Truyện ngắn dự thi. NGUYỄN LUÂN
Nhà mới đã dựng xong, người cũng mệt lả như tàu lá nướng. Vợ chồng Chái đi nằm từ lâu mà hai mi mắt như có nhựa cây phết lên, khô két lại không sao khép được. Chái nhìn sang vợ, thấy Ém quay lưng về phía mình. Ngoài cửa sổ, trăng lừ đừ sáng.
- Đừng... đừng phá nhà đi mà Chái ơi! Chái!
Tiếng mẹ già khe khẽ từ phía bên kia buồng, chỉ cách vợ chồng Chái một tấm ri đô cũ. Khẽ lắm nhưng vẫn nghe thấy rõ. Ém trở mình giục chồng:
- Chái à, hay mẹ bị ốm nên nói mê rồi đấy!
Chái vùng dậy, bước chân đặt xuống nền nhà lạnh ngắt bỗng giật mình bởi cảm giác không quen dẫm lên nền đất. Mẹ nằm co như con mèo ngủ quay về phía vách, hai tay ôm vào trước ngực. Chái đặt tay lên trán mẹ nhưng không thấy nóng chỉ thấy mồ hôi túa ra, chắc mẹ không ốm. May quá! Mẹ già bỗng cầm tay Chái lắc mạnh:
Người ta phá nhà mình rồi phải không Chái? Nhà ấy bố mày vác từng cái cột, cái xiên, từng cái xà gian, vác đủ ba năm mới làm nổi một gian đấy mày biết không?
Là con nhờ người về chuyển nhà đi, không ai phá nhà mình đâu mẹ à.
Ông mày về gặp mẹ, bố mày về gọi mẹ bảo cái vía bám trên cây cột, trên tấm ván bưng vách cũng bị người ta đuổi đi không có chỗ quay về nữa...
Mẹ khóc, nước mắt người già khô và đặc nóng lăn trên tay Chái. Ngoài trời gió thổi mềm như cánh bông quết lên mặt người. Mẹ già lập cập bước ra ngoài, dưới ánh trăng mờ, đống gỗ tháo dỡ từ ngôi nhà cũ nằm ngổn ngang dưới đất. Mẹ già ngồi bên cạnh đưa tay sờ lên những tấm gỗ nằm im lìm như lần tìm những khuôn mặt thân quen trong bóng đêm. Chái đứng bên mẹ, muốn dìu mẹ vào nhà mà thấy vạt áo mẹ ướt đẫm. Không biết là sương đọng trên những thớ gỗ nhẵn thấm vào hay là nước mắt của người già. Nhìn xuống phía dưới Khau Dàng, mọi thứ đã ngủ say nhưng đèn vẫn sáng trên con đường mới đang thành hình. Phía trên cao này, mẹ già lẫn vào trong bóng tối.
*
* *
Tiết trời đã sang tháng ba, mưa xuân phủ một lớp đục mờ như bụi đá trắng lên dải đất dài phía trước nhà. Lâu lâu trời chợt nắng, ánh sáng lấp lánh tràn trên cây cỏ bừng lên màu nõn xanh mới tinh. Chái nhìn về phía bên kia. Dưới chân Khau Dàng vẫn xám đục như hơi sương phủ lên bóng núi. Những con đường đất đỏ nâu chợt vẩn lên màu đất mới dưới bước chân người đi làm nương sau những cơn mưa dài. Đất sau mưa xuân thấm dần từng lớp, đến khi vừa kịp nhão ra thì cũng bắt đầu vào vụ nương mới. Người trong bản, trên Keo Lùng, Tà Pởi cũng ý ới gọi nhau phật phừ dao quắm trên vai, lên đèo vào phát nương làm vụ ngô, đỗ xuân mới. Chái chợt thấy bồn chồn như người đói bụng, khi lại như người khát nước, lại thấy muốn cuồng đôi chân, như con trâu mới qua mấy vòng kéo gỗ vực. Nằm nghĩ mãi thì nhận ra mình đói thật. Nhưng là đói mùa, đói một thói quen từ ngày nào khi còn ở trên căn nhà cũ. Mùa này Chái vẫn thường ngồi trên nhà, nhìn xuống dưới con đường nghe tiếng người í ới gọi nhau. Có khi nằm trong chăn vẩn hơi lạnh ngửi thấy mùi đất mới thấm vào lại rùng mình. Những điều ấy giờ xa xôi như người ngồi ở xa ngửi thấy mùi hương rất quen, bỗng thấy trong lòng rộn lên những điều tưởng như rất cũ.
Họ Lý của Chái đến Khau Dàng khi đất còn chưa có bóng người. Ông “Chỏ” tổ là người đi khắp nơi, suốt từ vùng đất giáp biên xuống tới nơi này. Nhưng cuối cùng ông chọn đất Khau Dàng để phát nương, dựng nhà xây nên một nhánh họ Lý mới. Nghĩ ông Chỏ tổ chọn đất này phải có lí do, không dễ như cắm cái cây xuống, thấy yên thì ở, thấy khó thì nhổ lên bỏ đi chỗ khác, thế nên năm nào vào đúng sáng ngày mùng một tết ông nội Chái cũng dặn: “Bao giờ ngọn núi kia đổ xuống, đè mất cái eo đất này thì họ Lý mới bỏ nhà, bỏ Khau Dàng mà đi. Nhớ lấy! con cháu họ Lý mình phải nhớ lấy”. Lần nào cũng thế, ông nói không sót một câu nào, cũng chẳng quên lời nào. Rồi ông lại bảo “Sau này bố thằng Chái, rồi tới thằng Chái cũng nói cho con, cho cháu nghe. Có nói dài hơn thì phải nói tốt về họ Lý, nhưng không được nói ít đi câu nào. Ít quá con cháu mình lại không thấy được bàn tay, dấu chân của tổ tiên trên từng mỏm đá, bờ nương nhà mình ở đâu”. Mấy lần Chái định cười vì những lời ông vừa nói. Chả biết bao giờ Chái mới có con, có cháu mà nói được như ông. Nhưng xem nét mặt của bố, của ông thấy quan trọng lắm, Chái lại thôi muốn cười. Ngày ấy Chái đứng, đầu vừa chạm bậc thang thứ năm.
*
* *
- Mẹ à! nhà chú Sán ngày mai cũng dỡ ngói rồi đấy.
Chái ngồi bên bếp im lặng suốt bữa cơm tối, cuối cùng cũng hỏi được câu ấy. Đã mấy ngày hôm nay mẹ không buồn ăn cơm, cũng không thích xuống thang tưới mấy luống rau đã chết táp vì sương muối. Mấy sào ngô treo trên gác mẹ cũng mang xuống tẽ ra đựng đầy ba bao để góc nhà. Vừa làm vừa nghĩ mãi như thế làm người mẹ héo như cái nấm nhĩ phơi qua mấy nắng trên mái nhà. Rồi mẹ cũng quyết:
- Đi thôi, nghĩ mãi cũng không còn cách khác!
Người già hay nghĩ về đêm, giấc ngủ ngắn như chưa kịp tới đã thức đợi gà gáy sáng. Chái cũng đã nghĩ, con đường khó đi có vòng vèo thế nào thì cũng vẫn phải vấp vào hòn đá. Muốn đi qua chỉ có cách trèo lên nó mà đi. Chái muốn mẹ nói ra điều ấy, để mẹ là người quyết định. Còn gánh nặng từ lời dặn của ông, của bố về mảnh đất, về ngôi nhà cứ đè nặng lên vai mà chẳng biết trút vào chỗ nào cho vơi bớt đi được.
*
* *
Dải đất Khau Dàng nằm co mình tựa đôi mi mắt ôm vào chân núi. Mùa xuân đến cái mi mắt ấy chơm chớp đủ sắc hoa, hoa đào nở hồng trên vách đá, hoa mận trắng phau phau bên bờ rào những nóc nhà sàn thấp thoáng mái ngói sau vườn chuối đang phần phật lá. Cuối thu đầu đông những tán cây lá đỏ như đốt đuốc trên những con đèo lên núi, những tán cọ nưa bung xòe thành từng chấm xanh rì lấp lóa dưới ánh mặt trời. Ấy là lúc cánh đàn ông trong bản mài cưa, đục lên rừng tìm gỗ làm nhà. Nhà bé cũng mất hai, ba năm. Nhà to thì lâu hơn thế. Có người cả đời không làm nổi ngôi nhà cho mình bằng gỗ tốt nhất trên núi đá, đến khi chết vẫn thấy mình thua kém người ta mấy phần. Khi ngôi nhà mới được dựng lên, nằm trong nhà lưng áp lên tấm ván sàn mới, mắt nhìn lên mái ngói, nghe gió thổi qua kẽ ván mới thấy tháng ngày vượt đèo cao, lũng sâu, nằm rừng đằng đẵng mấy năm thật bõ công. Chả thế mà khi vào nhà mới chủ nhà say lăn lóc cả tuần chưa tỉnh, anh em họ hàng đến chúc mừng mấy ngày liền cũng không xuống nổi chân thang.
Ngôi nhà sàn của Chái to lớn và vững nhất Khau Dàng, được dựng lên từ thời ông Chỏ tổ của Chái. Lũ rừng có to mấy, gió núi có quật mạnh bao lần nhưng nó vẫn đứng vững như cái cây cổ thụ đến bây giờ. Ba đời trước đây họ Lý chỉ có một con trai độc đinh. Nhưng bố may mắn lắm có được hai anh em Chái. Thế là họ Lý mới đông thêm một phần, bát hương thờ mới được chia làm hai. Nói là nói thế, nhưng chính điều ấy lại là câu chuyện buồn nhất của bố, của cả nhà. Chuyện buồn nhất ấy còn lưu trên chính ngôi nhà này. Trên vết rìu chém vào cái xiên ngang lối đi.
Bố thường nói với Chái, mỗi cái nhà giống một cái cây, cái cây to thì bóng càng rộng, rễ càng bám sâu vào đất. Cái nhà cũng giống như bố mẹ, như anh em ruột thịt. Ngôi nhà ấy ngày xưa ông bà tổ họ chỉ dựng lên được bốn cái cột làm gốc. Ông cụ làm thêm một gian, ông nội dựng thêm một gian lớn, rồi đến bố cũng làm nối thêm một gian vào đó. Ngôi nhà cứ thế rộng thêm ra, gian mới nối vào gian cũ. Đời con nối tiếp đời cha, đời ông. Giống như cái cây càng lớn, thì mọc thêm cành, thêm đốt.
*
* *
Có tiếng động khe khẽ, như tiếng lật giở lá khô, khi lại nghe cồn cột như tiếng chuột gặm măng sống phía trước nhà. Chợt nhớ mùa này lũ chuột thường nhảy ra khỏi hang leo lên cả mái nhà, chui vào những búi thóc giống tìm thức ăn suốt đêm, Chái mở cửa bước ra ngoài, bỗng giật mình thấy bóng người ngồi trước sân, tấm bạt phủ đậy lên đống gỗ lật tung phì phù bay trong gió. Dưới ánh trăng non gần tàn, Chái nhận ra mẹ ngồi một mình bên chiếc xiên dài, cái xiên thò một đầu ra phía ngoài, vát nhọn như con dao lớn. Mẹ già ngồi đó, nhìn như bất động vào vết lõm phía trên thân gỗ. Chái bước tới phía mẹ, nhẹ như bước chân con mèo. Khẽ thế nhưng mẹ vẫn nghe tiếng. “Chái à, mẹ vừa mơ thấy anh mày về đấy, nó bảo sẽ về ở hẳn không đi nữa. Bố mày không còn, nhưng vết rìu vẫn ở trên cái xiên này, sao thằng Pài cứ chấp bố mày mãi thế, ở đây còn anh, còn em, còn cái thân già này mà nó cứ đi mãi”. Chái thấy thương mẹ quá, từ ngày chuyển nhà tới đây đêm nào mẹ cũng thức ra đây ngồi nói chuyện với đống gỗ nhà cũ. Mẹ ngủ ít mà sao mơ nhiều đến lạ. Chái nhìn vào vết rìu của bố đã hơn chục năm, bụi đã phủ mờ vết đứt trên đó. Nhưng chỗ gãy lõm thì còn nguyên như chính nỗi buồn đau của mẹ.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Chái còn nhớ rõ cái dáng cao gầy xiêu xiêu bước xuống con đường đá trước nhà buổi chiều hôm ấy. Phía trên nhà bố ngồi bệt xuống sàn ôm đầu mà đôi mắt vẩn đỏ lên vì giận anh. Anh Pài bỏ đi từ ngày đó, bao nhiêu năm Chái không buồn nhớ nữa. Chỉ nhớ khi ấy Chái mới chớm lớn thành một thằng trai, giờ Chái đã lấy vợ, có con mà anh vẫn chưa thèm về lấy một lần. Anh Pài là người nói ngang, nghĩ ngang như bước chân cua đá. Mười bảy tuổi anh đã leo lên đến đỉnh Tó Tẩn hái được nấm nghiến già, dám nhảy xuống vực sâu nhất con suối từ trên bờ đá chân Khau Dàng. Đầu năm thì xuôi theo chân đám buôn gỗ, cuối năm lại ngược lên cùng phường buôn rắn, buôn trâu. Lời nói của bố mẹ với anh như gió thổi qua đá tai mèo. Bố đi xem sách thầy bảo, số anh sinh ra chân trái dẫm lên lưng con hổ, chân phải đặt lên đầu con beo thì không ai giữ nổi ở một chỗ. Cứ mặc cho anh, bao giờ gối mỏi chân rời, ngã xuống lưng ngựa thì sẽ thấy đường quay lại.
Một ngày anh trở về với một người con gái lạ. Anh xin bố mẹ cho anh lấy người ấy làm vợ. Bố mẹ mừng như được mùa to năm ấy, nghĩ anh đã tìm ra người như ý, sẽ không còn như con nai con hoẵng nữa. Anh sẽ làm tiếp một gian nhà nối vào ngôi nhà lớn này. Nếu anh muốn, bố sẽ cùng lên rừng chặt gỗ dựng cho anh một ngôi nhà mới, nhưng phải ở trên đất Khau Dàng này. Bố chỉ cần thế là trút bỏ được nỗi lo nghĩ về anh. Nhưng mọi thứ không như lời bố và ông nội tính. Anh muốn theo người con gái ấy đến ở một nơi khác không phải đất Khau Dàng này. Tổ tiên họ Lý tìm ra Khau Dàng, thì anh cũng sẽ tìm ra Khau Dàng khác được. Chỗ ấy bố chưa tới, ông nội cũng chưa từng biết qua. Anh bảo chỗ nào anh thích ở thì sẽ là nhà, là đất của mình. Bố mới nghe được nửa ý trong đầu của anh đã đứng dậy. “Bao giờ ông mày chết, tao chết thì mày mới được nhắm mắt mà quên nơi đẻ ra thằng Pài”. Bố đã cấm anh như thế, mẹ và ông nội cũng khuyên anh nhiều lời nhưng anh vẫn lắc đầu ngồi yên không đáp lại. Sáng hôm sau người đàn bà theo anh về bỏ đi còn không kịp chào ông, chào mẹ một câu. Anh Pài ở lại nhưng lời nói của cả nhà chỉ trượt qua vành tai rơi xuống đất mà không giữ nổi chân anh. Nhìn anh say ngất ngưởng mà ý nghĩ trong đầu luôn chạy theo lưng người đàn bà kia, về nơi nào đó của riêng mình, bố nổi giận đùng đùng cầm rìu chém vào chiếc xiên trước cửa rồi mới nói:
- Cái đầu mày vẫn nghĩ thế thì mày với tao như cái xiên này thôi Pài à.
Anh Pài nhìn bố, rồi lại nhìn vết rìu trên thanh gỗ không nói một lời bước xuống thang. Đấy là lần cuối anh ở ngôi nhà này. Tết năm ấy anh cũng không trở về, và những năm sau cũng thế. Trong nhà ai nhắc đến anh, bố đều không hài lòng. Bố suy nghĩ mấy năm liền rồi đổ bệnh. Bệnh của bố từ trong lòng mà ra thì không ai chữa nổi. Chái nghe lời bố đi nghe ngóng tin anh, nhưng vừa kịp tìm tới thì anh đã bỏ đi nơi khác như chạy trốn mình. Bố không kịp đợi anh về qua nhà đã nằm xuống. Ngày bố mất anh cũng không về đội tang. Chái nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho anh vì điều ấy. Nhưng một ngày Chái ra thăm mộ bố, thấy mâm cúng lễ còn nguyên, chân hương còn mới thì cũng thấy lòng nhẹ bớt đi phần nào nỗi giận.
*
* *
Trời đã bắt đầu khô hơn, không còn cái cảm giác ẩm ướt của hơi nước bốc lên mỗi buổi sáng thức dậy. Khi những đám mây vừa kịp tan trên đỉnh núi thì gió bắt đầu tràn xuống khu đất mới tái định cư của xóm người Nùng. Mấy hôm nay Chái bắt đầu dọn khu đất mới bên sườn nhà, rồi giục Ém đem quang gánh đánh mấy phiến đá ở gần để cuối năm thuê người đục tảng kê cột nhà. Chái sẽ phải dựng lại ngôi nhà cũ, mỗi ngày nhìn thấy những mảnh gỗ nằm ngổn ngang trước mắt lại cứ nghĩ chân tay mình bị cắt bỏ xếp cùng vào đó. Nhìn mẹ già hàng đêm lần mò những điều quen thuộc trong bóng tối ngày nào thì ngày ấy lòng Chái còn như cây rừng trong bão.
Lại đêm. Chái nằm trong giường mà nghe rõ tiếng đá lở từ trên vách núi vọng về. Mà cũng không rõ là tiếng đá lở hay là nhà ai đang cuốn cót phơi ngô đêm muộn không nữa. Trong nhà, mùi cám ngô bén đáy nồi sực lên váng vất. Qua ánh lửa liu riu Chái thấy mẹ vẫn thức. Mẹ ngồi áp má vào cây cột ống mai đã khô bóng lên lấm tấm ướt. Không lẽ đàn bà thường thích ngồi áp má tựa vào cột nhà bếp đến thế. Chái chợt nhớ cây cột nhà bếp ngôi nhà cũ. Cây cột có hai vết đen bằng bàn tay lâu ngày bóng lên như có nước, một cao, một thấp. Có lần Chái thấy Ém ngồi áp má vào cây cột ấy bên bếp lửa lúc cả nhà đã ngủ say. Ém ngồi khóc một mình, nước mắt tràn xuống má thấm vào cây cột nghiến càng làm nó thêm bóng qua ánh lửa. Đứa đàn bà đến làm dâu lạ nhà, lạ người khi thương nhớ về nơi mình sinh ra chỉ biết đứng ôm cây cột bên bếp mà trộm khóc, khi mỏi chân rồi thì ngồi xuống mà nước mắt vẫn chưa hết. Ém tự nguyện theo Chái về làm vợ còn khóc nhiều thế, huống hồ bà nội, mẹ Chái, ngày lấy chồng mới biết rõ mặt chồng… Rồi cả cô vi nữa, cô cũng ngồi khóc bên cây cột bếp ấy. Chỗ vết đen bằng bàn tay người lớn cứ thế bóng lên qua mấy đời người bởi những người đàn bà trong căn nhà này âm thầm tưới nước mắt lên nó.
Và cây cột ấy, thành cái khăn, thành vạt áo lau nước mắt khi nào không hay.
Đã nhiều lần Chái tự hỏi, mình có nhớ hết những câu chuyện trên chính ngôi nhà cũ? Chắc chẳng bao giờ Chái quên được, khi nhìn vào đâu cũng thấy nhớ, có những thứ ám ảnh Chái mãi đến tận bây giờ. Lại nhớ ngày chuyển nhà đi. Khi những tấm ván lát nền gian nhà của bố được tháo tung ra rải dưới đất. Dưới ánh mặt trời Chái vẫn nhìn rõ những vết loang đã lấm tấm vẩn mốc, qua thời gian của váng mỡ gà thiến, mỡ lợn quay chặt xổ ra trên mặt ván. Lần ấy vào nhà mới, gian nhà của bố vừa dựng xong. Ông bảo thịt lồng gà thiến béo đã nhốt cả tháng dưới gầm sàn. Anh em, bạn bè kẻ gần người xa đều mang tới góp chung con lợn quay để chúc mừng nhà mới cho bố. Trong đám đông anh em bên Tà Pởi sang mừng tân gia, Chái để ý tới người thanh niên cao lớn, khuôn mặt bời bời sáng luôn trộm nhìn cô Ví từ phía sau. Mấy lần Chái bắt gặp cô Ví cũng nhìn anh bằng đôi mắt rất lạ từ sau đám người đang nói cười ngả nghiêng giữa nhà. Đến giữa buổi, người thanh niên ấy được mời giúp chặt thịt gà, thịt quay. Một mình anh ngồi giữa gian nhà bốn xung quanh đã xếp gà, xếp thịt đợi lưỡi dao “tàu slừ” pha chặt. Chái nhìn đôi bàn tay anh cầm dao phóng xuống những miếng thịt gà, thịt lợn vuông vức, đèm đẹp bay ra mâm. Mỡ bắn lên người, bám cả lên tóc nhìn như một con sâu tắm trong mỡ, mà người chặt vẫn cứ chăm chú làm. Chỉ lâu lâu mới liếc mắt về phía cô Ví một lần. Chái thấy cô trộm cười, đôi mắt sáng như cua đá đêm mưa rào tháng ba nhìn đáp lại. Sau bữa ăn, người ấy cầm chén rượu đến mời cô Ví một chén, nói một câu với cô rồi xuống thang ra về.
Suốt những ngày sau đó, cô Ví bỗng ít nói, ít cười. Đêm đêm bồn chồn thức đến gần sáng, bà nội phải giục mấy lần mà cô vẫn chưa chịu bước vào buồng. Có lần Chái thấy cô ngồi ngủ quên bên cạnh bếp lửa. Mãi như thế cô bỗng như người lên cơn sốt kéo dài. Hết ngồi bên bếp, cô lại bước ra ngoài ngồi dưới gốc cây mận già. Đêm sương xuống thấm thành từng vũng ướt trên lưng áo chàm biết bao nhiêu ngày… Người ta bảo cô đã trúng độc sâu râu hổ của người ác. Thứ độc ấy làm người ta chết mòn như cái dây bị rút hết nhựa. Chái bỗng rùng mình nhớ câu chuyện về thứ độc từ sâu râu hổ mà đứa bé nào cũng bị người lớn đem ra kể dọa. Ở đất này vẫn có những dòng họ âm thầm nuôi loại trùng độc ấy. Người ta lấy từ râu hổ săn được cắm vào cây măng non, cây măng ấy thối rữa sinh ra một loại sâu lạ. Người nuôi bắt về bỏ vào chum đặt nơi tối vắng, đêm trăng tròn thì thả vào đó con gà, miếng thịt sống để nuôi sâu. Người ác lấy phân con sâu ấy bỏ vào rượu, người khác uống vào sẽ chết dần chết mòn, người khô đét như phiến đá, đem chôn dưới đất, thịt không thối được. Con sâu ấy cũng làm được thứ bùa tình. Nhốt một con đực ở cùng một con cái để chúng giao phối phóng ra một thứ nước tinh chiết, đem nước ấy thấm vào giấy bản, nhúng vào rượu mời người mình yêu uống thử một lần thì đời đời nhớ về nhau, khắc cả vào xương cốt. Nhìn cô Ví héo rũ đi từng ngày nhưng đôi mắt vẫn sáng rực, lại nhớ người thanh niên ngập trong nước mỡ bắn lên như con sâu trong nhà lần trước làm Chái sợ hãi mà không dám nói ra với ai. Đêm nằm ngủ nhắm mắt vào vẫn thấy những con sâu lớn bò lồm ngồm trên xà nhà, cả dưới gầm giường suốt thời gian dài.
Ông nội không tin chuyện về sâu hổ bùa yêu. Nhưng ông sợ sẽ có người con gái ế chồng trong nhà. Ông nhận lời gả cô cho người đàn ông chết vợ bên kia Tò Tẩn. Cô Ví theo chồng về đất khác, được ba năm thì chồng cô ngã núi chết. Cô chưa kịp đẻ con cho riêng mình mà chỉ sống qua ngày cùng đứa con của chồng với người vợ cũ trong căn nhà nằm giữa rừng hóp quanh năm rì rào tiếng gió. Cô về thăm bà mấy lần, Chái nhìn cô vẫn héo úa như ngày nào, nhưng đôi mắt không còn rực sáng như trước nữa.
Chái nằm nghĩ về cô đợi trời sáng mấy đêm liền, ngoài cửa tiếng mẹ già vẫn âm âm như tiếng gió trên rừng hóp nhà cô thổi về.
*
* *
Con đường mới làm xong đi qua Khau Dàng vắt mình lên đèo như cái khăn vắt trên vai người xuống chợ. Từ trên xóm mới tái định cư, ban ngày nhìn xuống thấy những lá cờ sắc đỏ phần phật bay trong gió. Đi mãi theo con đường ấy sẽ đưa người ta tới những vùng đất rộng lớn trù phú, hay bé nhỏ nhưng vẫn đẹp như Khau Dàng này Chái không biết. Chái chưa đi xa Khau Dàng bao giờ nhưng chắc chắn nơi nào cũng đều mang cho mình riêng một câu chuyện không quên.
Đêm nay trăng lại sáng, Chái ngủ mê mệt từ đầu tối. Bỗng nghe có tiếng người nói cười ồn ã. Chái trở mình bước ra ngoài, một thứ ánh sáng rực rỡ như ánh lửa, như đèn măng sông phả ra choáng ngợp. Trên đống gỗ nằm dưới đất, Chái thấy ông nội ngồi tỉ mẩn đẽo lên cây cột cũ, thấy bố ngồi kéo xẻ tấm ván bưng trước hiên nhà, thấy cả anh Pài nhìn như xoáy vào vết rìu của bố. Tất cả những người còn sống, hay đã chết đều có mặt đang rì rầm kể câu chuyện của mình nhưng không một ai nói với nhau câu nào. Chái đưa tay dụi mắt, lại thấy ngôi nhà cũ đã được dựng lên sừng sững. Trên nhà người ra vào nườm nượp làm ván kê sàn kêu lên ken két.
Chái định bước lên thang, bỗng có ánh đèn xanh lét rọi từ con đường mới lên quét qua, ngôi nhà sừng sững biến mất trong tích tắc. Chái bám một tay vào bực cửa, hơi gió nổi lên lạnh ngắt.
Trước sân, bên đống gỗ nhà cũ, bóng mẹ già lồng lộng dưới trăng non.
N.V.L
VNQD