Lâm làm xét nghiệm thêm một lần cuối cùng.

“Nhiều lúc mày sến bỏ mẹ!”.

Câu nói của nàng chợt vang lên. Tôi bật cười vì nàng hiểu tôi nhất trên đời. Không hiểu sao tôi có cảm giác như nàng sẽ đi xa một thời gian thật dài, và lòng bỗng bâng khuâng. Cho đến tận khi vào phòng phẫu thuật, gây mê, ý nghĩ duy nhất vang lên vẫn là: Giá tôi được gặp nàng lúc này. Tôi muốn được ngắm nhìn đôi mắt nâu sâu thẳm, tĩnh lặng bình yên như mặt hồ. Dưới đáy hồ đó là nơi níu giữ những mảnh vụn kí ức cuối cùng chúng tôi cùng có với Nghi của ngày xưa…

 

P.T.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)