.Truyện ngắn dự thi. BẢO THƯƠNG
Mưa, những cánh rừng thâm lam một màu của mây. Trên con đường dẫn lên vách đá cao nhìn xuống, những con thuyền nan như chiếc cặp cài đầu nhỏ xíu trên mái tóc u huyền của người con gái. Anna, cô gái Tây có mái tóc đen huyền.
“Tổ tiên em từ vùng Siberia đến, bố em bảo vậy”.
Anh nghe cô kể vào một đêm tối trời. Mảnh vườn, những bông hoa tử huyền nở thẫm. Bầu ngực Anna cũng trắng tròn và mềm như những cánh hoa tử huyền trong đêm. Tiếng Anna rì rầm, rì rầm: “Cha em thích loài hoa này nhất, vì mẹ em thích. Liệu có thứ gì người con gái thích cũng thành nỗi thích ở người con trai không?”. Anh không biết. Anh đang miên man nghĩ về mẹ và bố. Ngày tỏ tình, bố hỏi mẹ, em có ra đảo cùng anh không? Mẹ anh nhìn ông ngoại lắc đầu, nước mắt lăn dài xuống má ướt đẫm hai vạt áo. Là vì mẹ nghĩ đến ông ngày ngày trên chiếc thuyền câu vó bè trôi dạt cùng cô con gái duy nhất. Biển là nhà, thuyền là tổ ấm, tôm cá là sinh khí, và gió, và nước, và nắng, và đảo, và những cánh buồm là tâm hồn của những con người nơi đây, nên ông không xa nổi. Càng không thể xa kể từ ngày vợ ông mắc bệnh dịch tả trên con thuyền này, rồi bà ngã xuống biển trong một lần gắng ra mui vệ sinh. Từ đó, nước trời mênh mang kia còn là nấm mồ vĩnh viễn, để mỗi khi nhớ bà ngoại, mẹ anh lại hét lên một tiếng dội vào lòng nước sâu, để mỗi khi nhớ vợ, ông ngoại anh lại lấy nước mặn vỗ vào mặt cho thêm phần cay xót.
Năm nào đến ngày đó ông ngoại anh cũng để dành những con vật biển to, ngon nhất mà mình đánh bắt được cúng vợ ở quãng sâu bà đã lộn nhào. Để hỏi đàn cá nào lôi xác bà đi, tiếng ông rú gầm trong một sớm mai khi cô con gái còn nằm co ro trong chiếc chăn lạnh. Tiếng ông gầm vang làm động cả tầng sâu nước thẳm, động những cánh quạ đàn trên những mỏm núi cao, động đàn dê đang bám những móng chân sắc nhọn vào vách đá. Nước mắt ông cũng mặn chát và nhiều như nước biển vậy.
Mẹ anh chỉ biết vậy, cho đến ngày lớn lên, vẫn chiếc thuyền nan đó, vùng biển đó, dù giờ nơi biển cha con bà cắm mốc nước đã rút về ngoài xa, cá tôm cũng không còn, vậy mà ông chỉ quẩn quanh cùng gió, nắng, nước và những con sóng nơi này. “Tao xa nó không được, ba bữa cơm trưa sáng chiều ai mời bà ấy lên ăn. Tao cắm mũi sào ở đây để lưu dấu lãnh thổ, mình đi rồi, có kẻ nằm lên xác mẹ mày ư?”. Đó là cái lí rất ư là đời, để mẹ anh khóc khi người con trai tận ngoài đảo xa thầm thương, nhiều lần đi đánh lưới cùng nắm tay bà hỏi: “Anh ra đó, em có đi cùng anh không?”. Đêm trăng ngoài biển thì buồn. Trăng rọi khắp trần gian, trăng tuôn suối ngọc xuống muôn loài. Loài cá nào đang đớp ngọc, loài ốc nào đang hớp thứ sáng trong từ trời nhả xuống. Trăng đâu chỉ của hai người. Bố anh vuốt tóc mẹ nhẹ nhàng bảo, em cứ nghĩ suy cho kĩ, anh sẽ chờ, bao lâu anh cũng chờ.
Đến một ngày, ông ngoại cắm chiếc cọc sâu vào lòng biển, giơ tay với về phía mặt trời ối đỏ đằng tây như chiếc bát úp bằng máu khổng lồ. Ông quỳ xuống rồi đứng lên, rồi lại quỳ xuống. Trước mặt là năm đồng bạc trắng, một bát cơm, sáu con tôm hùm, bảy con cua, loại ngon nhất ông bắt được và vẫn nhốt ở dưới tầng hầm từ mươi hôm trước:
Thiên cơ là của trời.
Phép năng là của biển.
Quyền hạn của thủy thần .
Tôi, người trần mắt thịt, gà trống nuôi con, ăn nhờ lộc trời, ngủ nhờ lộc biển, nguyện chết cùng gió, nắng, nước và mây này. Nhưng nay, con gái tôi đã lớn, đến tuổi dựng vợ gả chồng, phận làm cha mong con được hạnh phúc. Lời có thề với nước xin rút lại, lời có hứa với sóng xin được quy về, để con được yên bề, để người nằm giữa nấm mồ vĩnh cửu kia được yên dạ mà thoát siêu, khi con gái được vẹn bề gia thất…
Ông ngoại cúng xong thì rời thuyền đi vùng biển khác. Chiếc thuyền chở hai bố con căng buồm gặp gió nam thuận lướt băng băng, cảm tưởng nó lao vun vút với tốc độ chỉ có trong giấc mơ. Ông đưa con lên đất liền, cầm tay con trao vào tay người trai con thương. Hai người cúi lạy cha, trước khi con thuyền cũng lao như giấc mơ đi vào vùng biển bạc trắng xóa phía bãi bờ, chỉ vài giây sau là không nhìn thấy nó. Để mãi sau này anh đã lớn, bố anh vẫn hỏi mẹ, hôm đó là thực hay mơ mình nhỉ, tôi chỉ thấy ông cụ lướt đi cùng gió sóng, như thể có một thế lực vô hình đẩy đi bằng sức mạnh vô song của tự nhiên vậy. Bởi từ đó họ không còn gặp lại nhau. Vùng trời ông cụ quyết định đến cắm neo, giăng vó bặt không tin tức. Anh lớn lên, bố anh vẫn hỏi mẹ, hôm đó là thực hay mơ mình nhỉ?
Rồi cứ đến ngày giỗ bà ngoại, bố anh lại làm đúng những nghi lễ như cha vợ xưa từng làm với lòng biết ơn vô hạn khi đã đưa được người con gái mình yêu thương lên bờ, đến một hòn đảo, làm những nghề truyền thống, sống một cuộc đời bình dị, cũng gắn bó với biển khơi, với cả ruộng vườn, trâu bò, cùng thú rừng và hoa quả trên núi cao.
*
* *
Nhớ lại ngày còn bên đất Mĩ, có lần đi chợ người Việt, anh tìm mua một chiếc kẹp, kẹp lên mái tóc đen nhánh bồng bềnh của Anna, làm khuôn mặt cô bớt tròn lại, nổi bật nước da nâu mật khỏe khoắn. Mắt cô lấp lánh như ngày anh trông thấy mẹ anh nhận được món quà bố đi công tác vào đất liền sau hai tháng trở về mua tặng.
Anh là dân vùng biển, sinh ra và lớn lên ở đây, anh không thể xa được vùng trời này, gió, nắng, nước và đảo này, như ông ngoại anh, mẹ anh, rồi bố anh. Để đi khắp một vòng trái đất anh vẫn trở về. Ngày về, ôm một hòn đá đen, ngửi thấy mùi của đảo, ấp tay vào nghe được tiếng sóng quện vào những thân ốc. Nhặt một hòn đá núi khác, anh áp tai thử vào, cố lắng nghe tiếng nói của chim, của khỉ, của hoa quả, của thú rừng, của đất đai và cây cối. Mỗi vật nơi đây dù nhỏ nhất cũng đều gắn bó máu thịt với anh.
Chiều nay, mẻ mắm cuối cùng đã hoàn thành, cho mẻ cá từ hai năm trước. Hai năm cho một lần cá ủ thành mắm, hay năm năm cho một lần cá ủ rồi chôn xuống đất để kết tinh khí đất trời âm dương mà cho ra những tinh chất ngọt ngào nhất của cuộc đời. Anh yêu nước mắm đến mê say. Có những thứ mùi vị vẫn níu con người ta mạnh mẽ đến thế ư? Không phải vị hoa hồng nước Pháp, không phải mùi tử huyền trong khu vườn của bố Anna, mà là nước mắm, nó níu hồn anh trở lại quê nhà, sau bao năm bôn ba. Anh yêu từng mẻ cá ráo khô, tươi mới, từ tàu đêm trở về, anh yêu vị muối biển mặn mòi đã được phơi giòn, mất hết vị chát, anh yêu những ang mắm làm bằng đất nung đậm màu truyền thống.
Ngày còn ở bên kia bán cầu, anh cũng từng ra cảng Dory mua cá, đến San Francisco lấy muối. Nhưng chum sành không có, đành phải dùng lọ thủy tinh. Anh và bố Anna hì hục với mẻ cá muối đó, để rồi chôn sâu nơi góc vườn, đến cả tám chum. Đã hơn năm năm, hay gần mười năm nữa, thời gian trôi nhanh quá, ngày anh về, ba chum đã được ăn hết.
Bác thèm vị mắm quá - ông nói với anh vào một chiều thu Texas, trời vào lạnh. Trên bàn là những đồ Tây ngồn ngộn, không một món nào làm con người ta có thể liên tưởng đến vị mắm, sao ông có thể thèm?
Ngày ở Việt Nam về, bác luôn thèm mắm, ông nói. Nhiều lần đến chợ người Thái mua, nhưng chưa khi nào đúng vị, có lần bác phải lái ô tô ba tiếng về vùng California đi chợ người Việt, nhưng thứ mắm của họ nhờ nhợ chất bảo quản, tạo mùi hương vị, nó không phải mắm, nó không phải vị mặn rồi ngọt hậu, ngọt mãi trong cuống họng và thơm lừng mùi thơm của cá ủ, phơi sương, phơi nắng, đảo đều, rồi phơi âm, để cho ra đủ axit amin một cách tự nhiên nhất mà mẹ cháu đã làm. Bác thèm vị mắm mẹ cháu làm. Năm đó, bác nằm trong hang đá đến gần hai tháng, sáng nào, chiều nào mẹ cháu cũng mang cá, cơm cùng mắm vào cho bác, có khi vài con mực, có khi là ngao ngào với ruốc rồi chưng lên, cái quan trọng, không bao giờ thiếu mắm. Từ một con nhà binh nòi, ăn những thức ăn phương Tây quen thuộc, giờ bắt buộc phải làm quen với những món ăn rặt “kinh tởm” ở một đất nước nghèo nàn mà bọn bác chỉ có nhiệm vụ đến cắt bom rồi bay về, thì những thức ăn đó quả là một thử thách khốc liệt những ngày đầu. Mẹ cháu may sao lại biết tiếng Pháp. Ngày xưa cha bà chơi thân với một sĩ quan Pháp sống ở đồn Hà, chính người đã xây dựng pháo đài Thần Công, ông thích biển nên thường theo thuyền cha con họ ngao du, cha bà dạy ông tiếng Việt, còn ông ta dạy lại họ tiếng Pháp. May mà bác có biết tiếng Pháp, để hiểu được rằng, “nếu ông không ăn cái này, thì chỉ còn cách chết đói mà thôi, đó là món ăn truyền thống duy nhất và cũng là ngon nhất mà tôi đã gắng có được để nuôi dưỡng ông, chứ ông ném bom xuống vùng biển này, giết chóc bao dân chài, bao con thuyền hư nát, người dân than khóc oán hận ông ngút trời, họ mà biết ông còn sống thì cái hang đá này cũng vụn thành cám, chứ nói gì đến thân thể ông”. Bác hồi đó chỉ biết sợ và ân hận, người ta bảo, đó là một căn cứ quân sự nguy hiểm, có khả năng làm hại cho quân đội Mĩ, chứ bác đâu biết toàn đàn bà, con trẻ, nhà nổi và thuyền bè của dân. Lúc đó bác rất sợ, nên bảo ăn gì, ở đâu, làm thế nào cũng được, miễn là được sống.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Rồi từ việc phải ăn, bác nghiện nó lúc nào không hay. Cái vị mắm ngửi thôi đã thơm, nếm vào, vị thơm nó đọng mãi nơi cuống họng, chấm vào với một vầng cơm cháy mà nhai từ từ, vị béo của từng hạt gạo được trồng trên đảo hoang này, thêm vị biển khơi được chắt ra từ thân cá, nó mới ngọt ngào và nồng nã làm sao, để cả cuộc đời bác thèm vị mắm.
Mẹ cháu sau đó đã gặp rắc rối với người dân nơi đây, khi họ ngày đêm lùng sục tên phi công đã thả bom xuống hòn đảo này. Nhìn rõ dù nó rơi, sao không thấy người, chết thì phải còn xác, mà một dấu tích nhỏ cũng không thấy là sao. Họ đã quần thảo hòn đảo cả tháng trời cũng không một dấu tích. Là vì giữa vườn nhà cháu có một cái hầm, điều này chỉ mẹ và cha cháu biết. Bà đang xới cỏ vườn thì trông thấy bác, bà cũng nghe thấy tiếng hô hò, những bước chân huỳnh huỵch, tiếng gậy gộc, bà đã đẩy bác xuống hầm rồi đậy lại. Đâm lao phải theo lao, người Việt cháu có câu nói rất hay. Bà không còn cách nào khác, khi chồng bà là cán bộ cộng sản, ông đi công tác ở đất liền hơn một tháng và phải hai tháng nữa ông mới trở về. Nếu để lộ ra chuyện này, tính mạng bác không bảo đảm, mà gia đình bà sẽ bị liên lụy.
Khi bác đã khỏi hết những vết thương, đỏ lông thơm da, như cách bà nói, một đêm tối trời, bà dẫn bác đi tắt một con đường mòn đến ủy ban xã. Bác đi trước, bà đi sau cầm gậy. Bà làm vậy để ra vẻ cảnh giác mà che giấu chính quyền, chứ từ lâu bà và bác đã là hai người bạn. Bà bảo họ, lỗi tại tôi chứ không phải chồng tôi, anh ấy không hề biết gì, chỉ nội nay mai anh ấy về, tôi sợ anh ấy không tha cho tôi, nên tôi mang tên này đến nộp cho các đồng chí. Các đồng chí chửi tôi cũng được, đánh tôi cũng xong, xóa tên tôi khỏi danh sách xã viên cũng đành, nhưng lương tâm tôi không thể đứng nhìn một người máu me be bét gần như chết lại bị đánh tiếp. Việc tên phi công Mĩ bị đánh chết ở hòn đảo này cách đây ba năm vẫn còn đó. Giờ vết thương của hắn đã lành, hắn đủ khỏe để đền tội, tôi mang hắn nộp cho chính quyền. Việc này không hề liên quan gì đến chồng tôi.
Người cán bộ nhỏ thó, đen thui, nước da như trái táo bị hun khói vì mưa gió nắng ngoài biển khơi, ngước lên nhìn bà. “Tôi hiểu lòng chị, dù chị có sai nhưng giờ nói chuyện sai đúng cũng đã thừa, thôi thì chuyện này cứ để bọn tôi xử lí êm đẹp”. “Xử lí êm đẹp?”. Bà hét lên. Là bà sợ họ bắn bác trong yên lặng để che giấu đi sai trái lỗi lầm, khi đã gắng hết sức quần thảo nát hòn đảo, vẫn không tìm ra, mà người che giấu lại chính là vợ của một cán bộ cách mạng. “À không, chị hiểu lầm rồi, chính sách nhà nước không cho phép thế, là chuyện này ta nên giữ im lặng thì hơn, không khuấy động lên nữa, làm cho dân tình nổi giận. Ngày mai, có tàu của chính quyền vào đây, cấp nguyên vật liệu xây lại ngôi trường bị bom Mĩ phá, chúng tôi sẽ gửi hắn theo tàu ra, giao cho chính quyền ngoài đó xử lí”.
Đấy, câu chuyện của bác - Bécmen nhìn anh cười âu yếm - Con trai, bác có hai quê hương, Việt Nam và Mĩ. Việt Nam cho bác tái sinh tâm hồn và nhận thức.
Ông lại lấy tay vuốt tóc anh lần nữa. Ánh trăng chiếu qua giàn hoa thúy điệp, qua ngọn tử huyền, những bông hoa đã nở rộ nhất, tỏa mùi thơm ngào ngạt nhất, từng giọt sương rơi trên cành cherry xuống đậu vào tóc Anna ngồi cạnh. Anna đang thổn thức trước câu chuyện cha cô kể. Cô lặng lẽ cầm bàn tay anh siết nhẹ, siết nhẹ, rồi chặt hơn. Bàn tay Anna mềm mại, có hương thơm như loài hoa tử huyền, và Anna cũng mang vẻ đẹp của loài hoa đó, chỉ nở về đêm, dâng tặng hương hoa cho một mình anh, rồi cũng vĩnh viễn đóng lại.
“Nó không yêu ai trừ cháu. Giờ thì bác yên tâm rồi, có thể làm những gì mình muốn”.
Nhưng, mùi hoa tử huyền không níu được bước chân anh, anh chỉ ngửi thấy mùi mắm từ quê nhà, vị của nó lan xa và thơm đậm, vương vất cả ngõ xóm, làng quê, những con đường lên núi cao để nhìn xuống biển, như bây giờ anh vẫn thấy.
*
* *
Ông anh là cư dân đầu tiên của hòn đảo này, ông ra đây chắn đọn bắt cá để sống những năm đói nghèo, rồi biển nơi này, cá nơi đây đã cho ông ở lại, ông gắn liền với nghề cá rồi nghề mắm, sản phẩm của ông theo tàu vào đất liền đi khắp nơi. Bảy tuổi anh đã được ông dạy làm mắm, từ khâu chọn cá tươi theo mùa. Phải theo mùa, cá mới ngậm hết độ ngọt thơm của đạm, làm nó béo nhất, mới cho ra thứ nước mắm nguyên chất tốt nhất. Muối phải là muối biển phơi khô giòn, cho ra hết tạp chất. Rồi cho cả cá và muối vào ang đất. Xong đến dứa. Dứa phải chọn quả chín mọng, chưa nẫu, cho vào cùng thính gạo. Gạo rang thính phải là loại gạo được trồng trên hòn đảo này. Khi rang, nở mùi thơm đượm đặc. Đổ tất cả vào ang, chôn sâu xuống lòng đất làm mắm hạ thổ, để năm năm, mười năm, rồi quên đi, người ta còn gọi là mắm lú, là bởi mắm mà quên mất để ở đâu không rõ, một ngày cuốc vườn, cuốc ruộng, mũi cuốc chạm vào vỏ sành sần sật, moi lên, một chum mắm ủ từ mười năm trước, trời ơi, vị thơm của nó kết hợp đâu chỉ biển trời, cá mú, đất đai, sương khói, nắng mưa, âm dương, mà cả thời gian. Mắm lú là thế.
Nếu không thì làm mắm chắt, cứ thế đem phơi nắng, phơi sương, rồi phơi âm, rồi đánh đảo, lọc lù, kiểm tra độ mặn, lại lọc màng, lại phơi âm... Hai năm trời mới làm thành một mẻ mắm. Mắm đó có thể để cả mấy chục năm mà không thối.
“Anh đã là nghệ sĩ của nghề mắm”, một nghệ nhân làm mắm khác đã phải thốt lên, khi đứng trước những quy trình nghiêm ngặt, tỉ mẩn của anh, cho một mẻ mắm. Đã là nghệ sĩ chưa, anh không biết, nhưng chỉ cần nhắm mắt, anh ngửi được mắm của loại cá nào, mắm đủ muối chưa, chượp ủ được mấy năm và cần thêm gì nữa.
Anh từng kể với Anna, nếm mắm cũng phải đợi đến đêm về tĩnh lặng, tiếng người hết, tiếng xe cộ cũng mất, không còn âm thanh bụi bặm, ồn ào, tạp chất, nếm mắm mới chuẩn vị và tinh nhất. Lúc đó, hãy đánh răng thật sạch, lấy ngón tay cho sâu vào chượp ủ, đưa lên miệng, từ từ nhắm mắt, để tập trung cao độ, nhẹ nhàng nếm vị để biết mắm đã đến độ chưa, đủ ngon chưa. Làm nghề này cần nhất là vị giác và khứu giác, có thể do bẩm sinh, nhưng nhiều hơn do nghiệp nghề đưa lại, nó sẽ đạt đến độ chuẩn và tinh nhất. Tinh đến độ anh dự cảm được cả nắng mưa, bởi nghề mắm gắn liền với nắng mưa. Thời tiết chiếm ba mươi phần trăm cho một mẻ mắm ngon, ba mươi phần trăm của nguyên liệu, còn lại là kĩ thuật và cần mẫn. Anh đọc được cả gió mưa trong ngày, thậm chí trong tuần, là nhờ giác quan mắm đem lại.
Cô đã khóc trong ngày giã biệt, khi anh cũng hỏi cô, như bố anh xưa đã từng hỏi mẹ, em có chấp nhận rời thuyền lên đất liền sống cùng anh không. Anna lắc đầu, cô càng thổn thức dữ, nước mắt mặn hơn nước biển và nhiều như nước biển đổ xuống vai anh. “Em không cam lòng, em không cam tâm để anh trở về, đừng xa em, em cần anh nhất”. Bố anh ngày xưa có phải đỡ và lau nước mắt nhiều cho mẹ anh thế không, ông không kể, còn anh, anh đã ngồi trắng đêm cùng Anna. Mùi tử huyền thoang thoảng, khu vườn đêm yên tĩnh quá, vài con dế nỉ non như điệp khúc cho tiếng thổn thức của nàng, vài chiếc lá bị cơn gió nhẹ thổi, rơi xuống vai rồi cánh tay anh, anh lấy ngón tay nhẹ nhàng búng đi. Anh ôm Anna chặt hơn vào lòng, mùi tử huyền xen lẫn mùi nước hoa hồng tỏa ra từ mái tóc nhánh đen của nàng, từ bờ vai và vòm ngực. Nàng là đóa hoa tử huyền đẹp nhất. Nhiều khi anh tự hỏi, giữa nàng và người con gái Việt Nam thì khoảng cách bao xa, anh không thấy xa nhiều, anh thấy gần gũi, phảng phất mẹ anh, phảng phất Nhan - người con gái thuở xưa anh yêu, người đã chờ anh lên tàu trong một chuyến đi dài, theo lời đề nghị trong bức thư bố Anna gửi về:
Bà thân mến!
Cho tôi chia buồn với bà về việc ông nhà đã ra đi. Nỗi đau này gửi cả về từ nước Mĩ.
Tôi xin được bà đồng ý cho tôi bảo lãnh con trai bà sang đây. Chúng tôi sẽ góp phần nâng đỡ cháu, để cháu có được môi trường học tập tốt nhất. Còn sau này, tùy mơ ước và dự tính, cháu có thể ở lại với chúng tôi hoặc trở về, lúc đó chúng tôi cũng không có ý kiến. Mong được bù đắp và đáp đền cho ân nhân cuộc đời tôi một lần.
Mong bà ghi nhận.
Anh đã lên tàu và ra đi vào mùa hè đó. Nhan đứng ở gốc cây kim giao trên đảo dõi theo anh. “Anh sẽ về chứ?”. Anh gật đầu. Rồi công việc học hành, năm năm rồi mười năm, rồi ngày Anna lớn lên, từ đứa bé luôn quấn chân anh đến yêu anh lúc nào chẳng rõ, anh vẫn chưa về. Nhan đã đi lấy chồng, vào đất liền sinh sống. Từ ngày anh về, cũng chưa gặp lại cô lần nào…
Từ đây nhìn xuống thung lũng phía tây, thấy cả ngôi trường anh học xưa, ban ngày thấy cả gốc cây kim giao cổ thụ Nhan đã đứng đó và từ biệt anh, thấy cả ngôi nhà Nhan không cách xa nhà anh là mấy, thấy bãi đầm mẹ anh và mẹ Nhan vẫn nuôi ngao. Giờ đây, anh đang dự định làm thêm món mắm ngao, món ăn dân dã thời đói khổ. Mỗi trưa học về, mẹ anh lấy ngao ngào mắm ra cho vào nồi cơm hấp, mùi chín thơm của cơm hòa mùi ngao ngào ngạt, anh ăn không biết bao nhiêu bát của tháng ngày mười bảy.
Công ti anh giờ đã có nhiều mặt hàng, nhưng tình yêu với mắm với tuổi thơ làm anh luôn trăn trở. Có phải món ăn thuở xưa đã gọi anh trở lại, để anh từ bỏ cả sự nghiệp bên Mĩ về đây, và cho ra đời nhiều loại mắm, bằng mồ hôi, công sức, đam mê và khát vọng, mong muốn người dân được thưởng thức thứ mắm truyền thống, nguyên lành, thuần chất nhất, mà không phải thứ nước chấm công nghiệp đượm mùi chất bảo quản, chất tạo hương vị tràn ngập trên thị trường bây giờ. Anh ao ước một lần Bécmen trở lại, anh sẽ mời ông thứ mắm chính tay anh làm, ngon như vị mắm xưa mẹ anh đã nuôi sống ông trong hai tháng, để cả cuộc đời ông nhớ, ông thương vị mắm lạ ngon của một vùng miền mà vô tình hay bất đắc dĩ ông đã sa chân.
Chiều nay, anh nhận được thư ông: Con trai, ta đã ăn hết mẻ mắm cuối cùng con muối, ngày mai ta biết ăn gì, khi mắm Việt Nam và tâm hồn Việt Nam đã ngấm quá lâu vào ta mất rồi. Con trai, sắp tới con sẽ có một món quà tuyệt diệu nhất ta gửi đến, hãy đón nhận nha con.
Món quà gì, anh không biết. Bécmen bao giờ cũng tinh tế và thú vị, ông hay mua những món đồ hoặc thứ anh thích, tặng bất ngờ trong những ngày anh còn lưu trú trên đất Mĩ.
*
* *
Tối nay, xong mẻ mắm cuối cùng, anh quyết định ra biển. Anh men theo bờ biển dài lên một con đường, bám theo triền đá, từ đây nhìn xuống nếu ban ngày, sẽ thấy những làn sương buổi sớm, và trong sương, những chiếc cặp nhỏ xinh, tinh xảo sẽ được cài trên mái tóc mướt xanh u huyền của biển cả. Anh hay liên tưởng vậy, là vì rất nhớ Anna, nỗi nhớ có cả giọt nước mắt mặn mòi như biển khơi. Và nơi đây là nơi thích hợp để anh trông về. Bởi con tàu đưa anh từ đây đi và cũng từ đó trở về. Bến cuộc đời, bến biển khơi, bao giờ gặp lại. Tóc Anna chắc vẫn dài và đen mượt, mắt nàng chắc vẫn to, sâu thẳm và xanh biếc như lòng biển khơi, và ngực nàng vẫn phập phồng như những con sóng vỗ.
Từ ngày về đây anh chỉ nhận được thư của Bécmen, chưa một lần từ nàng. Anh cũng không muốn khuấy động lòng nàng. Gái Tây họ khác lắm, nhiều khi anh tự an ủi, đã thôi rồi là hết, dù lòng anh có rộn sóng biển khơi, có ầm ào giông bão, có thét gào của những cánh quạ trên núi đá cao, có dập dềnh của những ngôi nhà bè nổi va nhau mùa giông gió, thì anh cũng không được phép gọi điện, nhắn tin, viết thư gì cho Anna. Gái Tây họ khác lắm, đã xa là xa, đã hết là hết. Chính sự rạch ròi mới mang lại cho anh lòng thanh thản. Điều này khác với Nhan, mỗi khi qua nhà, bố Nhan vẫn thở dài bảo, cái Nhan vẫn nhắc nhỏm cháu mỗi lần về. Anna từng bảo, vì anh chưa quên được chị ấy, em sẽ đợi khi nào anh quên Nhan, em sẽ đến với anh. Và giờ, anh đã quên Nhan, còn Anna thì chưa. Chân trời này góc biển này, khoảng núi này, anh vẫn ngồi để nhìn ra bờ đông chứ không phải bờ tây - phía nhà Nhan, mà nhìn những con tàu, ngọn hải đăng có ánh đèn nhấp nháy trôi về khơi xa. Đi hết Thái Bình Dương, vượt Ấn Độ Dương, qua Đại Tây Dương rồi sẽ về nước Mĩ, những con tàu này sẽ về với nước Mĩ. Không hiểu sao anh luôn nghĩ như vậy. Như anh của hơn mười năm trước, lên một con tàu để đến gặp Bécmen và Anna, để một phần họ ngấm vào hồn anh, như mùi thơm của mẻ mắm ngấm vào cha cô, để mỗi khi nhớ cô anh lại lên đây ngồi nhìn về phía biển, ngóng những con tàu ra khơi và từ khơi xa trở về, đem theo mùi tử huyền từ nước Mĩ, từ mái tóc, bầu ngực Anna. Anh vẫn chờ đây. Trời sắp qua đêm, ngôi sao Vượt đã mọc từ bờ tây sang bờ đông, như lòng anh mang mang nỗi nhớ.
Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này khế ơi
Mặt trăng sánh với mặt trời
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Mình ơi có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời…
Ngày còn đi học, mỗi lần cô giáo giảng đến bài ca dao này, anh lại khóc, là vì anh nhớ đến đôi nam nữ nào đó yêu nhau, vì địa hình, phong tục, hay hoàn cảnh, họ không đến được nhau, họ biến thành ngôi sao Vượt chạy từ đông sang tây chưa khi nào tắt, để ngóng đợi nhau…
Khi ngôi sao đã lùi sâu vào màu trắng rồi chuyển sang xanh của bầu trời, anh mới đứng dậy. Mẻ cá tiếp theo sẽ được tàu hàng chở đến. Anh lững thững ra cảng để đợi tàu. Chỉ một chút thôi, anh lại quay cuồng cùng ủ chượp, cùng những sản phẩm hứa hẹn sẽ tung ra thị trường. Trước khi ra cảng cá, anh muốn rẽ xuống bến tàu, nơi tàu khách từ xa cập bến.
Một con tàu đã rú hồi còi chuẩn bị vào bến. Trên đó lố nhố người là người, lá quốc kỳ Indonesia bay phần phật. Đang mải ngắm con tàu, anh không để ý câu hỏi từ phía sau: “Thưa ông, cho tôi hỏi đường về xóm Đông, Việt Hải”. Anh giật mình, một luồng xung điện mạnh chạy dọc sống lưng, anh run run chưa dám quay lại, tiếng Việt lơ lớ của một cô gái nước ngoài sao giống lạ.
“Anna”. Anh hét lên và ôm chầm lấy cô.
“Cha đã muốn em về với anh, cha có thể sống một mình. Ông bảo ông cần khoảng thời gian để sống cho riêng mình, không muốn em phiền nhiễu. Là cha thương em hay cha nói thật…”.
Anh chợt mỉm cười khi nghĩ đến Bécmen.
Ông đã tặng anh cả cuộc đời mình, như mẹ anh năm xưa, tặng cho ông sự sống…
Cát Bà, 2019
B.T
VNQD