.VĂN THÀNH LÊ
1. Người làng gọi là khe Gáo Bại.
Gáo Bại là tên làng bên. Tên từ thuở xửa xưa. Thời người còn sống chung với thú rừng. Sau đổi mới toàn vùng thay họ đổi tên. Những tên như làng Hạnh Phúc, làng Văn Minh, làng Đoàn Kết, làng Quyết Thắng… kêu đôm đốp, nổ chan chát, chứa đựng tràn trề ước vọng, nhưng chẳng hiểu sao ru hoài ngàn năm chưa thấy tới.
Việc đổi tên làng nhiều khi chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ. Dân vẫn thích gọi theo tên cũ. Nhiều người kê khai giấy tờ cứ thẳng băng lôi tên “cúng cơm” của làng đặt vào trang trọng, khiến cán bộ tẩu hoả nhập ma nghĩ mãi không ra đấy là làng gì, ở đâu. Quen rồi. Có những tên cũ thấy hay hay, như Gáo Bại đọc ngược lại là gái bạo. Thử hỏi gái bạo ai mà chẳng thích, từ thanh niên trai tráng đến cụ già sắp xuống lỗ.
Trở lại chuyện khe. Người làng Gáo Bại gọi là khe Đồng Mọc. Là tên làng của Trang. Cái tên còn sót lại từ thời “nguyên thuỷ” phá rừng lập làng, chẳng hiểu sao không bị cuốn theo những tên thời thượng như làng khác. Vậy đấy. Khe ngăn cách giữa hai làng. Người làng này gọi tên khe theo tên làng kia, chứ không gọi theo tên làng mình. Dù chẳng bên nào bảo bên nào. Tôn trọng nhau, một cách tự nhiên. Không phải ở đâu cũng còn giữ được sự tôn trọng như vậy, nhất là thời buổi này.
Sau này người dưới xuôi lên nhiều hơn, lâu dần, ít người gọi là khe. Không khe Gáo Bại. Không khe Đồng Mọc. Từ khe dễ khiến người ta liên tưởng đến những khe hở, những khe hở dễ làm người ta liên tưởng khác đi nữa, rất không hay. Chuyển qua gọi là suối. Tất nhiên, suối và khe có nghĩa tương đương nhau, ai không tin giở từ điển Tiếng Việt ra thì biết.
Trang là một trong số ít không gọi suối Gáo Bại hay suối Đồng Mọc. Thành quen, tên làng phải đi cùng từ “khe” mới thấy đúng, mới cảm giác không sống sượng. Từ “suối” đứng trước cứ thấy gì đó ngường ngượng. Như cô thôn nữ nửa ngày lên phố về học đòi má phấn môi son quần jean cạp trễ hở rốn khoe lưng tưng bừng kệch cỡm. Như anh dân cày bày đặt cổ cà vạt chân buộc dây lạt quần đùi. Khổ là thói đời, những gì quen sẽ trở thành bình thường, hiển nhiên, kể cả việc làm phạm pháp hay trái luân thường đạo lý, mà nhiều người dường như miễn dịch với những điều ngày trước từng cho là chối tai gai mắt, khi đã ở vị trí có lợi có lộc.
Không gọi khe Gáo Bại. Không gọi khe Đồng Mọc. Trang gọi là khe Mung Lung. Những buổi chiều mẹ hay ra khe, hết mung lung nhìn ngược lại mung lung nhìn xuôi theo con nước. Hoa bông trang đỏ ối, phủ phục từng chùm, sà xuống chớm mặt nước hai bên bờ khe. Đỏ đau đáu. Đỏ day dứt. Đỏ như chưa bao giờ được đỏ. Như chưa bao giờ đỏ đến thế. Chiều cũng rực đỏ phía núi. Đấy là những buổi chiều hằn vào trí nhớ Trang từ thuở chập chững lớn, chập chững tiếp nhận những thứ bủa vây xung quanh mình. Trang ngồi trước cửa nhà. Nhìn mẹ. Nhìn hoa bông trang. Nhìn chân trời đỏ. Tên khe Mung Lung trước nhà đi vào những dòng nhật ký của Trang lúc nào Trang không để ý, tự nhiên như đấy là tên gọi của khe chứ không phải Trang đặt tên cho nó.
Khe Mung Lung lặng lờ chảy, bình thản như kiểu ra đến biển cũng được, không đến biển cũng chẳng sao. Có khi nó biết trước sau gì cũng tới biển, cũng ướp “vị mặn dâng cho đời buồn vui đầy lại vơi”. Thuộc lòng bài ấy rồi. Nên khe dửng dưng.
Bãi sỏi hai bên bờ lấp loá phản quang yếu ớt bởi thứ nắng chiều hơi tàn lực kiệt. Trang thích thú với trò tìm kiếm những cục đá có hình dáng và màu sắc đặc biệt.
- Này, đẹp không? Anh thấy giống hình gì? – Trang giơ cao một cục đá mới tìm thấy. Miệng hỏi, mắt như cười.
- Giống… cục đá - Sau thoáng chút chau mày, chồng sắp cưới của Trang nói, và cười xoà.
- Chán anh quá! Không thấy giống cúp của giải Oscar à?
- Ờ, giống thật! Có khi nào người ta vô tình thấy cục đá tương tự rồi về làm theo không?
- Có thể! Con người toàn bắt chước tự nhiên mà.
2. – Bố con là khe Gáo Bại.
Lần đầu tiên Trang hỏi về bố, mẹ nói vậy. Lúc ấy Trang sáu tuổi, mới bước vào lớp một trường làng được vài ngày.
Nghe vậy. Biết vậy. Rồi Trang quên. Ý niệm về bố không xuất hiện trong đầu nữa. Mọi chuyện đi qua đầu trẻ con nhanh hơn chiếc lá vàng rơi trong chiều giông gió. Vài đứa trẻ ranh cố tình với trò trêu chọc “Lêu lêu đồ không có bố” bị cô giáo “xử đẹp” nên “thà nghĩ ra trò khác chơi còn hơn”. “Bố” không còn là danh từ mà là hư từ. Cái gì hư rồi cũng nên bỏ. Là sau này Trang đi học, cóp được vài chữ bẻ đôi bẻ ba nên luận như vậy, chứ hồi ấy, Trang không luận gì, và chẳng bao giờ nhắc tới bố nữa.
Nhiều khi Trang nghĩ con khe là bố mình thật.
Trang đằm mình dưới khe mùa nắng cũng như mùa mưa, chỉ trừ ba tháng mùa đông. Tóc được mẹ cắt ngắn cho gọn, cho đỡ chí. Nắng cháy. Người đen choay. Trông như một đứa nhóc đái đứng chứ không phải đái ngồi.
Lũ trẻ làng đứa nào cũng ít nhất một vài lần uống no nước, chết đuối hụt, riêng Trang thì chưa bao giờ.
Có lần Trang ngô nghê thắc mắc, mẹ cười, nói bố con là khe, khe đỡ con, có ông bố nào lại muốn giết con không? Trang tin sái cổ. Không buồn để ý sau câu nói ấy, hình như mắt mẹ ầng ậc nước, người dại đi, nhưng hàm răng như nghiến lại, kèn kẹt.
Khe mang trong mình biết bao huyền tích. Tự thân khe đã là một hấp lực với lũ trẻ làng.
Lũ trẻ lớn lên, không đủ sức chui ra khỏi luỹ tre đầu làng, thành người lớn trong làng. Lại yêu nhau. Lấy nhau. Sinh con đàn cháu đống. Thế hệ tiếp nối thế hệ. Thuộc nằm lòng con khe. Nhìn nước chảy người ta có thể đoán năm đó được mùa mất mùa ra sao. Có lần mùa lũ cá nhảy lên bờ nhiều như hoa gạo tháng Ba. Bật tanh tách óng ánh dưới lớp lớp mưa xiên mưa xéo. Người lớn trẻ con chỉ việc đưa rổ đưa chậu ra nhặt về. Năm ấy, lúa nghẹn đòng không há miệng được. Nhìn cánh đồng mà đắng họng không nói nên lời. Làng mất mùa. Đói rã họng. Liêu xiêu. Co quắp lại, dắt díu nhau qua ngày bằng rau củ quả trên rừng dưới khe.
Chim sa cá nhảy. Ông trời có mắt đấy. Ông trời công bằng. Cho cái này thì lấy lại cái khác. Mẹ bảo vậy. Chế theo định luật bảo toàn năng lượng của ông Lômônôxốp bên xứ Mạc Tư Khoa, Trang gọi đó là định - luật - bảo - toàn - được - mất.
Cứ thế. Mẹ bảo gì Trang cũng dạ. Dạ để ngoan. Dạ để lớn. Dạ để hai mẹ con bện vào nhau mà sống. Trang ngờ vực gì mẹ cũng hoá giải được. Mẹ nói gì Trang cũng tin. Tin như thể trên đời này ngoài mẹ ra không còn ai để cho Trang tin nữa.
Một lần, vô tình nửa đêm tỉnh ngủ, Trang bắt gặp cảnh tượng mẹ ngồi trầm ngâm lẩm bẩm với chính mình. Ngoài sân đen đặc. Không gian đen đặc. Ánh sáng vàng leo lét duy nhất bằng hạt đỗ phả ra từ ngọn đèn dầu. Những lời rì rầm như từ cõi nào đó vọng về. Rờn rợn. Rin rít. Trang như không tin vào mắt mình. Giọng mẹ thường ngày trong như nước khe Mung Lung, ấm như hạt dẻ nướng mùa đông. Thoáng rùng mình chạy dọc sống lưng. Người trước mặt Trang, ngay sát ánh đèn dầu kia, là mẹ chứ không ai khác. Hết mỗi lượt rì rầm lẩm bẩm mẹ lại lao mũi kim vào hình nhân làm bằng vải vụn, kèm theo những hơi thổi phù phù, nóng hổi. Mắt mẹ long lên. Như không còn là đôi mắt hằng ngày. Như hình nhân kia đã đánh cắp ánh mắt của mẹ, đã lấy kiệt năng lượng của mẹ.
Lâu lâu nhà lại có khách. Toàn người lạ. Những người đàn bà. Giàu sang có. Lam lũ bần hàn có. Dù là ai, làm gì, ở đâu, cũng đều mang thứ ánh mắt thất thần, hoang mang xen lẫn lấm lét, nửa như kẻ cắp nửa lại như người mất của. Mẹ đón khách niềm nở, ân cần, chan chứa cảm thông. Mẹ đưa chiếc bát sành có niên đại thời… cũ rích, nói khách xuống khe múc nước lên. Với bát nước khe trên tay, mẹ dẫn khách vào buồng, đóng cửa khấn vái lầm rầm. Lúc sau người khách bước ra, thần sắc như ở đâu đó chạy về nhập vào người. Khi vào ủ rũ khi ra rạng ngời. Họ dúi vào tay mẹ Trang ít tiền, nói lời cảm ơn rồi đi. Một đi không trở lại. Không biết mẹ đã gieo niềm tin gì cho họ. Niềm tin ấy có hình hài thế nào, Trang không rõ. Có những niềm tin bất lực trước sự mơ hồ.
Những đứa bạn học lảng Trang ra, nhất là các bạn nữ. Trang bắt đầu để ý và tin lời người ta đồn đoán, là mẹ biết bỏ bùa ngải. Mẹ có thể làm những người không yêu nhau thành yêu, làm những gia đình hạnh phúc thành tan đàn xẻ nghé, nếu muốn.
Trang nghĩ đến chuyện bỏ học, ra phố tự lập. Tự lập bằng cách gì chưa biết. Nhưng phải đi khỏi căn nhà bên khe Mung Lung, nếu mẹ không bỏ cái nghề mà chưa ai gọi là một nghề ấy. Trang lớn rồi. Trang thành thiếu nữ rồi. Thiếu nữ thừa những bạn nam vây quanh. Từ ngày còn đạp bụng mẹ, vụng về trở đầu khiến tràng hoa quấn cổ, mẹ đã gọi tên Trang trong những lời ru của mình, bởi mẹ thích hoa bông trang. Có phải vậy mà càng lớn Trang càng đẹp ra? Phảng phất chút hoang dã. Phảng phất chút e ấp. Tưởng là lồ lộ mà lại kín đáo. Rất đằm. Như hoa bông trang khoe sắc bên bờ khe. Nhưng thiên hạ vốn lắm lời. “Có khi nó dùng bùa ngải của mẹ nó để chài trai. Chứ con không bố như nó ma nào thèm.” Trang đủ lớn để không thể dửng dưng với những tiếng xì xào ghen tị của lũ con gái tuổi mới lớn trong làng, trên lớp vây quanh mình.
Mẹ sụt sùi khóc, nói vậy thì chết mất. Trang là mục đích sống, là cứu cánh, là chút bám víu cuối cùng của mẹ với cuộc đời bầm dập này. Không có Trang, hay có chuyện gì với Trang, mẹ làm sao sống nổi. Mẹ bỏ. Mẹ sẽ bỏ. Mẹ ôm Trang, khóc. Trang ôm mẹ, khóc. Nước dưới khe trong văn vắt. Hoa bông trang rực rỡ kiên định với sắc đỏ của mình. Nhưng chỉ có khoảnh khắc ấy. Rồi đâu vẫn vào đấy. Đêm đêm hình nhân bằng vải vụn vẫn phải nghe những lời lầm rầm, mà đến người đọc là mẹ, chắc chắn cũng không hiểu được. Không ai đủ khả năng phiên dịch.
Ngọn kim vẫn đâm chí tử vào hình nhân. Những vị khách lạ mặt vẫn đến vào các ngày trong tuần, khi Trang trọ học ngoài thị trấn. Cuối tuần Trang về mẹ không tiếp khách nữa. Vắng mặt Trang, những bát nước vẫn được lấy lên từ khe Mung Lung bên nhà.
|
Minh họa: Phạm Minh Hải |
3. Khe Mung Lung giờ khác trước nhiều. Nước vặn mình đổi dòng sau mỗi năm mỗi mùa lũ. Dòng chảy vẫn bình lặng, nhưng lờ đờ chứ không trong veo và thảnh thơi vô tư lự nữa. Như thiếu phụ độc hành suốt dọc dài hoang hoải, mang trong mình quá nhiều u uẩn.
Bông cỏ may tím bầm tím dập. Tím hoảng hốt. Tím lơ ngơ. Không phải sắc tím thơ thái. Những gốc sim già thưa thớt, đìu hiu, mỏi mắt mới nhìn ra. Hoa ngũ sắc lác đác như lạc vào nơi xưa chính là vương quốc của mình.
Trang thấy lạ lẫm. Nhìn gì cũng khác. Khác đến nỗi Trang tự hỏi có phải mọi thứ khác thật, hay do chính Trang khác đi nên nhìn thấy khác? Nhiều khi con mắt là nạn nhân của ý nghĩ.
- Đây là nơi đầu tiên em biết bơi, sau lần chạy với theo chiếc dép tuột khỏi chân khi qua khe, bước hụt chân xuống hố sâu. - Trang nói với người bạn đời tương lai.
- Giờ thành nông choèn hoẻn rồi. - Anh nhận xét.
- Lòng người nông sâu cũng có lúc, dò không nổi, huống hồ là lòng khe. - Trang triết lý nửa mùa.
- Thế em dò lòng anh đến đoạn nào rồi?
- Đến đoạn… ruột thừa. Chắc phải đưa anh đi nội soi quá.
Trang trả lời, và cười, và chạy. Anh đuổi theo Trang dọc theo bờ khe.
Trang tưởng mình sẽ ở vậy. Sẽ về với mẹ. Sẽ về với khe Mung Lung. Cố gắng rất nhiều. Nỗ lực rất nhiều. Dằn lòng trước lời ong tiếng ve của người đời để không buông xuôi với trường với lớp. Trang thành sinh viên sư phạm. Ở phố người ta không biết quá khứ của Trang, người ta không biết mẹ Trang. Hơn một cuộc tình vắt ngang tuổi thanh xuân. Cuộc tình nào cũng nồng nàn lửa cháy đằm sâu. Ngỡ là chạm đích. Nào ngờ mỗi lần dẫn về ra mắt mẹ xong lại đường ai người ấy đi. Có người đi không một lời giải thích. Có người diễn kịch để ra đi. Trang bủn rủn lòng một mình giữa bao “cuộc chia ly màu đỏ”. Mẹ nhìn Trang héo hon mà thở dài, nuốt sâu vào trong, ngẫm ngợi về nghề bùa ngải. Dao sắc không gọt được chuôi? Mẹ gieo thì con gặt?
Bẵng đi một khoảng lâu thật lâu, Trang mới gặp anh chồng sắp cưới này. Nào phải trâu chậm là uống nước đục. Chậm mà chắc. Mẹ cười, ánh mắt nụ cười heo hắt bởi cõng thêm bao nhiêu là tuổi. Ông trời có mắt! Mẹ thở ra mãn nguyện.
Trang dẫn anh đi ngược khe. Vừa đi vừa nói chuyện vẩn vơ. Chuyện của hai người chuẩn bị cưới thì biết đấy, rời rạc, rối rắm, lan man, chỉ người trong cuộc mới thấy không… vô lý.
- Chỗ kia, trước có bụi sim cao lắm, phải hơn ba mét. - Trang nói và chỉ tay qua phía bờ khe đối diện.
- Cây sim cao hơn ba mét? Sao bảo sim là cây bụi, thấp một mét trở lại. Có người còn kêu ông Vũ Đức Sao Biển nói khoác khi viết “Tôi vẫn chờ em dưới gốc sim già đó”.
- Đa số sim thấp, nhưng là ở đồi sỏi đá nhiều, ở nơi nhiều đất thịt sim vẫn mọc cao. Cũng gần chỗ ấy, hồi đi chăn trâu hội em đã thấy một hài nhi bị bỏ rơi, tím ngắt, kiến bu đen bu đặc.
- Ngày xưa ở quê mà đã vậy? Rồi hội em làm sao? Có biết mẹ đứa trẻ là ai không?
- Cả hội tự đào hố, một bác cao tuổi trong làng chôn. Không biết bố mẹ nó là ai. Đời người, nhiều khi còn ngắn hơn một tiếng thở dài.
Trang nghe tiếng thở dài từ lồng ngực anh.
Những người mẹ như vậy có bao giờ nghĩ về đứa con của mình không? Trang không tìm được câu trả lời.
Trang chỉ tay xuống vũng nước, phía trên có tảng đá đen, bóng loáng. Dường như có mỗi tảng đá này là không thay đổi theo thời gian.
- Nhờ chỗ này mà em biết như thế nào là một người phụ nữ trưởng thành.
- Là sao? Em với anh trai làng nào đó ở đây à? - Anh nhìn Trang, nheo mắt hỏi, cười cười khiêu khích.
- Hôm ấy trời mưa, trâu nhà em lạc đàn, mình em đi tìm. Xuống tới bến này gặp một anh một chị tắm dưới khe lên.
- Tắm kiểu sơn nữ?
- Không. Có quần áo chứ. Nhưng lên bờ thì quần áo bết vào người. Rồi hai người quấn vào nhau. Tối ấy về em ngủ mơ. Hôm sau dậy cảm giác mình lớn hơn rồi thì phải.
- Ghê. Đã ghê từ bé rồi đấy.
- Anh chị ấy là đôi đẹp nhất làng. Chẳng hiểu sao không đến được với nhau. Anh ấy sau đi tìm trầm rồi bặt vô tăm tích. Chị ấy, nghe nói, sau khoảng gian nan vất vả từ gái gọi đã trở thành Tú Bà ở vùng Đông Bắc rồi.
4. Đầu đông, nhà Trang có khách lạ. Lạ. Bởi khác với hình ảnh những người khách lạ vào ra mỗi ngày đến quen thuộc, đến nhàm chán và hoang mang cố hữu mà mẹ vẫn đón tiếp.
Người đàn ông lọt thỏm trong chiếc áo ấm đã cũ, sờn bạc.
Mẹ buông thõng tay, mớ rau gượng gạo bay lả tả ra sân. Lúc ấy, mẹ mới từ dưới vườn bước lên.
Người đàn ông quỳ sụp xuống sân. Lí nhí lời xin lỗi. Trông bộ dạng ông, người ta dễ nghĩ cái áo rét ông mang trên người là một cực hình, quá sức với ông. Ông như phải gồng mình lên, vật lộn với chiếc áo của chính mình.
Thoáng giật mình qua nhanh, mẹ chuyển sang tím tái giận. Không hiểu sao sau đó mẹ lại dắt người đàn ông vào nhà.
Trang linh tính có điều gì đó không bình thường. Chưa bao giờ mẹ hoảng hốt rồi giận giữ, rồi hả hê, những tâm trạng đan xen biến đổi nhanh trên khuôn mặt, đều ở những cung bậc cao độ, như vậy.
Hoá ra đấy là bố của Trang.
Trang có bố. Bố Trang không phải là khe Mung Lung như mẹ từng nói hồi bé. Ông hiện hữu giữa nhà. Nếu khác, là khác những mường tượng hiếm hoi của Trang từ thuở nào. Ông tàn tạ hơn mọi người bố trong mơ Trang từng gặp. Bố bằng da bằng thịt. Mỗi tội da nhiều hơn thịt.
Ông nói ông không sống được mấy nữa. Ông lầm rầm như thể đối thoại với con người khác trong mình. Lời lầm rầm khiến Trang liên tưởng đến những câu thần chú của mẹ. Chỉ khác là trước mặt ông không có hình nhân nào. Hay hình nhân đấy là mẹ, là Trang đang nép vào cánh cửa phía sau? Những lời của ông như mũi kim lao về phía mẹ. Hoàn toàn dễ hiểu. Không một mảy may bí hiểm. Mẹ ngồi bần thần, khuôn mặt biến sắc theo lời ông kể.
Thì ra khi Trang biết tập thể dục trong bụng mẹ thì ông được đi xuất khẩu lao động. Xuất khẩu lao động là ước mơ vàng, con đường ngắn nhất, tốc độ nhất, mong đổi thay phận người thời ấy. Nhưng rồi lời hứa gió bay. Không rõ làn gió phương Tây giật cấp độ bao nhiêu mà khi Trang oe oe với đời ít ngày thì mẹ nhận thư với tin bố đã lấy vợ, tính ở hẳn bên trời Tây. Vợ ông cũng là người đi xuất khẩu lao động, để chồng con ở nhà. Hai mảnh đời tha phương cầu thực không thể “vượt lên chính mình” ráp lại với nhau nhằm chống lại… hoàn cảnh cô đơn. Mỗi tội ông tính không lại được trời. Bức tường Berlin đổ, lòng người nháo nhác, phận người nổi trôi, ông cùng vợ hờ trốn chui trốn lủi, nhiều lần suýt mất mạng. Ở nhà, mẹ ngược xuôi chạy hàng đắp đổi qua ngày. Hàng miền xuôi đưa lên miền ngược. Hàng miền ngược lại đưa về xuôi. Trong những hành trình dặc dài đánh đu với miếng ăn ấy, mẹ từng cứu đói một bà lang người Thượng. Và rồi chuyện đời tự kể. Và rồi sâu sắc sẻ chia. Và rồi bà lang truyền cho mẹ nghề làm bùa ngải. Bên kia, bố Trang vừa trốn chính quyền vừa chạy bệnh. Ông bệnh lên bệnh xuống, tim gan phèo phổi lục phủ ngũ tạng, đụng đâu cũng thấy đau, cũng có cảm giác rữa ra. Không muốn làm hồn ma ở xứ người, hai người dắt díu nhau về nước, sống vá víu tạm bợ ở xóm lao động nghèo ven đê sông Cái từ lâu. Không con cái. Người ta hai cây chụm lại thì vững. Đằng này ông và vợ hờ chụm lại xiêu vẹo dễ đổ hơn. Người vợ bị tai nạn mất một chân, thành quẩn quanh trong nhà. Ông giờ trái gió trở trời hay không cũng thấy đau người.
Lời ông kể khiến Trang nghĩ đến những chiếc kim mẹ vẫn niệm chú và đâm vào hình nhân vải vụn mỗi đêm. Không lẽ có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến vậy?
Ông nói lời xin lỗi mẹ con Trang. Tha thứ hay không là quyền ở mẹ con Trang. Xong ông đi. Ông đi như chạy. Chiếc xe ôm chở ông chạy xuyên vào màn hơi lạnh đầu đông. Ông ngồi phía sau, còng xuống như con tôm vừa hơ qua lửa, như một dấu hỏi ngược. Dấu hỏi ngược qua khe Mung Lung, vượt dốc, vượt khỏi tầm mắt của mẹ con Trang.
Tối ấy mẹ đem hình nhân ra sân, lẩm bẩm gì đó, rồi đốt. Ánh lửa cháy lạ lùng lắm, không đỏ không vàng, mà xanh, xanh leo xanh lét. Mẹ thở dài thườn thượt. Như thể sự bức bách bao năm, sự dồn nén bao năm tuột ra khỏi mình. Trời đông tối như mực tàu. Đêm như lặn sâu vào tận đáy hơi thở mẹ.
Không lâu sau, không biết tin ở đâu, người ta nói khe Mung Lung có vàng sa khoáng. Khe như bị cưỡng hiếp, bức tử. Người người. Máy máy. Từ mọi ngả. Kéo về. Khe không quen với ồn ào, quặn lên, đục ngàu. Những bụi cây rậm rạp, trong đó có hoa bông trang, bị chặt để làm quang đãng hai bên bờ khe. Những cánh hoa bông trang bầm dập đỏ ối phủ kín mặt nước, trôi xuôi trong đắng đót xót xa. Như thể hoa thắp lửa cho khe lần cuối trước giây phút tiễn biệt chia ly. Mẹ Trang đứng trên nhà nhìn xuống khe, được lúc, như thể thấy không nỡ, đành quay vào.
Mẹ không tiếp khách lạ nữa.
Những người cần được bùa ngải để kiếm chồng hay bỏ chồng đến rồi chưng hửng ra về.
Từ đấy nước khe đục ngàu, loang lổ những mảng dầu máy. Chiều xuống, hoàng hôn không buồn đỏ. Nếu có, cũng là thứ đỏ gượng gạo, yếu ớt.
Chiếc bát sành dùng để lấy nước khe bị bỏ quên chỏng chơ trong góc buồng từ khi nào chẳng hay.
5. Trang và chồng sắp cưới lên đến đoạn đầu nguồn con khe. Nước khe ngàu lên hơn những đoạn phía dưới. Phóng mắt lên trên. Phía xa. Có tiếng máy nổ xình xịch. Là máy hút cát. Hết vàng sa khoáng đến cát. Người ta muốn tận diệt con khe.
Trang nghe nói đã nhiều, giờ mới được tận mắt chứng kiến.
Phía trên nữa là đập tràn. Mùa này ít nước nên đập chỉ chảy ri rỉ. Phải mùa mưa nước trên đập mới dữ dội. Từng có vài con trâu, vào mùa mưa lớn, do hám cỏ non mà sẩy chân trượt xuống đập, quẫy đạp cho đến chết.
Trang chỉ tay xuống chân đập tràn, nói:
- Dưới kia, đợt lũ ngày trước, có một anh trong làng lên quăng chài bắt cá, nước xoáy mạnh, vật lộn nửa buổi thì tuột mất quần đùi. Phải bơi theo khe về dưới làng nhắn người nói vợ đưa quần ra mới về được.
- Giờ có người như vậy ở đây khéo đông người chạy theo lắm. - Anh trêu chọc Trang.
- Theo thì được gì. Ngâm nước nửa buổi chim cò ngủ đông rồi.
Trang nói rồi rúc vào ngực anh, như xấu hổ.
- Mai mình đi mời bố về dự đám cưới nhé. - Anh nói.
Trang gật. Đúng ra có thể gọi họ là vợ chồng. Vì đã có giấy đăng ký kết hôn. Mọi chuyện còn lại chỉ là thủ tục.
Chiều lặn mất tiêu lúc nào mà cả hai không biết.
Trang và anh ghì lấy nhau, bằng những nụ hôn dài và sâu.
Cỏ dưới chân Trang, rồi dưới lưng Trang, mềm hơn bao giờ hết. Bàn tay anh sục xạo trong Trang. Nhẹ nhàng mà mạnh mẽ. Từ tốn mà tham lam. Muốn lịm đi. Con khe thơ thái mềm mại mở ra trong Trang. Anh mê mải ngụp lặn, bơi ngược bơi xuôi, vùng vẫy theo dòng khe ấy. Mung lung và dào dạt, như thể khe Mung Lung thuở xưa Trang từng ngụp lặn
Trại sáng tác VNQĐ, Đồng Nai tháng 5/2014
V.T.L