Ngày dài xứ lạnh

Thứ Bảy, 10/01/2015 00:00

.THÁI CHÍ THANH

Cú điện thoại từ Hà Nội báo ngày giờ đón tại sân bay Ai - ken - đa vẫn làm cho Ngọc mừng quýnh dù cô đã biết Thắng sẽ sang. Một tuần nữa. Sao mà lâu thế! Một tuần là bảy ngày, mỗi ngày hai tư giờ, vị chi là... Ngọc nhẩm tính rồi cười phá lên như một người điên.

Vẫn còn sớm, nhưng Ngọc đã đóng quầy, phóng xe đi. Để làm gì nhỉ? Ngọc cũng chẳng biết nữa. Mọi thứ để đón Thắng sang, cô đã chuẩn bị quá đầy đủ rồi. Nhưng đang ngây ngất thế này còn bụng dạ đâu mà buôn với chẳng bán. Ngọc dong xe dọc con đường men bờ sông Wisla rồi lái lòng vòng qua những con đường bạch dương quen thuộc, lòng phơi phới mường tượng có Thắng bên cạnh cùng tận hưởng cảnh mùa xuân đẹp mê hồn của xứ sở này...

Trở về căn hộ giữa trung tâm thành phố, Ngọc mở tung chiếc tủ quần áo. Com lê, sơ mi, giày mũ... tất cả đã sẵn sàng. Ngọc đã nhắc đi nhắc lại với Thắng rằng không phải mang bất kì cái gì từ trong nước sang cả, chỉ cần anh sang là quá đủ cho cô rồi...

Soi lại mình qua chiếc gương tủ, Ngọc trút bỏ hết quần áo, quay trước, quay sau, xoa xoa, vuốt vuốt vào cơ thể nuột nà của mình rồi nở một nụ cười mãn nguyện. Ngọc đã tươi da, thắm thịt, đẹp lên nhiều, chứ không phải cô gái mười bảy ngày chia tay Thắng. Ngọc chọn bộ đồ lót màu đỏ rực, bận vào, lại mỉm cười. Rồi Thắng sẽ phải bỏng mắt, chết đứ đừ bởi gam màu khêu gợi này.

Ngọc thả mình xuống chiếc đệm mới tinh, nhắm mắt lại, tận hưởng nhịp điệu vỗ về của chiếc giường lò xo. Căn phòng Ngọc vẫn trằn trọc hằng đêm nơi xứ lạnh này rồi đây sẽ là thiên đường của cô và Thắng...

*

* *

Đến bây giờ, Ngọc vẫn còn bâng lâng bởi quyết định liều lĩnh dấn thân vào con đường phiêu bạt đầy mạo hiểm hồi ấy của mình. Cũng vì Thắng, nói đúng hơn là vì tình yêu của cô và anh. Vào năm cuối phổ thông, mối tình thầm kín âm ỉ từ mấy năm học trước bỗng bùng lên, cháy bỏng, mặc cho hai gia đình luôn tìm cách ngăn cấm. Cái thứ tình yêu học trò trắng trong vụng dại nhưng cũng thật mãnh liệt, càng bị cấm càng lao vào nhau như con thiêu thân. Kết quả là cả hai đứa đều trượt đại học. Cả hai lại là con nhà gia giáo và thành đạt, nên việc trượt đại học trở thành chuyện tày trời. Hai đứa lãnh đủ những lời quở trách, cấm đoán yêu đương của người lớn. Đã thế, Ngọc và Thắng càng quyết “yêu đến chết, yêu đến trọn đời” và tìm cách thoát khỏi vòng cương tỏa của hai gia đình. Gặp được đường dây đưa người trốn sang Ba Lan, Thắng bán xe máy, Ngọc tìm cách lấy chìa khóa két của mẹ, khoắng hết tiền mặt của gia đình để bí mật ra đi. Nhưng số tiền cả hai gom góp chỉ đủ cho một người lên đường. Dùng dằng mãi, cuối cùng hai người quyết định Ngọc sẽ đi trước, vì dù sao cũng lộ tẩy là đứa ăn trộm tiền nhà, chẳng mặt mũi nào quay lại gia đình nữa. Còn Thắng ở lại chờ Ngọc kiếm tiền gửi về rồi sang sau. Vậy mà đã bảy năm trời đằng đẵng...

Có lẽ cả đời này, Ngọc cũng không sao quên được chuyến đi hãi hùng đến Ba Lan. Lúc cuốc bộ, chui lủi hàng trăm cây số, lúc ngồi nêm cứng trong những xe tải như chở lợn, rồi thì phải nằm ép xác ba người trong cốp xe con hàng giờ để tránh cảnh sát, biên phòng. Tưởng chuyến đi đã là những ngày nhục nhã, cơ cực nhất của mình, nào ngờ chuỗi ngày tiếp theo còn kinh khủng hơn. Thân gái dặm trường, thân cô thế cô, Ngọc phải nhập vào đội quân bốc vác trên chợ “Sân vận động Mười năm” để nhặt từng đồng zloty đẫm mồ hôi và nước mắt. Khổ nhất là Ngọc phải luôn dè chừng, chống đỡ với đám đàn ông “cửu vạn” trên chợ, vừa nghèo, vừa liều lại đói gái mà cô luôn phải nhờ vả, chung đụng, phải dựa vào họ để sống. Trong những ngày tủi nhục đó, Ngọc vẫn trụ được, vì cô luôn nghĩ đến Thắng, đến tình yêu của hai người.

Rồi cơ may cũng đến với Ngọc. Thấy cô chịu khó, xinh xắn, lại quá vất vả, một đại gia thương tình thuê đứng bán hàng tại một quầy may mặc ở chợ. Ngọc cũng không ngờ mình lại có duyên bán hàng đến thế. Chắc là nhờ dáng người trời cho, khuôn mặt khả ái, cô lại chịu khó chào mời xởi lởi nên khách mua rất đông. Ngọc may mắn được chủ quầy trả tiền công theo tỉ lệ doanh thu nên chẳng bao lâu, cô cũng dành dụm được kha khá. Hai năm sau, Ngọc đã mua quầy riêng và nhanh chóng hút đám khách hàng từ quầy cũ về... Làm ăn gặp vận, như diều gặp gió, Ngọc phất lên rất nhanh, trở thành cô chủ trên chợ.

Thời gian này, Ngọc như bông hoa mùa xuân, sức tươi trẻ bung ra cứ lồ lộ làm mê mẩn đám đàn ông trong khu chợ. Không biết bao nhiêu đòn tấn công của đủ loại đối tượng, khi vỗ mặt công khai, khi mưu mô, vòng vèo bí mật, vẫn chưa một lần hạ gục được Ngọc. Cô vẫn như bông hoa đẹp tưởng như dành chung cho tất cả, nhưng lại chẳng dành riêng cho một ai. Rồi những lời đồn nào là “lãnh cảm, chỉ yêu tiền”, nào “búp bê không tình yêu” xì xầm khắp nơi và tất nhiên cũng đến tai Ngọc. Mặc! Ngọc chẳng mấy quan tâm. Cô chẳng tâm sự chuyện riêng tư với ai, vì thế mọi người cũng không biết rằng Ngọc đã có nơi có chốn.

Đêm đêm, sau những giao dịch mua bán, Ngọc lại bật điện thoại để được nghe tiếng nói, hơi thở của Thắng. Ngọc thấy thương Thắng ở lại một mình, chẳng chịu thi tiếp đại học mà cứ phất phơ nay xí nghiệp này, mai công ti khác để đốt thời gian, đợi dịp sang Ba Lan với Ngọc. Ngọc gửi tiền đều cho Thắng tiêu pha, tích giữ, chờ có cơ hội là xuất ngoại. Nhưng việc vượt biên sang Ba Lan không còn dễ dàng như hồi Ngọc đi.

Chờ đợi mãi vẫn không sang được với Ngọc, Thắng đâm ra chán chường, bẳn tính, hay trốn vào các quán rượu giải sầu. Nhiều hôm, anh gào rú vào máy gọi tên Ngọc, rồi nức nở, làm trái tim Ngọc muốn nát tan. Ở xứ người, Ngọc cũng chỉ là dân lưu vong, tránh cảnh sát như tránh cọp, sao về được với anh. Nhưng Ngọc luôn đau đáu một điều, làm sao để đưa được Thắng sang.

*

* *

Trong bốn cô nhân viên bán hàng của Ngọc, có Hương “mắt nai” là trẻ nhất, xinh nhất và tháo vát có tiếng ở chợ. Sang Ba Lan sau Ngọc một năm nhưng Hương đã có thẻ định cư mà dân Việt ở đây quen gọi là thẻ xanh. Một lần, Ngọc mua chai vang rồi mời Hương đến nhà chơi để dò hỏi manh mối chạy thẻ. Có chút men, Hương mở lòng, kể là hồi mới sang, cô ta vờ yêu rồi lấy một người đàn ông Ba Lan, sau một năm lại giả vờ sinh chuyện rồi li dị. Thế là vừa có thẻ định cư, lại được họ chia ít tiền.

- Tay không bắt giặc! Tuyệt cú mèo chưa hả chị?

- Thế... thế làm vợ người ta cả năm mà vẫn... vẫn giữ...

Thấy Ngọc đỏ mặt, ấp úng hỏi không ra câu, Hương cười phá lên:

- Cái ngàn vàng chứ gì? Hi... hi... Làm gì còn mà giữ. Em vất nó cho thằng chủ đầu dây đưa người vượt biên xơi tái rồi. Sau đó, bọn mất dạy trong đường dây dẫn người sang đây xơi lại thay cho lộ phí. Bọn này phàm cực. Hi... hi… Mà vợ chồng giả nhưng mình cần người ta thật, có xơ múi tí cũng đã sao.

Thấy Ngọc mắt tròn mắt dẹt, Hương cười bả lả:

- Ô kìa! Làm gì mà tròn mắt nhìn người ta thế? Không thế, làm sao con này có mặt ở xứ này. Nhà em nghèo lắm chứ chị tưởng, không dùng vốn tự có, chúng nó vất xác em lâu rồi. Chị tưởng em sướng lắm à, tí tởn thế này nhưng kiếm được tiền đều gửi về dốc vào mấy tàu há mồm đang đói rạc ở quê cả đấy…

Hương rót thêm li vang nữa, dù đã chuếnh choáng, rồi gõ đánh “cách” vào chiếc li trên tay Ngọc.

- Thế còn chị, quăng quật mãi ở xứ này mà vẫn còn zin? Kinh! Bái phục! Bái phục! Thời đại nào rồi mà cổ lỗ thế!

Biết Hương là đứa hay đùa, thường tếu táo cho chị em cười, nhưng Ngọc không ngờ hôm nay nó lại bạo mồm thế. Thôi kệ, đó là chuyện của nó. Biết đâu, có chút men, nó chia sẻ làm vơi đi nỗi ủ ê chất chứa trong lòng. Nghe đâu, hoàn cảnh nó cũng nẫu lắm. Nghĩ vậy, Ngọc lại hỏi:

- Sao có thẻ định cư, Hương không bảo lãnh cho ai sang?

- Em làm đếch gì có tiền mà đưa ai sang. Thằng người yêu ở quê ấy hả? Mất dạy cực. Hắn hận việc em phụ hắn lấy Tây nên bỏ quê ra thành phố làm thuê rồi thành đĩ đực cho một bà chủ, có lần bị chồng bà ta phát hiện, giềng cho gãy giò. Đáng kiếp. Hì hì...

Hương lại cười bả lả, đôi mắt nai đã vẩn đỏ và rớm ướt. Thấy Ngọc im lặng xoay xoay li rượu trong tay, Hương hạ giọng:

- Hình như chị muốn có thẻ xanh hả?

Ngọc ngập ngừng:

- Phải! Mình rất cần, nhưng... nhưng không muốn làm vợ thật của người ta.

Hương lại cười:

- Ô kê đi. Chuyện nhỏ như con thỏ. Chị phải cưới một thằng Tây. Cưới giả thôi để có thẻ xanh. Sau một năm làm thủ tục li dị, cho thằng chồng Tây “đi tây” luôn, rồi làm thủ tục bảo lãnh cho người của mình sang. Tuyệt cú mèo chưa! Hi... hi... Nhưng phải mất tiền. Bọn Tây không thích cái ngàn vàng bằng tiền đâu. Hi... hi... Kìa... Uống đi, uống hết đi chị.

Ngọc hăm hở làm theo kế của Hương. Chỉ sau vài ngày nhờ người mối lái, Hương dẫn về một thằng Tây non choẹt, kém tuổi Ngọc, gầy nhom. Được cái, nếu ăn mặc chỉnh chu cũng chẳng đến nỗi nào. Vốn liếng tiếng Ba Lan của Ngọc chưa đủ xài, lại toàn tiếng bồi của dân chợ búa nên hai người cứ ấm ớ, nói mãi mà chẳng hiểu gì nhau, chỉ biết hắn tên là Ta-xếch, dân vùng ven đô. Trao qua đổi lại, rốt cuộc, Ngọc cũng hiểu được câu lặp đi lặp lại của hắn là sau vụ này, hắn được trả bao nhiêu. “Mười nghìn zloty!” Ngọc vừa nói vừa xòe hai bàn tay trước mặt hắn. Ta-xếch nheo nheo cặp mắt xanh như mắt mèo, nhìn Ngọc rồi gật đầu. Phi vụ chồng Tây diễn ra chóng vánh, cũng đủ thủ tục đăng kí, cưới xin. Xong, đường ai nấy đi, hẹn đúng một năm sau gặp lại, làm thủ tục li hôn, coi như thanh lí hợp đồng, hắn sẽ nhận tiếp ba nghìn zloty Ngọc còn gim lại.

Minh họa: Nguyễn Nghĩa Phương

Tưởng chuyện đơn giản, chỉ là thủ tục, giấy tờ. Nào ngờ thằng chồng hờ chỉ sau mấy tháng tiêu hết tiền lại mò đến ăn vạ. Thì ra, Ta-xếch là đứa hư hỏng, sớm lao vào nghiện hút, nên tiền bao nhiêu cũng không đủ. Hắn lại rất lì. Ngọc đuổi kiểu gì hắn cũng không đi, nếu như chưa nhận được ít tiền. Thôi thì gắng vậy, chịu đựng vậy, chỉ cần qua một năm là không dây mơ rễ má gì hết. Nhưng càng ngày, Ta-xếch càng làm quá, Ngọc hết chịu nổi.

Có lần, thoáng thấy bóng hắn lò dò đến, Ngọc nhờ người trông hàng hộ rồi lẻn sang quầy bên cạnh trốn. Ngỡ chờ lâu, hắn phải chuồn, nào ngờ quá giờ ăn trưa, hắn vẫn ù lì ở đó. Uất không chịu được, Ngọc nổi khùng, bao nhiêu vốn liếng tiếng Ba Lan có được, Ngọc ném chan chát vào mặt hắn với đủ ngôn từ mà sau này nghĩ lại, cô cũng phải kinh ngạc vì không ngờ mình lại có thể dữ dằn, bặm trợn đến thế. Vậy mà hắn cứ như điếc. Chờ lúc cô mệt nhoài, phải ngồi ôm đầu bất lực hắn mới lẩy rẩy đưa bàn tay ra xin tiền. Ngọc gào lên bằng tiếng Việt: Tiên sư mày, có còn chút sĩ diện, chút tự trọng nào nữa không hả? Hắn cứ đuỗn mặt, ngơ ngác nhìn Ngọc rồi lắc đầu làm cô đang giận tím mặt cũng phì cười. “Lắc cái con mẹ mày, tiền đây, lần cuối nghe chưa. Biến!” Vẫn như mọi lần, hắn cầm mấy tờ tiền lẻ, lầm bầm cảm ơn, rồi liêu xiêu bước khỏi quầy. Nhưng hắn yếu quá, hay là lên cơn nghiện, Ngọc cũng chẳng rõ nữa, loạng choạng mấy bước rồi ngã ịch xuống. Trông hắn co quắp, trợn mắt nhìn mình cầu cứu, Ngọc thấy nản. “Khổ cái thân chó mày. Chỉ giỏi núp váy đàn bà.” Ngọc vừa rủa, vừa ngao ngán nhờ mọi người cùng giúp, khiêng hắn vào nằm trên những kiện hàng cô vẫn dùng để ngả lưng. Ta-xếch cũng không có ý định nằm lâu, một lúc sau đã lẩy bẩy bò dậy. Nhưng hắn không đủ sức, lại phải ngồi xuống, rồi ôm mặt khóc rưng rức. Lại cái trò gì nữa đây? Ngọc pha cốc sữa đưa cho hắn. Ta-xếch run run đỡ lấy, nhưng không uống ngay mà chằm chằm cặp mắt xanh lè nhìn Ngọc. Cử chỉ của Ta-xếch rất lạ. Ngọc gọi thêm đồ ăn, và lần đầu tiên chung bữa với hắn. Trông hắn lúc này vừa hèn hạ, vừa tội nghiệp. Ngọc lúc này cũng đã hạ hỏa hơn, cô hỏi Ta-xếch:

- Sao mày không về quê mà sống?

Hắn lắc đầu.

- Bố mẹ mày đâu? Người thân của mày đâu? – Ngọc lại phát huy vốn liếng tiếng Ba Lan hỏi tiếp.

Hắn cũng lắc đầu.

Ăn xong, hắn mới nói. Ngọc vừa nghe vừa đoán mới hiểu. Thì ra, hắn là kẻ mồ côi, không gia đình. Anh em, họ hàng đều đã từ mặt từ ngày hắn sa vào con đường nghiện ngập.

- Thế chẳng lẽ không có ai thân thích nữa à?

Hắn lại lắc đầu buồn bã:

- Không có ai cả, chỉ có... có mình... Ngọc là còn thương Ta-xếch nữa thôi...

Hắn nghẹn ngào nấc lên. Ngọc ngán ngẩm, oán trách kẻ môi giới gán cho mình của nợ mà cô càng muốn giãy ra, hắn lại càng bập vào. Còn nửa năm nữa mới thoát được. Ngọc thầm nghĩ. Nhưng... Ngọc phát hoảng khi nghĩ đến việc lỡ hắn cù nhầy, không kí đơn để li dị như thỏa thuận thì sao. Hình như Ta-xếch đọc được ý nghĩ của Ngọc, nên lẩm bẩm rằng, hết một năm, hắn sẽ kí đơn li dị cho cô. Nhớ lấy nhé, Ngọc nhắc hắn. Chẳng hiểu sao, lòng cô bỗng nao nao.

- Thế sao không đi cai nghiện để tìm một việc làm kiếm sống?

- Muốn, nhưng khó lắm.

- Khó cũng phải làm, chứ thế này hèn lắm, nhục lắm. Biết không?

- Biết lắm. Nhưng...

Ta-xếch lại rũ xuống, thở dài thườn thượt.

- Nhưng gì? Tiền để vào trại cai nghiện phải không? Tôi sẽ giúp, đây là lần cuối cùng đấy nhé.

Ngọc bỗng hào hứng, mở hầu bao, dúi cho hắn hai ngàn zloty. Ta-xếch cảm động, ngắc ngứ nói gì đó Ngọc không hiểu được. Rồi hắn chầm chậm đi khỏi quầy. Ngọc nhìn theo Ta-xếch, thấy tồi tội… Nhưng cô nhanh chóng trở lại với thực tại. Vậy là thoát nạn. Ngọc thở phào.

Cô nhầm. Hai tháng sau, Ta-xếch lại lò dò đến. “Cái đồ mất dạy. Cái đồ lừa đảo.” Ngọc chát chúa đón hắn bằng những câu chửi thậm tệ. Nhưng lần này Ta-xếch rất tỉnh táo, còn tỏ vẻ ngượng ngùng, cứ ấp a, ấp úng. “Nếu bỏ được ma túy thật, Ngọc có... có… lấy Ta-xếch thật không?” Ngọc trợn mắt: “Điên! Mày cai được thì đỡ khổ cái thân mày chứ mắc mớ gì tao phải lấy.” Nghe vậy, mặt Ta-xếch cụp xuống, buồn thiu. Ta-xếch bảo là biết Ngọc không yêu hắn, nhưng hắn vẫn yêu cô. “Con gái quê mày chết hết rồi sao phải yêu một người xa xứ như tao?” “Con gái quê tôi nhiều nhưng ai cũng xa lánh tôi, chỉ có mình Ngọc là thương... là tốt với tôi thôi.” “Thôi thôi! Đừng có giở bài sến đó ra, con này đi guốc trong bụng rồi. Không nghe nghiện trình bày. Cứ huỵch toẹt ra, cần gì?” “Cần thêm tiền để cai.” “Biết ngay mà. Tiền. Tiền. Lại tiền. Mày là cái thùng không đáy, tiền bao nhiêu cho đủ. Hả?” Ngọc nóng mắt, muốn tống vào mặt hắn một quả đấm, may mà kìm lại được. Ngọc bỏ mặc gã chồng hờ, đi như ma đuổi khỏi quầy. Ta-xếch gọi khẩn thiết, vẫy tay rối rít, nhưng chỉ càng làm cho cô bước nhanh hơn như kẻ chạy trốn.

Khi có người báo, hắn đã chuồn xa rồi, Ngọc mới trở lại quầy. Cái gì thế này? Cô hấp tấp mở cái túi hắn bỏ lại. Tưởng hắn quên, nhưng hóa ra lại gửi cho cô. Hắn để lại hồ sơ kết hôn và đề sẵn đơn xin li dị, kí tá hẳn hoi để đến ngày tròn năm cô chỉ việc đưa ra tòa làm thủ tục. Được lắm Ta-xếch, dẫu sao mày cũng không đến nỗi! Lại gì nữa đây? Một lá thư. Trời đất, hắn viết thư tình cho cô! Ngọc cố tỉnh táo dò từng chữ. Ta-xếch cảm ơn cô đã giúp hắn trong thời gian qua, hắn bảo hắn yêu cô nhưng chỉ đến với cô khi nào cô thật sự cần hắn. Hắn xin lỗi vì làm phiền cô, và một lần nữa, xin được tha thứ vì đã “mượn” thêm ba ngàn zloty mà chưa được cô đồng ý. Hắn không còn cách nào khác. Cuối thư, hắn cầu Chúa phù hộ cho cô. Ngọc thẫn thờ, chẳng buồn đếm lại túi tiền cô quên cất xem hắn có lấy số tiền đúng như viết trong thư hay không. Tâm trạng Ngọc rối bời, ngổn ngang. Có cái gì đó gờn gợn, chơi vơi trong lòng cô...

Từ hôm đó, Ta-xếch lặn đi đâu mất tăm, không ai gặp và cũng chẳng có chút tin gì. Mãi đến ngày Ngọc xong thủ tục li hôn, làm giấy bảo lãnh cho Thắng sang, hắn vẫn bặt vô âm tín. Đôi lúc, hình ảnh Ta-xếch cũng loáng thoáng trong đầu cô, nhưng rồi nó lập tức bị lu mờ và chìm nghỉm trong bộn bề công việc, nhất là việc đón Thắng sang đã choán ngập hết thời gian và tâm trí của cô.

*

* *

Thắng sang. Ngọc toại nguyện vô cùng. Khuôn mặt cô lúc nào cũng tươi như hoa, rạng ngời hạnh phúc. Những lúc được sóng đôi bên nhau trong tiệc tùng, chỗ hội hè đông người, nhìn ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người, cô thật hãnh diện. Căn buồng nhỏ của Thắng và Ngọc luôn đầy ắp tiếng nói cười, những bữa ăn hàng ngày luôn thừa thãi đồ ăn đắt tiền, làm cho Ngọc có cảm giác như cuộc đời chẳng còn gì hơn thế.

Thắng như con chim thoát khỏi cái lồng o ép ở quê nhà, nơi gia đình và những người thân xem anh như kẻ vô tích sự, bước vào cuộc sống mới một cách hứng khởi, đầy tự tin, đến mức có lúc làm cho Ngọc phải ngạc nhiên. Thắng hòa nhập nhanh, chỉ vài tuần đã giao lưu với hầu hết bạn bè quen thuộc của Ngọc. Rồi anh muốn tổ chức lại việc kinh doanh, buôn bán, muốn cùng điều hành công việc. Ngọc chẳng còn mong gì hơn thế.

Nhưng rồi, sau những ngày hạnh phúc căng trào, cuộc tình của hai người bắt đầu thấm mệt. Và dần dần Ngọc cũng mơ hồ nhận ra, hình như mọi chuyện xảy ra không như cô tưởng. Hạnh phúc dù ngọt ngào nhưng cứ lặp đi lặp lại ngày ngày rồi bão hòa, nhàm chán chăng? Không! Vạn lần không. Yêu nhau là thế, nhớ nhung là thế, sau bảy năm trời gặp lại thì sự dâng hiến cho nhau, hết lòng vì nhau bao nhiêu cho đủ. Ngọc đã làm hết những gì có thể để Thắng vui và hạnh phúc. Nhưng còn Thắng?

Rõ ngớ ngẩn, Ngọc tự cho mình là khó tính, bỗng dưng sinh sự triết lí lằng nhằng, có được cái vẫn hằng khát khao mong đợi rồi còn đòi hỏi gì hơn. Khối kẻ phải ghen tị với cô kia mà. Thắng vẫn điển trai, thậm chí còn hào hoa hơn thủa nào. Đối với Ngọc thì lúc nào Thắng cũng ngọt ngào “em yêu của anh”, “cục cưng của anh”... nhưng không hiểu sao, Ngọc vẫn có cảm giác tình yêu của Thắng như thiêu thiếu một cái gì đó mà cô không lí giải được.

Mãi đến hôm Thắng nhận bằng lái xe, có ý muốn tậu con Mẹc đời mới để sánh với hàng các đại gia, Ngọc mới nhận ra cái “thiêu thiếu” đó ở anh. Thấy Ngọc không hào hứng “Ô kê! Anh thân yêu” như mọi lần, Thắng có vẻ không vui. Dẫu biết một con Mẹc là hơi quá tay so với hầu bao của mình, nhưng rồi Ngọc cũng lại chiều Thắng. Nhưng khi nhận xe về, Ngọc thực sự buồn vì Thắng vui quá, ngây ngất quá với chiếc xe “bọn ở nhà có nằm mơ cũng không có”, mà chẳng mảy may hỏi xem Ngọc xoay xở thêm như thế nào mới đủ tiền tậu nó. Đang lúc hàng hóa ế ẩm, chợ búa đuội dần, Ngọc thấy lo cho tương lai gia đình nhỏ. Từ ngày Thắng sang, mấy quầy hàng của Ngọc làm ăn kém hơn nhưng tiền lại tiêu như nước. Vẫn biết tình yêu, hạnh phúc lớn lao hơn “vật chất tầm thường” - như Thắng hay nói - nhưng đến lúc này, Ngọc mới nhận ra sự vô tâm của người mình yêu. Sao Thắng không một lần chia sẻ những khó khăn vất vả của Ngọc ở xứ người, phải bươn chải, vắt mồ hôi nhặt từng đồng tiền lẻ, gom góp để xây ngôi nhà hạnh phúc hôm nay. Sao anh không một lời động viên Ngọc đã vượt qua bao cạm bẫy, giữ trọn tình yêu cho anh. Cái giá của hạnh phúc hôm nay đâu có rẻ. Rồi Ngọc cũng xua đi những ý nghĩ nặng nề đó bằng cách tự nhủ rằng, có lẽ tại mình mẫn cảm quá chứ thực ra đã đến nỗi nào mà dày vò, day dứt. Lơ mơ mình lại làm đổ vỡ hạnh phúc mà bao năm tháng hoài mong.

Một lần, trong tiệc sinh nhật của Hương, chúc tụng chán rồi mấy đứa lại “buôn dưa lê” rỉ rả săm soi, cập nhật thêm những cặp bồ mới trên chợ. Đang phê phê, Thắng cũng góp chuyện rồi buông một câu: “Cũng phải thông cảm chứ. Thân cô, thế cô xứ này, ai mà chẳng thế”. Mọi người không để ý, nhưng Ngọc thấy xót xa, cảm thấy bị xúc phạm. Từ đó đến cuối bữa tiệc, Ngọc trở nên ù lì, chỉ thỉnh thoảng gượng cười với mọi người.

Không biết Thắng vô tình hay cố ý, nhưng sau đó, anh có vẻ ân hận. Như để bù đắp lại, anh hăng hái liên hệ nguồn hàng, suốt ngày dong Mẹc cùng đám nhân viên chạy hết nơi này đến nơi khác giao hàng, lấy hàng. Việc buôn bán bắt đầu nhúc nhắc, ấm dần lên. Thắng cũng mạnh bạo hơn, anh tìm nguồn hàng Tàu rất rẻ nên hàng bán ngày một chạy. Ngọc thấy vui vì sự thay đổi của Thắng. Nhưng cái buồn phiền khác lại đến. Thắng đi suốt, ban ngày là vì buôn bán đã đành, còn ban đêm là vì bù khú rượu chè, hết đám này đến đám nọ khiến Ngọc không thể im lặng.

“Buôn bán thì phải giao lưu với bạn hàng, cọ xát với thị trường, cứ ru rú ở nhà làm sao phất lên được?” Thắng nói thế khi Ngọc nhắc nhở. Sợ Thắng quá đà, lại lái xe về khi say xỉn, nên Ngọc cố theo sát anh trong những cuộc nhậu. Cô cũng biết sự có mặt của mình là vô duyên, làm cánh đàn ông khó chịu nhưng có chồng phải giữ, Ngọc quyết như vậy. Có lẽ không nỗi cực hình nào hơn khi phải chứng kiến cảnh rượu chè của cánh đàn ông. Lúc đầu đám nhậu còn ý tứ vì sự có mặt của Ngọc, sau thì tất cả chỉ là “cái đinh”. Khi đã ngập ngụa trong men say thì chẳng thiếu điều gì họ không đem ra “khoe”, có những cái bậy kinh khủng, làm Ngọc nóng ran cả mặt. Theo mãi cũng mệt, lại còn bị chỉ trích là “cảnh sát của chồng”, Ngọc đành ở nhà, để mặc Thắng. Một đêm, chờ lâu sốt ruột, điện thoại chẳng thèm nghe, Ngọc lại đến. Cả hội nhậu đang say sưa bù khú, nên Ngọc ngồi chờ gần đấy cũng chẳng ai biết. Hóa ra Thắng cũng chẳng vừa. Thắng đang lè nhè, tiếng méo xẹo khoe chiến tích hảo hán khi có lần ở bar chết tiệt nào đó, anh ta chơi hết “con chi vát 21”, vẫn sung sức quần cả đêm với “con 18” xịn. Khiếp quá. Ngọc rùng mình. Chai chivas 21 là hai trăm đô, chai 18 là... Nhưng rồi Ngọc ớn người khi đoán ra “con 18” không phải là rượu mà là con đĩ non nào đó. Đổ đốn đến thế là cùng! Ngọc vừa uất, vừa xót cho những đồng tiền chắt bóp gửi về để Thắng ném vào những trò trác táng, thế mà lúc nào gọi sang cũng gào lên anh đang “viêm màng túi”... Giữ sĩ diện cho chồng, Ngọc không ầm ĩ ở đó nhưng về nhà cô không tiếc lời chì chiết. Thắng không vì thế mà bớt tụ tập rượu chè. Hôm nào Ngọc làm quá, anh ta ở nhà thì còn đáng sợ hơn, Thắng ngồi nhậu một mình, lảm nhảm một mình như nói chuyện với ma rồi lên giường bắt Ngọc chịu trận trong mùi rượu nồng nặc pha lẫn mùi thuốc lá phát lợm. Chẳng nhẽ hạnh phúc cứ nhầy nhụa thế này sao? Ngọc buồn rũ, đêm khóc nhiều hơn ngủ, ngày vật vờ như kẻ mất hồn. Rồi chiến tranh lạnh giữa hai người làm cho cô suy sụp, hốc hác, người rạc đi như già hơn chục tuổi. Không khí trong nhà nặng nề. Thắng xuống nước trước, anh chủ động “xin được tha thứ” rồi tỏ ra hối cải, ít quán xá hơn, lại luôn tỏ ra chiều chuộng, chăm sóc vợ. Bản thân Ngọc cũng trấn tĩnh lại, cô cho là mình khó tính, nghiêm khắc với Thắng quá. Dẫu sao, chuyện chơi bời gái gú của Thắng cũng chỉ là thói hư tật xấu của đàn ông đang cô đơn, xa người yêu, chứ anh đâu phản bội cô. Ngọc tin mình vẫn là người phụ nữ duy nhất của Thắng. Cuộc sống hai người lại trở về ấm êm, dẫu không còn mặn nồng như trước.

*

* *

Một buổi chiều, Thắng và Hương đang đi giao hàng, thì bất ngờ mấy chiếc xe “TIR” cùng đội an ninh Ba Lan ập đến. Chỉ trong nháy mắt, họ chặn bịt hai đầu ra vào dãy hàng bán buôn rồi sùng sục xông vào các quầy hàng để kiểm tra giấy tờ tùy thân và hàng hóa. Ngọc có thẻ xanh rồi, không sợ, còn mấy nhân viên khác của cô phải chạy trốn để khỏi bị bắt. Nhưng đến khi cảnh sát bắt cô trình chứng từ nguồn gốc hàng hóa, Ngọc mới ngã ngửa người vì Thắng nhập về toàn hàng nhái, hàng lậu không chứng từ. Ngọc chết lặng nhìn đội an ninh hùng hục khuân các kiện hàng của mình vất chồng chất lên xe. Là chủ hàng, Ngọc cũng bị áp giải về đồn cảnh sát. Chuyện bắt bớ, thu hàng mấy năm trước đây, khi chưa có thẻ xanh, Ngọc đã nếm đủ, chẳng lạ gì. Nhưng dịp này, đang vực lại không khí gia đình, lại thấy trong người lúc nào cũng ngai ngái khó chịu, nên rất oải. Ngọc gọi điện cho Thắng. Anh bảo cứ yên tâm, rồi sẽ tìm cách đón em ra ngay. Còn kho bãi, hàng hóa, gom tiền các đại lí về, thì khỏi lo, anh cũng quen rồi. Âu cũng may, Ngọc tự an ủi, nếu kì này không có Thắng chẳng biết sẽ ra sao.

Ngọc bị tạm giam cùng với gần chục người gốc Việt và Thổ, chờ cảnh sát và tòa án xem xét. Lần này có vẻ căng, vì Ba Lan đã vào EU, nên họ đang ráo riết chống hàng lậu, hàng nhái. Gọi là bị giam, nhưng chẳng đến nỗi nào, ngoài những lúc phải làm việc với người của tòa án, với cảnh sát, còn lại cứ việc ăn no, ngủ kĩ. Mấy ngày đầu, Thắng thường xuyên điện thoại, an ủi động viên Ngọc, nhưng sau cứ thưa dần. Thì anh cũng đang bận tối mắt vì cả một núi công việc giờ này phải một mình gánh vác. Ngọc tự trấn an mình. Được hai tuần sau, Ngọc thấy người nôn nao, rất khó chịu, suốt ngày ói mửa, người ta bèn đưa cô đến bệnh viện. Ngọc cũng mơ hồ nhận ra mình đang có bầu, nhưng khi nghe bác sĩ thông báo thai nhi đã được hơn hai tháng, cô mừng phát khóc. Và theo đó Ngọc sẽ được thả theo chính sách nhân đạo của pháp luật sở tại. Ngọc điện thoại báo tin mừng cho Thắng. Đầu máy bên kia, giọng Thắng ấp a, ấp úng. Kết thúc cuộc gọi Thắng hỏi:

- Bao giờ được thả, để anh đến đón em?

- Họ bảo là sáng mai anh ạ.

- Ô kê. Em cứ chờ anh ở cổng đồn cảnh sát nhé.

Đêm đó, Ngọc không tài nào chợp mắt. Hình ảnh hai vợ chồng bên đứa con xinh đẹp như các thiên thần trong tranh cứ chập chờn trong đầu cô. Hôm sau, hẹn đón mười giờ sáng mà Ngọc chờ đến giữa trưa cũng không thấy Thắng đâu. Điện thoại lần nào cũng chỉ nghe tiếng “tò tí te”, không liên hệ được. Chắc là có chuyện rồi. Đang mùa lất phất tuyết rơi, đường trơn, liệu Thắng có sao không? Cô điện cho Hương, cũng bị tắt máy. Chắc là tai nạn ô tô rồi. Ngọc thấy lòng dạ như lửa đốt, cô thuê taxi về thẳng chợ.

Từ xa, Ngọc không nhận ra hai quầy hàng của mình, cách bày biện, băng rôn quảng cáo khác lắm. Nghĩ là Thắng cho chỉnh trang lại, nhưng sao thế này… Đến gần, Ngọc cứ ngỡ mình đi nhầm, vì hai quầy hàng của cô đã chuyển sang kinh doanh hàng mĩ nghệ, chủ và khách đa phần người Thổ và dân bản địa. Thắng và Hương cũng không thấy, mấy nhân viên khác cũng không có ai. Đến khi mấy người bán hàng bên cạnh cho biết, Thắng đã bán hai quầy hàng cho một thương gia Thổ từ tuần trước và không thấy trở lại đây nữa thì Ngọc chới với, đất dưới chân cô như sụp đổ.

Dẫu nhận ra sự thật tàn nhẫn, nhưng Ngọc vẫn không thể tin là Thắng có thể làm thế. Lại còn Hương, người được Ngọc cưu mang, chiều như em gái. Vậy mà... Thảo nào mà gần đây, hai người hay cùng đi nhận hàng, giao hàng. Ngọc chỉ nghĩ vì họ có thẻ xanh, đi chở hàng cho an toàn, lỡ cảnh sát hỏi, chứ đâu ngờ… Như lên cơn sốt, Ngọc gọi taxi về nhà. Căn hộ vẫn còn, khóa vẫn chưa bị thay, nhưng trong nhà bừa bộn, đồ đạc bị xới tung như vừa bị cướp. Hộp nữ trang cũng bị cạy tung. Đồ trang sức và mấy nghìn đô Ngọc giấu phòng thân cũng không còn. Giấy mua căn hộ mang tên cô bị vứt lẫn trong đống rác.

Ngọc nằm vật trên chiếc gường bừa bộn, mắt mở to, nhìn thao láo như kẻ vô hồn. Đau quá khả năng chịu đựng làm Ngọc trở nên lì. Cô cứ nằm vậy không biết bao lâu. Có tiếng gõ cửa một hồi Ngọc mới biết. Mấy cô nhân viên bán hàng của Ngọc chạy ào vào, nức nở:

- Thật không ngờ chị ơi. Bọn em cũng bị lừa. Anh Thắng bảo là chị bị bắt vì nghi phạm chuyện hình sự gì đó nghiêm trọng lắm, nên anh ấy phải bán quầy thu gom tiền để lo chạy tội, nhưng là chuyện an ninh, phải giữ kín. Về sau, bọn em phát hiện ra anh Thắng và con Hương đã bán tống, bán tháo những gì có thể để trốn đi nước nào đó, lúc biết thì đã muộn... Chắc bây giờ hai kẻ đó đã cao chạy xa bay rồi...

- Làm sao bây giờ hả chị? Báo cảnh sát chị nhé?

Ngọc thẫn thờ:

- Đừng. Có ích gì. Chỉ tổ mất thêm tiền và chuốc thêm họa vào thân...

Lúc này nước mắt Ngọc mới trào ra. Cô thốt lên:

- Đời lại về “mo” rồi các em ơi...

- Còn người là còn cơ hội... Chị đừng làm gì dại dột nhé.

Ngọc lắc đầu cười như mếu:

- Không đâu, các em yên tâm vì chị còn cái này… - Ngọc nói rồi xoa xoa vào bụng.

- À... Bọn em cũng lơ mơ đoán từ hôm chị chưa bị bắt cơ, nhưng không dám hỏi. Con Hương còn đùa rất ác, hỏi đố chúng mày biết là con ai. Con ấy bề ngoài thì nhí nhảnh nhưng lòng dạ gian tà. Có lần bọn em thấy anh Thắng với nó làm chuyện bậy bạ trong xe, nhưng sợ chị buồn em không dám nói... Hóa ra, hai người có âm mưu từ trước mà chẳng ai hay... Nhưng bọn em biết mà không nỡ nói đã đành, còn chị…

Người ta hỏi Ngọc, Ngọc biết hỏi ai. Có phải vì Ngọc yêu quá, khát khao mong mỏi quá mà hóa mù hay không? Bảy năm trời xa nhau, bao nhiêu chuyện có thể đổi thay, huống chi lòng người. Vậy mà mày cứ nghĩ nó lung linh như thủa nào. Rõ chán. Ngọc đành bán căn hộ đang ở, thuê tạm chỗ rẻ tiền gần chợ để nương thân, dùng số tiền còn lại chung với mấy chị em nhân viên cũ, mua quầy hàng bán lẻ... Khổ nỗi, quầy hàng mới ở góc vắng, làm ăn ngày một bí bét, lời lãi chẳng đủ nộp thuế nên mấy chị em đành bán quầy với giá bèo, chia nhau tiền rồi lưu tán mỗi người một phương kiếm sống.

*

* *

Số tiền còm cõi tằn tiện lắm cũng chỉ đủ đến khi Ngọc trở dạ. Trước khi đến viện sản, Ngọc đành đem hai chiếc nhẫn giấu sâu trong túi quần đi bán lấy tiền sinh nở. Cầm hai chiếc nhẫn mà lòng Ngọc đắng ngắt. Trớ trêu thay, hai chiếc nhẫn cưới đều do chính cô mua đưa cho hai người đàn ông để họ trao cho cô trong ngày đính hôn. Chiếc của Ta-xếch có một chỉ vàng, gọi là đủ thủ tục, chẳng đáng nghĩ ngợi nhiều. Còn chiếc của Thắng có gắn kim cương với giá năm nghìn zloty, cô và anh ta đã phải lượn khắp Thủ đô Ba Lan mới tìm được. Chiếc nhẫn này không rời ngón tay Ngọc cho đến ngày anh ta phản bội. Thực lòng, Ngọc cũng định giữ mãi hai chiếc nhẫn này, coi như kỉ niệm chua xót của hai lần cưới. Nhưng đang tình cảnh bi đát, cô đành đem bán.

Đến cửa hàng, Ngọc lại đắn đo rồi chỉ bán chiếc nhẫn một chỉ, còn chiếc nhẫn kim cương cô giấu vào túi, để dành phòng lúc bí bách đường cùng. Nhưng ở bệnh viện, bác sĩ bắt mặc đồ sản phụ, Ngọc sợ mất, lại đeo nó vào tay.
Ngọc sinh con trai, giống Thắng như đúc. Nhìn con, lòng Ngọc như được sưởi ấm, thầm nguyện sẽ một mình nuôi nó lớn khôn, không bao giờ vương vấn đến người đàn ông nào nữa. Hai đời chồng, dẫu thật, dẫu giả cũng đã quá đủ cho Ngọc hiểu thế giới đàn ông như thế nào rồi. Lòng nhủ lòng là thế, nhưng sao Ngọc vẫn thấy tủi thân. Nhìn cảnh tặng hoa, chiều chuộng, nũng nịu của những cặp vợ chồng mới sinh con trong viện, Ngọc chạnh lòng, thấy cô đơn vô cùng. Ngọc bỗng thèm khát một lời chúc mừng, một bông hoa ai tặng đến thế. Thì ra, đứa con cũng không phải là tất cả, dẫu yêu đến đâu cũng không khỏa lấp được nỗi trống vắng, cô quạnh khi thiếu một bờ vai...
Ngọc đang thiu thiu ngủ, thì có tiếng chân rất khẽ bước lại gần giường. Lại cả mùi hoa thoang thoảng theo vào. Ai đến với ai nhỉ? Ngọc từ từ quay mặt lại. Thoạt đầu, cô không nhận ra người đàn ông đang ôm hoa đứng cạnh giường mình. Nhưng khi người đó nói tiếng Ba Lan: “Chúc mừng cô đã có con” thì cô nhận ra ngay là Ta-xếch. Anh ta khác quá, com lê lịch lãm, da dẻ rám hồng, cứ như mới lột xác. Ta-xếch đặt bó hoa lên chiếc bàn nhỏ rồi đứng cạnh giường Ngọc.
- Cô có được khỏe không? Em bé có ngoan không?
Ngọc vẫn như bị thôi miên, chẳng có phản ứng gì để trả lời anh ta.
- Ngọc đừng có sợ tôi nữa... Tôi đã khác trước rồi. Tôi đến trả số tiền vay Ngọc để đi cai nghiện.
Ta-xếch nói rồi rút trong túi ra phong bì dày cộp, đặt lên đầu giường cô.
- Sao Ngọc không nói gì mà cứ nhìn tôi thế? - Ta-xếch lại hỏi.
- Sao anh biết tôi ở đây? - Ngọc bỗng hỏi trong vô thức.
- Tôi phải hỏi nhiều người. Tôi còn biết là chồng Ngọc đã bỏ đi. Tôi rất vui...
- Sao lại thế? Anh mong tôi bất hạnh à?
Ta-xếch vội khua khua tay:
- Lạy Chúa tôi! Không phải... Tôi vui vì có cơ hội cầu hôn thật với Ngọc.
Trời đất! Ngọc có nghe nhầm không đây. Sao có người thật đến kì cục vậy chứ. Nhìn cung cách vừa trịnh trọng vừa vụng về của Ta-xếch, Ngọc bất giác mỉm cười, một nụ cười rất hiếm hoi dành cho anh ta.
Thấy Ngọc chống tay định ngồi dậy, Ta-xếch đỡ cô lên, lấy gối lót để Ngọc tựa vào thành giường. Một cảm giác râm ran từ đôi bàn tay anh ta lan chạy khắp người cô. Từ ngày gặp Ta-xếch, đây là lần đầu tiên Ngọc có cảm giác ấy, dù cô vừa sinh nở. Cô chỉ chiếc ghế nhỏ ở góc phòng, mời Ta-xếch ngồi. Ta-xếch bước lại cầm chiếc ghế đặt cạnh giường Ngọc ngồi xuống, mặt vẫn căng thẳng, định nói gì lại thôi.
- Anh làm tôi bất ngờ... Anh đã thay đổi hẳn. Tôi mừng cho anh.
Nghe Ngọc nói vậy, mặt Ta-xếch tươi hẳn:
- Là nhờ Ngọc đấy. Có Chúa chứng giám, tôi đã thú tội với Người và cầu Người cho tôi... tôi...
Ta-xếch vừa nói, vừa lóng ngóng đưa tay vào túi áo com lê. Nhìn hình cồm cộm trong túi áo Ta-xếch, Ngọc giật mình đoán ra anh định làm gì. Bất giác, cô sợ run người.
- Tôi... tôi... muốn...
Ta-xếch đang ấp úng thì các bác sĩ vào để làm thuốc. Anh vội đứng dậy, cất ghế về chỗ cũ. Trước khi ra khỏi phòng, Ta-xếch nói với Ngọc:
- Tôi biết là ngày mai mẹ con Ngọc xuất viện. Mai tôi sẽ đến đón... Hãy đợi tôi...
Ta-xếch trở nên hoạt bát, anh chào bác sĩ và mẹ con Ngọc ra về. Thằng bé bỗng khóc oe oe. Ngọc bế con lên, nựng cho nó nín. Ta-xếch quay lại, xin phép Ngọc thơm thằng bé.
- Ôi thiên thần... đấng sinh linh của Chúa mới tuyệt vời làm sao... – Ta-xếch thốt lên khe khẽ, nhìn lướt nhanh qua khuôn mặt của Ngọc rồi cúi xuống thơm nhẹ lên bàn tay xinh xắn của thằng bé. Lúc Ta-xếch ngẩng đầu lên, Ngọc thấy cặp mắt xanh lam của anh như đang say, lảng bảng khói sương bỗng dại đi khi chợt bắt gặp chiếc nhẫn kim cương trên ngón tay Ngọc. Cô bỗng thấy bối rối.
Còn lại hai mẹ con, Ngọc thần người với ngổn ngang suy nghĩ. Ngày mai Ta-xếch đến, cô nên xử sự ra sao đây? Nhưng nhỡ anh không đến thì sao? Lời đề nghị của Ta-xếch, Ngọc chẳng ra từ chối nhưng cũng chẳng ra đồng ý. Lại còn cái nhẫn kim cương trên ngón tay nữa… Không! Ta-xếch sẽ đến. Nhất định Ta-xếch sẽ đến. Ngọc tin như vậy. Nhưng rồi Ngọc vẫn thấp thỏm không yên. Chưa bao giờ Ngọc thấy một ngày dài như thế...

9/2014
T.C.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)