Văn xuôi  Bút kí - Phóng sự

Nước Nga mùa thu

Thứ Hai, 26/11/2018 00:52
Bút kí. TRÌNH QUANG PHÚ

Kí ức Liên Xô
Năm 1968, từ mặt trận Khe Sanh trở về, tôi được cử tham gia đoàn đại biểu Thanh niên Giải phóng miền Nam đi dự đại hội Thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ 9 ở Sofia, Bulgaria. Đây là lần đầu tiên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử một đoàn đông trên tám mươi người, có cả văn công giải phóng tháp tùng. Do ảnh hưởng Cách mạng văn hóa Trung Quốc, đường sắt liên vận quốc tế không đi được nên Liên Xô quyết định đưa tàu Turmenia cao ba tầng, có nhà hàng, hồ bơi… sang Hải Phòng đón. Cùng đi trên chuyến tàu đó có cả đoàn Lào và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) tổng cộng gần ba trăm người gồm các đại biểu là thanh niên, sinh viên, anh hùng dũng sĩ của nhiều vùng miền như các anh hùng: Thái Văn A (chiến sĩ đảo Cồn Cỏ), Nguyễn Thị Kim Huế (Bình Trị Thiên), Huỳnh Thúc Bá (Quảng Nam).

Sau tám ngày vượt qua biển Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, tàu cập Cảng Vladivostok ở cực Đông Liên Xô. Từ đây, một đoàn tàu khác xuyên Sibéria qua hơn chín ngàn ki lô mét đưa chúng tôi về Moscow. Trong hành trình, chúng tôi dừng chân ở rất nhiều thành phố như Khabarovsk, Baikal, Novosibirsk... kể cả các ga nhỏ và dù là hai ba giờ sáng, ở đó vẫn có thanh niên và cả các cụ già đón với hoa, khăn quàng sặc sỡ, huy hiệu, nụ hôn nồng nhiệt và những lời yêu thương... “Mẹ ở xa, cách đây một trăm cây số, đến đây từ chiều để chờ các con, mẹ đón các con từ Mặt trận trở về mà. Mẹ tự hào vì các con đã và đang thắng thằng đế quốc to nhất nhân loại”. Câu nói của một bà cụ với ánh mắt yêu thương chan chứa khi ôm tôi vào lòng đã khắc vào tâm khảm tôi niềm tự hào rưng rưng cho đến tận hôm nay, khi viết lại những dòng này. Những ngày ấy, dù ở trên đất bạn, nhưng chúng tôi luôn có cảm giác thân thương, ấm áp như đang ở chính trên đất nước mình. Chẳng thế mà lúc ở Khabarovsk, khi đi dọc con sông Amur - dòng sông dài thứ hai ở Liên Xô với gần bốn ngàn năm trăm ki lô mét đổ ra biển Thái Bình Dương, nhạc sĩ Xuân Hồng đã thốt lên: “Ôi! Sao giống sông Cửu Long ở Nam Bộ mình quá”.

Khi đến Ulan Ude thì trời trở rét với gió lạnh kèm mưa. Mong manh trong bộ quân phục quân giải phóng nên ai cũng run lên. Các bạn thanh niên Ulan Ude thấy vậy liền tổ chức đốt lò sưởi, cùng chúng tôi nhảy múa, ăn bánh mì với bơ kèm phô mai, xúc xích, cá khô hồ Baikal và uống sữa nên ai cũng thấy ấm áp. Sáng hôm sau, chúng tôi tới hồ Baikal ở phía Nam Sibéria, nơi được mệnh danh là hồ nước ngọt sâu và lớn nhất hành tinh, với đa dạng sinh học trên một ngàn loài không ở bất cứ nơi nào trên trái đất có. Hồ có nhiều đảo nhưng Olkhon là đảo trái tim. Olkhon rộng lớn bằng quốc đảo Singapore với những người dân chuyên làm nghề khai thác thủy sản trên hồ, hầu hết là dân tộc Buryat (gốc từ tộc người Mông Cổ). Người Buryat gọi hồ Baikal là biển thiêng Baikal. Sương mù như một tấm voan khổng lồ phủ nhẹ lên mặt hồ tạo nên bức tranh thủy mặc trữ tình khiến ai trong đoàn cũng vô cùng thích thú. Một lúc sau, nắng đẩy nhẹ tấm voan ấy và mặt nước trong xanh hiện ra với rừng bạch dương in bóng xuống như những hàng quân chỉnh tề đang hành quân ra trận. Nước hồ Baikal trong suốt như pha lê, đi thuyền có thể nhìn sâu đến năm mươi mét. Xa xa, dưới gốc bạch dương, thấp thoáng bóng người ngồi câu cá. Mùa đông tuyết ở đây phủ dày vài mét. Mặt hồ đóng một lớp băng nhưng vẫn còn những lỗ trống do những người câu cá khoan trên mặt băng. Những con cá giật lên được họ bỏ vào một hầm đào dưới tuyết rồi cho muối để chôn. Sau một ngày, cá chín tự nhiên, đem treo lên sẽ thành món cá khô. Món cá đó, người Nga nhà nào cũng có để nhấm với rượu vodka hoặc với bia. Cá chỉ cần bóc vảy là ăn được, vị ngọt và béo được giữ nguyên cùng muối làm cho cá thêm đậm đà. Đến hồ Baikal, nhất là đến làng đảo Olkhon, chắc chắn bạn sẽ được mời uống vodka hoặc bia Nga với cá khô Astrakhan.

Chúng tôi đã sống ba tuần lễ trên đoàn tàu đặc biệt nặng nghĩa tình, đi qua tám mươi bảy thành phố, vượt qua mười kinh độ địa cầu ở phía vĩ tuyến 50o Bắc gần biển Bắc Băng Dương cao hơn Việt Nam đến hai mươi lăm vĩ độ. Con tàu đưa chúng tôi từ Đông đến Tây Sibéria với những lãnh nguyên, thảo nguyên bao la, vượt qua những rừng bạch dương đang vào thu đổ lá vàng để đến Moscow rồi tiến về Bulgaria. Sau này, nhiều lần đến Liên Xô, ghé lại Moscow, nhưng những ngày tháng đó, luôn là những khắc dấu vô cùng sâu đậm trong tâm hồn tôi. Ngày nay, dù Liên Xô không còn nữa, nhưng với tôi, vẫn là một Liên Xô nguyên vẹn trong lòng nước Nga, nhất là lớp những người lớn tuổi. Họ dành một tình cảm trước sau như một với Việt Nam, vẫn một ý chí vì dân tộc Nga hùng cường. Trong ngăn kéo của Tổng thống V. Putin tấm thẻ đảng viên cộng sản Liên Xô còn đó như kỉ niệm của một thời lịch sử đáng nhớ. Những gì nước Nga đang làm hôm nay phải chăng là đi trên cái nền tảng oai hùng và truyền thống cao đẹp đó? Trong những lần công tác ở Nga, tôi đã được gặp lại những V. Glazunov, nguyên Trưởng ban Chi viện Việt Nam của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô; Victor Petrorop, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á Phi về sau là Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô… cùng nhau uống rượu Beluga bạch kim và nhắc lại những ngày của mấy chục năm về trước. Những ngày ấy, Việt Nam cần gì đều được Liên Xô chi viện. Từ loại súng tầm ngắn đến tên lửa tầm cao, xe tăng, máy bay rồi quân trang, thuốc men, lương thực… đến đội ngũ sĩ quan làm chuyên gia quân sự giúp quân đội ta sử dụng thành thạo các loại khí tài hiện đại được viện trợ. Liên Xô không chỉ sẵn sàng giúp ta chiến thắng ở chiến trường, ở mặt trận ngoại giao mà còn giúp miền Bắc xây dựng và phát triển. Anh Glazunov, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt hiện giờ, người cũng từng có mặt ở thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Uông Bí, trong vai trò một chuyên gia điện nói với chúng tôi bằng tiếng Việt rằng. Với nền tảng đã có từ Liên Xô, hai nước Nga và Việt Nam sẽ làm nên nhiều kì tích trong hợp tác toàn diện với nhau và lớp trẻ hai nước sẽ ngày càng hiểu và gìn giữ, phát triển tình cảm cao đẹp này.
 
Moscow, mùa thu vàng
Tôi không nhớ đã đến Moscow, nơi chúng tôi vẫn quen gọi là Mạc Tư Khoa bao nhiêu lần. Có những lần giữa mùa đông, tuyết phủ trắng xóa trên các nóc nhà, mui ôtô, trên đường, Hồng trường tuyết dày đến mấy mươi phân, rồi mùa xuân với những cây bạch dương, cây sồi nẩy lộc và hoa muôn sắc ở các công viên. Nhưng Moscow với tôi, khó quên nhất là giữa thu. Khi ấy, những cánh rừng bạch dương trải dài một màu vàng. Con đường lên đồi Lenin, cây bạch dương đứng thong dong vàng rực. Lá phủ nền đường óng ánh, gió nhẹ nhàng từ tốn xoay những chiếc lá vàng như những nốt nhạc trong bản Hồ thiên nga của Traicopsky, những lời thơ của Pushkin... Thong dong bước trên con đường bạch dương vàng rực ấy, trong tôi chợt vọng lên những câu thơ của người bạn già quá cố, nhà thơ Lưu Trọng Lư: Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô. Hệt như trong bức tranh Mùa thu vàng của Levitan đã vẽ, nhưng khác ở đây, tôi được đi trong không gian ba chiều của bức tranh ấy với trên tay là một chiếc lá vàng. Trên đồi Lênin, có một khu cho người dân bán những đồ lưu niệm như muốn gợi lại với du khách một quá khứ Xô viết hào hùng, bất diệt với nào là quốc huy, huy hiệu, quân hiệu, cả quần áo, mũ lính hồng quân, nhất là kiểu mũ mà Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy đã đội. Trên các bình gốm, các con Matreshka mà bên trong có những con nhỏ dần đến 12-16 con, có in cả hình Lenin, Stalin, và cả Putin nữa.

Tôi đã đi đủ năm châu, đã đến hầu hết các thành phố tên tuổi của thế giới, nhưng với tôi, Moscow vẫn là Thủ đô đẹp nhất. Moscow đẹp bởi dòng sông Moskva uốn lượn dài nửa ngàn cây số chảy qua rồi đổ vào sông Oka để hòa vào dòng Volga. Năm 1932, chính quyền Xô viết cho đào kênh đào dài gần một trăm ba mươi ki lô mét vòng lượn trong lòng thành phố và nối thông với sông Moskva. Gọi là kênh đào nhưng rộng đến cả một trăm mét, sâu năm đến sáu mét đủ cho tàu du lịch qua lại. Nhờ vậy, thành phố Moscow nối thông với năm biển lớn: biển Trắng, biển Baltic, biển Caspi, biển Azov và biển Hắc Hải. Hệ thống sông ngòi cùng với hệ thống Metro tàu điện ngầm là mạch giao thông lí tưởng của thành phố này. Hệ thống Metro Moscow có một trăm bảy mươi nhà ga, mỗi ga một kiểu và đều lộng lẫy nguy nga như những cung điện tráng lệ, tạo ra một cuộc sống náo nhiệt khác dưới lòng đất. Ở Moscow, đầu tiên phải kể đến điện Kremlin. Kremlin có nghĩa là thành nội. Ngày nay Kremlin vẫn là nơi làm việc của Tổng thống như các triều đại xưa, nhưng vẫn có khu cho khách tham quan. Kremlin là một bảo tàng lớn lưu giữ nhiều biểu tượng và kỉ vật vô giá của các triều đại Nga hoàng, của Cách mạng Xô viết, nơi Lenin, Stalin, Brezhnev… và các lãnh tụ Xô viết làm việc hơn ba phần tư thế kỉ. Tháp Spasskaya được kiến trúc sư Pietro Antonio Solari xây dựng năm 1491 với những quả chuông đồng được đúc từ thế kỉ XVI, cùng với mười chín ngọn tháp khác tạo nên quần thể cung điện uy nghi. Tháp Spasskaya là ngọn tháp cao nhất Kremlin với đồng hồ bốn mặt óng ánh kim và chữ số màu vàng. Nó như càng cao thêm bởi ngôi sao năm cánh làm bằng đá cẩm thạch đỏ tím do chính Stalin cho lắp đặt. Người Việt Nam đầu tiên đặt chân vào điện Kremlin có lẽ chính là Bác Hồ. Tháng 10/1923, Người từ Pháp đến Moscow để tham dự Đại hội Nông dân Quốc tế và Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản. Bác đã họp tại cung điện Andreevski trong khuôn viên Kremlin, để rồi sau đó từ điện Kremlin, người về châu Á thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài điện Kremlin, ở Moscow có những tòa nhà cao, phía trên là ngọn tháp chọc thẳng lên trời, người Nga gọi đó là đỉnh Stalin, gotic Stalin. Sau khi chiến thắng Phát xít Đức (thế chiến thứ 2) Stalin cho xây dựng bốn mươi công trình để kỉ niệm, nhưng tiếc rằng chỉ mới xây được bảy công trình thì ông qua đời. Thời gian trôi qua ba phần tư thế kỉ, bao ngôi nhà chọc trời với các model tân tiến mọc lên ở Moscow, nhưng những tháp cao, trên đỉnh là ngôi sao bằng đá cẩm thạch màu đỏ tím vẫn toát lên sức mạnh. Tôi đã đi giữa mùa thu vàng trên đồi Lenin, ăn những trái táo xanh có vị chua chua ngọt ngọt hái bên đường bồi hồi ngắm nhìn tháp chính của đại học Lomonosov (một trong bảy công trình ấy). Đại học Lomonosov được xây dựng từ năm 1755, đến thời Stalin được mở rộng và trở thành trường lớn nhất Liên Xô. Về quy mô của ngôi trường này, người ta tính, một đứa bé sinh ra cứ mỗi ngày ở một phòng, khi ra khỏi phòng cuối cùng của trường sẽ là một thanh niên mười tám tuổi. Ngôi trường này có trong kí ức của rất nhiều cán bộ Việt Nam bởi họ đã từng được học tập và trưởng thành từ đây.

Ở Moscow, có một nơi ghi dấu ấn và những kỉ niệm lịch sử để tưởng nhớ nhân dân Nga yêu nước đã anh dũng hi sinh và chiến thắng oanh liệt cuộc xâm lăng của Napoléon mà người chỉ huy cuộc chiến đấu vĩ đại đó là Nguyên soái Kutuzov, đó là Quảng trường, Công viên Chiến Thắng. Tượng Kutuzov được dựng ngay ở cổng Bảo tàng Borodino, nơi trưng bày bức tranh vòng tròn dài một trăm mười lăm mét vẽ lại cảnh quân đội của Kutuzov chiến đấu với quân Napoléon. Và chính nơi đây, tại làng Fili ngày xưa, ngày 13/9/1812 hội đồng tướng lĩnh đã họp để quyết định bảo vệ Moscow và nước Nga đang lâm nguy vì quân xâm lược và quyết sách từ mảnh đất này đã làm nên chiến thắng. Nhân dân Nga đã xây dựng nhà bảo tàng để kỉ niệm một trăm năm cuộc chiến tranh ái quốc (1812-1912). Đến năm 1973 đài kỉ niệm khổng lồ về các anh hùng trong cuộc chiến tranh 1812 được xây dựng và được tôn tạo trở thành Quảng trường và Công viên Chiến Thắng rất nguy nga, hoành tráng ngày nay. Cùng với Quảng trường, Công viên Chiến Thắng, ở Moscow còn nhiều di tích đẹp khác như: Bảo tàng Mĩ thuật, Bảo tàng Lịch sử, các nhà hát, di sản Kuskovo, di sản Ostankino… đặc biệt, ở đây còn có Quảng trường Hồ Chí Minh nằm ở ngã tư đường Cách mạng tháng Mười với bức phù điêu chân dung Bác đặt ở trung tâm.

 
unnamed (2)
Nhà thờ chính tòa Thánh Vasily Hiển phúc trên quảng trường Đỏ - Ảnh: TL

Dấu ấn huyền thoại
Người bạn đưa tôi đi thăm Moscow là luật sư, lại là nhà sử học Nga. Chúng tôi gặp ở Hồng trường, một người đóng giả Stalin giống y như thật, nếu ai muốn chụp ảnh với “Stalin” thì trả vài trăm rúp. Không riêng gì tôi, rất nhiều du khách đến bắt tay và chụp ảnh với “Stalin” như để tìm lại một dấu ấn lịch sử. Tôi hỏi người bạn sử học, anh nghĩ gì về Stalin. Anh nói: “Lịch sử là lịch sử, không ai xuyên tạc được. Có bóp méo mà vốn nó tròn thì vẫn là tròn và ngược lại. Lịch sử là phải nói đúng sự thật, cái gì sai, cái gì đúng phải rõ ràng”. Tôi khẽ gật đầu và chợt nghĩ, nếu không có Stalin thì Liên Xô, rồi thế giới sẽ thế nào trước sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Phát xít? Giá trị ấy là bất diệt, chẳng thế mà hàng năm tại Hồng trường, trên đỉnh lăng Lenin vào dịp Cách mạng tháng Mười Nga (7/11) hoặc ngày chiến thắng Phát xít (9/5), dù Liên Xô không còn, nước Nga vẫn tổ chức mít tinh duyệt binh để kỉ niệm, ôn lại truyền thống và biểu thị sự hùng mạnh của quân đội Nga. Người bạn Nga kể lại với tôi cuộc duyệt binh tại Hồng trường, sáng ngày 7/11/2011 kỉ niệm bảy mươi năm ngày nhân dân Liên Xô ra trận chống Phát xít cứu dân tộc do Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin chủ trì đã tái hiện lại cuộc duyệt binh ra trận năm 1941. Hai mươi tám(1) cựu chiến binh từng tham gia cuộc duyệt binh năm 1941 quân phục nghiêm chỉnh cùng hai nghìn sĩ quan, binh sĩ Nga của Thủ đô Moscow diễu qua lễ đài. Xe tăng T-34, T-38, T-60, những cỗ xe huyền thoại năm xưa cùng vũ khí, trang phục năm 1941 được tái dựng lại… Tất cả được truyền trực tiếp trên các kênh truyền hình quốc gia Nga. Nói thêm về cuộc duyệt binh năm 1941, đó là một cuộc duyệt binh để khích lệ tinh thần quân dân Xô viết, để thế giới biết Liên Xô không đầu hàng. Một cuộc duyệt binh như sự tuyên chiến với Chủ nghĩa Phát xít của Hitle, của biểu tượng chiến thắng… Sáng hôm diễn ra cuộc duyệt binh, Hitle tức tối điều lực lượng không quân của mình đến đàn áp và hậu quả là hai mươi lăm trong số các máy bay ném bom của Hitler đã bị Hồng quân bắn rơi vùi dưới tuyết.

Âm hưởng của sự kiện ấy vang vọng mãi tới hôm nay. Một cuộc thăm dò năm 2008 với bốn mươi triệu người Nga đã thừa nhận cuộc duyệt binh ngày 7/11/1941 ở Hồng trường là sự kiện vĩ đại có một không hai và Đại nguyên soái Stalin được chọn là nhân vật vĩ đại thứ ba của lịch sử nước Nga.

Cây cầu tình yêu
Đến Moscow không thể không đi qua những cây cầu bắc qua sông Moskva. Mỗi cầu có một cách thiết kế, một kỉ niệm riêng, một vẻ ẹp riêng. Cầu Luzhkov bắt qua kênh đào Vodootvodny ở cuối đại lộ Trechekovski nối với Hồng trường có rất nhiều ống khóa các kiểu lớn nhỏ móc nối tiếp nhau vào lan can. Trong một lần đi với Giáo sư Nguyễn Quốc Sĩ, người được phong hàm Viện sĩ hàn lâm ngành điện của Liên bang Nga đã sống ở đây hơn một phần ba thế kỉ, trả lời thắc mắc của tôi về những ổ khóa đó. Anh bảo, các đôi nam nữ không biết từ bao giờ khi cưới nhau, hoặc sau khi đến nhà thờ làm lễ xong họ ra đây và móc vào lan can cầu một ống khóa có khắc tên hai người với những dòng hứa hẹn ngắn viết trên ổ khóa, có khi là một hình vẽ hai trái tim kèm chữ cái tên của hai người với màu sắc đẹp. Họ sẽ cùng bóp khóa và rút chìa vứt xuống sông để muốn nói rằng hai trái tim đã hòa vào một và không có gì chia lìa phá vỡ tình yêu của họ. Từ đời này qua đời khác, khóa đầy cả thành cầu. Xuất phát từ nhu cầu của tục đó, thành phố làm thêm hàng cây nhân tạo bằng kim loại rất đẹp gọi là cây tình yêu, và trên những cành cây này giờ đây, cũng vô vàn ổ khóa có khắc tên đôi lứa. Mùa thu vàng, những cặp uyên ương, chàng comple, nàng váy trắng, choàng khăn voan trắng đi trong lá vàng rơi, đến cầu tình yêu và hàng cây tình yêu để đặt khóa biểu trưng cho lời nguyện suốt đời chung thủy. Có những đôi bạn trẻ mới yêu nhau, chưa cưới cũng đến đây móc khóa để hẹn thề. Nhiều đôi vợ chồng lớn tuổi cũng rảo bước ở đây, họ tìm lại ống khóa của mình để nhắc nhau hai chữ thủy chung. Nhân nhắc đến cầu tình yêu ở Moscow, tôi chợt nhớ đến những cây cầu tình yêu tương tự như vậy ở các nước. Có lẽ lâu đời nhất, cổ xưa nhất là ở thành phố Rome Thủ đô Italia với cầu Milvio bắc trên sông Televe được xây dựng từ những năm hai trăm trước công nguyên. Ở đây có quá nhiều những ổ khóa tình yêu đến mức cây cầu Milvio không chịu nổi nên nhà nước phải cấm. Ở nước Đức xinh đẹp cũng có hai cây cầu tình yêu. Đó là cầu Eiserner Steg đã trải qua hai thế kỉ, bắc qua sông Main của thành phố Frankfurt và cầu Hohenzollern nối thành phố Koln với các xứ sở châu Âu bên kia sông Rihine, người ta gọi đây là cây cầu lãng mạn nhất thế giới bởi phong cảnh, sinh thái hài hòa và ở đây, ngoài những ổ khóa tình yêu, còn có nhiều ổ khóa cho tình bạn thân thiết. Ở St. Pertesburg (trước là Leningrad) có cây cầu nụ hôn bắc qua sông Moika, các cặp tình nhân ra đây để hẹn ước, họ không mắc ống khóa mà chỉ trao nụ hôn với lời nguyện thề bền lâu.

Đi giữa hàng cây nhân tạo lung linh bởi các ống khóa đủ hình thù, màu sắc của cầu tình yêu Luzhkov giữa Moscow, giọng đầy cảm xúc, Nguyễn Quốc Sĩ nói với tôi: Tình yêu, lòng chung thuỷ chính là trụ cột, là khởi đầu cho mọi sự sống, sự chiến thắng. Tình yêu, lòng chung thuỷ đó khi được nhân lên, nó là tình yêu đất nước, yêu con người và nó sẽ biến thành sức mạnh vô biên.
 
Saint Peterburg - Leningrad và những đêm trắng

Giữa đêm tháng sáu, các bạn đưa tôi và Thanh Hương, biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, em gái tôi, đi thăm tượng Kị sĩ đồng để tưởng nhớ Peter Đại đế. Tượng của người khai phá ra St. Petersburg được đặt giữa công viên bên bờ sông Neva xinh đẹp. Đêm ở St. Petersburg hết sức tĩnh lặng. Nhà điêu khắc đã rất thành công khi tạc nên bức tượng tuyệt diệu này. Ánh đèn pha chiếu bốn góc làm nổi bật hình dáng Peter Đại đế đang phóng ngựa bay về phía trước theo hướng vươn lên trời. Đế tượng là một khối đá nguyên khổng lồ nặng đến nửa triệu tấn làm thế đứng bay lên của người đầu tiên xây dựng St. Petersburg càng vững chãi và uy phong. Tôi đã đọc trong một tiểu thuyết Nga nói rằng có những đêm từ tượng này, Peter đã cỡi ngựa đi khắp thành phố để quan sát, chiêm nghiệm và giúp đỡ người nghèo khó. Chuyện như một huyền thoại linh thiêng. Nhìn Peter phi ngựa đồng, tôi chợt nhớ đến Thánh Gióng, Vị Thánh trẻ của Việt Nam đã cưỡi ngựa nhổ tre làm vũ khí lao ra dẹp giặc phương Bắc xâm lăng, xong việc lớn Người phi thẳng về trời...

Đêm hè tháng sáu bên sông Neva, ánh sáng bàng bạc của những đêm trắng trời vẫn se se lạnh. Hai anh em tôi phải kéo mũ che tai và chen vào dòng người đi xem cầu mở trên sông Neva. Người từ  năm châu đến rất đông, họ chen nhau để tìm một vị trí tốt nhất chờ xem cầu mở. Sau một giờ vài phút, hai nhịp cầu ở giữa từ từ cất lên. Tàu thuyền nối nhau qua cầu trong tiếng hoan hô của đám đông. Đèn flash nháy liên tục - họ chụp ảnh, quay phim cảnh cầu mở. Vào những đêm trắng như thế này, xen vào những con tàu chạy qua lúc cầu mở là những cánh buồm đỏ rực náo nhiệt bởi tiếng đàn nhạc và giọng ca sôi nổi. Những cánh buồm đỏ này xuất phát trong thời kì Liên Xô dựa vào câu chuyện tình yêu của Aleksandr Gin, nói về chàng thuỷ thủ Arthur Grey đã biến giấc mơ của nàng Assol, người mình yêu, thành sự thực bằng cánh buồm đỏ thắm dưới nắng mai rực rỡ trong tiếng đàn phong cầm trầm bổng.

Đến St. Petersburg, người ta thường cố chọn để đi vào tháng sáu, tháng có những đêm trắng. Từ ngày mùng mười tháng sáu, ở St. Petersburg dường như ánh mặt trời không tắt, nó cứ bàng bạc, bàng bạc suốt đêm. Đặc biệt ngày hai mốt và hai sáu tháng sáu, đêm sáng rực dù không có mặt trời. Đây là hiện tượng do khúc xạ mặt trời từ bên kia bán cầu đang là ban ngày phản chiếu qua những khối băng tuyết khổng lổ của Bắc cực rọi ánh sáng xuống thành phố. Không nắng, nhưng trời vẫn sáng nhẹ nhàng và rực rỡ. Cả thành phố thức, các cửa sổ mở tung, không cần đèn vẫn có thể nhìn rõ những chậu hoa, bồn hoa trên ban công của mỗi căn nhà. Người ta tụ tập ở các công viên, các quảng trường, bên bờ sông để vui chơi. Họ nhen lửa nướng các món shashlik - món thịt heo cắt dày cả nạc và mỡ, xiên với hành tây nướng lên thơm lừng. Họ ăn shashlik, uống bia, uống vodka và nhảy múa. Tôi đã từng gặp ở đây những cô gái mặc phục trang truyền thống của Nga - loại áo Sarafan đỏ, với chiếc mũ có vành trang trí rất đẹp như đuôi công cũng màu đỏ và chuỗi ngọc trai lung linh. Người Nga gọi đó là mũ Kokoshirik. Các cô gái Nga mắt xanh, tóc vàng, mặt hơi lấm tấm tàn nhang, mặc những bộ quần áo này và múa hát. Họ hát những bài dân ca Nga du dương trầm bổng như đi giữa rừng bạch dương đổ lá vàng thu. Con trai đầu đội calô như những anh lính Ivan trong tiểu thuyết, vừa kéo đàn phong cầm vừa nhảy với các cô gái trong trang phục dân tộc Sarafan trên các thảm cỏ ven hồ làm xao động lòng người.

Cũng trong quãng thời gian ấy, cả nước Nga và các nước châu Âu đều có thứ ánh sáng bàng bạc này lúc chín mười giờ đêm. Chụp ảnh đêm rất có lợi thế bởi vừa có ánh đèn lại vừa có ánh sáng kì diệu của thiên nhiên. Tuy nhiên duy chỉ có St. Petersburg là có đêm trắng.

St.Pertesburg có hai trăm hai mốt nhà bảo tàng lưu giữ tất cả những di sản lớn của nhân loại, của nước Nga và của St. Petersburg. Đi trên đường phố của St. Petersburg mà tôi vẫn quen gọi là Leningrad, thong thả dạo bước dưới những hàng cây, tôi như được gặp lại đây nhà khoa học nổi tiếng Lomonosov, nữ nghệ sĩ ba lê tài ba M. Kshesinskaya, các họa sĩ tài danh cửa nước Nga: Levitan, Serov, Repin, Surikov, như được rảo bước cùng Gogol, Lermontov, nghe réo rắt Bản giao hưởng Thứ 6 của Traicopsky và gặp lại nhà thơ lớn Pushkin mà tên tuổi và tác phẩm đã đi vào lòng người. Nhắc đến Pushkin, chợt nhớ hôm trên đường đến cung điện Mùa Hè, tôi có ghé thành phố mang tên ông, đi giữa hàng bạch dương đang thay lá dát vàng trên con đường nhỏ trong làn sương mai dẫn đến tượng của Đại thi hào Pushkin trong công viên Ekaterina, tôi bắt gặp một nghệ sĩ tóc bạch kim lóng lánh dưới nắng vàng say sưa thổi sáo phối thơ của Pushkin, người đã sống và để lại phần đời ở St. Petersburg. Thiên nhiên tàn úa bỗng tươi/ Rừng thay áo mới cả trời vào thu/ Ào ào gió thở hơi qua/ Bầu trời gợn sóng, một làn khói sương. (Thu vàng - Pushkin). Pushkin ơi, vâng, nước Nga dù có nhiều lần thay áo, dù có lúc tàn úa, thì rừng bạch dương vẫn đứng thẳng, hiên ngang và thách thức. Nước Nga - mùa thu, nước Nga luôn là biểu tượng của tình yêu và chiến thắng.

T.Q.P
--------
1. Theo thống kê đến năm 2018 còn 57 cựu binh từng tham dự cuộc duyệt binh năm 1941.
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)