.Y PHƯƠNG
Người thầy ấy có pháp danh là Hứa Đạo Cảnh. Còn tên thật ông là gì, tôi không nhớ nữa. Chỉ biết ông là một nhà nho tài năng rất nổi tiếng. Khắp vùng Thượng Lang, Hạ Lang hầu như ai ai cũng biết tên và vị nể thầy tào Cảnh. Ông từng bỏ mười lăm năm dạy chữ nho và truyền nghề làm tào cho cha tôi. Sau này, cha tôi nối nghiệp ông làm thầy tào, cũng nổi tiếng cả một vùng. Ơn này cao như núi dày như đán. Từ đời cha đến đời con, phải nhớ ghi vào gan ruột. Nhưng đến đời cháu đời chắt có còn nhớ hay không? Chả chắc. Bởi mỗi đời mỗi khác. Từng giây từng phút tư tưởng tình cảm con người vận chuyển như hạt bụi, như ánh sáng, như dòng nước.
Ông tôi mất đã lâu rồi. Mất từ khi mẹ tôi còn tiêu đồng tiền Bảo Đại ở chợ Co Xàu. Sau này, khi tôi lớn lên, thay mặt cha, không tết năm nào tôi không đi đến tận nhà thầy lễ tạ. Tôi háo hức lấy ngày đó làm niềm vui cho riêng mình. Thứ nhất được diện quần áo mới. Thứ nhì được bà cho phong bao lì xì. Thứ ba được xông pha phi ngựa vào con đường đầy sự bất trắc.
Nhà thầy ở thôn Vườn Luông, cách làng tôi chừng bốn năm giờ đồng hồ đi bộ. Đấy là khu vực rất gần biên giới. Chỉ cách nhau một làng Xảng Cà. Bên kia đã là Háng Nhát, thuộc đất người Tàu. Bên này là đất của mình. Cứ mùng ba tết hàng năm, chú ngựa hồng mao lại đưa tôi đi đi về về trên con đường này, đâm ra quen thuộc. Giá kể chú nhắm mắt phi nước đại cũng không bao giờ lạc lối. Chú hồng mao thật đúng là một kẻ phục vụ tận tụy và trung thành.
Tại sao người ta cứ chọn giống ngựa Nước Hai lai Pháp? Vì thấy nó cao ráo! Mình nó thon. Chân nó dài. Lông nó mượt. Phải nói thật, ngựa Nước Hai trông đẹp mã, nhưng ngờ nghệch và ngu đần. Còn chú ngựa hồng mao của nhà tôi chỉ là giống nội địa. Mẹ tôi mua chú của một người đàn ông ở Lũng Muôn, có một trăm hai chục đồng tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Một bát phở khi đó là hai hào). Năm ấy tôi lên chín. Còn chú ngựa hồng mao tuổi rưỡi thì phải.
Nhớ ngày đầu mới đến nhà, chú chỉ cao bằng vai cái cối đá. Mình chú đầy lông tơ mịn màng màu hồng nhạt. Lông chú xù như lông cừu. Bờm và đuôi xác xơ như cỏ rối. Nói chung là chú “xấu giai”. Nhưng cha tôi thương chú lắm, vì sớm phải xa mẹ. Thỉnh thoảng ông đút cho chú một nắm thóc nếp. Chú gật gật mấy cái, rồi chậm chạp cạp thóc. Nghe tiếng răng nó nhai ram ráp mà lòng tôi buồn so. Vì nó nhớ mẹ. Chắc mẹ giờ này cũng nhớ nó. Kia kìa, hai mắt đỏ hoe, chú hồng mao nhìn tôi như khẩn khoản cầu cứu. Còn tôi chỉ mong sao chú ăn thật nhiều cho chóng lớn. Chóng lớn để cho tôi còn tập cưỡi. Có thế thôi.
Ngồi chắc chắn trên yên có phủ một tấm lá thí khá dày và êm nữa, tôi bắt đầu nắm dây cương và giục ngựa phừ rừ phi nước đại. Chú ngựa hồng mao cong lưng, chồm người lên lấy đà. Nó lao nhanh về phía trước như một mũi tên. Hai bên tai tôi nghe bốn vó thay phiên chạm đất. Tiếng vó ngựa rầm rầm như thác đổ. Gió thổi qua tai căng lên phí phí như dây đàn. Một tay tôi nắm chặt lấy mỏm yên. Còn tay kia cầm cương như lái. Bờm ngựa và tóc tôi cùng bay phất phất. Tóc người và bờm ngựa làm thành một thứ lửa bằng sừng. Lửa sừng vuốt nhọn vì ngược chiều gió thổi. Bỏ lại sau lưng tiếng vó kơ rốp kơ rốp đều đều. Những bụi cây ở hai bên đường nằm xẹp cả xuống. Bụi mù tung lên như vãi như gieo. Tôi cảm thấy như gió lùa gió thốc làm tức ngực. Chỉ một loáng sau tôi đã bỏ xa chợ Co Xàu. Một chốc nữa vượt đèo Keng Sli lúc nào không biết.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Con đèo này nhỏ, vắng bóng người đi lại. Đèo nằm kẹp giữa hai bên sườn núi cao vút. Cỏ gianh chen cỏ guột xanh um cao ngập đầu người. Thỉnh thoảng con tắc kè ném lưỡi vào mặt. Một mình một ngựa, tôi bắt đầu cảm thấy sờ sợ. Từng bầy chim nháo nhác bay lên đậu xuống cũng làm tôi giật mình. Chú ngựa hồng mao vẫn ngẩng đầu mà phi. Tiếng vó cứ đều đều gõ vào đất nện. Nghe giòn tan như tiếng mõ tiếng phách. Cây cỏ nơi đây bắt đầu chùi mình vào nhau, làm rơi tốc tác mấy hạt sương trắng trong như ngọc. Còn lá cành thì vươn vai cùng nhau thức dậy. Nhờ có tiếng vó nghe như tiếng nhạc, không gian âm u bỗng tươi tắn ấm dần lên.
Trời lúc này hãy sớm lắm, trên con đường rừng sương mù còn dày đặc, chưa tan hết khói xám. Chú ngựa phải căng hai mắt ra để nhìn. Con đường đùng đục nhờ nhờ giãy lên đành đạch. Tôi nghe thấy như thế. Đường đưa người ta đi vào chốn vô định hay sao? Tôi cảm giác như thế. Đường miền núi vòng vèo vẽ ra trước mặt, như một sợi len rối chẳng thể gỡ. Tôi nghĩ như thế. Vó ngựa như tung người tôi lên, rồi chân nó chạm nhẹ xuống đất. Ngựa chạy nhấp nhô theo biểu đồ hình răng cưa. Giống hệt như ta ngồi trên xuồng cao tốc. Nếu là người không quen cưỡi, đi một lúc đã lảo đảo say.
Hình như nó đoán biết sự lo lắng này của tôi, nên không dám thở ra đằng mồm. Nó khe khẽ phì phà ra mũi để chủ yên lòng. Tôi vẫn khỏe đây. Ông chủ nhỏ cứ yên tâm đi. Nhé nhé.
Kể như thế cũng liều. Không liều là sao? Khi một gã thiếu niên choai choai mới học lớp năm, một mình đi trong đường rừng vắng vẻ. Tôi đã thực sự hoảng hốt khi nghĩ đến bọn lục lâm thảo khấu, trong phim chưởng Hồng Kông. Người già ở làng Vườn Luông vẫn kể rằng trên con đường này, dưới thời Pháp thuộc, bọn thổ phỉ từ bên Tàu tràn ra. Chúng giết người cướp của hãm hiếp phụ nữ. Hầu như tháng nào cũng xảy ra đôi ba vụ. Những tên thổ phỉ bịt mặt bằng khăn bông kẻ carô, thậm chí bằng tất, đầu chúng cạo trọc. Chả ai biết bọn này là người địa phương nào. Nhưng nghe tiếng cướp, ai mà không khiếp đảm.
Ấy là chưa nói tới bọn cọp vằn. Bọn khỉ báo đông và loài vượn ca vít. Chúng xuất hiện giữa ban ngày như người làm đồng. Con ngồi đầu bờ vén lông cho con bú. Con lúi húi kiếm tìm một tổ ong khoái trong lòng đất. Con gãi tai gãi bụng sồn sột, rồi buột mồm hét tướng lên. Tiếng hét như xé lụa. Thật chả ra làm sao, toàn một lũ phá đám gây mất trật tự. Chúng coi thế giới này làm của riêng mình chắc. Hễ thấy đàn bà con gái đi qua, chúng hì hục đuổi theo. Con đực thì nhảy tâng tâng như diễn trò. Nó xắc xáu cái của quý ngay trước mặt người đàn bà. Thanh niên bây giờ gọi là tiếp thị khoe hàng. Còn con cái thì hằm hè nhăn răng dọa nạt. Chắc chúng cũng có máu ghen. Đàn bà là giống cái. Giống cái là đàn bà. Họ ghen để giữ tình. Ghen là bài võ duy nhất. Nhưng cũng bất lực thôi. Đàn ông giống đực vẫn tòm tem ngoài luồng.
Chú ngựa hồng vẫn không hay biết gì. Nó vẫn mải miết kơ rốp kơ rốp phi như bay. Cũng có thể nó biết đấy, đây là khu vực cực kì nguy hiểm. Nhưng phải băng qua nguy hiểm bằng lòng dũng cảm. Giống ngựa nhà ta thính nhạy như người. Nó biết rằng nếu trù trừ sẽ không bao giờ đến đích. Trù trừ là kẻ thù của lòng dũng cảm. Dường như trên thế gian này, ngựa là loài vật thông minh và thủy chung với người nhất. Ngựa không bao giờ giở trò phản chủ. Chả thế mà người xưa đã khẳng định “khuyển mã tri tình”.
Nhà thầy hồi đó chỉ có bà cụ lưng còng và vợ chồng chú Huỳnh là người lớn. Còn lại toàn trẻ con. Tôi không thể nào quên cảm giác ban đầu. Một gia đình sao mà lắm con đông người đến thế. Có tới chín mười người con cả thảy. Lớn bé cách nhau chỉ một nắm đấm. Hình như trong nhà này chỗ nào cũng khai khai mùi nước đái. Nước đái hôi rình chỗ tôi ngồi và kể cả ngoài hiên chỗ buộc ngựa. Chú Huỳnh bảo tao phải đẻ cho hết trứng. Đến khi nào thím mày (vợ chú) không mang bầu được nữa mới thôi. Chú cười khà khà lấy làm sung sướng vì mình có lắm con. Chú nói tiếp, tao phải “trả thù” cho đời mình con một. Con một được cưng chiều, kể cũng sướng. Nhưng dễ bị bọn bạn bắt nạt. Chúng nó trêu thằng Huỳnh bữa bữa ăn thịt cá, nên mắt lòi ra như con ốc nhồi. Tao tức không chịu được. Nhưng phải nhịn, vì chúng nó đông. Chúng nó cậy nhiều người ức hiếp mình, cháu ạ. Thiểu số mà.
Việc đầu tiên, sau khi thắp hương lên bàn thờ, tôi bày đồ lễ ra mâm và vái lạy. Vái thứ nhất, xin thay mặt cha, ơn thầy dạy chữ thánh hiền cho cha con. Vái thứ hai, ơn thầy rèn công rèn đức cho cha con. Vái thứ ba, ơn thầy dày công rèn tài cho cha con. Nên gia đình con mới được ấm êm như bây giờ. Sau ba vái lạy, tôi được chú Huỳnh mời lên bàn ngồi uống nước và giải thích những hàng chữ trên bàn thờ cho nghe.
Đây là chữ Phúc, con ạ. Ngài tượng trưng cho cuộc sống ấm êm no đủ. Nên ngài bụng hơi phệ. Ngài ngồi xếp bằng ở chính giữa. Còn bên trái hàng chữ đề: Phần hương thanh như long thổ ngọc. Bên phải hàng chữ đề: Điểm trúc minh tự phụng hàm châu. Nghĩa là khói hương xanh như rồng nhả ngọc. Và ngọn nến sáng như phượng ngậm hạt châu. Hay chưa. Đấy! Chữ ông nội con viết đấy. Phải công nhận. Chữ ông của tôi viết rõ ràng chân phương. Nét đậm. Nét nhạt. Nét lòa xòa xây xước. Nét giậm chân đứng lại. Nét vung tay trước trán... Nét chữ như người. Chắc ông tôi là người hiền hòa, đằm tính, phải trái phân minh, cương quyết và dứt khoát.
Tôi vẫn là một thằng bé hiếu động, có hiểu gì đâu các vế đối viết bằng chữ Hán. Một dạng chữ tôi được làm quen từ nhỏ, nhưng rối rắm phức tạp và khó học. Mùi mực bay ra thơm một cách trang nghiêm. Ngồi chưa ấm chỗ, tôi đã tìm cách đứng lên và biến ra ngoài cửa. Tôi một mình la cà trong vườn cải hoa vàng. Nơi có lắm bướm trắng bướm nâu. Con bay lên con đậu xuống nhịp nhàng như múa lượn. Chúng ti hí mắt nhìn canh chừng. Sợ tôi chụp bắt.
Chú ngựa hồng mao đã kịp nhìn tôi khắp lượt. Nó ý tứ gật gật cái đầu, gõ gõ chiếc móng guốc ra hiệu. Ông chủ nhỏ ơi! Lễ thầy hết tuần hương rồi, mau mau ta về, kẻo sẩm trời khó lòng đi qua Keng Sli.
Keng Sli. Lại hai tiếng Keng Sli làm tôi ớn lạnh đôi chân. Hai tiếng Keng Sli sẩm trời vắng người. Một tiếng lá rơi như hồn người rơi. Hồn người xưa khát tìm hồn người nay. Người với người làm sao xa cách nhau được. Ta phải về thôi ông chủ nhỏ ơi
Y.P
VNQD