Văn xuôi  Sáng tác

Tiếng sáo

Thứ Hai, 16/10/2017 01:07
Truyện ngắn. BẢO THƯƠNG

Ngôi làng như một ốc đảo lặng câm giữa bốn bề cát gió và cây xanh. Con sông bên lở bên bồi, bên lở thì đục bên bồi thì trong, câu ca bao đời để lại, nhưng nó chưa bao giờ thấy sự khác biệt ấy bởi mùa nào nước cũng đục. Bãi sông lầm lên đỏ ngầu, thành một thứ cuồn cuộn chảy xoáy vào bờ, rồi trôi ra tận xa, mang bao nhiêu cát sỏi của làng về phía hạ nguồn.

Con sông thật tinh quái, chẳng cho gì nơi đây mà chỉ lấy đi. Ngày ngày, bà nó vẫn bảo thế. Sự chờ mong cái cho của con người thật phổ biến, ai cũng mong được người khác cho, còn sự cho đi thì không mấy… Nó nghĩ về chuyện đó vào buổi chiều khi những ngọn gió trên doi đá hắt những tia nóng bỏng vào mặt, vào con đường làng, khi hoa của những cây gai dại ven đường nở những bông tím hồng phơn phớt, cánh như sợi tơ mỏng manh, bay theo gió, rung rinh, rung rinh. Nó đặc biệt thích loài hoa đó, loài hoa của bọn nhà quê, ai đó bảo vậy, hình như mấy đứa trẻ trên thành phố về nghỉ hè nhìn nó như một sự kì dị cùng bao thứ kì dị của làng quê như anh Tẩm đánh dậm, ông Bổn đi xiên cá đêm, chú Dểu bẫy cuốc trên đồng. Nó ngồi yên lặng bên những bông hoa dại mọc bên đường, thân màu xám, lá cũng đổi thành màu nâu, những mắt lá cụp xuống, như cả đời ngượng nghịu, cả đời tự ti và mặc cảm cùng đất trời, sông nước. Nhiều lần nó đã cố tình đợi chờ thời gian để cái cây hé ra vài mắt lá cho nó thấy sự ngạo nghễ vươn mình, nhưng cây phụ lòng chờ đợi của nó, lá cụp xuống, mỗi lúc một nhiều, nhanh và dầy hơn, cả thân cây tiu nghỉu, buồn thiu như làng quê nó vậy. Nó nhắm mắt lại tưởng tượng, hoa đang rung rinh, những cánh phơn phớt hồng, và mùi thơm thật quyến rũ, một chú ong non nào đó đang bay vờn trên đó, chúc phần đầu cắm sâu vào giữa nhụy.

Chiều nay, bà bảo, cháu có muốn qua bên kia sông không? Bên kia sông, một tiếng reo vang lên trong lòng nó! Đó là bánh gai nhân đường, nó nghĩ thế, món quà vặt của ông Tèo bên gốc đa cạnh bến nước, có treo cả mấy chùm bóng bay cùng mấy củ đậu. Cả những chiếc kẹo mút xanh đỏ dành cho bọn trẻ con trường làng gần đó. Mấy quả ổi đã thâm cuống, và nhất thiết phải có những hòn bi, đó là thứ dẫn dụ. Nó muốn đi, đã lâu rồi nó không được đi. Nó bảo, cháu muốn sang. Bà gật đầu đưa mấy đồng bạc lẻ bảo nó sang nhờ ông Tèo qua nhể nanh cho em nó.

Buổi chiều, bến sông vắng quá, nó đi hết ba doi đá. Nhìn về phía làng như một ốc đảo xanh nổi trên bờ sông, tưởng như một thế giới lặng yên có từ bao năm trước, một vương quốc bé nhỏ và bí ẩn, trong đó một ông vua trị vì những cư dân hiền lành và ngơ ngác. Nó bất giác nghĩ đến cái Gái chết đầu hè năm ngoài do đuối nước vì hủm cát, thằng em nó ra đời đầu năm nay. Lão Bồn vẫn đi đánh dậm đêm, chú Dểu… Ý nghĩ của nó dừng ở chú Dểu. Chú Dểu tối nào cũng mắc cái bạt ra mấy cây đã dựng ngoài bờ sông, trên chăng cái lưới mới mua trắng tinh, nhìn xa như mảnh vải xô nhà ai vừa có người chết. Chú chăng từ cái chòi đến hết bãi ngô chừng đâu năm chục mét, rồi chăng quật lại thành hình tam giác. Chú để đài hát đủ thứ nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, nhạc trẻ, nhạc Hàn quốc, Anh quốc… Chú bật nhạc để làm gì? Dụ chim cuốc đó mày. Sao chim cuốc thích nhạc? Tau không biết, mày biết không? Cháu không biết dù cháu thích nhạc. Mày thích nhạc nào? Nhạc Hàn. Thế mai tao mở nhạc Hàn. Vì sao? Chắc chim cuốc có sở thích giống mày. Sao chú biết? Tao đoán thế, người giờ ở gần chim, ngày xưa chim bay vào rừng, rừng phá hết rồi, chim lại về gần người, nên người thích sao chim thích vậy.

Nói là làm, cái chòi của chú đêm sau toàn nhạc Hàn.

Vài đứa trẻ khó ngủ ra chòi chú nằm. Chú kê một chiếc giát giường sát đất, một cái túi bằng lưới trắng kế bên, nhìn lạnh toát cả căn chòi. Chú bật nhạc Hàn nói là chờ chim cuốc đến.

 
ng dang phu
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Nhưng đêm thật khuya chú mới bật bài ca dụ cuốc. Cuốc cuốc cuốc, tác tác tác. Những âm thanh thê thiết, kéo dài, não nề, ngân vọng cả một đoạn sông, tác tác tác, cuốc cuốc cuốc, ảo não vang lên từ chiếc đài bé xíu chú đặt nơi đầu lưới. Tiếng kêu khẩn cầu tha thiết, như một đồng loại bị đau, như một con chồng bị mất vợ, như cả loài tang thương vì cố quốc bị xâm lăng, như cả bầy đàn đang khao khát tụ đoàn.

Cuốc là giống ngu si nhất! - Một chiều, chú Dểu bảo nó thế. Chỉ đợi lưới chăng và nhạc bật là húc đầu vào, không rúc ra được là chết toi, biết mình chết thì đã xong. Con người ảo tưởng và đam mê một cái gì cũng dễ mắc lừa và chết sớm như thế!

 Chú nói rồi đưa mắt nhìn ra bờ sông mênh mông những rặng tre người ta trồng ken dày trên bờ để chống lở mùa mưa lũ. Xa xa, những đoạn cây xanh đã bị chặt nên đất xói mòn đỏ ối, xoáy vào tận chân vườn. Phía gần, những cây dại mọc loi doi đầy những đoạn sạt lún cạnh bờ. Nó nhận ra, đó là những cây gai, chao ôi những cây gai dại có sức sống trường tồn nhưng đáng thương. Chúng chui lủi, náu mình và cô đơn… Bỗng dưng, nó thèm được như thân gai một lần, thèm một ống máy thu hình để dí sát vào từng tia mắt hoa mà phóng to lên để cá thế giới phải trầm trồ sự kì diệu của loài cây bé nhỏ, kì dị này. Phía ngoài, trên mặt sông, những chiếc phao trắng, xanh thả dập dềnh trên mặt nước. Hai chiếc thuyền đánh cá bằng tôn, trên đó có hai người đàn ông mặc hai bộ rằn ri, khẩu trang kín mít, khoác kích điện, lặng lẽ bơi tay chèo theo các hướng khác nhau, tiếng gõ vào mạn thuyền tích tích như dụ cá, lẫn chìm vào tiếng nhạc trên bờ dụ chim của chú.

Nó nhìn theo ánh mắt chú Dểu hướng về doi đá phía đông nổi lên không dài, bán kính chắc là năm mét, chu vi chắc ba mươi mét. Cô giáo dạy cách đo bằng mắt những hình học trong không gian, nên nó ước lượng được. Trên doi cát ấy hầu như không có sinh vật nào trú ngụ. Liệu có ếch nhảy lên đó không chú? Nó hỏi. May ra thì vào mùa mưa. Chú trả lời. Những đôi yêu nhau, đêm hè bơi thuyền ra tình tự, cũng là một loại ếch! Và năm sau, đẻ ra mươi con ếch con thì đến năm con không có bố. Bố chúng đi đâu? Chạy làng tẩu tán hết, toàn quê xa và đã có vợ. Thế những ếch mẹ thì sao? Về bán cá bên sông mà nuôi ếch con chứ sao. Cũng buồn! Biết làm sao?

 Đôi mắt của chú Dểu dừng lại ở khúc sông có những ụ đá nhô lên một cách đột ngột bất thường. Nơi đó nó biết, vào mùa khô những chiếc xà lan xúc cát ngày đêm sục sạo, họ ngăn dòng chảy của sông để tiện cho việc khai thác, cát được chở đi bằng xe lớn, xe bé, hết mùa khai thác không còn ông lớn nào lui tới nữa, giờ chỉ còn những ụ đá được đãi sạch, nhô lên bất thường giữa sông. Chỗ đó cái Gái chết hồi năm ngoái… nó lầm bầm thành tiếng. Ừ, tội con bé. Chú Dểu nén tiếng thở dài. Sao cuốc lại thích tiếng dụ hả chú? Chắc nó buồn, nó chỉ tìm nhau ban đêm thì sao tránh khỏi lầm lạc?

Câu nói của chú làm nó nhớ về cánh rừng già thâm u có đôi từ quy bà nó kể. Đôi từ quy đã tìm nhau trong vô vọng, kêu đến rạc cả thân gày, đến chảy cả máu họng ra mà chết, thổ huyết cho một lần yêu đương, có đáng không. Những con chim cuốc của chú bị lừa, chưa đi đến được tận cùng của đớn đau đã biết mình mắc bẫy.

Lũ chim ngu quá, sao phải tìm nhau? Vì sao mày biết không? Vì nó cô đơn đấy! Chú đưa mắt nhìn ra đầu làng chỗ ngôi nhà cô Hoạt. Cô Hoạt tóc dài, mắt nâu, mặt tàn nhang lấm tấm, bỏ đi biệt xứ đâu hai chục năm, vì cha cô cấm tiệt tình duyên. Hai chục năm rồi, chú chỉ làm bạn cùng bầy cuốc trên bờ và bầy cá dưới sông.

Cá giờ dưới sông cũng hết, chim giờ trên trời cũng tan, sao chú còn góp mặt vào làm tan nhanh chúng? Nó cật vấn. Con người muốn sống được phải lừa nhau và lừa chúng. Lũ cá cũng ngu thích những thứ đỏ xanh dập dờn của những chiếc phao. Lũ cuốc thì dại, thích những điều không bao giờ là thực cả. Chú Dểu từ từ thả từng câu hẫng như thế vào không gian. Câu nói của chú đúng lúc gặp ngọn gió mùa hè thổi đến, âm thanh bay lên và tán rộng, như chao đảo, hụt hơi, chới với, khiến người ta muốn cất mình lên thu lại cho sắc gọn, góc cạnh và đầy đặn tròn trịa hơn. Và vì không tròn trịa nên mới buồn làm sao.

Cuốc nó buồn, nó cô độc nên nó thèm nghe tiếng dụ, đêm đêm nó đến đây náu mình vào những tấm lưới trắng tưởng yên lành nhưng lại rơi ngay vào bẫy của con người. Tao cũng lại là kẻ khốn nạn, tao lừa cả sự cô đơn của chúng. Chú lại trầm ngâm.

Lần nói này, âm thanh được giữ lại bởi ngọn gió chưa vút qua, nhưng cơn nóng hầm hập đã bốc nó lên ngọn tre, trên đó, còn phơ phất bao ni lông, túi bóng, cả vỏ bim bim và vỏ chai nước. Sao chúng mắc kẹt tận trên kia hả chú? Đợt lũ vừa rồi chứ sao. Giọng chú cũng mắc kẹt ở đó đến chừng năm phút. Tao thật khốn nạn, đánh lừa cả nỗi đau buồn, sự cô đơn của loài cuốc. Chú nhắc lại câu lúc trước. Nhưng mày ạ, con người mà không đánh lừa thì biết sống làm sao?
*
*    *
Chiều nay, nó không đi qua chỗ chú Dểu giăng bẫy, cũng không qua đoạn sông có bao ếch về đẻ trứng, sinh con mùa sinh sản. Nó cũng không muốn nhìn hai con thuyền có hai người đánh cá với những chiếc kích điện giật giật trên sông. Nó cứ tắt dòng sông mà chèo, chèo cho nhanh đến làng bên, để tìm ông già bán quán cạnh cây đa, nhờ ông đến nhể nanh cho em nó. Mấy đồng dắt túi bà cho, thích thì mua cho ông cái bánh lấy lòng, không thích thì mua dây thun đồ chơi. Bà nó dặn kĩ lưỡng lắm nên nó cứ thẳng đường mà đi.

Nó bơi qua hai doi đá bằng thuyền nhỏ của ông đánh cá nào đấy để lập lờ dưới bến. Cứ chèo thôi, chèo qua đó, rồi đẩy ngược lại. Con thuyền chẳng đi được đâu xa bởi còn nước đâu mà chảy, toàn thùng, hũm, bị ngăn bởi những doi đá cao trong những đợt khai thác cát trên sông năm ngoài. Mà không thấy, ông ấy khắc bơi sang bên này để lấy. Quen rồi, người của sông, coi thuyền là thuyền chung, sông là của nhà, cá là của làng. Bờ bên kia đã tới, nó lấy tay đẩy mạnh, con thuyền chúi mũi về hướng đẩy, chòng chành ra xa một đoạn, rồi cứ xuôi dòng, mắc kẹt lại ở doi đá thứ hai từ bờ bên kia sang.

Chẳng sao, họ khắc nhìn thấy. Nó nghĩ rồi đi thẳng lên con đường dốc cát lở tở dưới chân để bước thật nhanh về phía ngôi làng trước mặt. Dưới chân nó, đất sụp xuống, bám đầy và lún sâu vào dép. Sự trì kéo của thứ đất sệt sệt dính liền với cát luôn là sự khó chịu với con người nơi sông nước. Phải leo hai con dốc thoai thoải bằng thứ đất này mới đến được ngôi làng nó cần tìm. Không sao, càng ngày đất càng tơi ra và dễ đi hơn, chẳng qua một trận mưa lớn nên đất dính người như thế. Nó tự an ủi.

Ngôi làng hiện lên mỗi lúc một gần. Đầu tiên là tháp chuông của nhà thờ xóm đạo, vươn lên trên bầu trời như một mũi tên, màu trắng lẫn vào khoảng trời xanh leo lẻo, như hút hồn nó, mời gọi nó. Nó dừng lại hít thở một hơi thật khoan khoái thứ gió từ sông thổi vào gặp những luồng mây lớn ở phía tây, hắt lên khoảng trời xanh trước mặt, tạt vào mắt con người mới dễ chịu làm sao. Ơn giời có những thứ gió thật trong lành mát mẻ. Nó đứng lại dang cả hai cánh tay, để tận hưởng từng đợt gió táp vào mặt vào hồn nó. Ơn giời! Câu ấy lại vuột qua trong nó.

Nó rảo bước nhanh hơn. Những ngọn cau, gày mảnh và thanh đâm toạc lên không trung, bắt gặp thứ nắng quái buổi chiều tạo nên một màu xanh pha vàng làm nó sững lại. Những tàu lá không xanh thẫm, đẫm sương như buổi ban mai, nhưng rõ ràng có sự dịu lành trở lại sau ngày dài nắng táp, nép khiêm nhường bên thân cây già. Bầu trời đẹp, bóng cau đẹp, làm nên một bức tranh đồng quê với những nét vẽ đơn sơ mà tuyệt diệu làm sao.

Kìa, tiếng sáo! Tiếng sáo như ở đâu vọng về, lơ lửng bay trên không trung rồi đậu vào giàn gấc xanh mơn mởn. Những lá gấc xếp chồng lên nhau líu ríu và quắn quyện, xanh như thể chưa bao giờ được xanh như thế, những chiếc lá cứng cáp và dày dặn, đầy sức sống bện vào nhau, lớp này đến lớp kia, hàng này đến hàng kia, trùng điệp trên bờ rào. Những quả gấc non bé nhỏ, nhú ra như những chú chuột con mỏng manh, yếu ớt, bên cạnh những quả gấc to xanh mướt, nép mình im im trong từng tán lá, và những vòi non cứ vươn dài, vươn dài ra mãi. Tiếng sáo lúc nhanh lúc chậm, lúc dìu dặt vang xa, lúc lại gắt lên như lời thề thiêng liêng dữ dội, lúc nỉ non như tiếng khóc của người mẹ nào đó mất con rồi dịu dàng đậu vào giàn hoa tóc tiên nhà ai, những bông hoa đỏ chói đang phun ra từ những mắt lá kim bé nhỏ, xinh xinh. Những bông tóc tiên màu đỏ bung nở hết cánh hoa để đựng cho hết tiếng sáo.

Bước chân của nó đã đến giữa làng. Nó đang đuổi theo tiếng sáo. Tiếng sáo tròn đầy, tiếng sáo lúc vẹt đi tựa như cái gáo dừa múc nước của bà đã dùng bao năm thành mỏng quẹt, lúc dầy như chiếc bánh bao làm bằng gạo nếp ngày tết thanh minh. Tiếng sáo lúc trong như nước giếng đào, có khi chìm và ẩn như trò chơi ú tim của con trẻ, chạy chỗ này, nấp chỗ kia, và mỗi lần chạy nấp là những tràng cười giòn tan như thách thức, như mê hoặc. Ha ha ha, rích rích rích...
Nó đang đuổi theo tiếng sáo.

Lần này, tiếng sáo bay về với cánh rừng. Nó nghe thấy rõ tiếng nước chảy của con suối trong xanh nào đó, những âm thanh nhẹ và xa thánh thót. Tiếng gió đêm, tiếng những con chim tranh nhau chỗ ngủ, kêu tíc tíc. Cả tiếng những đàn cò bay ra từ mảng rừng xanh thẫm vào lúc bình minh, màu xanh của rừng già đối lập với cánh trắng nhỏ nhoi đập nhịp vội vàng gấp gáp, như bị sức nặng của cả bầu trời đè xuống. Một con bay ra khỏi rừng, hai con bay ra khỏi rừng, cả cánh rừng xôn xao, tiếng gió ngàn, tiếng kêu thảng thốt, tiếng suối reo, những âm thanh từ hỗn mang của những thứ con người chưa bao giờ biết đến…

Nó nhắm mắt lại, tiếng sáo đưa nó đến một nơi thật xa. Ở đó, có những tháp ngà, có công viên, hồ nước, cả vạt cỏ, ghế đá và vườn cây, những cột đèn, giàn hoa bên cánh cổng của ngôi nhà lớn… Tiếng sáo đậu vào tháp chuông, nơi quảng trường có những chú chim bồ câu hiền lành đang mổ thóc, xa xa người ta xòe những đồng xu để chúng quắp lấy và mang đi, cảnh tượng dịu dàng và trong trẻo... Tay nó đã sờ được vào bức tường hoa của một tượng đài uy ghi lộng lẫy, nó thấy mình bé nhỏ bên sự sừng sững, nó cố ngước mắt lên thật cao, khoảng trời xanh quá phía trên, từng đợt lá vàng rơi, nó nhắm mắt lại để đón nhận cả ngàn chiếc đang trút xuống từ những cây rực rỡ độ thu về. Thành phố xa hoa và rực rỡ, thảm cỏ xanh, bồn nước, những con bồ câu mắt nhìn ngơ ngác. Bất chợt, nó nghĩ đến giọng nói của chú Dểu bị gió thổi bạt mắc vào ngọn tre. Nó nhớ bờ ngô, một chút luyến tiếc, nhưng nó muốn ở đây, nơi chỉ có mặt hồ mênh mông sóng dợn, không có doi đá nhấp nhô và hủm nước trũng xoáy gợi cái chết thương tâm của người bạn. Mọi kí ức bắt đầu mờ xa, mờ xa.

Tiếng sáo đưa nó nhìn rõ mặt người thổi sáo, chàng trai trong thế giới truyện xưa, gió đưa tóc chàng lòa xòa về phía trước, những lọn mềm mượt uốn cong bay đủ mọi góc chiều, mắt chàng biếc, tay chàng tì vào thân sáo mơ màng đưa lên môi, và âm thanh cất ra, mọi cung bậc sắc màu của thế giới quắn quyện hài hòa, dẫn dụ.

Tiếng sáo chìm vào không gian xa, gợi những chân trời rộng lớn. Nó càng theo, tiếng sáo càng chạy, nó càng gần tiếng sáo càng mất, mê hoặc mà chẳng thể nào với tới. Nó quên rồi, con thuyền về nhà, khúc sông, cánh đồng và những vạt cỏ cháy rụi vì hóa chất. Cả tấm lưới trắng tinh chăng lên để bắt sự cô đơn của lũ cuốc buồn, hai người đàn ông khoác kích điện bơi thuyền ngang sông từ chiều đến tối rồi đến đêm khuya. Tiếng sáo đi xa quá, qua ngôi làng, qua khúc sông, ẩn mình vào bầu trời đêm, biến thành hình lưỡi liềm trăng, mỏng và xanh nhạt lơ lửng trên bầu trời, cùng với ánh lân tinh của những hành tinh xa xôi khác. Tiếng sáo gợi lên một thế giới huyền thoại, nơi có những vị vua và hoàng hậu, nơi có những vì sao và những nàng tiên nữ, nơi có chàng hoàng tử mang kiếm đỏ, tung mình trên những con bạch mã, bay vút vào không trung, hái những bông hoa sao cài lên mái tóc của nàng công chúa.

Nó xa thế giới đó quá rồi, ở đây không có cụ Tèo được đón về nhể nanh cho em nó, một con ếch con vừa sinh ra không có bố, càng không có những cây gai dại bên đường nở những bông tím hồng xinh xinh mà chỉ nó nhìn thấy sự kiêu kì của thế giới thiên nhiên qua những đóa tím hồng phơn phớt trong khi bao đứa trẻ thành phố chỉ nhìn thấy cứt trâu và gai góc, sự dị mọ trong từng trò chơi.

Tiếng sáo lúc là hình, lúc là âm, lúc hoá ra màu sắc, rợn lên một màu đỏ rỡ phía xa.
*
*    *
Hôm sau, người ta thấy nó nằm trong một hủm cát chứa đầy nước mưa gần chỗ ông lão Tèo mà bà nó dặn sang mời về nhể nanh cho em nó. Tay nó vẫn cầm một bó hoa tóc tiên đỏ chói, cánh còn tươi nguyên, lá xanh mướt, áp sát vào mái tóc cũng xanh. Miệng nó như hé một nụ cười.
 
Trại sáng tác An Giang 2017
B.T
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)