Văn xuôi  Sáng tác

Hội hè

Thứ Bảy, 30/09/2017 00:14
Truyện ngắn . TÔ HẢI VÂN

Chuông điện thoại kêu reng reng reng reng.
Cái Minh vẫn thường khúc khích cười khi nghe tiếng chuông ấy: “Bác cổ quá. Người ta phải đặt chuông cho vui vẻ, tình tứ một chút chứ” K thường trả lời: “Nhưng tao nghe cái này quen rồi. Phải reng reng mới là có điện thoại gọi.”

K thủng thẳng cầm chiếc điện thoại di động, nhìn số vừa gọi đến. Lạ hoắc. Nhưng gã vẫn bấm nút. “K đấy à?” - Một giọng cũng lạ hoắc, vang lên qua loa ngoài. Gã hơi nghễnh ngãng, nên vẫn thường để chế độ loa ngoài nghe cho rõ. “Ờ. Ai đấy?”- Gã nghi hoặc. “Khoan đây.” Là cái thằng nào ấy nhỉ, K không nhớ. Nhưng nghe cái giọng dõng dạc, kẻ cả, K đoán, chắc hẳn thằng này quen mình, thậm chí chắc cũng làm to to. Vì vậy, lịch sự: “A! Chào ông!” Giọng bên kia nói như không để ai cãi: “Khoan 10G đây! Sắp tới có hội lớp, đi nhé? 10 giờ, ngày mười sáu tháng này. Sau đó kéo nhau đi liên hoan.”

Cái Minh nghe lỏm, khúc khích: “Các cụ bô hay quá nhỉ? Họp lớp vào tuổi bố chắc vui vãi! Ông già bảo bà già: bà vẫn xinh quá. Bà già má ửng hồng bảo ông vẫn ga lăng như xưa. Đi mua kem cho tôi đi.”
“Đi lau sách đi!” - K quát.
Minh lè lưỡi, chạy.

K là chủ một cửa hàng sách nhỏ trên một con phố nhỏ. Cửa hàng là một gian nhà nhỏ đi thuê. K năm nay năm mươi lăm tuổi, cái tuổi quá trễ để làm được một việc gì đó ra hồn, và quá sớm để nghĩ về những kết thúc. Còn Minh là nhân viên duy nhất của cửa hàng, K “nhặt” được trong một lần đi mua bánh mì. Lần đó, K đứng xếp hàng sau Minh. Minh mua bánh mì xong, đi một đoạn, hớt hải quay lại: “Cô ơi, cháu đưa cô tờ một trăm, cô lại trả lại cháu những bốn trăm bẩy.” Con bé này được, K nghĩ, liền đi theo, hỏi han. Biết nó mới trượt đại học, K gạ nó vào làm nhân viên cho mình. “Làm ở hiệu sách có điều kiện học thêm, sang năm thi tiếp, nhé?”

Minh là một cô gái nhỏ nhắn, “xinh” theo kiểu quan niệm của một tay bán sách. Tức là: thuộc hết tên sách, nhưng không nhất thiết phải thuộc tên nhà văn; leo trèo rất giỏi để lấy sách trên các giá cao; sợ phát khiếp 3M (mối, mọt, mốc) nhưng không sợ chuột, vì chuột chẳng vào hiệu sách làm gì. Toàn bộ mọi thể loại chuột đều không cần tri thức.

Bỗng có tiếng mở cửa. Ai lại hâm đơ mua sách vào cái giờ này? Tám giờ sáng, không ai mua sách, mà người ta mua xôi, mua phở. Sách không hề hiện diện trong đầu. Chín giờ cũng không. Guồng quay mưu sinh bắt đầu quay nhanh. Chín giờ cũng là lúc K rời nhà đi đến cửa hàng sách. Chín giờ rưỡi mở cửa hàng là vừa. Thói quen của K là sau khi mở cửa hàng, làm một phin cà phê. Những giọt cà phê sánh đặc từ từ đọng lại dưới phin, đến một lúc đủ lớn, nó thong thả nhỏ xuống cốc. Nhường chỗ cho giọt em tiếp sau. Gã bảo Minh: Đọc sách cũng vậy. Cứ phải để cho nó thấm dần, rồi nhỏ từng giọt vào đầu. Còn Minh, thói quen của cô là đến cửa hàng lúc chín giờ mười lăm, tự lúi húi pha một ấm trà, rồi ngồi bệt xuống đất cạnh một giá sách nào đó tự thưởng thức trà ngon. Như một bà cụ, K thường đùa cô nhân viên của mình.

Có tiếng mở cửa, cả chủ lẫn nhân viên đều ngước mắt nhìn. Một người còm nhom, thoáng nhìn cũng đã thấy vẻ buồn bã toát ra, bước vào. Cả chủ lẫn nhân viên đều thở dài. Khách quen. Quá quen. Ông M, nhà văn. Trạc tuổi K. Nghe tên “nhà văn M” thì cũng thấy quen quen, nhưng cũng thấy là lạ. Tuần nào ông ấy cũng phải rẽ vào hiệu sách hai ba lần, nhưng rất ít khi mua sách. Thường ông đến vào buổi chiều. Một tháng trời không thấy mặt ông, tưởng ốm đau gì, hôm nay mới thấy xuất hiện, lại đến vào buổi sáng? Chắc sốt ruột quá?

Cách đây một tháng, ông M rụt dè đưa đến một dây sách. “Sách tôi mới in ra, nhờ ông bán hộ.” - Ông bảo. - “Cả một cuộc đời viết được dăm truyện in báo và cuốn tiểu thuyết mới ra này đây.”

Tất nhiên, K chúc mừng ông, rồi nhận ngay. Gã thầm nghĩ, ngày xưa, mình cũng thèm viết lắm, thử mãi mà chẳng viết được truyện nào. Đã làm đủ mọi nghề, cuối đời xoay sang mở hiệu sách, cũng vì để trả thù cái thú viết lách mà không viết được. Cho nên, K rất nhiệt tình nhận sách của ông M, lại bảo Minh bày ở chỗ trang trọng nhất, dễ nhìn nhất.

Nhưng thật tiếc, cả tháng chẳng bán được quyển nào. Chẳng ai để mắt đến cái cuốn sách “Miền xa” của ông cả. Trong khi cuốn “Nhẩy với anh đi, em” của một thằng cha lạ hoắc lại bán chạy như tôm tươi.

“Thế nào, sách tôi có bán được không ông?” - Ông nhà văn cởi cái khăn len quấn kín cổ, nén hơi, khẽ khàng.
“Được năm cuốn!” - K hồ hởi bảo. - “Ông có muốn lấy tiền ngay không, hay đợi lúc bán được nhiều nhiều?”
Minh tròn mắt nhìn ông chủ. K trợn mắt nhìn cô nhân viên.
Ông nhà văn mắt chớp chớp: “Được một người mua, một người đọc đã là quý lắm rồi ông ạ. Đời người ta cũng chỉ cần có thế thôi. Đằng này, những năm!” Nét mặt tươi hẳn lên.

Ông chủ K đắc thắng nhìn cô nhân viên.
Chuông điện thoại của K lại reng reng. Gã lại ấn nút.
“K đấy à, Thuận đây. Nhớ không, Thuận 10G ngồi bàn cuối dãy 2.”
“A, a, chào “cậu”. Lâu lắm rồi nhỉ? Bà ngoại mấy cháu rồi?”
“Sáu. Sáu thằng quỷ sứ. Thứ bảy, chủ nhật nào cũng đến phá nhà bà. Mà này, nhớ ngày chủ nhật mười sáu tới lớp mình họp lớp…”
“Biết rồi biết rồi.”
“Ừ, biết rồi thì thôi không nhắc. Tính “cậu” vẫn như xưa. Ngang bỏ mẹ. Chả trách bọn lớp mình nó ngại “cậu”. Mà “cậu” biết không, thằng Thanh nó bao toàn bộ bữa liên hoan, nhà hàng xịn đấy. Có nhớ nó không, cái thằng ngu lâu chậm tiến nhất lớp ấy, bây giờ thành VIP rồi đấy nhé. Giầu khự! Thôi “tớ” phải kêu gọi những đứa khác đây. Chào!”
Ngang bỏ mẹ. Ừ, gã vẫn nhớ, mọi đứa trong lớp đều bảo gã ngang. Nhiều đứa trong lớp không chơi với gã vì cái tính này. Cả thằng Khoan lớp trưởng hồi xưa ghét mình như chó, vì chuyên bỏ học, cãi lại thầy, mắng và đánh nhau với hắn. Mấy bận hắn lôi mình ra phê bình. Thế mà cuộc gọi đầu tiên gã nhận được lại là của Khoan! Vậy có nên đi không nhỉ?

Reng reng reng reng!
“A lô?”- K ngạc nhiên, sao lần này chuông kêu vui thế?
“Tớ đây, Hà đây!”
A, cô bạn này thì gã nhớ ngay. Ngồi bàn ngay trước gã. Có một đôi đuôi sam cực dài. Cứ mỗi lần không giải được bài tập toán là đuôi sam lại tràn ra vở, nàng lại tóm lấy, cáu kỉnh quăng vèo ra đằng sau, kết quả là đuôi tóc lại quệt vào mặt gã. Gã lại tức: đưa đây, tớ giải cho mà chép.
“Có đi hội lớp không?” - Điệp khúc lại vang lên trong một bài ca biết rồi khổ lắm. “Đi nhé? Tớ vẫn còn nhớ “cậu” đầy hoài bão làm ông nọ bà kia, còn muốn lên cả vũ trụ cơ mà! (Khúc khích cười). Sao cứ ậm ừ thế?”

Hoài bão tuổi trẻ thì gã nhớ mang máng, còn đuôi sam thì nhớ rõ rệt.
Nhưng nghe mãi, gã thấy mệt. Hội với chả hè.
Không trả lời, gã tắt máy.
Cái Minh lại khúc khích cười sau giá sách.
Mình mà đã từng mơ ước bay lên vũ trụ?

K thấy mình ngố, gã tắt chế độ loa ngoài. Lộ mẹ nó mọi bí mật. Mày đứng đấy mà cười! Thời xưa nó thế. Mấy chục năm nữa đến lượt mày, mày có kể quãng thời gian đi bán sách với một lão già hâm không? Cười cười cái gì?

Cuối giờ chiều, K đóng cửa hàng, thủng thẳng đi về nhà. Nách gã cặp năm cuốn sách mới. Năm cuốn giống nhau vì ra đời cùng một lò. Đi theo năm cuốn sách là đôi mắt tò mò của cô nhân viên trẻ.

Hôm sau, điện thoại làm việc hết công suất. Tiếng chuông reo liên hồi. “Thế nào, có đi hội lớp không?” Câu hỏi nào cũng như câu hỏi nào. Và câu trả lời nào cũng thế: “Ờ ờ, để xem xem đã, vì còn vướng nhiều chuyện quá…”

Gã chán nản vứt oạch cái điện thoại xuống bàn. Năm nay lạ thế, cả lũ cứ như lên đồng. Hội lớp… Mọi năm có hội lớp đâu mà vẫn sống tốt? Sao năm nay lại nảy ra hội hè?

Buổi chiều. Lại một lô cuộc gọi: “Này, thế có đi hội lớp không đấy?”
Gã phát bẳn: “Không đi!” (Rõ là ngang, cái tính không sửa được.)
Giọng đầy ngạc nhiên: “Đùa đấy à? Vui lắm, đi đi!”
Gã lại quăng điện thoại lên bàn.
Không biết có nên tắt hẳn nó đi không nhỉ?

Dù sao, K cũng thấy phân vân. Nên đến, mấy chục năm rồi còn gì! Kẻ còn, người mất. Kẻ lên voi, người xuống chó. Nhưng chán, chả muốn đến, cuộc đời nó thế, cũng mấy chục năm rồi còn gì!

K ngồi tựa lưng vào ghế. Cửa hàng sách buồn buồn. Chả ai ghé vào. Chủ ngồi duỗi dài chân. Nhân viên ngồi bệt dưới đất uống trà. Sách bây giờ như những cô gái ế, cho dù có đẹp, hay ngoan, hay thông minh, hay cau có, hay phũ phàng… Cả cuộc đời mình đã chả ra sao, nay đi gặp lũ bạn phổ thông cũ, gặp đứa thành đạt vênh vang cũng chả ra sao, gặp đứa kém mình ủ ê cũng chả ra sao… Chán chẳng muốn nghĩ nữa. Thôi quyết định: Mai khuyên con bé Minh bỏ làm chỗ này, đi kiếm việc khác mà làm, còn đời mày nữa chứ? Phải bay, phải nhẩy chứ?

Bỗng lại reng reng. K chửi tục một câu. Không thèm trả lời.
Không có khách, thiu thiu ngủ. Có tuổi, cứ ngả cái lưng xuống một lúc là lơ mơ.
Không biết hội lớp lần này H có đến không? Nếu có, gã có thể cũng sẽ đi. Gã vẫn nhớ cái lườn của nàng: mát dịu êm ái đến vô cùng. Hôm ấy giờ ra chơi, hai đứa va vào nhau, rồi cùng ngã ngồi xuống ghế. Theo bản năng, gã tóm lấy nàng. Tay gã vô tình đụng vào lườn nàng. Cho dù còn một lớp áo, nhưng gã vẫn cảm giác đầy đủ cái lườn êm dịu, khiến gã ngây ngất. Người nàng chỗ nào cũng tròn. Đến cái cười khúc khích cũng tròn. Đó là lần đầu tiên trong đời gã biết thế nào là người khác giới. Không thể quên được. Đến khi lấy chồng rồi, có lần tình cờ gặp nhau, nàng còn trêu chọc, cầm tay gã tự xoa vào lườn mình… Nhưng lần ấy không thích. Xoa con mèo còn thích hơn.

Còn thằng T? Liệu có biết mà đến không? Sẽ đấm nó một quả. Bao năm chơi với nhau, nhảy tàu điện, trốn vé, đạp xe mấy vòng quanh hồ Tây chỉ để cãi nhau ba điều lăng nhăng… Sau đó nó lặn mất tăm, dường như bay đến một hành tinh xa xôi nào khác. Không còn một dấu vết gì.

Chiều muộn đóng cửa hàng. K lại lấy một quyển “Miền xa” cặp vào nách đem về nhà. Gã nhìn cái Minh đang vặn vẹo quay xe máy. Hình như trong giỏ xe của nó cũng có một quyển “Miền xa”? Không biết gã có nhìn nhầm không? Nhìn lại. Ồ không, cái bìa kia không nhầm được. Nghề của mình mà! Ờ, con bé ngoan!

 
pham minh hai hoi he 875
Minh họa: Phạm Minh Hải

Mấy hôm bẵng đi chẳng có ma nào gọi cho gã nữa. Đợi thêm mấy ngày, cũng chẳng có cuộc gọi nào. Gã bồn chồn, đi ra đi vào.

Chẳng lẽ chúng nó sau những giây phút ồn ào chợt nhớ đến mình rồi sau đó đã quên mình thật sao?
Đi? Không đi? Gã tưởng tượng đến cảnh đi vào lớp cũ, ồn ào náo nhiệt, vỗ vai người này, bắt tay người kia, nói dăm ba câu chuyện tầm phào, hỏi thăm thầy cô cho lấy lệ, ngồi cắn hạt dưa (nếu có) cho toét tay, trả lời những câu hỏi mà cầm chắc người hỏi sau khi biết thông tin sẽ quên ngay tức thì, gã lại chán ngán. Những trò hội hè, hội thảo vô bổ ngày còn đi làm khiến gã phát ghét, không biết hội lớp có cái trò một ông cấp trên đến “chỉ đạo hội lớp” hay không?

Vợ bảo, ông đi đi, cho cái đầu nó nhẹ nhàng. Ru rú trong cửa hàng sách chỉ tổ nhược người. Thiếu ánh nắng mặt trời.
Cũng đúng. Nhưng bây giờ, gã đã thấy ngại. Ngại đủ điều. Một triệu chứng của tuổi già. Không hẳn. Một triệu chứng của việc biết cái gì là cái gì.

“Thế nào, ông?” - Ông nhà văn M rón rén hỏi.
K giật mình, tỉnh giấc mộng ngắn ngủi.
Gã nhìn ông già đứng khiêm nhường trước mặt. Cố nở một nụ cười. Ông ta xuất hiện lúc nào mà mình không biết?
“Bán được thêm hai cuốn.” - Gã trịnh trọng nói.
Mặt ông nhà văn tươi lên. Sự xúc động hiện rõ.
Rồi ông trịnh trọng chào gã, chào cô bé nhân viên, ra khỏi cửa hàng sách, đi nhanh nhanh dọc phố.

Có thể, K nghĩ, trong đầu ông đang hình thành một cuốn tiểu thuyết mới.
Cũng có thể, tối nay, mình sẽ thử bắt tay vào viết một truyện ngắn chẳng hạn?
Nhưng, để làm gì?
Thế rồi ngày mười sáu cũng đến.
Gã vẫn ở nhà.

Đúng hơn, là vẫn như mọi ngày, chín giờ rời nhà đi đến cửa hàng sách.
Chín giờ rưỡi mở cửa hàng.
Làm một phin cà phê.
Chín giờ mười lăm, Minh đến. Lúi húi pha một ấm trà, rồi ngồi bệt xuống đất.
Chờ khách hàng mua sách.
Thời gian chầm chậm trôi.

Lúc này, hội lớp chắc hẳn đang sôi nổi, lũ bạn học đang nói nói cười cười. Cũng có thể bắt đầu nhồm nhoàm bên bàn tiệc. Tay giơ cao cốc bia, miệng hét “Chúc mừng!” Chúc mừng cái khỉ gì nhỉ?
Mấy tiếng đồng hồ đã trôi qua, vẫn chẳng có ma nào ghé vào hiệu sách.
Loài người đi đâu hết?
Ngày mười bẩy, mười tám bình lặng.

K bảo cái Minh: “Mày để lại hai cuốn “Miền xa”, bầy chỗ trang trọng, số còn lại gói vào giấy, buộc lại cho tao.”
“Vâng ạ.” - Minh nói.
“Và tính tiền, tất cả, trừ đi hai cuốn. Vẫn chiết khấu ba mươi phần trăm, rồi cho vào phong bì.”
“Vâng ạ.” - Cô bé uể oải đi thực thi nhiệm vụ.
Con bé này, không nói thì trước sau nó cũng làm thế, K nghĩ.

Ngày mười chín, gã hơi sốt ruột. Dù sao thì mình cũng ở trong cái đám ấy mà ra! Mình có khác gì chúng nó đâu?
Ngần ngừ một lúc, rồi gã rút điện thoại, gọi cho thằng Khoan lớp trưởng. Hôm trước cái Liên có nói thằng Khoan này oai lắm, nó ở trong Ban tổ chức hội lớp, lại còn trong Ban liên lạc của tất cả các lớp cùng khóa.

“Thế nào?” - Gã hỏi.
“Ờ, vui.” - Hắn nói.
“Vui thế nào?”
“Thì, vui là vui chứ thế nào nữa? Ông hỏi chán bỏ mẹ.”
Chẳng còn gì vẻ hồ hởi như khi báo tin chuẩn bị họp lớp.

Đột nhiên K muốn biết thằng X con Y ngày xưa bây giờ trông ra sao, thằng A con B bây giờ thế nào… Chẳng gì cũng đã biết nhau từ thuở ngơ ngác.
Thằng Khoan đột ngột bảo: “Tôi đang bận lắm, thôi tôi gửi cho ông cái ảnh cả lớp chụp chung nhé.”
Ảnh? Ảnh không có mùi rượu bia, không có âm thanh cốc chén, không có không khí hội hè.
Mà thôi, ảnh cũng được.
Ít, đành vậy.
Suốt cả ngày mười chín đợi, chả thấy ảnh đâu.

Sáng hai mươi, điện thoại K teng một tiếng, gã chồm lấy máy, mở ra, ờ, thằng này giữ lời hứa, ảnh đây rồi.
Gã ngồi xuống ghế sau quầy thu tiền. Ngồi rất ngay ngắn. Trang trọng xem ảnh.

Nhìn đến toét mắt chả thấy đứa nào quen. Gã zoom ảnh lên, lấy tay di từng khuôn mặt một. Chỉ thấy đầy chấm trên mặt, trên những khuôn mặt lạ hoắc. Gã lần từng khuôn mặt một, nhíu mày suy nghĩ, cố hết sức để nhận dạng. Nhưng vẫn không nhận ra ai.
Khi zoom to, những khuôn mặt trông dị dạng.
Ô ô, chả lẽ lớp mình lại biến dạng thế này ư?

Suốt cả tối, gã đi ra đi vào. Lẽ nào ngay cả khuôn mặt của H, người con gái mà gã vẫn thầm nhớ, cũng không nhận ra sao? Gã lại mở máy, cố tìm riêng khuôn mặt ấy. Vẫn không thấy.

Chán nản, gã lôi ra cái gương soi. Khuôn mặt của một thằng cha hiện ra. Mình đây sao? Có nhận ra không?
Gã gật đầu, rồi lắc đầu. Một khuôn mặt chán chết.
Gã phải chịu đựng mất hai ngày buồn phiền.

Nhưng chính trong hai ngày buồn phiền đó, cửa hàng gã lại đông khách. Dường như thiên hạ kéo nhau đến chứng kiến nỗi buồn của gã, và mua sách để trêu chọc gã.
Đến ngày thứ ba lại chẳng có ma nào ghé qua.
Chiều, ông nhà văn lại tới.

“Thế nào, đi hội lớp có vui không?” - Ông hỏi, tỏ vẻ quan tâm.
“Sao ông biết?” - K ngạc nhiên.
“Thì, ông mở loa to thế, ai mà chả nghe thấy?”
“Ừ nhỉ, rõ chán, già rồi nhớ nhớ quên quên.”
“Hôm nọ tôi cũng đi dự hội lớp tôi”, - ông nhà văn nói - “toàn khoe chiến tích thôi ông ạ. Toàn tiền tiền.”

K và ông nhà văn cười. Minh đang ngồi dưới đất ngước mắt lên, đôi mắt to tướng, chén trà vẫn đang lửng lơ chưa biết nên đặt xuống hay đưa lên miệng.

“Năm nay là năm gì mà có vẻ được mùa hội hè, ông nhỉ?” - Ông nhà văn thở dài.
“Năm con khỉ.” - K buột miệng.
Ông nhà văn cười ha ha.
Rồi, ra vẻ chợt nhớ, K bảo: “À quên, tiền bán sách của ông cũng kha khá rồi đấy. Cái Minh đâu nhỉ?”
Minh đứng vụt dậy, toe toét đưa ông nhà văn phong bì.
K chợt nghĩ: con này giỏi, cái cười xinh thế!
Ông nhà văn cảm động rưng rưng: “Cám ơn ông nhiều. Cái chính là đã có người đọc tôi. Tôi cứ lo chẳng ai thèm đoái hoài tới…”

Đến mình là chủ hiệu sách hẳn hoi, cầm sách của ông đem về nhà, mà đã đọc đâu? - K nghĩ, cười buồn.
“Cái thằng bé tên Nam trong sách ông ấy, hay ra phết, ông nhỉ?” - Bất ngờ, cái Minh nói.
Ông nhà văn nhìn cô gái đầy vẻ biết ơn: “Ừ, cháu! Nó là hình ảnh tôi hồi bé đấy.”
“Hồi xưa ông nghịch thế, hay thế, mà sao bây giờ…” - Minh lè lưỡi, biết ngay mình nói năng chả ra sao.
Ông nhà văn cười hà hà.
“Đời mà! Cám ơn ông, cám ơn cháu, hôm nay mới là ngày hội hè thật sự của tôi đây.”
Ông nhà văn nhảy tưng tưng ra đường.
Còn K, gã lại mở ảnh ra xem. Lại nhăn nhó.

Mãi đến ngày thứ ba, điện thoại gã lại teng một tiếng rõ to. Gã thờ ơ mở máy. Một bức ảnh. Một dòng ghi chú: Xin lỗi, tao gửi nhầm ảnh lớp khác. Đây mới là lớp mình.
Gã sướng quá, có thế chứ, nhầm ảnh!

Lại trang trọng ngồi vào bàn. Trang trọng mở file ảnh. Lần này lập tức zoom lên cho rõ. H ơi, bạn đâu?
Nhưng rồi lần nữa gã lại thất vọng: không nhận ra một ai.

Liếc nhìn xung quanh. Khách hàng không. Còn cái Minh biến đi đằng nào. Gã yên tâm lôi gương ra. Gã soi gương.
Cau mặt: thằng cha nào đây? Đến mình còn chẳng nhận ra mình nữa, còn mong nhận ra ai?  
 
T.H.V
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)