Trầm tích ao làng (Giải Tư)

Thứ Năm, 16/10/2014 09:07

TRUYỆN NGẮN ĐOẠT GIẢI TƯ

Trăng cuối tháng còn ngang ngọn tre, máy cắt lúa đã gầm. Yè… mè… hè… hè… è. Cửa nhà không đóng, tiếng máy Yamaha nhức tai. Hai Gù trở dậy, bước ra sân đứng dòm xuống cánh đồng lúa đang chín dần trong sương sớm. Ai cắt lúa sớm dữ vậy không biết. Hai như sực nhớ ra điều gì, quày vào bếp nhen lửa hâm lại nồi canh. Cơm nước qua loa, lật đật mang gàu dài ra tát ao Sen.

Ao Sen cửa miếu có từ thời xửa thời xưa. Chỗ nước mội(*) bên đàng, dân làng đào cho trâu bò uống, rửa ráy tưới rau. Sau mỗi mùa khô, ao được đào sâu rộng, thả nhánh sen cho nước thêm trong. Sen mọc đầy ao, thành tên ao Sen.

Hai đóng một cọc tre trên bờ ao, cột hai dây gàu dây cao dây thấp. Đứng chân trước chân sau lấy thế tấn, cầm hai dây một đầu gàu tát nhịp nhàng. Lưng gù nhấp nhỏm theo nhịp gàu, nước chảy ào ra mương. Cóc nhái nghe hơi nước chảy qua chui ra khỏi hang thi nhau nhảy xuống dòng nước mát bơi, ọ ẹ.

Bảy Niễng ra đàng mua đồ ăn sớm, thấy Hai Gù tát ao một mình vừa cười vừa hỏi nửa đùa nửa thật:

- Siêng tát nhác câu. Khó chịu trong người anh Hai không ngủ được, dậy tát ao sớm phải không?

Xưa rày Hai câu có được con cá nào đâu. Không ít người hỏi câu gì, Hai trả lời, cá trê. Ai cũng cười: Cá trê vàng thì có!

Lúc Hai Gù đấu tá, một năm hai ang lúa. Hàng xóm tròn mắt rằng Hai Gù bị làm sao tự nhiên tá nhận cái ao không, một hố bom thì đúng hơn. Sen súng bay sạch, nước ao lẫn thuốc bom đỏ lòm, chẳng nuôi được cá chẳng trồng được rau muống, lại có người chết…

Người ta chỉ xì xầm còn Bảy Niễng oang oang không khác loa phóng thanh đầu ngày làm Hai giật nảy cả mình. Dường như đoán được thâm ý của Bảy Niễng, chờ tiếng chân bước qua sau lưng, Hai mới quay mặt lại, thủng thỉnh:

- Tui già sức lực đâu còn. Nếu không tui đã qua nhà cô từ lâu...

- Vậy mà cứ chờ anh qua, đêm nào tui cũng để cửa…

- Để đó!

Hai hù, Bảy cười rần rật. Cắp giỏ bước chân thấp chân cao. Lúc nhỏ Bảy tới nhà giàu giữ em kiếm cơm. Trẻ nhà giàu đứa nào đứa nấy ú na ú nần. Bồng hết đứa lớn tới đứa nhỏ, Bảy bị vẹo hông. Niễng. Cũng do niễng, khi bom dội trước ngõ Bảy chạy không kịp, bị hất ngã chúi nhủi, chảy máu lỗ tai. Bảy bị thương ở tay, thủng màng nhĩ. Màng nhĩ tai kia cũng mém thủng. Bảy Niễng sợ người khác không nghe rõ như mình, nói như loa phóng thanh.

Hai vừa giật dây gàu vừa nhìn theo bóng Bảy Niễng chấm phẩy khuất dần trên con đường giữa đồng lúa chín vàng ươm. Ông dừng tay, nới dây gàu đầu kia thêm một chút. Nước đã lưng xuống một gang tay. Tát đều như vầy, qua trưa sẽ cạn.

Thấy tát ao, con nít xúm tới chơi, chờ coi bắt cá. Thằng Tí thằng Tèo còn đem theo rổ và giỏ bắt cá giấu trong bụi cây. Lúc lâu, ao vẫn chưa cạn, chúng đi lượm trái mù u rụng bóc lấy hột mài cuống đào lỗ bắn bi hầm. Bi u va lốc cốc, tiếng cãi nhau um sùm. Chợt có đứa reo lên:

- Tàu bay kìa!

Máy bay từ phía hòn Tàu bay tới, nổ giòn trên bầu trời đầy mây trắng, nền trời xanh lè lè. Đám trẻ tạm dừng bắn bi, ngửa cổ nhìn lên. Chiếc chong chóng dài trên lưng máy bay quay xoành xoạch theo chiều ngang. Chong chóng nhỏ đằng đuôi cũng quay tít, nhanh hơn chong chóng lá mít. Thằng Tí tỏ vẻ hiểu biết nhưng cà lăm nên ngắt nga ngắc ngứ:

- Trực… trực… trực thăng!

Ngọng hay nói. Thằng Tèo cười chế giễu làm cho cả đám ôm bụng cười theo nắc nẻ. Chợt Tèo cao hứng nói to khi máy bay khuất sau cánh rừng cồn Cao:

- Lớn lên tao sẽ đi tàu bay.

- Còn lâu! Ông nội tao nói ổng đi tàu bay hoài chưa nói chi.

- Ông nội mày đi hồi nào?

- Mỹ xúc.

- Xì. Mỹ xúc cũng làm bộ ngon!

Ông Hai bật cười. Lúc bằng thằng Tí thằng Tèo ông cũng bị Mỹ xúc mấy lần. Trực thăng không đủ ghế, ngồi nhốn nháo trên sàn. Cánh quạt xoàn xoạt. Cô Út nhà bên bay cùng chuyến, ngồi cạnh thì thầm:

- Rủi tàu bay hết xăng hay bị bắn, rớt xuống chắc gãy cổ.

Hai quay qua dòm Út, trừng mắt:

- Ưng đi máy bay lại cứ nói tầm vơ tí vửng không à!

Út lấy tay bụm miệng vì lỡ lời. Bàn tay hồng nhuận mềm mại, ngón tay thon dài. Đôi mắt to tròn đen láy liếc Hai một cái sắc lẻm. Duyên thật duyên. Đôi má ửng đỏ, Hai lấy ngón tay bịt tai, nhìn qua cửa. Đồng ruộng, mái nhà hàng tre trôi về phía sau. Có con trâu nhà ai vụt chạy vào vạt rừng trốn, quýnh cẳng cong đuôi, bó lá cổ cò ngụy trang cột trên lưng rớt lại đằng sau. Máy bay xúc xuống vùng tạm chiếm, Hai cùng Út lội bộ về. Thấy vậy, lính gác hỏi:

- Bỏ quên đồ hả?

- Đồ đạc chi, về để được đi tàu bay lần nữa.

Lính trạm thấy Hai bị gù, không khám xét. Tật nguyền cũng có cái lợi. Lợi chứ chưa chắc may. Một bữa trời chập choạng tối, Hai Gù bị toán phục kích bắt. Nhanh chân Út may mắn thoát được, chạy về trước. Tên chỉ huy mắt xanh mũi lõ rít qua kẽ răng: “V.C ?”. Lính nhảy tới đá vào đầu gối bôm bốp, phang báng súng vào lưng gù tới tấp. Hoạt động bí mật hả? Đi đâu đêm hôm lén lút? Mang ba lô, không tài liệu mật cũng gạo mắm muối tiếp tế. Không phải. Không phải! Hai kêu lên. Tay bị đánh tê liệt không cởi được áo. Hai ráng sức bò, trườn. Chối hả? Giày thúc vào hai mạn sườn. Hai bất tỉnh, nằm sấp như con rùa bị cắt chân. Một tên bước lại rọi đèn pin, lấy nòng súng hất hất lưng áo. Cái lưng gù bầm đen, đầm đìa máu.

Lính hất Hai ra vệ đường. Khuya, Út quay lại tìm kêu ơi kêu hỡi. Gặp Hai nằm trên đám cỏ, Út dìu về thấm khăn ướt lau rửa vết thương. Hái lá giã muối hột băng bó, vài tháng mấy đốt xương sườn mới lành. Lưng Hai càng gù thêm. Sau trận đòn thừa chết, Hai chỉ ở nhà. Út phát hiện hai núm trên ngực nhú cao, bầu ngực lớn dần tròn trịa nở nang chợt sợ đám lính không dám đi máy bay nữa. Ngày họ tránh bom, đêm thức dậy làm ruộng vườn. Bà con chòm xóm bị xúc đi gần hết, ruộng đất bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm. Hai cùng Út ở lại tha hồ làm ruộng. Bắn nhau cứ bắn nhau. Bom nổ cứ nổ. Ruộng đồng được cày cấy vào ban đêm, lúa vẫn tươi tốt xanh rì.

Hai xin tham gia du kích địa phương. Tổ chức nói lưng gù bị đuổi chạy sao kịp. Không đi du kích, địch đến, không súng đạn sao đánh lại nổi. Chẳng lẽ đánh bằng hột mù u? Sùng máu, Hai ngửa mặt lên trời chửi: “Đ.M, đánh nhau cũng chê người xấu. Để đó!”.

Út thì khác. Hai lưng gù nhưng cần cù chịu khó, cô đem lòng thương. Hai chạy qua đào giùm chiếc hầm cho gia đình cô. Họ đào hầm dưới lùm tre gai tránh canh nông và bom đánh sập, lính đi càn cũng không thể tìm ra. Họ bắt chước cách dế đào hang nhiều ngóc ngách, bịt lối này có thể thoát lối kia. Ban ngày đào, ban đêm mang đất sét ra đổ ngoài ruộng, lấp bùn lại. Đến mùa lúa chín, đêm đêm, Út ra đồng gặt phụ Hai Gù. Rủ rỉ rù rì, nói cười khúc khích. Út trụ bám chăm sóc cha mẹ già. Tuổi già sợ bị trực thăng xúc. Niềm vui của ông bà lộ rõ trên khuôn mặt nhăn như tấm rèm cửa. Gái lớn không lo lấy chồng, có ngày lính bắt. Lễ cưới chỉ một con gà trống choai, nồi xôi và đĩa muối đậu phụng. Không bị bắt quân dịch cũng chẳng được tham gia du kích, Hai Gù lấy được cô Út xinh đẹp hiền lành.

Tổng tấn công Mậu Thân, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bị giáng một đòn choáng váng. Họ ra sức giành kiểm soát lại những căn cứ trọng yếu. Thế trận căng hơn dây đàn. An ninh thắt chặt, giờ giới nghiêm được đặt ra. Vùng xôi đậu, ban ngày quốc gia kiểm soát, tối đến bộ đội từ rừng chui ra từ đất chui lên. Tranh chấp từng tấc đất, đêm đêm súng nổ đì đoàng, thuốc súng khét lẹt. OH13 lùng sục bất kể ngày đêm, bay sát ngọn cây luồn lách vào cả những hàng tre dọc bờ sông tìm người, bắn phá. Một tên cầm lái một tên điều khiển đại liên 30 li, con chim con gà cũng không thoát. Chúng bay ngang nhà nào nghi ngờ tiếp tế, cất giấu bộ đội liền quay đít thổi tốc hết mái. Có khi tàu rọ bay trước, phát hiện mục tiêu liền thả pháo hiệu, mươi phút sau có HU1A bay tới đánh bom theo tọa độ. Nếu không HU1A cũng khu trục AD6 hoặc tiêm kích bổ nhào. C130 không thèm bổ nhào nhưng bắn 20 li có đầu đạn nổ lại, rải chất độc. Chất độc làm cây cối chết ngất huống chi người. Chất độc hàng trăm năm không phân hủy hết, ngấm xuống nước ngầm gây ung thư dị tật… Chẳng ai nghĩ xa, giữ được mạng sống đã quý lắm rồi.

Nghe tiếng máy bay thả bom, dân làng chui xuống hầm hoặc ra đồng trốn. Nơi trống trải nhất sẽ an toàn nhất. Núp vào mé bờ ruộng, chui xuống bùn, chỉ để lòi lỗ mũi và mắt. Bom nổ trái trúng trái không còn tàu rọ thoắt ẩn thoắt hiện không trở tay kịp nên mới có vè:

Không ai không ghét

Ghét đắng ghét cay

Ghét chiếc tàu bay

Hay đi dò xét

Lấm la lấm lét

Sục sạo dưới trên

Tiếng máy vang rền

Cầu Chìm Non Trước

Bay lên thì được

Nhưng xuống chẳng yên

Súng ta nổ liền

Tàu bay bốc cháy

Hết đời táy máy

Hết liếc hết rà

Hết rên hết la...

Tinh mơ, Hai Gù đang đào khoai lang ngoài vườn bỗng máy bay tới lượn trên đầu. Một vật gì đó rớt phía sau tựa trái mít non rụng. Quay lại thấy khói hiệu nghi ngút. Không chờ máy bay quay đầu, Hai nhào tới cuốc đất lấp lấy lấp để, trở cán dện lưỡi cuốc bình bịch. Đất khô, khói vẫn bốc lên. Bí quá, Hai cởi chiếc quần đang mặc trùm kín, lấp đất đè lên. Lấp xong Hai còn trật chim đái thêm một bãi.

Đang đái dở, khu trục đã bay tới, gầm rít. Hai ba chân bốn cẳng chạy xuống hầm núp, ló đầu lên dòm. Máy bay quần thảo mấy vòng, chắc không thấy khói hiệu mới lượn vòng xác định mục tiêu. Bom đã mang đi không thể không đánh. Nếu không có mục tiêu chỉ còn cách thả biển trước lúc quay về căn cứ. Thả đại. Hai mươi ba tiếng nổ. Đất trời rung chuyển. Đồng ruộng xới tung, cây vườn ngã rạp, đất đá văng rào rào, khói bụi mịt mờ. Núp trong hầm vẫn ù tai nhức óc. Sao không phải là hai mươi bốn? Mỗi máy bay chở bốn hoặc sáu trái bom. Chở lẻ bay sao được. Chắc một trái bị lép. Công nghệ tối tân còn chế tạo bom thúi bom lép. Một trong hai mươi ba trái rơi trúng ao Sen. Không đánh mục tiêu, thả xuống ao làm gì?

*

* *

Mẹ của Hai đem đứa con sáu tuổi đổi được một ang lúa. Bà lấy chồng khác, xuống vùng tạm chiếm sinh sống. Ở nhà xã Tú, Hai giữ trâu gánh nước. Giếng dưới chân đồi, nhà tít lít trên cao. Hai đầu gánh hai mo đài cau chúa đầy cơi. Miệng mo rộng, nghiêng một chút nước đổ. Gánh lâu đầy hai ảng đất sẽ bị ăn roi. Mông Hai chi chít sẹo roi mây cám. Ngày ngày Hai khom lưng gánh nước, chống một tay bò từng bước mặt dán xuống đá lót ngõ. Gánh nặng lâu ngày, lưng gù lúc nào không hay. Chúng bạn chọc: Ai cõng ba lô. Lủ đủ lù đù. Ấy là thằng Gù. Chúng bạn nói với nhau sẽ không cho Gù chơi chung. Gù làm việc không ngơi tay đâu có thời gian để đi chơi. Lúc hốt phân trâu ngoài ngõ, khi giẫy cỏ vườn sau. Giữ trâu gánh nước thì chớ khi ở nhà nghe văng vắng bà Tú kêu giật ngược theo thói quen. Giống trong một vở tuồng, tướng ra sâu khấu luôn miệng làm oai: “Quân sĩ đâu?”. Đáp lại “Quân sĩ đây”. Gù đang đóng vai quân sĩ. Nhiều lúc Gù hầm hực: “Quân sĩ đi giữ trâu rồi!”. Làm gì thì làm, Gù phải luôn gióng tai nghe ngóng. Có lần Gù đang quét ngõ chợt bà Tú kêu:

- Thằng Gù đâu?

- Dạ, con đây…

Gù bỏ chổi cau ù té chạy, vấp hòn đá té chúi nhủi. Nhìn quanh chẳng thấy bà Tú đâu. Chiếc lồng mây treo ở đầu hồi, con sáo đang thu mình núp sau lọ thức ăn, im thin thít, hé mắt dòm Gù. Gù nhìn ngón chân cái tróc móng rướm máu, dứ dứ nắm đấm lên phía lồng, nghiến răng, mặt hầm hầm:

- Để đó! Mày coi chừng tao…

Minh họa: NGUYỄN ANH VŨ

Trưa vắng, Gù ra vườn hái ớt giấu trong bị áo, tối về sẽ bỏ vào lọ thức ăn. Ớt rài cay xé cổ. Chim sẽ bỏng họng, rách lưỡi chẳng thể bắt chước tiếng bà Tú chọc Gù. Chiều đuổi trâu ngoài đồng, từng bầy cào cào châu chấu bay rào rào. Gù bứt một bông cỏ chát thắt ngọn làm xâu, bắt cào cào châu chấu ngắt cẳng càng xâu vào cái yếm trên cổ. Chẳng mấy chốc đã đầy xâu. Quấn xâu vòng quanh trên chiếc nón cời, ngắt một bông cỏ chát khác…

Lừa trâu về, Gù mới ló lên đầu ngõ, tiếng sáo líu lo:

- Anh Hai đã về. Anh Hai đã về…

Gù mỉm cười, huýt sáo. Đóng nêm cổng chuồng trâu chắc chắn, Gù thò tay ngang vành nón, ngắt nửa xâu châu chấu liệng lên nóc lồng. Vừa mổ kéo xâu cào cào vào lồng, sáo cất tiếng:

- Cám ơn anh Hai. Cám ơn anh Hai…

Gù bỏ quên mấy trái ớt chuột trong bị áo. Hôm sau giặt, lúc vò áo ớt nát nóng đỏ cả hai bàn tay. Ngày nào giữ trâu, Gù cũng bắt chấu cho chim. Nghe con sáo giả tiếng mình chọc Gù, bà Tú phun bã trầu phù phù vào lồng chim rồi ít kêu Gù theo thói quen nữa.

Ăn ít làm nhiều, Gù còi xương còi thịt. Gù mười ba tuổi, ông Xinh - người bà con xa - đến xin chuộc về. Xã Tú ngồi bắt chéo chân trên chiếc ghế dựa ngoài hiên:

- Chuộc hả, dễ thôi. Một con trâu.

Người bà con tròn mắt. Chắc ngài chỉ nói giỡn cho vui.

- Nó mồ côi ốm yếu lưng gù. Bác thương tình cho nó về chữa bệnh gù bẩm sinh…

Bà Tú ngồi trên đà cửa, nhả miếng trầu, lấy ngón tay cái và ngón trỏ vuốt khóe miệng luôn tiện ngáp dài một cái, tỉnh ngủ:

- Đúng, nó gù bẩm sinh. Nhà tao hay thương người mới cho chuộc rẻ đó. Thôi dứt giá: mười ang gạo.

- Bớt thêm chút ít được không hai bác?

- Không chuộc thì về đi. Nó được ở nhà này là may phước lắm rồi. Lúc trước nhà tao không cứu, mẹ con nó đã chết đói nhăn nướu!

Lúc ra đi lưng thẳng, đổi được một ang lúa, lúc về gù tới mười ang gạo. Không có gạo thì đồng giá một con nghé. Về nhà ông Xinh ở, Gù không phải làm gì nặng nhọc. Nghé đã đổi Gù mất rồi. Đến mùa gặt, Gù đi mót lúa. Bắt cá bắn chim, cổ lúc nào cũng đeo cái ná. Gù cảnh giới truyền tin cho du kích. Lớn lên Gù sẽ tham gia du kích, lúc đó Gù không thèm đeo ná vì sẽ có súng.

Sau Mậu Thân, chiến sự càng khốc liệt. Lính được điều về đóng quân trên các điểm cao chiến thuật đông đen. Bàng Thùng, Hòn Già, Dương Là, Hòn Chiêng... súng ống đạn dược tập kết đầy kho. Sắp có chiến dịch lớn. Tiếng loa phóng thanh dụ hàng ra rả ngày đêm. Một chiều lất phất mưa, giỏ vịt lại đổ bộ thả quân. Mười tên lính cao to mặc áo mưa đen tiến về phía cồn Cao. Chừng gần một giờ sau lính rút. Đếm đi đếm lại, cũng đúng mười, không sót một tên. Chờ lính rút hết, cô Út ù chạy lên cồn. Nhanh chân để lượm thịt hộp bơ sữa bánh mỳ còn nóng.

Cô đang lom khom dáo dác tìm đồ ăn thừa trong bụi cây chợt nòng súng AR15 đen ngòm gí sát đầu. Hé mắt nhìn lên, mười tên lính đứng hàng ngang trên tảng đá, cười ha hả. Sao tụi mày rút hết rồi lại còn người đứng đây. Đếm lầm sao được đến những mười tên. Ma? Cô nhìn vào chân chúng. Ma sẽ không có chân. Những đôi bốt-đờ-sô to bè bó lấy ống quần rằn ri, đế cao su bám trên đá chắc chắn thế không thể nào là ma được. Không bắn cô Út, chúng lôi cô lên tảng đá, nhét giẻ vào miệng. Chúng đè cô ra thay phiên nhau từng tên một… Ráng chiều đỏ thẫm như máu.

Trời sập tối cô Út vẫn chưa về, Hai ráng bò lên cồn. Cô Út nằm bất động trên đá, máu chảy lênh láng từ khe giữa hai đùi. Dù đang bị sốt, Hai cố sức vác vợ về hầm, đánh dầu cù là, xoa bóp hoài vợ cũng tỉnh nhưng vẫn hay mê sảng, cứ ú a ú ớ. Cô Út không còn nói được. Bọn lính càn cắt dây thanh âm hay giẻ có chất độc gì khiến người bị cấm khẩu, Hai vò đầu bứt tai vẫn không thể nào nghĩ ra.

Hai Gù cũng nguôi ngoai khi cô Út mang bầu. Ngày nắng đào gốc dủ dẻ chặt nhỏ phơi khô, lên núi đốt than để dành cho vợ hơ hám khi sinh. Căn hầm được đào thêm một gian rộng rãi, lót cỏ khô mịn màng. Từng ngày, đứng ngồi nhấp nhổm, Hai mong ngóng đứa con ra đời.

Đứa trẻ da đen tóc quăn bện sát da đầu. Chui rúc trong hầm, sống thiếu ánh sáng mới đen đến thế kia? Hai sờ sờ lưng thằng bé, xương sống có gù giống cha chút nào không. Chiếc lưng dài thượt, tay chân đuồn đuỗn… Hai nén tiếng thở dài. Một hôm đứa bé giật mình khóc thét. Hai bò qua buồng bên. Đứa bé nằm có một mình. Linh tính có điều chẳng lành. Hai vụt chạy khỏi hầm, tìm kiếm. Trời tối như mực, mưa hơn trút nước. Tìm quanh vườn chẳng có, khuya khoắt mưa gió thế này lại đi đâu? Hai chạy ra ao Sen, vừa mới có tiếng nước vỗ vào bờ ao ồm oạp. Hai nhảy tùm xuống ao, hít một hơi dài lặn xuống đáy. Cô Út được kéo lên bờ, cơ thể vẫn còn âm ấm. Được xốc nước hà hơi thổi ngạt ấn ngực nhưng cô Út đã ngưng tim ngưng thở. Không thể cứu khi một người không còn muốn sống nữa. Chỉ có chết mới giải thoát được một kiếp người.

*

* *

Chiều, mây xám xịt. Bầy máy bay bổ nhào kéo tới thả bom. Không may cho chúng, pháo của tiểu đoàn cao xạ đã được kéo về dàn trận ở cồn Cao từ đêm trước. Nòng pháo giương lên khạc lửa. Một chiếc máy bay trúng đạn. Cháy rồi. Nó lao vào vách núi nổ tung. Quân dân túa ra hò reo vang dội cùng dòm lên trời. Chẳng có chiếc dù nào bung. Phi công đã tan xác cùng chiếc máy bay rồi cũng nên. Những chiếc còn lại bay vội lên cao vượt tầm đạn, quần thảo thả bom oanh tạc trận địa pháo. Đất trời rung chuyển, khói bụi mịt mù.

Hai bịt tai bò lên khỏi hầm. Một vật rơi ào xuống ngọn tre. Chiếc dù trắng bung ra. Thằng này có sạn trên đầu. Dù lưng bị kẹt hay nó sợ lộ không dám bung chiếc dù xanh đỏ, chờ rớt sát đất mới bung dù bụng. Bung loại dù gì rồi mày cũng bị bắt. Hai vác rựa nhào tới đốn phập gốc tre. Tre ngã, tên lính lái cũng ngã nhào. Ống chân vướng vào gai tre tứa máu.

Hai nhảy tới đứng thủ thế, giá rựa. Rựa mới mài bóng loáng, bén ngọt. Chỉ một nhát, cổ tên lính sẽ đứt đôi. Đột nhiên Hai ghìm cán rựa, nheo mắt nhìn tên lính lái. Hắn đang bị thương ở chân, máu chảy ướt đỏ ống quần, mặt nhăn nhăn, miệng méo xẹo hít hà. Hai lui lại một bước. Tên lính thò tay rút khẩu súng ngắn. Hai hoảng hồn nhảy lùi, nằm núp sau hòn đá. Hòn đá không lớn lắm nên cái lưng gù nhô lên, hơi cụ cựa. Nó có súng. Rựa bén mấy cũng không thể đọ lại súng. Chờ một lúc không thấy động tĩnh gì, hay nó lủi mất rồi. Hai ngóc đầu dòm thử. Tên lính vẫn còn đó nửa ngồi nửa quỳ cầm súng trên tay nhịp nhịp. Sao không bắn? Súng hết đạn? Quen đánh bom lớn, không thích bắn đạn nhỏ phải không?

Chờ cho con rùa ngóc đầu dòm mình, tên lính thẩy khẩu súng. Cú thẩy rất chính xác, khẩu súng rơi cách người nằm đó có một gang. Hai vồ lấy, mở chốt an toàn, bấm cò. Tạch. Súng giảm thanh. Mũi đạn găm trúng phá tung thân tre phía sau tên lính lái. Nửa cây tre đổ ập xuống. Vỏ đạn rơi cạnh chân, nóng hổi.

Hai nhào tới chĩa mũi súng vào ngực đối phương. Tên lính lái không thèm nhìn lại, mặt vẫn bình thản như không, sẵn sàng đón nhận cái chết. “Mày bảnh!”. Hai nhếch khóe miệng. Tên lính không bắn Hai thì Hai cũng không nỡ bắn nó. Giết nó sẽ không công bằng. Thà rằng Hai vật nó giật được súng, đằng này… Hai người đàn ông với nhau, cư xử cho đúng đàn ông. Hai lẩm bẩm, tự an ủi mình. Nó không thiết sống, bắn chi tốn đạn.

Hai khóa chốt an toàn cầm súng dớm bước bỏ đi. Chợt ông quay phắt trở lại. Dù sao nó cũng là một tên lính lái. Lính lái đã thả tấn tấn bom đạn, phá hủy làng mạc giết hại không biết bao nhiêu người. Một cái chết không thể nào chuộc hết những gì nó đã gây ra. Giả đò làm lơ để trốn thoát à. Đừng hòng. Hai Gù nhanh tay túm dây dù trói xấp ké hai tay tên lính lái ra phía sau, cột vào hòn đá. Để tên lính lái đó, Hai đi báo tổ chức và giao nộp khẩu súng. Mới mấy bước, Hai quay lại dòm thử. Tên lính lái đang cố hết sức bình sinh cuộn cùng hòn đá, giống con chuột tha quả trứng gà. Hai Gù chạy lại nhưng không kịp. Người và đá cùng lăn ùm xuống ao chìm nghỉm. Một vạt bọt trắng sủi lên. Hai nhíu trán hồi lâu, liệng khẩu súng xuống ao Sen. Thiên hạ thường nói, chết kiếp nào sẽ bắt người thế mạng kiếp ấy. Chẳng lẽ tên lính lái thế mạng cho vợ Hai Gù siêu thoát?

*

* *

Đạn pháo ì ầm suốt ngày đêm. Thằng Lai khát sữa, đói khóc khản tiếng sưng vù cả mắt. Không thể trụ bám được nữa, Hai bồng con xuống vùng tạm chiếm rồi bị kẹt luôn ở đó. Cuối tháng 4 năm 1975, quân giải phóng ào ạt tiến vào giải phóng tỉnh thành. Tin đất nước hoàn toàn giải phóng lan nhanh. Dân chúng đổ ra đường, cầm cờ hò reo. Hai Gù tay xách nách mang gánh gồng cùng đoàn người háo hức về quê hương làm ăn. Về đến nơi, quê đã đổi khác. Người làng Sơn Thắng đến chiếm nhà chiếm đất làm vườn từ lâu. Cha con ông nài nỉ xin dựng cái chái tranh bên hông chính căn nhà của mình sống nhờ lại còn bị hắt hủi, rằng Hai Gù theo quốc gia bây giờ vác mặt mò về còn không biết nhục. Hai theo quốc gia hồi nào? Nơi đâu chẳng là đất nước mình. Chiến tranh đã đẩy dân tình vào vòng khói lửa đạn bom cửa nhà tan tác gia đình ly tán. Dân đen chỉ muốn hòa bình tay cày tay cuốc áo ấm cơm no. Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài, đâu phải ai theo quốc gia cũng xấu. Các người không xuống được vùng tạm chiếm tránh bom đạn mới qua đây sống tạm đó thôi. Giải phóng tự do đi lại rồi sao không về quê cũ làm ăn. Ai chẳng có quê và mồ mả ông bà để hương khói. Gần hai năm sau ông Hai mới được trả lại nhà đất, cũng đúng lúc vào hợp tác xã.

Làm hết sức vẫn không đủ ăn, Hai khuyên con nên đi theo diện con lai biết đâu sẽ tìm được cha ruột. Nếu cha ruột chết trận cũng còn họ hàng thân thích. Không họ hàng nhà nước sẽ lo. Chính phủ bên ấy đang biệt đãi thân nhân lính tham chiến. Qua đó sẽ cơm no áo ấm, có điều kiện học hành thành tài. Lai lắc đầu nguầy nguậy. Một buổi đi học một buổi phụ cha làm rẫy ruộng. Chưa đủ tuổi nên Lai chỉ được tính công điểm bằng nửa lao động chính. Hết mùa màng, Lai mang bao cát đi lượm nhôm nhựa. Sau mỗi trận mưa, vỏ đạn mũi đạn niềng đồng lòi ra. Dân làng đổ xô đi lượm cũng đến ngày cạn kiệt. Hết đồng nhôm người ta thu mua sắt vụn. Lai đi lượm sắt vụn. Hết sắt trên mặt đất thì đào hố canh nông rốc két… Vùng đất lửa, đào bao giờ cho hết đạn hết bom.

Một đêm, mưa vừa ngớt chim ó ma bay về kêu lanh lảnh phía cồn Cao. Hôm sau cú kêu hồi ba trên ngọn mít trước nhà. Ông Hai vùng dậy lấy đù đày đỏ rực trong bếp ném con cú vô duyên. Vườn hoang không đậu bay đến đậu trước nhà người ta kêu bồi ba. Cú bay đi, ông vào chõng nằm lại không sao chợp mắt được, thức luôn đến sáng. Người trong xóm xôn xao. Mấy đêm nay cú và ó ma thi nhau kêu, nhất định có điềm dữ. Chẳng còn người già nào trong làng, chắc ó ma sẽ tha ông Hai.

Đang ngủ trưa bỗng có tiếng nổ long trời, ông Hai choàng tỉnh chạy ra sân. Ai nổ mìn phá đá, ai đánh cá dưới sông? Tiếng nổ gần lắm. Người trong xóm kêu thất thanh nhốn nháo cố xác định tiếng nổ hướng nào. Kia rồi, cột khói lẫn bụi đất bốc cao lên khỏi ngọn cây sau cửa miếu, cách ao Sen một quãng. Già trẻ chạy tới, bụm miệng để khỏi bật thành tiếng trước cảnh tượng kinh hoàng: Thằng Lai cùng hai đứa bạn đào nhôm nhựa trúng đầu đạn cối. Thịt xương vương vãi khắp nơi. Phải nhặt lại từng mảnh. Không phân biệt được đứa nào đành chôn chung một nấm mồ to. Có người nói là đầu đạn canh nông. Có người quả quyết rằng không phải canh nông canh niếc gì đâu, chính xác là trái bom lép thả cùng đợt với trái bom trúng ao Sen năm nào. Đạn bom dưới mặt đất vô số, biết ai đúng ai sai. Ông Hai khóc không ra tiếng. Hơn nửa đời sống cùng bom rơi đạn nổ, bị thương mấy lần chẳng sao, thời bình bọn trẻ lại mất mạng vì đạn. Hỏi sao ông trời già lại chơi ác vậy?

*

* *

Bao nhiêu lần trực thăng bay dọc bay ngang đưa người đến vùng cồn Cao tìm kiếm. Từng đoàn xe du lịch trắng muốt chở mấy chục người. Họ đến thuê dân địa phương đào, giần sàng tìm xương cốt. Cả tuần không thấy tăm tích nhưng họ vẫn không thôi hy vọng. Ai chỉ xác lính sẽ được mấy chục cây vàng, cả gia đình được bảo lãnh qua bên kia sống suốt đời sung sướng. Một cái xác phải bao nhiêu chuyến bay, bao nhiêu tiền của. Lính ngoại chết rồi sao vẫn có giá. Người trong đoàn xí lô xí là, thông ngôn nói lại rằng nếu họ không tìm được xác thì tiền tuất phải trả cho gia đình và thân nhân còn gấp mấy lần. Máy rà xương kêu tút tút khắp vùng cồn. Chiếc máy thật thông minh, gặp xương người sẽ hú. Mỗi lần người ta vác máy đi rà, ông Hai ra bờ ao Sen tụt quần ngồi đó. Thấy vậy, họ đều tránh xa.

Bẵng đi một thời gian, không thấy đoàn tìm xác lính đến vùng cồn Cao nữa. Chắc họ đã đi tìm ở những nơi khác. Ông Hai hay ra thăm ao Sen rồi về nằm gác tay lên trán. Hơi thở đã nặng nhọc, ông đâu sống được bao lăm nữa. Chết sẽ chấm dứt mọi thứ. Giữ hận thù sẽ còn mãi hận thù. Thù hận nên được hóa giải, giữ mãi nó làm gì. Tên lính lái này đã có vợ con chưa, nếu có, con nó chí ít cũng xấp xỉ thằng Lai. Nó cũng có họ hàng bà con thân thích. Người nào chết chẳng mong được trở về nơi cát bụi sinh ra…

*

* *

Bảy Niễng chấm phẩy về nhón chân dòm ao Sen vẫn chưa cạn hết. Bảy cười rần rật:

- Tui ra ngã ba, gặp tương bánh dầu ngon nên mua séc chén. Gửi bớt anh một ít kho cá đồng. À, luôn tiện mua cho anh cái bánh nậm, ủa lộn, bánh gói. Anh ăn đỡ đói lấy sức tát ao. Chiều, anh có bắt được nhiều cho tui vài con. Lâu ngày thèm cá đồng quá...

Miệng nói tay làm. Bảy sớt tương vào miếng lá chuối khô, bốc mấy cái bánh gói đặt lên hòn đá. Không chỉ cho Hai Gù, Bảy còn cho đám con nít mỗi đứa một cái bánh ít lá gai. Tự dưng bữa nay Bảy tốt tính quá. Bảy Niễng cũng sành nấu ăn thật, cá đồng kho tương ngon hết chỗ chê. Ngó con mắt Bảy nháy nháy, ông Hai cười tinh nghịch:

- Phiền cô quá. Đến tối tôi sẽ cho cô một con cá tràu đô!

- Anh làm gì bắt được cá tràu đô!

- Để đó!

Họ cùng cười giòn tan. Mấy đứa con nít chẳng hiểu gì cũng cười theo. Đi một đoạn Bảy Niễng ngoái đầu lại dặn thêm:

- Anh ăn bánh đi, kẻo kiến.

- Cảm ơn cô.

Chờ cho Bảy đi khuất, Hai Gù khoát khoát tay nói với đám trẻ:

- Trưa rồi, bọn bay về ăn cơm đi chớ!

- Dạ, ông Hai bắt xong nhớ kêu tụi con ra bắt hôi với nghe. Ông khoan trổ nước vô lại nghe ông…

- Về hết đi, chút tao sẽ kêu.

Mấy đứa nhỏ đào đất lấp bi u chỗ đất ướt để chiều ra chơi tiếp. Chờ bọn trẻ đi hết, Hai Gù chạy về nhà vác chiếc quách đóng sẵn ra bờ ao. Ông lội xuống ao hốt xương. Xương chân, xương tay, xương sườn, xương sống... Ông mò đến cái sọ, rửa rửa. Cái sọ trắng hếu, hàm răng hô trắng tinh, ông chợt mỉm cười. Răng hô cũng làm được phi công. Ông lượm từng chút xương nhỏ. Hơn nửa thế kỷ, bộ hài cốt vẫn còn nguyên. Người chết bao nhiêu tuổi cũng chừng ấy năm xương cốt tan thành đất. Xương cốt Tây cứng hơn ta? Hai lẩm bẩm, thuốc bom đỏ ngầu đắng nghét vi trùng nào sống được. Hòn đá tròn tròn cạnh đó, mớ dây cùng chiếc dù vẫn còn nguyên. Còn khẩu súng đâu mất?

Mò mò, phát hiện khẩu súng nằm phía dưới hòn đá, ông móc lên rửa bùn lau vào ống quần. Súng còn sáng bóng. Súng tốt thế này cũng thua trận. Ông kéo mớ dây dù. Có súng có dù, lính lái về bên kia cho trọn bộ. Hốt cốt nếu để sót vật gì người chết sẽ không siêu thoát.

Ông Hai lúi húi mò tìm thêm xương. Hòn đá vừa bị kéo hỏn chân bỗng lăn ù. Ông cố sức rút chân nhưng càng vùng vẫy càng bị đá đè chặt. Nước mội mạnh dần, ngập ngang bụng ngang ngực ngang cổ... Ông Hai la làng la xóm. Vừa thấm mệt vừa đói, tiếng kêu yếu dần… Máy cắt lúa dưới cánh đồng gầm è è át tiếng kêu yếu ớt, không ai nghe. Giấc trưa, chẳng ai qua lại ao Sen. Con nít ông Hai đã đuổi về hết rồi. Mấy cái bánh gói vẫn còn trên hòn đá, kiến bò lên bu đen.

Đang nắng trời chợt nổi mưa dông. Nước ao càng nhanh đầy. Có tiếng vỗ ồm oạp vào bờ ao giống đêm mưa to ngày trước. Ông Hai lắc đầu thở dài, mỉm cười trước khi nước ngập qua đầu…

Qua chiều, thằng Tí thằng Tèo chạy ra, dòm nước ao Sen đã đầy còn trách ông Hai thất hứa sao không kêu một tiếng. Thấy chiếc quách đựng bộ hài cốt, chúng kêu thét lên. Không kịp lấy giỏ, chúng chạy trối chết.

Không bao lâu, mấy viên bi u trong đất ướt nứt mầm lớn thành cây tươi tốt bên ao làng trầm tích

PVD V- Key Gibraltar 6.14

TRƯƠNG ANH QUỐC

-------

(*) Nước mội: Nước rỉ ra từ lòng đất.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)