Chiến tranh

Thứ Ba, 18/12/2018 00:52

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi. Giờ đây người ta nhìn về nó với nhiều chiều kích khác nhau. Những người đã từng sống qua chiến tranh thường nhìn nhận chiến tranh qua thân phận con người, đó là những bi kịch được đẩy đến đỉnh điểm mà khi nhớ đến ta cứ bị ám ảnh dằng xé khôn nguôi.

Tôi có người anh chú bác ruột tên Phan Xuân Hiếu, nhưng tôi thường gọi theo tên thứ là anh Tư. Cha mẹ anh bị bệnh chết lúc anh mới đi lẩm đẩm. Thế là ba anh em của anh phải về ở với ba tôi. Sau này ông hay kể: “Tao chưa vợ mà có ba đứa con, lại nuôi thêm cha mẹ già nên vất vả lắm, ngày thì đi đập lúa mướn, tối đi đăng cá kiếm sống. Trong ba anh em nó, thằng Hiếu là sáng dạ nhất, cho nó đi học thì nó bỏ học theo trâu vậy mà rồi không biết ai dạy nó mà khi lớn lên nó vẽ đẹp, hát hay, đàn giỏi lại biết sửa la-dô (radio), đồng hồ, làm thầy giáo dạy chữ. Cái thằng thiệt lạ!”.

Đó là ba tôi chưa kể hết về anh Tư, ảnh đẹp trai lắm, tướng tá thanh thoát, mặt mày sáng trưng như mặt nghệ sĩ trên sân khấu. Anh còn biết cả bùa lỗ ban và trị bệnh. Hồi xưa những người như thế được xóm làng rất kính trọng. Cái lớp học ở xóm do anh dạy, gái làng mười tám đôi mươi đến học đông hơn con trai. Phần đông họ học không phải vì chữ mà để đăm đắm nhìn thầy giáo. Sòng đờn ca đêm đêm của anh cũng thu hút rất nhiều người. Anh ca hay như Thành Được (một nghệ sĩ cải lương nổi danh vào thập niên sáu mươi của thế kỉ hai mươi). Khi anh cất lời ca bay bổng theo gió, nhiều cô gái khóc nức nở, họ khóc không vì sự xúc cảm của tuồng tích mà khóc vì tình đơn lẻ của mình.

Giữa đầu thập niên sáu mươi, thế kỉ hai mươi, chiến tranh đã nổ ra ở miền Nam, thế nhưng thật lạ, từ làng tôi nghe tiếng bom rền pháo dội xa xa thôi chứ chiến tranh chưa kéo về nơi đây. Nhịp đời của làng tôi vẫn bình thường, ngày người ta đi làm đồng, khi đêm đến trai gái làng tụ tập quết bánh phồng trong tiết trời cận tết se lạnh, rồi đàn hát thâu đêm. Giữa lúc ấy có gia đình của bác Tám Vịt (ông làm nghề nuôi vịt chạy đồng) từ Long Xuyên chạy giặc đến xin ở đậu trên đất ba tôi. Ba tôi cho ở, cho cây lá lợp nhà, thế là tình thân bắt đầu giữa hai gia đình. Bác Tám Vịt có ba người con, người con lớn là chị Hai Xuân, lúc ấy mới mười tám tuổi, chị hiền lành nhưng đẹp lạ đẹp lùng, gái ruộng mà gót chân đỏ như son, da trắng như ngọc, mắt chị long lanh mà thăm thẳm buồn như hồ thu, tóc chị đen dài nhìn nó là lòng xao xuyến lạ. Bao nhiêu trai làng tôi thầm yêu chị, nhiều người nhờ mối mai đến hỏi cưới nhưng chị đều từ chối.

Một bữa bác Tám Vịt sang nhậu với Ba tôi, lúc ngà ngà ông nói: “Con Hai Xuân nó thương thằng Tư Hiếu rồi đó, chú coi mà tính”. Từ đó để ý thấy tối nào chị Hai Xuân cũng đi nghe anh Tư đàn ca, mắt chị nhìn anh ướt rượt. Khi họ tình cờ đi với nhau trên đuờng mấy người già của làng nhìn bảo: “nó đẹp đôi làm sao, đúng là trai tài gái sắc”.

Chiến tranh lan rộng đến làng tôi, pháo bầy từ chợ Bạc Liêu đêm nào cũng bắn ra. Ngày thì “đầm già” lượn lờ phóng pháo, đêm “cá nhái” soi bắn xuống xóm làng. Cứ hai, ba đêm là đầu trên xóm dưới tiếng khóc rộ lên vì có người chết. Nhịp sống của làng bị đảo lộn hoàn toàn. Giặc giã người ta chỉ lo cho sống chết, nên mùa màng thất bát liên miên. Anh tư Hiếu và đám trai làng trốn chui trốn nhủi vì sợ bắt quân dịch. Kinh tế nhà nào cũng kiệt quệ, vậy nên anh Tư Hiếu và chị Hai Xuân thương nhau đã ba năm mà ba tôi không có tiền làm đám cưới cho họ. Rồi cũng tại một bữa cơm ở nhà tôi, vào lúc rượu ngà ngà, bác Tám Vịt lại nói với ba tôi: “Tôi gả con Hai Xuân cho thằng Tư Hiếu không đòi gì hết để trả cái nghĩa chú đùm bọc gia đình tôi mấy năm về đây”. Thế là ba tôi làm một mâm cơn cúng ông bà, mời bà con lối xóm đến chứng kiến cái lễ gá nghĩa giữa anh Tư Hiếu và chị Hai Xuân. Đó là một đám cưới đơn sơ thật sự, không có áo cưới, bông tai, vàng bạc vậy mà họ về với nhau bằng niềm hạnh phúc ngất trời. Ba tôi cất một cái chòi ven sông Thào Lạng, sắm cho miệng đáy để cho hai vợ chồng sinh sống. Ở đó hai đứa con anh lần lượt ra đời. Cứ im tiếng pháo là căn chòi ấy nở rộ tiếng cười, réo rắt tiếng đàn ca.

Nhiều trai làng đi kháng chiến, dòng tộc nhà tôi nhiều người đi kháng chiến kể cả anh thứ hai của anh Tư (sau này anh hi sinh) nhưng ba tôi nhất quyết không cho anh Tư Hiếu đi vì hai đứa con anh còn nhỏ quá, anh trốn chui trốn nhủi để làm nuôi vợ nuôi con. Vậy mà rồi đến năm 1970, lúc đó tôi mười tuổi, còn nhớ hôm đó là một buổi hừng đông, chị Hai Xuân bụng mang dạ chửa đứng phía bên kia sông vật vã gọi sang nhà tôi bằng giọng hoảng loạn nghẹn ngào rằng anh Tư Hiếu đã chết. Lúc đó, anh mới ba mốt tuổi. Mấy bà già ở xóm nức nở “Tướng mạo nó như vậy sao mà nó chết yểu được hỡi Trời”.

Chôn cất anh Tư Hiếu xong, chị Hai Xuân trở thành góa phụ. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, bom pháo đầy trời. Người ta ăn cơm cũng phải ngồi cạnh miệng hầm tránh pháo. Lúc đó Phượng con gái lớn của chị mới sáu tuổi, còn thằng Dũng thì bốn tuổi, chị lại sắp sanh, sợ tên bay đạn lạc, ba tôi đưa chị qua sông ở tạm, đó là ấp Cả Vĩnh - nơi mà “ngày thì Quốc gia, đêm thì “Việt cộng” nên cũng ít bị pháo dập. Suốt ngày chị ngồi trước bàn thờ anh Tư nhìn di ảnh của anh bằng ánh mắt rờn rợn vô hồn vô vọng. Gia đình chị sống bằng nguồn chu cấp của dòng họ, lâu lâu ba tôi gởi cho ít gạo, chú bác, cô dì gom góp cho một ít tiền... khoản này chỉ đủ cho mẹ con chị sống cầm hơi thôi, vì thời đó chạy giặc liên miên ai cũng nghèo không có để mà cho nhiều. Khi chị ở cữ, hai đứa con chị như vịt lạc đàn. Trước khi dọn cơm thằng Dũng đi thất thơ thất thểu qua mấy nhà hàng xóm gọi ba nó về ăn cơm! Chị Tư nuốt một cục uất hận nói với con gái “Phượng! Kêu em về, ba ăn trên bàn thờ rồi con ơi !”.

Chị sinh con trai, nó giống anh Tư như đúc. Chị ôm nó đứng một mình trước bàn thờ anh Tư trông cô đơn và tuyệt vọng đến khôn cùng. Sau khi ở cữ một tháng, chị nhắn ba má tôi sang, vẻ rất quan trọng, chị nói trong nước mắt “Chú thím cho con về Long Xuyên ở với ba má con (gia đình bác Tám Vịt rời xóm tôi về quê trước đó bốn năm), chứ ở đây nhớ anh Tư con không sống nổi, hơn nữa con cái con nheo nhóc không làm gì được. Chú thím cũng khổ quá! Cho con gửi bàn thờ anh Tư lại, con chỉ xin mang theo tấm hình của ảnh”. Má tôi khóc như mưa, ba tôi thì mắt ráo hoảnh mà chất chứa sự dằng xé đau đớn. Mấy ngày sau ba tôi đành sắp xếp đồ đạc rồi gởi bốn mẹ con chị theo ghe chế Sáu Hên về Long Xuyên. Chị đi rồi, ba tôi một mình ở trong căn nhà chị một đêm, sáng ra ông như từ cõi nào trở về, đi liêu xiêu, đầu bạc trắng.

Từ đó chị biệt tăm nơi quê chồng mấy chục năm. Dòng họ tôi cũng có nhận những thông tin loáng thoáng về chị, rằng: Mẹ con chị về ở với bác Tám Vịt một thời gian rồi bác Tám trai, bác Tám gái lần lượt qua đời, không ai đùm bọc, chị phải gá nghĩa với một người đàn ông khác. Không biết vì nghèo quá hay vì ý kiến của người chồng mới mà chị đem thằng con út của anh Tư Hiếu đi cho người khác. Thằng Dũng thì chị cho đi ở đợ làm ngư phủ cho ghe biển, chủ ghe vượt biên mang luôn thằng Dũng theo, chẳng may chiếc ghe ấy chìm, thằng Dũng chết theo đoàn vượt biên ấy. Mấy năm sau, trong lúc chị cùng người chồng mới đi gặt mướn thì giẫm phải mìn còn sót lại trong chiến tranh, người chồng chết còn chị thì bị thương khắp người và phải cưa một bàn tay.

Từ đó bên chồng hết thương nhớ chị vì chị không làm được bổn phận của một người mẹ, người vợ. Chỉ có ba tôi thì lên Long Xuyên tìm thăm chị hai lần và ông bảo “Hoàn cảnh nó như vậy, không có chồng, không cho con làm sao mà sống”. Nói xong ba tôi ứa nước mắt. Kể từ khi ba tôi qua đời, cái dòng họ Phan cắt đứt liên lạc với chị.

Thế rồi vào năm 1999, đột nhiên chị về, đi thăm khắp dòng họ bên chồng. Chị ghé nhà tôi. Ba mươi năm cũng không phải dài lắm vậy mà nhìn chị tôi ngộ ra thế nào là vật đổi sao dời của cuộc đời. Trước mặt tôi là một người đàn bà năm mươi tuổi mà già sọm như sáu mươi. Mặt chị lỗ chỗ vết thương, tay cưa đến nửa cườm. Chị mặc một chiếc áo vá, tay xách chiếc vỏ đệm. Tôi nhìn mãi không nhận ra một nét quen thuộc nào của chị Hai Xuân ngày xưa. Mặt chị lúc bình thường lúc ngơ ngẩn, mắt chị lúc buồn, lúc vui, lúc dài dại. Chị nói chuyện rổn rảng, ý nọ xọ ý kia, không đầu không đũa. Mới đó chị bảo “Chị ở nhà chú ăn cơm chơi một đêm”. Chốc sau chị lại nói “Chút nữa chị đi thăm anh Ba” (anh ruột của anh Tư Hiếu). Tôi được dòng họ bảo mặt mũi, tướng tá giống y như anh Tư Hiếu (và cũng chính vì điều này mà hồi còn sống anh Tư đi chơi ở đâu cũng vác tôi trên vai đi theo). Vậy mà khi gặp tôi chị không tỏ vẻ xúc động nào cả. Tôi chợt nhớ còn ba ngày nữa là cúng cơm anh Tư nên hỏi chị “Chị nhớ cúng cơm anh Tư ngày nào không?”. Chị ngớ người ra chiều suy nghĩ, hồi lâu chị bảo: “Lâu quá quên rồi!”. Tôi thất vọng về chị, bao nhiêu tình cảm trôi tuột hết.

Năm xưa, sau khi mẹ con chị về Long Xuyên, anh Ba, anh ruột anh Tư Hiếu sang chở cái bàn thờ anh Tư về thờ đến bây giờ. Mấy ngày nay anh Ba cố giữ chị lại để dự đám giỗ chồng. Buổi cúng cơm anh Tư tôi cũng ra dự. Bà con đến với chị rất đông, họ thương anh Tư Hiếu đi cúng là một lẽ, lẽ khác là đi thăm chị Hai Xuân. Mấy chị con cô ruột tôi, tức chị chồng cô cậu ruột với chị Hai Xuân vây lấy chị, ôm chị mà giọt ngắn giọt dài. Thế nhưng chị Hai Xuân hoàn toàn không có một giọt nước mắt, vẫn nói vẫn cười rổn rảng. Chế Út biết nhắc chuyện cũ “Hồi đó thằng Tư Hiếu nó đẹp trai lắm, mặt nó sáng trưng vậy mà không biết tại sao nó chết yểu”. Nói tới đó chị Út khóc, rồi chị Chín Đầy, chị Ba Hóa... khóc theo. Còn chị Hai Xuân thì cười ré lên “Ừ ảnh đẹp trai lắm, nhiều cô ở xóm mê, nhưng ảnh chỉ thương có mình tôi”, nói dứt câu chị lại cười ngặt nghẽo. Bao nhiêu ánh mặt đổ dồn về chị, có người lắc đầu buồn bã.

Đám giỗ tan, nhưng anh Ba mời một số người ở lại, trong đó có tôi, vì rằng tối nay còn một chương trình đàn ca do mấy anh vốn là bạn đàn ca ngày xưa của anh Tư Hiếu hằng năm đều tổ chức để tưởng nhớ anh. Sòng đàn ca đêm ấy tưng bừng vì ai chơi cũng nhiệt tình. Chị Hai Xuân được mời ngồi nghe ở chỗ trang trọng, càng về khuya tiếng đàn càng du dương, tiếng hát càng mùi. Họ hát những bài hát mà ngày xưa anh Tư Hiếu ca, ai cũng xúc động, rơm rớm nước mắt, chỉ có chị Tư Xuân thì cười vui như mụ đàn bà điên. Phút tưởng niệm rồi cũng qua, men rượu làm cho sòng đờn ca xôm tụ như pháo nổ, giờ đây chỉ còn lại niềm vui của những người đang sống. Đột nhiên mặt chị Hai Xuân trở nên lạ lùng, cứ dài dại như nhập đồng, rồi xanh xao tái mét. Tôi đến nói nhỏ. “Nếu mệt thì chị đi nghỉ đi”, chị bảo “Ừ, chị đi ngủ đây”. Chị Hai Xuân là vậy, vô tâm vô tính. trong lúc người ta buồn thì chị vui, trong lúc người ta vui thì chị buồn.

Khoảng mười hai giờ đêm thì sòng đàn ca tan, tôi dẫn xe chạy về chợ Bạc Liêu, xe đến hậu đất anh Ba, nơi đặt mộ của bác Năm tôi và anh Tư Hiếu thì tôi rụng rời, mình mẩy nổi da gà, trên đời này có ma ư? Trong ánh trăng non ẻo lả ma quái tôi nhìn thấy một người đàn bà đang xõa tóc quỳ trước ba cái mộ. Tôi dừng xe, định thần nhìn kĩ thì nhận ra chị Hai Xuân đang quằn quại khóc. Tiếng khóc nho nhỏ mà thiết tha đến tận cùng, nó nương theo tiếng gió mà len lõi vào tận tim tôi. Tôi chưa từng nghe tiếng khóc nào đau đớn như thế, nó nghẹn ngào đến vô tận, uất ức tủi cực đến vô cùng và hối lỗi vô biên. Tôi đổ gục xuống vệ cỏ mà khóc theo chị. Chị vẫn ngồi đó, rất khuya, cái dáng mảnh mai gầy guộc như tan vào sương khuya. Tôi vẫn ngồi đây, rất khuya, để mà nghe mà ngộ ra cái niềm đau đớn tận cùng của kiếp nhân sinh.

P.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)