Có một ngày như thế

Thứ Hai, 03/06/2019 09:43

.ĐỖ NGỌC HUY

“Cha bố chị, con gái gì mà cứ lồng như ngựa vía, tính lại nghịch ngợm như con trai. Rồi thì ế thôi con ạ”. Không biết bao nhiêu lần mẹ bảo tôi như thế. Nhưng tôi chẳng hề bận tâm tới việc đó. Ngày tôi quyết định làm đơn xin nhập ngũ, hai mắt mẹ sưng húp và đỏ mọng. Rất may mắn, học xong Trung cấp nấu ăn tôi được điều động về công tác tại Phòng Bảo đảm, Cục Hậu cần, Binh đoàn Hương Giang. “Tôi là Lê Anh Nuôi”.
Trước khi về đơn vị, thầy phụ trách nói với chúng tôi: “Bằng cấp chỉ là một chuyện. Kĩ năng, kinh nghiệm mới là vấn đề”. Tôi ghi nhớ điều này như một cẩm nang nghề nghiệp. Chắc không cần phải kể các bạn cũng hình dung ra công việc của chúng tôi là phục vụ ăn uống cho bộ đội. Ấy thế nhưng tôi rất hay được đi phục vụ các hội nghị truyền thống, mừng công, đón danh hiệu… Hình như các đơn vị trong Binh đoàn đều in dấu chân của tôi. Còn nhớ hồi mới về Phòng, lần đầu tiên thấy tên mình trong danh sách phục vụ diễn tập, tôi vừa háo hức lại vừa lo lo. Anh Huân (trung đội trưởng) đưa cho tôi một quyển sổ và bảo:
- Em xuống kho nhận dụng cụ để chuẩn bị xếp xe nhé!
Tôi liếc nhanh qua trang sổ giở sẵn thấy đề “Dự trù dụng cụ cấp dưỡng phục vụ diễn tập” với một dãy dài đằng đẵng những danh mục: bát to, bát bé, đĩa lớn, đĩa nhỏ… thôi thì đủ thứ, loại nào cũng nhiều. Tôi đâm hoảng:
- Dạ, nhưng… nhiều thế này… mỗi mình em…
- Được rồi, em cứ xuống kho trước rồi anh sẽ cho cậu Tiến xuống phục vụ với em.
- Nhưng sao lại phải mang nhiều dụng cụ và hàng hoá thế ạ?
- Lên trên đó thực phẩm khan hiếm và đắt đỏ lắm. Chỉ riêng việc bảo đảm định lượng rau xanh đã là cả một vấn đề, lại còn thực phẩm khác... - Anh giảng giải.
Mấy anh bạn đồng nghiệp của tôi đã quen rồi thì tếu táo:
- Anh em mình cứ phải nắm chắc quy tắc “tình yêu 4 M” em ạ - Phong “hạc” úp mở.
- Nghĩa là thế nào ạ? - Tôi ngơ ngác.
- E hèm… - Hoan “giáo sư” lên tiếng - Nghĩa là em phải chắc chắn rằng “tình yêu của chúng ta phải hội tụ được đủ bốn yếu tố, đó là Mắm - Muối - Mỡ - Mì”. Nếu không sẽ phải li hôn nghề!
Vừa nói cậu ta vừa khua chân múa tay khiến mọi người cùng cười vang. Sau gần hai giờ đồng hồ, ngược đường 13 (bây giờ là đường 31) đến Trường bắn Quốc gia khu vực 1, thuộc xã miền núi Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi tạm dừng chân để mượn thêm một số đồ dùng rồi tiếp tục lên đường.
Buổi chiều trời mưa tầm tã. Con đường đất đỏ khi nắng thì bụi mù mịt, đỏ quạch dù mới qua một trận mưa nhưng vì những đoàn xe tải, xe kéo pháo đi qua nên biến thành lầy lội trơn trượt và nhão nhoét. Qua khỏi địa điểm tập kết chừng mười hai kilômét xe bị sa lầy, “thầy tớ” xắn quần, đội mưa bốc bớt hàng hoá và dụng cụ cho xe đỡ nặng. Chúng tôi dồn hết sức rồi cùng hô “hai ba nào” nhưng chiếc xe vẫn ì ra đấy. Những bó củi được mang xuống để “cài cầu” cho xe nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn. Càng cố vượt ra khỏi vũng lầy thì xe càng bị patinê. Những tiếng thở gấp gáp. Quần áo ai cũng bê bết bùn đất và ướt sũng vừa nước mưa vừa mồ hôi. Đêm càng sâu càng đen đặc lại. Thời gian lặng lẽ trôi đi. Thỉnh thoảng lại có tiếng thở dài vuột ra bởi nếu không đến địa điểm quy định trước ba giờ sáng thì không bảo đảm bữa sáng ngày mai cho bộ đội được.
Một bầu không khí căng thẳng bao quanh chúng tôi.
- Hay là điện về sở chỉ huy xin chỉ thị? - Có ai đó lên tiếng.
Vừa lúc đó xuất hiện một chiếc xe cẩu, không biết anh trung đội trưởng của tôi nói gì với anh lái xe mà tôi chỉ nghe được một giọng nói rất vang và ấm:
- Các cậu yên trí, tránh cả ra để tớ lôi nó lên cho. Ngày xưa tớ đã từng là lính vận tải đấy!
Khi chiếc xe cẩu đã chạy vút xa rồi chúng tôi mới giật mình, chẳng một ai hỏi tên anh.
Thế là chúng tôi đến xã An Sinh thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh lúc một giờ ba mươi phút sáng.
Trời vẫn mưa. Chúng tôi ai vào việc nấy. Những bó củi chống lầy cho xe giờ dính bùn bê bết. Tôi và chị Phương vừa rửa củi vừa nấu cơm sáng. Củi ướt, hai chị em loay hoay nhóm, rồi quạt, mắt cay xè vì khói. Mặt mũi lấm lem vừa bùn, vừa nhọ. Hai chị em nhìn nhau cười mà mắt nhoè nước.
Chúng tôi bắt đầu một ngày mới như thế.
Rồi tiếp tục hành quân. Đường từ An Sinh đến Trại Mít phải qua tám khúc suối. Con đường do đơn vị công binh 219 mới mở. Đó là một lối vừa đủ cho xe chui qua dưới tán rừng sum suê và lởm chởm đá. Càng đi vào sâu con đường càng trở nên âm u.
- Nếu thả mình ở đây chắc là không ra nổi - Một cậu lính trẻ bâng quơ.
Các anh chị lớn tuổi, mỗi người dường như đang theo đuổi những ý nghĩ, những trăn trở riêng.
Phong “hạc” và Nam “béo” ngủ gà ngủ gật. Tôi bị cuốn vào sự thích thú của cánh lính trẻ mỗi khi xe lội qua suối hay nghiêng nghiêng triền núi.
- Chị ơi! Hay chị em mình hát đi! - Cậu Hiệu, lính mới tò te đề nghị.
- Ừ! - Tôi hưởng ứng.
- Thế thì em hát trước rồi chị hát theo nhé!
Không chờ tôi trả lời, cậu ta cất giọng giả con gái: Chân em đi rừng nhiều đường lắm lối, này này ơi... Nhưng em chọn lối này, em đây chọn lối này thôi...
Bất ngờ, chiếc xe chồm lên, dụng cụ va vào nhau loảng xoảng. Cậu Nam “béo” bị tung lên và rơi gọn vào lòng chị Vân Anh. Chúng tôi được một trận cười nghiêng ngả.
Buổi trưa ở Trại Mít trời nắng chang chang. Chúng tôi nấu ăn ở đỉnh đồi ngay gần một con suối. Bảy cái bếp cơ động đồng thời phát hoả càng làm không khí nóng hầm hập.
Mỗi người được phân công phụ trách một phần việc. Tôi đảm nhiệm món canh cua. Sau khâu sơ chế (rửa, nhặt, giã, vắt, lọc), tôi bắc nồi lên bếp đun, nồi canh bắt đầu sôi thì có lệnh chuyển địa điểm, thế là phải hối hả chuyển tất cả lên xe. Tôi kiếm cái chăn bông quấn kĩ xung quanh nồi canh. Đoạn đường có hơn cây số mà sao dài thế, đã vậy lại xóc kinh khủng. Tôi khư khư giữ xoong canh để nó đỡ bị nghiêng nhưng đến nơi, mở ra thì nó đã bị sóng ra và ngấm vào cái chăn bông gần một nửa! Nước mắt tôi ứa ra.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là diễn tập thực binh. Sau hàng loạt tiếng nổ uỳnh oàng của mìn và những tiếng đạn xé gió chíu chíu, “quân xanh” bắt đầu đổ bộ. Từng tốp, từng tốp “địch” chui ra từ cái bụng to tướng của những chiếc máy bay. Những cảnh này trước đây tôi mới chỉ nhìn thấy trên phim hoặc qua câu chuyện chiến đấu mà bố kể. Không nén nổi tò mò, tôi ấn đôi đũa đang đảo nồi thịt cho bữa chiều vào tay Phong nói nhanh:
- Cậu giúp tớ, tớ đi xem một lúc.
Không chờ Phong kịp phản ứng, tôi ào đi chọn một chạc cây cao nhưng kín trong vòm lá, vắt vẻo ngồi quan sát. Đang rất say sưa, chợt tôi nghe thấy ai gọi mình ở phía dưới:
- Cậu ở đâu, Đào ơi…?
- Em ở đây! - Tôi đáp khẽ và “nhảy dù” xuống đất.
- Úi giời ơi! Con khỉ… - Chị Vân Anh giật mình, cốc cho tôi một cái đau điếng rồi nói như ra lệnh - Về ngay! Chuẩn bị hành quân tiếp.
Phục vụ bữa trưa xong, không kịp rửa bát đũa chúng tôi bốc tất cả lên xe để đến huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến nơi này nên phải vừa đi vừa hỏi đường. Con đường gập ghềnh, khúc khuỷu, chiếc xe liên tục chồm lên rồi hẫng xuống, có lúc lại lắc lư chao đảo. Chúng tôi ngồi sát vào nhau cho đỡ nghiêng ngả nhưng những cái đầu va vào nhau kèm theo những tiếng xuýt xoa. Những dụng cụ bằng nhôm và inox bị xóc lên dằn xuống kêu lạch cạch, loảng xoảng. Mấy chị em nữ bị say xe, ngồi mỗi người một tư thế. Chị Phương nôn thốc nôn tháo. Thấy thế anh Luân thở dài:
- Thế này lát nữa làm sao nấu được bữa chiều?
Tôi đọc được trong giọng nói của anh cả sự lo lắng, băn khoăn, vội nói:
- Anh yên tâm, chúng em mỗi người cố gắng một chút rồi sẽ ổn thôi mà.
Đến được địa điểm mới thì đã hơn bốn giờ chiều. Chỉ có hơn một tiếng để vừa tiếp phẩm vừa tổ chức nấu bữa chiều cho một trăm hai mươi suất ăn. Chúng tôi nhanh chóng phân công mỗi người một việc. Chị Vân Anh đun nước uống, nước canh và nấu cơm. Tôi ốp trứng. Nam, Phong, Hoan và hai đồng chí chiến sĩ nhanh chóng dỡ quân trang và dụng cụ để giải phóng cho xe đi tiếp phẩm. Anh Huân và Nam đi chợ. Số còn lại chia đôi, hai người làm rau, hai người bày bàn. Chúng tôi hối hả chạy nước rút với thời gian. Đến năm rưỡi chiều mọi công việc đã hoàn tất.
Có điều, những cú xóc trên con đường từ Trại Mít đến Hoành Bồ đã biến xoong thịt kho tầu thành... thịt vụn! Sau bữa ăn có ai đó nói như trách móc:
- Hôm nay nhà bếp cho ăn món “thịt hộp”!
Lòng tôi nặng trĩu.
Đêm xuống, một ngày đã qua. Chắc rằng còn nhiều gian khổ vất vả đang chờ tôi vào ngày mai, vào những ngày trong đợt diễn tập này...
...Thấm thoắt đã mười năm có lẻ sau cái ngày đầu tiên đi phục vụ diễn tập ấy. Đã thành lệ, mỗi lần về thăm nhà tôi lại kể cho bố mẹ nghe về những miền quê đã đi qua, những tên người, tên đất vừa quen vừa lạ. Tôi còn nói cho mẹ biết về công việc đã thuần thục, về những chuyến đi tôi không còn nhớ rõ. Kỉ niệm đã trở thành hành trang nhưng sau mỗi chuyến đi lòng tôi lại háo hức chờ đợi…
- Cha bố chị, con gái mà giống bố, lúc nào cũng thích đi! - Mẹ lại mắng yêu tôi.
Tôi gục đầu vào ngực mẹ, lòng cảm thấy bình yên, nhẹ nhõm

Đ.N.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)