.HIỀN NGUYỄN
Trời nồm, nhà thấp, nhìn đâu cũng thấy nhớp nháp, ẩm mốc, hôi xì. Cô chỉ biết thở dài và muốn đập ngay cái nhà này đi để xây lại cho cao ráo, thoáng mát như nhà đằng trước. Mà không, đã mất công xây, phải cao hơn nhà đằng trước mới bõ. Nhưng mà hai vợ chồng và hai đứa trẻ nheo nhóc, tháng nào tiêu hết tháng ấy thì lấy đâu ra xây nhà, lại còn đòi xây cao hơn. Viển vông quá.
Hồi yêu nhau, có lẽ với cô và anh chỉ cần một cái phòng nho nhỏ đủ kê cái giường, bộ bàn ghế biệt lập với thế giới bên ngoài đã là lý tưởng lắm rồi. Dắt nhau vào nhà nghỉ, làm gì có tiền, lại ngại. Đưa nhau ra công viên, có muốn âu yếm nhau một tí thì mắt cũng phải nhìn trước ngó sau nườm nượp người từ ông bà già, lũ choai choai chuyên nhìn trộm đến trẻ con cầm bóng bay hồn nhiên. Đến khi cưới nhau, bố mẹ chồng bảo cho căn nhà tập thể được mua bằng tiền tích cóp mấy chục năm công chức để ở riêng. Không chỉ một căn phòng biệt lập như mơ ước mà có cả bếp và khoảnh sân nho nhỏ trồng tí hoa tí rau. Căn nhà mấy chục mét vuông chẳng khác gì thiên đường với đôi vợ chồng mới cưới. Nhà riêng, muốn âu yếm nhau lúc nào được lúc ấy. Ngày nghỉ ngủ đến mấy giờ dậy cũng không lo bà mẹ chồng liếc ngang liếc dọc, bóng gió xa xôi.
Đứa con trai đầu lòng ra đời. Căn nhà tuy chật hơn một tí. Nhưng không sao, vẫn ở tốt.
Hai năm sau, đứa con gái lại ra đời. Lúc này cô bắt đầu thấy căn nhà quá nhỏ bé.
Hàng ngày, khi con cái đi lớp về, vợ chồng tan sở, chỉ có bốn người mà cảm giác căn nhà co lại, chỉ đủ cho mỗi người ngồi một góc. Buổi tối đi ngủ, cô và chồng phải nằm ở hai giường. Thằng lớn nằm với bố. Đứa con gái nằm với mẹ. Họ giao hẹn mỗi lần làm tình, điện thoại đặt ở đầu giường, để chế độ rung, khi con ngủ say ở giường nào trước thì người đó nháy vào máy ngầm ý “bên này đã sẵn sàng, chỉ còn bên ấy thôi”. Nếu bên ấy nhắn lại ngay thì cả hai cùng ra phòng khách để cuộc yêu bắt đầu. Còn chưa nhắn lại thì bên nào sẵn sàng rồi cũng cứ phải nằm yên đấy mà đợi. Nếu không có sự hợp tác hay huỷ bỏ giữa chừng vì sức khoẻ, con cái quấy khóc thì nhắn tin lại báo cho nhau biết.
Lần ấy, ở giường cô, đứa con gái đã ngủ. Cô nháy lại điện thoại “sẵn sàng” cho chồng. Thế mà vừa rón rén ra khỏi giường đứa con đã hua tay sờ sờ, không thấy mẹ, nó lồm cồm bò dậy khóc toáng lên. Cô lại vội vàng vào nằm cạnh và vạch ti ra cho con bú. Đứa bé thôi khóc, bú lấy bú để. Còn anh chồng đi đến phòng khách, nghe tiếng con khóc, biết vợ không ra được, định quay về giường mình ngủ, nhưng lần chần thế nào lại ra nằm giường vợ. Nằm đợi. Mười phút, mười lăm phút, đứa con vẫn bú chọp chọp. Anh ép sát vào người vợ. Một bên ti con bú thì một bên chồng đặt tay vào. Một lúc lâu mà con vẫn cứ bú. Anh chồng ngọ nguậy không chịu được, bàn tay luồn dần xuống dưới bụng vợ. Không gian chật chội, hai người ngửi thấy rõ mùi yêu đương đang chín, đang nồng nàn của nhau. Không đợi cô ra phòng khách nữa. Không cần đợi con ngủ say nữa. Mặc con vẫn cứ bú mẹ, chồng cứ làm việc của chồng.
Án ngữ trước nhà cô là ngôi nhà hai tầng. Nhà xây kiểu cũ, cũng được khoảng hai chục năm rồi. Mùa đông còn đỡ. Mùa nồm thì khốn khổ khốn nạn. Mùa hè như cực hình, bao nhiêu gió mát, không khí trong lành dường như nhà hai tầng kia hứng hết khiến nhà cô vừa thấp bé lại càng thêm oi bức, ngột ngạt. Đã cố cơi nới, sửa sang từ nhà mái ngói dột nát thành mái tôn chống nóng, lại có một lớp xốp, từ công trình phụ tách biệt đã được chắp nối liền với nhà. Nhưng hè đến, từ phòng khách nhìn vào toàn thấy lưng người là lưng người, hơi thở phả ra, hít vào cũng nóng ran. Người lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi. Vừa tắm xong, mặc quần áo vào lại muốn nhảy tùm vào nước. Nhiều khi, cô thầm ước, thôi, chả xây được ba bốn tầng long lanh hiện đại như mọi người ở cơ quan, giá có cái nhà hai tầng thế kia ở cũng được. Vợ chồng con cái… mỗi người cũng đủ một phòng riêng. Ước, rồi tự nhẩm tính, xây hai tầng như thế, tiết kiệm cũng phải mất đến nửa tỉ chứ ít à. Bao giờ nhà mình có nửa tỉ. Thôi, lại viển vông rồi.
Thế mà sáng nay, nhà đằng trước quyết định đập bỏ cái nhà hai tầng để xây mới. Nghe đâu, xây tận bốn tầng. Cô buốt ruột nhìn chiếc máy múc chìa cái gàu sắt to đùng gạt, húc, ủi từng mảng tường. Mỗi lần như thế là “rầm” một cái khiến căn nhà cấp bốn của cô lại khẽ rung lên, nhìn thật tội nghiệp. Giá cái ông gì có sáng kiến bê nguyên từng khối nhà từ nơi này sang nơi khác dạo nào hay xuất hiện trên tivi cứ chuyển những ngôi nhà như thế này cho dân nghèo ở thì tốt biết mấy.
Sau ngày nhà đằng trước động thổ, cả tuần liền hai vợ chồng nằm ôm nhau ở phòng khách, chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện làm tình. Thay vào khoảng thời gian đó là câu chuyện về nhà đằng trước xây với vẻ lo lắng, ghen tị, thèm muốn, bất lực…
Nhà đằng trước mỗi ngày một cao lên.
Các nhà cùng khu cũng thi nhau đập nhà cũ, xây nhà mới.
Còn nhà cô hình như mỗi ngày một bé đi.
Đã có lúc sôi sục lên, hai vợ chồng cô tính nước liều vay họ hàng mỗi người một tí để xây nhà. Nhưng mở miệng vay tiền, ai cũng hỏi có bao nhiêu rồi mà định xây nhà. Chưa có đồng nào mà định xây nhà á, hâm à. Khi nào định xây cái nhà nửa tỉ thì chí ít cũng phải có bốn trăm triệu thì hãy ngửa tay ra vay nhé. Giờ thì ai cho vay. Vay đến khi nào mới trả được. Không vay, cứ ở cái nhà cũ còn được gọi là người. Chứ vay rồi, ăn không đủ, lại trả nợ thì khác nào con trâu.
Nghèo hèn không phải cái tội. Đầy rẫy người cũng muốn thoát cảnh nghèo hèn lắm mà chịu. Phải chấp nhận chứ sao. Cô tự nhủ lòng mình thế và an phận sống trong ngôi nhà cấp bốn.
Chẳng ngờ, mới được hơn năm nhà đằng trước đập đi xây mới lại có nguy cơ phải dỡ bỏ vì quy hoạch đường. Mà phải dỡ bỏ thật chứ không còn là tin đồn. Bản đồ quy hoạch được công bố, phổ biến tới từng hộ dân. Tất cả nhà dãy đằng trước phải di dời để mở rộng đường. Nhà của cô trong ngõ bỗng dưng trở thành nhà mặt đường. Có nằm mơ cô cũng không dám mơ như thế bao giờ. Trong khi dãy nhà đằng trước còn đang nham nhở tháo dỡ thì nườm nượp người đến nhà cô hỏi mua đất. Mỗi người một giá, mỗi ngày một giá khiến vợ chồng cô bất ngờ, chóng hết cả mặt.
Nhà cô đất gần vuông, rộng tám mét, sâu mười mét, cắt làm hai quá đẹp. Hơn nữa, các nhà xung quanh cũng kiên cố hết rồi, hỏi mua, muốn nhà theo ý mình chỉ có cách đập đi. Mà khi bán ai nó tính bán đất nền. Không đủ tiền đập đi xây mới thì cứ thế mà ở. Nên nhà cô sập sệ, phá chẳng tiếc, có bán cũng không tính thêm giá nhà xây bỗng nhiên trở thành lựa chọn đầu tiên của giới mua đất. Nếu cách đây năm, hơn năm, ai hỏi mua mà được giá cô và chồng sẽ bán ngay. Nhưng giờ thì lưỡng lự. Thử nhìn xung quanh mà xem. Cũng khổ đất thế, họ xây biệt thự, xây nhà chữ L. Chả nhẽ nhà mình bán đi một nửa lại xây nhà ống mặt tiền bốn mét thôi á. Người phản đối và nhận ra sự không cân xứng này chính là cô. Anh chồng bảo, gớm, chả mơ mãi nhà mới, chỉ cần có được cái nhà cũ hai tầng người ta đập đi bê về ở cũng được, giờ chỉ cần gật đầu một cái có nhà bốn, năm tầng lại còn đòi mơ biệt thự. Cô kiên quyết không.
Việc cô không đồng ý bán nửa đất lại càng khiến những người mua tranh giành, đẩy giá cao hơn. Anh chồng mấy lần định gật đầu đồng ý nhưng cô vẫn khăng khăng giữ lại mặt tiền sáu mét, chỉ bán hai mét, ai muốn mua thì mua. Khách mua đều lắc đầu. Anh chồng bực mình, cô bán hai mét để họ xây tổ chim ở à, cô định trả thù, định hả giận những ngày ấm ức nhà bé ẩm thấp ngột ngạt à? Cô thì gân cổ, không có tiền xây nhà, mang tiếng bán đất, không đủ sức xây biệt thự như hàng xóm xung quanh thì ít ra phải ở nhà to, nhà chữ L cho bõ. Có mang tiếng thì mang tiếng một lần thôi.
Ai cũng có lý do, căng thẳng, chán nản. Chỉ có căn nhà mãi cứ bé, lũ trẻ con thì ngày một lớn.
May sao, đúng lúc đó, nhà hàng xóm sang gõ cửa. Thằng con nhà hàng xóm vướng vào cá độ bóng đá, không trả nợ nhanh thì ngồi tù. Tiền bạc trong nhà đội nón ra đi hết cả rồi. Giờ chỉ còn bán đất may ra cứu được cảnh con tù tội. Nhà hàng xóm xây theo kiến trúc biệt thự, nhưng chừa một lối đi hai mét chiều rộng, sát nhà cô. Giờ đây họ có nhã ý cùng với nhà cô bỏ ra hai mét mặt tiền nữa là thành mảnh đất có bề rộng bốn mét. Như thế là cô vừa có nhà to, hàng xóm cũng giữ được nhà, chỉ mất lối đi mà cứu được con. Phương án đưa ra được cả hai hỉ hả, đồng ý và việc bán cũng nhanh đến bất ngờ.
Suốt những ngày chuyển nhà, rậm rịch động thổ, nhà cô vui hơn tết. Cô cứ vênh mặt lên với chồng, bảo rằng mình có quyết định đúng. Chồng bảo, ăn may thôi. Cô cãi, may là may thế nào, tính toán cả rồi đấy. Phải người có phước lắm mới lấy được cô đấy. Chồng cười, tặc lưỡi, thì có ai bảo lấy mẹ mày là không có phước đâu. Thôi được rồi, từ giờ chuyện lớn bé gì cho mẹ mày quyết, bố đỡ phải tham gia, càng nhẹ người. Cô liếc mắt, nhưng có một chuyện hàng đêm bố không thể bỏ mặc đâu nhá. Chồng liếc lại vợ, được rồi, được rồi.
Ngôi nhà cũ đã được đập đi. Căn nhà thuê ở tạm cũng không khá hơn so với nhà cũ. Cô bảo với anh là lúc căn nhà đổ ụp xuống như đống gạch vụn trước mắt, cô đã nghẹn người và thấy bâng khuâng. Lẽ ra nó phải được đập đi và xây mới lâu rồi, nhưng dù sao, đó cũng là nơi vợ chồng con cái gắn bó dăm bảy năm trời. Đây là tổ ấm đầu tiên của vợ chồng cô khi cô theo anh về làm vợ. Nó là nơi chứng kiến mọi vui buồn hạnh phúc của đời cô khi hai đứa con lần lượt chào đời. Cô bảo với chồng, khi nào nhà xây xong, cô sẽ nghỉ làm, chỉ ở nhà chăm chồng con và nhà cửa thôi. Chồng con sẽ được ăn những món ngon, cầu kỳ mà trước đây phải hiếm hoi lắm, vào những dịp lễ tết cô mới nấu. Lúc ấy, cô chỉ việc ở nhà đọc sách dạy nấu ăn, đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, lau dọn nhà cửa, đưa đón con đi học. Rồi tầng nào cô cũng sẽ trồng hoa thơm ngát. Thỉnh thoảng cả nhà đi du lịch. Chồng cô đồng ý ngay, còn nói thêm, tiện thể sinh thêm đứa nữa nhé. Cô cũng hưởng ứng nhưng kèm theo điều kiện là xây nhà xong phải còn thừa ít tiền mới dám đẻ tiếp.
Mọi thứ thuận lợi nên chỉ sau ba tháng căn nhà mơ ước của vợ chồng cô đã xong. Mùi xi măng, sơn tường vẫn còn phảng phất nhưng chả ai phàn nàn gì, cứ tíu tít khuân vác, trang trí, kê đặt, nâng lên hạ xuống. Tầng một có phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ và công trình phụ. Tầng hai ba phòng rộng thênh. Vợ chồng cô một phòng. Hai đứa con, mỗi đứa một phòng riêng, chăn ga gối đệm, giường tủ mới tinh. Chỉ có phòng vợ chồng cô là dùng đồ từ nhà cũ.
Đêm đầu tiên ở trong căn nhà mới, cô thấy trong người chộn rộn thật khác. Hai vợ chồng được nằm riêng, chẳng khác hồi mới cưới. Một thiên đường bình dị, thực sự của riêng cô là đây. Cô đã từng có, nhưng rồi nhanh chóng biến mất khi từng đứa con ra đời. Phải cho đến tận bây giờ, cái thiên đường huyền diệu, bí mật kia mới quay trở lại. Cô nằm giữa giường, dang rộng cánh tay. Mới chỉ thế thôi cô đã thấy dễ chịu, thoải mái. Anh chồng trong trang phục adam cũng vào nằm cạnh cô, nhẹ nhàng, cởi từng thứ trên người cô. Vứt hết những canh chừng, lo sợ, vội vã, gấp gáp… anh chồng đặt môi lên bầu ngực cô. Nhưng đúng lúc này, tiếng đập cửa thình thình xen lẫn tiếng thút thít của đứa con gái út. Cô và anh nhanh chóng ngồi bật dậy, vơ vội quần áo vào mặc. Chưa kịp mặc xong, đứa con gái lại gào lên, mẹ ơi, mở cửa cho con. Anh chồng hỏi vọng ra, con sao thế? Cô lao ra mở cửa, đứa con ôm chầm lấy mẹ, con ngủ một mình sợ lắm, con sợ ma, sợ ba bị. Con muốn ngủ với bố mẹ như trước. Con không ngủ một mình đâu, hích hích. Anh chồng trừng mắt: Không được, con lớn rồi. Phải ngủ riêng. Làm gì có gì mà sợ. Đứa con càng ôm chặt mẹ, vừa khóc vừa ỉ ôi, con không ngủ một mình đâu, con sợ, có tiếng gì cứ u u. Cô ôm con, vỗ về, thôi được rồi, hôm nay ngủ với bố mẹ. Muốn con ngủ riêng, cũng phải từ từ bố ạ. Thiên đường của cô đột nhiên biến mất. Chẳng khác so với hồi nhà cũ là bao.
|
Minh họa: Thành Chương |
Ở nhà mới được một tháng, cô mới tá hoả mọi nhu cầu chi tiêu đã không còn giống như trước. Đi ra chợ mua thịt bò, tay vừa nhấc thịt dải lên như thói quen đã bị bà bán hàng bĩu môi, nhà to phải ăn thịt thăn nhá. Đến hàng hoa quả, ai cũng ấn cho cô đồ ngoại đắt gấp dăm bảy lần hoa quả thường. Rồi đến cơ quan, chị em xúm xít phải mặc váy hiệu này, áo quần hiệu kia mới xứng đáng… Đi cỗ bàn ma chay hiếu hỉ cũng thế. Ngày trước ở cái nhà dột nát, thôi thì cứ phong bì theo mức sàn chả có gì lăn tăn. Giờ, không thể chường mặt ra với cái phong bì hạng bét khi thân chủ đóng đinh trong đầu rằng người này nhà to thế mà keo kiệt. Đến tiền điện, tiền nước cũng ngót nghét tăng gấp đôi. Cô chóng hết cả mặt. Hoá ra để xây được cái nhà to bằng một khoản tiền không phải do mình nhặt nhạnh kiếm ra rồi duy trì cuộc sống tương ứng với ngôi nhà cũng rất mệt. Cô mang chuyện này kể với bà chị gái cũng từng bán đất xây nhà trước cô vài năm. Bà chị gái cười ngất. Đấy là còn chưa kể, thợ làm ẩu, độn hàng đểu. Dùng vài ba tháng nước ri rỉ khắp nhà, gọi thợ vào sửa còn đắt hơn xây mới, mất nửa năm lương là chuyện thường. Cái vòi nước hàng nhái cứ tong tong nước bực cả mình. Muốn thay quách nó đi là mất đứt tháng lương.
May là tiền bán đất xây nhà vẫn còn thừa một ít. Cô đã nhanh chóng trở về với mặt đất để đối diện với cuộc sống thường ngày. Nhưng tất cả những dự định khi có ngôi nhà mới đã không được cô thực hiện. Cô không nghỉ làm ở nhà chăm lo gia đình, không sinh thêm con, không có kế hoạch du lịch nào được đặt ra, mấy chậu hoa trang trí thơm ngát cũng chưa kịp mua…
Cô đang nghĩ cách kiếm tiền. Phải kiếm thật nhiều tiền mới sống tương xứng và đẳng cấp với ngôi nhà. Chứ cứ đì đẹt đồng lương công chức thế này chỉ được cái xác nhà to thôi. Chưa kịp nghĩ ra làm thêm cái gì để có nhiều tiền thì lại một cơ hội bất ngờ đến với gia đình cô.
Một công ty có nhu cầu thuê lại toàn bộ căn nhà của vợ chồng cô. Vừa làm nơi giao dịch, vừa làm luôn nơi ở. Giá thuê nhà một tháng gấp đôi cả lương của cô và chồng cộng lại. Mới nghe đến đó, chồng cô gạt phắt đi. Bao năm mơ ước có nhà mới, nhà rộng. Giờ mới được hưởng thì lại để cho thiên hạ. Khác nào mình bày cỗ sẵn cho nó ăn. Nhưng mà nó trả tiền, lại trả hậu hĩnh. Mình không cho nó thuê, tiền đó, nó thuê đâu chả được, cô lý giải với chồng. Không là không, chồng cô quả quyết. Cô lại mềm dẻo. Hai mươi triệu một tháng trong thời buổi kinh tế khó khăn này không phải là nhỏ, đến bao giờ anh và cô đi làm mới có được số tiền này. Giờ mình chịu khó đi thuê nhà ở ngoài. Tiền nhà, tiền nước, điện hết năm triệu. Thế chả có mười lăm triệu một tháng à? Một năm chả để ra được gần hai trăm triệu. Cho họ thuê nhà dăm năm, cộng với tiền cũ nhà mình chả được cả tỉ à. Lúc nào có một tỉ rồi, về nhà mình ở. Tiền thì gửi ngân hàng, một tháng tự nhiên có ngót nghét chục triệu lãi, cộng với lương hai vợ chồng, tha hồ tiêu pha. Chứ cứ như bây giờ thì chỉ được cái tiếng chứ làm gì có miếng. Thôi, chịu khó đi anh. Chỉ năm năm thôi. Khi nào có đúng một tỉ để dành, mình sẽ về nhà mình ở. Anh chồng thở dài, không nói gì. Cô lại bồi thêm. Thế cái hồi bán đất, em quyết giữ lại hai phần ba là đúng đấy thôi. Anh cũng bảo, sau này có gì lớn bé cho em quyết còn gì. Chồng thở dài thêm cái nữa, buông thõng một câu: Tuỳ mẹ mày.
Tuỳ mẹ mày, tức là đồng nghĩa với việc cả nhà lại dắt díu nhau đi ở nhà thuê trong kế hoạch năm năm của cô. Lần này chỉ có cô hào hứng, còn ba bố con mặt buồn thiu. Nhưng rồi, thói quen cũ của những năm tháng nghèo đói chưa kịp phôi phai khiến họ dễ dàng trở về lối mòn xưa. Nhất là đứa con gái út, sau mấy ngày “nhớ nhà” đã nhanh chóng thích thú với căn nhà thuê chật chội vì hàng đêm lại được ngủ chung với bố mẹ. Cái thiên đường của vợ chồng cô lại bị vùi lấp có thời hạn.
Quả thật, chịu thiệt thòi nhà chật một tí nhưng vợ chồng cô chi tiêu đã thoải mái hơn rất nhiều. Cô đã có thói quen, cứ ngày mồng mười hàng tháng, theo hợp đồng thuê nhà, cô ra rút tiền. Tối đến, cô ngồi trong màn cầm bút và sổ có chữ “Thu – Chi gia đình” tính tính toán toán, tháng này gửi thêm ngân hàng cả gốc lẫn lãi là bao nhiêu. Tháng này thuê nhà, điện, điện thoại, ga, nước, chi tiêu bữa cơm hàng ngày tổng cộng bao nhiêu. Hồi đầu, mải mê cộng trừ các con số trên sổ, anh chồng nhìn thấy, kéo màn lên, ngó mặt vào hỏi, mẹ mày dạo này chơi đề à, mai kết con gì thả đi cho mấy bố con lấy lộc kiếm cốc bia hơi nhắm bánh đa. Cô cười phá lên, đề đóm gì, đang làm công việc kế toán không lương cho cái nhà này đây.
Ngày mười một hàng tháng là cô phi ra ngân hàng, cộng thêm tiền vào sổ tiết kiệm.
Cô càng ngồi tính toán chi tiêu bao nhiêu thì thời gian dành cho chồng con càng ít bấy nhiêu.
Những cuộc làm tình của hai vợ chồng ngày một thưa vắng.
Con cái học hành thì cứ tự mà ngồi học, cô không có thời gian kè kè ở bên giám sát như trước.
Buổi tối, ăn cơm xong, mỗi người một việc. Cô vợ vào phòng ngủ mắc màn làm kế toán kiêm thủ quỹ không lương nhưng vô cùng mẫn cán với sổ sách và các con số. Anh chồng ra phòng khách ngồi xem ti vi, hai đứa con ngồi vào hai cái bàn kê sát nhau để học ngay tại phòng ngủ. Căng thẳng bắt đầu nổ ra từ góc học của hai đứa con. Thằng anh đang say sưa làm bài thì con em gái ông ổng học thuộc lòng. Thằng anh quát, bé bé cái mồm thôi cho anh còn tập trung học. Con em lý sự, không đọc to lên em không thuộc lòng được. Nói xong, đứa em thản nhiên lặp lại đoạn vừa đọc xong như chưa hề nghe thấy lời nhắc nhở của anh trai. Thằng anh càng cáu tiết: Mày có để cho người khác học không? Đứa em cãi lại: Thì em cũng đang học đấy chứ, có làm gì anh đâu, bài ai người đấy học. Mày ra ngay chỗ khác học thuộc. Hôm nào không phải học thuộc thì hãy ngồi ở đây. Anh bảo ra đâu bây giờ, phòng mẹ thì đã mắc màn rồi. Phòng khách thì bố xem phim, không lẽ ra ngoài đường để học thuộc lòng à? Tao không biết, nhưng cứ như cái loa phát bên tai tao không học được. Nói xong, thằng anh nhấc mông đứng dậy giật lấy quyển sách của đứa em. Đứa em gái lu loa, vừa khóc vừa nói, sao anh không đi tìm chỗ nào yên tĩnh mà học, hu hu, trả em quyển sách đây. Mẹ ơi, anh lấy sách của con. Từ phòng ngủ, nghe thấy tiếng chí choé của hai đứa, cô chạy vội ra. Trong khi đó, ở phòng khách, ông bố không hay biết gì, vẫn say sưa xem ti vi. Cô trừng mắt quát đứa con trai, bắt phải trả lại sách cho em và bảo, có chuyện gì phải nói với bố mẹ, hai anh em không được tranh giành nhau. Đứa con trai ngoan ngoãn vâng dạ và trả lại sách cho em. Cô lôi đứa con gái ra phòng khách, không nói không rằng cầm cái điều khiển ti vi tắt phụt trước sự ngạc nhiên của anh chồng. Anh chồng chưa kịp phản ứng gì thì cô đã nói: Tắt đi yên tĩnh cho con nó học thuộc. Hai anh em nó chí choé nhau, đứa học thuộc, đứa làm bài tập mà bố không biết gì, cứ điềm nhiên ngồi xem ti vi. Không cần biết phản ứng của anh chồng thế nào, coi như sắp xếp đã xong, cô bỏ vào phòng của mình, tiếp tục công việc cộng sổ.
Thói quen ngồi cộng sổ tính toán Thu – Chi gia đình trong màn ngày một ăn sâu vào cô. Ban đầu, mỗi tháng chỉ có ngày mồng mười, giờ đây ngày nào cô cũng phải chui vào màn cầm cái bút nhớ nhớ ghi ghi, cộng cộng trừ trừ. Xem ngày hôm nay mua những gì, còn bao nhiêu, so với hôm trước là ít hay nhiều, đắt hay rẻ, gạo, đậu là thứ ít lên giá, còn rau cỏ, thịt thà tôm cá cứ hơi tí thích là nhích…
Tối hôm nay, đến lượt thằng anh có bài học thuộc lòng. Thế là đứa em gái ngồi ở phòng học, còn anh lại ra phòng khách bắt đầu lặp đi lặp lại từng dòng chữ. Ông bố nhìn thấy con cầm sách vở ra ngồi, biết ý, tắt ti vi và nằm dài ra ghế. Đang nằm im nghe con đọc bỗng cô hớt hơ chạy ra hỏi anh chồng: Anh có tiền không cho em vay ba triệu? Tiền nào, có bao nhiêu lương lĩnh đưa hết cho mẹ mày rồi, còn có vài đồng tiêu vặt trong ví trên mặt bàn đấy, còn đào đâu ra nữa. Thì anh nhớ xem, còn khoản nào ở thẻ ATM không, ra rút cho em vay? Mẹ mày hay nhỉ, cứ làm như bố có quỹ đen ấy. Cô lẳng lặng ra khỏi phòng khách, chạy ra phía cửa chính, rút điện thoại ra gọi cho chị gái. Ở trong nhà, anh chồng nghe loáng thoáng vợ mình gọi điện cho chị gái hỏi vay tiền, giọng điệu rất nghiêm trọng. Thấy lạ và linh cảm có gì không bình thường, anh chồng ngồi dậy, tiến thẳng tới chỗ cô vợ. Cuộc điện thoại vừa chấm dứt, vẻ mặt cô vợ tươi vui hẳn lên. Anh đoán, chắc đã vay được tiền. Anh ngạc nhiên hỏi vợ. Tiền bao nhiêu em giữ, cả nhà có tận mấy trăm triệu, lại vừa hôm qua lấy tiền thuê nhà mà em không có tiền phải đi vay à? Hay là có chuyện gì? Không có chuyện gì cả, chỉ là tháng này tiêu nhiều hơn tháng trước ba triệu vì đóng học cho con. Em muốn vay ba triệu để cho tròn hai mươi triệu mai còn đi gửi ngân hàng. Cô thản nhiên giải thích cho chồng.
Ôi giời ơi, người ta thiếu tiền mới phải đi vay, khổ sở đói khát, ốm đau bệnh tật hoạn nạn mới phải đi vay. Còn mình dư tiền, thừa tiền để gửi ngân hàng lấy lãi, chỉ vì thiếu một ít cũng phải đi vay cho tròn chục. Sao đời lại có người suy nghĩ lạ thế không biết. Anh chồng chột dạ nhận ra, vợ mình đã thay đổi quá nhiều.
Cũng vẫn cái cảnh nhà bé hin hin, nhưng trước đây, khi còn nghèo khó cuộc sống của gia đình vẫn đầm ấm dù thỉnh thoảng phải chứng kiến cảnh cằn nhằn vì tiền hết, nhà dột từ miệng vợ. Còn giờ, nhà bé nhưng các thành viên trong gia đình cứ rời rạc, sự cằn nhằn tính toán thua thiệt chuyển từ trạng thái thiếu sang trạng thái làm thế nào cho nó ngày càng nhiều lên.
Anh nhớ, có hôm mất điện cả ngày. Bữa tối cả nhà ăn sớm. Ăn xong, hai đứa con lăn ra ngủ. Hai vợ chồng nhanh chóng hẹn ra phòng khách. Cả hai rất thoải mái và nhập cuộc dễ dàng. Xung quanh tối um, im ắng, chỉ nghe thấy những tiếng thở gấp gáp của cô và chồng. Cô bắt đầu thấy các dây thần kinh khắp người lan toả và cùng dâng cao lên. Cần phải giải toả, cần phải xả đi, không thì không chịu được, cả cơ thể sẽ nổ tung mất, cô nhanh chóng nhập cuộc. Cho đến khi thấy mình bị dồn vào một góc, cô định hét lên, còn tay thì đẩy anh chồng ra, nhưng anh chồng không buông tha, đổ gập vào người cô, bắp tay anh chặn ngang miệng cô, mặc cho cô cắn. Chỉ vài giây như thế rồi anh chồng nằm im trên người cô trong cảm giác khoan khoái. Một lúc sau anh mới từ từ rời khỏi người cô. Cô từ từ sờ vào cánh tay vừa bị cắn, rồi sải rộng ra để gối. Hình như tay anh chạm phải cái gì, không sải rộng được, chỉ đến khuỷu tay phải gập lại. Không hề gì, nhà chật, vợ chồng cô quen thế rồi, cô nhẹ nhàng đặt mình xuống. Nhưng sao thế này, chân cô cũng không duỗi được như mọi khi, có cái gì rất vướng ở dưới. Cô lồm cồm bò dậy, căng mắt ra nhìn trong bóng tối. Cô bụm miệng cười và kéo anh chồng dậy thì thầm “anh ơi, mình vào đến bếp rồi, khiếp!”. Anh chồng cũng ngồi dậy ngay. Đúng là bếp. Nhưng có di chuyển gì đâu mà từ phòng khách ra tận bếp nhỉ? Anh chữa ngượng. Cô vợ thì trách yêu: Gớm, hăng quá, còn biết phương hướng gì nữa mà kêu.
Những ngày tháng cũ sao quá xa vời. Giờ đây những giờ phút quý báu họ không còn háo hức, không còn dành cho nhau nữa. Những cú nhá máy, những tin nhắn mỗi tối cứ thưa dần thưa dần, rồi mất hẳn. Mỗi lần muốn gần gũi vợ, anh phải chủ động vào phòng cô, kéo cô cùng ra phòng khách… Tất cả đã nhường chỗ cho việc cô ngồi cộng trừ nhân chia các con số đến mức chúng nhão ra, bạc đi trong cuốn sổ Thu – Chi gia đình ngày một dày lên. Cộng trừ chán, mỏi mồm, mỏi tay thì cô ngủ.
Hôm nào con học ở phòng khách, anh phải từ bỏ thói quen xem ti vi. Chẳng có việc gì làm, anh nằm dài trên ghế. Rồi lơ mơ, biêng biêng, ngủ không ra ngủ, thức không ra thức. Khi nào con thuộc bài, anh uể oải tắt điện, lê vào phòng, chỉ đặt lưng xuống giường để thoả cơn ngủ đã chực kéo đến từ ban nãy.
Nhưng đêm nay, anh thấy khó ngủ quá. Anh thấy đã đến lúc cần phải thay đổi. Nếu không, cứ kéo dài thế này, nguy cơ rạn nứt gia đình chẳng còn bao xa sẽ ập tới. Anh nghĩ, cần phải nói chuyện với vợ. Rời khỏi giường ngủ của mình, anh nhẹ nhàng đi vào giường vợ. Vợ và đứa con gái đã ngủ. Anh đập đập khẽ vào người cô đánh thức. Cô chưa ngủ thật say nhưng có vẻ dứt khoát, gạt phắt tay anh ra, “Em đang đèn đỏ, mệt lắm”. Anh muốn nói chuyện khác. Chuyện gì thì để mai, cho con nó ngủ nữa. Anh kiên nhẫn, nói chuyện một lát thôi. Cô vùng vằng, em mệt, ngủ sớm, mai còn dậy sớm ra ngân hàng gửi tiền rồi còn đi làm không lại muộn bị trừ lương. Anh nuốt khan cục tức, dằn giọng. Không có ngân hàng ngân hiếc gì hết. Ngay ngày mai, chuyển về nhà ở. Cô ngồi nhổm dậy ngay lập tức, hỏi lại, anh vừa nói cái gì đấy. Anh có bị sao không? Anh chồng đề nghị hai vợ chồng ra ngoài phòng khách ngồi nói chuyện.
Ra phòng khách, bật đèn. Anh bắt đầu đặt một loạt câu hỏi cho cô: Em không thấy con cái học hành chật chội khổ sở à? Em không thấy hai vợ chồng bao năm lấy nhau rồi mà không có phòng riêng, cứ mãi ở cái phòng bé hin hin cùng với con cái à? Em từng nói, nhà mình chịu khó ở nhà thuê vài năm, khi nào lưng vốn được một tỉ thì sẽ chấm dứt, thậm chí em còn không đi làm để ở nhà chăm lo nhà cửa chồng con. Nếu anh nhớ không nhầm thì nhà mình đi thuê đã quá năm năm rồi, quá một tỉ mà em không hề có ý định quay trở về nhà. Em có biết, bi kịch của người có tiền mà không dám tiêu không? Hay là khi chưa có được mọi thứ họ cứ ao ước, cứ nghĩ nó cao siêu, xa vời để cố thực hiện, cố với tới bằng được. Đến khi chạm tới, với được, lại thấy nó quá bình thường và tự vạch cho mình một cái đích mới, cao hơn. Nếu cứ như thế mãi, cứ không bằng lòng với những gì mình đã và đang có thì chả bao giờ thấy sướng. Lúc nào cũng thấy khổ, cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Chồng cô tuôn xong một tràng dài. Cô giãi bày. Đúng là em từng nghĩ như thế và muốn như thế. Nhưng… Không nhưng gì cả. Ngay ngày mai, nhà mình sẽ chuyển về nhà. Có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Anh chán ngán cái cảnh đi thuê nhà, con cái chí choé tranh nhau chỗ học, hàng ngày em ngồi tính toán thu chi lắm rồi. Còn việc em có ý định nghỉ làm hay không thì tuỳ em, anh không ép.
Sao anh quyết định đường đột thế. Em không đồng ý. Em thấy cuộc sống như hiện nay cũng ổn đấy thôi.
Đấy là em nghĩ thế, nhưng thực tế không phải thế. Nếu em không đồng ý thì ba bố con anh sẽ chuyển về nhà, còn khi nào em đồng ý thì về cùng. Nói xong câu ấy anh thấy mình hơi phũ mồm. Nhưng biết làm thế nào. Nếu không thế, anh sẽ lại nghe theo những lời mủi lòng, đầy tính toán thiệt hơn của vợ rồi chần chừ, rồi không dứt khoát được.
Anh chấp nhận chịu mất một khoản tiền bồi thường vì không báo trước ý định chấm dứt hợp đồng thuê nhà của công ty đang thuê nhà vợ chồng anh làm trụ sở.
Đang mải mê kê đồ đạc được chuyển từ nhà thuê sang nhà mình, bỗng anh nhận được một cú điện thoại của đứa con trai, giọng lạc đi, bố ơi, về đây ngay, mẹ làm sao ấy, cứ chui vào giường, mắc màn, rồi lật tung chăn, ga gối lên, vừa khóc vừa kêu than, tiền của tôi, trả tôi đây.
Anh hớt hơ hớt hải chạy về, thấy vợ đầu bù tóc rối, mặt mũi đầy nước mắt tèm nhem, thần sắc như kẻ mất hồn, lúc thì mắt lờ đờ nhìn vào vô định, lúc thì đảo khắp nơi sục sạo tìm kiếm. Anh đến bên cô, khẽ hỏi: Em sao thế? Cô nhìn anh không chớp mắt: Mất hết rồi. Ai mất, mất gì? Mất tiền, mất hết rồi. Sao lại mất? Chị Phí ở ngân hàng giới thiệu một mối gửi tiền tiết kiệm có lãi suất cao hơn ngân hàng. Nhưng vỡ nợ rồi. Chị ấy vừa bị bắt. Thế nhà mình gửi vào đấy bao nhiêu? Tỉ hai. Trời, nhiều thế cơ à. Anh thõng người. Hu hu, giờ chỉ còn mười bảy triệu em chưa kịp gửi. Thôi được rồi, mình sẽ báo công an. Không sao cả, tạm quên số tiền ấy đi. Quên là quên thế nào, bao nhiêu năm dành dụm tích cóp, tiền của tôi, trả tôi đây, hu hu. Thì trước nay, nhà mình có ngần ấy tiền cũng có tiêu đến đâu. Em toàn mang gửi ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con. Nhà mình vẫn sống bằng đồng lương hai vợ chồng đi làm hàng tháng đấy thôi. Đến bao giờ nhà mình mới đòi lại được số tiền ấy, đến bao giờ nhà mình mới để ra được số tiền ấy. Mẹ mày hay nhỉ, coi như của đi thay người, nghĩ cách mà lấy lại chứ ngồi đấy mà khóc lóc tiền nó có chân chạy về chắc? Thôi, thu dọn đồ đạc về nhà mình cho xong đi rồi chiều làm đơn báo công an. Đột nhiên, cô vợ tròn mắt nhìn anh chồng hỏi lại: Về nhà nào, nhà mình đây còn đi đâu. Mẹ mày sao thế? Cái nhà mẹ mày ao ước từ thời nhà cấp bốn. Giải toả mặt đường, rồi bán đi một phần ba mới xây được mà giờ lại hỏi nhà nào. Em không đi đâu cả. Hồi gửi tiền, ghi địa chỉ nhà, em ghi ở đây mà. Em phải ở đây để người ta còn trả tiền cho em chứ? Nói xong cô chợt cười. Anh chau mặt, lắc đầu. Cô giật cái cúc áo của anh, ngây ngô nhìn, hỏi bốp một câu cụt lủn “nhỉ?”. Nói xong lại chui vào giường nằm như không có chuyện gì.
Anh đoán, có lẽ cô có vấn đề về tâm lý vì mất một khoản tiền lớn nên để yên cho vợ nằm nghỉ. Anh cùng con ngồi trông cô, gọi thêm đám cửu vạn vào thu dọn đồ đạc chuyển đi.
Ngủ thiếp đi, đến gần trưa cô dậy. Anh đưa cô xuống đường, bảo ngồi sau xe máy. Cô ngoan ngoãn nghe theo. Anh chở cô về nhà. Bữa cơm trưa nhanh chóng được dọn ra.
Ăn xong, cô không nói gì, cứ ngồi lì ở phòng ăn, đưa mắt nhìn khắp lượt, lạ lẫm. Quả thật là cô thấy ngôi nhà rất lạ. Rộng thênh. Nhiều phòng. Lắm lối rẽ. Cô đứng dậy, dò dẫm bước đi. Chân vừa đi đến bậc cầu thang này, còn chưa biết nó sẽ dẫn đến đâu thì một cái phòng đã hiện diện chình ình trước mặt. Cô giật mình. Nhìn trước, nhìn sau, hệt như kẻ trộm vừa đột nhập vào một ngôi nhà mà mình chưa kịp quan sát, thông thuộc.
Để tiết kiệm tiền thiết kế, trước khi quyết định xây nhà, hai vợ chồng cô đã mất hàng tuần đi tham khảo các ngôi nhà xung quanh. Nhà này ưu việt cái cầu thang, duyệt. Nhà này phòng khách đơn giản mà nhìn không chán mắt, duyệt. Phòng bếp nhà kia sao thiết kế rộng rãi, thoáng đãng mà tiện nghi thế. Lại duyệt. Từng góc nhỏ tiểu cảnh, từng mảng tường âm hình chữ nhật gắn đèn mắt trâu và đặt các tĩnh vật nhà kia nữa, sao lạ và đẹp thế. Lại duyệt. Một bản thiết kế cắt – ghép được hai vợ chồng cô lựa chọn, bàn cãi, nâng lên hạ xuống cuối cùng cũng được thực hiện. Thế mà khi bắt tay vào thực tế, cái nền này cao quá lại phải đập đi. Cái cánh cửa chính cố làm rộng hơn nhưng lại rơi vào số thước lỗ ban không đẹp, lại phải bít thêm một hàng gạch. Cánh cửa sổ mở ra lại thông thống nhà bên, lại vá chỗ này đập chỗ khác cho lệch đi… Chăm lo từng tí một là thế, cẩn thận từng chỗ một là thế, vậy mà sau khi xây xong, chỉ kịp ở ít hôm rồi cho thuê, cô lại thấy ngôi nhà xa lạ quá. Không biết có phải vì ở quá lâu trong những ngôi nhà chật hẹp mà cô thấy ngôi nhà ba tầng mình từng mơ ước quá lạ hay cô đang có bất ổn về tâm lý vì mất số tiền lớn?
Ổn định xong chuyện nhà cửa, đơn từ gửi công an, thấy vợ chưa thật khoẻ, anh xin cơ quan vợ cho nghỉ phép hết tuần. Còn anh, chỉ sau hai ngày lại đi làm bình thường.
*
* *
Sáng nay, cô ở nhà một mình. Chồng đi làm. Hai đứa con đi học hết. Cô nhìn kỹ lại ngôi nhà. Sao yên ắng. Lạ thế. Cô đang ở đâu thế này. Tại sao cô không có một tí ký ức ở nơi này nhỉ. À phải rồi, cô phải đi tìm quyển sổ và cái bút. Ô, may quá, sổ và bút ở ngay trước mặt. Cần phải chui vào cái màn. Cô đi tìm cái giường để mắc màn. Cô chạy từ tầng một lên tầng ba. Cô mở tung cánh cửa từng phòng ra, vẫn không nhìn thấy chỗ nào quen thuộc. Lại chạy từ tầng ba xuống tầng một. Còn một cánh cửa cô chưa mở ở dưới. Cô vội vàng mở toang cả bốn cánh cửa chính giữa nhà. Một luồng ánh sáng chói loá rọi vào. Và lạ chưa, ngay trước mặt cô, ngay sát đấy là hình ảnh ngôi nhà cũ. Cô mỉm cười, cứ thế, tiến về phía trước.
Đang ngồi ở cơ quan, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ, giọng bực dọc: Anh có phải là chồng chị Thêm không? Ra ngay khu nhà tập thể đường Muối đưa chị ấy về. Chị ấy cứ kêu khóc đòi vào nhà. Chúng tôi vừa mới chuyển đồ về đây thuê, chưa kịp ở đã có người ám quẻ, xui xẻo quá.
Như hiểu ra câu chuyện, anh vội vàng phóng xe về khu nhà thuê cũ.
Đúng là cô vợ đang ở đấy, cứ đập cửa nằng nặc đòi vào nhà.
Anh kéo mạnh cô ra. Đây không phải nhà của mình. Để anh đưa em về nhà. Cô vợ giật lùi lại, lắc đầu, không có nhà nào khác cả, nhà mình ở đây. Em không đi đâu cả
H.N