.TRỊNH SƠN
Năm Dũng bặm môi, ráng hết sức ghì sợi dây thừng nối đầu ghe qua cây cọc cừ. Mồ hôi rịn ra mặc gió biển phần phật từng đợt. Càng rướn người lên, cảm giác chiếc ghe càng thêm lì lợm, muốn níu lấy con sóng, không chịu vào bãi. Nước đang xuống.
Khi chiếc ghe còn dưới nước, Năm Dũng là Yết Kiêu, vẫy vùng lèo lái ngót ngọt như người nhái. Nhưng lên bờ, Năm Dũng rành rành là một gã lùn hụt hơi. Hai chân cụt lỏn sát bẹn. Lết từng chút như con ếch què. Hai cánh tay gân guốc chống xuống đất, lấy đà nhoài phần thân thể tới trước. Nhìn kĩ, ai cũng biết sức vóc này từng khỏe mạnh lắm. Nếu biển không có bờ, người ta chỉ phải bơi lội lặn ngụp mà không lo phải cập bến, phải đi đứng chào hỏi nghiêm ngắn, có lẽ Năm Dũng chấp hết.
- Thôi, ráng làm gì nữa! Để đó lát má làm cho.
Bà Nghĩa ngồi trên bãi nói vọng xuống. Đang dát từng lát bánh lên phên cho kịp nắng, nhưng bà không thể không thấy từng cái gồng mình của thằng con. Nó như dấu chấm than còng queo thiếu thốn của cây bút trời vẽ dưới bóng nắng nguệch ngoạc.
- Má lo bánh trái đi. Việc con, con lo.
Năm Dũng trỏng không. Sóng rì rào đánh tan hơi quàu quạu gắt gỏng trong từng tiếng khàn khàn.
- Con cứ ráng rồi sinh bịnh ra, nằm đó, ai lo?
- Mặc kệ con - Năm Dũng xị mặt.
Bà Nghĩa giả lơ không dòm thằng con nữa, quay lại với thúng bánh. Xứ Long Đàng này, bánh là thánh! Hết bánh hỏi, bánh cuốn tới bánh bèo, bánh tráng, bánh khọt. Rẻo đất chật vật giữa Cấp với Lagi, chồm hổm dựa núi, như con cóc trong hang thò đầu ra biển. Đồng ruộng chen từng vạt rừng cho lúa gạo xay ra thứ bột nhuyễn mịn thơm lừng. Biển sát bên muốn cá có cá cần tôm có tôm. Mấy đời nhà bà Nghĩa, bánh tráng nức tiếng một vùng. Làm không chỉ để giỗ quẩy tết tiệc, mà đã thành kế sinh nhai. Thương lái hàng tuần ghé lấy đem bán tuốt Sài Gòn, Đồng Nai hoặc dọc dài Bình Thuận, Phan Rang. Chinh chiến loạn lạc không ngăn được nhu cầu hưởng thụ món ngon vật lạ của con người ta.
Năm Dũng vẫn hì hụi với sợi dây thừng, chiếc ghe và cái cọc. Tưởng sắp xong thì con sóng trêu ngươi nhảy xổm tới. Toi công. Năm Dũng ngã người, thở dốc. Tàn phế gì mà ác nghiệt, ngay cả muốn ngã người nằm ngửa ra cũng khó. Phải lật nghiêng một bên, khuỵu cùi chỏ thả người xuống. Cát màu xám tro. Cả vùng này, không có bãi cát nào vàng rượm như ở Phan Thiết hay Vũng Tàu, Long Hải sát nách. Quầng xám đậm quầng đen xịt đan nhau dẫn xuống mặt nước vàng đục. Tưởng như biển không có cát. Tưởng như đất đỏ tham lam thò chân tận mép biển. Cừ tràm đổ bóng chồng lên nhau.
Trên bãi, bà Nghĩa và mấy người đàn bà loay hoay với từng thúng bánh. Những người đàn bà da đen hơn cả đàn ông, không vá lưới, đan sọt, mổ cá thì làm bánh. Thắm đang khòm lưng gùi thúng bánh mới ra cho mẹ chồng phơi. Mồ hôi anh ánh trên nước da hồng. Không thèm quệt. Mỗi cử chỉ của cô con dâu đều lọt thỏm trong tầm mắt bà Nghĩa lẫn cô bác chị em nhà chồng. Về xứ biển nắng gió Long Đàng ba năm, da dẻ Thắm vẫn giữ nguyên nét au au tươi tắn như tiểu thư chốn thị thành.
Chưa kịp đặt thúng bánh xuống, Thắm đã nghe tiếng bà Nghĩa tớp vào tai:
- Mày làm gì trong xóm mà lâu vậy? Cứ lớ xớ với đám trai lơ, mai mốt thằng Sáu Lộc về, nó băm ra ném cho cá ăn thì đừng khóc nghe chưa?
Một giọng khác lảnh lót xen vào:
- Ô kìa ai như cô Thắm, trông ngẩn ngơ đám trai làng ta…(*) Cô Thắm đâu thèm lớ xớ với ai. Chỉ có người ta lớ xớ với cô thôi chớ...
Bà Nghĩa thấy sóng lời chực tràn bờ, vội dập trận võ mồm của đám đàn bà miệt biển:
- Ở đó mà nhiều chuyện. Lo phơi cho xong đi. Nắng đứng đầu rồi.
Quay qua Thắm, bà hạ giọng:
- Mày xuống coi thằng Năm Dũng sao? Đưa anh về rồi lo cơm nước đi, má cố xong chỗ bánh này rồi về.
Thắm cười mỉm, nghiêng nón lá bước đi. Lúc mới về làm dâu xóm chài, Thắm ức muốn chết. Cưới được mấy hôm, chồng hết phép, đi biệt. Đang xập xình váy áo đô hội tự dưng lạc giữa xứ sở quanh năm suốt tháng hăng hắc mùi mắm muối và những lời cay nghiệt. Nhưng, riết rồi quen. Riết rồi nhận ra con người ở đây là vậy. Cái miệng không diễn cái lòng. Có lẽ do xa xôi phố xá, không có trò giải trí nào khác ngoài việc uốn ba tấc lưỡi chòng ghẹo nhau để vực dậy một lũ tâm hồn già nua, yên phận, chai lì. Người ta thích mổ xẻ nỗi niềm nhau như mổ ruột cá. Người ta làm mọi cách, kể cả chửi bới, sỉ vả độc địa, chỉ cần tạo ra tiếng người giữa chập chùng rào rạt tiếng sóng khua rừng hoang.
Ở đây, ba bề rừng già ôm lấy cái xóm nhỏ trẽn trơ hơn chục nóc nhà hướng ra biển. Lâu lâu mới nghe tiếng đạn cắc cụp xa xa. Không có tiếng đạn bom, chắc không ai thèm biết bên ngoài cánh rừng ngăn Long Đàng với thị trấn tấp nập ngoài kia đang có một cuộc chiến. Thi thoảng, trực thăng quần rú trên đầu rồi ném một cái ầm xuống biển. Cá tôm ngửa bụng dạt vào bờ. Đàn bà con nít thi nhau vớt. Nhiều đến nỗi không có chỗ phơi. Không đủ lu vại làm mắm nữa. Phải đào gốc cây chôn xuống cho đỡ nghe mùi ươn.
Cách Sài Gòn chừng hơn trăm cây số, nhưng Long Đàng là một thế giới khác. Không vô tuyến, không máy hát, không điện đèn. Nghĩ lại, Thắm vẫn chưa thể tưởng tượng làm sao mình có thể nhảy phắt từ đô thành sặc sỡ phồn hoa về chốn khỉ ho cò gáy này. Tốt nghiệp trung học đệ nhị cấp, trong lễ bế giảng, Thắm gặp Sáu Lộc. Hội úy lạo chiến binh Sài thành tổ chức chương trình giao lưu lính trận với học sinh sinh viên. Thắm là hoa khôi, áo dài tha thướt, không cần phấn son môi má cũng phớt hồng. Sáu Lộc được tuyên dương vì những chiến tích đạt được trong mùa hè đỏ lửa năm trước. Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên. Sáu Lộc tặng Thắm vỏ đạn có khắc hai chữ Hồng Nhan gói trong chiếc túi nhỏ may bằng vải pông-xô. Ba tháng sau, Thắm về Long Đàng.
Nhưng…
Đó là một đám cưới khủng khiếp. Một vết cắt cứa sắc lẹm trong ký ức Thắm. Kèn dong trống rượt. Rượu quê đổ ngập những khuôn mặt đàn bà đàn ông kể cả đám con nít đen nhẻm. Thắm chưa kịp làm quen hết từng ánh mắt ràn rạt nhà chồng thì nghe một tiếng nổ long trời dội tới từ phía biển. Rồi một loạt nổ inh tai liên tiếp. Bà con cô bác đứng hình, ngơ ngác. Đại úy Sáu Lộc xốc lại bộ quân phục, ra lệnh cho đám lính đang tham gia tiệc cưới vào vị trí. Tiếng xì xào không ngớt.
- Cộng sản lộng hành quá! Cưới hỏi cũng không được yên.
- Thời loạn mà. Chỉ có người chết may ra được yên.
Sáu Lộc dẫn thuộc cấp ra biển, phía có cột khói xám xịt cao ngất cuồn cuộn đang bốc lên khét lẹt. Thắm hớt hải chạy theo chồng. Viên đại úy đang bốc men tơ hồng, bị lôi khỏi chúc tụng, lăm lăm súng ngắn giày sô nhoay nhoáy lao tìm kẻ phá đám. Cả xóm đi theo...
*
* *
Đó cũng là một đám cưới bi thương và tang tóc đối với bà Nghĩa.
Ngay từ mấy ngày trước bà đã linh cảm có chuyện chẳng lành. Từ đầu buổi rước dâu, bà cố ý tìm thằng con trai đầu là Năm Dũng nhưng không thấy. Ông Nghĩa hối hấp vừa xong lễ cũng mất biến. Cha con nhà này vốn bất hòa âm ỉ. Mâu thuẫn căng như dây đàn từ dạo thằng Sáu Lộc vô lính rồi đi sĩ quan. Bà Nghĩa mang máng biết chồng và thằng con lớn hình như có tắt mắt qua lại với quân giải phóng nhưng chưa muốn truy đến cùng. Xứ này, địch không thèm mà ta cũng chẳng màng. Cái xóm nham nhở giữa vùng oanh tạc tự do. Có mấy lần, bà Nghĩa thấy chồng và thằng Năm Dũng nửa đêm lội ra bãi, pha đèn. Tiếng ghe nổ máy xình xịch. Bà có hỏi, ông Nghĩa chặn ngang:
- Cha con tui tính chuyện “ăn hàng” của mấy cái tàu hậu cần ngoài biển kìa. Thuốc lá, vải vóc, nước hoa, mấy món hàng dân Sài Gòn chuộng. Chớ đâu ngu mà chui lủi vào chiến tranh như thằng Sáu Lộc. Cái giống gì mà ngu dữ vậy chứ! An lành không muốn, lại ham máu đổ đầu rơi làm chi.
Bà Nghĩa quay ra nói đỡ cho con:
- Thì nó rớt trường Y đành thi trường lính, chứ ham hố gì. Ông không thấy, nhờ có nó mà gia đình mình và cả cái xóm này không bị đám chính quyền thị trấn tới hạnh họe sao? Nó lãnh lương người ta, phải công cán cho người ta. Ăn cây nào rào cây nấy. Không cầm súng, không đổ máu, không có công trạng liệu có được yên thân?
Ông Nghĩa thở dài cái thượt. Thằng Năm Dũng con ông sức dài vai rộng, nổi tiếng ngang tàng, võ nghệ đầy mình, thế mà không chịu đi lính quốc gia, ngược lại, sẵn lòng làm mọi việc mà mấy cô mấy chú trên núi nhờ vả. Ông có thiện cảm với “phía bên kia” thì đã đành, vì có lần ông đi biển bị lạc, chết hụt, may nhờ họ cứu, rồi thỉnh thoảng họ cho người về nhờ việc này, việc nọ, ông không nỡ chối từ. Còn thằng Năm Dũng, đi với ông vài lần, nó có vẻ thích vọt lên núi theo người ta, chắc tại mê cái cô giao liên tên Nhàn? Cha con ông chỉ biết đi biển kiếm con cá con tôm, làm ăn chân chất, hiểu cóc khô “cách mạng” với “quốc gia” là gì đâu, chẳng qua gặp ân tình thì lấy ân tình ra mà đối đãi thôi.
Ông bà Nghĩa đẻ một bầy vịt trời, may sao có hai mụn con trai khí phách hơn người. Đêm trước hôm thằng Sáu Lộc tình nguyện vào lính quốc gia, bà Nghĩa làm mâm cơm cúng tổ tiên. “Mày quyết chí muốn cầm súng bắn nhau hả?” - Năm Dũng ngà ngà hơi rượu, trừng mắt hỏi thằng em.
- Trai thời loạn không mặc áo lính sao bảo vệ được gia đình? - Sáu Lộc rắn rỏi trả miếng.
Năm Dũng vặn:
- Nhưng mà dân tình ghét lính quốc gia lắm. Trai tráng tới tuổi, thằng nào cũng tìm cách trốn lính, mày lại tự nguyện chui vô đó làm gì?
Sáu Lộc gằn giọng:
- Việc tui để tui lo, anh cứ ở nhà đi biển với cha, đừng nói nữa được không?
- Mày đã nói vậy tức là không còn coi tao là anh nữa, tao ngồi đây ích gì - Năm Dũng bỏ mâm cơm, đứng dậy đi ra phía biển, cả đêm không về.
Ông Nghĩa cũng buông đũa bỏ ra ngoài. Bà Nghĩa bó gối nhìn thằng con trai nhỏ gói ghém quần áo. Sáng sớm, Sáu Lộc tính lẻn đi không cho ai hay. Nhưng bà Nghĩa thức trắng đêm, đứng chặn cửa. Bà nói với Sáu Lộc:
- Thằng Năm Dũng cộc cằn, nóng nảy. Con đừng buồn anh nghe không!
Sáu Lộc nhìn thẳng vào mắt mẹ, nói:
- Má để ý cha với anh Năm. Theo phe nào cũng được, miễn là đừng để thiệt thân. Con dám thề, thằng Sáu Lộc xứ Long Đàng có lên vương lên tướng cho bất cứ phe nào cũng không làm tổn hại anh em máu mủ ruột thịt nhà mình đâu.
Sáu Lộc thông minh, lanh lẹ, từ lính cần vụ tìm đường vô trường hạ sĩ quan, rồi học chưa đầy khóa, gặp lúc chiến sự giằng co, lại tình nguyện ra mặt trận để sớm đeo lon thiếu úy. Bạc mặt ở Hạ Lào. Tình nguyện giữ Quảng Trị, báo tử mấy lần, vẫn sống. Lên sao ào ào.
Rồi đòi làm đám cưới với Thắm.
Nhưng đám cưới đã hóa thành đám tang. Từ nhà lao ra biển, bà Nghĩa chỉ kịp ú ớ rồi quỵ xuống mép sóng. Mùi thuốc súng khét lẹt. Khói ụn từng cụm thoang thoảng mặt nước. Xác ván nát lung tung. Năm Dũng lật ngửa như cá chết. Máu đỏ một vùng. Sáu Lộc lao xuống biển vớt Năm Dũng lên.
- Cha đâu? - Sáu Lộc hét.
Năm Dũng ngậm tăm. Sức đâu mà mở miệng nữa. Răng hàm trên hút hàm dưới. Má tóp lại. Tím tái.
- Ông già mắc dịch đâu? - Sáu Lộc gào như điên.
Biển không trả lời thì ai trả lời? Chiến tranh đã ngậm tăm thin thít thì cái gì còn dám lên tiếng? Thắm mặc nguyên bộ áo dài khăn voan trắng xắn quần phụ hàng xóm ôm Năm Dũng về nhà. Người anh chồng lần đầu tiên biết mặt đang thập tử nhất sinh. Một chân mất trắng. Một chân còn lủng lẳng bên mình. Bà Nghĩa với mấy đứa con gái chèo thúng nhặt từng manh vải lều bều trên biển.
Tin tình báo đã về trước đám cưới, rằng hôm nay, ngay trong ngày đám cưới đại úy Sáu Lộc, sẽ có chuyến hàng “son” về Long Đàng. Cộng Sản đang đói vũ khí. Mượn cơ hội viên sỹ quan người địa phương có tiệc vui lôi kéo cả bộ sậu lính tráng ăn nhậu lơ là kiểm soát, sẽ “thả hàng”. Tin tình báo cũng nói rõ, “người đưa đò” không xa lạ, mà là “người nhà”.
Hàng tan tành, “người đưa đò” chết sạch, kẻ duy nhất còn sống cũng như chết, tứ chi còn hai. Vụ án Long Đàng mau chóng khép lại. Đám cưới đại úy Sáu Lộc trong phút giây biến thành đám ma. Bảy ngày phép vừa hết, Sáu Lộc lại lau súng lên đường. Cô dâu chưa bén hơi chồng, cặm cụi chăm ông anh chồng cụt lủn hai giò.
Năm Dũng đổi tính nết thấy rõ. Không ai gần nổi Năm Dũng, kể cả bà Nghĩa. May mà có Thắm…
*
* *
Thắm lội ra, kéo chiếc ghe vào cột chặt. Sóng tạt đẫm tóc. Áo bà ba bết sát da. Ngực phập phồng.
- Mơ mộng gì vậy anh Năm? Đang nhớ cô nào hả?
Năm Dũng giả lả tránh ánh mắt như lửa đốt của cô em dâu. Đàn bà thiếu hơi chồng, cứ ngó con mắt là đủ biết. Hơn lúc nào hết, Năm Dũng thấy rõ cái bản năng giống đực trỗi dậy mỗi khi nhìn Thắm.
- Anh đang nhẩm tính, hôm nay là tròn hai năm đám cưới em hả?
- Dạ. Ba trăm sáu lăm nhân hai là bảy trăm ba chục ngày chẵn. Anh Sáu về thêm một hai lần rồi thôi, cứ đi biền biệt…
Giọng Thắm ngùi ngùi. Sóng ve vãn bờ cát sẫm. Bọt li ti vướng lại trên vạt quần Thắm.
- Cái thằng tệ quá! - Năm Dũng buột miệng chắn tiếng thở dài của cô em dâu.
Hai năm về làm dâu xóm chài, Thắm mới về Sài Gòn thăm lại cha mẹ đâu có hai lần. Sau hiệp định Paris, đạn bom vẫn chồm lên. Dữ dội hơn. Tàn khốc hơn. Từ Long Đàng muốn về Sài Gòn, phải qua ba bốn vùng cờ đỏ cờ xanh cờ vàng xen kẽ. Lần đầu về thăm mẹ đẻ Thắm sợ cái ngày phải quay về nhà chồng. Nhưng lời hứa của Sáu Lộc vẫn thắp lên niềm hi vọng trong Thắm. Viên đại úy chiến tích nổi như cồn nói cưới xong, Thắm về làm dâu chừng sáu tháng một năm, rồi muốn ở Cấp hay về Sài Gòn cũng được, Sáu Lộc sẽ lo nhà cửa đàng hoàng. Lần về thăm mẹ đẻ gần đây nhất, Thắm cứ mong ngóng tới ngày quay trở lại Long Đàng. Không phải vì Sáu Lộc. Mà Thắm cảm thấy lo cho Năm Dũng. Thiếu Thắm, liệu Năm Dũng có chịu nở nụ cười không hay cứ cạu cọ suốt ngày suốt đêm với sóng biển?
- Tối nay em có rảnh không? - Năm Dũng bỗng hỏi Thắm.
- Dạ, chi anh Năm?
Năm Dũng nhẹ giọng:
- Anh có hẹn ở bãi đá Bạc.
- Ủa. Anh Năm có bồ hả?
- Tàn phế vầy còn bồ bịch yêu đương gì nữa thêm khổ người ta. Bạn cũ thôi. Cô ấy mới ở trong núi ra. Hẹn gặp.
- Phải gặp chứ! Ba đèo bảy núi chi em cũng đưa anh đi. Đàn bà con gái thời chiến mà anh Năm, còn có đàn ông để hẹn mới không uổng cái thân mình chớ.
|
Minh họa: Phạm Minh Hải |
Thắm nghèn nghẹn từng tiếng. Không nhắc thì thôi, hễ mỗi lần nghĩ tới chuyện gái trai hẹn hò là Thắm tủi thân. Có những đêm, thèm muốn bưng lồng ngực chịu không xiết, Thắm lội ra biển, ngụp mình trong làn nước lạnh, đếm từng con sóng vuốt ve da thịt mình. Không rõ Sáu Lộc đam mê binh nghiệp hay oán hận kí ức Long Đàng mà đi mất dạng. Có lần bà Nghĩa ốm nặng, Sáu Lộc về thăm. Bà Nghĩa hỏi: “Người ta đi lính mong sống, mày đi lính mong chết hay sao mà ham đánh vậy?”. Sáu Lộc gầm gừ: “Con không quậy thế thì người ta có tin không? Má tưởng họ đã quên vụ nổ trên ghe của cha rồi hả? Con đi xa là để những người ở gần được yên ổn. Má đừng lo nghĩ nhiều về con nữa”. Cả đêm đó Sáu Lộc nằm bên má. Đến nỗi bà Nghĩa phải đuổi Sáu Lộc về giường ngủ với vợ. “Mày ác vừa chứ. Lấy nó về làm vợ, ít ra cũng phải cho nó đứa con chứ”. Thắm nằm trong buồng nghe rõ tiếng bà Nghĩa mắng Sáu Lộc. Nhưng Thắm thiếp đi lúc nào không biết, sáng ra thì Sáu Lộc đã đi rồi, chỉ để lại bên giường cho Thắm một bọc to, đủ cả từ thỏi son môi đến xấp tiền xám xanh in hình tổng thống Mĩ.
Rồi mấy lần báo tử. Nói có trời làm chứng, dần dà, Thắm không còn run rẩy khi nhận tấm giấy báo tử chồng nữa. Thà, biết chắc chồng phơi thây bón gốc cây nào đó nơi chiến địa để yên tâm ở góa còn hơn cứ hun hút đợi chờ một ngày hạnh ngộ viển vông như thế này.
- Thôi, về lo cơm nước đi anh Năm. Tối, hẵng hay.
Nói rồi không đợi Năm Dũng trả lời, Thắm xốc ông anh chồng lên lưng. Cẩn thận quàng hai tay Năm Dũng thành vòng trước ngực, Thắm nẩy người lên, bước đi. Nhồn nhột sát sạt trên đốt sống tấm lưng ong cồm cộm cái của quý đàn ông. Thiếu chỗ này bù vào chỗ khác. Năm Dũng cố xụi lơ thì cây than củi ngay ngã ba đã bị chặt đứt hai dòng đại lộ càng rộn ràng hơn, càng nóng bỏng hơn. Từ ngày nằm một chỗ, cả nhà chỉ có cô em dâu gần gũi Năm Dũng nhất, chăm lo từ miếng ăn đến viên thuốc uống cho ông anh chồng. Nhiều lúc Năm Dũng nghĩ, nếu sau này má về với tổ tiên, Sáu Lộc đưa Thắm đi, không biết lúc đó anh còn thiết sống nữa không?
Tới một gờ cát, Thắm hơi khựng lại rồi ưỡn lưng, xốc ông anh chồng lên cao hơn. Bóng hai người quắp nhau lù khù in trên cát, chậm rãi như người gù lếch thếch nơi mặt đất, hướng về xóm nhỏ. Bà Nghĩa dừng tay, chép miệng ngó theo:
- Thiệt, thương tụi nhỏ hết sức mà không biết làm sao!
Mấy người đàn bà đang dọn thúng dọn rổ chuẩn bị nghỉ trưa, phân vân ngó trời ngó biển, càm ràm trò chuyện.
- Đánh nhau hoài khổ sở chứ sướng ích gì mà mấy cha chính quyền ham dữ vậy kìa. Bao giờ mới chấm dứt đây?
- Hôm giờ có tin tức gì của thằng Sáu Lộc không bà Nghĩa?
- Sao thở dài vậy bà?
Bà Nghĩa im như hến. Chồng chết banh xác. Hai thằng con trai đứa đi biền biệt, đứa tàn phế. Súng đạn cứ ùng oàng. Chẳng biết bao giờ mới hết loạn lạc. Bám mặt vào mấy cái bánh tráng mà sống qua ngày, không thở dài thì biết than vãn với ai đây?
*
* *
Bãi đá Bạc có túp lều tum húm như bàn tay. Trai gái Long Đàng đa phần nên duyên ở đây. Gió chiều nào cũng lộng. Tối sẫm, Thắm rón rén cõng Năm Dũng ra khỏi xóm.
Trước khi đi, Năm Dũng nhờ cô em dâu mở cái ba lô giấu kín dưới gầm giường lấy ra bộ ka ki thẳng thớm như còn mới nguyên. Xoay đi trở lại mãi, vẫn dư cái quần. Năm Dũng rịn mồ hôi, ném bộ đồ xuống đất. Thắm im lặng nhặt lên. Phủi cát. Vuốt nếp áo mặc lại cho anh chồng. Cài từng hột nút, Thắm nghe hơi thở Năm Dũng bừng bừng.
Trăng nửa. Ở biển, người ta khó phân biệt trăng già trăng non, vì già hay non đều cảm giác trăng to hơn và gần hơn. Sóng êm êm. Tiếng chim gọi bầy toang hoác mé rừng. Chừng vài trăm thước mà Năm Dũng đòi quay về mấy lần. Thắm riết chặt tay, cắn răng cõng anh chồng vào túp lều bãi đá Bạc.
- Anh ở yên đây chờ người ta. Em ra bờ cát ngắm trăng. Xong thì gọi.
Thắm nói như ra lệnh rồi quay ngoắt. Nói là ngắm trăng nhưng bụng dạ Thắm thon thót hướng về bãi đá. Người ta của anh Năm ra sao? Chị ấy trong núi ra, nghĩa là Việt cộng. Lúc ở Sài Gòn, Thắm đọc báo thấy hình nữ Việt cộng có cô đẹp ơn trời, bà ba khăn rằn duyên dáng khác gì gái thị thành. Chắc, người ta cũng không tệ, vì Năm Dũng nếu bỏ qua chuyện cặp giò thì cũng thuộc hàng khôi ngô tuấn tú nhất vùng chớ bộ.
Thắm không ngồi yên nổi một phút. Đi đi lại lại bồn chồn. Túp lều ấy, mỗi khi nhớ nhà Thắm trốn mọi người ra đó ngồi khóc. Cũng có vài lần, Thắm cõng Năm Dũng ngang qua, mỏi chân hoặc tránh mưa, ghé vào nghỉ đỡ. Nhờ đó, Thắm mới biết dưới chân lều có một hang đá kín mít đủ cho hai người thoải mái vẫy vùng. Cũng tại đây Năm Dũng đã mở lòng kể cho cô em dâu nghe về tuổi thơ của hai anh em, về người chồng mà đến tận bây giờ muốn nặn ra một nét tròn hay méo nào, Thắm phải dựa vào khuôn mặt của anh chồng.
Năm Dũng cũng kể cho Thắm nghe vì sao anh lại vắng mặt trong cái hôm diễn ra đám cưới. Anh đi từ mấy ngày trước, “lái hàng” về. Không biết là hàng gì, chỉ nghe nói là hàng quan trọng, là “chìa khóa để mở cánh cửa Long Đàng và Đông Nam Bộ”. Chuyến hàng ấy muốn đến được nơi cần đến hoàn toàn phụ thuộc vào tổ đội Rái Cá địa phương. Cha con Năm Dũng là linh hồn của cái tổ đội đó. Đám cưới đại úy Sáu Lộc với hoa khôi Sài Gòn là tâm điểm chú ý của cả xã, cả huyện. Ông Nghĩa ở nhà lo chuyện cưới vợ, đón dâu cho Sáu Lộc khỏi nghi. Khi bọn lính tráng đã bốc mùi rượu, lơ là đề phòng thì ông Nghĩa sẽ ra bãi, cùng Năm Dũng giao hàng cho người ở trên núi xuống. Từng bước diễn ra đâu vào đấy, không có sai sót gì cả. Ông Nghĩa đúng hẹn, lên ghe.
- Quà đám cưới thằng Sáu Lộc nè - ông rút gói thuốc lá thơm tung cho Năm Dũng.
- Con nhỏ sao? - Năm Dũng bật lửa - Vợ thằng Sáu nghe đâu là hoa hòe hoa sói gì ở Sài Gòn hả?
- Ừ. Liễu yếu đào tơ mà đi mê thằng lính chiến. Mai mốt, làm dâu Long Đàng dang nắng dầm mưa tối mày tối mặt coi bộ con nhỏ chịu được mấy bữa…
Gió phần phật. Mùi biển mặn không giấu nổi mùi thuốc lá thơm. Hai thứ mùi ấy hòa quyện nâng hồn Năm Dũng là đà trên mặt nước. Nhàn, bạn gái của Năm Dũng ở trên núi sẽ cùng đồng đội xuống nhận chuyến hàng này. Cô là đầu mối liên lạc giữa những người ở trên núi với tổ đội Rái Cá ở Long Đàng. Không chỉ xinh đẹp, mặn mà, khéo léo mà Nhàn còn có tố chất của một nữ chỉ huy nữa. Chính Nhàn ngầm đưa ra một lời ước hẹn với Năm Dũng, rằng chờ đến ngày hết chiến tranh, hai đứa có thể tiến xa hơn. Năm Dũng không hiểu thời cuộc bằng cô ấy, cũng không biết trên núi có những ai, binh hùng tướng mạnh thế nào, chỉ mong có ngày cùng được lên núi để gần gũi người yêu. Nếu chuyến hàng này trót lọt, Năm Dũng sẽ được theo Nhàn về cứ.
Mải nghĩ đến bạn gái, Năm Dũng không phát hiện ra mùi diêm khen khét đang ngún dần lớp bao vải dù đựng hàng trên ghe. Đến khi một tia lửa bắn lên thì đã muộn. Ông Nghĩa nhảy cả thân mình đè lên đống lửa. Nổ đinh tai nhức óc. Dầu xăng ngùn ngụt. Biển trời nứt làm đôi. Năm Dũng nghe đau điếng thoáng qua rồi không biết gì nữa.
Tỉnh dậy, Năm Dũng thấy một cô gái lạ đang lau rửa vết thương cho mình. Không phải Nhàn. Năm Dũng đoán ngay đó là đứa em dâu mới về nhà chồng.
- Anh chịu khó nghỉ ngơi lấy sức. Chồng em đã làm giấy bảo lãnh cho anh rồi.
- Thằng Sáu Lộc đâu? Mọi người đâu?
- Anh Sáu với má đang bận lo ma… - cô em dâu bỏ lửng câu nói.
Năm Dũng rên hừ hừ. Rồi gầm gừ như một con thú bị trúng thương. Rồi hộc lên những tiếng khóc chảy máu mắt. Cùng đường. Tuyệt vọng. Hoảng loạn và bất cần.
… Nghĩ tới những ngày đầu tiên ấy, Thắm tự dưng nhoẻn miệng cười, không còn rùng mình như trước nữa. Chưa bao giờ Thắm tưởng tượng nổi mình gần với chiến tranh như vậy. Báo đài Sài Gòn ra rả tin chiến trận nhưng Thắm chưa từng tận mắt chứng kiến sức công phá của đạn bom là như thế nào. Để rồi, chính đám cưới Thắm lại hóa thành đám ma đau thương của nhà chồng. Trước ngày lên đường, Sáu Lộc tranh thủ lúc nhà vắng người cho Thắm lần đầu tiên làm đàn bà. Gấp gáp. Qua loa. Cắn răng để không bật ra tiếng rên. Sáng hôm sau Thắm lại vội vàng thuốc men cơm cháo chăm ông anh chồng đang hưng hức đớn đau.
Để rồi từ bấy đến nay số phận buộc chặt Thắm với người đàn ông cụt giò này. Bây giờ cũng vậy, ma xui quỷ khiến thế nào mà Thắm lại nhè nhẹ tới gần bãi đá Bạc, ngồi thu lu bên hông túp lều. Đêm thanh vắng như không còn đêm nữa. Tiếng sột soạt vải vóc bên trong vọng ra. Thắm đếm trong đầu, người ta đang cài lại từng nút áo cho Năm Dũng? Bất chợt, giọng phụ nữ cất lên:
- Sau thất bại lần dắt hàng trước, cơ sở cả vùng này bị bóc hết. Gần đây mới bắt đầu xây dựng lại được. Chuyện xảy ra với gia đình anh, em đã đề nghị với các chú làm chế độ cho anh và bác trai. Nhưng lần này gặp anh là em muốn nói một chuyện khác.
Thắm nghe giọng Năm Dũng nhỏ nhẹ:
- Chuyện gì?
- Chuyện thằng đại úy Sáu Lộc. Nó mới được chính quyền ngụy đặc cách lên trung tá. Thằng ác ôn đó như con thiêu thân, sau mấy lần bị thương không chết, càng ngày càng tỏ ra hung hăng, khát máu...
Thắm phải chặn tay lên ngực khi nghe tin về chồng. Tình yêu sét đánh bứng người đẹp Sài Gòn về xứ sở quê mùa này. Nhiều đêm Thắm bấu chiếu nghĩ, mình mang tội lỗi gì mà chồng bỏ bê không thèm ngó ngàng tới? Gái nào thương chồng và dám theo chồng như Thắm? Hai năm, Thắm thay tới mấy lần chiếu cói.
Người phụ nữ tên Nhàn vẫn rành mạch từng tiếng bên trong túp lều:
- Quân Giải phóng đang mở các hướng tiến công về Sài Gòn. Theo mật báo, Sáu Lộc sẽ được điều về Long Đàng để chỉ huy một tiền đồn trong tấm lá chắn chặn hướng tiến công của quân ta tại cửa ngõ miền Đông.
Thắm lại nghe thấy giọng nói nhẹ nhàng, ôn tồn của Năm Dũng:
- Anh ra nông nỗi này rồi, còn giúp được gì cho Nhàn nữa?
- Em đã nghĩ kĩ rồi, chỉ có anh mới có thể giúp em tiếp cận được với Sáu Lộc thôi…
Nhàn nói đến đây thì bị ngắt ngang bởi tiếng súng chỉ thiên đùng đùng vọng ra từ trong xóm. Thắm ngỏng đầu lên nhìn. Tiếng người la ó, tiếng chó sủa, rồi đuốc đỏ trời, rần rật tiến về phía bãi đá Bạc.
- Không xong rồi. Tin em về đã bị lộ. Trốn đâu bây giờ? - Nhàn gấp gáp ngó quanh. Long Đàng thế ngọa hổ tàng long, không phải dân địa phương thì khó bề đi lại.
Trong khi đó tiếng loa càng lúc càng gần: Bắt sống chỉ huy cao cấp của Việt cộng! Ai che giấu sẽ bị kết tội đồng lõa. Chặn hết mọi nẻo đường Long Đàng. Lệnh của trung tá Sáu Lộc, một con kiến lạ cũng không cho thoát...
Sáu Lộc đã về và đang trực tiếp chỉ huy cuộc lùng bắt này ư? Thắm cuống cuồng chạy tới chạy lui bên ngoài túp lều. Năm Dũng đang ở trong đó, không thể bỏ được. Ánh đuốc mỗi lúc một kéo tới gần. Ánh trăng yếu ớt trên vòm trời nhợt nhạt. Thắm thấy rõ Năm Dũng nửa ngồi nửa nằm, dựa vào cây cột xiêu vẹo, tay chống sàn, tay bám cột. Không hiểu sao, trong giờ phút ấy, Thắm nảy ra một quyết định mà mãi mãi về sau chính Thắm cũng không thể lí giải được.
Sáu Lộc cùng đám lính tráng ào đến túp lều bãi đá Bạc, tưởng bắt được con cá lớn, ai dè, chỉ thấy hai con cá mắc cạn. Năm Dũng phanh ngực ngửa mặt nhắm mắt ngồi đó. Bên cạnh, Thắm hớt hãi trần truồng tay ôm tay che, tóc tai rũ rượi...
Sáu Lộc không nói không rằng, chỉ giơ súng lên trời, bóp cò pằng pằng rồi quay lưng bỏ đi. Nhục nhã rành rành ra đó, tâm trí đâu mà nhớ chuyện lục soát bãi đá Bạc hang hốc. Tên chỉ điểm giơ sát cây đuốc vào trong lều khua khoắng, miệng lắp bắp:
- Rõ ràng, em thấy con Việt cộng lấp ló tới đây chứ đâu phải bà trung tá?!
*
* *
Giải phóng không phải là cái gì kinh thiên động địa lắm, nhất là với rẻo đất Long Đàng heo hút này. Chiến tranh dợm bước qua nó, có để lại những dấu chân sâu hoắm trên cát rồi thời gian như con sóng xóa nhòa từng ngày. Hòa bình ghé ngang khác gì người khách lạ. Vẫn những người đàn bà phơi bánh. Những người đàn ông chèo ghe thả lưới. Những bóng người xộc xệch trên đất…
Trung tá thua trận Sáu Lộc cải tạo xong, không về lại Long Đàng, ở Sài Gòn rồi qua Mĩ định cư theo diện HO. Hồ sơ sức khỏe của ông ghi rõ: Liệt dương do vết thương liên sườn năm 1973.
Nữ cán bộ cách mạng Nhàn đại diện chính quyền về Long Đàng làm lễ truy điệu cho ông Nghĩa và tổ đội Rái Cá. Địa phương xây tượng đài Chiến tích Bãi Đá Bạc để tưởng nhớ sự kiện lô vũ khí cách mạng bị nổ tung trên biển năm nào. Bà Nhàn tìm gặp ông Năm Dũng. Họ ngồi với nhau rất lâu. Chẳng biết họ nói chuyện gì. Ai cũng tưởng Năm Dũng sẽ được cấp nhà tình nghĩa, truy phong anh hùng, lãnh chế độ thương binh. Nhưng, không hề. Có người dè dặt bảo, ông từ chối. Cũng có tin đồn, ông còn ngượng với bà con lối xóm vì chuyện thông dâm với cô em dâu.
Bánh tráng hết thời. Long Đàng nổi tiếng cả nước với món bánh hỏi đặc biệt không nơi nào có. Bà chủ của cơ sở sản xuất bánh hỏi lớn nhất vùng tên Thắm. Bà có hai người con trai đã học hết đại học, cũng kinh doanh rất thành đạt, nhưng lí lịch bỏ trống phần ghi tên cha. Bà lên truyền hình, có người nhận ra đó là cô hoa khôi một trường nữ sinh trung học Sài Gòn ngày xưa. Dân địa phương quen gọi là bà Cóc. Vì chiều nào người ta cũng thấy bà khom lưng cõng một người cụt hai chân ra phía biển. Người ta hỏi thầm nhau: Không biết, bà Cóc vác khối nợ đời ấy được bao lâu nữa? Hai mái đầu đã bạc phơ. Những ngày bão, Long Đàng oằn mình với gió. Hai người một bóng liêu xiêu trên đất
Núi Dinh, 9/2014
T.S
------
(*) Trích bài hát Cô Thắm về làng – nhạc và lời: Giao Tiên.