Nghĩa tình Lý Sơn

Thứ Sáu, 13/09/2019 08:07

.Ghi chép. VŨ THÀNH DUY

Sáng cuối tháng năm, mặt trời còn ngái ngủ, cầu cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam) đã rộn rã bước chân người lính. Đoàn quân áo rằn xanh trên vai nặng trĩu hàng hóa thoăn thoắt lên xuống cầu tàu. Tiếng còi cất lên, tàu 8002 giãn nước trong ánh bình minh vàng lấp lánh. Rất đông cán bộ, chiến sĩ quân phục chỉnh tề đứng nghiêm trang dưới cầu cảng giơ tay chào. Lần ra khơi này, con tàu 8002 mang theo nhiều tình cảm và vật chất của đất liền gửi ra bà con ngư dân huyện đảo Lý Sơn.

Chuyến tàu hân hoan
Trên boong tàu, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đang thị sát công tác vận hành an toàn của tàu 8002. Là người có dáng vẻ thư sinh nhưng trong hai năm ông đã in dấu giày khắp mười hai huyện, xã đảo của mười một tỉnh thành trong cả nước. Điều ông phấn khởi nhất trong chuyến công tác này là sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Hơn sáu tỉ đồng tiền mặt và hiện vật trong hai năm qua của các mạnh thường quân đã mang lại cho mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” sức sống mới, lâu bền và thiết thực. Ngày mai, trong chương trình sơ kết, tiếng nói của người dân, của chính quyền địa phương và của doanh nghiệp sẽ giúp cho những người làm công tác tổ chức có được cái nhìn toàn diện, sâu sắc cả về nội dung và hình thức, từ đó sẽ củng cố để hoạt động của mô hình ngày một hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng hơn.

Từ chỗ Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết tôi nhìn sang thấy một người đang cẩn thận buộc, chằng lại những chiếc xe đạp, những gói quần áo, giày dép trong khu vực hàng hóa trên tàu. Đó là Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2, Cảnh sát biển Việt Nam. Anh chia sẻ: “Vì không muốn những món quà đến tay ngư dân, các em học sinh không còn nguyên vẹn nên mình phải tự tay kiểm tra thế”.

Trong hành trình ra đảo hơn một tiếng đồng hồ, mặt biển với màu xanh trải dài ngút mắt thỉnh thoảng được điểm bạc bởi đàn cá tung mình lên không trung. Một vài ngư dân bỏ lửng mẻ lưới đang đánh bắt trên ngư trường, vẫy tay chào thân thiện khi tàu 8002 ngang qua.
Và Lý Sơn đây, trong nắng mai tươi mới. Chào đón chúng tôi là những gương mặt nắng gió hết sức thân thiện của người dân trên huyện đảo xinh đẹp này.

Điểm đầu tiên tôi đến là nhà trưng bày Hoàng Sa Bắc Hải tọa lạc trên một không gian rộng lớn, phía trước là cụm tượng đài cao 4,5m với hình ảnh ba tráng sĩ mặc quân phục triều Nguyễn chỉ tay ra phía biển. Nơi đây có nhiều hiện vật minh chứng công lao cha ông thời mở cõi, lập thôn ấp trên ngư trường từ cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỉ XVII. Đối diện tượng đài là nghĩa trang liệt sĩ như một lời nhắc nhở con dân Việt về máu xương của cán bộ chiến sĩ trong công cuộc bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Nghĩa tình cá nước
Một người đàn ông ngăm đen với đôi mắt sáng tiến lại ôm thân mật Thượng tá Trần Hồng Quế, Chủ nhiệm chính trị Vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam. Sau cái siết tay kéo dài, người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi đưa bàn tay thô ráp có vết sẹo gạt giọt nước lăn từ khóe mắt giới thiệu tên là Nguyễn Lợi, người thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn. Năm 2015, ông Nguyễn Lợi là thuyền trưởng tàu cá Quảng Ngãi 96507-TS, cùng 14 thuyền viên đang mải đánh bắt thủy sản trên biển ở tọa độ 13047’N, 111057’E thì bị sóng đánh vỡ bộ lái sau, nước tràn ngập khoang máy, tàu có nguy cơ bị chìm.

Ông Lợi cùng các thuyền viên thay nhau tát nước, vá lỗ thủng phía bánh lái. Trong lúc sóng to gió lớn, tàu rung lắc mạnh, ông cùng hai thuyền viên đã bị trọng thương. Tín hiệu cấp cứu được truyền đi, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 đã nhanh chóng tiếp cận đưa toàn bộ thuyền viên lên tàu sơ cấp cứu, ổn định sức khỏe và lai dắt thành công tàu cá 96507-TS vào bờ trong sự hân hoan của những người mẹ, người vợ đang nóng lòng chờ tin chồng, tin con. Những gói quà, những lời động viên chân tình ấm áp là nguồn động lực mạnh mẽ giúp ông Lợi và các ngư dân nhanh chóng ổn định tâm lí tiếp tục vươn khơi.

Trên con tàu 96414-TS đậu tại âu tàu xã An Hải có tốp ngư dân đang chuẩn bị ngư lưới cụ. Ngư dân Huỳnh Quang Trạng người thôn Đông xã An Hải đại diện cho tàu cá 96414-TS cho tôi biết, sau khi tham gia buổi hướng dẫn nhận biết, xử lí một số tình huống cấp cứu trên biển do cảnh sát biển tổ chức, anh đã được nhận phao tròn, tủ thuốc..., những vật dụng cứu sinh khẩn cấp trước những bất trắc trên biển trong khi chờ đợi lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ từ nơi xa kịp đến ứng cứu. Chàng ngư dân sinh năm 1988 ngập ngừng quay ra phía biển giấu vẻ xúc động trên gương mặt, đôi tay rắn rỏi bỗng run run khi thay lá cờ đã bị gió giật đến rách nát. Gió ngoài khơi xa thổi lại, lá cờ đỏ sao vàng mới tinh lại tung bay trên cột buồm.

Trong khoang lái của tàu tôi thấy một cuốn sổ tay pháp luật đã nhàu nát và ố vàng bởi mồ hôi và hơi muối của biển được đặt cạnh tờ rơi còn tươi màu mực. Cuốn sổ này đã đồng hành với tàu cá của ngư dân Huỳnh Quang Trạng từ năm 2017, khi lực lượng cảnh sát biển mới triển khai chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”. Nhờ chương trình này mà thuyền viên trên tàu 96414-TS và các ngư dân, những người ít có điều kiện tiếp cận các kênh thông tin hiện đại nắm được luật biển Việt Nam, luật biển quốc tế. Việc hiểu biết pháp luật đã góp phần giảm tải công việc cho anh em cảnh sát biển trong việc chấp pháp, bởi trên ngư trường rộng lớn, nhân dân là tai, là mắt, là lá chắn đầu tiên trong việc đấu tranh với những hành vi trái pháp luật Nhà nước, những xâm phạm chủ quyền lãnh hải, thềm lục địa Việt Nam của thế lực ngoại bang.

Thượng tá Trần Hồng Quế, Chủ nhiệm chính trị Vùng  2 Cảnh sát biển Việt Nam cùng nghệ sĩ tóc André trò chuyện cùng các thành viên trên tàu cá 96414-TS

Buổi chiều, tôi đi dọc bãi biển và chứng kiến một hoạt động của tuổi trẻ. Bóng áo rằn xanh của các chiến sĩ trẻ cảnh sát biển hòa cùng những bóng áo xanh tình nguyện của Huyện đoàn Lý Sơn. Bao nilon, chai lọ trên bờ, dưới biển được gom vào túi hữu cơ tự phân hủy. Hoạt động này nhanh chóng thu hút được người dân xung quanh tham gia. Âu tàu càng về chiều càng đông đúc, nhờ sự chung tay mà cảnh quan đã trở nên sạch đẹp.

Tôi tới trường Trung học cơ sở xã An Hải, nơi đang rộn rã tiếng cười, tiếng hò reo. Những gương mặt phấn khích mướt mát mồ hôi trong nắng hè. Rất nhiều băng rôn cổ vũ được vẽ bằng màu trên nền giấy trắng đung đưa theo nhịp tay của các bạn cổ động viên. Trên sân khấu, thầy giáo trẻ đọc câu hỏi trắc nghiệm về pháp luật biển Việt Nam, phương pháp bảo vệ môi trường biển...

Đội trưởng đội áo xanh là em Dương Hùng Vỹ, lớp 6C, đã trả lời đúng câu hỏi mở đầu, các thành viên của đội được di chuyển lên ô phía trên. Sau hàng loạt câu hỏi đến khi kết thúc phần thi thì đội áo đỏ lại nhận được quà là đồ dùng học tập dành cho đội chiến thắng. Cứ như vậy các nhóm lớp tham gia thi để chọn ra đội hiểu biết pháp luật và môi trường biển nhất. Trên hành lang lớp học những bức tranh vẽ theo chủ đề “Em yêu biển đảo quê hương” được sắp xếp thành hàng dọc. Những nét vẽ mộc mạc nhưng chứa chan tình yêu quê hương đất nước.

Em Trần Thị Điệp, xóm 1 xã An Hải cùng 15 em là những “học sinh nghèo vượt khó” dắt những chiếc xe đạp vừa được lực lượng cảnh sát biển trao tặng từ sân khấu xuống sân trường trong tiếng vỗ tay thán phục của các bạn về thành tích học sinh giỏi suốt tám năm liền. Là học sinh lớp 8 nhưng Trần Thị Điệp có thân hình mảnh dẻ hơn các bạn cùng trang lứa. Đôi mắt to đen lánh ngượng ngùng ngước lên bầu trời trong xanh, một cánh hoa phượng đỏ thắm theo gió rơi xuống cánh tay gầy đen nhẻm của em. Là chị cả, bố mẹ luôn bận rộn với việc mưu sinh ngoài biển khơi, nên hàng ngày ngoài việc tự chăm lo cho bản thân Điệp còn phải kèm cặp hai đứa em. Quãng đường 3km từ nhà đến trường từ nay sẽ gần hơn, giúp em có nhiều thời gian hơn trong việc học tập.

Những mạnh thường quân
Tổng giám đốc Tổng công ti cổ phần Sáng ban mai Trần Thành Trọng là người song hành với chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” ngay từ ngày đầu. Là một doanh nhân chưa một ngày trong quân ngũ nhưng chàng trai quê Bình Dương lại có tình yêu tha thiết với biển đảo, đặc biệt là đối với những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Bắt đầu từ câu chuyện nghe kể về sự kiện ngày 14/3/1988, chàng sinh viên Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đã cất công sưu tầm tư liệu đọc và rất cảm phục ý chí quyết tâm bám đảo và tinh thần sẵn sàng hi sinh của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Đến năm 2013, sau khi trải qua nhiều gian khó, Trần Thành Trọng trở thành ông chủ ngành máy phát điện công nghiệp và anh đã đứng ra tổ chức làm giỗ các chiến sĩ hi sinh trên đảo Gạc Ma. Nghĩa cử cao đẹp này được anh em bạn bè đồng nghiệp đồng lòng chia sẻ. Hàng năm tổng công ti của anh dành năm trăm triệu quỹ phúc lợi để làm công tác an sinh xã hội, và một nửa trong số đó là đóng góp cho các chương trình của cảnh sát biển và hải quân. Anh hi vọng việc làm nhỏ bé của mình sẽ tạo sức lan tỏa để cộng đồng doanh nghiệp chung tay nhiều hơn với các chương trình biển đảo, góp sức xây dựng vùng biển quê hương an bình, giàu đẹp.

Có một nhà hoạt động từ thiện âm thầm, bền bỉ nhiều năm ở cả Việt Nam và nước ngoài cũng đồng hành cùng chương trình, đó là nghệ sĩ tóc André. André đã từng theo học nghề tóc tại Trung tâm Tony & Guy, London, nước Anh. Sống giữa những nơi phồn hoa đô hội nhưng trong anh không nguôi nỗi nhớ Việt Nam. Và trong lần trở về quê hương vào năm 2015, anh đã chứng kiến những hình ảnh xót xa: cậu bé với đôi chân trần nhỏ xíu chạy trên bãi biển lạo xạo sỏi và vỏ ốc; đôi vai gầy rung rung của bé gái trong đêm ngồi đếm sao trời, nhìn vô vọng lớp sóng từ khơi xa xô bờ để hình dung bóng dáng người cha đi lên từ biển; người phụ nữ đứng trong ngôi nhà lợp fibro xi măng dột nát dưới mưa, bóng đổ dài trước khung cửa xiêu vẹo, từng bước, từng bước chân dò dẫm sau ánh đèn dầu lờ mờ để cắm nén nhang lên bàn thờ có đặt khung ảnh chồng và con trai đã ra đi trên biển; những người lính đứng gác dưới cái nắng khắc nghiệt, chia nhau từng gáo nước ngọt trên đảo An Bình...

Và anh đã có một lời hứa trong nước mắt là sẽ làm một việc gì đó để có thể sẻ chia với bà con ngư dân ở hai đảo Lý Sơn, An Bình. Sau bốn năm lao động cật lực, lần trở lại này André đã mang theo rất nhiều hàng hóa, thuốc men, quần áo, giày dép, xe đạp và 114 bình chứa nước ngọt loại 500 và1000l... Số hàng anh dành tặng nhiều đến mức phải cần đến cả một chuyến tàu hàng. Chàng trai Việt kiều Canada này cho rằng “Trong một xã hội còn nhiều người thiệt thòi vì nghèo khó, thiên tai, bệnh tật..., một bàn tay mở rộng sẽ có nhiều gia cảnh được nâng đỡ. Hạnh phúc sẽ đến trong sự yêu thương, những gì ta cho đi sẽ còn hiện diện mãi, hãy giữ sạch tâm hồn mình bằng những việc làm tử tế chứ đừng vì bất kì một chữ vì nào”.

Tâm tư lính biển
Tôi trở lại tàu 8002 vào cuối chiều, vừa lúc Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Sỹ Đảo bàn giao ca trực cho đồng đội rồi quay ra biển vươn vai hít thật sâu vị mặn mòi của biển cả để lấy lại năng lượng. Chàng trai trẻ quê xứ Nghệ này có bảy năm làm nhiệm vụ trên tàu nhưng đã trải qua những chuyến ra khơi đầy ấn tượng.

Nguyễn Sỹ Đảo kể, năm 2014, khi dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, tàu của anh đang làm nhiệm vụ chống buôn lậu ở cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) thì nhận được lệnh hành quân khẩn. Con tàu mở hết tốc lực vượt qua tâm áp thấp nhiệt đới nhanh chóng tiến tới vị trí quan sát. Trong điều kiện gió giật cấp chín, cấp mười, tàu nghiêng lắc 35 độ, dây néo, thùng gỗ, cánh cửa tàu bị gió giật bay, nước tràn cả lên khoang lái, anh em dù đã được tôi luyện trên biển nhiều lần, nhưng đi vào tâm áp thấp vẫn bị say sóng. Mặc dù vậy việc đảm bảo vị trí quan sát để báo cáo tình hình hàng phút về sở chỉ huy luôn phải được duy trì.

Một lần khác là chuyến ra khơi tìm kiếm cứu hộ tàu cá Khánh Hòa 91559-TS do ông Trần Dầu làm chủ gặp nạn cách đảo Lý Sơn 85 hải lí trong cơn bão số 11 năm 2017. Tàu cảnh sát biển 8002 nhận lệnh xuất phát từ Quảng Ngãi chiều ngày 3/11. Trong cơn bão cấp tám, cấp chín, con tàu cao gần chục mét mà có lúc bị sóng đánh trùm cả boong, anh em say sóng ngã nhào liên tục. Mưa lớn làm giảm tầm nhìn, thời gian cứu hộ vào ban đêm nên việc xác định chính xác vị trí tàu bị nạn rất khó khăn. Đến tận 3 giờ sáng ngày 4/11 mới tiếp cận được tàu bị nạn. Hơn một giờ vật lộn làm dây buộc, mất thêm ba giờ nữa mới kéo được tàu bị nạn vào trú tránh an toàn trên đảo Lý Sơn.

“Đối với lực lượng cảnh sát biển, việc đối diện với gian nan trong sóng gió biển khơi là bình thường. Còn một thứ gian nan nữa mà những người lính biển phải chịu đựng, đó là gánh nặng trách nhiệm tình cảm với hậu phương” - Thiếu tá Nguyễn Minh Trường, Chính trị viên tàu 8002, người có mười năm công tác trên biển nói về cuộc sống hậu phương, giọng trầm trầm. Theo lời anh, với lực lượng cảnh sát biển nói riêng và người lính làm nhiệm vụ phương xa nói chung thì việc vợ đẻ, con ốm hay bố mẹ đau, thậm chí là qua đời mà mình không thể về chăm sóc, chịu tang... là chuyện thường ngày. Nguyễn Minh Trường cười buồn bảo: “Những lúc như thế anh em chúng tôi chỉ còn cách nhắn tin, gọi điện về nhận lỗi và mong được thông cảm thôi”.

Trong tình hình biển đảo phức tạp hiện nay, những người lính biển là mối quan tâm hàng đầu của cả gia đình và xã hội. Và chính những người lính biển, trong những tháng ngày làm nhiệm vụ ngoài khơi xa cũng luôn ngóng về đất liền với tình cảm yêu thương nặng trĩu. Nguyễn Minh Trường thổ lộ: “Lính biển chúng tôi có cách chia sẻ rất riêng. Mỗi khi ai được về phép thì sẽ đến thăm nhà những người còn ở biển, chụp ảnh, quay phim vợ con và gia đình để mang lên tàu. Những lúc lênh đênh trên biển, điện thoại không có sóng thì hình ảnh bố mẹ già, vợ trẻ con thơ, cảnh làng quê đầm ấm... sẽ là nguồn động viên để chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ”.

Câu chuyện giữa chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng tù ốc thổi u u và tiếng hô át gió. Anh Trường cho biết, bà con nơi đây đang tập luyện đua thuyền tứ linh để chuẩn bị cho lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Chúng tôi bước lên boong tàu 8002 nhìn ra. Trong ánh hoàng hôn đỏ suộm, quanh tàu cảnh sát biển là những thuyền cá của ngư dân đậu san sát. Xa xa, trên mặt biển, những chàng trai Lý Sơn ngực trần nâu bóng, mặt lấp loáng mồ hôi, cánh tay cuồn cuộn như thừng chão đang hối hả vung chèo chém sóng đưa những con thuyền đua lao vun vút. Sau lễ hội, các chàng trai sẽ lại vươn khơi...

V.T.D

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)