Thỉnh thoảng nhìn vào thế giới của người trẻ để thấy lại tuổi trẻ của mình. Không so sánh nhưng cũng tiếc nuối vì không được làm theo ý thích như họ. Trong sự phá quấy của người trẻ có cả khát vọng cho mọi sự tốt lên. Họ thông minh, hài hước, phá quấy nhưng làm cho cuộc sống có gì đó phong phú, thú vị hơn. Nhân vật của truyện ngắn này là tưởng tượng của nhà văn. Nhưng biết đâu đấy, có ai đó trong đời sống cũng đang hài hước và thú vị... Không làm phiền đến ai nhưng làm cho nhiều người phải bận tâm, có thể thay đổi một cái gì đó? Nhà văn Lê Minh Khuê |
Ông giáo dạy hợp đồng đi một mạch về nhà. Lòng đầy hoài nghi. Nhà triết học trên thế giới phải tính hàng triệu. Chắc là vậy. Còn cái tên được trích dẫn này ở đâu ra? Không hiểu gã là nhà gì? Đề bài văn ra khá bí hiểm vì thế ông cũng cảm thấy bí hiểm khi nhìn qua bài của Vũ Thị Hạ lớp 12M. Lớp buổi chiều. Diện đóng tiền để các thầy “xí xớn” tí chút, gọi là “kinh tế tự cải tạo”, buồn cười thế. Có những chữ chả ăn nhập gì mà họp hành người ta cứ dùng thành quen. Kinh tế tự cải tạo? Lớp 12 trường huyện kéo dài cho đến chữ M.
Về nhà, ông giáo mở cặp rút tập bài làm văn của lũ học trò lớp M, rụt rè để lên bàn như có ai đang nhìn. Ông tìm bài của Vũ Thị Hạ mà ông liếc qua khi lớp trưởng thu bài. Bài văn mở đầu bằng câu: Ronan Keating viết: “Tội ác, nó là sự khẳng định trong thế giới có tồn tại cái gì đấy không phải là con người, không tạo ra cho con người dấu hiệu nào, không có cái gì chung với con người. Tội ác, là thừa nhận sự tách biệt khoảng cách này mà không cần tìm cách thanh cao hóa nó dù là ít nhất...”! Ronan Keating! Ông có nhớ vài tiếng Nga học từ những năm sáu mươi. Khi còn nhỏ, ở một làng ven biển. Từ đó đời giông bão còn muốn tước đi của ông thậm chí cả tiếng Việt. Có lúc phải đi đánh xe bò. Con bò ngái ngủ đi phía trước. Ông cũng gà gật trên cái bao tải và mê mụ với đời sống quý tộc Nga trong Bút kí người đi săn. Ronan Keating ông chưa hề nghe tên.
Đến lớp ông nhìn một cách kín đáo đứa học trò tên Hạ. Nó ngồi kia. Mặt bầu bầu. Kính cận. Nhìn thẳng và nghiêm như bà cụ. Ông đi lại phía nó hỏi: Xong bài về nhà chưa? Nó trả lời nhỏ nhẹ, kiểu con nhà được giáo dục kĩ càng khi giao tiếp đối tác. Nó là đứa học giỏi. Nhưng là lạ. Chẳng bao giờ đến lớp chậm một phút. Không nói tục, cười cũng không to tiếng. Giao cái gì làm không sai một li. Không bao giờ phản bác ai như lũ học trò bạn nó hễ có dịp là tranh nhau nói điếc cả tai... Con cái nhà ai giữa cái phố huyện thời này nhộn nhạo như chợ xe máy trên thành phố lớn?
Lũ học trò bước vào tuổi mười tám. Cả lũ cuối cấp cuồng loạn đạp xe đến các nơi học thêm học nếm. Tâm lí ganh tị dè chừng truyền từ cụ tổ đến từng đứa. Cứ sợ nghỉ một buổi đứa khác nó lãnh hết của mình. Chúng nó chui rúc vào những cái tổ ngồi ghi như ma ám đầu óc tối mò chẳng hiểu ghi gì. Những cuốn vở dày cộp dắt thắt lưng, chúng lê la ăn bánh mì dọc phố để còn chui vào tổ khác. Ông không đành lòng nhìn những khuôn mặt hốc hác thảng thốt như toàn mơ những giấc mơ ác. Ông nói giọng ông giáo già:
- Tâm lí sợ kém cạnh là tâm lí cố hữu của các anh các chị, kém người ta một tí là điên lên. Cũng được thôi nhưng sau đó phải là cái gì cơ chứ? Phải tự đi bằng đôi chân của mình. Tự tìm ra cái mà người khác chưa tìm. Đằng này tâm lí sợ kém cạnh cứ đẩy mọi người lao đi cho giống hệt người bên cạnh. Học thêm cũng được. Nhưng học cái gì mình nghe ra được. Trông các anh chị tôi thấy buồn thêm!
Lũ học trò lơ đãng nghe, vẻ không chấp. Ông giáo thời này còn đi xe đạp, còn chửi rủa chúng viết câu không có chủ ngữ. Tiền cần hơn chủ ngữ là cái chắc. Ông giáo đọc được vẻ mặt đó của tụi trẻ. Riêng Hạ, nó nhìn thẳng ông. Cái nhìn trong sáng và dò hỏi. Ông không hiểu nó nghĩ gì.
Tuần tiếp sau đó, lại một bài văn có đề bài mờ mịt. Ông chỉ được mời dạy hợp đồng, không thể này kia vào đề văn của trường. Ông cũng chẳng quan tâm. Chỉ cốt sao cho lũ học trò nhận ra chữ của người Việt không thể cứ viết cứ nói bừa bãi như bọn vô học. Bằng cấp hàng chục cái đút túi mà nói không ra một lời tử tế. Ông cũng biết mình chẳng là gì. Nhưng trời sinh ra để khổ thì phải chịu. Khi nhận bài chấm, ông tìm tên Vũ Thị Hạ. Suốt một trang đầu bài viết là những điều y nguyên ông đã giảng. Sang đến trang hai, ông nháy mắt mấy lần để nhìn cho rõ. “Như đã nói trên, cái hiện thực đương thời nó vốn như vậy. Đúng như Ronan Keating đã từng nói: Ở thể loại cao cả mọi quyền lực và đặc quyền, mọi giá trị và mọi thứ siêu việt đều thoát li khu vực xúc tiếp để rút về nơi xa viễn...?”. Ông giáo thốt kêu lên: Trời đất ơi! Nó có khớp gì với đề bài đâu. Dù đề có bí hiểm thì cũng không nên đi quá xa như vậy. Suốt năm trang giấy viết tay dày đặc có thêm bốn câu trích dẫn Ronan Keating. Ông cho bài văn điểm khá. Trong thâm tâm ông vẫn muốn có một ưu tiên cho đứa học trò hơi khác người dù những điều nó viết là đánh đố với ông.
Một buổi ra chơi, ông đến trước giờ dạy mấy phút. Ông viết tên nhà triết học mà Hạ hay trích dẫn, chữ thật to đưa tờ giấy lại phía cô gái đang ngồi đọc cái gì để trong hộc bàn. Hạ, em phiên âm hộ thầy từ này đi. Hạ ngồi lại, ngay ngắn đặt tay lên bàn và rành rọt:
- Thưa thầy, đọc là Rô-nan Kít-tinh - theo tiếng Việt.
- Ông này ở thế kỉ nào?
- Có lẽ là thế kỉ mười tám. Thưa thầy.
- Ờ hình như thầy cũng đã đọc ông ta nhưng không nhớ.
Hạ nghiêm nghị nhìn thẳng. Ông giáo chẳng dám hỏi thêm. Trở lại bàn, ông cảm thấy mồ hôi rịn ra chảy dài cả sống lưng. Tri thức thế giới mênh mông thế với những tên người nghe đã thấy đặc biệt. Có hàng chục cái đầu cũng không thể điểm qua được.
Nghỉ tết âm lịch, ông giáo đạp xe đi vòng quanh phố huyện giờ đã trở thành một thứ nửa thị trấn nửa thành phố. Hổ lốn hàng hóa. Nhà cửa một khuôn. Quần áo cũng hòm hòm rập khuôn và những đôi chân cũng rập khuôn, kiểu một bầy. Chính trong sự buồn tẻ đó, ông muốn tìm cái gì ở đứa học trò hay trích dẫn thần tượng. Nhưng lại ngại đến nhà nó.
Đầu học kì hai, mấy lớp cuối cấp hình thành hai đội thi học sinh giỏi trên tỉnh. Ông đinh ninh Hạ thi toán. Thầy toán có lần nói với ông: “Cô bé này gần gần cỡ thần đồng toán. Nếu nó không lì xì nghĩ gì chẳng nói ra, tôi muốn nó giúp một tay kiểu như trợ giảng cho các lớp dưới!”. “Nó chả nhận đâu!” - ông giáo dạy văn khẳng định.
Rốt cuộc Hạ lại có tên ở đội thi văn, vì đội văn mỏng cần được bổ sung những tay cứng cựa một chút. Ông giáo biết Hạ yêu món văn chương thế nào. Chữ nghĩa của nó ra trò nhưng nó làm ông quay cuồng vì nó toàn nghĩ ngược. Nhỡ bài rơi vào tay một người ác cảm, nó sẽ bị phiền toái. Vào đội thi văn, chẳng thấy nó nói năng gì. Xem như nó đồng ý. Đi thi về, chờ kết quả, chẳng ai biết có chuyện gì.
Đùng một cái, tất cả các thầy cô môn văn bị triệu tập. Căn phòng kín mít dùng toàn kính cho mùa hè máy lạnh. Lúc này giữa mùa đông bật máy lạnh mà ai cũng nóng chảy mồ hôi. Công văn kính chuyển. Vấn đề nghiêm trọng. Một học sinh giỏi văn của quý trường đã không làm bài thi. Không những thế đã làm mười điểm kiến nghị về việc dạy văn học văn ở trường phổ thông. Mười điểm kiến nghị đọc cho các thầy nghe. Môn văn vào sọt rác.
Tất cả im lặng. Cả trường mấy ngày đầu như tổ kiến vỡ. Lũ học trò râm ran đồng tình với Hạ nhưng khôn lỏi không đồng tình ra mặt. Chúng nó túm năm tụm ba ở hành lang, ở cầu thang, ở quán bánh ngô chấm tương ớt. Hạ vẫn đi cái kiểu xăm xăm của nó, không nhìn ngang nhìn ngửa. Vào bàn ngồi xuống cười với đứa này đứa kia một chút rồi ngồi chống tay lên má nhìn thẳng. Ông giáo dạy hợp đồng bị đề nghị viết kiểm điểm. Hạ nhìn ông giáo bị làm phiền một cách thản nhiên và có vẻ lì xì hơn. Hạ bị mời đến lọt thỏm giữa hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục, trưởng ti rồi cả một đám người đôn đáo lo vụ này. Y như động đất. Ông giáo dạy hợp đồng cũng có mặt. Hạ nhìn thấy từng ấy sự nghiêm trọng, nó có vẻ hơi run rẩy. Nó xích lại gần chỗ ông giáo nó vẫn đem Ronan Keating ra dọa, và như muốn tìm sự che chở. Ông giáo thì thầm: Thở thật sâu vào đi, xem mọi việc như xem cãi nhau ngoài phố, sẽ đỡ sợ...
Minh họa: Chiết Tô
Ông nói rồi nhìn cái trán hơi cau lại trên khuôn mặt trắng trẻo của nó, cảm thấy buồn cười... Chất vấn qua lại. Hàng trang giấy đọc sang sảng. Hóa ra giống chuyện ngoài đường thật. Khi phải trả lời, nó nhỏ nhẹ: “Em xin lỗi các thầy cô. Lúc đó em thấy chán bài thi, thế là em viết linh tinh, không cố ý đâu ạ!”.
Câu đó Hạ nói đi nói lại. Riêng ông giáo thấy nó không nói thực. Cái mặt nghiêm nghị non nớt của Hạ là của một đứa trẻ không biết nói dối.
Hàng chục cuộc họp nữa. Hàng trăm công văn. Thầy hiệu trưởng cáu gắt. Những tin đồn. Hạ vẫn ngồi chỗ đó, hay đọc cái gì trong hộc bàn giờ ra chơi. Hạ nghe đủ thứ có lí: có thể bị đuổi học. Có thể cấm thi tốt nghiệp. Cấm vào đại học.
Trong một bài văn Hạ lại viết: Theo Ronan Keating, nét đặc thù của thời đại là thế giới trở nên phức tạp và sâu sắc phi thường, tính đòi hỏi cao, tính tỉnh táo và óc phê phán của con người cũng tăng trưởng phi thường...! Ông hiệu trưởng đòi xem bài văn. Ông hỏi ông giáo dạy hợp đồng: Cái lão gàn dở này ở đâu ra?
Tôi chịu. Hàng ngày người ta viết ra hàng đống, in cả núi giấy. Trong cái đống xay lại thành bột giấy, trẻ em nó nhặt lại vài thứ cho vào đầu!
Thầy hiệu trưởng bật cười. Sao lại có một cặp thầy trò hợp nhau đến thế?
Cuối cùng rồi theo kiểu thời nay, cứ lẳng lặng để mọi việc êm xuôi. Lời giải thích nhẹ nhàng trong buổi họp giám hiệu có ông trưởng phòng, trưởng ti thân mật ngồi giữa giáo viên như anh em một nhà: “Các em bị học nhiều, căng thẳng không làm chủ được thần kinh. Chỉ nên kiểm điểm giáo dục...”. Một việc to đùng được đẩy bay vào không khí như cái lông ngỗng. Ông giáo thở phào nhìn Hạ. Nó chả có vẻ xúc động gì. Nó lẳng lặng học chính, học thêm. Cặp kè với một đứa cũng kính cận. Hai đứa đèo nhau trên chiếc Honda 50 đi vèo vèo ra phố huyện.
*
* *
Người lớn nhiều nỗi lo. Trẻ con còn hơn thế. Thằng bé hàng xóm nhà ông giáo mới học lớp 11 tự dưng phát dại lảm nhảm suốt ngày những “công thức cộng xác suất tổng quát”, những “phác đồ hệ thống...”. Mẹ nó tràn trụa nước mắt bảo với ông: Cháu thấy bọn lớp 12 chuẩn bị thi, nó sợ, đêm toàn nói mơ những số là số. Tôi tưởng nó mơ ngủ ai dè nó mơ cả lúc thức thế này. Ông giáo khuyên hai vợ chồng đưa thằng con về quê ngoại, vùng đó yên tĩnh. Trẻ con, thần kinh yếu là chuyện bình thường... Bố thằng bé cầm lái. Thằng bé ngồi giữa như đứa trẻ lên hai. Mẹ ôm chặt con ngồi gần tụt khỏi cái đèo hàng. Ông nhìn họ đi hoảng hốt chợt nghĩ đến Hạ. Phải chi thằng bé được như Hạ, cười vào những chuyện nghiêm trọng, dửng dưng khi người ta làm ra nghiêm trọng...
Mùa hè cuối năm học. Phố còn hai cây phượng chưa bị chặt nở hoa rực rỡ. Hạ bảo với ông:
- Em cá là hai cây phượng này không thể sống đến tết. Thầy nhìn kìa. Người ta cắm mốc xây phòng trà với quán karaoke... Bà em bảo tối kị khi xây nhà mở ngõ mà có cây cối án ngữ lối vào.
Hai thầy trò nhìn mấy cây phượng. Ông giáo bất chợt thấy chứng mệt tim trở lại. Đời ông đã mấy lần vào viện vì chứng mệt tim.
Thi tốt nghiệp xong, Hạ gặp ông ngoài phố. Hai thầy trò bật cười khi nhìn mấy cây phượng vừa bị chặt. Chẳng bình luận gì, chỉ cười. Hạ bảo:
- Em phải về thành phố ôn thi đại học thầy ạ. Em chả trốn được. Ai cũng làm như thế. Bố em cấm em chống lại. Thầy tính thế nào?
- Em nên đi. Người ta thế nào mình cũng nên như thế. Lên tỉnh ở vào đâu?
- Bố em làm việc trên tỉnh. Đang làm dự án mới để moi thêm vài chục triệu mua cái ô tô đi về cho nhanh.
- Cái gì thế?
- Thầy không biết rồi. Cái nhà em đang ở với bà nội kia kìa, là tiền luận án bắt đầu từ cái bánh đúc nắm. Quê mình nổi tiếng về món bánh đúc nhân hành mỡ chứ gì. Bố em phác thảo công trình nghiên cứu “Món ăn dân dã ở vùng ven Thượng” trong đó toàn nói chuyện bánh đúc nắm. Không ngờ được ứng trước mười lăm triệu. Bố em triển khai luận án viết một trăm năm mươi trang đánh máy. Thấy đem về một trăm bẩy mươi triệu, ấy ấy thầy đừng có ngất... Xây nhà, mua cái xe máy xịn còn chưa hết tiền... Thầy kìa! Em chả ngạc nhiên thầy cứ như trên trời rơi xuống...
- Thế luận án thì để làm gì?
- Chắc nộp lên đâu đó. Bỏ vào ngăn kéo sau khi nghiệm thu lấy tiền, cho gián nó đọc. Gián thích luận án của bố em vì viết toàn về chuyện ăn uống! - Hạ cười khanh khách. Không ngờ tiếng cười của nó trong đến thế.
- Bố em cũng giỏi mới viết được thế chứ...
- Ôi thầy ơi bố em mang về nhà hai bao tải sách sau khi đã “gạn đục khơi trong”. Mà cũng chả tốn tiền mua sách đâu. Toàn thấy dấu thư viện...
- Mẹ em có nói gì không?
- Mẹ em sang Đức khi em mười tuổi. Hai năm nay thư còn chả viết cho em nữa. Chắc em có thêm ông dượng tóc vàng... Em là đứa con của thời đại mà. Bố em triết luận về em như thế. Bố mẹ em y như mọi người. Em cũng y như mọi người. Lên tỉnh ôn thi đại học!
*
* *
Lớp 12M ông giáo dạy môn văn hợp đồng có năm mươi nhăm đứa được chín đứa vào đại học. Hạ đỗ thủ khoa trường Kinh tế với một điểm mười. Còn lại là chín với tám. Nó đạp xe đến căn nhà của ông giáo. Nhà xây từ năm bảy tám giờ ngói trên mái đã kịp rêu xanh. Vợ chồng con cái ông nhọc nhằn trong căn nhà này, bây giờ hai thằng con lớn đã là tỉ phú có công ti riêng ở Sài Gòn. Vợ chồng ông chả theo đứa nào mà ở lại đây thanh nhàn thư thả. Hạ đến mời thầy cô tới chơi nhà mừng cho Hạ chiếm ngôi thủ khoa. Hạ dừng xe ngoài cổng gạch thấy ông giáo đang tưới mấy cây hồng gai trông cũng già nua còi cọc như ông. Ông nhìn vẻ ngoan ngoãn và chân thật của đứa học trò là lạ, thấy nó lớn bổng lên sau cả thời kì dài thi đại học ông không gặp.
- Thế thủ khoa rồi có đi du học như mọi người không?
- Bố em cũng bảo thế thầy ạ. Bố em lại sắp moi trăm triệu nữa, khối tiền. Nhưng em còn tính vì đi thì em thương bà lắm. Bây giờ cô dì chú bác em bận như điên, chả ai ở với bà...
Vợ chồng ông giáo thích ăn chay được bà nội Hạ đãi món vịt quay làm từ đạm thực vật. Vịt giả bày lên đĩa trông như vịt thật với rực rỡ hành, mùi, cà chua xung quanh, cái mỏ mầu đỏ gọt bằng cà rốt trông như thật. Ăn vào cũng có mùi vịt nhưng không phải là vịt. Hạ không đụng vào món này. Nó lấy dao ăn cắt con vịt ra từng miếng để bà và vợ chồng ông giáo chấm tương ăn như ăn thịt.
- Ngon thế sao em không ăn?
Hai thầy trò ngồi trên xa lông gỗ không lót thảm. Hạ mủm mỉm:
- Em kinh nhất món chay bà cứ bắt em phụ bếp. Con vịt đó là nửa cái hoa chuối luộc nhồi bột mì tẩm ướp vào từng nếp lá rồi rán vàng lên. Bà bắt em làm cái mỏ. Là vịt mà không phải là vịt. Nghĩ hãi lắm em ăn không vô!
Bà và vợ thầy đang rì rầm dưới bếp vẻ tâm đắc. Chuyện người già chắc còn lâu mới tàn. Hạ bỏ cái đĩa CD vào máy hỏi: Thầy có hay xem băng đĩa không ạ?
Già rồi, thầy không ham, mới lại cũng chả hiểu gì. Thầy chỉ xem tivi. Xem phim truyền hình hay quá nhưng bà xã của thầy có tật cứ lẫn ông này vào phim ông nọ. Chuyện thì cứ na ná như nhau. Thầy bảo cho lại cãi ỏm tỏi lên thầy nhường luôn cái tivi cho xem một mình. Thầy hay đi dạo, đọc sách. Đọc lại những sách ngày xưa.
Trên màn hình náo loạn một biển người vỗ tay la hét. Những biển người ngày trước tưởng chỉ có ở phương Đông khi một người có máu đầu đàn đứng lên tuyên ngôn những điều to tát. Những biển người trẻ ở phương Tây cuồng nhiệt thần tượng âm nhạc. Ở đâu cũng hàng biển người... Ông giáo nhìn màn hình lẩm bẩm nói. Hạ ngạc nhiên khi thấy thầy cũng chẳng phải “âm lịch” lắm. Hạ vặn những ngón tay vào nhau như giấu cảm xúc gì. Bây giờ ở ta cũng hàng biển người trẻ. Cũng tung hô thần tượng âm nhạc. Thì người ta thế nào mình cũng thế mà thầy! Đây là nhóm nhạc mê nhất của em.
Ông giáo nhìn năm chàng trai mặc toàn đồ trắng, đám đông như dòng nham thạch tràn lên quanh họ, muốn chồm qua và nhấn chìm họ. Máy cận vào một khuôn mặt điển trai, có giọng hát quyến rũ. Hạ có vẻ không bị mê hoặc. Nó nhìn và nghe một cách bình thản nhưng vẻ trìu mến của nó ông chưa hề thấy lúc này làm khuôn mặt nó tròn trặn như mặt trăng. Nó nói với ông mà tai vẫn nghe mắt vẫn nhìn màn hình:
- Thầy có nhớ Ronan Keating mà em hay viết trong bài văn không ạ?
- Có nhớ.
- Chắc thầy vẫn thắc mắc ông ta ở đâu chứ ạ?
- Ừ, thầy cũng muốn biết!
- Ông ta đang hát đấy thầy ạ. Ronan Keating với ca khúc solo Cuộc đời là một vòng quay. Nguyên văn tiếng Anh là thế này: Life is a roller coaster - Cuộc-đời-là-một-vòng-quay. Xin giới thiệu với thầy.
Thầy và trò ngồi lặng. Ronan Keating hát. Ông giáo không tức giận. Một nỗi buồn thấm thía làm nước mắt ông chực tràn lên mi. Cuộc đời là một vòng quay đầy thú vị và mạo hiểm.
Hạ tiễn vợ chồng ông giáo ra lối đi qua vườn. Bà vợ thầy nói chuyện về cây. Hạ đi sát bên ông thầy mà nó kính trọng.
- Em xin lỗi thầy!
- Không sao đâu em. Thôi chuẩn bị mà đi học đại học.
Hạ nắm tay thầy giáo như một con bé nắm tay cha. Nó còn nói thêm:
- May quá là thầy không bảo thôi đi học như người ta.
- Thầy không nói như thế với em đâu.
L.M.K
VNQD