Con chim lam về rừng

Thứ Ba, 27/03/2018 00:13
Truyện ngắn dự thi. PHAN ĐỨC LỘC
 
Hượu từng ước mình bị điếc. Từ ngày theo đám lâm tặc vào rừng, thế giới trong cậu là một mớ âm thanh phức hợp, rối vò như mớ bòng bong mọc chen chúc bên triền suối. Khu rừng hoang vắng và lạnh lẽo hơn cả trái tim Hượu sau chừng ấy va đập, tổn thương, mất mát. Đôi lúc Hượu ép hai bàn tay vào đầu tự hỏi, sao mình lại nhận lời theo họ. Có lẽ là do những tháng ngày chán nản, tăm tối nhất cuộc đời, cậu đã không mảy may nghĩ suy điều gì cho tương lai nữa...

Họ dựng lán ngụ tạm gần những lèn đá, phòng khi có điều bất trắc thì chạy trốn vào các hang sâu tối mịt thông ra các ngả khác nhau. Khi tiếng gà rừng e é gọi sáng, họ lục tục mò dậy chuẩn bị cho ngày mới. Chẳng cần đánh răng, rửa mặt, người thìa, kẻ muôi, vớ được cái gì thì cầm luôn cái đó, hục mặt vào nồi cháo hoa chị Xoàn nấu vội còn hơi âm ấm, khẩn trương múc múc, chao chao húp loạp soạp như bầy lợn táp cám. Hượu đã đối mặt với cảnh này cả trăm lần, nhưng lần nào cũng tởm lợm không nuốt nổi ngụm cháo thứ hai. Biết vậy, chị Xoàn múc riêng phần cháo cho Hượu ra chiếc bát sứ sứt mẻ…

Nếu tính cả Hượu và chị Xoàn thì đám lâm tặc có mười ba người. Chỉ mỗi chị Xoàn là con gái. Mọi thứ khởi động bằng tiếng lưỡi cưa xoen xoét phập vào chân cổ thụ đến nhức óc. Ắc... Ắc... Ắc... Rầm! Rầm! Ráu! Ráu! Hượu ngồi trên chòi canh, nghe sự sụp đổ của những lim, sến, táu mà lòng quặn lại. Những đại thụ trăm năm tuổi kia dù có vững chắc tới đâu cũng không đấu nổi chiếc máy cưa sắc lẹm và những cánh tay xăm trổ cuộn từng vồng cơ bắp.

Hượu là “thằng ngồi mát ăn bát vàng” nhất trong đám, như thủ lĩnh từng bỉ bôi. Công việc chính của cậu đơn giản là đứng trên chiếc chòi canh cao năm mét, liên tục đeo ống nhòm quan sát mọi biến động xung quanh để kịp thời báo cáo tình hình. Nhưng cậu vẫn rất hoang mang lúc nhìn màu khói đen loang lổ tỏa ra ken vào ánh nắng chiều xập xệ. Gió vùng vằng đưa mùi nhựa cây ngai ngái táp vào mặt Hượu như oán trách, như van lơn. Dù gì thì Hượu cũng là đồng phạm gián tiếp liên quan đến sự chết chóc của những vạt rừng.

Cánh rừng đang chết mòn trong tiếng khóc khàn đưa tang của muôn loài chim muông tội nghiệp. Họ đốn hạ cây to đã đành. Họ còn chặt nốt cây non, dọn đường chuyển gỗ ra sông. Mới tuần trước, cánh rừng còn trù phú vậy, mà cuối tuần này, nó nham nhở, tả tơi như vạt áo rách bươm của người con gái yếu đuối bị lũ yêu râu xanh hãm hiếp tập thể. Hượu đau, đau từ tâm, đau giống kiểu chứng kiến cảnh tình nhân của mình hét lên giữa bầy đực mà đành bất lực làm ngơ, dù cậu chưa từng yêu. Những âm thanh quặn đau của rừng chưa một phút chịu ngủ yên trong đầu cậu…
*
*    *
Hình như Hượu là người ít tuổi nhất trong đoàn. Mà Hượu cũng đâu buồn nhớ tuổi mình. Kể từ khi bỏ trốn khỏi cô nhi viện ồn ã những cãi cọ, tranh giành. Hượu lang thang đó đây một thời gian dài, đánh giày kiếm cơm qua ngày và dần quên hết dĩ vãng. Thành phố đủ ống cống và gầm cầu để cậu nương thân. Những ngày phiêu dạt, bị quỵt tiền, bị nhổ nước bọt vào mặt, bị cướp giật, bị đánh đập, bị vu oan, bị bóc lột, bị hãm hiếp đồng tính... hàng trăm cái “bị” như thế, cậu đều hơn một lần nếm trải. Và với cậu, chẳng có điều gì khủng khiếp hơn khi nghe tiếng rừng gào thét trong cơn ác mộng. 
 
con chim xanh vu dinh tuan
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Hượu nhỏ thó, thấp hơn chị Xoàn nửa cái đầu và được cái nước da trắng tự nhiên nên trông như một cậu thiếu niên. Hượu gọi tất cả mười hai người còn lại là anh, chị. Phải chăng vì những điều đó mà cậu được ưu tiên công việc gác chòi. Hượu ít nói. Đúng hơn là Hượu không biết nói gì góp vui cho những câu chuyện ố tạp mùi tiền hoặc tình dục của bầy lâm tặc. Bởi thế, sau giờ cơm chóng vánh, Hượu hay lủi thủi ra suối, độc thoại vu vơ với dòng nước rong róc chảy đến khuya lơ khuya lắc. Đó là một góc bình yên của khu rừng này. Thường mỗi lần thế, chị Xoàn sẽ đốt đuốc, thập thững men dọc triền đá mang ra cho Hượu chiếc áo khoác mỏng. Hượu xúc động nhưng không nói lời cảm ơn vì sợ sẽ không biết kéo dài cuộc hội thoại bằng cách nào trước một người con gái. Thành thử, chị Xoàn toàn phải bắt chuyện trước:

- Hượu thích ăn món gì?
- Cơm nếp chấm muối lạc.
- Hượu sợ nhất cái gì?
- Sợ tiếng máy cưa và tiếng cây rừng đổ xuống.

Cả hai chị em đều rất kiệm lời. Với Hượu là vì túng từ. Với chị Xoàn là vì một sự ý nhị. Tuyệt nhiên, họ không hỏi sâu chuyện gia đình hay những thứ đại loại như lí lịch của người bên cạnh. Hượu có một tiểu sử chằng chịt vết sẹo. Và cậu sợ, biết đâu, chị Xoàn cũng giấu trong ngăn quá khứ những bí mật không muốn ai chạm tới. Và hầu như các thành viên trong đám lâm tặc đều là người tứ xứ, ràng buộc bằng những lợi ích vật chất không hơn, không kém.

Rừng tối mịt càng làm cho ngọn đuốc của chị Xoàn thêm đượm rực. Họ ngồi lặng im trên phiến đá mượt rêu, thầm đoán tâm trạng của nhau. Những tàn lửa vừa bay ra chốc lát đã bị bóng tối nuốt gọn. Khu rừng yên tĩnh ngủ trong lời suối ru êm. Nhưng Hượu vẫn tưởng tượng ra cảnh những xác cây khô bị làm mồi cho mối mọt; những mầm non e dè chẳng dám xé toạc đất vươn lên; những cánh chim tan tác luẩn quẩn trên bầu trời mây xám chẳng biết bay về đâu... Hượu ôm ngực thở hồng hộc như con trâu rừng say nắng. Chị Xoàn vỗ nhẹ lên vai cậu, giọng run run:
- Về lán nghỉ ngơi thôi, em.
*
*    *
Mỗi ngày trôi qua với Hượu là một cơn địa chấn. Trong giấc chiêm bao ngắt quãng bởi ngột ngạt mùi xăng máy cưa, cậu ám ảnh bởi hình ảnh một con chim lam non lạc mẹ chập choạng bay giữa vạt rừng trọc lốc đá sỏi. Con chim ấy sẽ chết yểu hay sống tiếp? Hượu không rõ. Cậu mấy khi được ngủ trọn giấc để chứng kiến cái kết của nó đâu. Có thể con chim ấy là hiện thân kiếp trước của cậu. Hượu luôn tin như thế. Vậy đấy, kiếp trước là con chim lam non lạc mẹ, nên kiếp này dù đã được làm người, cậu vẫn yêu rừng. Ngoài ra, không có một nguyên do nào khác cắt nghĩa được tình yêu đó.

Thủ lĩnh cạo đầu trọc, xăm hình mãnh hổ khắp người nhìn rất bặm trợn. Đặc biệt là đôi mắt xếch ngược như hai mũi dao nhọn. Hượu luôn khúm núm cúi gằm mặt xuống đất khi nói chuyện. Gã chê bai cậu là thằng đàn bà, suốt đời làm chân sai vặt. Mở đầu những buổi họp tranh thủ, gã thường cầm cái cưa, ồm ồm nhắc nhở đồng bọn:

- Tao đã có lòng thì bọn mày phải có dạ. Theo tao thì sống, chống tao thì chết. Cái cưa này cắt được gỗ, thì cắt cổ chỉ là chuyện nhỏ. Đứa nào phản bội, tự hiểu hậu quả.
Rồi Hượu để ý thấy thủ lĩnh luôn nhìn xéo về phía chị Xoàn. Mỗi lần như thế, chị Xoàn thường quay mặt sang chỗ khác. Phút giây ấy, Hượu vỡ ra, chị Xoàn chắc hẳn có nỗi khổ tâm riêng.
*
*   *
Tại sao chị Xoàn một thân con gái lại bạo gan lưu lạc đến chốn rừng thiêng nước độc này chuyên nấu ăn phục vụ cho đám lâm tặc toàn đàn ông? Chị không kể. Mọi người cũng không kể. Chỉ biết chị Xoàn đẹp, đẹp như một áng hoa đỗ quyên chúm chím đầu mùa. Da chị tươi hồng, sáng mịn. Chị luôn mặc kín đáo và thả tóc mai choán hết nửa gương mặt để che đi những nét thanh tú của mình. Chị phải làm thế khi sống giữa một đám đực rựa dữ tợn, động cợn như bầy trâu mộng mấy tháng ròng chưa được thỏa mãn. Hượu thấy lo cho sự an toàn của chị.

Một hôm, Hượu ngồi sau đống gỗ thì vô tình nghe thấy anh Hách và anh Ngùng vừa vạch quần đái, vừa chém chuyện:
- Bí bách lắm rồi!  - Anh Hách phấn khởi - Đêm nay đến lượt tao.
- Con nhỏ ngon thật. Đêm qua tau sạc cho một trận tới bến hơn một tiếng ròng mà giờ vẫn thèm thuồng.
- Đ. mẹ mày. Phải biết giữ gìn của chung chứ.

Tự dưng, đầu Hượu hiện lên hình ảnh chị Xoàn. Sự nhạy cảm của bao nhiêu năm lăn lộn chợ đời khiến cậu ngờ ngợ đoán ra được nội dung và nhân vật chính của câu chuyện. Bấy lâu nay, Hượu toàn ngủ lại tại chòi canh. Hượu không hề hay biết những gì đã, đang và sẽ xảy ra ở những cái lán tập thể khi màn đêm trùm xuống...

Đêm đó, trăng vành vạnh tròn như mắt con chim lam trong giấc mơ của Hượu. Cậu rón rén bước tới gần những căn lán cạnh hang đá, ém mình vào một gốc cây. Đám lâm tặc sau một ngày làm việc cật lực đã nằm ngủ ngon lành. Tiếng ngáy phì phò lẫn vào nhau, lộn xộn. Hượu cứ ngồi chờ. Hồi lâu, cậu bỗng thấy bóng anh Hách lôi xềnh xệch chị Xoàn ra một bãi cỏ vắng. Anh Hách đẩy chị Xoàn ngã xuống rồi hùng hục dùng bàn tay thô sần giựt hàng cúc áo nhỏ nhoi. Chị Xoàn miễn cưỡng nằm im, không chống cự. Được đà, anh Hách vục mặt vào bầu ngực nõn nà của chị ngấu nghiến như con sói vồ một con thỏ. Trăng sáng quá, sáng đến nỗi hai tấm thân trần truồng phơi bày trước mắt Hượu rõ mồn một. Gió lặng quá, lặng đến nỗi tai Hượu nghe thấu cả tiếng rên nghèn nghẹn mắc nơi cổ họng chị Xoàn và tiếng rống sung sức của anh Hách. Hượu nhắm mắt lại, tự cảm thấy xấu hổ khi đi rình rập cảnh người ta ân ái giữa đêm thâu. Cậu vừa bỏ chạy về chòi canh thì bỗng nghe tiếng chị Xoàn kêu khẽ:

-  Tha cho em mà, anh Hách.
Hượu dợm bước định quay lại thì tâm can cậu đột nhiên chia thành hai nửa trái ngược, một nửa muốn tiến đến giúp chị Xoàn, một nửa lại nghĩ “tốt nhất không xen vào chuyện riêng tư của người khác”. Và Hượu chọn nửa thứ hai.
*
*   *
Sáng. Không cần phải lách mình qua những tán lá bùm tum như trước, ánh nắng ban mai thong thả lan ra dọc con đường lỏng chỏng gốc cây bị đốt cháy lem nhem. Chị Xoàn xách xô bước về phía dòng suối. Vạt cổ trắng ngần của chị lộ rõ những vết móng tay, vết cắn bầm tím. Hượu lần theo những nấc thang tọp tẹp đuổi theo chị.

- Chị Xoàn! - Hượu gọi khẽ.
Chị Xoàn ngoái đầu lại. Bờ vai nẩy lên thoáng chút giật mình:
- Chuyện gì thế, Hượu?
-  Cổ... cổ... chị...  - Hượu lắp bắp, mặt bừng đỏ.
Vội đưa tay kéo cao cổ áo che đậy vùng da bị thâm xước, chị Xoàn dịu dàng:
- Chị bị sâu nái chích.
- Chị cẩn thận nhé - Hượu chuyển chủ đề - Mới sáng ra chị đã mang xô đi đâu vậy?
- Chị múc nước tưới cây.

Giành cầm cái xô, Hượu lẽo đẽo theo chân chị Xoàn ra suối. Tiếng máy cưa roèn roẹt xẻ gỗ kêu ré lên. Chị Xoàn dùng hai ngón trỏ nhét chẹt lỗ tai lại. Bỗng nhiên, Hượu muốn chủ động nói nhiều hơn với chị Xoàn. Lưỡng lự một lát, cậu tiếp tục hỏi:
- Mà tưới cây gì hả chị?
- Cây gì cũng tưới. Những cây non đang mọc. Những cây choai choai gãy cành. Những cây già ngấp ngoải. Chị muốn khu rừng sống lại, Hượu ơi.
Thì ra, cũng như Hượu, chị Xoàn rất yêu khu rừng này. Hượu thấy mình vừa tìm được tri âm. Cậu mạnh dạn nhìn chị Xoàn:
- Có gì chị cứ kể em nghe...

Chị Xoàn thả ánh nhìn theo một áng mây lênh đênh trôi, như thể đang lần tìm hoài niệm. Chị kể, ngày xưa, làng chị nằm gối đầu bên bìa rừng. Tuổi thơ chị được tắm trong màu xanh bát ngát của cỏ cây, hoa lá. Cuộc sống thanh bần, kham khổ với củ khoai, khúc sắn, đụn măng. Nghèo vật chất mà giàu tình nghĩa. Người dân nơi ấy luôn dạy các con cháu họ phải biết tôn thờ rừng như một tín ngưỡng. Cha chị bảo: “Rừng là tổ tiên. Rừng là nguồn sống. Hãy yêu rừng trước khi biết yêu gia đình”. Năm chị lên sáu, một đám lâm tặc tràn đến rừng tung hoành chặt phá. Giữa dân bản địa và chúng xảy ra một trận ẩu đả đẫm máu. Cha bị thương rồi sau ốm mất, chị sống tạm nay đó mai đây cùng họ hàng, xóm giềng rồi được một người đàn ông miền xuôi đưa về thành phố cưu mang. Mười tám tuổi, chị bị con trai ông ta làm nhục nhiều lần đến mang bầu. Kết cục, chị đành chấp nhận phải lấy hắn. Âu cũng là một cách trả nợ đời. Chị Xoàn kể đến đó thì mắt đầy nước. Hượu đặt tay lên vai chị, đồng cảm:

- Trước giờ em cứ nghĩ em khổ. Nhưng chị mới là người khổ hơn. Thế chồng với con chị đâu mà chị lên đây?
- Con chị mất rồi - Chị Xoàn nấc khe khẽ - Còn chồng, chị không muốn nói về hắn...
Hượu xách những xô nước đầy để chị Xoàn múc từng ca nhỏ tưới cho đám cây non. Khi chị Xoàn lum khum cúi xuống dựng dậy mấy cây lim bằng ngón chân bị ngã rạp, Hượu trông thấy nơi vầng ngực chị những vệt xước dài đã đông tụ máu hệt như chỗ nhựa quánh lại ở những gốc cây có dấu lưỡi cưa xén ngang. Chị Xoàn muốn vá víu vết thương của rừng. Vậy, ai sẽ xoa dịu nỗi đau của chị? Và hẳn nhiên, chị đang muốn nghe câu chuyện của cậu. Thế là Hượu cũng kể một cách tóm tắt. Cậu rút gọn bớt những chi tiết đau lòng nhất trong những ngày đi bụi để chị Xoàn đỡ bận lòng. Cậu nhắc nhiều về giấc mơ con chim lam lạc mẹ. Chị Xoàn bảo:
- Chị cũng là đứa trẻ mồ côi như em nên chị hiểu...
Tiếng máy cưa xéo xắt quanh đây, thật gần, thật nhức. Rầm. Một cây gỗ nữa bị hạ gục. Có tiếng anh Ngùng hét lên:
- Trời ơi, thằng Hách vỡ đầu rồi.

Tiếp đến là tiếng bước chân hối hả. Vứt cái xô xuống đất, Hượu và chị Xoàn chạy tới. Mọi người vây quanh xác anh Hách. Cái đầu anh bị cán bẹp. Mắt anh lồi ra. Tay anh còn nắm khư khư cái áo màu tím hoa cà của chị Xoàn, rách lỗ rỗ, tả tơi như những vạt rừng bị lưỡi cưa liếm đổ. Chị Xoàn bưng khuôn mặt tái mét rồi ngất xỉu. Thủ lĩnh ra lệnh cho một tên cõng chị về lán. Có những tiếng xôn xao bàn tán:
- Thằng này mê con Xoàn thật thì phải.
- Sống chết có số rồi. Biết đâu mai tới lượt mình…
- Mới hôm qua nó còn khoe chơi được hai cuốc một đêm mà hôm nay đã bấn loạn thế này.
- Chơi bời quá sức thảo nào sáng ra thấy mềm oặt như bún.
Thủ lĩnh khoát mạnh cánh tay rắn rỏi, lạnh lùng:
- Ngậm mõm! Trong khi anh em làm bở hơi tai thì nó nấp đây để ngủ. Chết là phải.

Anh Ngùng úp mặt vào bụng anh Hách khóc hần hật. Anh xin phép thủ lĩnh mang anh Hách theo đường thủy về quê mai táng. Thủ lĩnh quát:
- Chết là hết. Chết đâu chôn đấy.
- Nó là bạn thân của tôi. Tôi không nỡ...
Thủ lĩnh chỉ tay vào đống gỗ cao chất ngất bên cạnh con đường tạm, đanh thép:
- Cả khối công việc chưa làm hết. Kiểm lâm đánh hơi thấy thì chết cả lũ. Sắp chuyển sang vạt rừng mới rồi. Chỗ gỗ kia phải cấp tốc chuyển xuống sông trong vòng ba ngày. Đúng ba ngày. Vứt nó xuống vực!
*
*    *
Hượu giặt ướt khăn chườm lên trán chị Xoàn. Thủ lĩnh thấy thế cười khẩy. Chị mở mắt choàng dậy, không kịp xỏ dép, chạy ra suối. Hượu đuổi theo chị. Chị chạy càng nhanh hơn. Chân chị vấp phải rễ cây ngã dúi dụi. Chị vẫn gượng dậy chạy tiếp. Chị lao xuống dòng nước đục ngầu, hét khan chẳng khác con vịt bị cắt tiết. Chị vùng vằng cào cấu mình như có hàng trăm con rết đang bò khắp người. Hượu lao xuống ôm chặt lấy chị:
- Chị Xoàn! Chị Xoàn!
- Trời ơi! Trời ơi! - Chị Xoàn ngửa mặt lên trời.
- Chị bình tĩnh nghe em lên bờ nào!

Mãi hồi lâu, chị Xoàn mới chịu đứng yên để Hượu cõng lên bờ. Hượu đỡ chị Xoàn ngồi xuống chỗ phiến đá hai chị em hay ngồi. Đoạn cậu cởi áo mình lau tóc cho chị. Tóc chị Xoàn ướt mướt soi ánh nắng chiều càng thêm sóng sánh. Một đợt gió dào qua, mấy chiếc lá vàng lã chã rụng xuống. Chị Xoàn úp mặt vào vai Hượu, khóc tấm tức:
- Chị đã nói dối em. Những vết bầm dập trên cổ chị là do hắn để lại. Chị muốn xóa sạch chúng. Đêm qua hắn đã vày vò, cắn xé mặc chị van lơn. Sáng nay hắn đã bị báo ứng. Chị sợ lắm! Chị ghê lắm!
Hượu lại hồi tưởng cảnh bàn tay yếu mềm của chị Xoàn khuơ khoắng dưới ánh trăng nhòa nhện. Mắt cậu nhòe đi. Cậu choàng tay qua vai chị Xoàn, ân cần:
- Hãy quẳng những chuyện buồn ấy đi, chị...
*
*    *
Chị Xoàn hẹn Hượu đêm nay sẽ gặp nhau tại địa điểm cũ. Chị có chuyện muốn nói với cậu. Ngồi đợi trên ụ đá, Hượu ngửi thấy mùi chết chóc của rừng, của muông thú, của anh Hách lảng vảng chưa siêu thoát. Số đồng bọn đang sống thì đã bị tê liệt lương tri. Cả Hượu, cả chị Xoàn cũng không được làm người đúng nghĩa. Những điều Hượu chứng kiến bao ngày qua và nhất là hôm nay đã khiến cậu nảy sinh ý định đào tẩu. Còn chị Xoàn? Đúng rồi, Hượu và chị Xoàn sẽ bàn bạc thật kĩ về một kế hoạch chạy trốn càng nhanh càng tốt.

Trăng lên giữa đỉnh núi, sáng nhờ nhợ, âm u. Chị Xoàn chưa tới. Hay là... Hượu không dám nghĩ nữa. Cậu đâm đầu vào đêm chạy đến bãi cỏ vắng. Không có ai. Cậu chạy tiếp một đoạn thì thấy chị Xoàn và thủ lĩnh đứng bên con dốc thoai thoải.
- Tao hỏi lần cuối, mày có chịu phục vụ bọn tao không?
- Anh tha cho tôi. Tôi khổ lắm rồi!
Thủ lĩnh bóp lấy cổ chị Xoàn:
- Đã lâu rồi tao chưa giết người đâu đấy? Mày định phá hỏng kế hoạch của tao? - Thủ lĩnh ngổ ngáo - Con điếm khốn kiếp!
- Thả chị ấy ra - Hượu nói lớn.
Thủ lĩnh quay phắt lại:
- Thằng Hượu! Sao mày lại ở đây?

Chẳng nói chẳng rằng, Hượu vớ một sợi dây leo dưới chân lao tới quấn ngang ngực thủ lĩnh. Nhưng với sức mạnh cơ bắp của một người đàn ông cường tráng, hắn khuỳnh mạnh tay một phát, sợi dây bung ra. Lập tức chị Xoàn bốc một nắm sạn dưới chân ném thẳng vào mắt hắn. Hượu giật tay chị Xoàn trượt xuống dốc thẳm. Thủ lĩnh rút một quả pháo hoa trong túi quần châm lửa nổ đoàng, sáng rừng rực cả một vùng trời. Tức tốc, bọn lâm tặc bật dậy, tay kiếm, tay gậy, mã tấu rầm rập chạy tới. Tên thủ lĩnh đang ôm mắt, hắn gào lên:
- Con Xoàn và thằng Hượu bỏ trốn rồi. Chúng chạy xuôi theo con dốc.

Đám lâm tặc chia thành hai gọng kìm, ráo riết truy đuổi. Rừng thưa thớt cây cối tới mức không đủ cành lá che khuất cái bóng của hai chị em. Tiếng chim đêm, tiếng côn trùng chẳng thể át đi tiếng bước chân thảng thốt. Đằng sau, ánh đuốc trộn với ánh trăng dập dềnh. Lũ kia quyết không buông tha cho chị Xoàn và Hượu. Họ chạy đến chỗ con suối đâm thẳng ra dòng sông lớn tạo thành một chữ “T” thì bất lực. Đây chính là góc chết. Chị Xoàn tần ngần bảo Hượu:
- Em bơi qua sông trước đi, chị sẽ bơi sau.
- Không! Hai chị em mình bơi cùng lúc.
- Chị... Chị không biết bơi. Chị đang làm liên lụy đến em.
- Em sẽ cõng chị. Có chết thì chị em mình cùng chết...

Nước sông uồm oàm chảy xiết. Hượu cõng chị Xoàn bơi đến giữa dòng thì bị nước tồng tộc đẩy vào một cái xoáy hun hút, cứ luẩn quẩn mãi một chỗ chẳng thoát được. Chị Xoàn cố ý buông vai Hượu ra để giải thoát cho cậu nhưng Hượu đã kịp níu tóc chị, kéo về phía mình. May thay, có một khúc cây khô lềnh bềnh trôi tới. Hượu rướn cánh tay  kéo nó lại, gồng mình đẩy chị Xoàn bám vào, rồi cậu vừa bơi, vừa đẩy khúc gỗ.

Cuối cùng, Hượu và chị Xoàn cũng sang được bờ bên kia. Họ không thể lần chần được nữa. Nhỡ đâu đám kia vẫn đuổi theo. Chạy! Chạy. Chạy... Khi đôi chân tê cứng, cổ họng khô rát, ngày mới dần ló rạng, cánh rừng trùm kín như một mê cung, họ mới dừng bước, lánh tạm vào một hốc đá để nghỉ.

Đây là đâu?
Miền rừng trước mắt như mới tái sinh sau một cơn bão. Lác đác cây lớn nổi bật lên giữa điệp điệp cây non. Có vạt rừng được trồng mới, thẳng lối, ngay hàng. Hai chị em luồn theo sợi đường ngoằn ngoèo lút trong cỏ. Phía trước, một thác nước nhỏ mở ra. Từ trên cao, từng đợt nước lấp lóa vùn vụt trẫm xuống hắt lên hình cầu vồng lung linh bảy sắc. Cạnh đó, những cụm lan bám rễ vào kẽ nứt vách đá thâm nâu dựng đứng, bật tung những bông vàng rạng rỡ. Mấy con họa mi lượn qua, lượn lại gieo tiếng hót thanh êm. Khum tay múc nước uống, chị Xoàn reo lên khe khẽ:
- Nơi này thân thương quá... Đúng rồi, Hượu ơi, dòng thác này sẽ dẫn về làng chị!
- Thật thế ư, chị? Chị có nhầm không?
- Không thể nhầm được - Chị Xoàn khẳng định - Từ đây, đi khoảng chừng vài ba tiếng sẽ về đến làng.
- Tuyệt! Tuyệt quá!

Chẳng ngần ngại gì, Hượu chạy tới bế bổng chị Xoàn, xoay xoay một vòng rồi cười thích thú. Chợt, một người đàn bà cụt tay khắc khổ vác ống tre đi địu nước nheo nheo mắt rồi gọi:
- Ai quen quen như con Xoàn rứa hậy?
Chị Xoàn lặng người đi. Chị đăm đắm nhìn sang. Phải dụi mắt hai lần cho đỡ nhòe chị mới cất tiếng đáp:
- Dạ... Dì... Viên! Dì Viên! Cháu Xoàn đây!
Chị chạy lại đỡ lấy người đàn bà. Lần này thì chị bật khóc thành tiếng... Nhiều năm rồi chị chưa nói giọng địa phương, chưa được tựa đầu vào cây, sà lòng vào cỏ. Nhiều năm rồi chị chưa được ăn sắn lùi, măng nướng, chưa về thăm nơi cắt rốn, chôn nhau.
*
*    *
Chiều. Dì Viên dẫn Hượu và chị Xoàn ra mộ cha. Nấm mộ sè sè nằm dưới bóng cây sồi sum sê bao năm qua được dì dọn cỏ tinh tươm. Thắp một nén nhang lên mộ cha, chị Xoàn quỳ xuống thảm lá khô giòn, nói trong nước mắt rơm rớm:
- Cha ơi, con đã về. Con có lỗi với cha nhiều…

Chị Xoàn cứ thế thú tội trước vong linh cha. Cây sồi lào xào trút lá. Hượu cũng quỳ xuống bên cạnh chị Xoàn, chắp tay:
- Con chưa từng được gặp bác. Nhưng trong thâm tâm, con tự thấy cả con và chị Xoàn đều nợ bác, nợ rừng một điều gì đấy…
Chợt một con chim dạn dĩ sà xuống, đậu lên tấm bia mộ bằng gỗ, hót mấy tiếng thánh thót rồi bay về phía triền rừng ngút ngát. Đúng là con chim lam! Con chim lam đang bay.
 
P.Đ.L

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)