Văn xuôi  Sáng tác

Người cõng linh hồn

Thứ Ba, 25/09/2018 00:10
Bút kí. NGUYỄN THẾ VIỄN

Cuối thu, cơn mưa trái mùa bất chợt đổ xuống rồi tạnh ngay làm dịu cái hanh khô, oi ả. Đêm miền sơn cước thơm nồng mùi lúa chín. Trời se se lạnh. Trong màn sương mỏng, cảm giác nghe rõ cả tiếng lá rơi nhẹ ngoài sổ.

Bên ấm trà xanh thoảng hương nhài, trong ngôi nhà của mình ở Bằng Ninh, Yên Ninh, Phú Lương, Thái Nguyên, Phạm Văn Bắc ngồi im lặng, mắt đăm đăm nhìn ra bóng đêm. Còn rất nhiều để nói với nhau, nhưng giống như nốt lặng của bản nhạc trầm, trong chúng tôi giờ là những ngân vọng của thời binh lửa. Câu chuyện của anh về mình, về đồng đội, như thể mới diễn ra đây thôi. Như thể anh chưa hề bước ra khỏi chiến trường...
*
*     *
Con lộ số 8 ngoằn ngoèo như con trăn khổng lồ nối từ thành phố Ban Mê Thuột, trườn về hướng Tây Bắc, xuyên cánh rừng khộp, xăng lẻ, cẩm lai và những vạt cây le, len lỏi qua các đồn điền cà phê, cao su, vượt qua sông Sêrêpôk dẫn tới cứ điểm Bản Đôn.

 Cuối tháng 2/1974, Trung đoàn 25 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 2 (K20b) tiến đánh cắt đứt đường số 8, chặn đường tiếp tế hậu cần cho cứ điểm Bản Đôn, không cho địch nống ra lấn chiếm vùng giải phóng, mở thông hành lang vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trận ấy, tôi trên cương vị là y tá, được Tiểu đoàn bộ điều xuống tăng cường cho Đại đội 1.

 Hành quân nhằm hướng đường số 8, đơn vị ban ngày phải lợi dụng những vạt rừng hiếm hoi và những bụi le để ém quân men theo bờ suối, đêm lặng lẽ băng qua các trảng cỏ trống trải và những cánh rừng khộp rộng mênh mông. Cây khộp thuộc họ dầu, thân cao, tán rộng, cây thưa. Về mùa mưa, cành lá xum xuê xanh tốt, nhưng giờ đang mùa khô nên chỉ còn lác đác những chiếc lá đỏ sẫm xen vàng. Khi cơn gió ào qua, chúng nối nhau bay xuống đánh võng, trao liệng như cánh diều, có chiếc quay tít như muốn cố níu lại khoảnh khắc ở trên không. Những dòng nhựa rỉ qua lớp vỏ cây sù sì, vón cục rơi đầy gốc, óng ánh dầu. Nắng hanh hao, lá khộp rụng xuống xếp chồng lớp, cong như chiếc bánh đa, khô giòn. Chỉ cần một mồi lửa, cả rừng khộp sẽ biến thành Hỏa Diệm Sơn.

Tới vị trí tập kết hôm trước, hôm sau, mới hửng sáng đã nghe tiếng gầm rú của xe bọc thép M113 dẫn đường, hộ tống đoàn xe GMC chở đầy lính Ngụy, quân lương, ầm ầm cuốn bụi lao trên đường số 8, lên tăng cường cho Bản Đôn. Khi chiếc M113 đi đầu vừa nhô khỏi khúc cua gấp, Trung đội trưởng Hoàng Công Chất vác B40 lao ra, quỳ ngay trên mặt đường. Quả đạn xé gió dựng cột lửa màu cam trùm kín nó. Phát B40 thay hiệu lệnh tấn công, các chốt đồng loạt nổ súng vào đoàn xe đã bị rối loạn. Vài chiếc lao xuống ven đường tự bốc cháy. Bị phục kích bất ngờ, sau phút hoảng loạn, các loại vũ khí có sẵn trên xe địch đồng loạt khai hỏa. Tiếng nổ tóc... oành của súng phóng lựu M79, tiếng rẹt... rẹt liên hồi của tiểu liên cực nhanh AR15. Nghe những loạt AK điểm xạ hai viên một đều đều, bọn địch biết đang đụng độ với bộ đội chủ lực. Chúng vội vã gọi máy bay và pháo tầm xa. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Mùi thuốc súng, mùi xăng dầu bốc cháy, khói cao đến mấy chục mét quyện bụi đất cay xè mắt.

 Trong trận đánh vô cùng ác liệt và không cân sức ấy, anh Hân là Trung đội phó bị trúng đạn của địch. Viên AR15 oan nghiệt găm vào trán anh, phá vỡ mảnh sọ đằng sau gáy. Máu và óc phun trào xối xả ướt đầm mặt mũi.
Anh hi sinh trong tư thế quỳ bắn bên cạnh một gốc cây.

Pháo địch tiếp tục bắn dữ dội, máy bay ném bom xăng, lửa cháy rần rật lan vào các chốt. Đại đội 1 phải lui về phía sau củng cố lực lượng. Tôi cõng anh Hân trên lưng, cùng hai khẩu súng và túi thuốc cứu thương. Cõng đến một cái hồ rất to, tôi giấu anh xuống nước, rồi tìm chỗ ẩn nấp.
Mãi đến tối địch thu quân, tiếng súng mới im hẳn.
Tôi ngơ ngác nhìn quanh và chợt hiểu, mình đã lạc đơn vị.

Lần đầu tiên trong đời, tôi phải ở một mình gần thi thể đồng đội. Cứ mỗi khi nhắm mắt, khuôn mặt bê bết máu của anh Hân lại chờn vờn. Cô đơn, sợ hãi đeo bám khiến tôi suốt đêm không dám ngủ. Chỉ tiếng động nhỏ của con thú kiếm ăn đêm, đàn mối di chuyển rào rào, cũng khiến tôi tưởng thám báo lẩn quất đâu đây, lại giật mình thon thót. Đêm càng khuya, tiếng con chim mảng đi kiếm ăn kêu oe oe, như tiếng trẻ con khóc trên cây, xé tan màn đêm u huyền, khiến tôi sợ run lên. (Con chim mảng còn gọi là con chồn bay, chuyên sống và kiếm ăn ở trên cây vào ban đêm, không bao giờ xuống đất, to như con sóc, màng cánh phủ tới đầu mút đuôi. Các ngón chân nối nhau bằng màng da tới tận gốc vuốt chân. Ban đêm muốn di chuyển từ cây này sang cây khác, nó phải trèo lên cành cao nhất, giương màng cánh ra, thả mình lượn trong không trung xuống cây dưới). Theo lưu truyền của đồng bào dân tộc Ê Đê, khi chim mảng kêu sẽ có điềm xấu.

Quá mệt mỏi, cuối cùng tôi cũng lăn ra ngủ lúc nào không biết.
Ngày hôm sau, mãi đến khi con gà rừng đậu trên ngọn cây le, cất tiếng gáy te te tôi mới quáng quàng vùng dậy quan sát xung quanh. Cái mệt, cái đói bây giờ vào hùa với nhau hành hạ tôi. Bụng rỗng từ hôm qua sôi ùng ục, đói cồn cào, dạ dày cộn cạo như xát ớt. Sờ đến nắm cơm vắt thì đã bị rơi từ lúc nào, lương khô chẳng có. Phát hiện có quả gùi chín vàng treo lủng lẳng trên dây, dù biết sẽ rất xót ruột, tôi vẫn quyết định leo lên bứt ăn nghiến ngấu.

 Khi bụng đã yên yên, tôi ngồi nghĩ xem mình sẽ làm gì tiếp theo. Càng nghĩ lại càng sợ, các tình huống dự kiến đảo đi, đảo lại trong đầu như xao chè. Nếu chỉ có một mình, chuyện tìm về đơn vị đơn giản hơn rất nhiều. Trước khi đi đánh đường số 8, đơn vị đã chỉ rõ trên sa bàn, lại căn dặn kĩ, nếu bị lạc, cứ nhằm hướng Đông mà về, hành quân mấy chục cây số, không chóng thì chầy sẽ tới nơi. Nhưng giờ có thêm anh Hân, vào chiến trường, anh em đồng đội cùng cảnh xa nhà, thương yêu nhau như ruột thịt, gian khổ sống chết có nhau, trong khi đó, mình là y tá, làm công tác thương binh tử sĩ, sao có thể bỏ anh nằm lại, làm mồi cho thú dữ, chim rừng.

Tôi đi ra hồ. Giữa muôn ngàn cây khộp trần trụi, nước trong xanh như ngọc. Những bụi hoa dã quỳ dưới ánh nắng óng như mật, chen lấn, đan xen vào nhau vươn ra soi bóng xuống mặt hồ lăn tăn sóng. Những đàn bướm đậu thành từng đám tới vài trăm con trên bãi đất trống chạy sát mép hồ. Không chỉ những con bướm trắng, bướm vàng, còn có cả các chú bướm xanh lam, nâu đất, hồng phấn, đốm đen điểm trắng... sặc sỡ như những cánh hoa anh túc mỏng mảnh. Mỗi khi có thú rừng xuống uống nước, những sinh vật nhỏ bé đầy sức sống, đồng loạt tung cánh bay rập rờn. Xa xa từng đàn chim le le, vịt trời đang thi nhau lặn hụp bắt cá. Mấy con quạ đen đậu trên cây xăng lẻ, thấy bóng người nháo nhác bay lên, miệng kêu quà... quà. Mùa khô cá dồn về hồ nhiều vô kể, từng đàn cá chép, cá chày, cá quả, cá rô và cá chuẩn úy... đuổi nhau rẽ nước.

 Đưa chiếc khăn mặt đẫm nước lên mặt, rửa sạch bụi đất xen lẫn những vết máu khô, nước mát làm cho tôi tỉnh táo. Lấy hết can đảm gạt búi cỏ phủ trên thi thể anh Hân, tôi luồn tay bế anh lên bờ. Bộ quần áo Tô Châu loang lổ vết máu đã sẫm, những vệt máu chảy tràn trên mặt hôm qua đã bị cá rỉa tan trong nước, lộ rõ khuôn mặt bợt bạt, hai mắt nhắm nghiền. Lỗ đạn thủng trên trán bị che lấp bởi mái tóc ướt sượt. Ở dưới nước cơ thể anh chưa cứng hẳn, tôi bế lên dựa anh vào gốc cây cà boong. Nhìn anh, tôi se sắt từng khúc ruột. Chờ nước róc hết, tôi lấy dây gùi buộc vào người anh, ghé vai cõng anh lầm lũi bước đi.

 Dưới nắng gió hanh khô, khuôn mặt anh Hân chuyển rất nhanh từ bợt bạt sang mầu nâu sẫm, thi thể cũng trương lên và cứng lại như khúc gỗ tì vào thắt lưng tôi đau rát. Tôi thoáng nghĩ, chẳng biết có phải linh hồn níu kéo trĩu vai hay không mà sao hôm nay anh nặng thế dù anh có to cao gì đâu. Vừa đi tôi vừa khấn: Anh Hân ơi! Anh đừng đùa, đừng thử lòng em nữa, anh nhẹ mình ra đi, để em cõng cho đỡ nặng, chúng mình cùng về đơn vị. Thật kì lạ vai thấy bớt nặng, tôi cõng anh hăng hái xuyên rừng. Mỗi khi chân vấp rễ cây hay mỏi vai, tôi xốc anh lên, máu đọng trong bụng, trong ngực bị ép, lại trào ra miệng, chảy vào lưng quyện lẫn mồ hôi ướt đầm lưng áo tôi. Lúc nghỉ, tôi lại đi kiếm cá, hái rau và quả rừng, thậm chí phải nhặt cả những quả trám ba cạnh to bằng ngón chân cái rụng đầy gốc, vun lại thành đống, dùng dao găm chặt đôi, khêu nhân ăn tạm để lấy sức cõng anh đi tiếp.

 Đến vạt rừng xanh, tôi đặt anh dựa vào gốc cây, tháo dây gùi giấu vào bụi. Đang nhặt hạt dẻ cho vào túi mìn Claymore, nghe tiếng đàn dọc (giống con khỉ nhưng to hơn) con đen tuyền, con đốm trắng đông đến mấy chục đang đuổi nhau kêu chí chóe, chuyền từ cây nọ sang cây kia, cành lá đang rung rào rào bỗng nhiên im bặt, tìm các cành cây rậm để nấp và bẻ lá che hai mông đít đỏ. Lại ngửi thấy mùi thuốc lá Ru Bi quân tiếp vụ thơm lừng xộc vào mũi, tôi vội vàng tìm chỗ ẩn nấp. Một chút, tốp thám báo quần áo vằn vện, đi thành hàng dọc đã ngang qua mặt, cách tôi chẳng bao xa. Chắc chúng đi tìm dấu vết của trận đánh hôm trước. Thằng đi đầu mặt quắt cao lêu đêu, tôi nghi là toán trưởng phì phèo điếu thuốc lá cháy chưa đầy nửa, thằng theo sau hai tay lăm lăm khẩu AR15 mắt lấc láo nhìn hai bên đường, chỉ có thằng đi cuối ra dáng mệt mỏi, trên vai chiếc máy thông tin PRC25, cần ăng ten lá lúa đung đưa. Nhìn thấy có người ngồi dựa gốc cây, chúng dạt ra bên đường quan sát. Không thấy động tĩnh gì, nghĩ là người đang ngủ, chúng thận trọng tiến về phía anh Hân. Từ trong chỗ nấp, tôi quỳ xuống, giương súng. Quanh anh Hân, ruồi nhặng bay lởn vởn và mùi tử thi bốc ra. Phát hiện xác chết, chúng kinh hãi, vội đặt súng xuống, chắp tay vái lia lịa. Một thằng mở ba lô lấy túi gạo sấy đặt vào tay anh lầm rầm khấn. Thằng toán trưởng lấy quả US rút chốt an toàn, luồn vào sau lưng anh gài bẫy. Chờ chúng ra khỏi bìa rừng, tôi đến bên anh, thò tay bóp mỏ vịt lấy quả US ra, cài lại chốt an toàn.

 Sang ngày thứ ba, xác anh Hân càng trương to hơn, hơi từ mồm và vết thương bốc mùi nặng hơn, cõng anh trên lưng mà ruồi nhặng bay theo ngày càng nhiều, bám đầy mặt mũi, làm tôi hoa cả mắt. Tôi nghĩ ra cách vừa đi vừa thì thầm tâm sự cùng anh, cho quên đi sự trống trải, lạnh lẽo. Có lúc vấp ngã tôi lồm cồm bò dậy lại hỏi anh có đau không, gắng chịu đựng để em đưa về đơn vị, cứ như anh chỉ bị thương thôi. Đi miết mà quãng đường chẳng biết được bao nhiêu.
 Chiều tà, khi hoàng hôn đã buông bảng lảng, bóng cây đổ dài ngoằn ngoèo trên nền đất lốm đốm sắc màu. Ánh nắng sẫm đỏ như máu chuyển sang tím lịm, rồi bầm đen sau dãy núi Yok Don. Hoàng hôn chuyển dần vào đêm, gió thổi rin rít nghe rờn rợn. Phần vì đói phần vì mệt, giữa mênh mông, cô đơn và lạnh lẽo, tôi quyết định để anh yên nghỉ tạm nơi đây, dù trong lòng không muốn.

 Có kinh nghiệm của lính đặc công, tôi chọn một góc ở ngã ba đường có bụi cây le già gần bờ sông Ya Súp làm nơi tạm chôn cất anh. Không có cuốc xẻng, phải đào bằng con dao găm có rãnh thông máu của Liên Xô khi đi B được phát. Mùa khô, đất trong rừng kiệt nước, cứng như đá. Khoét, bẩy, bới, móng tay mòn đến tận thịt rớm máu. Mỗi khi nghe tiếng loạt soạt lại giật mình dừng tay nghe ngóng. Khẩu AK lên đạn sẵn để bên cạnh đề phòng. Để đỡ đau tay, tôi chặt cây le chẻ ra đan lại, uốn cong để cào đất. Hì hục tới gần sáng, cái hố cũng tàm tạm thành hình, dù không được sâu cho lắm. Lưỡng lự mãi, tôi mới đành lòng bế anh đặt nằm ngay ngắn dưới huyệt. Cởi chiếc áo đang mặc bê bết những vết máu đã khô, mồ hôi ra loang lổ, tôi đắp lên người anh cho vong hồn bớt lạnh. Nhẹ nhàng vun, nước mắt lăn theo từng viên đất lấp lên người anh. Sự xa cách nghìn trùng, âm dương cách biệt giữa tôi và anh đang đến rất gần... Sợ thú rừng đến lôi mất xác, tôi đi chặt những cây le rào chắc chắn, bê đá xếp xung quanh rồi đi ra hồ bẻ một ôm hoa dã quỳ, mang về phủ đầy mộ anh.

 Gục đầu trên mộ, tôi chợt nhớ tới câu chuyện trước khi hành quân đi đánh đường 8 của anh. Bữa đó, thấy anh mặc bộ quần áo Tô Châu mới được phát, anh em hỏi đùa: “Anh đi đánh nhau mà mặc quần áo như đi hội không bằng”. Anh bảo: “Có bộ quần áo mới tội gì không mặc, biết đâu khi đánh nhau nhỡ... thì sao!”.
Tâm thế của người ra trận, hay là linh tính anh chuẩn bị cho mình?

Chợt thấy trong người gai gai, lạnh chạy dọc hai bên sống lưng, như có ai lấy bọc nước đá ép chặt vào. Toàn thân nóng hầm hập, mồ hôi đầm đìa như tắm, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Tôi vội lấy cặp nhiệt độ trong túi cứu thương ra đo được bốn mươi độ năm. Thôi chết bỏ mẹ, lại lên cơn sốt rét ác tính rồi. Tôi chỉ kịp lấy hai viên Quynin cho vào mồm nuốt vội, rồi lăn ra nằm co quắp bên cạnh mộ anh rên hừ hừ... Cơn sốt rét kéo đến nhanh quá, đẩy tôi chìm trong cơn mê sảng, chẳng biết trời đất ở đâu nữa, mãi đến tận chiều hôm sau mới cắt. Tôi gượng ngồi dậy, mới chỉ có mấy tiếng đồng hồ, mối đã xông đầy quần áo, chân tay chi chít vết cắn nổi đỏ từng đám. Mình mẩy đau như dần, đầu óc quay cuồng, khát nước khô cháy họng, miệng đắng như ngậm quả bồ hòn, tôi nhìn cây rừng như đang đổ. Bứt mấy quả bứa đất cho vào mồm, trệu trạo nhai cho đỡ khát, lẩy bẩy bước đi tìm dây rừng, tôi chặt ra mút lấy nước uống rồi xách súng mò đi tìm cái ăn. Có một hố bom còn nước, đàn min (bò rừng) đang uống, nghe tiếng bước chân của tôi, chúng húc nhau lội qua hố bom lao vội vào rừng, để lại hố nước đục ngầu. Mấy chú cá trầu không chịu nổi nước đục, ngoi lên ngớp ngớp bị tôi chém. Bắt được cá, tôi chặt nắm lá chân vịt, cho vào chiếc Ăng gô hàng ngày vẫn đun nước sôi luộc bơm tiêm, nấu canh chua ăn cho đỡ háo rồi lại làm tiếp công việc nhặt đá đắp vào mộ anh.

Trời đã lung lung tối. Bầu trời căng vồng nở bung ra những ngôi sao nhỏ li ti, nhấp nháy. Những quả pháo sáng lơ lửng giữa trời, bốc cháy rừng rực, phun các đụn khói ngoằn nghoèo, vẽ vào trời đêm những nét nguệch ngoạc như bùa chú. Máy bay trinh sát hai thân OV10 bay vè vè, thỉnh thoảng lại ném vu vơ vài quả đạn cối xuống cánh rừng. Từng cơn gió lành lạnh, như những mũi kim đâm ngang, xuyên dọc vào cơ thể vốn đã sức tàn, lực kiệt sau những ngày đói cơm nhạt muối, đang run lên bần bật của tôi. Bốn bề tĩnh lặng, nghe rõ tiếng côn trùng rên rỉ nỉ non. Tiếng con nai cái giục giã gọi bầy giữa mùa động đực. Đêm về khuya, thỉnh thoảng lại có tiếng hổ gầm tức giận khi săn trượt con mồi.

 Tôi gục xuống bên mộ anh khóc hù hụ, hai bờ vai rung lên theo tiếng nấc, thì thầm khấn vái: “Anh Hân ơi, linh hồn anh ở đâu, anh sống khôn chết thiêng, phù hộ cho em tìm được về đơn vị, em sẽ quay lại cùng anh em đón anh về”.
 Sáng ra, sau khi luộc xong Ăng gô hạt gắm, ăn hết bát rau tai voi, để lại một khẩu súng bên mộ cho đỡ nặng. Tôi giơ tay chào vĩnh biệt anh, lặng lẽ nhằm hướng Đông mà đi.

 Sức lực suy giảm, chân tay rã rời, liêu xiêu, gặp được thứ gì ăn được là ăn, gục đâu là ngủ thiếp. Trên đường đi lại bị cơn sốt hành hạ, nằm li bì. Trong giấc mơ tôi thấy con chim ngũ sắc, cứ lượn đi lượn lại trên đầu, lạ lắm! Nó lại biết nói tiếng người, nghe văng vẳng từ rất xa, xa lắm. Tôi miên man nghe tiếng vọng, giọng nói trọ trẹ của người khu 4. Chim cứ bay đi bay lại trước mặt tôi, như để dẫn đường...

 Đã có lúc quá mệt mỏi, nghĩ liều muốn buông xuôi, nhưng rồi lại cố.
 Lời hứa với anh Hân là phải tìm được đơn vị, để đồng đội đến đưa anh về, thôi thúc tôi, tiếp thêm sức mạnh cho tôi gắng gượng bước đi. Cứ theo hướng mặt trời mọc, đi mãi, đi mãi, tôi gặp bộ phận tăng gia của Tiểu đoàn đang làm rẫy ở ngay cạnh buôn Tà Lang. Mừng quá, trong tôi bật lên hai từ “sống rồi” và gắng sức gào to:
 - Anh em ơi, Bắc đây! Bắc K2 đây!
 Nghe tiếng gọi, anh em chạy ùa ra đón.
Vừa mừng vừa mệt, tôi ngất đi trong vòng tay đồng đội.

 Trớ trêu thay, sau những giờ phút vui mừng, tìm được đơn vị và thoát khỏi lưỡi hái thần chết ở trong rừng, nỗi buồn tủi lại ập đến. Ở với tổ tăng gia được hai ngày, tôi cứ thấy lạ là. Hễ tôi rời khỏi lán tăng gia, lại có người xách súng theo sát, đêm ngủ có người canh gác. Sinh nghi, tôi bèn gặng hỏi, đến lúc tôi nổi cáu, anh em mới cho biết: Sau khi tung trinh sát đi tìm mấy ngày không thấy, đơn vị đoán và nghi ngờ tôi bị địch bắt và đã chiêu hồi. Khi tôi trở về, Tiểu đoàn giao cho bộ phận tăng gia giám sát, đề phòng tôi phản bội, ngầm báo cho địch đánh phá hậu cứ. Nghe được tin này tôi như người mất hồn, suy sụp hoàn toàn. Buồn và uất ức, tôi nghĩ: Thà bị chết bờ chết bụi trong rừng cho thú dữ, chim mỏ kềnh (đại bàng đất) phanh thây, xé xác có khi vong linh lại đỡ tủi. Nhớ lời hứa với anh Hân, tôi thường xuyên gọi tên anh, cầu khấn linh hồn anh phù hộ cho tôi, sớm thoát khỏi sự hoài nghi. Tôi làm đơn gửi Tiểu đoàn, khẩn thiết yêu cầu đơn vị, sớm cho tôi được dẫn đường đến nơi anh Hân tạm yên nghỉ, đưa anh về, sợ để lâu thú rừng bới mộ lôi xác anh lên ăn thịt. Rừng ở đây có nhiều loài thú ăn thịt, đặc biệt là loài kì đà lưng to đến hơn ba mươi centimet và dài đến bốn mét. Đã có lần, đêm chúng tôi đi săn, bắn con nai nặng khoảng hơn hai tạ, theo dấu máu lần ra đến bờ hố bom, thấy nó nằm chết ở đó và đã bị kì đà ăn mất hai phần ba cơ thể.

 Sau hai lá đơn, Tiểu đoàn xin ý kiến cấp trên, đơn vị mới chấp nhận cho tôi cùng trinh sát, vận tải lên đường đi lấy xác anh Hân. Trên đường đi, hai nòng súng đã lên đạn, sẵn sàng bắn nếu như tôi bỏ chạy hoặc bị địch phục kích. Đến nơi, nhìn mấy cây le bị thú rừng lôi tung tóe, khẩu súng AK vẫn còn, mắt tôi nhòe đi. Tôi cúi xuống bên mộ chắp tay lên ngực nghẹn ngào: Anh Hân ơi! Bắc đây, anh dậy đi, em đưa anh em đến đón anh về đây này.

 Chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc, lại đào bới, nhẹ nhàng nâng anh dậy, người anh trương to hơn, căng chặt áo quần. Cơ thể đang trong thời kì phân hủy, tử khí bốc lên ngùn ngụt... Nhưng tất cả anh em chúng tôi, không hề một ai kêu ca hay khạc nhổ. Chúng tôi nhẹ nhàng đưa anh vào túi phao bơi, lặng lẽ khiêng anh về, an táng cạnh bảy đồng chí cùng Trung đoàn hi sinh trong trận đánh đường số 8. Nơi các anh yên nghỉ, đồng bào Ê ĐÊ gọi là buôn Thung - H5 (nay là huyện Cư M’gar), tỉnh Đăk Lăk.

 Chúng tôi xếp hàng ngay ngắn ngả mũ giơ tay chào, nghẹn ngào trong nỗi tiếc thương. Không có hương thơm, chúng tôi bắn 3 phát súng tiễn đưa. Cầu chúc cho vong linh đồng đội nơi suối vàng được thanh thoát, mát mẻ và sớm siêu thoát. Linh hồn các anh mãi mãi hòa quện với núi sông, ruộng đồng đất Việt yêu thương.

 Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi và nhiều đồng đội xuất ngũ trở về địa phương, mỗi người một ngả. Lại tảo tần cuốc cày hôm sớm, đội nắng gội mưa trên đồi nương, lo từng miếng cơm manh áo, chắt chiu xây dựng cuộc sống gia đình. Mấy chục năm qua đi, Nỗi nhớ đồng đội, đặc biệt là nhớ anh Hân chẳng lúc nào nguôi, các anh đã nằm xuống cho chúng tôi được sống. Tôi có linh tính, linh hồn anh Hân lúc nào cũng như ở trên vai tôi, đêm ngủ thường mơ thấy anh, như anh theo tôi suốt cả cuộc đời. Những khi gặp khó khăn hoạn nạn, tôi thường chắp tay giơ lên trời khấn vái và cầu mong linh hồn anh phù hộ. Anh là Hoàng Văn Hân, quê xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (trước khi đi B ở đơn vị B4-C26-D11-E61-F305). Hiện nay hài cốt của anh đã được quy tập về nghĩa trang thành phố Buôn Mê Thuột.
*
*     *
Đêm đã vào sâu, sương giăng giăng phủ kín khắp núi đồi miền sơn cước, trong ánh sáng điện mờ mờ, bóng anh Bắc đổ dài trên khung cửa sổ nhòa nhập hắt ra phía ngoài chập chờn như ẩn lẫn trong đó có thêm một linh hồn đang đồng hành cùng anh.
 
N.T.V
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)