Về phía cuối dòng

Thứ Tư, 03/12/2014 08:42

.ĐINH PHƯƠNG

Nắng ửng lên lúc đoàn người chuẩn bị xuất phát. Mặt trời phía xa đổ xuống đỏ au một màu máu, thi thoảng vài đám mây vẹt nhang để lại các vệt sáng trắng. Bầu trời xô xuống thấp, xám xịt, cơn mưa đằng đông nhô lên nhưng đợi mãi mà không có mưa. Tiếng xích sắt loảng xoảng chạm đất vọng ra bốn phía. Cùng tiếng xích là tiếng ngân nga của chuông nhà thờ chính tòa. Tai phải thính lắm mới tách bạch được tiếng xích, tiếng chuông. Lính hai bên áp tải mặt đằng đằng sát khí, chốc chốc lại đưa đầu súng gạt người đi trước vào lại hàng nếu người đó bước lệch ra ngoài vài bước, chỉ sợ đoàn người chợt bừng lên thức tỉnh lần nữa…

Tôi kể cho đứa cháu nội của mình nghe câu chuyện về Nguyễn Thái Học, một trong những lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng cùng các đồng chí của mình, tổng cộng mười ba người chịu án chém lên tàu giải đi Yên Bái. Lúc đó, tôi mới là đứa trẻ con mười tuổi, da đen nhẻm, tóc xoăn tít, vàng cháy. Nguyễn Thái Học là người chú thân thiết của gia đình tôi.

Đó là chiều ngày 16 tháng 6 năm 1930…

Kèn trên vọng gác thúc lên từng chặp dài báo hiệu giờ xuất phát đã đến. Hai cánh cửa sắt đen ngòm từ từ mở toang. Người cầm cờ Pháp đi phía trước. Đoàn người ngồi nhấp nhỏm trong sân từ sau bữa cơm trưa đồng loạt đứng dậy, uể oải xếp vào hàng, lững thững đi qua cổng chính. Người vươn vai hít thở cái mùi của tự do đang đến, người khác chít miệng nhổ nước bọt lẫn máu của trận tra tấn hồi hôm ra bên cạnh. Người đi cuối cùng đột nhiên ngồi thụp xuống, thọc tay bốc một nắm đất lẫn cát, sỏi vẫn còn ẩm vì trận mưa rào đêm trước đưa lên miệng chầm chậm, nhấm, hít hà, rồi truyền tay thẩy lên cho người bên trên. Nắm đất đưa lên đến người thứ sáu thì tên lính lê dương tóc màu hạt dẻ đi cạnh lấy tay hất xuống, đưa giày dẫm lên, di di, cười hô hố.

- Anh làm gì đấy?

Tên lính lê dương không đáp, miệng huýt sáo một bài hành khúc vui nhộn, nhấn nhá ở những nốt cao, nhìn chằm chằm vào người vừa hỏi. Người vừa hỏi nhìn lại, thách thức rồi ngồi thụp xuống lấy một nắm đất khác đưa lên miệng nếm rồi chuyền tay lên cho người phía trên. Người bên trên chuyền cho người trên nữa cho đến hết, nắm đất trở lại hòa cùng đất mẹ. Cái nghi lễ chia xa đất mẹ, chia xa Hà Nội chỉ giản dị thế. Nó thầm lặng, linh thiêng.

- Các anh vừa làm gì thế?

- Chúng tôi hôn tạm biệt đất mẹ.

- Tôi không hiểu? Ngày mai các anh mới lên máy chém.

- Đất mẹ giữ cho linh hồn chúng tôi vẹn nguyên, trinh trắng.

Người thứ sáu vừa đáp lời tên lính Pháp bằng thứ tiếng mẹ đẻ của hắn không phải Nguyễn Thái Học. Theo miêu tả lại thì nhà lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng trán hói, tóc thưa, đôi mắt thông minh. Trong khi người này cao, gầy, tóc dày, bờm xờm dài quá mang tai. Tên lính lê dương không hỏi nữa, vỗ vỗ vai người tù, đi thụt lại đằng sau như một người bạn sắp chia xa.

Lúc ấy, hắn chợt nhớ đến tập thơ Năm khủng khiếp của Victor Hugo xuất bản năm 1872 viết về công xã Paris trong tủ sách đa số bọc bìa da, lẫn cả tiếng Latinh, tiếng Đức, tiếng Anh cao ngất đến tận trần nhà của cha hắn. Trong đó có những câu mà hắn rất thích và cả sợ nữa. Những câu đã thúc hắn quyết tâm từ bỏ con đường chữ nghĩa trước mặt để rẽ ngang sang con đường binh nghiệp trong sự chán chường, thất vọng của cha. Ngày hắn đi, ở bến tàu, với hải âu bay rợp trời, với mẹ và em gái, mái tóc cha hắn bạc trắng buông dài trên vai, giọng trầm trầm đọc cho hắn nghe một câu trong bài thơ Những người bị bắn.

Người đàn ông nói với tên lính đang ngắm anh: Biệt li, anh nhé.

Hắn từng nghĩ, mình sẽ hy sinh vì nước Pháp, vì tổ quốc ở một xứ thuộc địa xa xôi. Hắn chưa từng nghĩ khác đi cho đến tận lúc này.

Từng người, từng người một trôi qua cửa địa ngục để đi mãi vào cõi bất tử của dân tộc Việt. Dòng chữ Nhà giam trung ương viết bằng tiếng Pháp, có nhiều vết rạn mờ ở giữa. Chếch qua trạm gác phía trái, vài người cố tình chạm vào bức tường bằng đá hộc như một vĩnh quyết cuối cùng, bên trên một người lính có vết sẹo dài nơi cổ nhìn thẳng ra trước không buồn nhìn xuống.

Người xem túa ra chật kín các phố. Nhiều nhà ở mặt đường lẫn trong ngõ, quen biết hay không quen biết một trong số mười ba người đi Yên Bái kia cũng mang vàng hương, hoa quả ra cúng lễ. Lịch sử Hà Nội mãi về sau này đã quên đi một cảnh tượng không bao giờ lặp lại. Trên các vòm cây loài chim sẻ cất tiếng lách chách tiễn biệt, âm thanh như tiếng thủy tinh vỡ. Phượng rắc lá vàng võ li ti. Hoa sữa trắng ngần đột nhiên bung nở, sấu non rụng lộp bộp xuống đường. Không gian quánh đặc một nỗi buồn. Người ta chỉ biết đến sự dịch chuyển của thời gian thông qua nhịp di chuyển của dòng người.

Lúc đoàn người đi qua trước mặt, đám đông nhốn nháo, hương từng bó châm lên, chuyền tay nhau cắm vào bát gạo, muối. Vàng mã đốt, gió bay tở ra khắp phía, khói cay xè. Nước mắt và gió, lem nhem vết tàn của tro dính trên má. Đoàn người vẫn đi trong nước mắt. Vài người trong nhóm mười ba người ngập ngừng dừng lại, mũi súng thúc vào lưng. Họ thấy trong đám người đến tiễn biệt kia một điều gì quen lắm. Là tình yêu chưa kịp ngỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Là mẹ già mãi mãi đợi con nơi miền xa thẳm. Là anh em, đồng chí, những người cùng chung một ước mơ độc lập cho nước nhà. Là nỗi niềm gửi lại cho đồng bào.

Nguyễn Thái Học ở đâu trong đoàn người?

Tôi len giữa khói hương, lưng người để tìm chú Học.

- Việt Nam muôn năm. Việt Nam… muôn…

Người đàn bà đứng trước hét lên nửa chừng rồi đột ngột im bặt, không ai hét theo, máu từ trán chảy ròng ròng xuống mặt bởi báng súng của tên lính khố xanh dẹp đường. Hai người bên cạnh xốc chị ta lên đặt vào chỗ mát. Im lặng lẫn sợ hãi. Tôi không còn thời gian để sợ, tôi phải tìm cho ra chú Học để khắc thêm dấu tích nữa vào kí ức non nớt của mình. Đồng thời, để về kể cho cô Giang tôi đã thấy người cô yêu thương giờ phút ấy thế nào. Mà đâu biết rằng cái niềm khoái cảm trẻ con ấy sẽ khiến cô đau khổ, day dứt thêm nhiều.

- Chú Học ơi?

Tôi gọi to lên. Chẳng ai đáp lại. Đoàn người cứ đi, lầm lũi qua các phố, đích đến là ga Hàng Cỏ. Bên cạnh là ánh ngày tắt dần, cạnh đấy là ánh đèn leo lét từ các ngôi nhà vạt ra, bóng người đi chịu chém lẫn với bóng người còn tự do. Đi theo đoàn người được phố nữa thì bị đẩy lại phía sau. Ga Hàng Cỏ còn đoạn xa nữa mới tới, tôi phải đến được đó trước khi đoàn người đến để xem chú Học ở đâu để nhắn với chú rằng cô Giang nhớ chú lắm. Trong bụng cô đã mang giọt máu của chú. Sinh ra, lớn lên, nó sẽ ghi lại lịch sử của những người sinh ra nó. Nếu nó không làm được, tôi sẽ ghi lại bằng lịch sử của kí ức tôi. Thứ lịch sử cá nhân khác nhiều với chính sử hay dã sử. Nó không bi hùng, không ca ngợi hay kết án. Lịch sử của tôi chấp chới thật giả, bên này lẫn bên kia. Sự kiện là các mảnh ghép trộn lại giữa nhiều sự kiện góp nhặt được, nếu đặt riêng, chúng vốn chẳng liên quan đến nhau. Còn nếu chính sử thì phải là như thế này:

Cháu giở sách ra đọc. Chiều ngày 16 tháng 6 năm 1930 Nguyễn Thái Học cùng mười hai đồng chí của mình được đưa lên đoàn xe hơi thuộc loại Fourgonnette đen bọc lưới sắt ngay từ trong sân trại, ngồi bên cạnh là lính vũ trang súng ống canh chừng nghiêm ngặt. Đoàn xe lướt nhanh qua đường Jean Soler rẽ ra đại lộ Carreau chạy thẳng ra đường Hàng Lọng, rồi rẽ tay trái thẳng tới ga Hàng Cỏ. Hai bên dọc đường đều có rất đông lính canh gác cẩn mật.

Nhưng tôi đang kể lại câu chuyện lịch sử theo kí ức của mình, có thể có những chi tiết sẽ không trùng với chính sử, miễn là đứa cháu nội chấp nhận người anh hùng tôi kể là có thật.

Cô Giang, người kể đến ở trên lúc ấy ngồi trên ban công tầng hai của một ngôi nhà giữa phố Hàng Lọng chờ đoàn người đến. Bên cạnh là mẹ. Mẹ khẽ lắc đầu nhìn sang cô Giang. Bụng cô Giang lùm lùm dưới lớp áo dày màu nâu sậm. Cạnh cô là buổi chiều đang cố vãn hồi chút ít ánh sáng để chuyển tiếp vào đêm sâu hút. Cạnh buổi chiều là tuổi trẻ đã qua. Cạnh tuổi trẻ đã qua là tay thông, trong có súng và bom.

Thời gian nóng rẫy như lửa.

Đoàn người vẫn chưa đến. Mắt cô Giang nhìn chằm chằm vào tán cây xanh bên kia đường.

- Đêm nay người ta đưa chú ấy đi, em tính sao?

- Còn tính gì nữa chị.

- Hay là…

Mẹ bỏ lửng câu nói, khẽ thở dài. Người đàn bà lạ đứng dậy, ra phía ngoài ban công, nhìn ra phía đầu đường, nơi đoàn người sẽ đến. Cô Giang mím chặt môi, mắt đỏ sọng, cái ý câu nói của mẹ tuy không nói ra nhưng cô cũng hiểu. Chẳng riêng gì mẹ, bao người khuyên cô nên sống, sinh con, nuôi lớn khôn báo thù nhà, đền nợ nước. Nhưng như thế thì lâu lắm, hai mươi, hai lăm năm nữa. Thời gian phủ mờ tất cả. Trong khi tuổi trẻ của cô sắp qua hết rồi, cô muốn mình sống và chết vẹn nguyên cho tuổi trẻ, cho ước mơ của mình, cho cả chú Học.

Về phía mẹ, mẹ biết, giờ có can cô không đi Yên Bái theo chú thì cô vẫn quyết đi, cô đã cân nhắc nhiều lắm. Cái ý cướp pháp trường đã rõ ràng, súng, bom trong tay thông kia. “Không thành công cũng thành nhân.” Cái chết giờ cũng là điều xem nhẹ. Chỉ thương cho cái thai trong bụng, nào đã kịp thấy ánh mặt trời mà đã đứng giữa ngờ vực của lựa chọn. Bên này là giờ phút quyết định sum họp cùng người mình yêu thương sớm giờ nào hay giờ đấy. Bên kia là khi cái giờ phút nồng nhiệt đã qua, cái đau thương nguội lạnh chỉ còn thất vọng.

Đứa con ra đời có thay thế được vị trí người đã sinh thành ra nó, hay lại là nguyên nhân của nỗi oán thán. Thà rằng…

Mẹ thoáng rùng mình.

Minh họa: Đỗ Dũng

Ba ngày nay cô Giang hầu như không ngủ, lúc khóc, lúc cười, lúc lại đột ngột chìm vào im lặng, chẳng chịu ăn uống gì. Mẹ phải luôn ở bên cô, trông cô như trông trẻ nhỏ. Chỉ sợ nhỡ ra cô làm điều gì dại dột thì phụ lời nhờ của chú Học. Lúc nghe tin chú Học gặp nạn, cô đáp xe lửa từ Yên Bái xuống toan vào cướp ngục ngay trong ngày. Cũng may cô Bắc âm thầm đi cùng chuyến tàu giữ cô lại. Anh em trong Đảng biết tình cảm của cô, biết kiểu gì cô cũng xuống nên cắt cử nhau túc trực, nhờ thế mới bảo vệ cô được an toàn giữa sự truy lùng ráo riết của quân Pháp.

Mẹ vẫn nhớ như in cái đêm trước ngày chú Học bị bắt ở ấp Cổ Vịt một tuần chú có đến thăm mẹ. Mật hiệu gõ cửa là ba tiếng mạnh, dừng, ba tiếng mạnh nữa, dừng, năm tiếng mạnh liền.

Tôi chạy tót ra mở cửa, đến vào giờ ấy chỉ có chú Học. Chú bế thốc lên, vùi mặt chú vào mái tóc lúc nào cũng ngai ngái mùi nắng của tôi. Mẹ đi ra nhìn ngang nhìn dọc xem có mật thám theo chú không rồi chốt cửa lại. Chú bế tôi vào ghế, đưa cho chùm bánh rợm. Không ăn ngay, tôi cầm chùm bánh với đặt lên tủ thờ. Chú Học nhìn bức vẽ truyền thần của bố tôi, vái ba vái. Bức truyền thần của họa sĩ già trong xóm Bình Khang, vẽ theo sự miêu tả của mẹ, vẽ đi vẽ lại gần hai ngày mới xong, lúc thì chưa giống cái mũi, lúc thì miệng, lông mày, khi thì mái tóc, gò má. Không thích lấy ảnh để thờ, các bức ảnh chụp từ lâu, lúc ấy bố trẻ quá, chẳng phải là bố bây giờ, cũng chẳng phải bố trong trí óc mẹ.

Bố chết giữa trưa, một ngày tháng tư mưa rả rích, năm một nghìn chín trăm hai mươi chín. Lính Pháp bắn chết ngay giữa phố và ghép bố vào tội giết tên Ba Gianh - nhà buôn Pháp. Mẹ đến lấy xác bố về mai táng không đổ một giọt nước mắt, chỉ cười, cười đủ tuần đầu, cười khi người thân, họ hàng đến phúng viếng. Đến ngày bốn chín thì khóc đủ một ngày một đêm rồi tháo khăn tang đốt đi, lại lao vào làm việc của Đảng, từ liên lạc, quyên tiền, móc nối mua vũ khí. Bố có giết nhà buôn ấy thật không? Chỉ có bố và chú Học biết. Ngày ba mươi tết Kỉ Tị bố đi từ sáng sớm, đến gần giao thừa mới về. Tiếng pháo đón giao thừa năm ấy trộn lẫn tiếng súng, hàng phố nhốn nháo, tiếng đập cửa, gào thét, bắt bớ, van xin.

Mẹ thắp một ngọn nến nhỏ giữa phòng, đun nước pha trà, mang ra một nải chuối tiêu trứng cuốc nhưng chú không ăn, cốc trà nâng lên hạ xuống, mắt hết nhìn vào ngọn nến lại nhìn vào bóng mẹ trên bức tường đối diện. Khói từ hai cốc nước bốc lên chao nghiêng khi chạm vào hơi nóng của lửa. Tiếng dế từ vườn ri rỉ vọng vào. Con la kéo xe phun nước, người phu gửi nhờ trong vườn thi thoảng lại gõ móng lộp cộp xuống đất. Nó có vẻ không cần nghỉ ngơi cho một ngày làm việc mệt nhọc đi hết từ phố này sang phố khác tưới ướt những đường lát đá lồi lõm, gồ ghề. Tôi nép bên mẹ ngồi nghe hai người nói chuyện.

- Chú đến muộn thế chắc có việc cần của tổ chức?

- Không có việc gì đâu, tiện đường đi ngang qua đây em rẽ vào thăm chị và cháu.

- Chú đừng giấu tôi. Nhà tôi hi sinh vì nghĩa thì còn tôi và cháu nó. Có việc gì cần chú cứ nói. Cả tính mạng này, nếu cần tôi cũng xin được hiến.

- Không, thật là không có việc gì.

- Tôi thấy chú dạo này gầy và xanh quá. Chú là linh hồn của Đảng, còn chú là còn tất cả, chú phải cố lên.

- Em sợ mình đang sai lầm. Bao nhiêu người chết rồi chị có biết không? Người ta còn khuyên em lánh ra nước ngoài để tránh sự truy bức, để hưởng lấy an lành. Nhưng đời nào em lại đi hả chị, em còn phải đền ơn nước, còn phải báo thù cho các đồng chí đã hi sinh. Bảo nhận lấy cái chết để tạ cái ân nghĩa tín nhiệm của quốc dân đồng bào thì em xin nhận. Còn nhận lấy cái sống mà bỏ mặc mọi người lúc gian khó, nước sôi lửa bỏng thì xin miễn đi.

- Ừ, chị biết tấm lòng chú mà. Thôi, ăn chuối đi, ngọt lắm.

Chú Học không ăn, chú lại nhìn cái bóng của mẹ trên tường, tay di vệt nến vừa chảy xuống bàn cho loang rộng ra thành hình chữ nhật. Rồi chú cũng nói được cái lí do chú đến hôm ấy là vì cô Giang, nhờ mẹ chăm sóc cô Giang ngộ nhỡ chú có chuyện gì. Nhưng tôi không biết chú nói điều ấy lúc nào, ngủ thiếp đi, sáng hôm sau khi tỉnh dậy chú đã đi rồi. Mẹ đang ngồi đan áo bên mép giường nhìn xa xăm qua cửa sổ. Chiếc áo mẹ đan mùa xuân năm ấy cho chú Học bỏ dở nằm trong đáy tủ, thiếu mất hai cánh tay. Cái cuộc gặp gỡ mang điềm gì đấy chẳng lành. Đứng dậy vào thắp hương, bát hương bùng bùng cháy. Mẹ buồn rầu đợi chân hương cháy hết, tro nguội đi rồi gói bát hương mang ra sông thả. Tôi không được đi theo, buồn quá, tôi không biết bát hương chìm ngay hay nổi mà trôi đi thêm quãng nữa. Kí ức cá nhân vì thế mà khuyết đi một mảng. Sau này, tôi không biết lấy gì bù vào quãng đấy. Trách mẹ sao không cho đi theo. Nhưng lúc biết trách thì mẹ đã mất rồi.

Tuần sau mẹ được một đồng chí trong tổ chức báo chú bị bắt đang giải về Hà Nội. Người này cho biết thêm chú Học có súng lục trong túi, chú không bắn ngay lũ phu tuần khi chúng hỏi thẻ. Chú cũng ném bom, xong cốt cho bọn chúng sợ, ngờ đâu... Cùng bắt với chú có sư Trạch nữa, sư Trạch bị chúng bắn què chân, còn chú chúng đánh gãy tay. Sư Trạch sau này bị đày sang Inyny và tự sát ở đấy.

Trở lại ban công phố Hàng Lọng nơi cô Giang đang ngồi đợi chú Học.

- Đến rồi.

Có tiếng người reo lên.

- Em đi chị ở lại mạnh giỏi.

Nói xong, cô Giang bật đứng dậy. Đoàn người lầm lũi tiến đến, cờ Pháp bay phấp phới, bụi phủ một góc trời. Nhổ nước bọt xuống dưới đường, cô Giang lùi lại lấy tay thông khoác vào vai rồi bước nhanh xuống cầu thang. Mẹ không đuổi theo cô, vì biết cô ra ga Hàng Cỏ để đáp tàu lên Yên Bái cho kịp buổi sớm mai. Cho kịp thấy chú cùng các đồng chí của mình từng người lần lượt tiến lên máy chém. Cho thấy cái dự định cướp phá pháp trường tan vỡ như bọt bóng bởi bọn lính canh đứng đông không cho tới gần.

Cháu đọc tiếp. Sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930. Nguyễn Thái Học lên máy chém sau cùng. Trong giờ phút cuối cùng ánh mắt vẫn hướng về dòng người như đang tìm kiếm một ai đó?

Cháu nội vẫn muốn lần giở, so sánh giữa câu chuyện trong kí ức của tôi với chính sử. Đó là việc của cháu. Mà cháu có biết quê Nguyễn Thái Học ở đâu không?

Làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Buổi chiều hôm ngày chú Học bị giải đi Yên Bái có một người đàn bà trở dạ.

Người trở dạ là Nguyễn Thị Cửu, vợ đầu Nguyễn Thái Học.

Sao ông biết chuyện này?

Trí tưởng tượng quan trọng lắm.

Cách đấy hơn ba năm cũng trong một buổi chiều khác, chú Học từ Hà Nội về xin cha mẹ cho li hôn với người vợ được bố mẹ sắp đặt lấy từ hồi trẻ con. Lúc ấy, cái ý chí lập Đảng đã rõ ràng, chú muốn dứt bỏ hết các phiền lụy đến người thân. Mà người đầu tiên không muốn phiền lụy chính là người vợ đang sống cùng cha mẹ ở quê.

- Ý con đã quyết thế.

Người đàn bà ngồi trong góc phản nghe câu nói rõ mồn một, chưa biết phản ứng thế nào, nên buồn hay vui. Phía ngoài sân mấy con gà con đang đùa với chút nắng ít ỏi rơi từ trên cây hoa hòe xuống. Da trời xanh ngắt, tít trên cao mặt trăng mờ mờ, đêm xuống, trăng hẳn rất sáng.

Đêm xuống, người đàn bà chuyển dạ với các cơn đau âm ỉ, lúc nhanh lúc chậm, khi tưởng như nỗi đau ở đâu xa lắm, lúc lại ào ạt kéo đến. Bà đỡ làng bên được gọi sang từ chiều loay hoay bảo khéo mà đẻ ngược thì khốn. Người chồng đứng bên cạnh thỉnh thoảng lại lay cúi xuống cầm tay lay khe khẽ, chỉ sợ vợ mình chợt ngủ thiếp đi rồi không thức dậy nữa. Trong nhà có bao nhiêu đèn đều thắp lên cả, còn mượn thêm cả đèn của mấy nhà xung quanh. Cũng may, đêm trăng rất sáng, càng về khuya càng sáng, trăng sáng khiến cho ánh đèn phía trong thêm rạng ra hơn. Trong cái đau thấu từng nhịp thở lẫn cảm giác khi cử động, nửa tỉnh nửa thức người đàn bà thấy trăng đậu trên bụng mình, nhảy múa theo một điệu rất quen rồi biến mất. Về sau cứ mỗi lần nhớ lại đêm ấy người đàn bà đều nhớ đến trăng, hình ảnh trăng rất rõ, cả góc di chuyển từ chân giường lên đầu giường. Mấy lần trăng bị mây che khuất. Mấy lần trăng rọi thẳng vào bụng người mà nhảy múa. Lúc nữa trăng đi đến một góc khác để hoàn tất một đêm cũ kĩ.

Cũng trong đêm ấy bà Nguyễn Thị Cửu mơ giấc mơ về tàu hỏa. Bà Cửu thấy mình đang ngồi trên tàu. Bên ngoài ô cửa sắt trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng giữa trời, nhễ nhại buông sáng gieo trên từng thửa ruộng, từng tán cây, thi thoảng lại có con thú nhỏ chạy ra tò mò nhìn tàu trông đẹp mắt lạ. Đối diện là người chồng cũ từng bị truy nã và đang bị bắt giam ở Hỏa Lò. Cạnh đấy là cô gái có lần đã gặp ở chợ huyện. Hai người nom rất hạnh phúc.

- Ra rồi. Con trai nhé.

Bà đỡ reo lên, bà Cửu chợt tỉnh giấc.

Giữa cơn lắc lư của tàu hỏa chú Học ước gì mình được thấy trăng lần cuối trong đời. Nhưng đêm ấy trời xầm xì rồi mưa, bầu trời phủ dày mây, trăng không lên. Các đồng chí đi cùng đều chìm dần vào giấc ngủ, tiếng ngáy đều đều hòa cùng tiếng bánh tàu nghiến xuống đường ray. Chẳng ai còn nghĩ đến cái chết rất gần chỉ sau vài tiếng đồng hồ nữa. Máy chém từ Hỏa Lò nghe nói đã được mang lên từ đêm hôm trước, lúc đi qua cổng nhà giam quên không nhìn vào góc sân rộng, bên phải, nơi đặt máy chém xem nó còn ở đấy nữa hay không. Mà xét cho cùng máy chém nào chẳng thế, bận tâm làm gì. Mối bận tâm duy nhất trong đêm từ Hà Nội lên Yên Bái của chú Học cũng không phải là về Đảng, cũng không phải là cô Giang mà là về người vợ cả tên Cửu. Mấy năm rồi liên miên bận việc của Đảng không biết cô Cửu giờ sinh sống, làm ăn ra sao. Gái quê, đã mang tiếng có một đời chồng, dù là chồng hờ cũng chịu nhiều điều tiếng. Mấy tháng trước mẹ có từ quê lên thăm cũng quên đi mà không hỏi.

Cô Giang tính đi chuyến tàu trước lên Yên Bái mà thành ra chuyến tàu sau. Bởi chuyến tàu trước dành để chở phạm nhân. Đi chuyến tàu sau, lòng như lửa đốt, mắt cô nhìn ra ngoài mà cô nào có thấy cảnh vật gì nữa. Chỉ một màn đêm đen tuyền phủ lấy mọi thứ. Đến Yên Bái, vội vã cô đến nơi diễn ra xử chém. Người ta đã chém đến người thứ mười một là anh Nguyễn Văn Chuân, anh chỉ kịp hô hai tiếng “Việt Nam…” thì bị tên lính Lê dương dứng cạnh bịt miệng lại không cho hô ra tiếng nữa. Người thứ mười hai là anh Phó Đức Chính, anh đòi nằm ngửa để xem lưỡi máy chém đưa xuống thế nào. Cô nhắm mắt lại, chỉ nghe thấy tiếng “Việt Nam vạn tuế” vẳng đến.

Người cuối cùng lên máy chém là Nguyễn Thái Học.

Theo người bạn thân của chú Học là ông Nhượng Tống viết lại, xem chém xong cô Giang về nhà trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh. Viết xong, ra chợ mua mấy vuông vải trắng, làm khăn để tang chồng. Buổi chiều, đi xe lửa sang Vĩnh Yên. Sớm hôm sau về địa hạt Đồng Vệ, cạnh làng Thổ Tang, vào thăm lại quán giữa đồng mà đôi vợ chồng son có lần cùng ngồi trò chuyện rồi tự vẫn ở đây bằng khẩu súng trao khi thề nguyền ở Đền Hùng.

Còn tên lính Lê dương sau này rồi sao hả ông?

À, ông đoán tên lính Lê dương sau này giải ngũ về Pháp tập tọng viết văn. Hắn chủ yếu viết về Hà Nội, viết về những người bản địa đã sống và đã chết do hắn hay bạn bè hắn. Truyện ngắn cuối cùng của hắn đăng trên một tập san ra hàng tháng của Pháp không có súng đạn, giết chóc, chỉ có một người đàn bà làm nghề chèo đò sống cùng đứa con nhỏ mới sinh được gần bốn tháng. Cho đến một ngày bão từ biển đột ngột ùa vào Bắc Bộ, trượt tay, người đàn bà để nước sông cuốn đứa bé đi mất, tìm mãi không thấy xác. Từ đó, chiều chiều, người đàn bà cởi áo vắt sữa mình xuống nước cho đứa bé uống. Sữa trắng chạm mặt nước ngàu lên, quyện phù sa chảy mãi về phía cuối dòng

Đ.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)