Dòng chảy  Văn nghệ

“Kiến trúc là tiểu vũ trụ: cá nhân _ CÁ NHÂN”

Thứ Bảy, 24/08/2019 17:43

Sáng thứ Bảy ngày 24/8/2019, tại X-Hub Hà Nội (46 Bích Câu, Đống Đa, Hà Nội), Thương hiệu INAX by LIXIL Việt Nam, Cổng kết nối sáng tạo Kiến trúc & Nghệ thuật (AGOhub) và Trang tin điện tử chuyên ngành Kiến trúc (kienviet.net) đã đồng tổ chức sự kiện ALP Mini-talk 2019 về chủ đề “Kiến trúc là tiểu vũ trụ: cá nhân _ CÁ NHÂN” với sự chủ trì của TS Phó Đức Tùng và diễn giả khách mời là hoạ sĩ Trương Tân.

Hoạ sĩ Trương Tân (trái) và TS Phó Đức Tùng tại sự kiện

Trương Tân sinh năm 1963 tại Hà Nội; tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Hà Nội năm 1982 và Trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội năm 1989; hiện sống và làm việc tại Paris và Hà Nội.

Là một nghệ sĩ mĩ thuật đương đại, Trương Tân đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu Performance art (Nghệ thuật trình diễn) và Installation (Sắp đặt) tại Việt Nam từ rất sớm. Anh tìm hiểu về bản thể và tự do qua nhiều phương thức biểu đạt khác nhau như vẽ, sơn, trình diễn, sắp đặt, điêu khắc… Các tác phẩm của anh được trưng bày tại nhiều gallery và học viện nghệ thuật hàng đầu thế giới như Bảo tàng Guggenheim (New York), Kunsthalle Bielefeld (Đức), Gallery 4A (Sydney), Bảo tàng Nghệ thuật Singapore…

Tại sự kiện, những người yêu nghệ thuật được lắng nghe những thuyết minh của hoạ sĩ Trương Tân về hành trình nghệ thuật của mình - một hành trình không mệt mỏi đi tìm “cá nhân” (nhỏ) và đưa cái “cá nhân” (nhỏ) đó chạm gặp CÁ NHÂN (lớn). Từ đó, bằng góc nhìn, trải nghiệm nghệ thuật riêng của mình, anh chia sẻ những câu chuyện xoay quanh các luận điểm như:

- Một người nghệ sĩ luôn phải loay hoay chật vật, về kinh tế mưu sinh, về con đường sáng tác - phải tìm ra chính mình.

- Mỗi người nghệ sĩ sống trong thời đại của mình thì phải đóng vai trò kí giả, không phải là ghi chép mà phải là lưu lại tinh thần thời đại của mình trong những tác phẩm nghệ thuật.

- Tìm ra được cái “cá nhân” của mình và khiến mọi người chấp nhận tạo thành “CÁ NHÂN”, đó có phải là sự lựa chọn mà các nghệ sĩ cũng như những người làm kiến trúc theo đuổi?

- Bạn là ai? "Cá nhân" của bạn là gì? Làm thế nào để tìm kiếm được "cá nhân" của mình? Và, bằng cách nào để có được "CÁ NHÂN"?

“Nếu nghệ sĩ không có “CÁ NHÂN” thì sẽ trở nên rất bình thường. “CÁ NHÂN” ở đây chính là CON NGƯỜI. Tác phẩm nghệ thuật của tôi là tất cả cá nhân tôi, nhưng lại không chỉ có tôi mà còn có bạn, có tất cả chúng ta ở trong đó. Tôi có một “cá nhân” và tôi có vô số cách thức để biểu đạt nó, tôi bằng mọi cách trình xuất nó. Nếu xã hội anh đang sống mà khiến anh bất như ý thì lỗi trước hết thuộc về “cá nhân” anh, vì anh không/chưa biết cách dự phần để làm cho xã hội tốt đẹp hơn” - hoạ sĩ Trương Tân nói.

Sự kiện thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật

TS Phó Đức Tùng chia sẻ: Theo quan niệm Á Đông, vạn vật cũng như kiến trúc có sự vận động và biến hóa. Trên quy luật biến hóa đó, mỗi thành tố cũng như mỗi con người luôn tìm cách để mạch lạc hoá, tường minh hoá, tạo ra bản sắc của chính mình, hình thành nên tính cá thể "cá nhân" của chính mình. Cái cá tính cá nhân đó vừa không ngừng trao đổi tương tác, vừa khẳng định lí do tồn tại. Mỗi cá nhân luôn phải hướng đến hài hòa với cộng đồng. Mỗi lĩnh vực như kiến trúc phải tìm cách hòa hợp với những lĩnh vực khác của đời sống. Tất cả hướng đến một tổng thể hòa hợp vì những lợi ích riêng và chung. Khi đó “cá nhân” của mỗi người lại tìm gặp cái "CÁ NHÂN" phù hợp từ một cộng đồng. Có nghĩa là “cá nhân” (nhỏ/ riêng) vừa tự gìn giữ và phát huy, vừa dung hợp thay đổi để trở nên vừa khuôn tương thích với “CÁ NHÂN” (lớn/ chung).

Người phương Đông quan niệm, thiên địa nhân hợp nhất/ tương giao, con người là tiểu vũ trụ trong lòng đại vũ trụ. Một hạt bụi cũng có thể phản chiếu được cả thế giới. Nên nghệ thuật nói chung, kiến trúc nói riêng đang dần đi vào chủ nghĩa tối giản. Nghệ thuật là sản phẩm của cái khác/ cái riêng, nhưng cái khác/ cái riêng đó không thể không sử dụng “ngữ pháp”, “ngôn ngữ” chung, không thể bật ra ngoài nguyên lí, quy luật. Với ý nghĩa như vậy, “Kiến trúc là tiểu vũ trụ: cá nhân _CÁ NHÂN”.

MINH PHƯỚC

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)