. PHẠM HỮU HOÀNG
Đêm về khuya. Người trong nhà ngủ say. Đề Nghiễm ngồi uống trà một mình trong vọng lâu trên sân vườn phía sau. Cơn gió lạnh ngoài đồng thông thốc thổi vào làm ông rùng mình. Bóng tối phủ dày trên cánh đồng làng Tây Thượng. Trong khoảng không đen đặc, từ lúc nào, bập bùng những đốm lửa đỏ quạch yếu ớt. Làn khói xám ve vẩy bốc lên rồi biến mất trong màn đêm hun hút. Tiết tháng hai, bà con đốt đồng chuẩn bị cho vụ mùa mới. Những người nông dân đầu tắt mặt tối, làm quần quật không hở tay mà quanh năm vẫn deo dắt đói. Bọn Phú Lang Sa lại tăng thêm đủ thứ thuế, khó khăn chồng chất. Một cuộc biểu tình nổ ra lôi cuốn cả vạn người tham gia. Đoàn người từ các phủ huyện nườm nượp kéo về thành Bình Định, căng biểu ngữ đòi giảm sưu thuế. Viên công sứ ra lệnh trấn áp. Tên quan ba trợn cặp mắt xanh như cú mèo lạnh lùng dẫn đám lính khố đỏ súng chĩa về phía trước, lưỡi lê tuốt trần, kèn trống xông lên như giáp trận. Đám đông không một tấc sắt, siết chặt tay, thi gan đối mặt. Tiếng súng nổ chát chúa. Lưỡi lê đâm xuyên thấu. Lớp lớp người ngã xuống, máu chảy lênh láng... Rồi bắt bớ, gông cùm…
Đề Nghiễm có người em trai là Tú Duyệt tham gia biểu tình, bị bắt giam. Ông chạy vạy vất vả xuôi ngược mới cứu được. Hôm Tú Duyệt được tha, Đề Nghiễm xuống tận nhà ngục đón. Ngồi trong xe ngựa từ tỉnh đường về, ông bực tức cằn nhằn:
- Chú suy nghĩ nông nổi, gây chuyện tày đình, vướng vòng lao lí. Đã thấy khổ thân chưa? Cứ an phận thủ thường có hơn không?
Tú Duyệt nghe với thái độ dửng dưng. Đề Nghiễm buồn rầu không nói nữa vì biết không thể lay chuyển được chí hướng của người em. Nhưng ông hết sức lo lắng. Bởi chống lại nhà nước bảo hộ chỉ thiệt thân mà thôi. Làm sao đối địch được với sức mạnh của bọn Phú Lang Sa. Chúng sẽ không bao giờ nương tay cho những kẻ phản kháng. Đã có không ít những cuộc hành hình thảm khốc đầu rơi máu chảy. Như cuộc biểu tình vừa rồi có được gì đâu. Chẳng khác nào tàn lửa tắt ngúm trên cánh đồng mù đen, có chăng là tang tóc đau thương, u oán chất chồng…
Mà nào chỉ có thế. Tú Duyệt mê đắm Tiểu Đài, con gái bá hộ Trình ở làng Tây Hạ. Duyên tình đã nồng thắm. Bá hộ Trình gian ác khét tiếng trong vùng. Hắn vung tiền không tiếc, lo cho thằng con trưởng tên Triệm làm tham biện ở dinh công sứ. Triệm cúc cung tận tụy, một dạ trung thành nên rất được viên công sứ tin dùng. Bá hộ Trình cậy thế đó mà lộng hành, ức hiếp mọi người, ai nấy đều kiêng sợ…
Vụ thuế vừa rồi, hắn ngang ngạnh không đóng. Quan tri huyện lệnh lí trưởng dẫn tuần đinh tới truy thu. Hắn ra oai chửi phủ đầu. Lí trưởng cự lại. Nổi tức, hắn sai tay chân đánh chết. Người nhà lí trưởng làm đơn kiện gửi lên quan huyện. Đề Nghiễm là thông phán, chuyên thụ lí hồ sơ, giúp quan giải quyết các vụ án. Bá hộ Trình tìm đến tận nhà, nói huỵch toẹt:
- Ông giải quyết êm việc này, tôi sẽ đền đáp xứng đáng cho.
Đề Nghiễm thoái thác:
- Vụ việc rành rành ra đó, làm sao đổi trắng thay đen được.
Mặt bá hộ Trình ngầu lên:
- Ông không giúp à?
Đề Nghiễm dịu giọng:
- Mong ông hiểu cho.
Bá hộ Trình hằn học đe dọa:
- Tao mua đường ngắn nên mới tới đây. Mày từ chối thì sau này đừng có hối hận.
Nghe Đề Nghiễm kể rõ đầu đuôi sự việc, quan tri huyện bất bình:
- Quá quắt, không còn biết trời cao đất dày. Nhưng xử nó không phải chuyện dễ. Ta bẩm báo tổng đốc để xin ý kiến ngài ấy.
Hơn ai hết, Đề Nghiễm hiểu nỗi lòng của quan. Đụng đến đám hào lí dựa dẫm bọn Phú Lang Sa, không khéo sẽ rước lấy tai họa. Còn làm ngơ trước nỗi oan ức của bá tánh thì vô cùng hổ thẹn. Đúng như ông nghĩ, viên công sứ can thiệp, quan tổng đốc gửi trát yêu cầu chuyển vụ án về tỉnh. Rồi xử qua loa cho xong. Rốt cuộc, bá hộ Trình chẳng hề hấn gì. Quan tri huyện nói riêng với Đề Nghiễm:
- Cái ác nhởn nhơ trước mặt mà không trừ khử được thì mặt mũi nào đội mũ ô sa ra công đường.
Ngài treo ấn từ quan. Bá hộ Trình vênh váo tự đắc, mở đại tiệc ăn mừng. Có cả viên công sứ tới dự. Tiệc rượu sang trọng thừa mứa. Cả bọn hả hê chè chén thỏa thuê. Tiệc tàn, khách khứa về hết, còn một mình, nhớ tới Đề Nghiễm, hắn hậm hực nghiến răng:
- Thằng khốn! Mày sẽ biết tay bá hộ Trình này!
Lúc điều tra vụ án, Đề Nghiễm gọi hắn tới nha môn năm lần bảy lượt tra xét, bắt bẻ không chút nhân nhượng. Hắn rắp tâm trả hận. Tính hắn ghim gút nhỏ nhen, có chuyện xích mích với ai, dù nhỏ nhặt tới đâu, cũng tìm cách trả đũa cho bằng được.
Biết chuyện con gái mình với Tú Duyệt, bá hộ Trình quyết liệt cấm đoán. Một hôm, tình cờ gặp Tú Duyệt trên đường làng Tây Hạ, hắn chặn lại, hăm he:
- Thằng mạt hạng kia, mày còn chàng ràng con gái tao, coi chừng có ngày mất mạng đó!
Nghe chuyện, Đề Nghiễm gọi Tú Duyệt vào thư phòng khuyên:
- Chú hãy thôi ngay mối quan hệ với Tiểu Đài. Ả ta không hợp với chú đâu.
Nhưng Tú Duyệt quả quyết:
- Tiểu Đài hiểu đạo lí, phân biệt được lẽ đúng sai. Cô ấy với bá hộ Trình tuy là cha con nhưng không lúc nào thuận nhau.
Đề Nghiễm tỏ ý không vui:
- Chú quá lụy tình rồi. Làm sao để chú hiểu đây?
Tú Duyệt vẫn đinh ninh:
- Em luôn tin cô ấy.
*
* *
Triều đình bổ nhiệm quan Thừa biện bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy, người xứ Nghệ đến Bình Khê nhậm chức tri huyện. Ông có người con trai thứ là Nguyễn Sinh Cung gửi nhà người bạn thân Phạm Ngọc Thọ để học thêm tiếng Pháp trường Pháp - Việt Quy Nhơn. Đề Nghiễm gặp cậu ấm Cung mấy lần khi từ Quy Nhơn lên thăm cha. Cậu ấm quan tri huyện mặc âu phục, chân đi giày, thần thái uy nghi, khuôn mặt thông minh, thái độ chân thành, khiêm tốn, gần gũi khi tiếp xúc làm mọi người hết sức quý mến. Tri huyện Nguyễn Sinh Huy là người mẫn cán, tận tâm tận lực với công việc. Nhậm chức xong, quan vào việc ngay, khảo sát điền địa, thị sát cuộc sống, phong tục người dân địa phương, xem xét lại các vụ án oan khuất… Được một thời gian, quan gọi thuộc cấp họp ở công đường nói:
- Xem ra thì ở đây cũng lắm chuyện rắc rối. Nhất là nạn cường hào kết bè tác oai tác quái, ức hiếp dân. Chúng có thế lực che chở, không thể coi thường. Đụng tới bọn chúng, các ông phải cẩn trọng, chứng lí đầy đủ, không để sơ sẩy.
Quan hỏi thêm Đề Nghiễm vụ việc bá hộ Trình. Nghe xong, khẽ bảo:
- Không trị được tên bá hộ này, hắn còn gây ra bao oan nghiệt nữa.
Từ huyện đường cưỡi ngựa về, Đề Nghiễm mừng thầm trong bụng. Mừng bởi vì có được một vị quan vì dân, sẵn sàng đối mặt những tên ác bá gốc rễ thâm căn cố đế. Ngài đã chỉ đúng điểm yếu nhất của bọn chúng để ra tay: tội trốn thuế. Tội trạng của bọn ác bá đó đã được điều tra cụ thể, chứng cứ rõ ràng không thể chối cãi… Nhìn thái độ tự tin, bình thản và ánh mắt cương nghị của quan, Đề Nghiễm hiểu, ngài đã có kế sách, mọi việc đã được tính toán đâu vào đấy cả rồi. Còn ông thật lòng không muốn va chạm với bá hộ Trình. Chỉ vì không làm điều trái với lương tâm mà bị hắn oán ghét. Trước đây, nhiều đêm ông lo sợ mất ngủ, chơi vơi trong phiền muộn, miên man bao ý nghĩ rối bời. Bây giờ, cảm giác ấy không còn nữa. Bên cạnh quan, ông đã tìm được một điểm tựa vững chãi. Ngày ngày, nhìn vị quan mà ông hết sức ngưỡng mộ, sống dung dị, đạm bạc bằng bổng lộc ít ỏi trong gian nhà nhỏ vách đất mái tranh, nhưng mạnh mẽ, cứng cỏi, không ngại hiểm nguy, hiên ngang đối mặt với bạo quyền, lòng ông trở nên ấm áp lạ lùng.
|
Minh họa: Lê Anh Vân |
Tới khúc đường vắng, Đề Nghiễm bất ngờ bị một tốp người mặt mũi bặm trợn, tay lăm lăm gậy gộc từ những lùm cây bên đường xông ra đón đầu. Con ngựa hốt hoảng chồm lên hất ông ngã nhào. Thằng cầm đầu hô bọn đàn em:
- Đánh chết nó cho tao.
Cả bọn ào tới. Gậy quất tới tấp. Ông chỉ còn biết đưa tay ôm đầu. Mắt tối sầm lại, chân khuỵu xuống. Chợt có tiếng vó ngựa dồn dập. Viên cai lệ xuất hiện, quát lớn:
- Bắt hết bọn chúng lại!
Tốp lính lệ xông tới. Bọn kia không dám chống cự, bỏ chạy mất dạng. Tú Duyệt vội vàng đến đỡ Đề Nghiễm. Nhìn gương mặt người anh thâm tím, máu chảy ròng ròng, Tú Duyệt trào nước mắt. Viên cai lệ hối:
- Đưa ngay ông ấy về chạy chữa. Việc khác tính sau.
*
* *
Đề Nghiễm mở mắt. Mình mê man bao lâu rồi nhỉ? Người vẫn còn đau như dần. Nhờ viên cai lệ dẫn lính đến đúng lúc. Nhưng sao họ biết ông gặp nguy mà kịp thời đến cứu? Sao Tú Duyệt cũng xuất hiện ở đó? Làm gì có sự ngẫu nhiên kì lạ vậy? Ông gọi Tú Duyệt vào hỏi. Tú Duyệt kể:
- Bá hộ Trình đã sắp đặt rất kĩ. May được Tiểu Đài báo tin, em đi đường tắt đến huyện đường ngay. Nhưng anh đã đi rồi. Quan sai cai lệ dẫn lính cấp tốc đuổi theo.
- Tiểu Đài ư? Đề Nghiễm sửng sốt.
- Vâng! Vì việc ấy, Tiểu Đài bị bá hộ Trình dứt tình cốt nhục, đánh đập, đuổi ra khỏi nhà. Hắn cấm cửa không cho trở về.
- Hiện Tiểu Đài ở đâu? Đề Nghiễm lo lắng.
- Em đưa về tá túc nhà người bà con ở làng mình.
- Tội nghiệp cho Tiểu Đài. Chú phải mời cô ấy về để anh đáp tạ nghe.
Tú Duyệt đi rồi, Đề Nghiễm vắt tay lên trán nghĩ ngợi. Có quá nhiều bất ngờ không sao hiểu hết. Thật trớ trêu, con gái bá hộ Trình lại là ân nhân cứu mạng ông. Cây đắng mà sinh trái ngọt. Đề Nghiễm hối hận vì trước đây đã đánh giá không đúng Tiểu Đài. Ông buột miệng thốt lên: “Mình có lỗi với Tiểu Đài nhiều! Phải làm gì đền đáp những thiệt thòi cô ấy phải chịu?” Còn bá hộ Trình! Chuyện vừa rồi làm ông hết sức căm phẫn. Hắn không từ bất cứ thủ đoạn đê tiện nào nhằm hãm hại ông. Hắn chưa dừng lại. Chuyện gì xảy ra nữa đây?...
*
* *
Bá hộ Trình dẫn đầu đám hào lí trong huyện theo trát quan gọi đã chờ chực ở công đường từ sáng sớm. Quá nửa buổi vẫn chưa thấy quan thăng đường. Đề Nghiễm lấy làm lạ vì từ khi đến nhậm chức, quan chưa một lần trễ nải, bắt dân phải đợi. Cả bọn sốt ruột nhốn nháo, la hét inh ỏi. Bấy giờ, quan mới đủng đỉnh bước ra ngồi ghế xét xử. Trông ngài thật ung dung tự tại. Bá hộ Trình nghĩ thầm: “Lão này từ nơi xa mới tới, chưa biết uy danh của ta. Hôm nay, phải dằn mặt lão mới được. Nếu không thì mất thể diện với đám hào lí ở đây”. Hắn dõng dạc bước lên trước cao giọng:
- Ông làm tri huyện mà như thế à? Bắt mọi người đợi từ sáng tới giờ. Có biết kẻ đứng trước mặt là ai không mà dám coi thường như thế?
Bọn kia nghĩ bụng, ông quan này chắc cũng như tri huyện trước, không dám làm gì bá hộ Trình nên liền ó theo nói hỗn, lời lẽ thô bỉ ồn ào như ở chợ. Nào ngờ, quan nổi giận, đứng phắt dậy trỏ bá hộ Trình thét:
- Lính đâu, bắt thằng láo xược này lại. Đứa nào còn to mồm lớn tiếng, trói cổ hết cho ta.
Hai tên lính lệ xông tới, mỗi người giữ chặt một cánh tay bá hộ Trình. Quan đập bàn mắng:
- Mày tiền muôn bạc ức, ruộng thẳng cánh cò bay, vậy mà cả gan không nộp thuế cho triều đình. Đã không biết tội còn làm loạn nha môn, nhục mạ mệnh quan triều đình, coi thường kỉ cương phép nước. Tội không thể tha. Lôi nó ra ngoài đánh hai mươi gậy.
Tốp lính lệ dạ ran, kéo bá hộ Trình ra sân, đẩy nằm sấp xuống sập gỗ, lột áo, cùm tay chân lại, vung gậy nhằm chỗ hiểm đánh. Bá hộ Trình thét lên mấy tiếng đau đớn rồi ngất lịm... Bọn kia sợ chết điếng, mặt mày xanh lét, run lập cập trông rất thảm hại...
Đề Nghiễm sững sờ như không tin ở mắt mình nữa. Bá hộ Trình, kẻ hô mưa gọi gió vang chấn khắp huyện Bình Khê, vậy mà có ngày thịt nát xương tan ê chề nhục nhã. Hắn gieo gió phải gặt bão. Lòng ông hả hê vô cùng vì đã giải tỏa được niềm uất hận đeo đẳng trong người. Nhưng rồi lo lắng quan gặp chuyện bất trắc. Ông hỏi. Quan bình thản đáp:
- Là tri huyện địa hạt này, tôi phải thực hiện chức trách của mình để không hổ thẹn với trời đất. Hậu quả thế nào cũng sẵn sàng chấp nhận.
*
* *
Sau trận đòn ở sân công đường, bá hộ Trình lâm trọng bệnh, mê man bất tỉnh. Ít lâu sau thì chết. Tham biện Triệm đứng ra tổ chức lễ tang rất lớn. Trước linh cửu cha, hắn cau mặt thề: “Thù không trả được, không sống trên đời nữa”. Ánh mắt lạnh lẽo ngun ngút thù hận. Tham biện Triệm lập tức làm đơn kiện tri huyện Nguyễn Sinh Huy. Đơn gửi lên quan tổng đốc. Hắn cậy nhờ viên công sứ giúp đỡ. Viên công sứ yêu cầu quan tổng đốc khép tri huyện Bình Khê tội lạm quyền, gây án chết người, chống đối quan trên, thu thuế chậm, hà khắc với hào lí…
Giữa lúc căng thẳng đó, Nguyễn Sinh Cung lên Bình Khê thăm cha. Buổi sáng, công đường vắng tanh. Đề Nghiễm đang làm việc trong phòng, nghe tiếng gọi quen, liền tươi cười bước ra:
- Chào cậu mới lên.
Nguyễn Sinh Cung đáp:
- Vâng, tôi lên thăm cha. Người đang ở đâu?
Đề Nghiễm nói:
- Quan tổng đốc trát gọi về tỉnh. Cậu đi đường vất vả rồi, mời vào nghỉ một lúc.
Cả hai vào phòng khách có cửa sổ trông ra hoa viên. Nguyễn Sinh Cung hỏi:
- Quan tổng đốc gọi cha tôi chắc vì vụ kiện đó?
- Đúng vậy, quan dặn tôi trông coi nha môn khi ông ấy vắng. Ngài tổng đốc rất quý cha cậu, chắc mọi việc rồi sẽ ổn thôi.
- Nói thì nói vậy chứ tôi rất lo. Một khi viên công sứ can thiệp thì mọi việc rất khó lường. Nhưng tôi tự hào vì cha đã làm những việc cần phải làm.
Đề Nghiễm hỏi:
- Nghe nói vì vụ án thân phụ mà cậu bị gạch tên trong danh sách thi đậu giáo viên trợ giảng?
Nguyễn Sinh Cung đáp:
- Thật ra tôi học thêm tiếng Pháp không phải để đi dạy.
Trong lúc Đề Nghiễm chưa hết ngạc nhiên, bằng giọng trầm ấm, thân tình, cậu kể về những nơi đã đi qua, những gì đã nghe, đã thấy về tội ác bọn Phú Lang Sa với dân mình. Đâu đâu cũng thế. Chỉ vì nước yếu hèn bị chúng cậy mạnh xâm chiếm. Bởi chúng có cả một nền công nghệ tân tiến. Do vậy, cậu học tiếng Pháp là muốn qua Pháp tìm hiểu bên ấy thế nào. Có hiểu tường tận thì mới tìm cách đối phó được. Cậu nói về sự khâm phục khi được cha dẫn đi xem di tích nhà Tây Sơn: “Ông thấy đấy, giặc mạnh, ta yếu nhưng hiểu giặc, biết cách đánh, quyết đánh, thì nhất định thắng, biến mất thành còn, biến không thành có. Vua Quang Trung đã làm được điều đó mới đánh thắng giặc ngoại xâm, giữ vững chủ quyền dân tộc…” Cậu ấm quan tri huyện đang truyền cho ông niềm cảm hứng say mê. Càng trò chuyện, ông càng thấy sáng thêm ra, như được thắp lên trong lòng ngọn lửa diệu kì. Những hoài nghi lởn vởn trong đầu như những mảng tối u ám đè nặng lên cuộc đời chật chội vừa qua đã tan biến mất.
*
* *
Đề Nghiễm về tới nhà, Tú Duyệt chờ sẵn từ lúc nào, liền tới gần thưa:
- Em đã đưa Tiểu Đài đến. Hiện chờ ở phòng khách.
- Anh đến gặp cô ấy ngay.
Thấy ông, Tiểu Đài đứng dậy cung kính chào. Đề Nghiễm ôn tồn:
- Tú Duyệt đã kể rõ mọi chuyện. Biết lấy gì đền đáp công ơn của Tiểu Đài.
Tiểu Đài lộ vẻ ưu tư:
- Việc Tiểu Đài làm nhằm chuộc lại phần nào lỗi lầm của cha, để người tốt không bị bức hại. Chỉ có điều, cha không hiểu được thiện ý, cố chấp đến nỗi phải vong thân. Thân Tiểu Đài có khổ ải đến đâu cũng sẵn sàng chấp nhận không lời oán thán, nhưng nghĩ lúc cha mệnh bạc, làm con mà không được mặc áo xô, đội khăn tang quỳ lạy báo hiếu thì đau xót lắm.
Lời nói hiếu nghĩa của Tiểu Đài khiến ông thêm bội phần nể phục. Nhìn gương mặt buồn rượi, nước mắt lưng tròng, Đề Nghiễm nghèn nghẹn, không biết an ủi thế nào cho phải. Tú Duyệt lên tiếng:
- Em và Tiểu Đài sắp đi rồi.
- Các em đi đâu?
- Lâu nay em giấu chuyện này, mong anh thứ lỗi. Chúng em đã gia nhập hội Duy Tân, sắp được tổ chức đưa sang Nhật.
Ngỡ ngàng, Đề Nghiễm hỏi:
- Chừng nào các em đi?
- Vài ngày nữa. Em đi nhưng vẫn còn một nỗi lo. Tham biện Triệm tâm địa đen tối, tàn độc hơn cả cha mình, sẽ tính kế báo thù. Anh phải cẩn thận đề phòng đó.
Đề Nghiễm đáp:
- Các em cứ yên tâm. Anh sẽ liệu cách đối phó.
*
* *
Đêm khuya, Đề Nghiễm lại ra vọng lâu thưởng trà. Lúc sáng sớm, tại dịch đình, ông và các đồng sự ngậm ngùi tiễn đưa quan tri huyện Nguyễn Sinh Huy. Ngài tổng đốc né tránh sức ép của viên công sứ bằng cách gửi hồ sơ vụ án về triều. Các quan đại thần ở triều bênh vực quan tri huyện. Nhờ vậy, quan chỉ bị triều đình giáng bốn cấp và triệu hồi về kinh. Cậu ấm Cung đến từ biệt cha. Cậu đi vào Nam. Cuộc ly biệt hai cha con thật cảm động. Người cha nắm chặt tay con. Cả hai lặng nhìn về chân trời đông đang hửng hồng... Đề Nghiễm ngậm ngùi khi những người ông yêu quý nhất đã rời xa, đất rộng mênh mông, phương trời cách biệt, biết bao giờ gặp lại. Nhưng nỗi buồn ấy thoáng qua nhanh. Bởi lúc này ông cũng đang hăm hở chuẩn bị cho một hành trình mới…
Đề Nghiễm nhìn ra cánh đồng đen thẫm. Bất chợt, trong vùng tối mịt mùng lóe lên một đốm lửa. Rồi nhiều đốm lửa bùng sáng. Lửa lan tỏa rừng rực như thiêu đốt tất cả. Chấp chới trong biển lửa khuôn mặt méo mó của bá hộ Trình, tham biện Triệm, viên công sứ… Lửa ngời chói, lung linh, nghiêng ngả như múa, như reo, như say sưa trong vũ khúc lạ thường làm ngây ngất cả ngàn sao.
Bình Định, 02/3/ 2018
P.H.H