Đón tết ở chiến trường

Thứ Bảy, 12/10/2019 09:22

.THÁI CHÍ THANH

Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, Tiểu đoàn 19 đặc công của Sư đoàn 304 A chúng tôi được điều lên Tà Cơn, phòng địch bất ngờ chiếm lại. Những ngày đó vui như đi hội, tranh thủ hai tháng không đánh nhau (theo Hiệp định), quân ta đổ ồ ạt vào Quảng Trị, đạn, pháo, cả tên lửa... bạt ngàn dọc đường 9, không kho, không hầm, để ven đường, để giữa trời.

Đó là những ngày thật sự hào sảng của cánh lính, vui, sôi động vô cùng, lại nhàn nhã sau chiến dịch 72 đẫm máu.

Sân bay Tà Cơn nằm trong cụm cứ điểm Khe Sanh là vùng đất vô cùng ác liệt, nhưng đã giải phóng từ mấy năm trước. Dù rất nổi tiếng, nhưng chúng tôi chẳng thấy nó có gì đặc biệt cả, có chăng là những đường băng bằng sắt ken vào nhau, còn kho tàng, sở chỉ huy đều nằm ngầm dưới lòng đất. Chúng tôi đóng quân trong các khu rừng lúp xúp quanh sân bay, sau khi xong lán trại, hầm, công sự thì hăm hở chuẩn bị đón tết. Ai cũng muốn có một cái tết thật oách, thật sang cho bõ những ngày dài thiếu thốn, đói khổ vừa qua. Bánh chưng đã có sư đoàn cấp. Cá tươi chỉ cần hai thỏi bộc phá TNT ném xuống một vũng quẩn sâu trên con suối đổ ra sông Đakrông là cá vớt mỏi tay, về lán nướng, kho xả láng, đơn vị ăn nhòe.

Suốt cả chiến dịch 72, ăn mãi rau tàu bay, rau môn thục, nên ngán, lính chúng tôi lùng khắp nơi để tìm loại khác. Một lần, tôi và Tiến - một người bạn thân, lò dò mãi mới thấy một nương cải ven suối xanh tốt, nhìn đến sướng mắt. Hai thằng thấy vắng hoe, bèn xông vào “xin” đồng bào mươi gốc. Tìm không được dây, hai đứa cởi áo để bó. Vừa hăm hở ra khỏi vườn, bỗng một tiếng hô ồm ồm: “Ê... Cái người xấu... không được trộm rau”. Hai đứa lao xuống suối rồi lủi nhanh vào rừng cỏ tranh vốn bạt ngàn khắp Tà Cơn. Bỗng một tiếng súng nổ đanh. Mặc, hai đứa nghĩ là ai đó dọa, nên nằm im, chờ im ắng rồi cắt đường tắt, chạy về đơn vị. Nhìn những cây rau cải xanh tốt mà tôi và Tiến ôm về, anh em trong trung đội sướng phát điên, còn hơn bắt được vàng. Đang hồ hởi chia rau cho từng nhóm thì có tiếng ai đó gào lên: Đồng bào đến! Cuộn vội vào ni lông bỏ xuống hầm xong thì cũng là lúc một người đàn ông mặc khố, nhưng lại áo lính thùng thình, xách khẩu CKC đến, hỏi: “Cái bộ đội” có thấy “cái thằng người xấu” lấy rau đồng bào không? Tất cả cùng lắc đầu không thấy. Người đàn ông lại bảo, hai cái người xấu ấy, mình mà chủ bắn thì hắn chết rồi. Tôi và Tiến nhìn nhau, rùng mình. Một người trong đơn vị thăm dò, muốn đổi quân tư trang lấy rau. Người đàn ông lắc đầu quầy quậy bảo không được mà. Rau đó đồng bào cũng không được ăn mà. Thế trồng rau làm gì vậy? À... người đàn ông nhìn chúng tôi rồi thong thả từng tiếng như đếm, trưởng bản nó bảo để dành cho “cái bộ đội” ăn tết mà... Nói rồi, người đàn ông lại xách súng, sùng sục đi tìm “cái người xấu” đòi rau, để lại cho chúng tôi sự hẫng hụt đến thẫn thờ, muốn chạy theo trả rau mà không dám...

Sau chuyện ấy, đại đội có nhắc nhở, phê bình, chúng tôi có ân hận chút xíu, nhưng người lính chiến trận lại quên rất nhanh, thậm chí thấy vui vì biết tết này sẽ có nhiều rau của đồng bào dành cho mình.

Tết mà không có thịt lợn tươi và rượu thì không thành tết, nên bọn tôi lại đi các bản của đồng bào Vân Kiều để đổi bất kì cái gì họ thích mà lính đang có, từ quân tư trang đến chiến lợi phẩm hay đồ lưu niệm.

Nhóm tôi có ba người. Tôi, Tiến và Cần đổi một cái võng dù được một con lợn bốn gang. Tôi tưởng chuyến này đơn vị xài thịt mỡ đến ngắc ngư, nào ngờ, con lợn bé tí, bỏ gọn trong túi mìn claymo. Thấy tôi ngơ ngác, bà cụ móc chú lợn con ra rồi đo chính xác đúng bốn gang tay từ mõm nó đến hết đuôi. Đúng là chào thua “cái đồng bào”, chúng tôi chỉ còn biết cười.

Chuyện đổi bí còn chết cười hơn. Một lần, khi cởi áo đổi được một bình tông rượu của đồng bào, tôi móc lấy các đồ dùng cá nhân trong túi ra, trong đó có quyển lịch tay, nhỏ xíu, chỉ nhỉnh hơn bao diêm, nhưng bìa là nghệ sĩ Thanh Loan, in màu rất đẹp. Các trai bản xúm vào xem, rồi trầm trồ khen, con “mun” miền Bắc đẹp hung, đòi đổi một quả bí, tôi đòi bí to, họ gật liền. Tôi cũng tiếc bức hình giữ mãi trong túi qua mấy chiến dịch, nhưng đành đổi vì quả bí ngon quá. Thằng Tiến cũng có quyển lịch như tôi, bìa là nữ ca sĩ Ái Vân, họ cũng đổi cho một bí to. Thấy thế, thằng Cần móc trong ví ra ảnh người yêu của nó, nhỏ xíu (3x4), in đen trắng đòi đổi, họ cũng “ưng cái bụng”, nhưng quả bí bé tí, lại bị lẹm, rồi giải thích, con mun ni xấu hung.

Thế là anh em đơn vị đã có đủ rượu và thịt, rau, bánh cho cái tết đáng nhớ đó. Nhưng đời lính, dù là hoàn cảnh nào cũng lắm cái bất ngờ, vì sắp làm bữa “tất niên” thì nhận lệnh cắt một tổ trực chiến trong đêm giao thừa.

Vẫn là nhóm tôi, Tiến và Cần sẽ trực chiến ca đầu, sau giao thừa đội bạn lên thay. Tổ tôi chốt trên cao điểm 595, một cao điểm tôi đã được nghe kể nhiều về chiến tích từ gần bốn năm trước, nơi làm nên tên tuổi anh hùng Trần Hữu Bào và đồng đội trong chiến dịch Khe Sanh, đã anh dũng đánh tan các cuộc tấn công của bọn Mĩ kéo từ đường 9 lên tiếp ứng cho sân bay Tà Cơn. Nghe kể, lúc ấy (đâu là tháng 4/1968), bọn Mĩ đông gấp hàng chục lần quyết chiếm lại cao điểm, cả tiểu đội chiến đấu can trường suốt hai ngày đêm, sau bị thương hết, chỉ duy nhất mình Trần Hữu Bào còn chiến đấu được. Mà lính Mĩ hồi ấy về chiến thuật cũng dại lắm, dàn quân xung phong mà cúi xuống tránh đạn, mông cao hơn đầu, nên riêng Trần Hữu Bào lia gần một trăm tên cũng không có gì khó hiểu.

Ba đứa chúng tôi rải dây điện thoại hơn 1500m từ sở chỉ huy tiểu đoàn lên đến đỉnh đồi thì trời cũng xộm lại. Nhìn quả đồi không cao lắm và xung quanh chỉ toàn cỏ tranh nên cũng thoáng. Dọn lại hai căn hầm cũ, phát quang xung quanh rồi bắt đầu nghêu ngao, chỉ mong đến giao thừa.

Gọi là chốt nhưng có cả bi đông rượu, thịt, cá, thuốc lá rê... sướng như vua. Ba đứa hết hò hát lại kể chuyện tiếu lâm mà không sợ bị cấp trên phê bình. Đến khoảng 11 giờ đêm, lính ta đóng rải rác xung quanh sân bay Tà Cơn chờ sốt ruột, đã đì đòm bắn đón giao thừa, sau đó cả pháo cao xạ cũng rền lên. Khu Tà Cơn râm ran tiếng nổ như đánh trận. Bỗng có đám cháy từ đồi cách chúng tôi mấy trăm mét bùng lên rồi nhanh chóng lan ra nhiều đám khác. Khói, lửa cứ ngùn ngụt sáng trưng... Chúng tôi điện thoại, chỉ nghe ọ ẹ, ọ ẹ rồi tịt luôn, chắc là cháy đường dây.

Từ trên đồi cao, chúng tôi thấy lửa cháy khắp nơi, bắt vào cả kho đạn, kho xăng nổ tung trời đất, những chớp xanh đỏ, những quầng lửa khủng khiếp chồng nhau khắp nơi, đạn bay vụt lên tứ tung, phụt lửa nhằng nhịt, nổ đinh tai. Trong biển lửa, tôi thấy nhiều xe ô tô chui ra, lại cả những tên lửa đang nằm trên xe kéo liều chết chạy qua đám cháy... Chúng tôi trên đỉnh đồi bỗng chốc ở trong vòng vây lửa. Tình thế nguy cấp, chạy cũng chết mà ở cũng chết, ba đứa tôi nhảy xuống hầm tránh nóng, có mấy thùng nước tưới hết vào áo quần. Trong gian nan hay nẩy ra cái khôn, bốn thằng lấy thủ pháo, lựu đạn ném ra xung quanh, cốt sao cho bay những đám cỏ khô để lửa khỏi thiêu sống mình. Cũng may mà mìn nằm trong đất rất nhiều, bị đốt, nổ tung, tạt bay từng đám cháy. Khi lửa chỉ còn cách mấy chục mét, tôi vác B40 phóng được hai quả, đẩy được lửa một phía thì khói ngạt quá, nóng khủng khiếp, nên tất cả chụm đầu vào nhau dưới hầm, cố giữ khoảng không khí để thở, mặc cho số phận. Bỗng liên tục có những đợt gió cực mạnh tưởng hất tung bọn tôi lên trời. Thì ra, cả số đạn B40, thủ pháo của chúng tôi để trong hố bên cạnh cùng nổ, hất lửa ra xa. Rồi khói cũng loãng ra, tôi thò đầu nhìn, thấy lửa đã cháy sang các nơi khác, thế là thoát...

Một lát sau, có ba phát súng bắn đạn lửa từ phía chân đồi. May mà còn khẩu AK tôi mang theo người, chúng tôi vội đáp lại, báo hiệu cho anh em biết là mấy đứa vẫn còn sống...

Phải rất lâu anh em mới tìm được đường chạy lên. Trời đất, ai cũng đen nhẻm như móc dưới hố than lên...

Thật may, đơn vị tôi vẫn nguyên. Và chúng tôi lại tiếp tục đón xuân kiểu lính.

Sau tết ta, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ lên Lao Bảo làm nhà cho phái đoàn giám sát quốc tế về thực hiện Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, cũng là đơn vị chính bảo vệ họ.

Lao Bảo thật đẹp, thật thanh bình. Dấu ấn nhà tù Lao Bảo ngày nào của địch giam cầm các chiến sĩ của ta chỉ ở những bức tường, những hầm hố, còn lại là một màu xanh tươi của cỏ cây. Có cả những hàng phượng vĩ to và đẹp làm tôi có cảm giác như sống ở thị trấn Tân Lạc - Quỳ Châu thân thuộc của mình. Chúng tôi đóng quân bên bờ sông Sê Pôn thơ mộng, được vùng vẫy, tắm mát, bắt cá tôm như thuở còn thơ. Bên kia sông là đất của Lào, nơi chúng tôi ngày ngày bơi sang để chặt tre, nứa, gỗ về làm nhà cho phái đoàn giám sát quốc tế. Có lần, tôi và hai người bạn cùng tổ là Tiến và Cần chặt xong nứa, tôi lấy kèn ácmônica ra thổi, thấy có hai cô gái còn trẻ, da hơi đen nhưng xinh, đến xin “được nghe nhờ vì vui cái tai”. Hai cô gái lại nói bập bẹ tiếng Việt nên rất thú vị. Thằng Cần mắt sáng lên, hỏi, có thích cái bộ bội Việt Nam không? Một cô cười thỏn thẻn, mình thích nhiều mà. Tôi hỏi, thích cái chi của bộ đội Việt Nam nhất? Một cô bảo, cái chi của bộ đội Việt Nam cũng hay, cũng thích mà. Cô kia cũng lên tiếng nhưng vốn tiếng Việt ít quá, nên tôi chỉ vừa nghe vừa đoán là thích cái tay biết bắn giặc giỏi, thích cái mồm biết thổi kèn vui cái tai. Lập tức, Tiến hỏi, còn cái nữa, cực quý, có thích không, mình tặng luôn. Cô bạn hỏi lại một cách rất thật thà: Cái chi? Biết là ông tướng ba tiếu này lại sắp trêu bậy, tôi vội bảo, cái ni, rồi giơ kèn. Hai cô reo lên, mắt sáng long lanh. Một cô bảo, bộ đội đổi cái kèn lấy cái chi? Cô khác thì nói, cái kèn hay nhiều, bộ đội đổi cái chi cũng được mà. Hai ông bạn bật cười, chưa kịp nói, tôi đã phải lên tiếng trước, bộ đội thích hai cô hát bài Lào. Hai cô lắc đầu, không rõ họ không hiểu hay không biết hát. Tôi bèn thổi kèn bài Hoa chăm pa để hai cô nhẩm theo. Cần và Tiến hát cùng. Khi tôi đưa kèn cho họ, một cô lột chiếc vòng tay không rõ bằng bạc hay là nhôm, nhưng anh em tôi cười, bảo tặng thôi, không lấy. Nhưng họ nhất định không chịu. Cuối cùng họ tặng lại chúng tôi những búp măng tre rừng, thứ ở nhà chúng tôi đang chưa biết làm sao ăn cho hết.

Họ đi rồi, Tiến bảo, đi với thằng đảng viên này nhiều khi hỏng việc, cái cần hắn không lấy lại lấy cái không cần. Nó nói vui thế thôi chứ bố bảo cũng chẳng dám. Cái gương một ông lính trong sư đoàn hồi đóng quân nam sông Ba Lòng còn sờ sờ ra đấy. Chẳng là, cậu lính ấy léng phéng với một cô gái con trưởng bản, không ngờ bị cô ta về “khoe” với mọi người, nên bị lộ. Đơn vị mất một con trâu, vài yến muối và đau nhất là mất một người lính giỏi vì sau đó tòa án binh xử ba năm tù.

Hồi ấy, chiều chiều, anh em lao động về, hay ra bờ sông Sê Pôn tắm rửa, chơi đùa và nấu cơm chiều. Một lần, mấy đứa đang ngồi nấu cơm, nghêu ngao thì có đoàn đại biểu từ Bắc đến thăm. Không được báo trước, và anh em cũng ít quan tâm đến ông to ông bé nào đến, nên cứ kệ. Nhưng khi thấy có nhiều cô gái rất xinh đi cùng thì nhốn nháo “văn công chúng mày ơi”. Đoàn cũng bình dân, sà vào hỏi han, cười vui cùng lính làm khuấy động cả bờ sông. Sau này, tôi mới biết đó là đoàn cao cấp do nhà thơ Tố Hữu dẫn đầu, cùng nhiều người quan trọng, có cả ca sĩ Ái Liên và văn công cùng đi. Sau này, bài thơ Nước non ngàn dặm ông viết, có đoạn về Lao Bảo:
Mấy chàng lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát, hát chờ cơm sôi
Chính là viết về những người lính chúng tôi, rất thật.

T.C.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)