Truyện ngắn. NGUYỄN THỊ THU HUỆ |
Hường hiện ra ở cửa phòng riêng của ông Văn “Bố mẹ thằng Huy đến, anh xuống đi”. “Tôi đã nói là đi vắng rồi, sao cô luôn quyết trái ý tôi thế nhỉ”. “Nếu con anh cần xin việc, đến nhà sếp nó, bị chối phắt, anh sẽ thế nào? Làm gì cũng nên đặt mình vào phận người khác chứ”. Ông Văn nhìn, rồi đứng dậy. Hường má đỏ, mặc váy hai dây, ngực đầy phập phồng “Em đang vì anh đấy”.
Em đang vì anh đấy luôn là câu kết của Hường, sau những tranh luận, cũng là mệnh lệnh ngầm khi ông không đồng ý làm việc này việc kia. Lấy nhau gần hai mươi năm, ở cùng phòng dăm tháng, sau mỗi người một tầng. Hường vốn là hàng xóm nhà ông bà ngoại Văn. Mỗi năm, Văn về nhà ông bà vài lần, luôn gặp Hường đang làm giúp bà như dọn tủ sách, dỡ đồ trong bếp ra bắt chuột, hay cùng làm cơm cúng rằm. Chưa bao giờ Văn nhìn kĩ Hường. Một lần, bố mẹ nói “Tối nay sinh nhật ông đấy, không được trốn đâu”. Văn đành về, vì với anh, thời gian một ngày không bao giờ đủ. Đọc hàng chồng sách nghiên cứu, vào thư viện tra tư liệu, cả năm mới xong một công trình khoảng trăm trang, ngoài việc làm thường xuyên là lên lớp giảng về các chuyên đề văn hóa dân tộc.
Sinh nhật ông, là lí do gia đình giới thiệu Hường với Văn. Mâm cơm khá thịnh soạn và Hường ở lại ăn cùng. Anh cười “Sang chực cỗ nhà anh à, lô tô”. Hường hôm nay mặc áo sơ mi hoa, tóc thả thẳng, tay đeo đồng hồ. Má đỏ, môi hồng, mắt tô mí xanh nước biển. Lô tô là biệt hiệu của Hường. Người chưa thấy, đã nghe tiếng. Đi đứng xủng xoảng, ăn to nói lớn, khỏe mạnh.
Nửa năm sau, Văn cùng gia đình mang lễ sang hỏi Hường làm vợ. Từ cô học trung cấp Y bỏ việc, lấy Văn, thành vợ giáo sư. Thời kì đầu, bạn bè hay học sinh của Văn tới nhà, Hường chỉ mang nước, trái cây ra mời xong biến mất. Vài năm sau, cô ngồi cạnh chồng, phán thẳng vào việc của mọi người, từ kết cấu cũ của ngôi đình giờ bị thay mới, văn bia hay câu đối mất hết thay bằng hoành phi sáng choang.
Bốp bốp. Văn nhiều lần điên tiết, khách vừa khuất sau cánh cổng sắt là Hường ăn vả nổ đom đóm mắt. Biết chồng lên cơn điên, cô lặng lẽ rút vào phòng riêng, xem phim Hàn Quốc dăm phút là quên. Hết phim. Ra bếp, hấp óc tần thuốc bắc ngải cứu, bưng lên cho Văn, như không có chuyện vừa dính mấy cái tát trước đấy hai tiếng.
Cuộc sống vợ chồng của hai người lệch nhau hoàn toàn vì sự khác biệt văn hóa, tri thức và thói quen ứng xử - điều Văn không quan tâm và nghĩ là quan trọng trước khi lấy Hường. Ba năm nay, sau khi con gái duy nhất ra nước ngoài học, quan hệ của hai vợ chồng rẽ sang một hướng bất ngờ.
Hường ngoại tình.
Người này kém tuổi Văn, làm giám đốc một công ti xây dựng khá lớn. Ông nghe được chuyện này từ Vân, em gái “Anh phải rất bình tĩnh, chuyện cực kì hệ trọng, không nóng được. Chị Hường sau khi suy nghĩ kĩ, đã trình bày xin em tư vấn. Chị ấy yêu và kính trọng anh còn hơn bố đẻ, nhưng biết thân phận mình chỉ đáng làm tôi tớ cho anh. Chuyện sinh hoạt vợ chồng cũng căng. Anh và chị ấy li thân lâu quá rồi. Anh cũng chẳng quan hệ với ai, quá phí và không cân bằng sinh lí, hại người. Chị ấy không lí trí như anh, nên quan hệ với ông Hoành. Ban đầu chỉ đơn giản chuyện thể xác. Lâu dần, thấy hợp nhiều thứ khác. Chị ấy không biết làm sao, xin em lời khuyên. Quyết định thế nào do anh hết”. Văn khoắng cốc cà phê, uống từ tốn, im lặng. “Em đưa các phương án: 1/ Li dị - đi tay không; 2/ Gọi ông Hoành đến ba mặt một lời xong cấm quan hệ; 3/ Cho quan hệ với ông Hoành nhưng kín đáo và giữ nguyên cuộc sống như hiện tại với anh; 4/ Tha thứ, xí xóa hết, anh cho chị ấy quay về, chấm dứt ngoại tình”.
Văn ngồi im, không cảm xúc, như lần quyết định lấy Hường. “Anh chọn phương án nào, để em gặp chị ấy”. Vân nói một lèo như trút gánh nặng, nhìn anh trai, chờ đợi. “Tùy. Muốn thế nào cũng được”. “Ơ cái anh này. Chuyện lớn, anh cứ tùy. Ngày xưa, em đã nói anh tính kĩ việc nể bố mẹ chấp nhận lấy chị Hường. Bao năm sống như chết với vợ, anh không ngấm hay sao mà giờ đến thế này vẫn tùy?”. “Anh không quan tâm. Em biết đời anh chỉ yêu chị Nhâm. Không lấy được chị ấy, coi như xong. Thế nên, sau này, lấy Hường và sống thế nào không quan trọng. Đời anh chỉ cần được làm việc anh thích là đủ”. “Thế anh li dị đi, giải thoát cho cả hai. Xã hội giờ không khắt khe chuyện bỏ vợ đâu. Em sẽ giải thích với cháu Tuyền”.
Hai người ngồi lặng nhiều phút. Vân nhìn anh, hi vọng Văn có quyết định gì, nhưng có vẻ ông đang nghĩ chuyện khác. Rồi Văn nói “Có cái đình hơn hai trăm tuổi, xã phá xong, bê tông hóa, xây thêm tháp. Mai bọn anh phải đến ngay, hi vọng các tấm bia cổ vẫn còn”. “Ôi giời ơi. Chuyện sát sườn của anh, lo cho xong đi. Hay em quyết thay”. “Chuyện Hường á? Các cụ nói vạn sự tùy duyên. Hết duyên thì tan, có gì đâu mà em căng thẳng thế”. “Bỏ nhau, ai lo hậu phương cho anh? Lâu nay một tay chị ấy làm hết, giải quyết chuyện họ tộc giỗ chạp. Anh là trưởng, lại con trai độc. Chị ấy đi lấy chồng, anh sống thế nào”. “Người ta sống được, anh sống được. Anh ăn uống dễ. Hàng quán đầy”. “Già, ốm đau ai chăm. Anh làm ơn nghĩ đến anh đi, rồi hãy lo việc bảo tồn di tích và viết công trình”. Nước mắt em gái lăn dài, mặt cau rúm lại đau khổ, lo âu. Văn ái ngại nắm bàn tay Vân đang run cầm cập vì xúc động “Trước còn bố mẹ quyết. Giờ bố mẹ mất, em quyết thế nào, anh theo thế đấy”. “Em biết anh khinh chị Hường ít học, nhưng chị ấy ném vào đâu cũng sống. Còn anh, sống một mình không được. Kiểu anh, chả tự mò đi tìm vợ, ở vậy mãi là hâm đấy. Thôi anh cứ đi công tác, mọi việc để em lo”.
Bốn ngày sau khi lăn lóc hiện trường, lấy thông tin từ các cụ già nhất làng, đi tìm lại những bia đá bị mất, Văn về, hỉ hả vì kết quả thu được. Chưa kể nhóm ông đã gặp lãnh đạo huyện, xã yêu cầu dừng thi công đình mới, quay về bảo tồn tôn tạo ngôi đình cũ.
Ở nhà, Vân đã giải quyết với Hường, theo phương án 3: cho quan hệ trong bí mật, giữ hạnh phúc gia đình (bề ngoài) và Hường phải có trách nhiệm nghĩa vụ với ông Văn như lâu nay.
Đối mặt với một thay đổi lớn ẩn chứa dưới vỏ bọc bình thường, mọi chuyện không đơn giản như ông Văn nghĩ. Dù không yêu Hường, nhưng chuyện cô quan hệ với người đàn ông khác thỉnh thoảng cũng chạy qua trí não. Đúng máu chảy ruột mềm. Em gái đã quyết đúng. Nếu bỏ Hường, Văn không tự sống một mình lo mọi chuyện vì lâu nay Hường làm tất. Thường xuyên thay chồng tiếp những người khách ông không muốn gặp. Lúc như thư kí sắp xếp tài liệu, rồi soạn sẵn là phẳng quần áo Văn mặc hàng ngày, nhắc các cuộc hẹn, lo giỗ chạp nội ngoại, một mình thăm người ốm... Ông không bị sốc đột ngột khi nghe Vân nói chuyện này, mà nỗi đau nhú lên, cảm giác ấy từ ngày chia tay Nhâm, giờ quay lại. Ông không ghen điên loạn, mà âm ỉ lâu lâu xoáy tròn bụng như đau dạ dày. Ông, khi lấy Hường, rất lâu sau mới quen sống được với cô vì sự khác biệt. Quen kiểu lô tô rồi, giờ lại sống theo kiểu mới, là một vợ hai chồng. Đời quá trớ trêu. Người danh giá như ông, phải vài vợ song song mới đúng, đây lại ngược. Mà Hường là ai, bằng cấp không, xinh đẹp tuyệt mĩ không, văn hóa học thức cao không. Thế thì sao ông lại sống nhục thế này? Chấp nhận chuyện vợ mình, một người quá đỗi tầm thường công khai ngủ với thằng khác, chuyện như đùa, nhiều đêm ông chua chát cười khẩy bên chai rượu.
Ông bắt đầu mất ngủ. Người như mộng du, ám ảnh, kinh sợ và khinh bỉ Hường. Nhiều đêm, vừa tu rượu thẳng từ chai, ông mở ngăn kéo bàn, nơi cất những gì thuộc về kỉ niệm. Những tập các vi dít. Vài cuốn sổ nhật kí từ ba mươi năm trước, những lá thư của bạn bè, tập danh thiếp hay chiếc đồng hồ thời sinh viên, bút bi có khắc chữ thương tặng ông được bày hết lên mặt bàn gỗ. Cuốn nhật kí bìa cứng, giấy ngả vàng phần viết về Nhâm. “Ngày... 19...! Còn ba ngày nữa phải trả lời Nhâm, về việc đi Phú Yên thăm nhà nàng. Đi sao được khi hết phép năm rồi. Đã quyết gì đâu mà ra mắt các cụ, tự nhiên có thêm những quan hệ phải chăm sóc, trong khi mình đang vào dự án mới. Nhâm luôn là người quyết định mọi chuyện giữa hai người, giờ chưa sao, sau sẽ sao”. “Ngày… 19...! Nhâm biến mất. Đấy là cách Nhâm ra khỏi đời mình. Yêu Nhâm, nhưng không vì yêu mà bị coi thường. Mỗi khi mình không làm theo yêu cầu của Nhâm, là cắt đứt. Khi mình đã quen với chuyện chia tay, Nhâm lại xuất hiện như không có chuyện gì xảy ra. Lần này thì khác. Đã có chuyện xảy ra. Chào nhé, Nhâm, anh không tha thứ cho em thêm lần nào nữa. Quá đủ rồi”.
Cuốn nhật kí cho tới gần trang cuối cùng, phía trên có ghi tháng 12, Nhâm được nhắc thêm lần nữa: “Hôm nay Nhâm tới trả những kỉ vật mình tặng. Nhâm nói, không có duyên vợ chồng, thì làm bạn. Mình nói, điều đấy khó. Sao làm bạn được khi sau này, Nhâm sẽ yêu người khác, mình cũng vậy. Chẳng nhẽ bốn người gặp nhau tỉnh bơ như không có quá khứ ấy. Quá khứ, với mình luôn thật. Còn hiện tại, chưa chắc. Cầm những đồ Nhâm trả, thấy mất toi ba năm. Ba năm đẽo mất một cục cảm xúc. Sau vụ này, sẽ cẩn trọng chuyện yêu. Thấy ổn, lấy luôn cho xong, để thời gian đầu óc làm việc, bận chết đi được”.
Những năm gần đây, thỉnh thoảng bà và ông có gặp ở những cuộc họp lớp cũ, vài cuộc hội thảo. Sau bốn tháng từ lúc biết chuyện Hường có bồ, ông gọi điện hẹn bà Nhâm uống trà. Sau đấy, tốc độ gặp lại nhau tăng nhanh, từ hai tuần một lần, đến tuần hai lần. Họ, bao lâu nay, dù đi đến chân trời góc bể nào, cả hai đều có gia đình, nhưng kí ức về mối tình đầu cùng những kỉ niệm đều được nâng niu cất riêng một góc. Chồng Nhâm từ lâu quay sang tu tập, ăn chay, ngồi thiền. Có năm ông rời nhà sáu tháng lên núi vào chùa đọc sách không về. Con trai học nước ngoài. Bà Nhâm chủ yếu sống một mình, cùng hai con mèo.
“Mình đi biển đi, lâu lắm rồi anh chưa có khoảng nghỉ nào”. “Em biết resort này bình yên lắm, em chủ động đặt nhé”. “Giờ anh theo em. Không ngu như xưa chống lại để mất em. May giờ tìm lại được, không cho em thoát nữa”. “Sao ngày xưa không nghĩ thế, có phải tiết kiệm được mười mấy năm không”. *
* *
Khi biết ông sẽ đi thực tế để khuây khỏa, Hường rất ủng hộ, mừng cuống khi thấy ông vui.
Chuẩn bị cho cuộc hẹn hò khiến ông háo hức, phấn khích. Cắt tóc, cạo râu, soạn những bộ quần áo đẹp nhất. Từ giày đến tất, quần lót hay lăn khử mùi hôi, viên ngậm bạc hà. Lần đầu tiên ông có cảm giác này, sau những ê chề của cuộc hôn nhân lười biếng. Hường xếp cho ông bảy gói sâm nước Hàn Quốc sáu năm, mỗi ngày một gói, một vỉ lọ atisô dùng pha với rượu trắng, vừa đảm bảo an toàn, lại có rượu ngon uống không lo rượu lung tung ngoài quán ngộ độc. Các loại thuốc huyết áp, đau bụng, tuần hoàn não…, nói chung không thiếu thứ gì. Suốt những ngày chuẩn bị, và lên đường, ông lảm nhảm với chính mình “Tại sao ta không như thế này, hai mươi năm trước? Chả thể có hai cuộc đời để biết khôn dại mà làm lại. Nhưng thôi, gần sáu mươi, chưa muộn. Đâu phải cứ lớn lên là hiểu giá trị của tình yêu và hôn nhân, nếu không tan nát do việc mình vô trách nhiệm với đời mình. Giờ phải khác”.
Phòng của hai người nằm trong khu resort bằng tre nứa xa thành phố du lịch. Sau lưng cao vút dãy núi, trước mặt bãi biển lặng ngắt riêng tư. Thiên đường địa giới. Ông viết câu đầu tiên vào cuốn sổ mới mang theo. Thói quen ghi nhật kí từ thời sinh viên tới giờ vẫn giữ. Thế này mới là cuộc sống. Cảm ơn trời phật, cảm ơn em - Nhâm của anh - đã cho anh hồi sinh.
Bà Nhâm cũng hồi hộp. Loáng thoáng trong không gian trong vắt của phòng khách nhỏ, kề bên phòng ngủ mùi hương bồ kết sả từ mái tóc uốn khéo, lớt phớt những sợi bạc pha màu bạch kim. Nhâm cười, khi ông nhìn và túm từng lọn tóc của bà “Cháu làm đầu gần nhà nói tóc cô ngày càng bạc nhiều. Cháu chải lai, tức là tăng thêm bạc nhưng màu ánh kim, bạc thật bạc giả lẫn vào nhau thành tự nhiên, cô không phải nhuộm đen nữa”. “Một phát kiến hay. Lấy độc trị độc”. Ông cười âu yếm nhìn bà.
Qua phòng khách, là ban công hướng nhìn ra biển cách đấy hơn chục mét. Lần đầu tiên, ông Văn ở sát biển đến thế. Bà Nhâm mang đi một vali to, như chuyển nhà. Bà cần mẫn bày bánh, nước ép trái cây, sữa hay cà phê, tất cả đều nguồn gốc organic. Những bịch hạt óc chó, đậu đỏ xếp đầy mặt bàn mây. Ông ngơ ngác “Những thứ này, ăn vào lúc nào mà em mang nhiều thế?”. “Bảy ngày, em tính kĩ rồi. Anh sẽ uống sữa, em ăn hạt với trái cây. Rau này em gửi nhà bếp, họ sẽ luộc giúp mình”. “Nhà hàng của khách sạn này rất nhiều món, mình cứ ăn cho tiện. Buffet sáng miễn phí, ăn no tới trưa. Em chu đáo nhưng vất vả quá”.
Bà Nhâm nhìn ông cười, nụ cười bao dung của người mẹ trước đứa con thiếu hiểu biết, ôn tồn “Tất cả những đồ ăn ngoài kia, là thực phẩm biến đổi gen, gây đủ loại bệnh. Sức khỏe của chúng ta phụ thuộc chính vào ăn uống hít thở hàng ngày. Ung thư ở Việt Nam cao gần nhất thế giới. Họa từ miệng vào. Bao năm nay em ăn chay, cơ thể em trong vắt tinh khiết. Anh nghe em đi, vẫn kịp”.
Oke, anh nghe em, ông Văn tự nhủ. Bảy ngày trước đã, chả đáng gì, không theo lại mất hứng Nhâm. Sau đấy, nếu cuộc tình này tiếp tục, tính sau. Ông cười cầu hòa. Nhưng cố vớt vát “Khách sạn năm sao, đồ ăn của họ chuẩn đấy em, toàn khách xịn mà”. “Em không nói họ mua đồ bẩn. Mà nói, nguồn gốc từ khi nuôi trồng đã hỏng rồi, ta không thể nạp vào người”.
Chuyện ăn uống chuẩn organic ông chỉ cầm cự được đến ngày thứ ba thì rình lúc bà đi xông hơi, lẻn xuống phòng ăn, gọi suất beefsteak đúp và pha ngay một lọ phi la tốp vào chai 30cc Vodka Nga, khoái cảm xơi và nốc. Trong lúc ăn, ông nhớ tới Hường. Ngày nào Hường cũng xách cặp lồng ra bà bán phở đầu ngõ xin tiết bò được hứng dưới cái rổ đựng thịt bò sống. Thường là nửa cặp lồng, cô mua thêm bát phở bắp gầu, xin chút nước dùng để chín phần nước tiết, kèm chục đầu củ hành. “Thịt bò giúp não khỏe. Anh dân chữ nghĩa, mệt óc lắm, không sướng như bọn tay chân chúng em. Ăn đều cực tốt chồng ạ”. Lần nào bưng tô phở có đủ dấm tỏi ớt lát và tô nước tiết để bên, Hường cũng xuýt xoa câu đó. Hai bữa còn lại trong ngày, luôn có thịt và dăm chén rượu ngâm. Giờ ăn các loại hạt và cơm gạo lứt, ông thấy người bâng lâng chơi vơi cảm giác khó tả. Không no, không đói, rệu rã, lười nghĩ, thích nằm khểnh nghe đài nhưng chả yên. Sau khi trốn Nhâm khoắng hết miếng bò dày 250 gram, ông như tìm lại chính mình. Rượu atisô ngày nào cũng uống, lần này sao thơm thấm thía.
Xong xuôi, ông chui vào toilet đánh răng súc miệng, khoan khoái nằm dài ra ghế tận hưởng lại hương vị món ăn như ăn trộm.
Chuyện ngủ, cũng organic. Đêm đầu tiên. Bà Nhâm mặc đồ lụa, đủ kín đáo nhưng gợi cảm. Ông thì pyjamas vải kẻ ô vuông, được ngâm giặt bằng nước xả hương hoa hồng của Thái, mùi hơi đậm giữa chốn tinh khiết khiến bà Nhâm hắt hơi bốn cái liên tục. Bà nhăn mặt “Vợ anh dùng nhiều chất tẩy độc hại quá, ung thư đấy”. Ông đã quen với những mùi hóa chất Hường thường xuyên dùng, nồng nặc mỗi khi cô lau nhà, chùi bếp hay xả quần áo. Thấy bà Nhâm nói vậy, ông ừ hữ “Cô ấy thích mùi thơm, có lẽ cho nước xả quá tay”. “Anh về phân tích cho vợ, hại lắm. Hít vào hàng ngày là ung thư đấy”. “Để anh bỏ quần áo ra”. Ông Văn vội nhảy xuống đất, trút quần áo, gập nhanh tống luôn vào tủ, đóng chặt. Còn trên người chiếc may ô, thơm mùi hoa hồng, ông cởi nốt, cất tủ. Chắc chắn quần đùi cũng nồng nàn hương hoa, nhưng không thể cởi, ông nhìn bà Nhâm, cười trừ, như trẻ con bị bắt lỗi làm bậy. Bà Nhâm bớt căng thẳng, tung cho ông cái chăn mỏng, cười nhoẻn nụ cười ngày xưa, mỗi lần bị ông cốc đầu tội lười trả sách thư viện.
Chăn đắp ngang ngực. Hai người nằm ngay ngắn trên chiếc sập. Ngoài kia, sóng vỗ êm đềm. Cửa ban công mở. Người ông dinh dính muối biển theo gió bay vào. Chân tóc buồn buồn, mồ hôi chảy. “Hay mình đóng cửa bật máy lạnh đi, anh hơi nóng”. “Không gì tốt bằng khí trời, lại trong lành thế này. Bên núi, bên biển không khói ô tô xe máy. Nằm im một lúc anh sẽ thấy mát. Cảm nhận thế nào về xung quanh do não quyết định. Anh nghĩ là mát, sẽ mát. Anh nghĩ, ôi nóng quá, sẽ toát mồ hôi ngay”. “Anh đang toát mồ hôi thật, không phải do nghĩ đâu em”. “Nằm im, bỏ chăn ra, tự nhiên, thả lỏng, anh thậm chí thấy rét đấy. Nhà em cả mùa hè không phải bật điều hòa, quạt phe phẩy số bé nhất, chả nóng, do em thấy mát”. “Oke, anh nghe em, nghĩ là đang mát, hi vọng sẽ mát”. |
Minh họa: Lê Anh |
Dù đã tắm và lăn khử mùi, nhưng ông Văn vốn hay ra mồ hôi. Mùa hè, trừ lúc đi làm, hoặc bia rượu vỉa hè, về nhà ông tắm gội xong bật máy lạnh. Với ông, đêm nay quan trọng hơn đêm động phòng với Hường, vì tối đó ông uống say khướt, mặc nguyên quần áo chú rể nằm phịch ra giường ngủ như bị đánh thuốc. Bao đêm, ông nằm tưởng tượng về đêm nay. Ở tuổi U60 hẹn hò mối tình đầu dang dở, lại dân nghiên cứu trí thức, thật khó hòa nhập nếu không bước qua lằn ranh đầu tiên. Và, mồ hôi túa ra, nhơm nhớp dính vì gió muối khiến ông hoang mang, mất tự chủ. Bỏ chăn ra khỏi người, ông nhích đùi về phía bà Nhâm, gác nhẹ. Cảm giác va chạm đầu tiên khiến tim ông đập mạnh. Mùi tinh dầu từ phía bà bay sang làm ông thêm luống cuống. Rồi quay người, lấy hết nghị lực, ông vòng tay xuống gáy cho bà gối đầu lên, nghiêng người bà sang ông cũng nằm nghiêng, khẽ đặt môi lên trán bà. Bà Nhâm gầy, người mảnh, nằm gọn trong vòng tay ấp mặt vào ngực ông, tay vòng ôm lấy lưng ông Văn. Chợt bà giật phắt người ngồi luôn dậy, tóc rối tung “Lưng anh ướt sũng rồi. Anh thấy không, do thừa cân đấy, lại bia rượu lâu năm, bao chất độc ngấm vào người. Nguy hiểm quá”.
Ông Văn nuốt một hơi thở dài vào trong, chống tay ngồi dậy, vuốt lại tóc cho bà Nhâm, giọng khản đặc “Mấy chục năm nay, chưa bao giờ anh nằm mà không có máy lạnh em ạ”. *
* *
Bảy ngày đi với Nhâm, ông hiểu ra một điều, không thể quay lại được quá khứ. Càng không thể lấy hiện thực bù đắp cho quá khứ. Nhâm vẫn là Nhâm, nghiêm khắc, chỉn chu, giờ nhiễm thêm sự kĩ tính của chồng, một dược sĩ ăn chay tập yoga và năm nào cũng nhập thất ngồi thiền. Khách sạn đặt bảy ngày sáu đêm. Sách hay chọn mang theo dăm cuốn, để hai người cùng đọc. Sổ ghi chép hai quyển, bút một nắm. Tất cả xếp nguyên không động đến ở góc bàn làm việc gỗ mun chạm trổ cầu kì. Nhiều lần, trong lúc bà Nhâm đi gội đầu, xông hơi, ông thấy mình như đang lạc vào cõi mộng. Không gì hoàn hảo hơn với người ham đọc ham viết như ông được sống trong căn phòng lớn, chia làm ba phần khéo léo bởi những bình phong gỗ chạm tinh tế. Phòng làm việc bên cửa sổ nhìn ra biển vắng, phòng ngủ thanh lịch rèm tơ tằm hoa sen thêu mềm, và góc phòng khách xinh xắn luôn có lọ hoa đại trắng thơm ngọt ngào. Đời ông chưa bao giờ tự do, sung sướng như những ngày này. Hường biết ông đi công tác những bảy ngày, cô vui như trúng số. Háo hức mua sắm các đồ dùng cho ông từ khăn mặt đến bàn chải đánh răng, gói lương khô đề phòng chưa đến bữa nhấm tạm vì ông hay hạ đường huyết. Vừa lau vali, xếp đồ, Hường vừa hát khiến ông cảm thấy, nếu mình đột nhiên biến mất, hay tốt nhất là chết, chắc Hường ăn mừng cả tháng.
Hoàn toàn tự do sống với người yêu trong mộng không như những kịch bản ông tưởng tượng. Khi mang những vỉ phi la tốp để pha rượu, ông nghĩ, hai người sẽ trải khăn ngoài bãi biển vào đêm trăng, nhậu với mực nướng, xoài xanh. Sẽ nói về những ngày đã qua, về hai cuộc hôn nhân thất bại (nếu không thất bại, sao lại hẹn hò sống thử với nhau ở tuổi này), nói về những đam mê, khát khao sự nghiệp, về những ngày tháng tới. Anh sẽ li dị Hường, cô ấy đã công khai sống với người khác. Cô ấy là người trung thực, tuy tầm thường nhưng tốt, biết anh mãi yêu em mà chưa một lần trách móc. Duyên số của anh và Hường đến thế thôi. Con gái anh định cư bên Nga luôn, nó luôn mong bố tìm lại chính mình và hạnh phúc. Ai cũng mong anh hạnh phúc em ạ. Anh sẽ bán nhà, chia cho Hường đầy đủ. Chúng ta là duyên trời định, dù muộn màng nhưng sống chất lượng còn hơn ở cùng nhà nhiều nhưng vô nghĩa. Chúng ta sẽ tạo ra những kí ức mới, đủ mạnh để xóa hết những năm tháng anh phí hoài vừa qua khi không ở bên em, Nhâm ạ.
Nếu ngồi bệt trên bờ cát, xé mực khô chấm muối chanh ớt cùng rượu mềm môi, chắc chắn ông sẽ nói những điều đó với Nhâm. Suy cho cùng, ai chẳng già và chết. Vậy, còn sống khỏe mạnh ngày nào, phải tận dụng làm điều mình ao ước, đúng không Nhâm.
Nhưng, đến ngày thứ năm, không có dấu hiệu họ sẽ nhậu ngoài bờ cát. Trong một ngày, ông thường rình lúc Nhâm ra góc chái nhà ngồi thiền hai tiếng lẻn xuống phòng ăn chén thịt. Đầu bếp Tây nên món nào thấm thía món đó. Chưa bao giờ ông được ăn ngon như vậy. Phần do bắt buộc ăn chay cùng Nhâm ba bữa, không uống rượu bia nên người ông luôn rỗng một cảm giác hoang mang. Thế nên, một đĩa gà rán kiểu Mĩ Latinh nước xốt béo ngậy bưng ra, kèm chai bia lạnh, ông không kịp nhai mà nuốt chửng. Đã quen với ông khách Việt Nam dễ tính phàm ăn, một mình xuống đánh nhanh thắng nhanh một suất đúp không bò thì gà, không gà thì tôm, mấy nhân viên phục vụ chạy quanh tíu tít vui. “Bác chắc bận lắm, lần nào chúng cháu thấy bác xuống ăn cũng nhanh gọn”. “Ừ, bác bận lắm. Bao nhiêu việc phải làm, điện thoại người ta gọi đến, ăn nhanh còn lên làm việc cháu ạ”. “Cháu chưa thấy ai đi nghỉ mà mang việc theo làm như bác”. “Số bác vất vả cháu ạ”. Ông cười hiền, ngoạm nốt miếng đùi gà thơm ngọt tận xương, tiện răng nhá luôn cái sụn vàng rộm.
Bữa tiệc trộm nhanh chóng kết thúc trong mười lăm phút. Thở phào, thỏa mãn. Ông cho phục vụ mỗi đứa mấy chục, chúng dạ ran, hẹn bác mai lại xuống với chúng cháu, nhà hàng còn nhiều món ngon lắm.
Ông đi thẳng ra biển, ngả người lên một cái ghế dài, nhắm mắt. Giờ mới là lúc tận hưởng sự ngọt ngào của thịt gà quay Tây Ban Nha kèm bia Corona lạnh. Từng tế bào đói khát của ông như được tiếp nhựa sống. Sau mỗi lần ăn vụng sau lưng bà Nhâm, ông thường ra đây nằm nghỉ, và nhớ Hường. Hường luôn học nấu các món ăn, cố không lặp lại trong tuần để ông không chán. “Đời người, ăn là một trong tứ khoái, tội gì không hưởng anh nhở”. Mỗi khi thấy ông chén ngon lành món mới cô nấu, nhấp chén rượu ngâm, mắt cô hấp háy cười. Họ hợp nhau chuyện ăn uống. Không hợp chuyện chăn gối. Lấy nhau gần hai mươi năm, vợ chồng ngủ cùng nhau không quá sáu tháng đầu. Hường có thói quen ngủ trong ánh sáng và vang tiếng tivi, phim truyện là tốt nhất. Ông thì ngược lại, phải thật yên tĩnh và tối đen mới ngủ được. Vài tháng sau khi cưới, mỗi người một phòng. Chuyện vợ chồng càng hiếm, nếu ông không thật say, không thể chạm vào người Hường vì cô có máu buồn, luôn hay ho hoặc hắt xì hơi đúng những lúc căng thẳng, xúc động.
*
* *
“Em nghĩ là anh đã uống rượu”. Bà Nhâm nghiêm khắc nhìn ông Văn. Ông Văn lúng túng. Ông không biết nói dối. Làm trộm thì được, chứ nói dối rất dở. “Em thấy hơi thở của anh có mùi hồng xiêm chín đêm qua”. “Vậy à, chắc hồi chiều anh có uống chai bia”. “Không, rượu, chính xác. Anh uống rượu gì?’’.
Đến thế này, ông đành phải thú nhận là có uống rượu, vì thèm. Phong cảnh đẹp quá, có chút rượu sẽ hay hơn. “Anh không thương thân anh, sao anh thương được em. Chuyện bé vậy anh không bỏ được, sao anh có thể từ bỏ thói quen sống buông thả rượu bia nhậu nhẹt bao năm qua”. Nhâm khóc, tức giận nuốt vào khiến mặt bà đỏ thẫm lại màu mào gà chọi.
Ông lặng lẽ bỏ ra ban công. Còn hai ngày nữa là rằm. Trăng mười ba hơi méo vàng suộm chéo góc trời. Còn hai ngày nữa cuộc hẹn hò kết thúc, ông vẫn chưa yêu được bà lần nào ngoài việc hôn lên trán trước khi ngủ và để đầu bà lên tay suốt đêm canh giấc. Vì ông luôn ướt sũng mồ hôi nên bà chấp nhận bật máy lạnh nhưng nhiệt độ thường cao hơn ngoài trời, chế độ gió nhẹ. Và, bà đắp chăn đến cổ, đầu gối lên tay ông, còn ông nằm ngoài chăn, pyjamas ngay ngắn. Nhiều đêm, ông chong mắt nhìn thạch sùng đuổi nhau bắt muỗi, tai ầm ì tiếng sóng biển như tiếng Hường giặt giũ vỏ chăn ga gối, tự biết, sẽ chẳng bao giờ ông đi vào được bà, dù chưa bao giờ, từ ngày yêu nhau thuở trẻ ông được ôm và gần bà đến thế.
Rồi ông lại thấy, cuộc tình bảy ngày của ông và bà đẫm màu ngôn tình, giống những phim Ấn Độ, Hàn Quốc Hường luôn bật tiếng để nghe, thỉnh thoảng kịch tính bỏ việc vào chùi nước mắt khóc thay nhân vật. Tất cả, căn phòng không thể bắt lỗi, bãi biển những đêm trăng không tiếng người phá đám, dãy núi đêm về chim hú vượn kêu, và hương hoa rừng quyến rũ. Người đàn bà ông giữ trong tim mấy chục năm nằm thiêm thiếp ngủ mềm trên cánh tay đông cứng của ông vì sợ cựa nhẹ nàng tỉnh giấc. Thật đến nỗi thành giả. Ông lâu lâu quay mặt, nhìn sâu vào khuôn mặt nghiêm nghị cả khi ngủ say của Nhâm, rồi lấy ngón tay vuốt nhẹ lên má bà, để xác nhận thêm một lần, tất cả là thật.
Vật chất quyết định ý thức. Nhâm lại nói, anh đã để vật chất lấn lướt ý thức, mình thành người sống bản năng. Nhiều đêm, ông ngồi ngắm Nhâm ngủ. Mặt Nhâm có nhiều nốt đồi mồi, miệng hơi mím. Hai bầu ngực phẳng lì không còn tràn đầy như hai mươi năm trước luôn muốn bung ra. Nhâm chưa bao giờ gần với ông như vậy, nhưng ông lại thấy, Nhâm chẳng phải là người thuở nào. Ông tưởng tượng ra viễn cảnh: hôm ấy, ông theo Nhâm về Phú Yên, thì hôm nay họ không thể nằm ở một nơi hoàn hảo thế này. Sau bữa tối cơm rượu thịt không organic no say, Nhâm sẽ ôm một máy tính, ông một máy, làm những việc của họ. Và đêm đến, gác chân lên nhau ngủ ngon lành.
Rồi lại nghĩ, nếu ngày ấy, mình đừng đặt nặng sự nghiệp là trên hết, coi thường chuyện lấy vợ kiểu mình đàn ông quyết hết, giờ này, giả dụ không lấy Nhâm, sẽ là một cô khác, Thanh - nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn chứ không phải là Hường. Thanh không hấp dẫn như Nhâm, nhưng tầm cao hơn Hường nhiều nấc. Họ đã có vài tháng ngoài luồng sau khi ông lấy Hường, nhưng Thanh đi nước ngoài không về nữa.
Những suy nghĩ miên man khiến đêm trôi qua một cách êm đềm. Biển vẫn ầm ào sóng vỗ. Thỉnh thoảng có trận mưa đêm gió bần bật thổi trên những tán dừa, và tiếng cú già rúc phía núi.
*
* *
Quay về nhà, sau cú vượt ngục bất thành, ông thấy không nơi chốn nào dành cho mình. Ông cũng không thuộc về nơi nào. Quá khứ, hiện tại, tương lai đều kín chỗ cho những người khác. Ai vào chỗ nấy, thừa ra ông. Đến chơi nhà em gái, cả nhà đang vui, thấy bác Văn đến, im phắc. Lo lắng bao trùm từ người lớn đến trẻ con. Sao lại phải lo cho ông chứ? Chứng tỏ mình là người bỏ đi, không đem lại niềm vui cho ai. Tới viện nghiên cứu, nhân viên nào cũng liếc và né, vì chúng luôn không trả lời đủ, thấu đáo những câu hỏi của ông. Ông luôn không hài lòng về những báo cáo từ thực địa vì không ai đẩy mọi chuyện đến cùng. Mà có đẩy đến cùng như ông cũng chẳng để làm gì, vì chiến đấu giữ được góc đình này thì nơi khác phá nguyên cái chùa cổ, xây chùa mới xanh đỏ tím vàng, ốp đá hoa cương thay gạch. Và người dân, quan trọng là họ vẫn nườm nượp rầm rập cúng vái ngày càng đông, không quan tâm chùa mới lố bịch hay chùa cổ uy nghi dấu tích mốc son. Cứ đình chùa miếu điện là dân thập phương đạp lên nhau công đức ném tiền khấn lễ. Vậy, ông cố công dành một đời bảo vệ di tích, cho ai nhỉ. Bạn bè ai cũng bận. Người đi châm cứu do tê tay, người chăm vợ ốm, bố mổ. Ông luôn rơi vào những chiều hoang vắng, nhất là sau giấc ngủ trưa. Tỉnh dậy trong căn nhà ba tầng vắng không tiếng động, ngủ chợp ba mươi phút mà dài như cả năm. Hồi con đường trước cửa nhà mới láng xi măng, chiều đến bọn trẻ con hay đá bóng. Tiếng la hét lẫn trong tiếng quả bóng nhựa rơi trên sân khiến ông phát điên. Ông bắt Hường phải đuổi sạch bọn trẻ. Được vài ngày, chúng lại đá vì cả khu phố này không có sân chơi ngoài những con đường nhỏ giữa hai dãy nhà. Hường đuổi mãi không được, cứ đến giờ chúng sắp đá, mang nước ra dội. Giờ, ông lại thèm nghe tiếng bọn trẻ, tiếng gì cũng được, miễn là không im ắng thế này.
Sau bốn tuần dừng làm việc chuyên môn, chìm trong rượu thịt bù những ngày organic, Hường đi lễ tận Quảng Bình hai ngày, ông bỗng thôi thúc một khát khao, là gặp Hoành. Mình người lớn, lại trí thức, gặp sao để nó hiểu mình không ghen với nó. Đơn giản là gặp cho biết cái người đang chung vợ với mình thế nào. Chuẩn bị quà cho tình địch như đi thăm bạn tốt, chai rượu Chivas mười tám năm, cây thuốc lá ngoại học trò đi nước ngoài về biếu. Ông đến công trình Hoành đang làm. Không khó để gặp nhau, khi ông nói bảo vệ lên báo giám đốc Hoành có chú Văn, giáo sư sử học đến tìm. Ông chưa hút xong điếu thuốc nhằm chống lại sự chộn rộn khó gọi tên là gì trong đầu, thì Hoành xuất hiện. Ối chà. Người thế này bảo sao Hường mê đến nỗi chấp nhận ra đi trắng tay. Hoành cao lớn, dáng chắc nịch bụng phẳng, tóc cắt cua ba phân, râu quai nón mờ, lông mày ngang, rậm trên đôi mắt to. Hoành ra tận sảnh đón ông, cười tươi như bạn lâu ngày gặp lại. Thấy Hoành, mọi tưởng tượng của ông tan biến. Ông đã nghĩ, cái thằng mà Hường mê chắc đối nghịch với ông, đần độn u tối, vai u thịt bắp xôi thịt xô bồ, dung tục, hợp với tính cách của Hường. Nhưng Hoành trước mặt ông, lịch lãm như chính khách. Bắt gặp khuôn mặt thân thiện của Hoành, ông tự nhiên cười ngoác miệng. Nhìn họ, không ai có thể tưởng tượng ra đây là tình địch của nhau. Và, giữa họ là người đàn bà quá đỗi đơn giản, thậm chí là tầm thường.
Phòng làm việc của Hoành giống của mấy ông lãnh đạo tỉnh mỗi lần ông Văn gặp kiến nghị về chuyện giữ đình chùa cổ. Thấy rõ bài trí nghiêm cẩn chứng tỏ Hoành không tầm thường kiểu bày la liệt các đồ phong thủy sai cách như bọn trọc phú thiếu hiểu biết. Chính giữa phòng là cửa mở ra một cái sân trời. Những chậu hoa - phiên bản sinh đôi với đám hoa nhà ông đang trồng. Thấy rõ bàn tay Hường đặt ở nơi này. Bụng ông hơi quặn lại. Hoành vui vẻ, chủ động, chả có dáng một thằng chôm vợ người khác khi đối mặt với ông chồng chính thức. “Anh Văn uống rượu thuốc hay rượu Tây, tôi mới có khô nai đứa bạn gửi bên Lào về, mình nhậu đi”. “Rượu gì cũng được, từ sáng tôi chưa ăn gì, cũng đói”. Hoành nhanh chóng ra bàn, bấm điện thoại gọi “Mang cho anh li cốc, đồ nhậu, hai người, đầy đủ”.
Trong lúc đó ông Văn ra vườn đứng nhìn những chậu ngâu hoa chín vàng, cây đinh lăng tươi xanh ngày nào ở nhà Hường cũng vặt mấy lá cho ông ăn kèm thịt. Ông ngắm đám chậu cây, thấy nó có vẻ tươi xanh hơn ở nhà mình.
“Ta ngồi ngoài vườn cho thoáng, được không anh?”. “Tôi thế nào cũng được”.
Một cô gái cao ráo xinh xắn bưng khay đồ nhắm và bình rượu, hai cái cốc pha lê, duyên dáng chào ông Văn, rồi bày ra chiếc bàn gỗ đen bóng góc vườn. Đèn chùm bật. Hư ảo không gian mùa thu, hương hoa hoàng lan càng đậm. Cây hoàng lan hoa xanh. Nhà ông là cây cổ thụ, còn ở đây cây mới trồng, trong chậu gốm lớn. Khuôn mặt Hường hồng hào da rám nâu căng mịn hiện ra. “Đời em nghiện mỗi mùi hoàng lan. Hay là em cầm tinh hoa lan xanh này nhỉ”.
Nhìn mãi vào cây lan, quay sang, ông Văn bắt gặp ánh mắt Hoành nhìn mình. Hoành từ tốn rót rượu vào hai cái cốc, xô đá với những viên nhỏ tròn lấp lánh trong hai cốc nước suối bên cạnh. “Cảm ơn anh”.
Hoành cụng li, nói. “Sao lại cảm ơn tôi?”. “Cảm ơn anh vì mọi chuyện”. “Có gì đâu, đời là thế”.
Hai người ngồi trong bóng chiều chuyển dần sang tối. Những câu nói vu vơ không cụ thể chỉ họ hiểu đang nói gì. Ai cũng đủ văn minh để không nói trắng ra điều họ nghĩ.
Hết chai rượu, Hoành đi vào gọi tiếp chai nữa. Cầm chai rượu mới, ông rót thẳng vào bình thủy tinh, hỏi “Gần đây có quán chuyên đuôi bò hầm, anh ăn một bát nhỏ nhé”.
Đuôi bò là món khoái khẩu của ông. Hường thường mua về cho ông nhậu, rồi than “Em đoảng, học mãi không nấu ngon bằng hàng. Thôi, mua cho tiện”.
Ông Văn nhìn Hoành, cái nhìn thoát xác “Ok, tôi thích đuôi bò hầm”.
Hoành bấm điện thoại gọi nhân viên. “Mấy giờ anh phải về”. Ông Văn hỏi. “Tôi ở đây luôn. Trong kia có phòng ngủ. Độc thân, ở thế này cho tiện anh ạ”.
Thực sự ông Văn không biết nếu không nâng lên đặt xuống những cốc rượu thơm mềm môi thì sẽ làm gì tiếp. Càng lúc, ông càng khao khát tất cả dừng lại như thế này. Đang rất hoàn hảo. Không gian. Khung cảnh. Rượu ngon. Ông bạn nhậu tâm lí nói ít hiểu nhiều, đôi lúc ngồi im vẫn biết đối phương nghĩ gì. Còn gì hay hơn phút giây này chứ, nhất là không có gì đợi ông trước mặt.
Ông Văn đứng lên, tay cầm cốc rượu, đi ra góc vườn. Có một cái lồng chim. Con yểng đang đứng gật gù, mắt đen lóng lánh nhìn ông. Ông tắc lưỡi, kiểu chào quen thuộc. “N…N...hường đi vắng rồi. N…N...hường đi vắng rồi. Khẹc khẹc”. Con yểng có vẻ nhận ra ông, nghiêng cái đầu. Ông trêu “Hường ơi”. “N...N…hường đi vắng rồi. Khẹc khẹc”. Nó nhìn chòng chọc vào mặt ông, gằn giọng.
“Cô ấy nói anh không thích nó vì ồn ào, và mọi người gọi cửa hay bị nó nói đi vắng trong khi cô ấy có nhà, nên mang treo bên này”. “Tốt, nó hợp ở đây vui hơn bên nhà tôi”.
Chẳng nhẽ ông lại nói, cái gì sang đây cũng hợp hơn bên kia. Đến tao ngồi ở vườn nhà mày còn thích hơn về nhà tao nữa là con chim.
Bước thêm vài bước, từ tầng sáu nhìn xuống trung tâm thành phố. Góc này đúng ngã tư sáng rực đèn ô tô xe máy. Giờ tan tầm. Xe kẹt từng hàng dài. Chợt có cơn gió mang hơi mưa tạt qua, khiến ông Văn thấy nhẹ bẫng. Ừ đúng, thu sang lâu rồi. Một ngày là bốn mùa trôi qua. Ngồi đây lâu chút nữa, là mùa đông đến. Ông luôn mong mùa đông, nó khiến mình hưng phấn từ trong đến ngoài. Mọi ưu phiền tức bực cũng theo những cơn gió.
đông cuốn đi. Ông Văn quay lại nhìn Hoành đang đứng cạnh khá gần, giơ cốc rượu lên. Hoành cũng giơ cốc rượu. Chạm vào nhau nghe tiếng cạch nhẹ. Ông Văn ngửa cổ uống một hơi cạn đến đáy, rồi đưa cốc không cho Hoành. Hoành đỡ lấy, định quay về phía bàn lấy bình rượu rót tiếp thì ông Văn quay nhanh, lao người về khoảng không phía trước. Hoành ném luôn hai cái li không xuống đất vỡ tan, nhoài người lao theo túm lấy ông Văn, kéo lại.
*
* *
Hường sắp xếp như thế này.
Do hai ông chồng lằng nhằng kéo nhau phi từ tầng sáu xuống, may lại rơi đúng khu vui chơi của các cháu nên, một người - ông Văn, gãy xương vai, vẹo cổ, gãy xương đùi không liệt nhưng chưa tự đi lại được. Người kia - ông Hoành, chồng đốt xương sống dẫn đến liệt, phải ở chung một phòng để cô tiện chăm sóc cả hai. Hai người đã gặp nhau rồi, lại cứu nhau để sống, cô đội ơn cả hai, đời này kiếp này cô nguyện hầu hạ hết lòng. Hường đặt mua hai cái giường có chế độ nâng lên hạ xuống, khoét sẵn phần giữa để tiện đi vệ sinh tại chỗ, kê hai góc phòng như ở bệnh viện. Dưới mỗi chân giường đều có cái bô.
Ông Văn vẫn nhớ, khi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu, người đầu tiên nhận ra là em gái. “Anh sống rồi”, cô nói được câu đấy rồi gục xuống ngực anh khóc. Văn ngoảnh nhìn ra khuôn cửa phòng bệnh. Bên ngoài, nắng vàng rực phủ lên những tán hoa muồng vàng. Mùa thu là mùa hoa muồng dài vàng suộm. Không có bất cứ cảm giác đau đớn nào. “Sao anh lại làm thế. Anh là trí thức, giáo sư nổi tiếng thành đạt, chẳng lí do gì mà thiếu suy nghĩ đâm đầu tự tử như thế”. Ông Văn im lặng. Chả nhớ gì. Chả nghĩ gì. Nằm im, nhìn hoa muồng - nhận ra được cây muồng tức là không mất trí nhớ - khiến ông sướng tê tái. Một lát. Hường vào, chưa thấy người đã thấy tiếng “May quá, anh Hoành cũng tỉnh rồi em ạ. Chị vừa gặp bác sĩ trưởng khoa nhờ hội chẩn lại cho hai anh. Cầu trời phật phù hộ, trí não cả hai bình thường. Toàn người giỏi mà mất trí nhớ thì tàn đời”.
Vân nhìn Hường, không chọn ra từ nào để nói cho phù hợp lúc này. Hường tiếp “Hội chẩn xong, nếu không có vấn đề gì lớn, chị xin cho hai anh về nhà. Ở nhà thoải mái em ạ”. “Chị định đưa anh Hoành về nhà anh Văn á?”. “Thì chị phải chăm cả hai, ở cùng chỗ mới tiện chứ. Công ti anh Hoành rất đầy đủ, nhưng chị không bỏ anh Văn ở nhà một mình được”. “Chị sẽ nói với hàng xóm và bạn anh Văn thế nào?”. Giọng Vân gay gắt, quả là quá sức chịu đựng của cô. “Chị sẽ nói, hai anh là bạn, say rượu, ngã từ trên cao xuống đất”. “Tại sao bạn anh Văn mà lại về nhà anh Văn cho chị chăm, chị nghĩ mọi người không biết suy nghĩ hay sao mà muốn nói gì cũng được?”. Im lặng. “Bây giờ chị phải làm gì khi anh Hoành cũng không có ai ngoài chị?”. “Chị đi quá giới hạn rồi đấy. Ai là chồng chị?”. “Anh Văn. Nhưng... với anh Hoành, là nghĩa. Em có chửi thế nào, chị cũng không bỏ mặc anh Hoành được”. “Vậy chị sang ở hẳn bên anh Hoành đi, tôi lo cho anh tôi”.
Bất chợt, Hường quỳ thụp xuống chân Vân, túm lấy chân cô, khóc “Chị lạy em. Từ ngày làm dâu nhà em, chị sống hết lòng hết dạ. Chuyện chị với anh Hoành, chị báo cáo em đầy đủ không giấu điều gì, em cho phép chị qua lại hai nhà, nên chị mới dám. Giờ ra thế này, chị không thể bỏ ai được, em cho phép chị hầu cả hai. Em còn gia đình, công việc, không thể chăm anh Văn được. Nếu em không cho chị đưa anh Hoành về nhà mình, chị sẽ chạy hai nơi, thuê thêm người giúp. Em đồng ý cho chị đi, Vân”.
Ông Văn nhắm mắt. Cơn đau đầu tiên dội đến. Đầu buốt nhói như có ai cầm con dao chọc vào và xoáy mạnh, ông chìm sâu vào những cơn mơ.
Hai ngày sau, Văn tỉnh lại. Khuôn mặt cậu em rể giãn ra. “Anh tỉnh lại rồi, may quá”. Ông thấy đầu óc mình thoáng đãng. Nhìn quanh, thấy mình nằm trong nhà mình, nhưng là phòng lớn bên cạnh phòng khách chính. “Anh về nhà hôm qua. Chị Hường muốn anh thoải mái”.
Suốt mười ngày đầu, ông Văn nghĩ đến cái chết. Tiếc như mua vietlott chệch một số mất vài chục tỉ. Nếu ông chết ngay lúc ấy, khi rượu đủ say, không gian quá hoàn hảo cho phút cuối no bụng không sợ bị thành ma đói có phải giờ này đang vi vu không. Ông tin người ta có linh hồn khi những kẻ phá đình chùa thường mấy đời nát bét. Chả phải vong linh những người muốn giữ chùa chiền vật chúng sao. Khi ông quay người lao xuống từ sân tầng sáu với một khoái cảm mãnh liệt, bởi chỉ có bên dưới kia, là tương lai của mình. Ai ngờ thằng khốn Hoành đã kéo mình lại. “Thỏa hiệp thời gian này thôi anh”. Vân thuyết phục “Em thấy ông Hoành không phải người xấu. Số phận trớ trêu đẩy hai người đến nước này, anh đừng nghĩ nữa. Mà... ông ấy vì cứu mạng anh nên bán thân bất toại như vậy, cũng là trả giá cho tội lăng nhăng với vợ người khác rồi”. “Anh cũng đang bán thân bất toại đây, anh phải trả giá vì điều gì?”. Văn hỏi. Vân lặng ngắt, cúi mặt. Rồi Văn gầm lên, giận dữ “Anh trả giá vì vô trách nhiệm với đời mình, đúng không? Nếu ngày ấy anh không gật đầu chiều bố mẹ, có phải đời anh giờ khác không?”. “Đừng bao giờ nói gia như, vì không thể quay lại hai mươi năm trước, anh hiểu không”, Vân cũng gào lên. “Chấp nhận hiện thực này đi, vì anh không còn cách nào khác khá hơn đâu”.
Văn im lặng, nhắm mắt.
Dạo này ông hay bị chảy nước mắt. Nói là khóc cũng đúng, mà không khóc cũng phải. Nước mắt cứ tự nhiên tràn ra, không kiểm soát cho nó dừng lại được. Vân cũng khóc. Cô nắm lấy bàn tay nhẽo ra của anh, thì thầm “Hôm nay anh hết phải dùng kháng sinh rồi, uống rượu không, em rót cho một chén”.
Rồi Vân và Văn cũng cưa hết một chai 35ml rượu sâm xuyên đá thơm dịu. Rượu chạy tới đâu, Văn đỡ chán đời đến đấy. “Đừng nghĩ nhiều anh ạ. Không mất trí là may rồi. Giờ anh cần ngồi lên và ra sân kia phơi nắng cho đỡ cớm. Cứ nhích dần từng bước một, thế thôi”. “Oke, nhích dần từng bước một”. Văn tợp thêm chén rượu, nước mắt lại tràn qua gò má.
Khi Văn tỉnh lại lần hai trong nhà mình, chợt nhìn sang chiếc giường bệnh giống của mình ở bên kia. Một thân hình to lớn chân bó bột, cổ đeo định vị đỡ bộ mặt băng kín. “Em đồng ý cho chị Hường mang ông Hoành về đây vài ngày. Ông ấy không có người thân. Nếu để ở bên kia, chị Hường sẽ vất vả chạy hai nơi”. “Em thấy chuyện này chấp nhận được à? Tại sao không có người thân?”. “Vợ anh ta đi nước ngoài làm tiến sĩ, ở lại luôn không về. Con cũng sang đấy với mẹ. Khi nào anh ấy khá hơn, sẽ đi, anh đồng ý nhé”. “Chướng lắm. Em cho anh sang nhà em, thuê người chăm anh. Anh mà ngồi dậy được sẽ tự lo liệu”. Vân thở dài “Vâng. Em thuê giúp việc ngay, mai đón anh sang luôn”.
Hường khóc lả người, gọi xe đưa ông Hoành về công ti khi biết ông Văn sẽ bỏ đi. “Cô ở bên đấy luôn đi, tôi lo cho mình được”. Ông Văn nói đúng một câu xong nhắm mắt lại. Lại là bi kịch khác, đấy là tuyển giúp việc. Người thật thà thì đần độn, ngay ngày đầu tiên dùng bếp ga suýt cháy nhà, do bật mấy lần ga bay ra, xong lấy diêm châm cho nhanh, lửa bùng lên may Vân dập kịp. Tuyển được người nhanh nhẹn thì vô cảm coi ông như lão già dịch béo ú, xúc cháo cho ông ăn tống cả vào mũi, miệng giục ông ăn nhanh, cháu bận lắm, không làm nhanh đến giờ phim trên vô tuyến bây giờ. Giải tán. Chọn bọn trẻ cho lành. Những đứa trẻ thoát li từ nhiều miền quê nghèo, hầu nó không xong, chả biết làm gì ngoài đứng cười khi thấy ông già to béo hàng ngày đái qua cái lỗ dưới lưng. Không ai hơn Hường. Ông Văn cay đắng. Sau hai tuần rời Hường, người ông bốc mùi khai thối, vài chỗ lở loét do nằm bất động. Ăn uống kém. Mất ngủ. Những chỗ bị thương khiến ông đau đớn. Hai vợ chồng Vân đã dùng hết ngày phép, thay nhau trông Văn, giờ không nghỉ được thêm nữa.
Sau một đêm trắng nốc hết chai rượu cùng Vân, nước mắt nhòe nhoẹt trên mặt hai anh em, ông đồng ý cho Hường mang Hoành về, đâu hoàn đấy. Hường về. Hai ngày sau, nhà cửa tinh tươm, ông hết khai thối. Và, thấm thía cuộc sống sẽ cay đắng thế nào nếu thiếu Hường.
Bi kịch nối tiếp bi kịch. Ông luôn phải tự cứu mình mỗi ngày bằng cách chìm vào quá khứ. Từ quá khứ vẽ lên hiện thực, là, hôm sinh nhật ông ngoại, ông bận không đến như bao lần, hoặc, ông đến và nhìn Hường mãi là đứa hàng xóm lô tô bỗ bã, đêm đó về ông không chấp nhận sự mối lái của bố mẹ một cách đơn giản thế, và, đừng nghĩ, ta là ta, không ai thay đổi được ta hết, bố mẹ còn chả làm gì được, nữa là vợ, lại là đứa tầm thường đơn giản thế. Tầm thường, là thói quen ngấm vào nhau nhất khi sống chung một nhà. Tầm thường là thứ khiến ta nhìn xuống, và khi nhìn xuống, thả lỏng, là khoái cảm mềm. Ai mà chả có góc hèn hạ kém cỏi bên trong, chỉ đợi gặp hoàn cảnh phù hợp để bung ra thôi.
Hai tháng sau.
Hường đúng chuẩn bác sĩ gia đình. Cô chế biến món ăn cho hai người như nhau. Họ cùng quen dần một loại nhạc bolero Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, cùng xem phim Ấn Độ nghìn tập... Làm vệ sinh cho ông này ông kia xem, nếu không xem thì tự nhắm mắt lại nhưng tai lại nghe hết. Kể cả của quý của hai ông, Hường làm vệ sinh và nói về nó như bà nội nói về chim thằng cu cháu.
Hàng ngày, Hường đọc cho Văn nghe các thông tin liên quan đến công việc của ông, Hoành nằm nghe và góp ý. Hoành vốn dân xây dựng, chuyên chạy dự án giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầy thực tế, ngược hẳn ông Văn thuần sách vở. Kèm theo những chuyện đình chùa cổ bị phá đi xây lại, chứng tỏ việc ông viết sách lưu giữ chùa cổ chả ý nghĩa gì với đời sống, Hường nói thế. Ông giận dữ, nếu ngày xưa khi ông còn khỏe, cô sẽ ăn một cái tát, hay chí ít là cốc bát vỡ, nhưng bây giờ, ông chỉ có thể nhắm mắt, ừ một cái để chấm dứt tranh luận, mà khi mới bắt đầu ông đã biết mình thua.
Quay sang Hoành, Hường giải quyết chuyện tiền bạc quyết toán với nhân viên, nghe báo cáo tiến độ xây dựng. Ốp sát bên thi công để kịp tiến độ bàn giao, xong về kể lại cho ông Hoành nghe. Họ thành một bộ ba, hòa nhập dần. Hai người đàn ông ghê gớm thuở nào giờ trông ngóng Hường như mẹ về chợ. Rời cô ra là điêu đứng, tối thiểu như đi tiểu không cố nhịn thì cũng vãi đầy ra như em bé và xấu hổ liếc nhìn nhau.
Chưa bao giờ ông Văn có thời gian quan sát và suy nghĩ về ai kĩ như với ông Hoành từ khi trở lại nằm chung phòng với nhau ở nhà ông. Thời gian trôi qua làm nhòe mọi cảm xúc trước khi cùng bay từ trên cao xuống đất, hai người trừ lúc ngủ, nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nhiều đêm, họ cùng mất ngủ, nằm im đợi sáng. Một lần, ông Văn nói “Ông hại tôi. Nếu không bị liệt thế kia, tôi sẽ táng vỡ mặt ông”. Ông Hoành đáp lại, giọng ồm ồm do biến chứng “Giết được càng tốt” và cười khục khục. “Ông nên sống. Tôi thì đủ rồi. Chết sướng hơn”. “Ông lại ân hận rồi”. Ông Hoành từ tốn “Ân hận là chứng tỏ mình thất bại”. Ông Văn cười khẩy “Chả quan trọng. Thế nào cũng được, miễn không thế này”. “Tôi thì chưa bao biết giờ ân hận”. Ông Hoành nói xong nhắm mắt vờ ngủ, cắt đứt cuộc đối thoại ông biết sẽ chẳng đi đến đâu.
Bà Nhâm tới thăm.
Ông Văn cáu điên không cho vào, nhưng Hường lại mừng. Bà đến bên giường, nắm bàn tay ông đang run rẩy túa mồ hôi, vuốt nhẹ “Anh cố gắng tập thiền. Dậy được là dậy, tập đi. Phải đánh thức tiềm năng trong mình để vượt qua thử thách này”. “Ừ”. “Em nói anh cai rượu, không nghe em. Hai ông uống hết hai chai, hai lít bảo sao không lôi nhau bay lên”. “Ừ”. “Em có mang một số cuốn sách mới về khảo cổ rất đáng đọc, em dặn Hường đọc cho anh nghe”. “Cảm ơn Nhâm”. “Sắp tới em đi thực tế một tháng miền Trung. Về em đến”. “Không cần đâu, khi nào khỏe, anh tự gọi Nhâm”. “Thế cũng được”.
Tiễn bà Nhâm về, Hường gạ, vài ngày bà đến một lần, cho ông Văn vui vì bà có nhiều chuyện để nói với ông. Nhâm đồng ý. Bà dặn Hường thực hiện chế độ ăn chỉ organic cho hai người bệnh, lấy thực đơn từ ông chồng bà chuyên dinh dưỡng. Kinh khủng nữa, là hôm sau, Nhâm đưa chồng đến kiểm tra cho hai người. Ông mang theo một cái máy, đeo vào cổ tay Văn, tất cả các chỉ số mỡ máu, nhịp tim... hiện lên hết. Chồng bà Nhâm nhìn hai người đàn ông đúng là hai con bệnh cần chữa khẩn trương, và kê một sớ dài các đồ ăn kèm chữa bệnh cho Hường làm.
Trong lúc ba người ngồi bàn luận về việc cho ông ăn gì uống gì tập gì mỗi ngày, nước mắt ông Văn chảy ướt sũng hai tai, thấm đầy xuống gối. Ông cay đắng nhận ra mình, hay Hoành - hai người đàn ông mạnh mẽ ăn to nói lớn đã tự nhòe chính mình. Bất lực một cách hòa đồng, đoàn kết, ngầm bấu víu vào Hường như cứu tinh. Vì chỉ có Hường mới chu toàn cho cả hai, tự nhiên, thuộc việc, tâm lí và đơn giản. Mỗi lần Hường bế ông đặt lên xe, đẩy vào buồng tắm, lôi ra và tắm gội như mẹ tắm con, Văn nhắm mắt lại, tự coi như mình không còn là mình. Trong mọi cái xấu, chọn cái ít xấu nhất để thích nghi, ông luôn nhủ thế. Sau dăm lần cô lột trần ông ra, ông quen và bắt đầu chọc lại. Té nước vào Hường, lâu lâu, túm vào đầu ti thõng thượt làm Hường nhảy dựng lên. Cũng may là Hoành nằm liệt, phải tắm khô. Mỗi lần Hường lau người cho Hoành bằng nước gừng, gội đầu bằng dầu xịt khô, ông trở mình quay mặt vào tường hoặc ngồi xe lăn ngoài cửa, đọc báo. Để hàng xóm không nhòm ngó, cô gọi thợ làm thêm tấm che rào sắt, bên trong nhìn ra rất rõ nhưng bên ngoài không nhìn vào được.
Một ngày đầu đông.
Ông được đẩy ra ngoài hiên nhà, trên chiếc xe lăn, còn Hoành vẫn nằm trong giường do mông bị hoại tử, biến chứng từ một cái mụn vỡ ra do tiểu đường. Một cô gái khoảng ba mươi tuổi, thập thò bên ngoài nhìn số nhà. Thấy ông, cô hỏi “Bác cho con hỏi, nhà bác Văn ở đây đúng không?”. “Tôi là Văn, cháu cứ mở cổng, không khóa đâu”. Cô gái dắt chiếc xe đạp vào, nhìn Văn, ngập ngừng hơi run, lôi trong túi ra một cái phong bì bằng giấy xi măng rất dày. “Dạ, cháu là con mẹ Nhâm, bố Toàn. Hôm nay, bốn chín ngày mẹ cháu, cháu dọn đồ để hóa cho mẹ, thấy phong bì này, mẹ ghi là của bác. Cháu mang đến gửi bác ạ”. “Cháu là con Nhâm? Cháu vừa nói gì, ai mất bốn chín ngày?”. Giọng ông Văn nhẹ bẫng. “Mẹ cháu mất đã bốn chín ngày bác ạ”. “Làm sao Nhâm chết? “Dạ, mẹ cháu bị ung thư. Do phát hiện quá chậm, mẹ cháu lại không chấp nhận cho bệnh viện điều trị nên đi nhanh lắm ạ. Từ lúc đi khám phát hiện đến lúc mất, chưa được hai tháng”. Cô gái gạt nước mắt, mặt cúi gằm. Ông Văn run cầm cập đỡ cái phong bì dày trên đùi đã teo lại sau tai nạn. Trên mặt phong bì, chữ của Nhâm “Tài liệu này của giáo sư Văn - xin mọi người không tự tiện mở đọc”.
Con gái Nhâm sau khi nắm tay chúc ông sức khỏe, nói tro cốt mẹ cháu đã thả xuống sông Hồng sáng nay theo di nguyện của bà, quay xe đạp định đi. Ông Văn vội nói “Cháu ơi, bác muốn gửi cái này cho mẹ”. Cô gái quay lại. “Cháu chạy vào bàn kia, bác có cắm cành lan, sáng nay vợ ác hái trên cây xuống. Cháu giúp bác, mang về đặt lên bàn thờ và thắp giúp bác nén hương. Bác bây giờ, không đi đâu qua cái cổng kia được cháu ạ”. Cô gái sau thoáng do dự, đi vào nhà, nhấc cành lan với từng chùm hoa xanh vàng thơm ngọt rồi đi ra. Cô nâng trên tay, thì thầm “Cháu sẽ mang về cho mẹ, cảm ơn bác”. Cô nhẹ nhàng xếp lại chiếc túi vải, đặt cành hoa nằm ngay ngắn, dắt xe đi.
Nhiều cơn gió bay qua cây hoàng lan cổ thụ góc vườn. Hương thơm do gió thổi bay đi rất xa, những người sống ở cuối phố mỗi lần gặp Hường lại khen, nhà cô có cây lan tây thơm quá. Vài lần, Hường phải đứng từ ban công tầng ba với người bẻ cành lấy hoa, lầu bầu “Người trồng không được ngửi, béo người đâu đâu”. Chắc không muốn béo người đâu đâu nên Hường rút kinh nghiệm, trồng bên công ti Hoành một cây lan đầy hoa trong chậu.
Ông lại thấy, nhờ những cơn gió thổi đi thổi lại khiến hương hoa thơm mùi man mác, không gắt gỏng như hương từ những cành tươi Hường bẻ cắm giữa nhà. Nhìn sâu vào từng tán lá, cố phân biệt đâu là hoa, đâu là lá, giống cảm giác khi ông ngồi ngoài vườn ở công ti của Hoành, thấy hiếm có loại hoa nào màu xanh như lá cây chỉ vàng khi chín. Hơi ngửa người, phong bì nặng trĩu trên đùi, ông sẽ không bao giờ mở. Lần đầu tiên, ở tuổi sáu mươi, ông ân hận là mình đã ghi nhật kí, và cất giữ nó. Ông muốn ngồi thế này mãi, nhưng biết là không thể. Trong nhà, ông Hoành đang rung cái chuông gọi Hường. Ông Văn nhắm mắt lờ đi vì biết sức ông Hoành cũng chỉ lắc được vài cái là thôi.
Lát nữa, Hường đi chợ về, việc đầu tiên là cô cõng ông lên gác, mở Ngăn kéo Kỉ niệm, lấy hết các thứ trong đó, và nhờ cô đốt chúng đi.
Ông Hoành không lắc chuông nữa, gọi “Hường ơi, Hường”.
Ở góc sân, ngay trên đầu ông Văn đang ngồi, con yểng già được mang trở lại nhà ông, mắt long sòng sọc ngó cổ vào phía trong cãi ông Hoành. “N...N…hường đi vắng rồi. Khẹc khẹc”.
Ông Văn ngửa cổ nhìn nó, lẩm bẩm “Ừ, Hường đi vắng rồi” .
Tháng 9/2018
N.T.T.H