Áo ấm ngày xưa

Thứ Sáu, 01/02/2019 00:02

. ĐỖ PHẤN

Dĩ nhiên nói đến rét mướt chỉ là nói về câu chuyện của miền Bắc. Ngày mới thống nhất, người miền Bắc vào Sài Gòn chơi dịp Giáng Sinh thấy chị em ra phố trong trang phục của những ngày cực rét ngoài Bắc cứ thấy là lạ. Nhiều người mặc áo len, áo dạ. Đơn giản nhất cũng có chiếc áo mút cổ lọ. Vài cô gái môi đỏ chót còn khoác chiếc măng-tô dài chấm gót. Sài Gòn những hôm ấy nhiệt độ chỉ là 18 đến 20 độ mà thôi. Người miền Bắc chưa ai phải mặc đến áo ấm.

Hóa ra lịch sử áo ấm của người xứ Bắc cũng hết sức đơn giản. Từ xa xưa áo ấm có nghĩa là mặc nhiều áo lên tùy theo nền nhiệt từng ngày. Chiếc áo dùng cho những ngày rét nhất là áo bông chần ra đời cũng chưa lâu lắm sau khi người làng Trát Cầu - Thường Tín biết nghề bật bông khoảng vài trăm năm nay mà thôi. Ban đầu cũng chỉ là bật bông để làm chăn đắp. Sau mới may thành áo. Giữa thế kỉ trước người Hà Nội lịch sự ai cũng có một chiếc áo bông chần khâu tay đặt may trên Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ. Phần lớn là đàn bà cứng tuổi mặc. Đàn ông và thiếu nữ đã có những áo bông may theo kiểu tây. Bên ngoài là vỏ áo may bằng vải ka ki. Bên trong là lớp lót bông. Vỏ áo có thể thay đổi trong mùa. Ruột bông phải hết rét mới mang giặt.

Những loại áo len, sợi đan tay và dệt kim hoá ra cũng mới chỉ có mặt khi người Pháp sang đô hộ xứ Đông Dương. Nó là của quý. Sợi len phải nhập khẩu hoàn toàn. Nghề đan len những năm sau tiếp quản Hà Nội 1954 rất phát triển. Nhưng chủ yếu đan gia công cho nhà nước mang xuất khẩu là chính. Các mẹ, các chị nhặt nhạnh đầu thừa đuôi thẹo đan lại cho con em mình những chiếc áo len sặc sỡ đủ màu có tên gọi chung là “áo len tiết kiệm”. Lúc ấy ai mặc chiếc áo len trơn tru một màu được coi là hết sức sang trọng. Thanh niên ở phố có chiếc áo len cổ quả tim màu tím than mặc ngoài áo sơ mi trắng có thể tự tin ra mắt gia đình bạn gái mà không hề lo sợ. Thiếu nữ có chiếc áo len cổ lọ mặc bên trong áo sơ mi chỉ lấp ló lộ ra màu đỏ rực rỡ trên chiếc cổ trắng muốt tưởng như chỉ có trong phim ảnh.

Minh họa: Đỗ Dũng

Hà Nội lúc ấy có Nhà máy Dệt kim Đông Xuân sản xuất ra gần như toàn bộ nhu cầu áo dệt của cả nước. Từ cán bộ, công nhân, bộ đội, học sinh hầu hết mặc áo dệt kim này. Chữ “áo Dệt kim Đông Xuân” là một thương hiệu quen thuộc đến mức nói ra là ai cũng hiểu ngay hình dáng, màu sắc của nó. Vải dệt kim được dệt bằng sợi bông nhuộm màu. Cắt ra may áo phải có máy khâu chuyên dụng ở nhà máy. Nhà máy dệt kim ấy thực chất có đến một nửa công việc là của thợ may. Những chiếc áo dệt kim phổ biến đến mức hầu như ai cũng dùng. Từ lãnh đạo cao cấp cho đến những anh lính các lực lượng vũ trang. Từ học sinh cho đến cán bộ. Nhiều nông dân cũng dùng nó tuy họ không ưa chuộng lắm. Những công việc đồng áng nước nôi mặc áo dệt kim đi làm kể cũng bất tiện.

Cho đến tận sau ngày thống nhất đất nước người miền Bắc mới biết đến chiếc áo mút cổ lọ. Nó cũng chỉ là áo dệt kim mà thôi nhưng được dệt bằng loại sợi hoá học. Nó được may bó sát thân mình rất thời thượng và độ bền thì không gì sánh bằng. Nông dân rất thích mặc áo này đi làm đồng bởi tha hồ tầm tã mà không sợ vướng víu mòn rách. Thanh niên nông thôn có chiếc áo mút cổ lọ là có thể lên sân khấu làng biểu diễn những ca khúc rực lửa. Thanh niên ở phố dù bên ngoài chỉ là chiếc áo đại cán màu cỏ úa cũng cố kiếm cho bằng được chiếc áo mút cổ lọ “đẳng cấp” mặc bên trong. Lúc ấy hình như đã gần đạt được bình đẳng thẩm mĩ trang phục giữa nông thôn và thành thị ở chiếc áo dệt kim thời trang này. Lúc ấy cả nông thôn và thành thị vẫn còn vất vả lục lọi những quần áo thời trang thải loại của nước ngoài ở những hàng quần áo “Sida” trải chiếu bán trên vỉa hè.

Thoắt chốc giờ đây gần như rất ít ai còn nhắc đến chuyện áo ấm. Những người phát tâm đi làm từ thiện trên vùng cao ngày trước thu gom quần áo cũ mang tặng đồng bào thì nay cũng rất ít nơi còn nhận những thứ ấy. Đã có lòng thì nên tặng quần áo mới hoặc đặt may mới mà làm từ thiện. Khắp những phiên chợ vùng cao từ Mộc Châu - Sơn La, Trùng Khánh - Cao Bằng sang tới Đồng Văn, Mèo Vạc - Hà Giang đều có những “sạp” áo rét trải ngay vải bạt xuống đất mà bày hàng ra bán. Giá rẻ chỉ bằng bát phở là có một chiếc áo rét hai lớp chần bông hoá học sắc màu sặc sỡ.

Áo ấm bây giờ chỉ còn là chuyện ngày xưa mà thôi.

Đ.P

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)