.Truyện ngắn dự thi. TRIỀU LA VỸ
Tôi nảy ra ý định giết Nhậm vào hôm cúng xong một trăm ngày cho cha. Trời xứ Lạng những ngày cuối thu đầu đông lúc nắng lúc mưa, ruồi nhặng bay đầy đường. Cha tôi chết tức tưởi, hơn ba ngày liền không nhắm được mắt. Nhậm từ phủ chúa tất tả chạy về quỳ khóc chịu tang trước linh sàng. Cha chết không kịp trối trăng, nhưng tôi biết phải làm gì để cha sớm siêu thoát. Lúc di quan, tôi bắt Nhậm nằm ngửa cho mọi người giẫm qua như cử chỉ hiếu nghĩa cuối cùng. Rồi bắt Nhậm mặc áo xô gai, đầu đội mũ rơm, tay cầm gậy vừa đi giật lùi trước quan tài vừa khóc. Cả nhà khóc rống theo. Bầy quạ đậu rỉa cánh trên cây đa đầu làng giật mình bay loạn xạ, tiếng kêu chao chát. Mưa quất vào mặt như roi ngựa suốt chặng đường rồng rắn tiễn đưa cha. Bầu trời nhợt nhạt, sũng nước. Đất nhão nhoẹt dưới đáy huyệt. Mưa ròng ròng chảy. Tiếng chấp hiệu lảnh lói. Tiếng kích khô khốc. Kèn đưa ma nẫu cả ruột. Quan tài từ từ hạ xuống, nổi bập bênh. Hai phu kiệu lật đật nhảy xuống huyệt đè giữ. Mọi người vội vã lấp đất lèn chặt bốn bên quan tài. Mắt tôi cay xè. Mười ngón tay tê tái, nhức buốt. Lòng rỗng không. Thân thể tím bầm từng mảng, miệng méo xệch, mặt còn hằn những cơn quằn quại vì độc dược và ánh mắt trừng trừng nửa van lơn nửa như căm phẫn của cha cứ ám ảnh tôi mãi.
Đêm đêm, quỳ trước bàn vong, ngực tôi nghẹn thắt, hẫng hụt. Nhậm được cha dạy chữ thánh hiền từ lúc vỡ lòng. Nhậm thông minh, sáng dạ, học đâu nhớ đấy. Mới năm tuổi đã làu làu Tam tự kinh. Mười tuổi Nhậm đã luận bàn kinh Xuân Thu với khách văn chương của cha. Hai mươi chín tuổi, Nhậm đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan bộ Hộ rồi được cử làm đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Cha khi đó cũng là đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, văn chương nức tiếng Bắc Hà. Đã vậy, Nhậm từng được chúa giao dạy thế tử Trịnh Khải, công danh sự nghiệp rờ rỡ.
Nhưng cái đêm lịch sử trớ trêu đó đã chém vào đời Nhậm một nhát dao.
- Thế tử mưu phản loạn! Phản loạn…! Phản loạn…!
Giọng Nhậm bật ra run rẩy. Như một tiếng sấm nổ rền ngoài sân, vỡ rào rạo trên mái rêu. Tai tôi ù đặc. Mặt cha tái nhợt vì kinh hãi. Đêm bất động. Thư phòng lặng ngắt. Nhậm bảo có việc gấp ở Kinh Bắc nên vội vã về ngay trong đêm. Nhậm xá cha hai xá rồi vụt nhanh ra cửa, không ngoái đầu nhìn lại. Tôi chạy ào theo Nhậm không kịp từ biệt cha. Chân vấp ngạch cửa. Ngã dúi dụi. Đau điếng. Đêm tối mò. Oi ả. Ngột ngạt. Chớp rạch những lằn kiếm ngang trời báo hiệu một cơn giông lịch sử đầy máu tanh.
Nhậm không về Kinh Bắc mà giục ngựa thẳng xuống Thăng Long. Ngựa vừa vào đến phủ chúa bỗng chồm lên hí một tràng dài thảm thiết. Tôi nắm dây cương tức giận quát: “Trời ơi, mày bán rẻ học trò để mua danh ư?”. Người tôi run lên trong nỗi ê chề kinh tởm. Nhậm không đáp lời, phẩy tay áo, bước từng sải dài mạnh mẽ xăm xăm vào điếm Quyển Bồng. Tôi chạy hụt hơi theo Nhậm không biết để làm gì. Bóng tối hai trăm năm đời chúa nuốt chửng Nhậm. Tôi đau đớn khuỵu xuống, bẽ bàng ôm lấy cột rồng.
Rồi cha đã vì Nhậm chết thảm. Bao nhiêu máu chảy đầu rơi, bao nhiêu mạng người oan ức để Nhậm ngạo nghễ bước lên bảy cấp danh vọng. Tôi phải đòi lại công bằng! Tôi cầm con dao bổ cau bén ngọt miết nhẹ vào lòng bàn tay. Một giọt máu ứa ra, đọng tươi rói trên đầu lưỡi thép. Tôi lè lưỡi liếm. Mằn mặn. Tanh tưởi. Mắt tôi sáng lên. Tim đập mạnh. Máu chảy rần rật trong huyết quản. Toàn thân tôi cuồn cuộn cơ bắp. Không còn sự yếu đuối và sợ hãi nữa. Mùi máu làm tôi trở nên hung hãn và man rợ.
Nhậm ngủ ngồi trên ghế, trước bàn vong. Chiếc áo hữu thị lang bộ Công xộc xệch dường như quá rộng với thân thể vừa bắt đầu đẫy ra, béo tốt của Nhậm khiến nó trở nên kệch cỡm khó nhìn. Cánh môi thâm nhếch lên như chực rớt ra một nụ cười ruồi. Dưới cái cằm vuông vức, cái ức hình chữ nhân viết thảo cứ lên xuống lồ lộ trêu ngươi theo từng nhịp ngáy của Nhậm. Con dao trong tay tôi nóng rẫy. Chỉ cần cắt một nhát thật mạnh, tiếng ngáy kia sẽ mãi mãi biến mất. Tôi nín thở nhìn Nhậm. Giết Nhậm rồi, tôi có xóa được vết nhơ cho dòng họ Ngô? Tay tôi run rẩy. Mồ hôi trộm túa ra ướt đẫm lưng. Từ nhỏ tôi chỉ quen cầm bút, những lúc hứng chí còn ngạo nghễ vung bút lên như múa kiếm nhưng chỉ để chém vào mặt lụa những câu thơ, những đoạn phú hào sảng. Từ nay bàn tay búp măng này sẽ dính thêm một giọt máu tanh tưởi?
Nhậm trở mình. Cười mớ. Nụ cười hồn nhiên thánh thiện đã làm tôi mê hoặc đắm đuối từ lúc lọt lòng. Tôi khẽ rùng mình. Con dao cau vung lên. Một tia chớp vụt qua sáng lòa. Tia chớp đã từng cắt đôi bầu trời đêm và rạch vào chính sử một lằn ranh vương quyền tàn bạo cho kẻ thắng người bại, cho kẻ cơ hội và người trung liệt. Con dao trong tay tôi có đủ sức để rạch một đường ranh như thế?
Trời ơi, nhưng nếu Nhậm chết rồi, tôi sống được chăng?
Tôi thả con dao cau xuống nền gạch. Tiếng vang khô khốc. Tôi quỳ xuống. Bật khóc. Trầm hương ngun ngún cháy trên bàn vong. Vết nhơ của dòng họ Ngô gục đầu ngập ngụa trong vũng khói.
*
* *
Tôi: cái bóng, bắt đầu tách ra song song với Nhậm vào cái đêm tĩnh đô vương Trịnh Sâm mất. Kiêu binh làm loạn. Ngai chúa đổi chủ. Máu xối xuống bệ rồng tanh tưởi. Nhậm phải thay tên đổi họ hối hả, bất lực tìm chỗ trốn. Tôi chỉ Nhậm chạy trốn về quê vợ. Than ôi, sống chui nhủi kiếp dế đời giun, thật là tủi nhục! Nhưng sao lòng tôi cứ ăm ắp tình yêu với Nhậm, một thứ tình yêu mê đắm đầy ích kỉ bệnh hoạn. Suốt mấy năm trời Nhậm tự giam mình trong một thế giới riêng biệt, một mình suốt ngày rượu nhạt với thơ vụn, vùi lòng vào những buồn vặt của kiếp nhân sinh. Tôi nhìn Nhậm tiều tụy hốc hác từng ngày, lòng hả hê. Cứ mỗi lần Nhậm yếu đuối, bé mọn là mỗi lần tôi thấy như mạnh mẽ, cứng cỏi hơn. Mỗi lần Nhậm gục ngã, đớn hèn là mỗi lần tôi thấy sung sướng đến điên dại. Số phận càng trớ trêu càng buộc chặt đời tôi vào Nhậm, là bóng với hình, máu chảy trong da thịt, không ai có thể cắt lìa.
Nhưng dù Nhậm với tôi như nước với lửa, như ánh sáng với bóng tối, chúng tôi luôn có một vùng giao thoa giống nhau là văn chương, chữ nghĩa. Nhờ thi phú tôi nhận ra Nhậm thanh sạch trong tâm hồn. Nhờ chữ thánh hiền tôi biết lòng Nhậm đầy những khao khát tận hiến như bao kẻ sĩ thời loạn.
Một ngày đầu hạ, Nhậm ôm đàn nguyệt, tôi quảy đôi bầu rượu ngon tìm lên tận đỉnh Thiên Thai. Nắng trưa đổ chao chát như đom đóm tụ bầy động dục. Trúc vàng xác xao. Rụng bời bời. Chúng tôi ngồi dưới bóng trúc đối ẩm, bàn chuyện thế nhân. Nhậm nóng nảy ôm bầu rượu dốc ngược, uống ừng ực. Rượu làng Vân nặng âm khí mấy trăm năm xác vua hồn chúa, lặng chìm vào ngực Nhậm, chảy tràn qua tim tôi lạnh buốt.
Nhậm uống vừa ngà ngà thì ôm đàn, vừa khảy vừa hát:
Quẳng một bầu chừ, chơi thỏa thích
Phất tay áo chừ, đi ngao du
Khắp vòng vũ trụ nhà ta đó
Đôi cánh chim hồng buộc được nao
Núi này xin dành lại
Đợi ta về tiêu dao
Đời người gặp gỡ như tiền định
Há phải đào nguyên mới gặp đào…
Lòng ta ư, gửi man mác
Núi này ư, mãi cao vời
Mong người tri kỉ chừ, một phương trời
Lòng ta chừ, tri âm ai người?
Bài hát vừa dứt thì sau lưng có tiếng người lanh lảnh vang lên:
- Quân tử quân tử, tri kỉ như núi Thái trước mặt còn tìm đâu nữa.
Tôi và Nhậm ngỡ ngàng nhìn lên. Trước mặt chúng tôi là một cô thôn nữ gầy nhỏ, đầu đội nón mê, áo nâu vá chằng vá đụp, quần xắn móng lợn, chân đi trần, trên vai là một gánh củi khô. Tôi cười thầm, kẻ hái củi ở xó núi này chắc lâu ngày không gặp mặt ai nên ngứa miệng nói càn chăng. Nhưng nhìn dáng đi thanh thoát, vẻ mặt trầm tĩnh như không lại e không phải là kẻ tầm thường. Nhậm nheo mắt cười khẩy:
- Nước Nam này ngoài tiên chúa ra hỏi còn ai nữa?
Khách má hồng bật cười khanh khách:
- Tĩnh đô vương tài cao chí lớn nhưng tâm trí chỉ quanh quẩn trong váy đàn bà, tiếc làm gì chứ.
Mắt Nhậm tròn xoe, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên vầng trán rộng. Tôi giật mình. Chiêu Thống kém việc nhà, hèn việc nước, lú lẫn chuyện nhân nghĩa, dễ gì bẩn lòng Nhậm chứ?
Nhậm vội vàng sửa lại thế ngồi hỏi dồn:
- Bắc bình vương là người thế nào?
Khách mày liễu không trả lời, chỉ khẽ chớp hàng mi cong. Nàng ung dung ngồi xuống vạt cỏ bên vệ đường, hai tay nhè nhẹ đỡ lấy chiếc đàn nguyệt của Nhậm, rồi lặng lẽ so dây. Tiếng đàn vút lên thanh thoát, dìu dặt, rồi đột ngột dồn nhịp. Bầu trời đang trong vắt bỗng ùn ùn mây đen. Tôi nghe sóng cuồn cuộn tứ bề. Tiếng trống trận dồn dập hối thúc. Tiếng hò reo vang dội. Rạch Gầm nghiêng ngả. Xác thuyền giặc tả tơi. Máu chảy. Đầu rơi. Mái đao Thăng Long nghìn năm cong vút giữa khói sương mờ ảo chợt rúng động. Rệu rã. Vụn vỡ. Ôi thịt nát, xương tan! Trăng quỳ run rẩy ngoài cửa Tuyên Vũ. Hàng hàng đĩa dầu lạc thắp lên không dám sáng trong những gương đồng bóng lộn trăm năm của phủ chúa. Rồi gió lặng. Sóng yên. Nắng rực rỡ Tây Hồ. Tôi nghe tiếng phượng hoàng kêu hào sảng, sải cánh vụt bay lên cao hàng vạn thước che rợp một góc trời Nam…
Tiếng đàn đã ngưng lâu rồi mà Nhậm còn ngẩn ngơ như đang chơi vơi trên chín tầng mây. Tôi phải lay mạnh Nhậm mới bừng tỉnh. Lúc ấy chiều đã vãn, nắng đã nhạt, cô gái quảy gánh củi trên vai thoăn thoắt xuống núi. Nhậm ôm đàn vội vàng đi theo, nói cười không dứt. Chẳng mấy chốc đã đến một lều tranh nằm lẻ loi dưới chân núi Thiên Thai. Một lão tiều phu râu tóc bạc phơ, người trông rất quắc thước phương phi ra đón chúng tôi tận cổng trúc. Đêm ấy chúng tôi uống rượu bàn chuyện đông tây kim cổ, đọc thơ, ngâm phú và đàn hát dưới ánh trăng vằng vặc đến sáng mới thôi.
*
* *
Từ hôm ở núi Thiên Thai trở về, Nhậm bỗng thành một kẻ khác. Mặt háo hức, rạng rỡ. Mắt hừng lửa. Lòng đầy hoài bão. Đêm đêm Nhậm mài mực luyện chữ. Tôi nâng đèn cho Nhậm viết. Thư phòng sáng dần lên mỗi ngày. Chỉ mươi hôm Nhậm đã thảo liền ba biểu thư khẩn khoản mời Bắc bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi báu thay trời lo vận nước. Tôi không thích nét chữ trong những biểu thư thảo sẵn ấy của Nhậm. Những nét chữ rắn rỏi nhưng mảnh mai như lá trúc, thoạt nhìn tưởng châu ngọc thanh tao, nhưng càng ngắm càng thấy giả tạo.
Tôi xem xong bĩu môi.
- Mày nịnh thế không thấy nhục à?
Nhậm cười.
- Mày thì biết gì. Phàm là người ai chẳng thích nịnh. Bậc quân vương thích nịnh hơn ngàn vạn lần.
Tôi lắc đầu. Tuy vậy, lòng tôi dường như đã a tòng với Nhậm từ lâu. Những kẻ hủ nho cùng thời dè bỉu Nhậm đã cố đón ý Bắc bình vương tìm ân sủng. Nhậm chỉ nhếch mép cười khẩy, nay mai tìm lại uy quyền Nhậm sẽ cắt hết lưỡi những kẻ gièm pha. Tôi trừng mắt hỏi: “Có giết hết mai hậu không?”. Nhậm mím môi im lặng căm tức, thỏi mực đang mài rít ken két trên lòng đĩa nghe rợn như tiếng lợn bị cắt tiết. Tôi rùng mình. Bao năm như giun dế tôi hiểu cái hèn của kẻ không danh phận.
Bấy giờ đang cuối hạ đầu thu năm Mậu Thân. Trời Thăng Long nhợt nhạt như da mặt kẻ chết nước. Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ hai. Cả kinh thành rạp mình sợ hãi dưới những vó ngựa sát máu của Tây Sơn. Huệ mặc áo vải, đi giày cỏ, lưng mang gươm báu bước xồng xộc vào điện rồng, tròng con ngươi đổ lửa. Râu rồng trên những cây cột cái cụp xuống rúm ró. Mặt vua Lê xanh như đít con trẻ. Bọn sĩ phu Bắc Hà mặt cúi gằm, chân run cầm cập. Huệ đứng tần ngần háo hức một đỗi bên ngai vàng. Rồi lặng lẽ trở gót.
Thiên hạ kể như thế. Những kẻ nhiều chuyện còn to nhỏ đồn thổi rằng Huệ muốn cướp lấy cơ nghiệp nhà Lê. Nhậm nghe, chỉ ngồi cười nhạt. Vua Lê chỉ còn là hư vị. Huệ muốn, chỉ một cái búng tay là được, cần gì phải diễn trò. Hai trăm năm qua chẳng phải con cháu vua Lê đã ăn mày uy danh nhà chúa để sống lây lất qua ngày sao?
Minh họa: Lê Anh Vân
Nhậm sai tôi mài mực, rồi thảo một chữ “Ứng” bày ra bên hồ Hoàn Kiếm. Chữ đẹp tựa rồng bay phượng múa. Giữa chữ “Ứng” là chữ “Tâm” đỏ rực như mặt trời mới mọc. Thiên hạ đổ về xem rất đông. Ai cũng xì xào bàn tán. Kẻ nhất hô bá ứng, còn ai đủ bản lĩnh và có chân mệnh thiên tử như Huệ? Vận nhà Lê hết thật rồi. Đám đông xôn xao. Có nhiều tiếng chắt lưỡi thở dài nhưng không ai dám rầu rĩ khóc lóc. Chẳng kẻ nào muốn chuốc họa vào thân vì thứ trung liệt vớ vẩn với vua Lê. Bỗng có tráng sĩ vẹt đám đông xăm xăm bước đến vung đao chém mấy nhát vào chữ “Tâm” rồi bật cười ha hả, mặt giàn giụa nước mắt. Tiếng cười chưa dứt, đầu gã đã lìa khỏi cổ. Máu phụt ướt đẫm một vạt cỏ non. Tôi kinh hãi níu lấy vai áo Nhậm. Bắc bình vương Nguyễn Huệ chậm rãi bước đến. Ung dung. Thản nhiên. Vừa đi vừa tra gươm vào vỏ. Dáng đi hùng dũng oai vệ như dáng chúa sơn lâm. Trong dáng đi ấy, tôi nhìn thấy những cánh rừng bạt ngàn cứ rộng ra rộng ra mãi. Huệ nhìn chằm chằm vào chữ “Tâm” một đỗi rồi quay sang nhẹ nhàng đặt tay lên vai Nhậm. Tròng con ngươi của Huệ sáng rực lên. Thiên hạ đồn rằng mỗi khi mắt Huệ chớp sáng, quỷ thần nhìn vào cũng phải tan hồn nát vía. Tôi không sợ. Tôi muốn đối nhãn với Huệ. Một niềm khao khát cuồng dại từ mắt Huệ chảy tràn qua tim tôi khiến tôi run lên nghe đất dưới chân mình rúng động, một rẻo Giao Châu nhỏ hẹp rùng mình trườn xuống phương Nam xa xôi, lấn dần sang Chân Lạp, Ai Lao, Lĩnh Nam. Tôi xúc động đến nghẹn thở. Sự xúc động lớn đến nỗi tôi chỉ muốn khuỵu xuống nhưng Nhậm đã níu tôi đứng thẳng ngạo nghễ giữa bàn dân thiên hạ.
Bắc bình vương Nguyễn Huệ gấp trở về Phú Xuân, giao cho Nhậm chức tả thị lang cai quản Bắc Hà. Các tướng lĩnh Tây Sơn ngỡ ngàng, xen chút ganh tị ngờ vực trước quyết định táo bạo của chủ. Nhưng Nhậm đã không phụ lòng Huệ. Cuối năm đó giặc Thanh vào cướp. Thế giặc như lũ tràn thác cuốn khiến Tây Sơn không chống đỡ nổi. Nhậm bèn bày kế “dĩ dật đãi lao”, lui quân về Tam Điệp. Ấy là chước dưỡng sức nuôi chí ba quân. Huệ lên ngôi vua lấy niên hiệu Quang Trung, rồi từ Phú Xuân kéo đại quân ra Bắc lần thứ ba, chỉ đánh một trận là phá tan tác giặc thù.
Mùng năm tết, vua Quang Trung cỡi voi chiến vào Thăng Long, áo bào còn khét lẹt mùi khói súng đã cho người gọi Nhậm đến nơi hành tại. Vua đích thân rót ngự tửu rồi cầm tay ân cần trao chén ngọc cho Nhậm. Vua tôi vừa uống rượu vừa bàn chuyện an dân rất tâm đầu ý hợp.
Rồi vào một đêm nọ, vua và Nhậm cải trang thành hai người dân thường, mặc áo vải, đi guốc mộc, chậm rãi thả bộ dọc bờ hồ Hoàn Kiếm. Đêm ấy trời trong vắt. Gió nhẹ. Trăng sáng vằng vặc. Đang đi, vua chợt dừng lại, vỗ vai Nhậm cười sảng khoái:
- Ngô khanh thấy ta đóng kép thế nào?
Bị hỏi bất ngờ, Nhậm lúng túng hồi lâu. Đêm qua là rằm Nguyên tiêu, vua Quang Trung cho mở hội, bày trò vui cho dân chúng xem. Vua còn lệnh tổ chức hát tuồng để quân lính đỡ nhớ nhà. Đã vậy, vua còn trút bỏ hoàng bào mặc áo kép hề lên sân khấu. Vua diễn rất hay khiến ai xem cũng cười ngả nghiêng. Dân chúng vỗ tay hò reo không dứt. Nhậm nhìn cảnh ấy cứ tủm tỉm cười hoài. Vua và quân dân như thế, giặc thù dẫu trăm vạn hùng binh cũng chẳng là cái thá gì. Nhậm ngước nhìn khuôn mặt hóm hỉnh đầy trăng của vua, cười ngượng nghịu:
- Bệ hạ thật lắm tài. Không ngờ một ông vua mà đóng vai anh hề khéo thế.
Vua Quang Trung bật cười ha hả:
- Nếu không phải sinh ra thời li loạn chắc ta đã sống trọn vẹn một kiếp kép hề, cả đời đem tiếng cười mua vui cho thiên hạ rồi đấy. Mà Ngô khanh đã bao giờ thấy diễn viên tuồng đóng cùng lúc cả hai vai chưa?
Khuôn mặt Nhậm nghệch ra, ngỡ ngàng. Vua bước lùi ra xa Nhậm ba bước, đảo tấn rồi nhăn mặt làm bộ kép hề, tay vung roi vừa giục ngựa phi nước đại vừa hát khúc hề “tẩu mã”. Hát rằng:
- Hổ ngươi, hổ ngươi quân lính ôi! Thập nhân khứ, nhất nhân hồi. Chạy, chạy đi con. Giáp bất hoàn, luân bất phản. Ải, ải, ải… a.
- Sợ quá, sợ quá tướng quân hề! Bảy vía cha, ba hồn mẹ. Chạy, chạy đi ông. Cật đằng Bắc, mặt đằng Đông. Ứ, ư, ừ… ự.
Nhìn điệu bộ hoạt kê của vua khi đóng cả hai vai hề là tướng quân giặc và tên lính hầu chạy bán sống bán chết về nước, Nhậm ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cứ tưởng hoàng thượng rủ đi dạo để bàn việc viết biểu thư bang giao với nhà Thanh chứ. Rồi Nhậm ngẩn người ra tần ngần hồi lâu. Hoàng thượng có ẩn ý gì trong những câu hát bỡn cợt kia? Giữ thể diện cho nước lớn vừa thua trận tan tác nhưng phải làm cho nó kiêng dè vị nể nước ta chăng? Nhậm ngước mắt lên định hỏi chợt thấy mặt vua đanh lại, tròng con ngươi lóe lên những ánh chớp, giọng vua rền vang như sấm:
- Bảo chúng nó bỏ cái lệ cống người vàng đã mấy trăm năm kia đi. Khó ngửi lắm.
Tôi quay mặt không dám nhìn vào ánh mắt giận dữ của vua. Ánh mắt đầy lửa đỏ, khói đen và những ảo ảnh chết chóc. Bao thành lũy, lâu đài, lăng tẩm như sụp xuống tan hoang trong ánh mắt rợn ngợp ấy. Lòng tôi chợt run lên trong một dự cảm tang tóc mơ hồ. Sống lưng tôi nổi đầy gai lạnh. Cái đầu bầy nhầy máu còn dính lòng thòng những sợi gân khô của Trịnh Khải bêu trước cửa Tuyên Vũ hôm nào bỗng lù lù hiện ra cười nhăn nhở quái dị. Xung quanh đức vua chập chờn bóng người ngựa. Một lão già gầy đét, tóc trắng bờm xờm như rễ tre lù lù tiến đến sau lưng vua. Cây gậy sắt vung lên sáng loáng, bửa một nhát thật mạnh vào không khí. Ánh trăng vỡ ra đỏ lòm thành vũng dưới chân vua. Tôi rùng mình kinh hãi, suýt chút nữa là hét lên. Ảo ảnh biến mất. Đức vua đang đứng lừng lững trước mặt Nhậm, tay chống nạnh, mặt đăm chiêu nghĩ ngợi điều gì. Dưới đáy hồ Hoàn Kiếm, vầng trăng bàng hoàng chìm xuống, đỏ bầm như máu.
*
* *
Thăng Long những ngày đầu thu năm Nhâm Tuất nhợt nhạt buồn thảm như mắt người đàn bà chết chồng. Từng đoàn người gồng gánh nháo nhác chạy loạn. Tin đồn rộ lên rằng vua mới sẽ cắt lưỡi kẻ nào đã theo về triều cũ. Đàn bà con gái sẽ bị rút hết móng tay móng chân làm trò vui cho lính. Khắp nơi nhốn nháo sợ hãi. Lòng người rúng động.
Tôi vội vã chạy đến Trúc Lâm thiền viện tìm Nhậm lúc trời đã tối mịt. Gió heo may buồn xao xác trên những nhánh trúc gầy guộc. Nhậm vừa xong thời kinh tối, nét mặt tự tại ung dung. Chiếc áo nâu sờn vai làm Nhậm thêm vẻ thiền vị.
Nhậm trông thấy tôi không buồn chào hỏi, chỉ lặng lẽ khêu bấc đèn. Ánh sáng ùa ra sáng trưng trên khuôn mặt đầy những phấn khích của Nhậm. Chiếc mục kỉnh vua ban năm nào nằm trễ tràng trên sống mũi khiến Nhậm trông như một lão già khú đế. Mắt Nhậm long lanh. Hình như Nhậm vừa trải qua một kí ức hào sảng. Tôi giật mình ngẩn ngơ hồi lâu. Năm Nhâm Tý, vua Quang Trung mất, Nhậm như bóng trúc cô đơn giữa bao biến loạn nồi da xáo thịt của Tây Sơn. Sáu năm trước, Nhậm từ quan về ẩn ở phường Bích Câu, ngày đêm nghiên cứu Phật pháp, lấy pháp danh Hải Lượng thiền sư. Tâm huyết của Nhậm từ ấy tưởng đã dành hết cho thiền tông Yên Tử.
Nhậm ngồi xuống án thư. Dáng ngồi vững chãi, điềm nhiên. Mực đã mài sẵn. Những con chữ bắt đầu lung linh nhảy múa. Bao lo âu sợ hãi, bao giận hờn vu vơ trong tôi như tan đi. Tôi ngồi xuống bên Nhậm, nhè nhẹ nâng đĩa đèn lên, soi cho Nhậm viết. Những con chữ trào ra đầu ngọn bút, sáng bừng trên những vân mây, vảy rồng. Cả thư phòng cũng sáng lên trong một thứ ánh sáng huyền hoặc liêu trai. Đó là thứ ánh sáng đẹp đẽ đầy những linh ảnh đau thương và kiêu hùng. Tôi nghe tiếng hò reo vang trời, tiếng trống thúc vỡ ngực, tiếng gươm giáo chạm vào nhau chát chúa. Bầu trời chợt tối sầm và ngột ngạt vì khói súng. Tôi thấy sông Nhị Hà nghẽn đầy xác chết, gò Đống Đa xương chất thành đống, máu tanh hôi hàng dặm. Rồi trời quang đãng, nắng rực rỡ, vua mặc áo bào sạm khói ngạo nghễ cỡi voi vào kinh thành. Từng mái rêu cổ kính nghìn năm quỳ bóng xuống lạy mừng. Ở bên kia biên giới những con sông run rẩy chảy, những ngọn núi lặng lẽ cúi đầu. Đoàn sứ nước Nam ngồi hân hoan rạng rỡ giữa Yên Kinh cười nói huyên thuyên...
Bỗng có tiếng gà gáy le te. Trời sắp sáng. Thư phòng hình như đang tối dần. Đĩa dầu gần cạn để lại những ngấn, vệt khô háp hanh hao. Tim đèn thoi thóp cháy. Những con chữ đen sạm bắt đầu mủn ra bay lả tả như muội đèn. Toàn thân tôi bủn rủn, đau đớn đến tê dại. Đến lúc này tôi mới rùng mình nhận ra một điều quái gở. Từ ngày tiên đế đi xa, đêm nào Nhậm cũng ngồi nắn nót thảo biểu thư cho vua Thanh để cầu hôn công chúa và đòi đất. Đêm đêm tôi háo hức ngồi bên nâng đèn cho Nhậm viết. Đêm đêm chúng tôi hừng hực sống, hối hả tận hưởng từng phút từng giây hào hùng dưới ngòi bút của Nhậm. Đêm đêm chúng tôi hả hê chết, một cái chết hồn nhiên êm ái giữa muội đèn và xác chữ.
*
* *
Lòng tôi đầy ứ nỗi tức giận khi nghe Nhậm đòi ra đầu thú. Trung thư Trần Văn Kỷ đã lẫm liệt trầm mình dưới sông Hương khi Nguyễn Ánh cho đòi. Lẽ nào một kẻ sĩ như Nhậm phải cúi mình kiếm chút cơm thừa canh cặn? Tôi ném vào mặt Nhậm một cái nhìn khinh bỉ:
- Mày hèn thế. Đến chó cũng chết theo chủ đấy.
Nhậm chống cằm nhìn đăm đăm ngọn đèn sắp cạn dầu, khẽ thở dài:
- Ta không tham sống sợ chết đâu. Ai cho ta ăn kẻ đó là chủ. Nhậm chỉ làm chó cho non sông xã tắc này thôi.
Tôi nhếch mép cười khẩy:
- Mày tin chủ mới đối xử tử tế với mày sao?
Nhậm không nói gì. Tôi vùng vằng bỏ đi…
Ngày Nhậm đợi cuối cùng cũng đến. Vua Gia Long vừa vào kinh thành đã cho đòi Nhậm đến. Vua mặc áo cánh, chân bắt chữ ngũ, ngồi nghễnh nghệu rung đùi trên sập rồng. Tôi theo Nhậm tiến vào chắp tay khẽ cúi đầu chào, chứ không chịu làm lễ. Vua cau mày rồng:
- Nhà họ Ngô nức tiếng chữ nghĩa ở Bắc Hà, sao vô lễ thế?
Tôi ngước nhìn vị quân vương được bao sĩ phu Bắc Hà mòn mỏi đợi chờ. Mặt rồng bóng nhẫy, sắc lạnh như đồng. Tia mắt rợn ngợp một màu thép. Tôi rùng mình, khẽ thở ra. Nhậm vẫn bình thản như không, giọng đều đều sắc lẹm:
- Bệ hạ không biết quý trọng mình rồng, bọn bề tôi nếu cứ theo lễ lạy càn chẳng phải đã coi khinh bệ hạ rồi ư?
Vua Gia Long nhăn mặt khó chịu. Mắt rồng lóe lên một luồng ảnh quang sáng quắc như bóng đao. Thềm rồng run rẩy. Vua đứng phắt dậy. Phẩy tay áo bước vào trong. Một đỗi vua trở ra. Long cổn chỉnh tề. Mặt rồng hơn hớn. Vua chờ tôi và Nhậm làm lễ xong, cười ngạo nghễ:
- Giặc cỏ Tây Sơn giờ như một tàn lửa, chẳng mấy chốc là tắt. Khắp một dải non sông từ Thăng Long vào đến Gia Định đều thuộc về trẫm cả đấy. Nay trẫm đã sai sửa soạn lễ vật, hẹn sứ giả nhà Thanh ở ải Nam Quan. Trẫm sẽ thân lên đó nhận sắc phong vương. Ngươi thấy thế nào?
Tôi cắn nhẹ môi dưới, khẽ thở dài. Trời ơi, giặc Thát hung bạo, vó ngựa đi tới đâu cỏ cũng không mọc được, đến nhà Tống hùng mạnh cũng phải chịu họa diệt vong. Nhưng vua tôi nhà Trần năm lần bảy lượt nhất định không chịu cúi mình sang chầu nhà Nguyên. Sau vì hòa hiếu tránh can qua phải nhận phong vương ở Thăng Long nhưng đòi sứ Nguyên phải làm lễ Nam diện. Ấy là thế nước nhỏ đáng để noi theo vậy. Lẽ nào hoàng thượng lại nôn nóng đến quên cả thể diện nước nhà?
Nhậm điềm tĩnh thưa:
- Muôn tâu, chuyện này xưa nay thần chưa hề nghe.
Vua cười gượng:
- Ta nghe nói nhà Mạc từng nhận sắc phong ở ngay biên giới, chẳng phải là giống ý trẫm sao?
Tôi sững sờ không tin vào tai mình. Nhà Mạc gặp lúc vận suy chỉ nghĩ tới lợi nhà không nghĩ việc nước, vua tôi hèn yếu phải tự trói mình đến biên giới lạy mừng tướng giặc, đời sau ai cũng chê cười. Đã vậy còn cắt dâng bảy châu ba động phụ vào nhà Minh khiến sông Đỗ Chúc mấy trăm năm tiếng nhơ còn đó. Hoàng thượng muốn mắc tội với tiền nhân ư? Lòng tôi chợt nhói lên như có ai vừa cắt qua một nhát dao. Ôi tiên đế, dưới suối vàng Người còn đợi Nhậm về bàn việc nước đó chăng?
Nhậm ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt vua Gia Long, nói như đinh đóng cột:
- Thưa, vì thể diện nước Nam xin bệ hạ chỉ nhận lễ phong vương ở Thăng Long.
Vua ngồi bất động trên sập rồng hồi lâu. Mặt rồng đỏ ửng như người say nắng. Rồi phất tay ra dấu cho lui.
Đêm đó về nhà Nhậm cứ trăn trở hoài không ngủ được. Hôm sau thì đổ bệnh. Người nóng sốt bừng bừng. Lúc mê lúc tỉnh. Thỉnh thoảng Nhậm ngồi dậy hỏi đã đòi được đất chưa, rồi bật khóc, mặt mày ngơ ngác. Sau phải tìm thầy thuốc giỏi đến chẩn mạch, cho uống thuốc, nghỉ ngơi mấy tháng liền mới khỏi.
*
* *
Trời Thăng Long những ngày cuối xuân cáu bẳn như gái băm chưa chồng. Mưa phùn suốt mấy ngày. Lạnh cắt thịt. Rồi nắng chao chát. Khô như rang. Bao nhiêu trúc trong Trúc Lâm thiền viện đều trổ hoa. Lá trúc rụng bời bời. Những thân trúc mảnh mai vàng héo hắt. Mới sáng sớm, Nhậm đã cầm chổi quét lá. Từ ngày ốm dậy, Nhậm bỗng thích gom lá trúc lại thành đống. Những chiếc lá ướt đẫm sương gối đầu vào nhau, trông mỏng mảnh tội nghiệp như những nét chữ của Nhậm. Tôi châm lửa đốt. Lá bắt khói cay xè, một đỗi thì bừng bừng cháy. Nhậm háo hức nhìn ngọn lửa càng lúc càng bạo liệt, miệng như mỉm cười nhưng mặt giàn giụa nước mắt. Trông Nhậm cứ như người ngây, kẻ dại.
Bỗng có tiếng ngựa phi dồn dập, tiếng gươm khua rổn rảng, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng người ồn ã. Lệnh vua đòi Nhậm có mặt gấp ở Văn Miếu vào đầu giờ Ngọ. Vua Gia Long ban cho Nhậm một bộ áo dài khăn đóng mới tinh. Thêm cây đàn nguyệt nữa. Tôi nhìn cây nguyệt cầm quen thuộc gãy mất một đoạn cần, giật mình biến sắc. Nhậm xâm xoàng, suýt đổ khụy vào vai tôi. Người Nhậm run bần bật. Có tiếng gì như tiếng thét từ tim Nhậm vừa vỡ ra, hẫng hụt rơi trong lồng ngực tôi. Hoàng thượng đã nuốt lời rồi ư? Tôi bật cười chua chát. Chao ôi, lời hứa ngàn vàng của một bậc đế vương! Tôi níu Nhậm đứng lên, giữ dáng Nhậm thật thẳng và ngạo nghễ khi bước ra cổng thiền viện. Mặt trời mới cao hơn con sào nhưng đã nóng hầm hập. Bóng tôi đổ nhòa làm một với bóng Nhậm. Đường ra Văn Miếu chỉ có một thôi đường sao tôi thấy xa xôi như nghìn dặm Hoàng hoa.
Mưa. Mưa. Mưa. Nhậm suýt ngã sấp mặt mấy lần trên mặt đường lầy lội. May có tôi làm điểm tựa vững chãi cho Nhậm. Mưa quất vào mặt, vào vai, vào ngực tôi buốt nhói. Đường đến Yên Kinh báo tang vua Quang Trung, tôi cũng từng đớn đau như thế. Nhưng đó là nỗi đớn đau đầy kiêu hãnh của nước Nam, nỗi đớn đau được vua nhà Thanh đón lấy trong bao nể trọng.
Không gian bỗng rền vang tiếng sấm. Không, đó là tiếng trống vừa vọng từ Văn Miếu. Tiếng trống đĩnh đạc. Hào sảng. Đôi mắt Nhậm rực lên một thứ ánh sáng lạ lùng, thứ ánh sáng tôi chỉ gặp một lần lúc Nhậm thay vua đọc chiếu cầu hiền.
Xa xa Văn Miếu hiện ra tịch mịch thâm nghiêm dưới những bóng cây cổ thụ. Trước cổng là hai hàng quân sĩ giáp trụ tề chỉnh, gươm giáo sáng lòa, mặt đằng đằng sát khí. Phan Huy Ích cũng vừa đến nơi, cầm tay tôi ân cần hỏi:
- Anh vợ vẫn khỏe đấy chứ?
Nhậm im lặng, thở dài đi không quay lại...
Chính sử viết rằng vào tháng Hai năm Quý Mùi, vua Gia Long đã cho đánh đòn các tôi thần Tây Sơn ở Văn Miếu. Nhậm chết ngay từ những nhát roi đầu tiên. Nhưng với tôi, Nhậm đã thực sự chết vào lúc giục ngựa hối hả đến phủ chúa giữa đêm tối Thăng Long định mệnh đầy những lằn chớp sáng lòa.
T.L.V
VNQD