Văn xuôi  Bút kí - Phóng sự

Ăn chơi thời bao cấp

Chủ Nhật, 30/09/2018 00:38
. ĐỖ PHẤN
 
hinh anh doc ve ha noi nam 1991 qua ong kinh nhiep 7 fmqp

Thành ngữ “Tay chơi Hà Nội” hẳn là chưa có tuổi đời lâu lắm. Nó sẽ chỉ được lưu hành công khai vào sau Cách mạng tháng Tám 1945 khi chế độ quân chủ hoàn toàn chấm dứt trên toàn cõi Việt Nam. Trước đó phải là tầng lớp quan lại, vua chúa mới có cơ hội trở thành một tay chơi.

Ngoại trừ những người Pháp trong bộ máy cai trị ra, thanh niên Hà Nội cũng bắt đầu tập tành ăn chơi đàn đúm ở những nơi chốn khét tiếng Hà thành hồi trước Cách mạng. Từ đi hát cô đầu, vào tiệm nhảy cho đến việc hút hít và rượu chè đều có những tụ điểm công khai trên phố. Những văn nghệ sĩ chẳng lấy gì làm dư dả lắm cũng thường xuyên có mặt ở những nơi như vậy. Chẳng thế mà nhà văn Vũ Bằng đã từng quả quyết trong tiêu đề một bài báo năm 1973: Xóm Khâm Thiên: Cái nôi văn nghệ của Hà Nội ba chục năm về trước.

Sau tiếp quản Hà Nội năm 1954 những tụ điểm ăn chơi như vậy bị coi là truỵ lạc và bị xoá bỏ hoàn toàn. “Tay chơi Hà Nội” buộc phải làm quen với những sinh hoạt vui chơi tập thể lành mạnh. Thế nhưng hình như dòng máu ăn chơi vẫn âm thầm bền bỉ chảy miệt mài trong huyết quản. Họ phải tìm ra cách ăn chơi khác kín đáo hơn, trật tự hơn. Hình ảnh những tay chơi Hà Nội thập kỉ 60 thường chỉ là áo quần sạch sẽ, giặt là cẩn thận. Cưỡi chiếc xe đạp có chuông, phanh sáng quắc. Vài anh giai ngoại thành còn hứng chí lắp thêm cờ tua rua và quả bóng bàn rung rinh trước tay lái. Túi áo ngực thể nào cũng phải cài chiếc bút máy Kim Tinh nắp vàng. Tay đeo đồng hồ vàng Poljot mới hoặc những đồng hồ còn lại thời Pháp thuộc Nikles, Willer, Movado... Sắm đủ một bộ phụ tùng như vậy cũng phải tích cóp vài năm lương. Thanh niên nhà giàu có cũng không ai dám khoe khoang. Nếu đeo chiếc nhẫn vàng một đồng cân và cưỡi xe đạp Peugeot thì đã được coi là “đại gia” lúc ấy. Tuy nhiên tác dụng lại không được như mong muốn. Thiếu nữ Hà Nội sẽ nhìn những thanh niên như vậy với con mắt đầy ngờ vực.

Những tụ điểm tập trung đông người chỉ có vài quán cà phê mậu dịch và những rạp chiếu phim. Lững thững sánh bước bên người yêu vào rạp Tháng Tám hay Công Nhân là sang trọng nhất. Đẳng cấp thấp hơn sẽ là những rạp Mê Linh, Bạch Mai, Bắc Đô, Đông Đô, Hoà Bình… Dù rằng những rạp này đều chiếu cùng phim nhưng thường chậm mất vài tuần. Tối thứ bảy rủ bạn bè vào Quán Gió trong Công viên Thống Nhất uống cốc sen dừa đã là sinh hoạt cao. Một cốc nước ngồi cả buổi tối sinh ra trò chơi “bắn thìa” để tận hưởng hết thú vui quán xá.

Phải sang đến đầu thập kỉ 70, khi những lưu học sinh từ nước ngoài về mới mang theo những chiếc máy quay đĩa than nghe nhạc. Cùng với nó là những đĩa hát thu âm các loại nhạc đang thịnh hành ở phe Xã hội chủ nghĩa. Tụ tập nhau năm sáu người xếp hàng ở Cổ Tân mua vài cốc bia với lạc rang mang về uống và nghe nhạc đến đêm. Vài người còn mạnh dạn tụ tập nhảy nhót những vũ điệu hiện đại. Tất nhiên cửa đóng im ỉm và nhạc bật vừa tai. Công an mà phát hiện thể nào cũng bị mời về đồn viết bản kiểm điểm. Sợ nhất là tờ giấy năm hào hai được dùng miễn phí ở đồn. Có anh ngồi nắn nót vài tiếng đồng hồ mới được chừng nửa trang. Cũng phải đủ cả mở bài, thân bài, kết luận theo hướng dẫn. Phố lúc ấy đã lác đác có vài ông thày đứng ra mở lớp dạy đàn guitar. Không phải ai cũng có đủ tiền bạc để theo học. Giá một chiếc đàn guitar mậu dịch bán ở đường Tràng Tiền là 45 đồng. Bằng tháng lương của cán bộ tốt nghiệp trung cấp. Cho nên thanh niên Hà Nội phần lớn học theo lối truyền tay nhau những hợp âm đơn giản để có thể đệm cho bài tự hát. Và thuật ngữ “quạt chả” ra đời lúc ấy là để nói về kĩ thuật chơi guitar vô sư vô sách của họ.

Con đường vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm kéo dài xuống hết phố Huế là nơi trai gái đạp xe những tối cuối tuần. Chẳng hiểu sao lại gọi là đường “tẩy”. Lượn “tẩy” đi qua Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng xuống Hàng Bài đến hết phố Huế thì quay đầu lại. Trai gái tán tỉnh nhau có khi đi hết vài vòng trong một buổi tối. Thuật ngữ “cưa đường” ra đời. Cũng có đôi nên duyên. Nhưng cũng có nhiều anh chị đạp xe đến mòn lốp mà chẳng nên cơm cháo gì. Về cuối thời bao cấp “cưa đường” cũng biến tướng thành nơi hò hẹn chớp nhoáng. Sau đó công viên, bờ đê và vài con phố vắng vẻ được chọn làm bến đỗ cuối cùng mà chẳng có một cái nhà nghỉ nào cả.

Đầu thập kỉ 70 cũng là lúc du nhập lối sống hippy từ nước ngoài vào Hà Nội. Các du học sinh mang nó về từ những nước Đông Âu họ theo học. Quần ống loe và áo sơ mi bó chẽn cả nam và nữ. Con trai để tóc dài cợp cổ áo. Lần này thì chính quyền ra tay ngăn chặn rất kiên quyết. Tóc tai có thể bị cạo nhẵn. Quần ống loe bị rạch đến gối. Tất nhiên hippy Hà Nội cũng chỉ ở cách ăn mặc bên ngoài mà thôi. Không ai thực sự hiểu nội dung và nơi xuất phát của phong trào này trên thế giới.

Tay chơi Hà Nội thời nào cũng có. Trò chơi cũng vì thế mà phát triển theo thời. Dù bây giờ Hà Nội có đủ những sàn nhảy, quán karaoke, quán rượu và trò chơi ở nơi công cộng thì thanh niên đa số vẫn có lối chơi điềm đạm nhã nhặn như lớp cha ông mình. Những đại gia công tử được xướng tên trên báo chí hiếm hoi lắm mới lạc vào một thanh niên Hà Nội.

Đ.P

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)