Những ngày đầu tháng tư, từ TP.HCM, tôi bay ra với những cánh rừng Quảng Bình, nơi 60 năm trước đây là đại bản doanh của Bộ Tư lệnh 559 (Trường Sơn). 60 năm đã trôi qua, có thể với ai đó Trường Sơn ngày ấy đã phai mờ, nhưng với những người lính chúng tôi, Trường Sơn và những người lính 559 bao giờ cũng ở ngay trong trái tim mình.
Và có lẽ không chỉ những người lính từng một thuở mưa nắng đạn bom với Trường Sơn, mà cả thế hệ trẻ con cháu những người lính hôm nay, Trường Sơn không bao giờ xa mờ trong họ. Bằng cớ là họ - thế hệ trẻ hôm nay - đang tái tạo những năm tháng ác liệt ấy của Trường Sơn, bằng việc xây dựng một tác phẩm điện ảnh lớn mang tên Truyền thuyết về Quán Tiên, từ một truyện ngắn của người thầy tôi - nhà văn Xuân Thiều, và cũng chính bởi buổi “khai máy” này, tôi đã bay từ TP.HCM ra với họ…
Vâng, đây là khe nước lạnh Lệ Ngân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Một lớp rừng cây mới đã vươn lên thế nơi những rừng cây nguyên sinh xưa bom đạn đã đánh cho tan nát. Rất nhiều cảm xúc đã đến với tôi - nguyên một người lính vận tải Trường Sơn trong buổi sáng tinh khôi bấm máy. Là bởi cánh rừng này, con suối kia mà đoàn làm phim chọn làm bối cảnh của phim, chính là nơi năm xưa đơn vị chúng tôi từng đóng quân, từng lên đường vào Nam chiến đấu. Đây cũng chính là nơi Bộ Tư lệnh Trường Sơn - 559 đã đứng chân để làm nên những sự tích anh hùng của mình. Và bên tôi, thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cũng từ Hà Nội bay vào để dự lễ khai trương phim, sáng nay mặc quân phục rất chỉnh tề, rất xúc động tâm sự: “Cánh rừng này ngày xưa mình với Xuân Thiều cùng hành quân qua để vào mặt trận Trường Sơn và Trị Thiên Huế đấy. Những binh trạm Trường Sơn bắt đầu từ đây, và những trang viết máu lửa và hào hùng về cuộc chiến đấu của những người lính vận tải Trường Sơn của Xuân Thiều cũng bắt đầu từ đây, trong đó có truyện ngắn Truyền thuyết về Quán Tiên rất xúc động này”.
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, một đồng đội thân thiết ở Tạp chí Văn nghệ quân đội của nhà văn Xuân Thiều, từng nhận định: “Nhà văn Xuân Thiều là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của Xuân Thiều trải rộng trên hai đề tài chính: chiến tranh cách mạng và hậu chiến. Mảng đề tài nào Xuân Thiều cũng có những tác phẩm được viết bởi nhiều trăn trở tìm tòi về tư tưởng chủ đề cũng như một bút pháp đậm chất nhân văn trên một nền tảng tinh thần không thay đổi của một nhà văn mặc áo lính: tôn trọng sự thật và niềm tin yêu cuộc sống. Truyện ngắn của Xuân Thiều thường đi rất sâu vào tâm trạng của cá nhân, của nhân vật trong những tình huống hết sức cụ thể, mang tính điển hình cao. Ông đặc biệt nhạy cảm với những sự éo le, trắc trở của cuộc sống và từ đó ông luôn tìm ra cách để an ủi bênh vực những cuộc đời bất hạnh. Ngòi bút của ông mang đậm tính nhân văn qua rất nhiều tình huống hết sức thương cảm của đời người được tập trung miêu tả trong nhiều truyện ngắn viết sau chiến tranh. Mặt mạnh của Xuân Thiều là khả năng nắm bắt tâm lý của con người khi bị rơi vào những hoàn cảnh không bình thường, những hoàn cảnh éo le, thương tâm… không kể hết trong chiến tranh. Truyện ngắn Truyền thuyết về Quán Tiên dựng lại bức tranh sinh động của những tháng ngày gian nan khổ cực của những cô gái trên một trọng điểm Trường Sơn. Khổ cực, chết chóc với họ không có gì đáng sợ. Nhưng thiếu thốn tình cảm đã giằng xé trong tâm hồn họ, những cô gái tuổi mới lớn đầy khát khao trần thế. Xuân Thiều sử dụng bút pháp kết hợp hiện thực và huyền ảo đầy tinh tế để đi sâu vào nội tâm phức tạp của nhân vật”.
Cũng có mặt sáng nay, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan tâm sự: “Càng thêm nhiều thời gian (đến nay đã gần 40 năm), tính khốc liệt của chiến tranh, tính nhân văn của tác phẩm càng làm rung động nhiều thế hệ người đọc, nhất là những nhà làm điện ảnh. Và đó là điều Nhà nước đã chọn đặt hàng phim này”. Truyền thuyết về Quán Tiên đã được Nhà nước đặt hàng để trở thành một tác phẩm điện ảnh. HongNgat film cùng Công ty cổ phần sáng tạo DV&H Creative nhận lãnh sứ mệnh này.
Những cảm xúc của tôi còn được dâng lên khi bên tôi là những sỹ quan, những chiến sỹ quân phục chỉnh tề. Không chỉ bởi là một tác phẩm điện ảnh về chiến tranh nên được Bộ Quốc phòng và đồng chí đại tướng Bộ trưởng rất quan tâm, mà còn bởi là bộ phim về những người lính, những con đường huyền thoại Trường Sơn mà tới đây chúng ta sẽ kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn, 70 năm Cục Vận tải Quân sự, 70 năm Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam… nên Bộ trưởng và Tổng cục Hậu cần càng đặc biệt quan tâm. Tổng cục Hậu cần đã cử một đoàn đại biểu do đại tá Đỗ Thanh Phong - Phó Chủ nhiệm chính trị Tổng cục vào tặng hoa và dự lễ. Tôi biết anh trước đây nguyên Chính ủy một lữ đoàn vận tải, nguyên Chính ủy Cục Vận tải quân sự, cũng đã từng tổ chức nhiều đoàn văn nghệ sỹ đi sáng tác về đề tài hậu cần quân đội, nên xúc cảm của anh về bộ phim như càng mạnh mẽ hơn…
Và sẽ rất thiếu sót nếu chưa kể về người Giám đốc sản xuất của bộ phim truyện này: nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Tôi gặp chị lần đầu dưới ánh trăng mờ ảo của rừng Trường Sơn một đêm chiến tranh đã gần 50 năm. Khi ấy chị là một diễn viên chèo mảnh mai, xinh xắn của Đoàn chèo Trung ương vào chiến trường biểu diễn. Khúc lới lơ chị hát đêm ấy sao đắm say đến thế. Bao người lính Trường Sơn say mê tiếng hát và vẻ đẹp của các chị. Rồi sau này tôi lại được đọc những vần thơ của chị viết về Trường Sơn, về những người lính vận tải, hậu cần, mới hay rằng cô diễn viên chèo xinh đẹp ngày ấy còn là một nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh, đã không quên những con đường Trường Sơn năm xưa để có những vần thơ rất xao xuyến về những màu lá đỏ, những con đường ngút ngàn đạn bom, về một buổi đưa nhau đi hái lá tàu bay, đi hái măng rừng… Và hôm nay, người diễn viên chèo xinh đẹp ấy càng không quên Trường Sơn, khi chị là Giám đốc sản xuất Truyền thuyết về Quán Tiên, bộ phim về những cô thanh niên xung phong của một binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi như vẫn còn lưu giữ chính bàn chân chị năm xưa đã từng hành quân qua…
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ (thứ ba từ trái sang) và ekip thực hiện bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên
Những dòng kết cho bài viết này, tôi muốn được nói nhiều về đạo diễn của phim - Đinh Tuấn Vũ, một đạo diễn điện ảnh trẻ giàu tài năng. Đinh Tuấn Vũ tốt nghiệp đạo diễn khoá 27 (2007 - 2011) trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Thời sinh viên, bộ phim đầu tay Sau bức rèm đã mang về cho Tuấn Vũ giải Tài năng trẻ. Bộ phim ngắn Khẽ chạm của anh được nhận bằng khen trong Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2010. Tác phẩm điện ảnh đầu tay Và anh sẽ trở lại nhận được giải thưởng kép tại Liên hoan phim lần thứ 18. Một năm sau, Đinh Tuấn Vũ hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam 2015 với bộ phim Cuộc đời của Yến. Ngoài giải thưởng Bông Sen Bạc, bộ phim còn giành chiến thắng ở các hạng mục như Nữ diễn viên chính, Âm nhạc, Quay phim, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Năm 2016, Cuộc đời của Yến tiếp tục được giải Cánh Diều Bạc, giải Đạo diễn điện ảnh xuất sắc và Âm nhạc xuất sắc của Hội Điện ảnh Việt Nam. Và rồi đầu tháng bảy vừa qua, bộ phim này bất ngờ giành giải thưởng lớn Phim hay nhất tại Liên hoan lần thứ 9 Phim công chiếu quốc tế lần đầu do Hội đồng Điện ảnh Philippines tổ chức. Điểm đặc biệt của Liên hoan phim này là tất cả các phim quốc tế đến tham dự đều phải lần đầu tiên được công chiếu ở phạm vi quốc tế. Đinh Tuấn Vũ chia sẻ, với một đạo diễn trẻ như anh thì đây là phần thưởng ngoài cả mong đợi… Và bây giờ là Truyền thuyết về quán Tiên - một bộ phim lớn mà những người lính chúng tôi đặt hết niềm hy vọng ở anh…
CHÂU LA VIỆT
VNQD