Tối Chủ nhật 25/8/2019, tại 3A Ngô Quyền, Hà Nội, trong khuôn khổ “Tháng phim Mĩ”, Cà phê Thứ Bảy Hà Nội đã tổ chức trình chiếu và thảo luận về bộ phim DANCES WITH WOLVES (Khiêu vũ với bầy sói) với sự chủ trì của nhà văn Trần Thị Trường.
Khiêu vũ với bầy sói là phim điện ảnh sử thi Viễn Tây của Mĩ phát hành năm 1990 do Kevin Costner đạo diễn, sản xuất và đóng chính. Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 63, bộ phim đã nhận được 12 đề cử và giành chiến thắng ở 7 hạng mục, trong đó có 3 hạng mục lớn là Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Đây là bộ phim Viễn Tây đầu tiên giành giải phim hay nhất của Oscar trong hơn 50 năm kể từ Cimarron (1931). Khiêu vũ với bầy sói được ghi nhận là nguồn ảnh hưởng chính cho sự hồi sinh của thể loại phim Viễn Tây ở Hollywood. Năm 2007, bộ phim được Thư viện Quốc hội Mỹ lựa chọn để bảo tồn tại Viện Lưu trữ phim quốc gia Hoa Kì vì "có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mĩ".
Bộ phim do điện ảnh Mĩ sản xuất và công chiếu lần đầu năm 1990
Kịch bản phim do Michael Blake viết dựa theo tiểu thuyết cùng tên của chính Blake, Khiêu vũ với bầy sói được xem như "bộ sử thi của miền Viễn Tây Hoa Kì". Phim kể câu chuyện Dunbar - một viên trung úy quân đội thời nội chiến - đi tới biên giới Mĩ để tìm một đồn quân sự rồi được bộ lạc người da đỏ cưu mang. Ngày qua ngày, Dunbar dần trở thành một thành viên của bộ lạc da đỏ đó. Anh quên hẳn cuộc sống hiện đại mà trước kia mình đã từng sống. Nhưng khi quân đội Fort Sedgewick đặt chân đến vùng đất này và tìm ra anh, Dunbar phải đứng trước những sự lựa chọn nghiệt ngã...
Từ kinh phí 22 triệu USD, bộ phim đã đạt doanh thu 424 triệu USD trên khắp thế giới, trở thành phim Viễn Tây có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Một số người Mĩ bản địa như Michael Smith, Chủ tịch Liên hoan phim Mĩ - Ấn thường niên ở San Francisco từng phát biểu: "Có rất nhiều cảm giác tuyệt vời về bộ phim này trong cộng đồng người bản địa, đặc biệt là giữa các bộ lạc. Tôi nghĩ sẽ khó có phim nào hay hơn bộ phim này nữa”.
Khiêu vũ với bầy sói có 2 phiên bản. Bản phát hành chính thức lần đầu năm 1990 dài 3 tiếng. Sau khi công chiếu, sự thành công vang dội đã khiến cho đạo diễn Kevin Costner thực hiện một bản mở rộng kéo dài 4 tiếng, khôi phục lại tất cả phân cảnh bị loại bỏ.
Tại sự kiện do Cà phê Thứ Bảy Hà Nội tổ chức, thể theo yêu cầu của cử toạ, phiên bản dài 4 tiếng đã được giới thiệu. Những người yêu điện ảnh có mặt tại sự kiện đã ngồi lại thảo luận sôi nổi khi theo dõi xong bộ phim.
Nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ:
“Với một bộ phim thì dài ngắn không thành vấn đề, quan trọng là độ dài có song hành tương thích với chất lượng hay không mà thôi.
Ở đâu cũng vậy, ở Mĩ cũng thế, trong địa hạt nghệ thuật, việc kì thị phân biệt với tên tuổi mới luôn xảy ra. Kevin Costner vốn là một diễn viên, một ngày đọc được cái kịch bản “vớ vẩn” của Michael Blake, thấy rất hay nhưng không hiểu sao đem chào hàng khắp Hollywood mà không đắt. Cotsner đề xuất với Michael, rằng “hãy thay đổi hình thức của nó để xuất hiện”. Được Costner khích lệ, Michael phát triển kịch bản này thành cuốn tiểu thuyết cùng tên, rồi sau đó viết lại kịch bản theo cuốn tiểu thuyết đó. Lần này, không chỉ khích lệ suông, Costner mua luôn kịch bản của bạn mình. Mua xong, Costner vừa làm nhà sản xuất vừa làm đạo diễn vừa thủ vai chính của bộ phim.
Bìa bản tiếng Việt của tiểu thuyết Khiêu vũ với bầy sói do Nxb Văn học ấn hành năm 2012
Như vậy, cả đạo diễn lẫn biên kịch của bộ phim đều xuất thân là “vớ vẩn”, tức là không tên tuổi, không “số má”. Nhưng cuối cùng, sự bất ngờ lớn nhất đối với cả hai kẻ vốn vô danh kia là họ đều ẵm về giải Oscar và Quả Cầu Vàng (và 424 triệu đô doanh thu).
Xem xong bộ phim, hẳn không ai cho rằng hai kẻ kia gặp may, mà thấy rõ lao động sáng tạo của họ vượt lên trên mọi hình dung...
May mắn của họ, nếu có, là ở chỗ, nước Mĩ có nhiều người thực sự biết thưởng thức nghệ thuật một cách độc lập, không phải bằng chỉ dẫn của truyền thông - thứ quyền lực chuyên tạo ra... vớ vẩn”.
NGỌC LINH
VNQD