Quê tôi ở Trường Sa

Thứ Hai, 21/05/2018 14:34
Tuỳ bút. ĐỖ BÍCH THÚY
 
truong sa new

Đêm. Tàu neo ngoài đảo Nam Yết. Nam Yết gần lắm, cảm giác chỉ cách một tầm với. Nhận ra Nam Yết là nhờ vào dãy đèn nhấp nháy mỏng manh trong bóng đêm thăm thẳm mịt mùng. Nếu không có chút ánh sáng ấy, tuyệt đối không thể phân định được đâu là trời đâu là biển.

Lúc chiều, chờ xuồng chở vào đảo, tất cả đều ồ lên vì nhìn thấy cá heo. Những chú cá heo bóng nhẫy, uốn cong tấm lưng như nghệ sĩ uốn dẻo nhô lên mặt biển, và phía trước chú ta, một con cá chuồn ánh bạc nhảy loi choi y như ai đó cầm viên đá ném thia lia trên mặt nước xanh ngắt. Gần bờ, nước nông, ánh lên sắc biếc như cầu vồng dưới mặt trời chói chang.

Lâu lắm rồi, rất rất lâu rồi tôi mới nhìn thấy cùng lúc sao Bắc Đẩu và hai chòm Đại Hùng Tinh, Tiểu Hùng Tinh. Một nỗi nhớ đến thao thiết tháng năm xa xôi nào đó, nằm trên tấm sàn phơi ngô, phơi lạc, gối đầu lên cánh tay bố và nhìn theo hướng bố chỉ. Ngôi sao sáng nhất kia là Bắc Đẩu con nhé. Đi đâu, nếu lạc đường, hãy nhìn theo nó để tìm về nhà. Tất nhiên, bố nói thế là cho một đứa bé mười tuổi nghe, gieo vào nó tâm hồn mộng mơ để mãi đến tận sau này nó vẫn biết ơn bố vì điều đó. Chứ giả sử có lạc thật, chỉ là trong một cánh rừng nào đó thôi, rồi cứ tìm Bắc Đẩu mà về, thì có khi... hết đời cũng chưa về đến nhà.

Đêm nay, không chỉ Bắc Đẩu, mà cả hai chòm Đại Hùng, Tiểu Hùng, còn gọi là Gấu Lớn, Gấu Nhỏ đều hiển hiện ngay trên đầu. Sáng rõ, đếm được từng ngôi một. Bấy lâu, sống ở thành phố, hoá ra tôi luôn mang trong mình một nỗi nhớ bầu trời. Một bầu trời đêm đầy sao. Những ngôi sao nhấp nháy xa xôi, ở đâu trên mặt đất cũng có thể nhìn thấy. Trái đất này, hoá ra bé nhỏ vậy sao? Và trên mặt biển này, đêm khuya, nước với trời là một, chỉ khác nhau trời có Bắc Đẩu của tôi, còn nước, trong lao xao sóng, thì đựng cái bóng của nó.

Và tôi nhớ cái buổi chiều đầy nắng, cùng những cơn gió lộng mang hơi muối, xuyên qua những tán phong ba, táp vào ngực mình lúc tôi ngồi trên cái bậu hè. Trước mặt, một con chó nhỏ với đôi mắt hiền lành nằm khoanh như không hề bận tâm đến hàng trăm bước chân qua lại. Mùa này biển êm. Không có bão. Cũng ít mưa. Cái bể chứa chỉ có rất ít nước. Đoàn ào đến, văn công ào đến, rồi đi. Tàu neo ngoài khơi, để lại đó, giữa mênh mông như không có giới hạn một hòn đảo nhỏ. Nếu tôi là họ, tôi sẽ nghĩ gì khi xuồng rời bến? Chúng tôi vừa mang đến, rồi lại mang đi một chút quê nhà, một chút đất liền, và rất nhiều lưu luyến.

Ở đảo, rất nhiều cây xanh. Tra, bàng vuông, phong ba, nhiều hoa. Tôi đứng ngẩn ra trước một hàng hiên mà trước nó, bên ngoài lan can, một luống cúc trắng, hồng, tím cao đến ngang ngực đang nở ra những bông căng nhức. Đẹp một cách kì lạ. Làm sao loài cúc ấy lại có thể nở ra ở nơi thừa nắng, thừa gió, thiếu nước như nơi này? Chúng nổi bật trên nền bức tường sơn vàng và những khung cửa gỗ màu nâu. Dịu dàng mà mãnh liệt, rực rỡ mà khiêm nhường. Dường như những cây cúc nở hoa không phải cho bản thân nó, mà là dành cho tâm hồn kiên cường nhưng lãng mạn mơ mộng nào đó đã gieo xuống những hạt giống mang ra từ đất liền.

Tôi gọi điện về nhà cho cô con gái nhỏ của tôi, một cô bé con cực kì nhạy cảm và vô cùng yêu mọi loài vật. “Mẹ nhìn thấy cá heo đấy con ạ. Nó uốn cong cái lưng của nó lên mặt nước. Nó chào con người đấy”. Giọng con bé thốt lên đầy xúc động: “Ôi, ước gì con nhìn thấy nó”. Tôi muốn con tôi nhìn thấy biển vô tận này, bầu trời đêm đầy những vì sao này, những chú cá heo này, rặng san hô và những hòn đảo nhỏ màu xanh trên mặt nước xanh... để nó biết là nó đang có một Tổ quốc đẹp biết bao.

Tổ Quốc, chỉ khi đứng ở những nơi tận cùng biên giới hoặc nơi đảo xa cách nhiều giờ đi tàu, chúng ta mới thực có khái niệm rõ ràng nhất về sự thiêng liêng của hai chữ ấy.

Ở trên đảo Song Tử Tây, trong một lớp học, các em nhỏ đang học chương trình tiểu học. Cùng một chương trình với các bạn trong đất liền. Hẳn là bọn trẻ ở đây sẽ không bị dán mắt vào màn hình smartphone hàng giờ liền sau khi từ trường về. Không gian bao la cũng sẽ không khiến chúng bị cận thị như lũ trẻ thành phố. Người ta nói, trẻ em ở thành phố bị cận thị nhiều, trong đó có lí do là tầm nhìn của chúng quá chật hẹp, chứ không chỉ do chơi nhiều thiết bị điện tử hay học hành trong điều kiện thiếu sáng. Rồi bọn trẻ sẽ lớn lên ở đây, có thể để học đại học chúng sẽ phải vào đất liền. Nhưng khác với những người lớn nhớ đất liền, chúng sẽ nhớ đảo.

Tôi nhặt trên bờ cát, sát mép nước một vài vỏ ốc nhỏ. Chưa bao giờ tôi được ai lí giải một cách thuyết phục rằng tại sao khi ghé những vỏ ốc vào tai, chúng ta lại nghe thấy tiếng biển rì rào? Bất kể cách lí giải khoa học nào, tôi cũng thấy thiếu thuyết phục. Tại sao khi dùng một cái vỏ ốc... sên, ta lại không nghe thấy tiếng biển? Biển đã gửi linh hồn mình cho tất cả mọi loài sinh ra, lớn lên, chết đi ở biển chăng? Và khi mang cái vỏ ốc về, tức là mang biển về? Vậy thì tôi sẽ mang biển về nhà. Về cái căn nhà tít trên nóc trời, nhỏ bé, chênh chao mỗi khi gió to mưa lớn. Để rồi mỗi khi đi học về, con gái nhỏ của tôi sẽ chạy tới nơi nó cất thật kĩ cái vỏ ốc, ghé tai nghe, rồi nói: “Chào biển! Chị đi học về rồi đây!”. Tôi muốn giữ sự mơ mộng ấy ở lại thật lâu, thật lâu.

Trường Sa, như một đứa con vất vả, can trường, luôn chịu nhiều thiệt thòi của mẹ Tổ quốc. Ưỡn ngực ra trước những con sóng đã triệu năm, những cơn gió đã nghìn tuổi. Mẹ thì luôn thương những đứa con chịu thiệt, cho dù nó có trưởng thành, mạnh mẽ đến đâu, thì cứ nghĩ đến sự vất vả mà nó phải chịu lại thương đến thắt ruột.

Chúng tôi bỏ giày, leo lên nóc ngọn đèn biển. Cái ngọn đèn được sơn hai màu vàng, trắng từ xa đã nhìn thấy, nằm ở rìa đảo. Từ đấy phóng mắt nhìn ra xa, thấy trọn vẹn hòn đảo nhỏ được bao bọc bằng rìa cát trắng muốt. Và rất xa, xa hút tầm mắt, là chân trời. Chân trời ban ngày được phân định rất tượng trưng bởi màu trời màu nước gần như đồng nhất. Tôi chợt nhớ, ngay trước ngày ra biển, đọc cuốn Lược sử thời gian (A Brief History Of Time) của nhà khoa học thiên tài vừa qua đời Stephen Hawking, trong đó có một chi tiết: Những người Hy Lạp đã từng đưa ra một luận chứng chứng tỏ trái đất tròn đó là khi ra biển, người ta luôn nhìn thấy cái cột buồm trước khi nhìn thấy thân con tàu. Chúng ta sẽ nhìn thấy mặt biển hơi vồng lên, tròn trịa đều đặn, rõ nhất khi ta ở giữa nó. Như lúc này đây, tôi đứng trên nóc ngọn đèn biển và nhìn ra xa. Mặt biển đang vồng lên. Nó đã vồng lên hàng triệu năm qua. Và người lái những con tàu, đêm đêm muốn nhìn thấy ngọn hải đăng trước, thì hãy leo lên nóc cột buồm. Còn nếu cứ ngồi trong buồng lái, anh hãy chờ đi. Anh phải trèo qua mặt biển một lúc nữa mới thấy nó. Thật kì diệu về một địa cầu mà ba phần tư là nước, nhưng nước ấy lại không bao giờ rơi ra khỏi bề mặt của nó ngoài cách bị bốc hơi.

 
truong sa 2 new
Lính trẻ trên đảo Sơn Ca - Ảnh: Đ.B.T

Một bông hoa bàng vuông vừa nở trên một nhánh cây. Những cánh hoa của nó tựa như những sợi tóc bóng đèn. Dài, mảnh, sáng lấp lánh. Một sự mâu thuẫn cực kì mạnh mẽ giữa thân cây xù xì, gộc ghệch, những chiếc lá dày, thô và nặng, với một bông hoa vô cùng mỏng manh. Nhắc đến Trường Sa là nhắc đến bàng vuông. Tôi chẳng nhìn thấy quả bàng nào để mà biết nó vuông tới đâu, đơn giản vì chưa đến mùa. Nhưng tôi thấy biết ơn cây bàng giữa biển khơi, như biết ơn mẹ thiên nhiên đã cho chúng ta một trái đất có màu diệp lục. Những cây bàng, cùng với phong ba, và những cây tra có những chùm quả tựa như những chùm nho xanh biếc nữa, đã bất chấp thiên nhiên khắc nghiệt, bất chấp sự khô khát của mặt đất, cứ lừng lững đứng giữa muôn vàn gió táp, vâm váp, mạnh mẽ, kiên cường, rồi đột ngột một ngày xuân nào đó, dịu dàng bung nở những cánh hoa sáng lấp lánh trong nách lá.

Đoàn từ đất liền ra mang theo rất nhiều cây giống. Đi tới đảo nào cũng trồng xuống vài cây mới. Trên đảo, có rất nhiều cây của những đoàn trước trồng, đã bén rễ, thích nghi với đảo. Chưa khi nào, chưa ở nơi đâu, tôi thấy việc trồng cây lưu niệm có ý nghĩa thực sự, gây xúc động thực sự như việc được trồng xuống mỗi hòn đảo ở Trường Sa. Rồi đây, mỗi cái cây nhỏ gầy guộc ấy, sẽ góp phần làm đầy thêm những khoảng trống trên cát, thêm bóng mát cho đảo. Không chỉ là cây mà còn là tình cảm, là yêu thương, là ước muốn được chia sẻ bớt những gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa đang ngày ngày phải đối diện để gìn giữ một phần máu thịt Tổ quốc. Tất nhiên, chẳng phải chỉ cần trồng xuống mà thành cây cao bóng cả. Đoàn rời đi rồi, thêm một cái cây là thêm một phần việc dành cho lính đảo.

Tôi đi cùng một người lính già trên con đường nhỏ mà hai bên là những cây phi lao được xén tỉa đẹp như trong công viên, ông nói: Mình ở thành phố, ở đất liền, mà mình còn chẳng có nhiều cây như thế này. Có tí sân thượng có khi còn phải tính toán chán xem nên trồng cây gì, vừa ăn được, vừa ngắm được. Còn ở đây, chỉ cần duy nhất một yếu tố: Cây sống được.

Tôi chợt nhớ những chậu cây nhỏ li ti mình trồng ngoài ban công. Mỗi năm đều phải chừa ra mấy tháng hè không trồng được gì vì vướng mấy cục nóng điều hoà. Nó phả ra chỉ một đêm thì cây hoá... củi bằng sạch. Những cây ở Trường Sa, hơn đâu hết, tôi tin là chúng có linh hồn. Tháng tháng năm năm nghe tiếng sóng biển rì rào, hứng những cơn gió mặn mòi từ đại dương, đón vài cánh chim lạc bầy, vươn những mầm xanh chờ đợi nước ngọt rơi xuống từ trời... và lặng yên sống ở bên người, nhuộm cho đảo một màu xanh dịu dàng hiếm hoi. Chúng là loài yêu thương và chung thuỷ bậc nhất với con người. Và ở Trường Sa, có lẽ chúng cũng được yêu thương nhiều nhất địa cầu.

Tàu chúng tôi đi trong những ngày nắng đầu hè không khoan nhượng. Không ở đâu ánh nắng mặt trời được bộc lộ toàn bộ sự rực rỡ mà dữ dội của nó như trên mặt biển. Không phải vượt qua bất kì một tán cây nào, một mái nhà nào, cứ thế mà thẳng tắp lao xuống từ quả cầu chói loá trên vòm trời biếc xanh thảng hoặc gợn vài tảng mây nhẹ bỗng. Một giờ ba mươi chiều, lễ tưởng niệm sáu mươi tư chiến sĩ đã hi sinh trên đảo Gạc Ma tròn ba mươi năm trước bắt đầu. Trái tim tôi thắt lại. Từ nơi chúng tôi buông neo tới nơi sáu mươi tư người con của đất mẹ Việt Nam ngã xuống gần lắm. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy được nó đang hiện diện một cách ngạo mạn ở đó, trắng lốp. Một nỗi đau nhức buốt bỗng chốc ngập tràn. Xót xa, uất nghẹn khiến tôi bật khóc. Hàng trăm con hạc giấy, hàng trăm đoá cúc vàng được từng người, từng người một cúi gập trên boong thả xuống mặt nước. Loài người trên trái đất này, chẳng phải nghìn năm qua tất thảy chỉ mong cầu một điều lớn nhất là BÌNH YÊN đó sao? Vậy mà những nỗi đau từ sâu thẳm vẫn luôn phải cất tiếng đòi công lí. Là bởi vì công lí vẫn còn ở nơi nào đó xa vời. Mà công lí chưa được thực thi thì hỏi khi nào bình yên mới đến?

Trên cao, trên cái nền trời biếc xanh chói chang ánh dương kia, cờ Tổ quốc và cờ của Hải quân Việt Nam đang cùng lặng lẽ tung bay. Tổ quốc đang ở đây. Hơn chín mươi triệu trái tim chưa một ngày thôi hướng về đây, nơi mà chúng tôi đang dừng lại, buông neo, và cất lên những yêu thương tha thiết nhất.

Sau buổi chiều nhìn thấy những chú cá heo tuyệt đẹp uốn cong mình trên mặt đại dương lăn tăn ấy, tàu chúng tôi đón một cơn gió mùa đến từ phía đất liền. Tàu đi trước, gió mùa đuổi theo sau. Tốc độ trôi trên mặt biển của gió nhanh hơn, nên chẳng mấy chốc nó đã trùm phủ lên toàn bộ hải trình những cơn sóng lớn bạc đầu. Hoá ra, chính sự xuất hiện vô cùng lãng mạn của cá heo lại là dấu hiệu báo trước cho một sự thay đổi theo chiều hướng xấu của thời tiết. Những chiếc xuồng dùng để chở người từ tàu vào đảo được hạ xuống rồi lại phải kéo lên. Sóng dữ dội đánh thẳng vào mạn tàu, leo cả lên boong, xối trên mặt boong như có ai cầm một xô nước khổng lồ để dội cho sạch. Trong khoang tàu, đồ đạc đổ liểng xiểng, trôi tuồn tuột từ trái qua phải lại từ phải qua trái, cửa phòng bằng sắt tự đóng sầm sập rồi lại tự mở toang hoang. Hình dung cả con tàu như một cái chảo, và một người khổng lồ nào đó đang liên tiếp đập những quả trứng rồi láng một cái cho trứng tràn trong lòng chảo. Có người đùa, bảo anh nuôi giờ này rang lạc khỏi phải đảo, cứ cho vào, sóng nó tự đảo cho chín đều tăm tắp.

Đá Tây A ở ngay trước mắt kia thôi, lúc ẩn lúc hiện sau những con sóng lớn cao ngất ngưởng, nhưng ngoài vài chuyến nỗ lực chở quà, chở lãnh đạo đoàn ghé được vào đảo, tất cả những chuyến sau đều phải huỷ hết. Mạn xuồng đập uỳnh uỳnh vào mạn tàu. Những chiếc dây thừng lớn được anh em chiến sĩ trên tàu dùng để níu xuồng lại sát tàu hết chùng vào lại căng đét ra như muốn lôi cả người xuống biển. Đúng cái kiểu, giời không chịu đất thì đất đành phải chịu giời. Cãi lại ông giời, chống lại ông ấy, thì cái sức người thực chả ăn thua gì. Đến cái móng tay cũng chả bằng. Vậy là chúng tôi đứng ở ngoài khơi, nhìn vào đảo, nghĩ đến những đôi mắt mong ngóng, đợi chờ mà lòng dạ bồn chồn. Chỉ một quãng thôi, gần thật gần mà xa xôi cách trở biết bao nhiêu.

Ngậm ngùi rời Đá Tây, chúng tôi tiến sang Trường Sa với hi vọng mong manh con tàu với tay lái tài ba của đoàn thuỷ thủ giàu kinh nghiệm sẽ vượt qua được sóng dữ để cập bờ. Nhưng không, thứ thời tiết trái mùa oái oăm đã khiến tàu phải dừng lại, khi Trường Sa với dải bờ thân yêu ở ngay trong tầm mắt. Tàu quay về Đá Tây, nghỉ qua đêm. Hôm sau, vẫn không vào được Trường Sa, chỉ huy đoàn quyết định thêm một lần nữa lại cho tàu quay về Đá Tây. Một quyết định khiến cả mấy trăm con người cảm thấy xúc động, và chuyến đi thêm nhiều phần ý nghĩa.

Đêm xuống, chúng tôi sẽ được ngủ trong một cái vịnh yên tĩnh. Chúng tôi sẽ cất lên những câu thơ tha thiết và nghẹn ngào, đầy hi vọng vào một sáng mai sóng yên biển lặng, đủ để tàu cập bờ.

Nếu có ai đó nói rằng tôi đang viết những lời sáo rỗng, tôi tin rằng người đó chưa một lần đến Trường Sa. Khi chúng ta đã đang “ngủ trong giường chiếu hẹp”, thì thử hỏi biên độ tâm hồn chúng ta có thể mở ra đến đâu? Khi nào bạn có thể bật khóc khi nghĩ đến hai chữ Tổ quốc? Đấy là khi bạn cảm thấy hai chữ ấy đủ thiêng liêng khiến trái tim bạn ngân lên. Đấy là khi bạn nhận ra rằng, để có Tổ quốc hôm nay, bao nhiêu người đã ngã xuống. Bao nhiêu người mẹ đã khóc cạn nước mắt vì mất con. Đấy là khi bạn cảm thấy, trong sâu thẳm, bạn thực sự là một công dân của Tổ quốc này...

Nắng đã trải đầy trên đường băng, thị trấn Trường Sa ngập trong ánh vàng óng của buổi sớm mai ấy. Tiếng chuông chùa binh boong lên thinh không xanh nhức mắt. Tôi xin sư thầy một chữ An, viết theo lối thư pháp, lên một viên đá nhỏ. Bình an, một lần nữa trong tâm khảm tôi chỉ mong mỏi điều ấy, không phải chỉ cho bản thân mình, gia đình mình.

Khuya rồi. Rồi tôi sẽ rất nhớ tiếng sợi xích xiết vào thành tàu mỗi khi tàu buông neo, nhổ neo giữa biển khơi. Mười ngày lênh đênh trên biển, với những cảm xúc luôn dâng ngập đến ngộp thở, chúng tôi mang về đất liền một niềm yêu thương biển cả, yêu thương những người giữ biển đến quặn thắt.

Tôi chợt nhớ đến đôi mắt tròn xoe trong vắt của Ngọc Hân trên đảo Sinh Tồn. Cô bé này được sinh ra trên đảo năm 2014. Rồi chúng ta sẽ có một lớp công dân lớn lên ở đảo, trưởng thành, có thể đi khắp nơi, có thể thành công ở những lĩnh vực cao siêu nào đó, mà trong trái tim, tâm hồn, luôn ăm ắp đến thiết tha một nỗi nhớ đảo. Hẳn rồi. Chúng tôi chỉ đến rồi đi trong chốc lát mà chưa đặt chân lên đất liền đã thấy nhớ, huống hồ những em bé được sinh ra ở đấy - hòn đảo bé nhỏ giữa muôn trùng sóng vỗ. Đấy là quê hương của chúng. Rồi khi có ai hỏi, quê bạn ở đâu? Chúng sẽ nở một nụ cười mang âm hưởng của đại dương, và nói: Quê tôi ở Trường Sa... 
 
Đ.B.T
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)